GURU YOGA: Pháp Tu Tri Kiến Thanh Tịnh*
Chiều 21.10.2019, Việt Nam
(trích đoạn)
I. Ba phẩm chất của một đệ tử tốt: Chân thật, thông minh, chí tín thành
“Người học đạo phải chân thành.
Không phải với bất cứ điều gì mà là chân thành với các giáo lý Phật dạy.”
Thầy thường đề cập đến những phẩm chất của một học trò. Những phẩm chất này không nhiều. Tất nhiên, có thể có nhiều nhưng [tóm gọn lại] có ba phẩm chất cơ bản rất quan trọng để trở thành học trò tốt. Người học đạo phải chân thành. Không phải với bất cứ điều gì, mà là chân thành với các giáo lý Phật dạy. Và người học trò phải là thông minh, hiểu ý nghĩa của những lời dạy, những lời chỉ dẫn, là người biết ý nghĩa của những hành động, ứng xử khác nhau của Guru. Phải chuyên tâm, chân thành lắng nghe những lời chỉ dạy của Guru. Và không kén chọn, tức là chỉ chuyên tâm nghe những gì ta muốn nghe còn những điều không muốn nghe thì không nghe. Đó không phải là người chí thành lắng nghe. Người chí tín thành, tận tâm lắng nghe là người bất cứ điều gì dù khó chấp nhận và làm theo tới đâu vẫn làm theo, vẫn cố gắng. Đó là người chí thành, tận tâm lắng nghe.
II. Với ghen tị và thiếu trung thực trong tâm bạn sẽ không thể thấy những đức tính tốt đẹp ở người khác
Vạn vật là do duyên khởi, có nghĩa là mọi thứ đều phụ thuộc vào một cái gì đó, hoặc phụ thuộc vào các bộ phận của nó, nguyên nhân và điều kiện của nó. Vì vậy, tất nhiên việc thực hành Pháp của chúng ta cũng phụ thuộc vào nhiều điều kiện, chẳng hạn như Guru, phẩm chất của tâm, sự hiểu biết và tinh tấn. Nếu không có đủ duyên thì kết quả không thể tốt được. Là đệ tử chúng ta luôn bàn về Guru: Guru tốt hay Guru tồi như thế nào, và chúng ta thường quên kiểm tra chính bản thân mình. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta tốt nhưng Guru thì xấu (cười). Bởi vì Guru là xấu, việc thực hành của tôi không đi đến đâu cả, mặc dù tôi vẫn tốt. Đây là quan điểm của chúng ta, phải không? (cười).
“Đức tính chân thật là quan trọng nhất trong ba phẩm chất của người học trò.”
Đôi khi con người ta rất lạ kỳ, rất vô minh nên họ xem một vị lạt ma tốt hay một vị thầy tốt là một vị thầy tồi, còn một vị thầy tồi, một vị lạt ma xấu thì họ lại cho là tốt. Đó là thiếu hiểu biết. Thật là thiếu hiểu biết. Và đó cũng có thể là do ghen tị, chứ không phải trung thực. Vì vậy, đặc biệt đức tính chân thật là quan trọng nhất trong ba phẩm chất của người học trò. Nếu bạn không có đức tính chân thật thì bạn sẽ rất khó nhìn ra những phẩm chất tốt đẹp của người khác. Và ngay cả khi bạn có nhìn thấy ai đó tốt thì bạn vẫn không muốn tin họ. Tsongkhapa, hóa thân của Văn Thù Sư Lợi, một học giả nổi tiếng và hành giả rất quan trọng đã nói: “Chân thật có nghĩa là không làm [người]tốt nhất.” Nếu bạn là “tốt nhất” thì đó sẽ là một trở ngại và bạn sẽ không thấy những đức tính tốt [ở người khác]. Và vì vậy, bạn sẽ không nhận ra được chân nghĩa của giáo huấn.” Về cơ bản, không trung thực là một nguyên nhân rất chắc chắn để không nhìn thấy được những phẩm chất tốt đẹp của người khác. Ghen tị và không trung thực – những tính xấu này có thể khiến ta nhìn nhận sự việc theo một cách không tốt đẹp, không đúng đắn. Tóm lại, phẩm chất tốt của đạo sư và người học đạo là rất quan trọng. Vì chúng ta muốn đạt được thành tựu trên con đường tu nên ta cần tất cả những yếu tố quan trọng này. Nếu không thì thành tựu sẽ không tới.
III. Nền tảng để tu tri kiến thanh tịnh: tánh thanh tịnh bên trong và bên ngoài
Guru Yoga là thực hành chính của pháp ngondro. Bây giờ chúng ta đã hiểu tầm quan trọng của Guru và Guru Yoga. Bạn quán tưởng hình tướng bên ngoài [của bạn] giống như Vajra Yogini, nhưng bản chất của hình tướng đó là Yeshe Sogyal. [Vajra Yogini] có sắc màu đỏ, một mặt, hai tay, tôn thân Ngài chỉ trang nghiêm bằng một tràng hoa. Trên đầu Vajra Yogini, giữa vầng ánh sáng cầu vồng là Đức Bổn sư của bạn, mà cũng chính là Guru Rinpoche, được bao quanh bởi tám vị Trì Minh Vương và 25 đệ tử chính của Guru Rinpoche. Quán tưởng này rất thâm diệu. Và đây là cách giải thích ngắn gọn để dễ quán tưởng. Khi đọc đoạn kinh văn này thì đồng thời bạn cũng cần phải nhập tâm ý nghĩa của những dòng kệ ấy.
“Emaho! Cảnh nơi tâm tự nhiên hiện khởi thành tịnh độ.” Điều này có nghĩa là đột nhiên cái kiến của bạn thay đổi: bạn không còn ở nơi bình thường này nữa mà bạn đang ở trong Tịnh độ của Guru Rinpoche. Sau đó, hãy quán tưởng bản thân mình là Vajrayogini linh thiêng. Đây là pháp tu tri kiến thanh tịnh. Tất nhiên, mở đầu chúng ta phải nghĩ trong tâm: “Tôi đang ở Zangdok Palri, Núi Màu đồng Vinh quang, Cõi Tịnh độ của Guru Rinpoche.” Chúng ta nghĩ và tin theo cách đó để cuối cùng, dần dần ta đạt tới tri kiến thanh tịnh. Không phải ngay từ đầu mà phải tu tập rất nhiều, rèn luyện rất nhiều.
“Do vô minh chúng ta thấy mọi thứ theo cách bình phàm.”
Do vô minh chúng ta thấy mọi thứ theo cách bình phàm. Chúng ta không thấy Ngài thanh tịnh, chúng ta không thấy Ngài có nhiều cầu vồng. Chúng ta không thấy một cách rõ ràng mà ta thấy Ngài theo cách bình phàm, theo cách thuần vật chất, vân vân và vân vân. Đó không phải là tri kiến thanh tịnh. Có hai lý do [làm nền tảng cho việc] chúng ta rèn luyện bản thân để đạt tới tri kiến thanh tịnh. Người có tri kiến thanh tịnh không nhìn mọi thứ theo cách thông thường nghĩa là như thế nào? Các bậc tôn quý, chẳng hạn như các Đại thành tựu giả, có tri kiến này – như Guru Rinpoche chẳng hạn. Khi Vua của xứ Zahor trừng phạt Guru Rinpoche và ném Ngài vào một đống lửa lớn, nhờ tri kiến thanh tịnh Guru Rinpoche không thấy tồn tại một ngọn lửa vật chất. Và ngọn lửa không thể làm hại Ngài được. Guru Rinpoche đã an toàn và mọi việc đều tốt đẹp.
“Có tánh thanh tịnh trong mỗi sự vật, hiện tượng.”
Lý do là Ngài đã đạt tri kiến thanh tịnh tuyệt vời đối với mọi sự vật, hiện tượng. Và ta có tiềm năng để đạt tới tri kiến: vạn pháp vốn trong bản tánh là thanh tịnh. Có tánh thanh tịnh trong mỗi sự vật, hiện tượng. Đó là một lý do. Lý do thứ hai: bản chất của tâm ta cũng thanh tịnh. Chính nhờ những yếu tố đó – tánh thanh tịnh bên ngoài và tánh thanh tịnh bên trong – nên luôn có cơ hội lớn để chúng ta phát triển tri kiến thanh tịnh.
IV. Để đạt giải thoát ta cần tu tri kiến thanh tịnh
“Quả của pháp tu Guru Yoga là nhận được gia trì từ Guru và hợp nhất bất khả phân với Guru.”
Pháp Guru Yoga này có bảy phần. Thứ nhất: hiểu bản chất của Guru Yoga, quả của Guru Yoga. Quả của pháp tu Guru Yoga là nhận được gia trì từ Guru và hợp nhất bất khả phân với Guru. Thứ hai: tịnh hóa cái nhìn bất tịnh về nơi chốn. Chúng ta quán tưởng nơi ta đang ở là Tịnh độ. Đó là cách chúng ta tịnh hóa, và tu luyện cái nhìn bất tịnh của mình. Thứ ba: tịnh hóa cái nhìn bất tịnh về bản thân. Chúng ta luôn nghĩ: “Tôi là tôi và tôi là một con người. Và đó là lý do tại sao tôi có phiền não, tôi có tham muốn. Và tôi phải có được cái này.” (cười) Đây là cách chúng ta nhìn thấy chính mình. Và đây không phải là một cách đúng đắn để nhìn nhận bản thân. Vì vậy, chúng ta cần phải tịnh hóa cái nhìn bất tịnh của bản thân. Nếu chúng ta không tu để hoàn thiện kiến bất tịnh của mình, thì rất khó đạt tới tri kiến thanh tịnh. Do đó, chúng ta cần phải tu luyện tâm.
“Thật khó để hiểu tại sao chúng ta cần phải có tri kiến thanh tịnh.”
Thật khó để hiểu tại sao chúng ta cần phải có tri kiến thanh tịnh. Nhiều người có câu hỏi: “Tại sao tôi phải có tri kiến thanh tịnh đối với Ngài. Tôi là một người bình thường và Ngài cũng chỉ là một con người, tại sao tôi phải xem Ngài là Phật?” (cười). Đó là câu hỏi rất tự nhiên thường nảy sinh trong tâm mọi người. Chìa khóa [giải đáp thắc mắc] ở đây chính là tính thanh tịnh của vạn pháp. Mọi hiện tượng, mọi sự vật đều vốn tự thanh tịnh, bởi vì bản chất của vạn pháp là tánh không. Nếu thử khảo sát cách thức các sự vật tồn tại, nếu thử rà soát tâm mình, thì ta sẽ không tìm thấy gì cả. Đó không phải là thứ để tìm kiếm. Bởi vì mặc dù hiện giờ bạn có thể tức giận như điên, nhưng nếu nhìn vào cơn giận của mình thì bạn sẽ không thấy cơn giận nữa. Nó trống rỗng.
“Khi có được kiến thanh tịnh thì ta sẽ thấy mọi thứ rất thanh tịnh.
Khi đó luân hồi không tồn tại nữa.”
Tánh không là bản thể của tâm. Tánh không tồn tại trong mỗi sự vật, hiện tượng, trong tất cả mọi thứ. Đó là bản tánh chính yếu của vạn pháp. Tánh không này rất thanh tịnh bởi vì không có cấu uế trong hư không, trong tánh không đó. Nó không bị che chướng. Bởi vì nó tuyệt đối không gợn chút bất tịnh nào. Nó trống rỗng từ vô thỉ. Không có nhiễm ô trong bản tánh của nó. Bản tánh của nó vốn thanh tịnh. Lý do chúng ta phải tịnh hóa cái nhìn bất tịnh của mình là để tu tri kiến thanh tịnh.
Khi có được kiến thanh tịnh thì ta sẽ thấy mọi thứ rất thanh tịnh. Khi đó luân hồi không tồn tại nữa. Luân hồi đã trở thành niết bàn. Bởi vì khi giải thoát các vọng niệm của mình thì chính bạn đang giải thoát tâm sân hận. Khi bạn không tìm ra tâm sân tức là bạn thấy cơn sân trở thành trống rỗng. Cơn sân không thể hoành hành và không có sức mạnh để tạo nghiệp bởi vì nó đã được giải thoát vào Chân như, vào chân Tánh. Đây là thực hành rất quan trọng và rất khó khăn. Thực hành này không dễ làm, ngoại trừ ta tu luyện tâm rất nhiều. Nếu khảo sát bản thân mình để xem cái ngã tồn tại thế nào thì [ta sẽ thấy] không có cái ngã. Tất nhiên, đây là một cách lý giải còn rất thô, chưa thâm sâu, vi diệu. Mặc dầu cách giải thích này còn rất thô sơ nhưng [nhờ nó] ta vẫn có thể hiểu được [về tánh Không].
V. Trí Tuệ, chứ không phải tâm thức, chính là cái trực nhận tánh Không
Cái gì nơi bạn là “bạn” (you)? Phần nào của bạn thực sự là “bạn” (you)? “Bạn” (you) có phải tâm của bạn hay không? Có phải thân? Có phải khẩu? Không! Có phải đầu? Phần trên? Phần dưới của cơ thể? Nếu bạn tìm kiếm thì bạn sẽ thấy không có gì cả. Bạn không tìm thấy cái gọi là “bạn” (you). Điều đó cho thấy rằng cái ngã không tồn tại. Nhưng tại sao chúng ta lại thấy cái ngã của mình và chúng ta nghĩ: “Tôi thực sự đang ở đây. Tôi đói. Tôi giận. Tôi khát. Và vân vân.” Đây được gọi là huyễn ảo bởi vì tâm bạn đang chế ra tất cả mọi thứ. Một cái gì đó không tồn tại nhưng tâm bạn lại chế ra mọi thứ. Một số người nghĩ: “Có thể đầu tôi không phải là tôi, tay tôi không phải là tôi. Không có tôi trong những cái này, nhưng toàn bộ lại là tôi.” Một cái gì đó tương tự như vậy (cười). Một số người nghĩ như vậy. Thầy đã nhận được nhiều câu hỏi tương tự. Nhưng tất nhiên để trả lời thì [thử nghĩ] khi chúng ta chết chúng ta mất cái thân này, chúng ta mất khẩu và nhiều thứ khác cũng biến mất, nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn biến mất vào đâu đó. Chúng ta vẫn ở lại đây. Ý thức vẫn ở lại đây, vì vậy chúng ta vẫn còn ở đây. Chúng ta có một kiếp sống khác. Chúng ta có bardo để phải trải qua. Có nhiều hạnh phúc và khổ đau chúng ta vẫn phải trải qua.
“Nó không phải là tâm. Nó không nằm trong các phạm trù của tâm.
Thế nhưng, chúng ta lại cứ tin rằng tâm trí của ta đang hiểu cái bản thể này.”
Vì vậy, sự thật là mọi thứ đều giống một giấc mơ. Cái ngã là một giấc mộng. Nhưng nếu bạn cố tìm ra bản thể của mọi thứ thì bản thể của vạn pháp, như Thầy đã nói ở trên, chính là tánh Không. Vì vậy, để trực nhận được thực tại của vạn pháp, của sự vật, hiện tượng thì trước hết chúng ta cần phải trải qua tu tập – ta phải tu luyện tâm mình. Không dễ để ta trực nhận được thực tại đó – ta không thể nhìn thấy nó bằng mắt phàm (nhục nhãn). Nó cũng không phải là thứ ta có thể dùng tâm trí mà hiểu được. Sự chứng ngộ cao thâm nhất không phải là [lĩnh vực của] khái niệm. Nó không phải là tâm. Nó không nằm trong các phạm trù của tâm. Thế nhưng, chúng ta lại cứ tin rằng tâm trí của ta đang hiểu cái bản thể này. “Tâm trí của tôi có thể nhìn thấy sự trống rỗng này của vạn pháp.” Cái thực sự trực nhận thực tại, trực nhận tánh Không của vạn pháp chính là TRÍ TUỆ. Đó không phải là tâm. Khác biệt nằm ở chỗ đó. Nhưng với trình độ ban đầu, thật khó để ta thấy được sự khác biệt giữa hai [thứ] này: TRÍ TUỆ và tâm trí. Vì vậy, chúng ta có thể sử dụng tâm trí để khảo sát từng phần, từng hiện tượng, sự vật.
Thứ tư, [pháp tu này] cũng cho ta tri kiến thanh tịnh về Guru theo cách tương tự. Chúng ta không có cái nhìn thanh tịnh về bất cứ thứ gì và điều đó tạo ra rất nhiều suy nghĩ xấu. Vì vậy, cái nhìn thanh tịnh là rất cần thiết, và rất quan trọng, để đạt giải thoát, vì giải thoát là thanh tịnh. Để đạt giải thoát người ta phải có một cái kiến thanh tịnh. Luân hồi là bất tịnh và vì cái kiến bất tịnh mà chúng ta kẹt trong Luân hồi. Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa Luân hồi và cái kiến bất tịnh. Vì vậy, để thoát khỏi Luân hồi, trước tiên ta cần phải thoát khỏi cái kiến bất tịnh, chỉ khi đó chúng ta mới có thể trụ trong bản tâm thanh tịnh này.
“Để giữ được tri kiến thanh tịnh đối với Guru, ta phải thông minh trong việc tu hành, phải khéo khảo sát vị thầy để tìm ra những phẩm chất của một Đạo sư.”
Và trước hết, để giữ được tri kiến thanh tịnh đối với Guru, ta phải thông minh trong việc tu hành, phải khéo khảo sát vị thầy để tìm ra những phẩm chất của một Đạo sư. Guru phải có đủ phẩm chất. Và chỉ khi đã tìm thấy những phẩm chất [cần thiết], đã thấy rằng vị thầy có đủ tiêu chuẩn, thì ta mới chấp nhận vị đó làm Guru. Sau đó, ta phải nỗ lực thiện xảo trong việc rèn luyện cách nhìn nhận và cách ứng xử. Tịnh hóa cái nhìn bất tịnh về bản thân có nghĩa là ta không xem [chính mình] là một người bình phàm như hiện nay, với cơ thể vật chất và với một tâm thức kém tệ – ta phải xem mình là Vajrayogini. Đồng thời, ta phải tịnh hóa cái nhìn bất tịnh về Guru [bằng cách] thấy Ngài là Guru Rinpoche. Trong pháp tu này ta không quán Guru trong thân tướng bình thường (nhục thân) mà xem Ngài là Bổn tôn với thân cầu vồng, đẹp hoàn hảo.
Thứ năm: tu luyện tâm thông qua thực hành Bảy Nhánh. Chúng ta thực hành Bảy Nhánh để tích lũy công đức và tịnh hóa phiền não. Tiếp theo, phần thứ sáu là thành tâm cầu nguyện tới Guru. Cuối cùng, phần thứ bảy là thọ nhận quán đảnh từ Guru.
VI. Bạn làm điều đó hàng giờ và hàng giờ và hàng giờ, và lặp lại và lặp lại
“Cần hiểu rằng quán tưởng rõ tới mức nào phụ thuộc vào thời gian bạn dành cho nó.”
Vì là người tu sơ cơ nên sẽ rất khó để bạn thấy rõ chi tiết của hình ảnh quán tưởng. Ví dụ, Guru Rinpoche đắp nhiều lớp y áo, đeo những trang sức khác nhau, tay cầm những Pháp khí khác nhau. Vì vậy, rất khó để chúng ta thấy từng chi tiết [của Bổn tôn] trong tâm. Xin đừng lo lắng! Điều duy nhất chúng ta cần làm là cố gắng tập quán tưởng cho rõ – việc này cần thời gian. Cần hiểu rằng quán tưởng rõ tới mức nào phụ thuộc vào thời gian bạn dành cho nó. Lúc đầu ta không thể thấy rõ ràng. Đây là điều rất bình thường. Vì vậy Thầy thường nói: “Đừng lo lắng! Chuyện đó rất bình thường.” Đây không phải là điều gì đó quá tệ bởi vì chúng ta vốn đã rất tệ rồi (cười). Vì vậy, không có gì tồi tệ hơn sẽ xảy ra với bạn đâu.
Một trong những cách rất tốt để hỗ trợ quán tưởng là nhìn vào một bức thangka đẹp – một bức tranh rất rõ nét, có hình Bổn tôn, Guru Rinpoche, Vajrayogini, Manjushri hoặc bất cứ vị nào. Hãy nhìn những bức thangka tuyệt đẹp này và cố gắng nhớ lại toàn bộ bức tranh. Khi bắt đầu, bạn không cần phải ghi nhớ rất chi tiết mà chỉ cần thấy tổng thể bức tranh. Sau đó đưa hình ảnh bạn đã nhìn thấy bằng đôi mắt trần vào trong tâm. Tùy theo sức của mình mà cố gắng giữ cho hình ảnh đó rõ ràng trong tâm. Bạn làm điều đó hàng giờ và hàng giờ và hàng giờ, và lặp lại và lặp lại. Như vậy bạn sẽ có được bức tranh đầy đủ. [Giữ cho] hình ảnh của vị Bổn tôn đó luôn ở trong tâm bạn, và nhờ cách đó bạn sẽ hoàn thiện hình ảnh quán tưởng của mình một cách từ từ.
VII. Đó là món quà của Guru Rinpoche ban tặng
“Các Ngài chắc chắn sẽ đến và đến ngay tức thì.”
Ở trang 35 có Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng. Có hàng trăm lời cầu khẩn (lời mời hoặc lời cầu nguyện) tới Guru Rinpoche, nhưng Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng này là một trong những lời cầu nguyện mạnh mẽ nhất, phổ biến nhất và sức gia trì mạnh nhất. Vì vậy, đây là lời cầu nguyện Guru Rinpoche rất quan trọng. Guru Rinpoche không thể không đến khi bạn tụng đọc lời cầu nguyện này. Bạn có thể tụng bất cứ lúc nào bạn cần, bất cứ lúc nào bạn cô đơn. Bạn nên nhớ tới sức mạnh Từ bi và Trí tuệ của Đức Phật, của Guru Rinpoche, và tất cả chư Phật, chư Bồ tát trong mười phương, ba thời. Đại nguyện của các Ngài là đến [để cứu độ] bất cứ ai dâng lời cầu nguyện tới chư vị. Các Ngài chắc chắn sẽ đến và đến ngay tức thì. Vì vậy, điều rất quan trọng là phải nghĩ đến Guru Rinpoche, cầu nguyện Guru Rinpoche để loại bỏ những chướng ngại trong tâm bạn, trong sự thực hành của bạn, trong động cơ tu hành của bạn, trong lòng tin của bạn, trong sự hiểu biết của bạn. Guru Rinpoche sẽ rất mạnh mẽ, đầy lực gia trì và [từ bi] cứu độ chúng ta.
Vì đây là lời cầu nguyện rất quan trọng của Guru Rinpoche, nên nhiều đệ tử của Guru Rinpoche đã trì tụng rất nhiều, rất nhiều lần. Đó là một thực hành rất quan trọng. Một số vị lạt ma ở Tây Tạng ngày nay đã tụng đọc lời cầu nguyện này hàng triệu lần. Trong tu viện của chúng tôi có một vị lạt ma qua đời cách đây đã vài năm. Lời cầu nguyện này là thực hành chính của vị ấy. Ông đã tụng đọc lời cầu nguyện này rất nhiều, rất nhiều triệu lần – hơn một trăm triệu lần. Và cuối cùng thì ông đã trở thành một người rất thông tuệ. Ông không thực sự học tập, nghiên cứu gì nhiều và chỉ là một người du mục Tây Tạng rất bình thường. Nhưng rồi ông đã trở thành người có năng lực tiên tri. Khi mọi người hỏi tại sao ông được như vậy thì ông trả lời chính Guru Rinpoche đã ban tặng cho ông món quà đó.
Hết trích đoạn
Việt dịch: Lotsawa (Hiếu Thiện)
Bản tiếng Anh do Diệu Huệ chép từ MP 3 sáng chiều 21.10.2019: https://lienhoaquang.com/q_043ani5
________________________
Chú thích:
* Đây là phần một trích đoạn bài giảng của Ngài Hungkar Dorje Rinpoche chiều ngày 21.10.2019 tại Việt Nam. Tiêu đề do người dịch đặt để tiện cho người đọc.