Phải công phu thiền định về những điều đã học, về ý nghĩa cốt tủy của giáo lý mà đức Phật đã truyền dạy

Tất nhiên, đối với những người tu đạo, điều quan trọng là phải học tập nghiên cứu, tư duy quán chiếu và thiền định về những điều đã học. Chỉ nghe Pháp, chỉ nghiên cứu giáo lý thôi vẫn chưa đủ – chúng ta phải sử dụng kiến thức và tuệ hiểu của mình để cố gắng đạt tới liễu nghĩa, tới phần nghĩa cốt tủy [của giáo lý].

Không chỉ có như vậy mà chúng ta còn phải công phu thiền định. Phải công phu thiền định về những điều đã học, về ý nghĩa cốt tủy của giáo lý mà Đức Phật đã truyền dạy. Đa số mọi người ngày nay bận rộn với việc chạy đi thọ nhận giáo lý từ vị lạt ma này, vị guru nọ mà không hề cẩn trọng, kỹ lưỡng, hoặc không thật sự chân thành suy nghĩ về ý nghĩa của giáo lý, của những gì họ đã nghe, và thậm chí không công phu, quán chiếu gì cả. Nhiều người không thực sự công phu thiền định [đúng nghĩa]. Họ không thực sự công phu thiền định mặc dầu họ nói: “Tôi thiền định, tôi công phu.” Trên thực tế, thầy không thấy họ công phu tu hành đúng nghĩa. Bởi vì họ không biết làm sao để công phu thiền định cho đúng, bởi vì họ không biết làm sao để tư duy cho đúng, bởi vì họ thiếu những chỉ dẫn. Một số người vẫn chưa hội đủ duyên lành để công phu thiền định tốt. Do đó, họ không có tiến bộ trong công phu thiền định. Mặc dầu vậy, chừng nào chúng ta còn sống, chừng nào chúng ta còn sức lực để tư duy quán chiếu, để công phu thiền định thì chúng ta còn phải cố gắng công phu thiền định.

Trích “TRỘN PHÁP PHẬT VỚI GIÓ ĐỜI – Mối Họa Cho Phật Pháp”, Hungkar Dorje Rinpoche

 

CHIA SẺ