Dòng pháp Longchen Nyingthig là con đường tới Đại An Lạc

Hungkar Dorje Rinpoche [1]

Shamballa, 10.10.2023

 

Lời bạch của Trung tâm An Lạc[2]:

“Kính thưa Ngài Hungkar Dorje Rinpoche, Guru của chúng con,

Kính thưa Lama Rigpa,

Kính thưa chư tăng ni cùng các quý vị đạo hữu dòng truyền thừa.

Được phép của Đạo sư, BTC đã thu xếp cho các đạo hữu TTAL gặp Ngài ngày hôm nay. Chúng con – các đạo hữu An Lạc Sài Gòn – đã tề tựu đông đủ, trang nghiêm. Chúng con xin có đôi lời bạch lên Ngài cùng tất cả các quý vị đạo hữu đệ tử dòng Longchen Nyingthig.

Trung tâm An Lạc được khởi nguồn từ Ngài Hungkar Dorje Rinpoche, Guru của chúng con, năm 2013 và hôm nay đã được tròn 10 năm tuổi. Suốt 10 năm qua Rinpoche đã dẫn dắt cộng đồng tu chúng con xây dựng và phát triển. Ngày nay số lượng các thành viên Trung tâm An Lạc đã lên tới hơn 80 người. Chúng con hiện có 2 chi nhánh ở Hà Nội và Sài Gòn. Đồng thời một số đạo hữu khác ở các nước như Canada, Mỹ … hay ở các tỉnh khác của Việt Nam cũng tham gia sinh hoạt.

Rinpoche hỏi: Chữ “An Lạc” tiếng Anh là gì?

Trả lời: Dạ “An Lạc” tiếng Anh là “peace”.

“Chúng ta cần phải giữ cho mình được an lạc cả cấp ngoại, cấp nội và cấp mật;

và cả về thể chất lẫn tinh thần.”

 Rinpoche: An Lạc, nhóm tu an lạc (cười). Đây là một tên gọi rất đẹp. Và ý nghĩa của tên đó còn đẹp hơn nữa – nó quan trọng hơn tất cả mọi thứ trên đời này. Thầy đang cố gắng thành tựu, Thầy đang cố gắng để được an lạc mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi phút. Ít nhất là Thầy vẫn đang cố gắng [để được như vậy]. Chúng ta cần phải giữ cho mình được an lạc cả cấp ngoại, cấp nội và cấp mật; và cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều này rất quan trọng. Và đây chính là cách để hiểu chữ “an lạc’.

Có một sự khác biệt rất lớn giữa chư Phật, chư Bồ tát và chúng phàm phu. Đối với chư Phật và chư Bồ tát – bên ngoài các ngài thị hiện hung nộ nhưng bên trong các ngài luôn luôn an lạc. Còn chúng phàm phu, bên ngoài họ cố tỏ ra an lạc, hoặc giả bộ an lạc, nhưng bên trong thì sân hận, không an bình (cười). Đây không phải là phương cách đúng đắn. [Với các ngài] vẻ bên ngoài cực kì hung nộ nhưng bên trong thì không như vậy. Còn với chúng ta khi vẻ bên ngoài là hung dữ, sân hận thì bên trong cũng là hung dữ, sân hận (cười). Đây là sự thật.

Theo Thầy, chúng ta phải cố gắng tu tâm để luôn an lạc cả bên ngoài và bên trong, bởi vì chúng ta chưa có được phương tiện thiện xảo [của các ngài] để có thể bên ngoài thì cực kì hung dữ mà bên trong lại an bình, an lạc. Đối với chúng ta, bên ngoài lộ ra như thế nào thì bên trong sẽ như vậy. Có nghĩa là khi bên ngoài bạn tỏ ra hung dữ thì bên trong tâm của bạn cũng hung dữ, tâm của bạn đang rất hung dữ. Đó là bất thiện nghiệp và nó rất mạnh. Tóm lại, bản chất của Pháp là an lạc và chúng ta thực hành Pháp là để đạt tới cảnh giới Đại An Bình trong tâm, để tâm luôn an lạc, không điên đảo. Đây chính là chân nghĩa [của Pháp]. Đây chính là lý đạo, chính là bản chất của việc tu hành.

Bản chất của Đại An Lạc là để tự do thoát khỏi mọi sợ hãi và tham luyến. Vậy cái gì tạo ra nhiều nỗi sợ hãi, nhiều tham luyến? Đó chính là cái tâm điên đảo của chúng ta. Nó là thủ phạm chính, là căn nguyên của tất cả mọi bất ổn. Và cái có khả năng cắt đứt gốc rễ của tâm điên đảo này chính là Đại An Lạc. Vì vậy, điều phục tâm của mình, nuôi dưỡng trí tuệ hiểu biết sâu sắc của mình là điều rất quan trọng. Con đường đúng đắn duy nhất để điều phục tâm mình chính là Pháp. Bởi vì Pháp vốn tự nó không tiêu cực, không có cấu uế. Nó rất thanh tịnh. Pháp tự nó rất thanh tịnh vì vậy nó có sức mạnh tịnh hóa các ý nghĩ tiêu cực.

Cái gì là đối nghịch với Pháp? Tất nhiên, đó là những cảm xúc, ý nghĩ điên đảo giống như tham, sân, si vốn rất dơ bẩn, xấu xí. Khi không học Pháp, khi không thực hành Pháp thì chúng ta bị ô nhiễm nặng nề bởi các cảm xúc tiêu cực. Các ác nghiệp được tạo nên bởi các phiền não trong tâm ta. Vì vậy, ta không trong sạch, không thanh tịnh, không an lạc. Thầy nghĩ rằng chúng ta phải tịnh hóa bản thân nhờ tu đạo nương vào cam lồ Pháp bảo. Chúng ta không bàn về thân xác của mình, về việc rửa mặt mình. Không phải điều đó. Tất nhiên, rửa mặt là điều quan trọng nhưng quan trọng nhất là phải rửa tâm của mình, rửa trái tim của mình nhờ phương tiện Pháp, bằng giáo huấn mà đức Phật từ bi đã ban cho chúng ta. Các bạn có thể bằng ánh mắt, nụ cười bày tỏ lòng tốt hay tình cảm ngọt ngào của mình. Nhưng khi các bạn không an bình, khi các bạn giận dữ, không vui … thì những người khác thấy các bạn rất dễ sợ, cho dù các bạn có vẻ ngoài cực kì láng mượt. Đó là sự thật. Khi các bạn an lạc, khi các bạn từ bi thì các bạn thực sự rất dịu ngọt, dễ thương cho dù các bạn không rửa mặt. Vì vậy, nếu các bạn muốn mình là người dịu dàng, ngọt ngào đối với mọi người xung quanh thì điều quan trọng là phải giữ tâm an lạc, hiền hòa, phải từ bi. Nếu các bạn muốn người khác thấy mình là một người tốt, có một tấm lòng từ ái thì các bạn phải giữ tâm an bình.

Đức Phật dạy rằng con người đôi khi quá tham lam, ích kỷ. Họ không từ bi đối với những người khác và thậm chí đối với những con cá, con gà hay loài súc sinh bởi vì họ ăn quá nhiều thịt cá. Đương nhiên những súc sinh này rất sợ hãi khi chúng nhìn thấy con người bởi do thói quen ăn thịt và bản tánh hung dữ của chúng ta. Sự thật là chúng ta rất sợ loài quỷ hay những loài ăn thịt người. Khi nghe tên của những loài quỷ đó, chúng ta rất sợ hãi bởi vì chúng ăn thịt người. Và rất dễ hiểu là loài súc sinh cũng sợ hãi khi thấy chúng ta. Vì vậy, giữ an bình ở cấp ngoại có nghĩa là chúng ta phải có hành vi từ hòa. Ở cấp ngoại, hàng ngày bất cứ việc gì ta làm – ăn, ăn cái gì, nói chuyện, nói chuyện với ai … – thì ta đều phải rà soát THÂN mình để hành vi của mình luôn luôn an hòa. Còn ở cấp nội, chúng ta phải luôn luôn rà soát TÂM mình để không bao giờ bị phan duyên, bị lôi kéo bởi những cảm xúc tiêu cực này nọ. Cảnh giới nội an bình có nghĩa là chúng ta phải trụ trong chân tâm bản tánh của mình, trụ trong bản tánh của vạn pháp – tức là tánh Không. Điều này rất khó thực hiện. Khi không có một nền tảng chân thực và vững chắc, không có đầy đủ giáo huấn [của đạo sư], không tích lũy đầy đủ công đức thì điều này rất khó khăn. Chúng ta có một cách để đạt tới an lạc ở bên trong. Đạo Phật chính là con đường điều phục tâm để làm giảm đi những vọng niệm điên đảo và ta sẽ đạt tới cảnh giới an lạc chân thực. Đại An Lạc là con đường để tu tâm từ bi, là con đường để giảm bớt đi những vọng niệm trong tâm và trở nên hoàn toàn tự do, vượt thoát mọi tham luyến, sợ hãi. Vì vậy, đây là con đường vĩ đại.

“Dòng Pháp Longchen Nyingthig là con đường tới Đại An Lạc,

là con đường đạt tới cảnh giới Đại Mật.”

Dòng Pháp Longchen Nyingthig là con đường tới Đại An Lạc, là con đường đạt tới cảnh giới Đại Mật. Đạo lộ Longchen Nyingthig, hay đích đến tối hậu của dòng pháp Longchen Nyingthig chính là cảnh giới Đại Mật. Đây là thành tựu cao nhất mà một hành giả có thể đạt tới nhờ thực hành pháp của Phật. Nhiều bậc đại học giả, nhiều bậc pandita và nhiều dòng truyền thừa khác nhau đều công nhận rằng Đại Mật được dạy trong dòng Longchen Nyingthig là con đường nhanh nhất, ngắn gọn nhất để hành giả đắc cảnh giới Đại Mật. Nhiều mật điển lớn có dạy rằng bất cứ ai có cơ duyên gặp pháp tu vĩ đại này, giáo Pháp vĩ đại này, con đường vĩ đại này, sự Hợp Nhất vĩ đại (Great Yoga) này phải là một người vô cùng, vô cùng may mắn. Khi một người không tích lũy đủ công đức thì không có hi vọng được gặp con đường (yana) tối thượng này. Vậy nên điều rất quan trọng là phải xây dựng được một nền tảng vững chắc để tu pháp Đại Mật, Đại Toàn Thiện, Đại Trí Tuệ này. Để xây dựng được một nền tảng vững chắc như vậy thì người tu phải thực hành pháp ngondro, phải hoàn tất 500.000 túc số – tức là 100.000 lễ lạy, 100.000 cúng dường mạn đà la, 100.000 trì tụng minh chú trăm âm, 100.000 phát bồ đề tâm, 100.000 lời nguyện quy y v.v. Chúng ta có thể khiếp vía khi nghe những con số như vậy nhưng nó không đến nỗi đáng sợ nếu chúng ta thực sự bắt tay vào tu hành. Thầy không nghĩ rằng nó quá đáng sợ hay quá khó khăn. Những ai đã đọc tiểu sử của tổ Patrul Rinpoche và những vị đạo sư vĩ đại khác của dòng truyền thừa này, đã đọc về việc các ngài thực hành Pháp như thế nào trong quá khứ thì sẽ hiểu tổ Patrul Rinpoche đã hoàn tất 25 vòng ngondro. Và điều đó hiện nay vẫn được duy trì ở nhiều nơi. Trong tu viện Golog của chúng tôi có nhiều hành giả tinh tấn tu hành. Một số người đã hoàn tất 30 vòng của pháp tu tiên yếu và có nhiều người như vậy.

Không chỉ dòng Longchen Nyingthig mà tất cả các dòng Pháp vĩ đại của Kagyupa, Sakyapa, Nyingmapa đều lấy pháp tu tiên yếu làm nền tảng để đạt được chứng ngộ cao nhất. Mục đích chính yếu là để tịnh hóa bản thân. Ví dụ như pháp lễ lạy có sức mạnh tịnh hóa những tiêu cực của thân. Còn pháp trì tụng bách tự minh chú có sức mạnh tự nhiên tịnh hóa các phiền não bên trong. Vì vậy, Thầy nghĩ rằng điều rất quan trọng là hiểu ý nghĩa và cái dụng của các pháp tu tiên yếu. Chúng ta phải sửa tập khí sâu dày là tâm dễ duôi, lười biếng, có đúng không? (cười) “Tôi lâu nay lười biếng và bây giờ phải tinh tấn hơn”. Bệnh lười làm ảnh hưởng không tốt tới thực hành Pháp, khiến cho sự tiến bộ của ta rất, rất, rất chậm và ta thường phóng tâm, quên lãng (cười). Chúng ta quên thực hành Pháp rất nhiều lần, rất nhiều ngày. Vì vậy, cần phải sửa bệnh này.

“Hãy dùng thời gian của mình để tu hành thật tinh cần, càng nhiều càng tốt”

Thầy thấy rằng chúng ta thường viện nhiều lý do để lười biếng và đây không phải là phương cách thông minh vì thời gian không cho ta nhiều cơ hội. Thời gian trôi rất nhanh. Thời gian tan biến vào hư vô, vào tánh Không hàng ngày, hàng phút. Các bạn càng đợi thì càng khó khăn hơn trong tương lai bởi vì ta đang già đi và bệnh tật cùng nhiều bất sẽ ổn xảy ra với ta trong cuộc đời. Vì vậy, hãy dùng thời gian của mình để tu hành thật tinh cần, càng nhiều càng tốt; hãy kiểm soát thời gian của mình thật chặt chẽ, càng chặt chẽ càng tốt.

Có hai câu hỏi được đặt ra ở đây. Các bạn có thực sự tin Phật hay không? Tại sao các bạn tin? Đạo Phật có giá trị gì với các bạn hay không? Đạo Phật có chân thực hay không? Đó là câu hỏi thứ nhất. Nếu chúng ta nói “có” và Thầy đoán chúng ta nói “có” (cười), thì câu hỏi thứ hai là: “Tại sao chúng ta không làm theo các giáo huấn một cách miên mật?” Tại sao các bạn tiến bộ rất chậm? Tại sao các bạn vẫn cứ luôn lười biếng? Một số người sẽ nói “không”, có phải không? Ok, Thầy biết. Vậy thì Thầy chúc các bạn tinh cần, tinh tấn hơn nữa, và có được nhiều sự hiểu biết sâu sắc, có được nhiều tâm từ bi, có được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa cho bản thân mình. Đó là những lời khuyên từ sâu thẳm con tim. Đó cũng là những lời chia sẻ Thầy muốn nói với các bạn ở đây và những bạn không ở đây; với tất cả những ai đang cố gắng để làm một điều gì đó cho Pháp Phật, cho mọi người trên đất nước của chúng ta. Thầy thực sự đánh giá cao động cơ, việc làm của các bạn nhằm lợi lạc cho truyền thống của mình và cho mọi người ở đây. Một điều quan trọng nữa Thầy muốn nói là cho tới khi đạt tới chứng ngộ đích thực thì tâm của chúng ta luôn dời đổi, không kiên định. Tâm của chúng ta rất phức tạp. Nó nghĩ thế này rồi lại nghĩ thế khác, dời đổi hàng ngày. Nó thấy đủ thứ khác nhau và chạy theo đủ thứ khác nhau. Tuy nhiên, điều rất quan trọng là các bạn phải luôn luôn giữ vững tâm chí thành chí tín, giữ vững lòng tin của mình và làm bất cứ những gì có thể làm được để lợi lạc cho tất cả mọi người. Xin cảm ơn các bạn nhiều.

 

Hết trích đoạn ngày 10.10.2023

 

 

Việt dịch: Hiếu Thiện (Lotsawa)

Bản tiếng Anh do Trì Minh Tara & Diệu Huệ chép từ MP 3 bài giảng ngày 10.10: https://drive.google.com/file/d/1a-hkacutpiPhRHy7D-nk0vTmK1xneTHM

______

Chú thích:

[1] Đây là buổi nói chuyện của Ngài Hungkar Dorje Rinpoche với trung tâm An Lạc ngày 10.10 tại Việt Nam. Tiêu đề trích từ Pháp ngữ của Ngài.

[2] Hiếu Thiện đã thay mặt Trung Tâm An Lạc giới thiệu về quá trình xây dựng trung tâm với tên gọi “Trung Tâm An Lạc” (An Lac Center) được Ngài Hungkar Dorje Rinpoche phê duyệt năm 2015 theo lời thỉnh cầu của các đạo hữu An Lạc.

Tải về
pdf
word
CHIA SẺ