Năm giới gốc của Kim Cương Thừa (phần II)*

“Giới này có nghĩa là người tu phải có tâm bi mẫn đối với những ai cùng đi
trên một con đường, con đường thù thắng chân chánh.”

Chúng ta sẽ nói tiếp về năm giới gốc. Đây là mật giới gốc (root), nhưng theo Thầy so với các giới nhánh (branch) lại dễ giữ hơn. Tuy nhiên, “gốc” là “gốc”, là căn bản. Đây là phần quan trọng nhất. Vì vậy, nó là bắt buộc. Những người như chúng ta, đang tu theo Kim Cương Thừa, thường đã thọ nhận nhiều giáo lí, nhiều giáo huấn, nhiều quán đảnh, và ta buộc phải [trì giữ mật giới]. Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác, và phải làm như vậy.

Giới thứ tư, phải không? Đây là giới khó nhất trong năm giới [gốc] (Rinpoche cười). Nó có nghĩa là các bạn phải tử tế với nhau (Rinpoche cười). Giới này có nghĩa là người tu phải có tâm bi mẫn đối với những ai cùng đi trên một con đường, con đường thù thắng chân chánh, và cũng có nghĩa là với tất cả những ai cùng chung một Guru, một mạn đà la. Ví dụ, các bạn – những ai đã tới đây hôm nay – tất cả các bạn cùng trên một đạo lộ [giải thoát]. Điều này có nghĩa là các bạn cùng chung một hội đoàn, một cộng đồng với nhau – cùng chung một chí hướng tu giải thoát.

Chính vì vậy, chúng ta phải cố gắng dùng tình thương, lòng bi mẫn mà đối xử với nhau, phải quý trọng nhau. Tất nhiên, chúng ta có thể [làm được điều này] nhờ tri kiến Phật về hữu tình chúng sinh. Khi chúng ta nói các “huynh đệ tỉ muội Pháp” thì những chữ này thể hiện tri kiến vĩ đại về hữu tình chúng sinh và tinh thần bao dung rất đặc biệt của Phật Giáo. Chúng ta nói rằng tất cả hữu tình chúng sinh có cùng một chân tâm bản tánh – bản tâm của tất cả chúng sinh đều là một, đó là Phật tánh. Với tri kiến này thì tất cả hữu tình chúng sinh đều là anh, chị, em bởi vì họ có chung một nền tảng căn bản.

“Thực tại, hay tánh Không, của tâm đều hoàn toàn như nhau không khác.
Vì vậy, tất cả hữu tình chúng sinh đều là bạn hữu, là huynh đệ tỉ muội cấp ngoại.”

Thực tại, hay tánh Không, của tâm đều hoàn toàn như nhau không khác. Vì vậy, tất cả hữu tình chúng sinh đều là bạn hữu, là huynh đệ tỉ muội cấp ngoại. Đây là tri kiến thứ nhất về hữu tình chúng sinh – họ là anh, chị, em của chúng ta. Thứ hai, chúng ta nói rằng tất cả những ai theo Phật, quy y Tam Bảo, đang tu Phật đều là bằng hữu, huynh đệ tỉ muội xa (distant). Thứ ba, cùng một dòng phái. Tất cả những ai cùng một dòng truyền thừa, một dòng phái, đều là bằng hữu, là huynh đệ tỉ muội cấp nội. Thứ tư, tất cả những ai cùng chung một đạo sư, cùng chung một mạn đà la, thọ chung giáo huấn, cùng thọ chung quán đảnh đều là huynh đệ tỉ muội kim cang.

Tóm lại, tất cả hữu tình chúng sinh có thể chia làm bốn cấp độ. Và chúng ta thấy rằng tất cả hữu tình chúng sinh đều là bằng hữu của chúng ta và chúng ta là bằng hữu của họ. Không nên nghĩ rằng điều này được đặt trên nền tảng của các mối quan hệ thế tục giữa con người với nhau, mà phải thấy rằng có một tri kiến đặc biệt làm nền tảng cho nó. Chúng ta nói rằng tất cả hữu tình là huynh đệ tỉ muội bởi vì tất cả đều có chung một chân tâm bản tánh. Bởi vì Phật tánh [của tất cả hữu tình] là như nhau không khác.

Tất nhiên, những ai là huynh đệ tỉ muội kim cang với nhau, do bởi cùng chung đạo sư, chung giáo huấn, chung đạo lộ giải thoát, thì mối quan hệ còn chặt chẽ hơn nhiều. Còn khi nói về tất cả hữu tình chúng sinh thì ta phải nỗ lực để có thể thấy rằng tất cả đều quan trọng, bởi vì tất cả đều có cùng chung một chân tâm, bản tánh. Vì vậy chúng ta phải kính trọng, phải có tâm từ, tâm bi mẫn với tất cả. Và tất cả những ai cùng đi trên một đạo lộ tối thượng hoàn hảo và thanh tịnh thì chúng ta đều phải có tâm bi mẫn với họ. Đây là giới thứ tư.

“Đức Liên Hoa Sanh nói rằng trong khi cái kiến của bạn có thể cao như bầu trời
thì cái hạnh của bạn phải rất nhỏ, nhỏ bé như hạt bột.”

Giới thứ năm là giữ bí mật, giữ bí mật bất cứ điều gì là bí mật. Điều đó có nghĩa là bất cứ điều gì đã được học, bất cứ giáo huấn, giáo lý nào trong Kim Cương Thừa đã thọ nhận, bạn đều phải giữ bí mật. Đừng làm ầm ĩ về chuyện đó! Đừng biến mình thành một đại anh hùng và nói rằng: “Tôi là một người rất đặc biệt. Tôi đã thọ giáo huấn này, tôi đã thọ quán đảnh nọ. Bây giờ tôi là một đại thành tựu giả [siddha] hay gì gì đó”, (Rinpoche cười). Xin đừng làm ầm ĩ về những điều như vậy.

Giữ bí mật có nghĩa là giữ gìn sao cho những người khác không thể thấy [những thứ đó] một cách quá dễ dàng. Bên trong bạn có thể rất thanh tịnh, rất vĩ đại, rất tốt, nhưng đừng để người ta thấy điều đó quá dễ dàng! Bạn phải tỏ ra rằng bạn không có phẩm tánh gì hết. Bởi vì cái kiến của Mật thừa rất cao, nhưng nếu hành động của bạn, nếu cái hạnh của bạn cũng cố với lên [cho ngang] cái kiến đấy thì thiên hạ có thể sẽ không hiểu bạn. Họ có thể nghĩ: “Ồ! Thật điên khùng!” Hoặc [họ có thể nghĩ rằng] bạn đang phóng đại, thổi phồng, bạn là dổm hay là một cái gì đó tương tự. Và như thế, điều đó sẽ gây rắc rối cho Kim Cương Thừa và giáo lý Kim Cương Thừa. Chính vì vậy đức Liên Hoa Sanh nói rằng trong khi cái kiến của bạn có thể cao như bầu trời thì cái hạnh của bạn phải rất nhỏ, nhỏ bé như hạt bột. Đó là điều Guru Rinpoche đã dạy. Tóm lại, chúng ta phải giữ Mật Thừa đúng là Mật Thừa.

“Như vậy sẽ rất lợi lạc cho chúng ta nếu ta giữ mọi thứ một cách bình dị,
nếu ta giữ thái độ khiêm cung.”

Thầy nghĩ rằng điều này rất quan trọng và rất có ý nghĩa bởi vì nếu bạn nói quá nhiều thì mọi người sẽ bắt đầu khảo sát bạn. Có phải bạn là người có nhiều [phẩm tánh] không? Có phải bạn có cái kiến cao như vậy không? Có phải bạn thực sự làm được chuyện đó không? Còn nếu bạn không nói quá nhiều, nếu bạn giữ mọi thứ rất đơn sơ, rất khiêm cung thì mọi người sẽ kính trọng bạn. “Ồ! Có thể người này là một hành giả tốt. Có lẽ người đó có cái kiến thanh tịnh và rất cao.” Như vậy sẽ rất lợi lạc cho chúng ta nếu ta giữ mọi thứ một cách bình dị, nếu ta giữ thái độ khiêm cung. Khi bạn nói, kể quá nhiều về việc tu của mình thì tức là bạn đang khoe cái ngã của bạn và bạn đang nói rằng: “Tôi là một hành giả tốt. Tôi đang tu Kim Cương Thừa. Tôi có một cái kiến rất cao.” Đó là ý nghĩa [ngầm] ẩn đằng sau những chuyện [nói, kể] ấy. Và điều đó sẽ dễ dàng trở thành một chướng ngại cho tiến bộ của bạn trên con đường tu.

Ngày xưa, vào thời của các bậc Đạo sư Ấn Độ, khi các ngài tu pháp Yidam hay một pháp nào đó của Kim Cương Thừa, thì hầu như không ai biết được rằng đó là một hành giả; không ai biết được rằng họ đang tu Bổn tôn gì. Bởi vì họ giữ kín mọi thứ như giữ một bí mật, một việc riêng tư. Việc hành trì thật ra là một việc riêng tư. Đây không phải là việc để đem ra phơi giữa thiên hạ. Vì vậy, chúng ta phải giữ nó như một việc riêng tư. Tuy là việc riêng tư nhưng chúng ta cần thấy rằng nó phải đem lại lợi lạc cho chúng sinh và sâu bên trong chúng ta phải phát khởi được tâm bồ đề vì chúng sinh khác.

Tất nhiên, chúng ta có thể nói về một số tánh đức, một số lợi lạc của con đường bồ tát với người khác. Nhưng nếu bạn nói quá nhiều thì thiên hạ có thể đặt câu hỏi rằng bạn có thực sự đang tu tâm bồ đề hay không? Bạn có hay nổi nóng hay không? Bạn có phải là kẻ thù đối với bằng hữu, đối với chồng, vợ của mình hay không? (Rinpoche cười). Các bạn có dám nói “không” hay không? (Rinpoche cười). Nếu bạn trả lời: “Tất nhiên là tôi nổi nóng!” thì thử hỏi việc bạn đang tu tâm bồ đề liệu có ý nghĩa gì? Tóm lại, không nói quá nhiều sẽ có mặt lợi lạc của nó.

“Khi nói rằng chúng ta phải giữ bí mật thì điều đầu tiên là bạn phải giữ bí mật bất cứ điều gì bạn cần phải giữ bí mật. Đó là ý nghĩa tổng quát của Kim Cương Thừa.”

Khi nói rằng chúng ta phải giữ bí mật thì điều đầu tiên là bạn phải giữ bí mật bất cứ điều gì bạn cần phải giữ bí mật. Đó là ý nghĩa tổng quát của Kim Cương Thừa. Điều thứ hai, những gì bạn được lệnh phải giữ bí mật thì bạn phải giữ bí mật. Ngày nay, nhiều người thường nói: “Ồ! Thầy tôi nói tôi không được tiết lộ cho bạn nhưng dù sao tôi cũng cứ nói.” Vậy là bạn đang vi phạm mật nguyện. Khi bạn thực sự hiểu rõ rằng bạn đang vi phạm giới nguyện thì điều này sẽ nghiêm trọng hơn nhiều việc vi phạm giới nguyện do không hiểu biết. Vì vậy, khi đạo sư hay một ai đó bảo bạn giữ bí mật thì bạn phải giữ bí mật, không được tiết lộ cho người khác. Thầy thấy rằng có nhiều người, đặc biệt là các bạn phương Tây, muốn trung thực và họ nghĩ rằng họ đang trung thực: “Ồ! Thầy tôi nói rằng không được tiết lộ cho cậu nhưng tôi sẽ cho cậu biết”, (Rinpoche và tất cả mọi người cười). Về mặt này Thầy nghĩ rằng người Tây Tạng tốt hơn. À, đó là cái mà Thầy thấy như vậy, (Rinpoche cười).

Thậm chí có khi không cần thiết, hoặc bạn thấy rằng không cần thiết phải giữ bí mật, nhưng vì Thầy bạn nói rằng bạn phải giữ bí mật thì bạn vẫn phải giữ bí mật. Như vậy là bạn đang nghe lời đạo sư của mình, bạn kính trọng lời của đạo sư. Nếu bạn không làm như vậy thì bạn là một người không đáng tin cậy, một đệ tử không đáng tin cậy. Vì vậy, Thầy bạn sẽ nghĩ: “Ồ! Người này không đáng tin cậy, ta không thể nói [cho người này] các giáo huấn và tri kiến bí mật bởi vì người này sẽ không giữ được samaya (giới nguyện).” Vì vậy, các bạn cần phải hiểu vấn đề này. Như Thầy đã nói ở phần trước, họ cho rằng họ đang hành động một cách trung thực. Và họ nghĩ rằng thầy họ có vẻ lén lút hay đại loại như vậy. Đó là tà kiến.

“Ý nghĩa cốt tủy khiến chư đạo sư Kim Cang Thừa nhắc đệ tử phải giữ bí mật,
giữ mọi thứ thật giản dị, khiêm cung, không nói quá nhiều là để họ tự bảo vệ mình.”

Tất nhiên, trong đạo Phật nói chung, chúng ta phải y nghĩa không y ngữ, có đúng không? Ý nghĩa quan trọng hơn. Hành động quan trọng hơn là lời được nói ra. Chúng ta căn cứ vào hành động của một người chứ không căn cứ vào lời nói khi người đó làm một thiện hạnh hay ác hạnh. Đây là cách chúng ta xem xét bản thân để xem mình là một hành giả tốt hay không tốt. Điều này rất quan trọng. Như vậy, ý nghĩa cốt tủy khiến chư đạo sư Kim Cang Thừa nhắc đệ tử phải giữ bí mật, giữ mọi thứ thật giản dị, khiêm cung, không nói quá nhiều là để họ tự bảo vệ mình. Bởi vì khi bạn nói quá nhiều thì điều đó sẽ khiến tâm bạn tán loạn. Rồi sau đó bạn sẽ làm cho [chuyện đã nói] có ấn tượng mạnh mẽ hơn, bạn buồn về nó, bạn bực bội về nó và nhiều chuyện khác nữa sẽ nảy sinh.

“Dù cho đó là giấc mơ tốt, linh kiến tốt hay gì gì đi nữa thì bạn phải giữ kín không được nói ra. Nếu bạn nói ra thì điều đó sẽ trở thành một phiền toái lớn cho bạn.”

Chính vì vậy, đức Phật thường không cho phép người tu, đặc biệt người tu Kim Cang Thừa, nói bất cứ điều gì như là dấu hiệu mà theo bạn nghĩ là tốt, có liên quan tới việc tu tập của bạn. Dù cho đó là giấc mơ tốt, linh kiến tốt hay gì gì đi nữa thì bạn phải giữ kín không được nói ra. Nếu bạn nói ra thì điều đó sẽ trở thành một phiền toái lớn cho bạn. Khi đó thiên hạ sẽ bàn tán về bạn rất nhiều, rồi bạn tán tâm hoặc buồn bực, hoặc bạn rất vui mừng, phấn khích, rồi thì bạn sẽ làm mất đi sức mạnh trong việc tu hành. Bạn có thể mất tinh tấn bởi vì bạn đã bị tán tâm. “Bây giờ tôi là một đạo sư vĩ đại! Tôi muốn làm chuyện này, chuyện nọ và những chuyện khác nữa,” và bạn hoàn toàn quên việc tu hành của mình. Và khi đó bạn là một kẻ thất bại nặng nề. Thật đấy! (Rinpoche cười).

Chuyện nó là như thế đấy!

“Chúng ta cần phải tự trách mình chứ không trách người khác.
Không dễ làm chút nào, nhưng chúng ta phải cố gắng.”

Thầy đã nói sáng nay rằng đã thọ nhận nhiều giáo lý, nhiều quán đảnh thì bây giờ các bạn phải làm gì? Câu trả lời là các bạn phải giữ gìn và thực hành tất cả những thứ này. Rồi Thầy có nhắc tới Guru Yoga. Đây là một pháp tu rất tốt, bao gồm tất cả mọi thứ. Nhưng nếu bạn có năng lực, năng lượng, có thời gian thì bạn có thể thực hành nhiều hơn. Ví dụ – Guru Yoga là tốt nhất – rồi thì bạn có thể thực hành Vajrakylaya, Orgyen Jambala, Vajrapani, Kalachakra, Yamantaka, tất nhiên. Nếu bạn muốn bạn có thể tu mười pháp một ngày. Không có gì là sai cả, có đúng không nào? Nhưng Thầy không nghĩ thế. (Rinpoche cười). Thầy nghĩ rằng đa phần các bạn ở đây tới từ Mỹ, Canada, Nga và thầy nghĩ rằng các bạn thích mỳ ăn liền (fast food). (Rinpoche cười). Thực phẩm này không được chính thống. Nhưng mỳ ăn liền vẫn rất tốt, có phải không?

Thầy xin nhắc lại lần nữa: cần phải trưởng dưỡng tri kiến thanh tịnh bởi vì Kim Cương Thừa – Mật thừa – được đặt trên nền tảng của tri kiến thanh tịnh đó. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng khi Ngài không vui, Ngài thậm chí nổi sân với cái đồng hồ của mình. Ngài muốn ném nó đi, muốn đập vỡ nó. Nhưng khi tâm vui vẻ thì Ngài lại thấy cái đồng hồ rất đẹp, toàn là vàng, bạc, kim cương và tất cả mọi thứ đều rất quý giá. Cái gì gây nên sự khác biệt này? Tất nhiên, đó là tâm của bạn. Khi bạn thất niệm thì mọi thứ đều trở nên tồi tệ. Khi tâm của bạn an bình thì bạn thấy tất cả mọi thứ đều an hòa và đẹp đẽ. Vì vậy, khi bạn nhìn thấy chuyện không hay của ai đó, hoặc khi bạn nhìn thấy chuyện không hay của thầy mình, thì bạn phải nghĩ rằng: “Ồ! Đó là chuyện không hay của tôi! Ít nhất đa phần đều là chuyện không hay của tôi.” Bạn cần phải làm như vậy. Chúng ta cần phải tự trách mình chứ không trách người khác. Không dễ làm chút nào, nhưng chúng ta phải cố gắng. Và đây là bài tập về nhà duy nhất các bạn có ngày hôm nay. (Rinpoche cười).

“Nhưng nếu tham muốn của bạn vượt quá khả năng của bạn, vượt quá công đức của bạn thì điều này sẽ là một vấn nạn lớn cho bạn.”

Còn một vấn đề khác nữa: có quá nhiều tham muốn. Tất nhiên, điều này sẽ đem tới nhiều rắc rối, khổ đau. Vì vậy, chúng ta phải tu hạnh tri túc, biết tự hài lòng ở một chừng mực nào đó. Chúng ta phải nghĩ rằng: “Ồ, đây là phước phần của tôi. Phước của tôi có như vậy thôi cho nên đó là tất cả những gì tôi có được bây giờ; và tôi phải vui vẻ chấp nhận điều đó.” Như vậy thì ổn. Nhưng nếu tham muốn của bạn vượt quá khả năng của bạn, vượt quá công đức của bạn thì điều này sẽ là một vấn nạn lớn cho bạn. Bởi vì, bạn sẽ luôn luôn chạy theo một cái gì đó, đuổi theo một cái gì đó, tìm kiếm một cái gì đó. Và chính bạn rồi sẽ rất mệt mỏi. Mọi thứ không đuổi theo bạn mà tự bạn đuổi theo chúng vì bạn thèm muốn chúng. Tổ Long Thọ có dạy rằng tri túc (tự biết đủ) là kho báu duy nhất [của người tu]. Nếu bạn muốn sở hữu một kho của cải đặc biệt, rất quý báu thì tri túc – tức là phát triển tâm tự biết nói đủ với mình – là một điều rất quan trọng. Thầy nghĩ rằng đây là một lời dạy rất thực tế và hữu ích.

Thầy vẫn nhắc lại một chuyện như vậy – chính những chuyện Thầy đã nói trước kia với các bạn Trung Quốc. Thầy đã phê phán cách nhìn của họ – cái cách họ nhìn của cải vật chất như là những gì rất quan trọng. (Rinpoche cười). Thật đấy. Khi bạn thấy của cải vật chất quá quan trọng và bạn nghĩ bạn không thể sống thiếu nó được – tất cả những gì trong tham muốn, trong tưởng tượng của bạn – thì bạn luôn luôn để tâm tán loạn, bạn luôn luôn lang thang, lăn lóc. Tâm bạn không thể nào an nghỉ được. Vì vậy, đôi khi chúng ta phải biết nói đủ với mình (tri túc), có đúng không? Theo Thầy điều này rất quan trọng.

“Còn nếu bạn không bao giờ biết thỏa mãn thì bạn sẽ luôn luôn
đuổi theo thứ này, thứ nọ và những thứ tương tự trong một vòng luẩn quẩn.”

Lại nữa, đức Phật dạy rằng xả ly chính là hạnh tri túc cao nhất. Thầy đã nói rằng nếu không có tâm biết đủ này thì không có hạnh xả ly. Bởi vì khi đó bạn có quá nhiều tham dục, ham muốn và bạn sẽ ở lại trong luân hồi. Còn khi bạn có tâm biết đủ và tự nhủ mình: “Thôi, như vậy là đủ! Thực sự đủ rồi! Vậy là đủ cho tôi, cho cuộc sống này của tôi.” Khi đó bạn có cơ hội để tu luyện tâm và để làm một điều gì đó khác hẳn. Còn nếu bạn không bao giờ biết thỏa mãn thì bạn sẽ luôn luôn đuổi theo thứ này, thứ nọ và những thứ tương tự trong một vòng luẩn quẩn. Mỗi ngày suy nghĩ của bạn cũng như vậy, việc làm của bạn cũng như vậy.

Milarepa nói: “Khi tôi nhìn luân hồi thì tôi thấy luân hồi là điên khùng, nhưng luân hồi lại thấy tôi là điên khùng,” (Rinpoche cười). Vì vậy, Thầy nghĩ rằng chúng ta cần phải có những hiểu biết này. Như vậy đã đủ chưa? (Rinpoche cười). Thầy nghĩ rằng bởi vì các bạn có hạnh xả ly, hạnh tri túc và giữ gìn năm mật giới gốc rất tốt đẹp cho nên bây giờ các bạn có thể đi nghỉ và ngủ [ngon]. (Rinpoche cười).

 

Hết bài giảng ngày 24.8.2013

 

Việt dịch (từ bản chép lời giảng tiếng Anh): Lotsawa (Hiếu Thiện).

Bản tiếng Anh do Drolma Lhamo chép từ MP 3 ngày 24.08.2013: https://lienhoaquang.com/thu-vien-anh_T%C3%A2y-T%E1%BA%A1ng_ddclmll_nghe-MP3_hungkar.html

_________________________

Chú thích:

*Tựa đề do người dịch đặt để tiện cho người đọc.

Tải về
pdf
word
CHIA SẺ