Tiểu sử Đức Tôn Quý Hungkar Dorje

Khyentse Rigdzin Hungkar Dorje là tái sanh đời thứ 5 của Do Khyentse Yeshe Dorje, bậc Thầy vĩ đại của Tây Tạng. Rinpoche là vị tổ đời thứ 10 của dòng truyền thừa Dzogchen Longchen Nyingthig (nhánh tu viện Lung Ngon). Rinpoche cũng được công nhận là tái sanh của vua Trison Detsen và Hungkara, một trong tám vị Trì Minh vương của Ấn Độ. Ở Tây Tạng, Ngài được tôn vinh là hiện thân của Văn Thù Sư Lợi.

Hungkar Dorje Rinpoche sinh năm 1967, tại xứ Golok, Tây Tạng, trong một dòng tộc của những Đại Thành Tựu giả. Tulku Hungkar nhỏ tuổi ra đời vào thời điểm mà tất cả người dân Tây Tạng đều sống trong nghèo khổ cùng cực và dưới sự đàn áp khủng khiếp về tinh thần. Vào lúc đó, mọi việc học tập và thực hành giáo lý chỉ có thể diễn ra vào lúc nửa đêm. Bất chấp những nguy hiểm và hành hạ khủng khiếp này, vị tulku nhỏ bé không mất đi an bình nội tại và sự vững vàng trong tâm; Ngài cương quyết đi theo con đường của đại nguyện Bồ tát. Vào năm 9 tuổi, tulku Hungkar đến tu viện Palyu để nghiên cứu giáo lý và thực hành theo cả hai truyền thống Kinh điển và Mật điển.

Khi còn ít tuổi, tulku Hungkar Dorje đã được công nhận là tái sinh của Do Khyentse Yeshe Dorje, hóa thân về tâm của đại đạo sư Dzogchen Jigme Lingpa, bởi đức Orgyen Kusum Lingpa, đức Dodrupchen Rinpoche, đức Penor Rinpoche và sau đó là đức Đạt Lai Lạt Ma. Năm 1989, Ngài tới tu viện Drepung, thuộc Gelugpa, để học tập, nghiên cứu giáo lý, theo tiếng gọi thiêng liêng của lời nguyện tiền kiếp: làm một đạo sư Phật Giáo Rime Bất-bộ-phái. Năm 1991, bất chấp muôn vàn nguy hiểm và gian khổ Ngài vượt rặng Himalaya sang Ấn Độ để học tập, nghiên cứu giáo lý và thiền định. Dưới sự bảo trợ của đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài đã theo học chương trình tiến sĩ Phật học (geshe) tại một tu viện của truyền thống Geluk tại Nam Ấn độ. Năm 1994, tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài được chính thức đăng quang là hóa thân của Do Khyentse và Jigme Lingpa. Nhân dịp này, đức Đạt Lai Lạt Ma đã viết lời “Cầu Nguyện Trường Thọ Đức Hungkar Dorje Tôn Quý”, tôn vinh sứ mệnh thiêng liêng tiếp nối dòng vàng các bậc đạo Sư Dzogchen Longchen Nyingthig của đức Hungkar Dorje Tôn Quý và tiên tri những thành tựu lỗi lạc trong đời này của Ngài.

Rinpoche viết[1] về việc ngài trở thành đạo sư Dzogchen Longchen Nyingthik: “Thầy đã thọ nhận các giáo lý, quán đảnh và giáo huấn từ Lama Sang và các vị đại đạo sư khác như Dodrupchen Rinpoche, Penor Rinpoche, Katog Moksa Rinpoche và các ngài khác. Thầy đã thực hành chánh Pháp và trở thành một đạo sư. Thầy đã tụng nhiều minh chú Tam Căn, bao gồm Shitro và bộ pháp khác, để có đủ phẩm chất và thẩm quyền trao truyền giáo lý, quán đảnh và giáo huấn.” Rinpoche nói mặc dù Ngài học đạo với nhiều bậc đạo sư vĩ đại nhưng Guru chính của Ngài là H.H. Orgyen Kusum Lingpa, người lần đầu tiên khai ngộ Rigpa, cho Rinpoche khi tulku mới 15 tuổi. Từ đó trở đi pháp hành trì chính của Rinpoche là Dzogpa Chenpo.

Năm 2000, Rinpoche chính thức trở thành bậc lãnh đạo tâm linh tối cao thứ 10 của tu viện Lung Ngon (Thubten Chokhor Ling), sứ mệnh được trao truyền từ thân phụ Ngài, Khai Mật Tạng Đại Pháp Vương Kusum Lingpa. Tu viện Lungon được thành lập bởi tiền thân của Rinpoche là Tổ Do Khyentse với sứ mệnh trì giữ và phát triển dòng pháp Dzongchen Longchen Nyingthig.

Tu viện hiện nay là một trú xứ quan trọng của Phật Giáo Tây Tạng với cả ngàn tăng, ni, yogi và các học viên trường Pháp đang học tập, nghiên cứu và thực hành Phật pháp. Rinpoche nói rằng đối với một tu viện có hai hoạt động chính quan trọng nhất là học và hành (thiền định). Trong tu viện, về phương diện học có ba cơ sở giáo dục: học viện Phật Pháp tại tu viện dành cho chư tăng, trung tâm yogi dành cho yogi, và trung tâm dành cho chư ni tại ni viện. Ba trung tâm này rất thành công trong việc giáo dục chư tăng, chư ni và chư yogi. Trình độ học tập, nghiên cứu tại ba trung tâm này thuộc trình độ cao nhất trong tất cả các tu viện của vùng Golog và cũng có thể trong đa số các tu viện ở Tây Tạng. Tổng cộng có khoảng 500 tăng, ni và yogi đang thường xuyên học tập, nghiên cứu giáo lý tại các học viện Phật Pháp này.

[1] Trong “Lịch Sử Nhập Thất Mùa Đông và về Tu Viện Lungon”

Về phương diện pháp hành, tu viện đã xây dựng nhiều trung tâm nhập thất ẩn tu ngoài các trung tâm cũ đã có sẵn. Tổng cộng hiện nay có khoảng 103 tăng, ni và yogi đang thực hành Pháp tại các trung tâm nhập thất ẩn tu theo chương trình ba năm rưỡi hoặc hai năm. Rinpoche nói rằng sứ mệnh của tu viện là trì giữ giáo lý của Phật. Và tu viện đã hội đủ hai nhân duyên chính yếu để thực sự có thể hộ trì và hoằng dương giáo lý của Phật, đó là: học hành (thiền định), bởi vì hai hoạt động chính này của tu viện rất mạnh mẽ và hoàn thiện.

Tu viện Lungon cũng nổi tiếng với Đại Bảo Tháp Hòa Bình (đại bảo tháp Bodhnath của Tây Tạng), trường Pháp Chorig Ling và ni viện Tashi Yekhyil Ling – ni viện đầu tiên tại Golog do Rinpoche xây dựng vào năm 2005. Với đại nguyện gìn giữ và phát triển nền văn hóa Phật giáo độc nhất vô nhị của Tây Tạng, Rinpoche đã xây dựng quỹ thiện hạnh Mayul Gesar, trường giáo dục truyền thống và hiện đại Tây Tạng. Hàng năm, hàng trăm nghìn tăng, ni và Phật tử tới tu viện để thọ nhận giáo lý, nghiên cứu, học tập và thực hành Pháp.

Năm 2005, Rinpoche bắt đầu truyền dạy Phật Pháp tại đất Mỹ. Từ đó, sự nghiệp hoằng pháp độ sinh của Ngài trải rộng ra nhiều nơi trên thế giới: Mexico, Canada, Úc, Nga, Việt Nam v.v. Đặc biệt, Rinpoche có kết nối duyên nghiệp rất sâu dày với đất nước và con người Việt Nam. Năm 2009, tại một hòn đảo nhỏ, cô tịch ở Nha Trang, Ngài đã viết lời cầu nguyện “Cái Móc Bằng Tia Sét Đỏ”. Với oai lực của bậc Thầy chứng ngộ, Ngài đã giúp nhiều người dân bình thường hoặc hành giả ẩn tu trong núi vượt qua những chướng nạn khủng khiếp. Từ đó tới nay, uy danh của Rinpoche ngày một lớn. Ở những nơi Rinpoche tới, mưa Pháp của Ngài đã thấm khắp: chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Sủi, chùa Báo Ân, chùa Thiên Khánh, chùa Phổ Quang, chùa Từ Quang, chùa Lâm Huê v.v.

Giáo huấn của Rinpoche luôn hướng tới hòa bình và hòa hợp toàn nhân loại. Cũng như đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài là tấm gương lớn về tinh thần hòa hợp đối với tất cả các truyền thống tôn giáo trên thế giới. Năm 2009, Ngài đã viết cho các đệ tử tại Việt Nam trong chuyến hoằng pháp đầu tiên tại đây:

“Trên thực tế, tất cả những gì ta cảm nhận là tốt hay xấu trong thế giới này thật ra là muôn vàn hình tướng hóa hiện khác nhau sinh từ mảnh đất nhân duyên của riêng mỗi cá nhân. Vì vậy, nếu bạn đưa ra một quyết định nào đó mà chỉ dựa thuần túy vào cảm nhận của cá nhân mình, vào nhân duyên của riêng cá nhân mình thì sẽ rất khó nhận ra được bản tánh tương duyên mà tất cả mọi sinh tồn đều chia sẻ. Vì vậy, chúng ta phải nương tựa vào nhau, tôn trọng lẫn nhau, kiên nhẫn với nhau, tốt bụng với nhau, nói chuyện với nhau bằng cả con tim, cảm thấy thỏai mái cùng nhau, cảm thấy yên vui bên nhau v. v. Điều này sẽ làm cho những gì quý giá, những gì được định hướng đúng đắn, những gì tốt đẹp và chói ngời phẩm chất trí tuệ trong cuộc đời của mỗi cá nhân bừng nở, và bạn sẽ trân quý những cách cảm nhận (cuộc đời) của người khác. Và bạn sẽ gieo trồng những hạt giống của hạnh phúc và thiện lành.”

 

Tổng hợp từ nhiều nguồn: Hiếu Thiện (Lotsawa).

Hà Nội, ngày 10.8.2015. Chỉnh sửa bổ sung tháng 12 năm 2022.

Tải về
pdf
word
CHIA SẺ