LÝ NHÂN DUYÊN VÀ BẤT BẠO ĐỘNG: Kiến và Hành của Phật Giáo*
Sáng 19.10.18, Chùa Vĩnh Nghiêm, Việt Nam
“Cái làm cho thiện hạnh thật sự là thiện hạnh
chính là do động cơ thanh tịnh.”
Tất cả mọi người tham gia lễ hội này đã tới đây với những động cơ khác nhau, những nỗ lực khác nhau. Nếu không có động cơ, không có nhân duyên thì có lẽ các bạn đã không ở đây vào lúc này. Nhưng có nhiều duyên, nhiều nhân đã đưa các bạn tới đây – những động cơ và nỗ lực của các bạn – cho nên các bạn đang hiện diện ở đây. Đó là kết quả của nghiệp, của các nhân duyên. Do bởi chúng ta cùng chung nghiệp này – cùng tụ hội nơi đây – nên chúng ta sẽ cố gắng làm cho mọi thứ có ý nghĩa, biến nó thành thiện hạnh.
Đạo Phật là một tôn giáo hết sức nỗ lực để hiểu tâm. Vì vậy nó có vẻ duy tâm. Chúng ta có thể nói rằng nó có vẻ duy tâm. Chúng ta đặt động cơ ở vị trí trung tâm, lấy động cơ làm nhân vật chính của tất cả mọi thứ. Tất nhiên, kiến và hành, trong khuôn khổ tư tưởng này của Phật Giáo, có nghĩa là cố gắng đạt tới một quả lành, cố gắng tạo lập thiện hạnh. Cái làm cho thiện hạnh thật sự là thiện hạnh chính là do động cơ thanh tịnh. Bởi vì chúng ta là những người rất bình phàm nên động cơ của chúng ta có thể không thù thắng, có thể không hoàn hảo. Nhưng chúng ta phải cố gắng hoàn thiện động cơ, làm cho động cơ của mình trong sáng bằng cách tu luyện tâm, bằng hiểu biết đúng.
“Chúng ta đặt mình vào nơi tốt nhất, vào vị trí trung tâm và nỗ lực làm bất cứ điều gì có thể làm được cho bản thân.”
Cái gây nên tất cả những bất ổn, hiểu lầm, khổ đau là cái tâm có tên “ích kỷ”. Vì bản chất của chúng ta là bình phàm nên chúng ta là những người rất vị ngã. Chúng ta đặt mình vào nơi tốt nhất, vào vị trí trung tâm và nỗ lực làm bất cứ điều gì có thể làm được cho bản thân. Chúng ta cố gắng hết sức mình để gây dựng hạnh phúc cho bản thân, làm cho mình được nổi tiếng, giàu có vân vân. Thế nhưng đây không phải là cách đúng đắn để tạo hạnh phúc cho bản thân, bởi vì khi cái ngã được đặt ở trung tâm thì chúng ta trở nên quá ích kỷ. Vì vậy, hãy tu luyện tâm bằng cách phát triển động cơ Bồ đề tâm, nuôi dưỡng tình thương yêu và lòng bi mẫn. Hãy giảm bớt bám chấp mạnh mẽ vào cái ngã. Hãy cố gắng giảm bớt tâm chấp ngã. Hãy cố gắng hiểu rằng đều quan trọng là: phải xem người khác quan trọng, phải nỗ lực làm lợi lạc cho mọi người.
“Chừng nào bạn còn là một người vị ngã
thì bạn còn nhiều phiền não, nhiều tham, sân, si, mạn, đố và vân vân.”
Bất cứ khi nào, với bất cứ lý do gì, mà ta hành xử một cách vị kỷ thì ta đều đang tạo nên rất nhiều bất ổn, vấn nạn cho bản thân, bởi vì chấp ngã là tư tưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của bản thân cá nhân và nó sản sinh ra rất nhiều độc tố, ô nhiễm trong tâm. Ích kỷ là nguyên nhân chính yếu tạo nên mọi loại cảm xúc tiêu cực, ngũ độc hay tam độc. Vì vậy, chừng nào bạn còn là một người vị ngã thì bạn còn nhiều phiền não, nhiều tham, sân, si, mạn, đố và vân vân.
“Chúng ta luôn thấy cái ngã tồn tại một cách độc lập.
Chính vì cái nhìn sai lầm ấy mà chúng ta nuôi dưỡng bám chấp vào tự ngã trong tâm mình, trong tim mình.”
Chúng ta luôn thấy cái ngã tồn tại một cách độc lập. Chính vì cái nhìn sai lầm ấy mà chúng ta nuôi dưỡng bám chấp vào tự ngã trong tâm mình, trong tim mình. Chừng nào chúng ta còn nhìn thấy cái ngã là tự-thân-tồn-tại, độc lập, thì ta vẫn còn tin rằng tất cả mọi thứ thực sự tự-thành. Và chúng ta không cố gắng để thấy chân tánh, thấy thực tại của vạn pháp. Chúng ta cứ tin rằng tất cả mọi thứ là chắc thật.
Vì lý do đó mà chúng ta thấy mọi thứ tồn tại độc lập. Và điều đó tạo nên bám chấp, tham dục rất mạnh. Tham dục có nghĩa là một cái gì đó mà chúng ta tin vào nó và tin rằng một cái gì đó thực sự tồn tại ở đó mãi mãi: nó được tạo ra bởi chính nó chứ không phải nương vào nhiều nhân duyên, nhiều yếu tố. Đó là cách mà chúng ta thường thấy, thường nghĩ về mọi thứ. Rồi chúng ta phát triển một thứ tập khí, một cách hiểu [cố hữu]: “Đó là cách tôi hiểu. Đó là cách [mọi thứ] tồn tại.” Đó chính là tập khí, là thói quen của chúng ta.
Tuy nhiên, khi Đức Phật chuyển bánh xe Pháp, đặc biệt là bánh xe Pháp Đại Thừa – Bát Nhã Ba La Mật – thì Ngài dạy rằng tất cả vạn pháp tồn tại nương vào nhiều yếu tố, nương vào nhân duyên tương sinh. Không có cái gì thực sự tồn tại hay có tự tánh, mà tất cả đều nương theo rất nhiều nhân duyên. Và mọi sự vật, hiện tượng đều không có tự tánh. Tất cả mọi sự vật hiện tượng đều không biết làm sao để sinh ra mà không phải nương vào nhân duyên. Chúng sinh ra nhờ nhiều nguyên nhân, nhiều thành tố, nhiều yếu tố. Điều này được gọi là nhân duyên tương sinh. Và một khi ta cố gắng hiểu được cái kiến của lý nhân duyên thì ta có thể thấy được vạn pháp thực sự tồn tại như thế nào, chúng có loại tự tánh nào, bản chất nào, chúng phát triển như thế nào, sinh ra như thế nào, xuất hiện như thế nào. Khi đó chúng ta sẽ hiểu rõ hơn chúng sinh ra như thế nào, vạn pháp hiện khởi như thế nào.
“Thứ nhất là kiến, thứ hai là hành. Kiến của Phật giáo là nhân duyên tương sinh và hành của Phật giáo là bất-bạo-động.”
Đạo Phật là gì? Cái gì làm nên đạo Phật? Có hai phần, có hai phương diện quan trọng khiến cho đạo Phật là đạo Phật. Thứ nhất là kiến, thứ hai là hành. Kiến của Phật giáo là nhân duyên tương sinh và hành của Phật giáo là bất-bạo-động. Vì vậy, một người tu Phật giáo, một Phật tử cần phải hiểu được hai phương diện quan trọng này. Người tu cần phải cố gắng hiểu, cố gắng áp dụng hai phương diện này. Thứ nhất là kiến: phải hiểu rằng mọi thứ đều sinh ra từ nhân duyên, từ các yếu tố. Thứ hai: bất cứ hành vi nào, bất cứ hành động nào đều phải rất an bình, không được gây hại mà phải an bình, hòa hợp.
“Rồi khi cái kiến của chúng ta đạt tới một tầm cao, thì danh vọng, của cải, quan hệ, tất cả những thứ đó trở nên giống như món đồ chơi.”
Khi ta hiểu rằng không có gì tồn tại tự thân mà phải nương vào nhiều nhân duyên, nhiều thành tố; và khi hiểu điều đó thật rõ ràng thì chúng ta có thể thấy tất cả mọi thứ giống như một giấc mộng. Bởi vì vạn pháp không có tự tánh để sinh ra từ tự tánh của riêng mình. Chúng phải phụ thuộc và nhiều yếu tố, nhiều nhân duyên. Vậy nên, mọi thứ đều giống như một giấc mộng; không phải là thực sự chắc thật mà chỉ giống như một giấc mộng. Vạn pháp sinh rồi diệt. Tất cả vạn pháp dời đổi phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn mọi thứ. Tùy thuộc vào cái kiến của chúng ta vạn pháp sẽ dời đổi. Ví dụ, khi còn là những đứa trẻ, chúng ta nhìn mọi thứ rất khác. Đồ chơi là một cái gì đó rất nhỏ bé. Đối với người lớn nó không là gì cả, nhưng đối với người bé, với con trẻ, chúng rất quan trọng. Khi món đồ chơi hỏng nó gây buồn phiền. Nó làm con trẻ khóc, nhưng chắc chúng ta thì cười. Bởi vì chúng ta hiểu rằng nó không quan trọng.
Rồi khi cái kiến của chúng ta đạt tới một tầm cao, thì danh vọng, của cải, quan hệ, tất cả những thứ đó trở nên giống như món đồ chơi. Các bậc hiền thánh thấy chúng ta chỉ là những đứa trẻ; chúng ta chơi đùa như con trẻ. Đó là về kiến. Khi kiến của chúng ta thay đổi thì vạn pháp đều thay đổi. Không có gì thực sự ở đó mãi mãi, theo một cách y như vậy, tình huống, giá trị y như vậy, mà mọi thứ thay đổi tùy thuộc vào cách ta hiểu, ta nhìn.
“Khi tâm hẹp hòi, bé nhỏ thì bất cứ cái gì cũng trở thành to chuyện.”
Cần hiểu rằng nguyên nhân chính khiến chúng ta là kẻ bình phàm, là vì chúng ta sở hữu nhiều thứ nhỏ bé, và đầu óc chúng ta rất hẹp hòi, bé nhỏ. Khi tâm hẹp hòi, bé nhỏ thì bất cứ cái gì cũng trở thành to chuyện. Bất cứ cái gì. Giống như đứa trẻ làm to chuyện chỉ vì món đồ chơi bé nhỏ. Nếu chúng ta muốn [tâm mình] lớn hơn, tốt hơn, cao hơn thì cần phải tạo nhiều không gian hơn trong tâm. Làm sao thực hiện điều này? Chúng ta chỉ có thể làm được điều này nhờ hiểu lý nhân duyên. Chỉ có con đường đó. Nếu chúng ta cứ tin rằng mọi thứ thực sự tự-thành, thực sự tồn tại [độc lập] thì không thể nào làm cho tâm chúng ta, kiến của chúng ta rộng lớn hơn, mà ngược lại ta chỉ càng bám chấp vào mọi thứ hơn. Tuy nhiên, nếu ta hiểu đúng hơn mọi thứ tồn tại như thế nào, thì chính điều này mở rộng tâm để ta có thể chấp nhận, hóa giải mọi thứ tốt hơn. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu tri kiến Phật, hiểu thực tánh của vạn pháp.
“Hy vọng đó đem lại rất nhiều sợ hãi trong tâm.”
Khi đặt quá nhiều lòng tin vào mọi thứ, cho rằng mọi thứ bên ngoài thực sự tồn tại, ta thấy cái gì cũng quan trọng, cũng quý giá. Hy vọng đó đem lại rất nhiều sợ hãi trong tâm. Ta nghĩ: “Ồ, tôi sẽ mất nó. Tôi bỏ nó lại, và ai đó sẽ cướp lấy nó.” Rất nhiều lo sợ. Và điều đó gây nên cảm giác bất an trong tâm. Tâm ta không yên ổn, nó phập phồng, trồi sụt, luôn lo lắng, sợ hãi và vân vân. Tuy nhiên, khi chúng ta cố gắng hiểu mọi thứ đúng, thì điều này sẽ làm giảm căng thẳng, sợ hãi đi rất nhiều. Bởi vì khi đó ta sẽ không cố gắng nắm giữ một cái gì đó thật chắc, do ta hiểu rằng không thể nắm giữ được gì mãi mãi. Mọi thứ đến rồi đi, tùy thuộc vào nhân, duyên, nghiệp, tùy thuộc vào kiến của chúng ta. Vì vậy, điều rất quan trọng là nghiên cứu cốt tủy giáo lý Phật. Cốt tủy của giáo lý Phật đà cho ta nhiều trí tuệ, nhiều lòng tin.
“Phật giáo là một truyền thống bất bạo động. Vì vậy, hành động của chúng ta phải hoàn toàn không gây hại, và trái lại phải rất an hòa, nhẹ nhàng, dịu dàng.”
Thầy đã giải thích chúng ta cần phải có loại kiến nào, phải hiểu như thế nào về vạn pháp. Điều này rất quan trọng. Phần thứ hai là hành bất bạo động. Phật giáo là một truyền thống bất bạo động. Vì vậy, hành động của chúng ta phải tuyệt đối không gây hại, và trái lại phải rất an hòa, nhẹ nhàng, dịu dàng. Khi chúng ta nói hành bất bạo động thì có nghĩa là hành động không chỉ đối với bản thân mà cả đối với người khác. Hành động phải luôn luôn an hòa, đó là lời Phật dạy. Vì vậy, chúng ta phải có một phương cách tốt để tạo nên hành bất bạo động. Cũng lại [phải đề cập tới] động cơ ở trong tâm. Để có thiện hạnh thì tâm phải thiện lành. Phải có tâm rất trong sáng, rất tốt lành thì mới làm được việc thiện, cử chỉ đẹp.
Chúng ta phải học cách tu tâm từ bi, tâm bồ đề để sao cho hành động của chúng ta chân thật hơn, nhẹ nhàng, an hòa hơn. Với động cơ là tâm bi, hành vi bất bạo động, hành vi thiện lành sẽ rất tốt đẹp. Cốt tủy tám vạn bốn ngàn pháp môn Phật trao truyền là động cơ giác ngộ, Bồ đề tâm. Bồ đề tâm là trung tâm của giáo lý Phật đà, Bồ đề tâm là nhân tốt nhất, duyên tốt nhất để bất cứ ai đang tu luyện tâm có thể tạo thiện hạnh, thực hiện hành vi bi mẫn chân thực.
Bất cứ pháp tu, hay thiện hạnh nào ta đang làm đều không được quên lòng bi và tâm bồ đề. Chỉ bằng cách đó ta mới có thể làm được một cái gì đó chân thực, có ý nghĩa, thực sự lợi lạc tất cả, trong đó có bản thân. Khi ta quên động cơ giải thoát, khi tu hành nhưng đánh mất cái cốt tủy của việc tu, thì ta sẽ không đạt được kết quả tốt như mong muốn. Vì vậy, điều rất quan trọng cần ghi nhớ: phải tu luyện tâm bằng động cơ giải thoát, giác ngộ.
“Để nuôi lớn tâm bồ đề, hạnh xả li … người tu phải nhìn thấy những bất ổn, những khổ đau, những vấn nạn đang tồn tại trong xã hội.”
Để phát triển tâm xả ly, tâm bi mẫn, tâm bồ đề, chúng ta không phải tìm kiếm xa xôi, mà có thể thực hành điều này bất cứ nơi nào ta hành động. Ví dụ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu dưỡng bồ đề tâm khi Ngài ở cõi Địa Ngục. Và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu dưỡng hạnh xả ly khi Ngài sống trong xã hội. Để nuôi lớn tâm bồ đề, hạnh xả ly thì điều quan trọng là người tu phải nhìn thấy mọi thứ trong xã hội, phải nhìn thấy những bất ổn, những khổ đau, những vấn nạn đang tồn tại trong xã hội. Nếu không thấy được điều này, nếu không biết được điều này, thì ta không có khát khao muốn tu dưỡng động cơ ấy. Còn nếu ta nhìn thấy những vấn nạn như vậy, những sự việc như vậy thì ta sẽ hiểu: “Đây không phải là cái ta mong muốn. Đây không phải là giá trị ta muốn đạt được. Chắc chắn phải có một cái gì đó tốt hơn, trong sạch hơn, ý nghĩa hơn.” Và khi đó ta sẽ nỗ lực tư duy, quán chiếu.
“Chúng ta không làm gì cả,
mà cứ tiếp tục làm những gì chúng ta vẫn đang làm bao lâu nay.”
Tuy nhiên, hầu như không có hy vọng gì là chúng ta có thể phát triển [kháo khao đó], bởi vì chúng ta không [thường] tư duy, quán chiếu. Chúng ta không biết, và ta nghĩ cứ rằng mọi thứ xem ra ổn cả, mọi thứ xem ra hoàn hảo. Chúng ta không làm gì cả, mà cứ tiếp tục làm những gì chúng ta vẫn đang làm bao lâu nay. Thế nhưng, nếu ta nhìn thấy rất nhiều bất ổn thì điều đó sẽ khiến ta có một cách suy nghĩ khác. Đó là một phương cách rất tốt để chúng ta hiểu thực tại của xã hội, thực tại của luân hồi.
Việt dịch: Lotsawa (Hiếu Thiện), 2.2019.
Lời Pháp thoại tiếng Anh chép từ mp3 bài giảng Hungkar Dorje Rinpoche ngày 19.10.2018, Việt Nam.
_______________________________
Chú thích:
* Tựa đề là do người dịch đặt để tiện cho người đọc.