Chúng Ta Cần Phải Biết Rõ Cái Gì Là Pháp, Cái Gì Là Phi Pháp

01.01.23, Zoom
Song ngữ – chép Anh dịch Việt

Chúng ta nói về tầm quan trọng của Pháp đối với cả những ai là Phật tử và cả những ai không phải là Phật tử. Chúng ta đã thảo luận khá nhiều. Đôi lúc việc này có vẻ như là chúng ta đang phê phán, tuy nhiên, khi nói về lợi lạc của Pháp, tại sao chúng ta cần Pháp, thì chắc chắn chúng ta cần có một cách hiểu đúng đắn về các vấn đề mà con người và xã hội đang đối mặt, và Pháp có thể giải quyết những bất ổn của thế giới [như thế nào]. Vì vậy, chúng ta buộc phải nói về một số điều tiêu cực và về con người trong thế giới này. Khi nói luân hồi, luân hồi quá rộng lớn và đôi khi chúng ta không biết được [thực chất của] nó. Vì vậy, chúng ta cần hiểu bản chất của cuộc sống khi không có Pháp. Không có Pháp, cuộc sống có thể rất khó khăn và đôi khi rất tối tăm, không có phương hướng hoặc một cái gì đó tương tự. Đa số mọi người nghĩ rằng chỉ cần làm việc, kiếm được tiền, có gia đình và nuôi dạy con cái. Và rồi chúng ta đối mặt với khó khăn, rồi hạnh phúc, rồi bất hạnh, hoặc tất cả các loại phiền não. Người ta thấy rằng mọi việc như vậy là rất bình thường nhưng đồng thời họ cảm thấy bị tổn thương rất nhiều do các phiền não của họ, do những ý nghĩ tiêu cực, do những điều tiêu cực mà họ tự tạo ra cho chính mình. Nhưng họ lại không nghĩ rằng có một cách để thực sự giải quyết vấn đề đó, để tịnh hóa nghiệp bất thiện.

Có một cách: Pháp có sức mạnh để giảm thiểu và để hủy diệt nguyên nhân của tất cả đau khổ. Nhưng thiên hạ không hiểu điều đó. Và họ chỉ nghĩ đơn giản rằng mọi thứ như vậy là tự nhiên. Vì vậy, mặc dầu họ tổn thương, mặc dầu họ đau khổ rất nhiều, nhưng họ không có cách nào khác. Pháp có rất nhiều phương tiện, Pháp cho chúng ta con đường để giảm đau khổ; có cách để giải thoát khỏi những điều tiêu cực này. Chúng ta phải hiểu thế giới sẽ như thế nào, cuộc sống sẽ như thế nào nếu không có Pháp. Vì vậy, chúng ta nói về những vấn đề bất ổn trong cuộc sống, trong xã hội vào thời điểm hiện nay. Chúng ta cần [phải biết rằng] khi có Pháp mọi thứ khác hẳn, [nếu không], thì mọi thứ có thể rất khó khăn và có hại.

Và chúng ta phải biết làm cách nào để sống trong xã hội loài người. Chúng ta không nên có lòng tin mù quáng. Con người thường dễ có lòng tin mù quáng, không dựa trên cơ sở của học tập, nghiên cứu, không dựa trên một lý lẽ tốt đẹp hoặc tư duy đúng đắn. Chúng ta cần lòng tin rất trong sáng, lòng tin đến từ những nhân duyên tốt lành như: lắng nghe giáo lý, tư duy, quán chiếu kỹ lưỡng ý nghĩa của Pháp và cố gắng đạt tới ý nghĩa cốt tủy của Pháp, nỗ lực có được những trải nghiệm từ những việc học tập, nghiên cứu của mình. Tóm lại, lòng tin mù quáng không bao giờ là tốt đẹp và chúng ta phải cố gắng để tránh tin tưởng một cách mù quáng, để không như con thỏ hoảng sợ vì một tiếng động. Đây là một cách nói trong Phật giáo Tây Tạng.

Thoạt đầu, con thỏ nghe tiếng động “khyo,” và nó bỏ chạy.2 Một con thỏ khác hỏi nó “Tại sao cậu chạy? Tại sao cậu sợ,” và nó trả lời là nó đã nghe tiếng “khyo,” rồi nó bỏ chạy và con thỏ thứ hai cũng bỏ chạy, rồi thì tất cả mọi con thỏ đều bỏ chạy do âm thanh đó. Thật ra thì chúng chẳng cần phải chạy. Điều đó không có gì nguy hiểm hoặc đáng sợ nhưng vì không kiểm tra kỹ càng, không rà soát lại đó là cái gì, chúng chỉ nghĩ rằng âm thanh đó thật đáng sợ và bỏ chạy. Chúng ta không nên như vậy, chúng ta phải có một lý do thật vững chắc để hành động và tất nhiên chúng ta cần tới Pháp. Pháp rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Như vậy, chúng ta phải kiểm tra kỹ lưỡng trước khi chấp nhận mọi thứ. Trước hết, chúng ta cần phải kiểm tra, cần phải nghiên cứu, học tập và cần phải có một cách hiểu thanh tịnh, đúng đắn.

Hiện nay, tình trạng của chúng ta cũng giống như con thỏ sợ tiếng động đó. Có rất nhiều nỗi sợ hãi trong tâm của chúng ta và chúng ta lo lắng về rất nhiều thứ. Vô minh khiến chúng ta lo lắng và sợ hãi mà không có nguyên nhân xác đáng. Đôi khi, chúng ta thực sự không cần thiết phải lo lắng nhiều đến như vậy, nhưng bản tính của chúng ta là lo lắng về mọi thứ. Chúng ta thường làm nhiều thứ mà không có một lý do xác đáng và hiểu biết đúng đắn và điều đó dẫn tới nhiều bất ổn trong cuộc sống của chúng ta. Do vô minh, chúng ta không biết rằng, chúng ta thực sự đang làm điều gì và chúng ta không biết rằng những điều chúng ta làm sẽ đem đến cho chúng ta hạnh phúc và những điều tốt lành hay là không. Đôi khi, những người phàm phu như chúng ta thường hay lẫn lộn. Vì vậy mà hành động của chúng ta không thanh tịnh và điều đó tạo nên nhiều thứ tiêu cực và bất hạnh. Vì vậy, chúng ta cần phải khôn ngoan, sáng suốt và rõ biết về mọi thứ, điều gì cần phải làm điều gì không nên làm. Điều đó rất quan trọng và vì vậy chúng ta nghiên cứu, học tập và thực hành Pháp.

Nói về cái nhìn kỳ thị phân biệt, thì chúng ta thường không có tâm bình đẳng đối với mọi thứ. Chúng ta thấy có một cái gì đó quan trọng đối với bản thân mình và chúng ta cho rằng những thứ đó là rất quan trọng. Khi nghĩ về các thứ khác, chúng ta phân biệt: cái này tốt, cái kia xấu, cái này quan trọng, cái này không quan trọng và đôi khi chúng ta có thể làm hại mọi thứ. Chính vì vô minh trong tâm như vậy cho nên đôi lúc sự việc không thực sự là tốt nhưng chúng ta lại cho rằng nó là ổn. Tất cả những đau khổ, tất cả những điều không tốt, đến từ cách suy nghĩ như vậy và cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ, cách chúng ta suy nghĩ tạo nên nhiều bất ổn. Chúng ta thường không có tâm bình đẳng đối với nhiều thứ, đối với nhiều người, đối với nhiều chúng sinh. Khi một người nào đó rất gần gũi với chúng ta thì chúng ta cho họ là quan trọng và chúng ta dính mắc vào họ. Trong khi đó, có những người khác chúng ta cảm thấy xa cách và do đó không quan tâm tới họ. Đối với những người đó, khi làm hại họ hoặc tạo những rắc rối cho họ thì chúng ta không có cảm nhận rằng đó là không ổn mà cho rằng đương nhiên điều đó là ổn. Đó là do vô minh và tâm phân biệt kỳ thị.

Chúng ta đang nói về hai vấn đề liên quan tới Pháp: thứ nhất, Pháp là rất quan trọng và cần thiết cho những người không phải là Phật tử và thứ hai, Pháp là cần thiết cho những ai được gọi là đệ tử của Pháp. Tất nhiên, khi chúng ta nói “được gọi là đệ tử của Pháp,” là chúng ta đang nói về chính bản thân mình. Chúng ta không thực sự là hành giả đích thực, tuy nhiên, chúng ta đang cố gắng để trở thành người tu chân chính, mặc dầu chúng ta không thực sự làm theo [những gì Pháp Phật dạy] một cách đúng đắn. Và chúng ta vẫn còn đang lạc lối, chúng ta vẫn còn đang chịu sự sai sử của những suy nghĩ không hợp với Pháp – phi Pháp Phật. Điều đó là trái với Pháp. Cũng như chúng ta, đa số những ai đang theo Phật và đang đi trên con đường của Phật, đều không đi theo con đường đó một cách đúng đắn, một cách thực sự miên mật. Đây không phải là điều chúng ta muốn, tuy nhiên, do thiếu hiểu biết và do thiếu nhiều nhân duyên khác, chúng ta không thể đi theo con đường đạo một cách đúng đắn để có thể thực sự là một người chân tu. Vì vậy, những người như chúng ta là những người nửa là người tu mà nửa không phải là người tu. Chúng ta phải cần [thực hành Pháp] rất nhiều. Pháp là rất cần cho những người như chúng ta. Vì vậy, chúng ta sẽ nói về sự cần thiết của Pháp đối với thế giới và đối với những người được gọi là hành giả của Pháp.

“Khó ai có thể tránh khỏi cái móc câu của những hoạt động bày ra trước mắt và sự cám dỗ của vật chất, của cải.” Tất nhiên, tránh được điều này rất khó khăn cho tất cả mọi người như chúng ta – những người bình phàm. “Bình phàm” ở đây có nghĩa là không có nhiều sự hiểu biết về Pháp và không có một nền tảng tốt của việc thực hành Pháp. Khó ai có thể tránh được chiếc móc câu của những hoạt động bày ra trước mắt hoặc [những gì được cho là] quan trọng trong cuộc đời này. Mọi người đều có cách nhìn giống nhau: “Cái gì quan trọng đối với tôi thì cũng quan trọng đối với tất cả mọi người khác,” ví dụ: địa vị, sự nổi tiếng hoặc bất cứ cái gì của thế giới trần tục này. Điều đó có nghĩa là những thứ đó quan trọng đối với tôi nhưng không chỉ đối với tôi mà cả với những ai là những vị lạt ma cao trọng hoặc các vị Geshe, các học giả khác” (lòng vả cũng như lòng sung – LND). Không phải là Thầy muốn phê phán hoặc luôn tập trung vào những vấn đề tiêu cực ở đây, mà Thầy nghĩ rằng chúng ta cần phải nói để mọi người biết sự thật vì mọi người cần hiểu sự thật: hiểu cái gì đang diễn ra hiện nay trong thế giới Phật giáo; nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ có sức mạnh tinh thần để thực sự hiểu cái gì là Pháp chân thực và cái gì không phải là Pháp chân thực. Cái Thầy muốn nói là điều gì đang diễn ra trong cộng đồng những người tu Phật giáo hiện nay.

Thiên hạ tin tưởng vào những thứ mà họ cho là quan trọng. Và có những việc mà thực sự không dễ để hiểu, ví dụ như, “tất cả mọi người, lớn, nhỏ, cao, thấp, tất cả đều luôn luôn bận rộn và không bao giờ có thể ngồi xuống.” Nếu quan sát cẩn thận, chúng ta sẽ thấy mọi người hoặc những người tu hành, thậm chí những người thuộc hàng ngũ đệ tử gần cận với đức Phật Thích Ca Mâu Ni như chư tăng, chư ni cũng rất bận rộn. Họ không bận rộn vì phải thực hành Pháp mà bận rộn làm rất nhiều thứ khác. Thầy không nghĩ rằng đây là một cái gì đó tốt mà thực ra đó là điều tiêu cực bởi vì những thứ đó làm cho mọi người, làm cho chư tăng, chư ni xa rời con đường đạo và không bao giờ ngồi xuống được. Các hành giả thực sự của Pháp, những đệ tử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni là những người rất tĩnh lặng. Họ có nhiều thời gian để ngồi xuống và thiền định.

Nhưng ngày nay, sự việc hoàn toàn ngược lại, [mọi người] không có thời gian để ngồi xuống thiền định mà chạy đó chạy đây. Tất nhiên, thậm chí chúng ta nói: “Ồ tôi làm lợi lạc cho mọi người. Tôi đang giảng Pháp cho mọi người và đang dẫn dắt mọi người trên con đường đạo của đức Phật” hay một cái gì đó tương tự. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta không có một nền tảng đầy đủ để làm những điều đó. Rõ ràng chúng ta muốn dẫn dắt mọi người, chúng ta muốn làm lợi lạc cho mọi người nhưng trước khi làm điều đó, chúng ta phải có một nền tảng vững chắc, chúng ta phải có sức mạnh để làm điều đó. Tuy nhiên, họ không có nền tảng trong khi họ cứ bận rộn như vậy và có lẽ là bận rộn vì những nhu cầu như: phải được nổi tiếng hoặc là phải sở hữu nhiều thứ hơn. Điều này rất phổ biến trong đạo Phật ở Tây Tạng, Trung Quốc, Việt Nam và khắp mọi nơi. Đó không phải là Pháp thanh tịnh mà có thể hoàn toàn ngược lại. Chúng ta cần phải hiểu điều đó và hết sức cẩn trọng.

Ở Trung Quốc và Tây Tạng, trong tất cả mọi dòng phái đều có những vị “tulku.” Các bạn biết rằng “tulku” có nghĩa là hóa thân, và điều đó có nghĩa là một người quan trọng hơn những vị tăng, những vị ni khác và điều đó làm cho các vị tulku cũng bận rộn. Tulku đương nhiên có rất nhiều trọng trách và điều đó làm cho các vị tulku bận rộn và có thể không có thời gian để thực hành Pháp. Rồi các vị geshe, các vị khenpo, vân vân cũng vậy. Tất cả những người này đều là những người rất quan trọng trong xã hội Phật giáo, họ bận rộn hơn. Họ bận rộn với những thứ của thế gian chứ không phải là Pháp chân thật. Vì vậy, chúng ta cần phải biết đây là Pháp chân thực hay là không. Nếu điều đó xảy ra cho tôi thì tôi phải tự hỏi mình: “Tôi có thể thành tựu Phật quả hoặc giác ngộ hay không?” Bởi vì những trọng trách, những tước hiệu của tôi như là geshe, khenpo sẽ làm cho tôi bận rộn và không có thời gian để thực hành Pháp và điều đó đi ngược lại với con đường của Phật.

“Những người đó” có nghĩa là bao gồm những người này – tất cả chúng ta ở đây nữa. Có thể chúng ta còn bận rộn hơn và đang tìm kiếm nhiều thứ hơn, nhiều tham luyến hơn. Tất cả mọi người đều có nhiều tham muốn không quan trọng lắm nhưng chúng ta lại thấy chúng là quan trọng. Chúng ta thấy rằng tất cả mọi thứ đều quan trọng (trừ Pháp – LND). Đó chính là vấn đề. Chúng ta nhìn mọi thứ với tâm vô minh và đó chính là vấn đề ở đây. “Những người bận rộn tìm kiếm danh vọng, sự nổi tiếng và thậm chí tìm cách để mua những thứ đó.” Có lẽ điều này là sự thật. Thầy không nói một điều gì đó thiếu lý do xác đáng, không có căn cứ, mà ở đây có lý do để Thầy nói như vậy. Bởi vì nếu bạn quan sát thì bạn sẽ thấy, đó là điều thực sự đang diễn ra bây giờ và nhiều người – nếu các bạn ở trong tình huống như vậy thì các bạn cũng có thể làm những điều như vậy. Ý Thầy muốn nói rằng, nếu các bạn có thể mua sự nổi tiếng và địa vị thì Thầy nghĩ rằng nhiều người sẽ cố gắng để mua. Thầy nghĩ rằng, ở Việt Nam cũng vậy, nhiều người cố gắng biếu quà hoặc là cái này, cái khác để kiếm cho bản thân mình một vị trí ở trong bộ máy. Đó là điều mà Thầy có thể nói ở đây, người ta thậm chí kiếm cách để mua và họ có thể mua.

Và “người không có thậm chí một khoảnh khắc để nghỉ cái tâm và cái thân của họ.” Có thể thân của bạn nằm xuống trên giường và ngủ nhưng mà tâm của bạn vẫn nằm mơ về nó. Có thể tâm bạn mơ và về danh vọng, về việc làm ăn hoặc là việc kiếm tiền (cười). Điều đó diễn ra rất nhiều, có đúng không? Bạn đang nghỉ ngơi, thân của bạn đang nghỉ ngơi nhưng tâm của bạn thì vẫn nghĩ về những điều đó. Nếu các bạn vận dụng cả thân và tâm cùng với nhau thì bạn sẽ không có khoảnh khắc nào để nghỉ ngơi vì những thứ thế tục như vậy. Những thứ đó rất nguy hiểm, giống như một cái móc câu rất sắc không bao giờ nhả ra. Đó là một tình huống có thật. Rõ ràng rằng, sự quan tâm đầu tiên của người ta là hướng vào thành công thế tục. Những thứ mà chúng ta cố gắng để thành tựu không thực sự liên quan đến Pháp, đến con đường tu, mà thuộc về thế tục.

Chúng ta cố gắng, rất cố gắng, cố gắng hết sức để thành công nhưng chúng ta chỉ đạt những thành công thế tục chứ không phải là thành tựu trên con đường đạo. Đó là điều rất nguy hiểm. Do vô minh và do của cải, vật chất – cả hai thứ đó kết hợp với nhau khiến chúng ta bị lẫn lộn và đi lạc giữa dòng đời. Tại sao Thầy nhắc đến những vấn đề này ngay khi bắt đầu vào phần giảng Pháp chính, ngay khi bắt đầu vào thực hành chính? Bởi vì chúng ta cần phải hiểu cái gì sai và cái gì không sai, cái gì đúng, cái gì không đúng và cái gì là Pháp thực sự, cái gì không phải là Pháp chân thực. Nếu chúng ta không có trí tuệ để hiểu sự khác nhau đó thì chúng ta sẽ không bao giờ thành tựu được bất cứ thứ gì. Có thể trong tương lai, chúng ta sẽ giống như những người này. Vì vậy, trước khi [cố gắng để điều này không xảy ra], chúng ta cần phải nói chuyện về những thứ tệ hại đó trước.

“Họ bận rộn cả bên trong và bên ngoài.” Rinpoche nhận xét về bản dịch Tạng Anh: “Đoạn dịch này chưa đúng lắm. Tất cả mọi người đều bận rộn cả bên trong và bên ngoài. Tất cả mọi người có nghĩa là bao gồm những người mà chúng ta nhắc đến ở trên. Nhưng chúng ta không nói về những người đó, chúng ta nói về tất cả mọi người ở đây. Vì vậy, Thầy nghĩ dịch tốt nhất là ‘tất cả mọi người đều bận rộn cả bên trong và bên ngoài.’” Đây có nghĩa là sự tán tâm. Bận rộn vì một thứ gì đó có nghĩa là chúng ta bị tán tâm bởi những thứ lăng xăng. Tóm lại, những thứ này, những thứ vật chất này, những thứ thuộc về thế tục này ảnh hưởng tất cả mọi người. Tất cả mọi người đều bận rộn về những thứ đó. “[Điều đó có sức hủy hoại] một phần hoặc toàn bộ an bình nội tâm, thái độ tôn trọng lẫn nhau và thậm chí lòng tin đối với luật nhân quả;” điều đó có nghĩa là [người ta] bị tán tâm bởi những thứ này và nó hủy diệt cách hiểu và lòng tin của họ.

Chúng ta mất đi sự tôn trọng đối với nhau bởi vì chúng ta muốn thành đạt cái này cái khác, và vì vậy, chúng ta phải ganh đua. “Tôi phải là người tốt nhất hay tôi phải thành tựu trước khi người nào đó giành được nó.” Chúng ta mất đi sự tôn trọng lẫn nhau; chúng ta không thực sự kính trọng bất cứ ai bởi vì chúng ta hướng sự chú ý quá nhiều đến vật chất, của cải và những thứ thuộc về thế tục. Thậm chí [điều đó hủy hoại] lòng tin vào luật nhân quả. Tất nhiên, khi chúng ta thấy mọi thứ quan trọng như vậy, thì chúng ta không còn quan tâm đến Pháp, chúng ta không còn quan tâm đến nhân quả và nghiệp. Chúng ta hoàn toàn quên tất cả những thứ này và khi đó chúng ta tạo ra rắc rối lớn và mắc lỗi lầm lớn. Thiên hạ ai cũng có [những thứ] rất vĩ đại, tuyệt vời và bởi vì mọi người ai ai cũng đều tin vào giá trị của những thứ đó nên họ lấy làm rất tự hào, rất hợm hĩnh và vân vân. Bởi vì nếu khi một ai đó được nổi tiếng, có địa vị, tiền bạc, của cải thì họ liền cho rằng họ rất vĩ đại. Họ cho rằng họ có sức mạnh, thế lực và họ hơn hẳn những người khác. Điều đó có nghĩa là cho mình rất quan trọng. Như vậy không tốt. Nếu chúng ta cố gắng thành tựu nhiều như vậy trong thế giới này, Thầy nghĩ rằng chúng ta đương nhiên sẽ trở thành những người hay ganh ghen và đố kị. Bởi vì nếu bạn không cố đạt được điều gì đó [do tâm đố kỵ] thì theo Thầy, bạn không thể thành công hay một cái gì đó tương tự.

Về tư tưởng phân biệt kì thị. Nhiều thứ thực ra là bình đẳng, chúng đều quan trọng như nhau, nhưng khi chúng ta tiếp xúc với chúng, chúng ta không thấy như vậy. Chúng ta thấy một số là quan trọng và một số khác không quan trọng. Và đương nhiên chúng ta đang có tâm phân biệt kỳ thị. Điều đó không tốt. Khi các bạn thấy người này là quan trọng, còn người khác không quan trọng, bạn sẽ hành xử theo lối suy nghĩ đó. Những người bạn nghĩ không quan trọng sẽ không hài lòng và tìm cách chỉ trích bạn; và bạn cũng sẽ không vui vẻ. Những người mà bạn cho là gần gũi đối với bạn, bạn sẽ cố gắng hết sức mình để giúp họ và vì vậy họ rất hài lòng; nhưng sau đó họ có thể gây nhiều chướng ngại cho bạn. Dù sao thì những chuyện này đều không đúng. Vì vậy, chúng ta phải giữ tâm an bình và không nên phân biệt như vậy mà phải thấy rằng tất cả mọi thứ, tất cả mọi người đều quan trọng. Nếu chúng ta có một cách nhìn như vậy thì tâm sẽ an bình hơn và chúng ta đang giữ trung đạo, đang có thái độ đúng đắn.

Chúng ta có thể nói về vấn đề này bất tận (cười). Đó là lý do tại sao chúng ta phải thực hành Pháp và tất cả mọi người đều cần phải thực hành Pháp. Xin hãy hiểu về những tham luyến mạnh mẽ trong thế giới của những người tu, về tư tưởng phân biệt kì thị. Chúng ta đôi khi có tư tưởng phân biệt kì thị rất nặng và về nhiều thứ, đặc biệt là về truyền thống của mình và điều đó không tốt. Tất nhiên, hiểu, tôn trọng và có lòng tin vào truyền thống của mình là tốt nhưng không nên có tư tưởng kì thị, bộ phái. Một số chư vị đứng đầu dòng phái, là những người quan trọng nhưng họ lại có tư tưởng bộ phái, tư tưởng kì thị. Họ phê phán, họ có nhiều những ý nghĩ tiêu cực, cách nhìn tiêu cực về các truyền thống khác. Điều này không tốt và tạo nên rất nhiều ác nghiệp, tạo nên những tham luyến, tham vọng lớn ở trong cộng đồng Phật giáo. Bởi vì chúng ta nói quá nhiều những điều như: tất cả mọi thứ đều là Pháp và Pháp là quan trọng, cuộc đời tôi hiến dâng cho Pháp, tôi chỉ thực hành Pháp và vân vân. Tuy [thân] chúng ta đang ở trong thế giới của Pháp nhưng trên thực tế, cái chúng ta có [trong tâm] lại là tham luyến, tham dục, tham vọng. Chúng ta hành động do sai sử của tham dục. Đây là điều rất nguy hiểm. Như vậy rất quan trọng đối với chúng ta là phải phân biệt giữa tốt và xấu, giữa đúng và sai.

“Họ thậm chí còn đi xa tới mức dẫm lên những giới nguyện cần phải giữ giữa lama và đệ tử.” Họ không được làm như vậy. Tâm ganh ghen, đố kỵ có mặt ở khắp mọi nơi. Tất cả mọi người đều có những loại phiền não trong tâm kiểu như thế. Và điều này thực sự đang xảy ra. “Họ ở trong bóng tối của tâm ích kỷ và những thủ đoạn ranh ma, họ không quan tâm tới bất cứ ai không có lợi cho bản thân họ.” Thầy nghĩ rằng, ít nhất chúng ta không nên như vậy. Mặc dầu chúng ta không có ý định bới lỗi người khác, nhưng đồng thời chúng ta cần phải thấy rõ cái gì là Pháp, cái gì là phi Pháp. Đây chính là lý do tại sao cần phải thảo luận, cần phải học tập, nghiên cứu về điều này. Đôi khi chúng ta cần phải thấy cái gì là đúng, cái gì là không đúng ở trong hành động của những người khác. Nếu chúng ta không thấy gì cả thì chúng ta rốt cuộc có thể lạc lối và khiến cho mình mắc sai lầm, lẫn lộn. Vì vậy, chúng ta phải hiểu và biết cái gì là Pháp chân thực, cái gì là phi Pháp. Vì lý do đó chúng ta cần phải suy nghĩ về những điều này một cách sâu sắc hơn và rõ ràng hơn.

 

Hết bài giảng 01.01.23

Việt dịch: Hiếu Thiện (Lotsawa)

Bản tiếng Anh do Trì Minh Tara & Diệu Huệ chép từ MP 3 bài giảng ngày 01.01.2023: https://lienhoaquang.com/q_rjnbzmf

Kỹ thuật và đánh máy: Minh Hiền

Viết bởi…
Dịch bởi…

CHIA SẺ
Tải về
word