Đạo Phật chính là con đường điều phục tâm

Đức Phật dạy rằng con người đôi khi quá tham lam, ích kỷ. Họ không từ bi đối với những người khác và thậm chí đối với những con cá, con gà hay loài súc sinh bởi vì họ ăn quá nhiều thịt cá. Đương nhiên những súc sinh này rất sợ hãi khi chúng nhìn thấy con người bởi do thói quen ăn thịt và bản tánh hung dữ của chúng ta. Sự thật là chúng ta rất sợ loài quỷ hay những loài ăn thịt người. Khi nghe tên của những loài quỷ đó, chúng ta rất sợ hãi bởi vì chúng ăn thịt người. Và rất dễ hiểu là loài súc sinh cũng sợ hãi khi thấy chúng ta. Vì vậy, giữ an bình ở cấp ngoại có nghĩa là chúng ta phải có hành vi từ hòa. Ở cấp ngoại, hàng ngày bất cứ việc gì ta làm – ăn, ăn cái gì, nói chuyện, nói chuyện với ai … – thì ta đều phải rà soát THÂN mình để hành vi của mình luôn luôn an hòa. Còn ở cấp nội, chúng ta phải luôn luôn rà soát TÂM mình để không bao giờ bị phan duyên, bị lôi kéo bởi những cảm xúc tiêu cực này nọ. Cảnh giới nội an bình có nghĩa là chúng ta phải trụ trong chân tâm bản tánh của mình, trụ trong bản tánh của vạn pháp – tức là tánh Không. Điều này rất khó thực hiện. Khi không có một nền tảng chân thực và vững chắc, không có đầy đủ giáo huấn [của đạo sư], không tích lũy đầy đủ công đức thì điều này rất khó khăn. Chúng ta có một cách để đạt tới an lạc ở bên trong. Đạo Phật chính là con đường điều phục tâm để làm giảm đi những vọng niệm điên đảo và ta sẽ đạt tới cảnh giới an lạc chân thực. Đại An Lạc là con đường để tu tâm từ bi, là con đường để giảm bớt đi những vọng niệm trong tâm và trở nên hoàn toàn tự do, vượt thoát mọi tham luyến, sợ hãi. Vì vậy, đây là con đường vĩ đại.

 

Trích “Dòng Pháp Longchen Nyingthig là Con Đường tới Đại An Lạc”, Hungkar Dorje Rinpoche

Tri Kiến Thanh Tịnh trích dẫn

Trích “PHẬT PHÁP CĂN BẢN 10/2013” Kim Cang Định trích dẫn

CHIA SẺ