Ngày Nay Hành Giả Tại Gia Được Nhiều Thắng Duyên Tu Pháp Đại Viên Mãn

Hungkar Dorje Rinpoche [1]

14.10.2023, Việt Nam

 

 

“Mật thừa và việc tu Mật tông được đặt trên nền tảng của Kinh Thừa, của hạnh xả ly.”

 

Nên bắt đầu việc tu hành như thế nào? Tại sao phải thực hành Pháp? Cần những điều kiện gì để tu hành kết quả tốt? Các câu hỏi này rất quan trọng đối với những ai muốn dấn thân vào việc tu hành. Một điều kiện chung rất quan trọng để tu tốt là phải hiểu được bản chất của luân hồi, niết bàn, đó là hạnh xả ly. Như vậy việc tu tâm xả li chính là điều kiện đầu tiên để tu hành tốt. Hôm qua, Thầy đã mô tả những phẩm chất thiện lành độc nhất vô nhị của Mật thừa và cốt tủy của nó. Mật thừa và việc tu Mật tông được đặt trên nền tảng của Kinh Thừa, của hạnh xả ly. Không có hạnh xả ly thanh tịnh và mãnh liệt thì rất khó để tu cả Kinh thừa và Mật thừa. Hạnh xả li có nghĩa là hiểu một cách đầy đủ về luân hồi và nguyên nhân của nó. Đôi khi bản chất của hạnh xả li, của luân hồi được mô tả có phần khác nhau trong Kinh thừa và Mật thừa. Trong truyền thống Kinh thừa, thông thường người tu được dạy rằng luân hồi là đau khổ, bất như ý do phiền não và ác nghiệp gây nên. Trong truyền thống Mật thừa, đôi khi người tu được dạy rằng bản chất của vạn pháp là Đại Lạc, là Lạc và Không hợp nhất. Như vậy, cách giải thích có khác nhau. Kinh thừa và Mật thừa có những cách KHÁC NHAU để nói về bản chất của vạn pháp. Nguyên nhân là bởi vì mục đích chính [của tu đạo] là đoạn diệt tham luyến, bám chấp bằng cách hiểu thấu thực tại của vạn pháp.

Đây là hai cách tiếp cận khác nhau để dạy và dẫn dắt người tu trên đạo lộ. Chúng ta lý đạo rất vững chắc để hiểu rằng luân hồi là đau khổ – đây chính là phương tiện đoạn diệt tham luyến thế gian, đối với mọi thứ trong thế gian. Đó là một cách tiếp cận. Nhưng chúng ta cũng nói về tánh Không và bản chất của vạn pháp là Không. Tánh Không là cái gì đó vượt quá khả năng của tâm phàm phu. Nó là không thể nghĩ bàn. Vì vậy, tâm phàm phu không thể hiểu và không thể trực nhận được bản chất của vạn pháp, không thể đạt tới TRÍ TUỆ vĩ đại. Nói cách khác tâm phàm phu của chúng ta không thể thực sự trực nhận chân Tánh vĩ đại này.

“Từ góc độ cách hiểu bản chất của vạn pháp trong tam giới, Giáo Pháp có thể chia thành ba cấp: cấp ngoại, cấp nội và cấp mật.”

Theo Thầy, từ góc độ cách hiểu bản chất của vạn pháp trong tam giới, Giáo Pháp có thể chia thành ba cấp: cấp ngoại, cấp nội và cấp mật. Ở cấp ngoại, bản chất của luân hồi là đau khổ và hạnh xả ly được dạy trong truyền thống Tiểu thừa và Đại thừa Hiển giáo. Giáo lý Đại thừa như lần Chuyển Pháp Luân thứ hai của Phật, giáo lý Bát Nhã dạy chúng ta bản chất của vạn pháp chính là Tánh Không; còn Mật thừa dạy chúng ta trực nhận bản chất Đại Mật của vạn Pháp – đó là Giác tánh, là sự hợp nhất của Giác và Không.

Khi nói về tánh Không thì thông thường ta không thấy được sự khác biệt giữa tánh Không và hư vô. Thực ra chúng hoàn toàn khác nhau. Hư vô không phải một thực tại của bất cứ pháp nào, còn Tánh Không chính là thực tại. Vì vậy, hư vô khác tánh Không.

Nói về hạnh xả ly thì có những cấp độ khác nhau. Hạnh xả ly được dạy trong Mật thừa chính là sự chứng ngộ tánh Không, chứng ngộ bản chất bí mật của vạn pháp. Sự chứng ngộ đó chính là xả ly và nó có bản chất hủy diệt tất cả mọi vọng niệm, tất cả mọi phiền não trong tâm. Mục đích chính yếu của Giáo Pháp là dạy ta cách tu hành, cách đạt tới tự do.

Theo Phật giáo, đặc biệt là Đại thừa và Kim Cương thừa, mỗi niệm đều có thể là nguyên nhân gây ra bất ổn bởi vì khi bạn suy nghĩ về một điều gì đó thì niệm khởi, và niệm này sẽ tạo duyên cho nhiều niệm khác: thêm nhiều niệm xấu và nhiều sợ hãi. Vì vậy, vọng niệm khiến cho ta mất cân bằng. Tâm luôn nghĩ điều này rồi lại nghĩ điều khác, tốt rồi xấu, vui rồi buồn và cứ như vậy … Vì vậy, không có sự an bình, sự cân bằng trong trạng thái đó.

Giáo lý Phật, đặc biệt là giáo lý thâm diệu, giáo huấn tâm yếu, dạy hành giả an trụ trong trạng thái hoàn toàn đứt bặt mọi vọng niệm, để không còn tham luyến, không còn gì cả, không còn bất cứ thứ gì gây nên trạng thái mất quân bình. Tâm của ta luôn luôn suy nghĩ và luôn luôn cố gắng tạo ra một cái gì đó. Và khi nó cố gắng tạo ra một cái gì đó thì tất nhiên nó sẽ gặp khó khăn, nó luôn luôn suy nghĩ và suy nghĩ. Đó chính là cảm giác mệt mỏi khi bạn phải vận dụng tư duy. Cho dù bạn có nghĩ về tánh Không đi chăng nữa nhưng chừng nào bạn còn phải vận dụng tư duy thì bộ óc vẫn phải làm việc và nó mệt mỏi.

Tu hành có sức mạnh giúp ta lấy lại quân bình, lấy lại an bình trong tâm. Đó là cách đạt giải thoát tối hậu vì giải thoát là dừng hết mọi vọng niệm, mọi thứ làm ta mất cân bằng. Giải thoát có nghĩa là không có gì hết, nhưng đồng thời đó là Đại An Bình, Đại An Lạc. Đối với chúng ta, khi ta nói: “Tôi không nghĩ gì cả,” thì chữ “không gì cả” chỉ có nghĩa là tâm bạn trống rỗng, giống như trạng thái buồn ngủ. Đó không phải Giác tánh hay tánh Không. Khi nói về Giác tánh thì không tham luyến, không vọng niệm, không chấp trước, mà rất an lạc. Đó chính là bản chất của giải thoát. Vì vậy, để thực hành ý nghĩa thâm diệu của giáo lý, Thầy luôn luôn nói rằng chúng ta phải có một nền tảng tốt để có thể chứng ngộ tánh Không, để đạt tới chứng ngộ thâm diệu, thanh tịnh.

Đó chính là lý do tại sao các bậc thầy vĩ đại, đặc biệt trong Phật giáo Tây Tạng, dạy các pháp tu ngondro và cách hiểu tầm quan trọng, sự cần thiết của các pháp tu này. Tất cả mọi truyền thống Phật Giáo Tây Tạng đều có pháp tu tiên yếu. Mỗi truyền thống có pháp tu tiên yếu riêng nhưng ý nghĩa thì giống nhau. Ý nghĩa của pháp tu tiên yếu là bốn niệm chuyển tâm hướng về chánh Pháp, nhưng tinh yếu của các pháp tu có thể được gọi theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, trong truyền thống Cổ mật, tinh yếu của thực hành Pháp được gọi là Dzogpa Chenpo. Đối với dòng Kagyupa thì đó là Đại Thủ Ấn. Họ có những tên khác nhau để gọi tâm yếu của các pháp tu của mình.

“Nói về cách người Tây Tạng tu hành, thì chư tăng, chư ni ở Tây Tạng bao giờ cũng tu theo một hệ thống rất hoàn chỉnh, rất chặt chẽ.”

Nói về cách người Tây Tạng tu hành, thì chư tăng, chư ni ở Tây Tạng bao giờ cũng tu theo một hệ thống rất hoàn chỉnh, rất chặt chẽ. Họ nghiên cứu giáo lý nhiều năm, ít nhất 20 hoặc 25 năm, và tốt nghiệp các học viện Phật giáo, trở thành Geshe hoặc Khenpo vân vân. Sau đó đa số hành giả sẽ tới các trung tâm nhập thất để tu học Mật tông, để nhận những chỉ dẫn cốt tủy, để tu hành dưới sự dẫn dắt trực tiếp của Guru. Dưới sự dẫn dắt của Guru, họ cố gắng thực hành Pháp hàng ngày trong 3 hoặc 4 năm. Ở tu viện của chúng tôi có chương trình nhập thất 4 năm để hoàn tất các pháp tu Dzogpa Chenpo.

“Chúng tôi cố gắng làm theo và gìn giữ truyền thống của học viện Nalanda: việc VĂN, TƯ, TU đều được tiến hành theo cách mà các bậc đạo sư của học viện Nalanda thực hiện.”

Truyền thống của các học viện Pháp ở Tây Tạng khởi nguồn từ Nalanda ở Ấn Độ. Chúng tôi cố gắng làm theo và gìn giữ truyền thống của học viện Nalanda: việc VĂN, TƯ, TU đều được tiến hành theo cách mà các bậc đạo sư của học viện Nalanda thực hiện. Thầy tin rằng mọi người đều biết hay ít ra là có nghe tới tên Nalanda. Ngày nay học viện đó không còn nữa và ta chỉ thấy những mảnh sót lại của các công trình xây dựng. Tuy nhiên, vào thời đó đây là học viện lớn nhất ở châu Á và các bậc đại học giả, các bậc đạo sư của học viện Nalanda là những bậc thầy quan trọng đã hoằng dương Pháp Phật và gìn giữ dòng truyền thừa của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ví dụ, chúng ta gọi tám vị đạo sư nổi tiếng và rất quan trọng của Nalanda: Sáu Bảo Trang và Hai Bậc Thánh Tôn – Nagarjuna, Aryadeva, Asanga, và vân vân. Các ngài đều là bậc đạo sư của Nalanda. Chính nhờ trí tuệ của các ngài, những pháp sự của các ngài, những nỗ lực phi thường của các ngài mà ngày nay chúng ta vẫn có thể gặp, học tập và nghiên cứu giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên trái đất này.

Và Tantrayana cũng được dạy ở Ấn Độ. Một số mật điển được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền dạy, còn một số mật điển khác thì do đức Phật đã hóa hiện thành các vị bổn tôn khác nhau để trao truyền. Tất cả 80 đại thành tựu giả nổi tiếng của Ấn Độ đã đạt thành tựu cao tột trên đạo lộ nhờ tu pháp Mật thừa. Như vậy Kim Cương thừa đã được hoằng truyền ở Ấn Độ và rất phổ biến. Lịch sử của truyền thống Cựu dịch Nyingmapa ở Tây Tạng cũng được xây dựng ở Ấn Độ trước khi nó được thiết lập ở Tây Tạng. Vị đạo sư đầu tiên, bậc trì giữ dòng truyền thừa Dzogpa Chenpo đầu tiên, chính là ngài Garab Dorje. Garab Dorje, Jampal Shenyen, Sri Singha, Jnanasutra, Vimalamitra – tất cả các ngài là các vị đạo sư Ấn Độ đã thực hành Dzogpa Chenpo và đã đạt tới giác ngộ nhờ tu pháp tu của Dzogpa Chenpo Đại Viên Mãn.

Vào thời vua Trisong Detsen, ngài đã mời Guru Rinpoche và hơn 108 đại học giả từ Ấn Độ tới Tây Tạng để hoằng dương Phật pháp, để dịch tất cả mọi kinh điển, mật điển có trong thời gian đó ở Ấn Độ, từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng. Khi đó, Guru Rinpoche và Vimalamitra cũng dạy giáo lý Dzogchen cho những đệ tử thân cận và quan trọng như Vairotsana và Yeshe Tsoyal và nhiều người khác. Có 25 đại đệ tử của Guru Rinpoche và nhiều vị khác trong chúng đệ tử của Guru Rinpoche đã trở thành các bậc đạo sư, các bậc thành tựu giả nhờ tu pháp Mật thừa.

Một trong những hóa thân quan trọng của Guru Rinpoche, và cũng đồng thời là một trong những khai mật tạng vương vĩ đại của Tây Tạng, là tổ Longchenpa. Ngài đã xây dựng dòng truyền thừa Dzogpa Chenpo ở Tây Tạng. Đây chính là dòng truyền thừa, là truyền thống mà chúng ta đang thực hành và đang học tập, nghiên cứu. Nói về dòng pháp chúng ta đang thực hành thì điều rất quan trọng là phải có một dòng truyền thừa trong sạch, không gián đoạn bởi vì chỉ bằng cách đó mà giáo lý của Phật mới được bảo tồn và luôn luôn thanh tịnh, luôn luôn có sức sống mãnh liệt.

Thầy đã giảng về các dòng truyền thừa của truyền thống Tây Tạng. Nói chung, có một dòng truyền thừa không gián đoạn từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến chúng ta ngày nay. Và do trí tuệ đặc biệt [của các ngài] mà có một số cách đặc biệt để khai lập dòng truyền thừa, ví dụ như dòng phục điển được khai lập bởi Guru Rinpoche. Ví dụ như đức Longchenpa là hóa thân của Guru Rinpoche và là một trong những khai mật tạng vương vĩ đại của lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Ngài có nhiều linh kiến về Guru Rinpoche; và trong nhiều linh kiến, trong thiền định, ngài nhận nhiều giáo lý trực tiếp từ Guru Rinpoche. Vì vậy, chúng ta gọi đây là một dòng truyền thừa rất độc đáo, đặc biệt.

Dòng Pháp phục điển là một dòng Pháp rất thâm diệu, tuyệt vời. Ví dụ như Lama Sang – một số bạn ở đây đã gặp Lama Sang – dòng phục điển của Ngài khởi nguồn từ Guru Rinpoche. Nếu tính khoảng cách từ Guru Rinpoche tới Lama Sang thì quãng thời gian đó là rất lớn. Lama Sang nổi tiếng về trí tuệ điên – trí tuệ vượt quá [năng lực hiểu của nhiều người] và thâm diệu hơn nhiều loại trí tuệ khác. Lama Sang đã thọ nhận nhiều giáo lý của dòng phục điển này trực tiếp từ Guru Rinpoche, trong những kiếp trước và trong kiếp này. Ví dụ, các phục điển Vajrapani, Dzambhala hiện nay nhiều người đang tu là phục điển của Lama Sang. Chỉ có một kết nối duy nhất từ Guru Rinpoche tới chúng ta – đó là Lama Sang. Và dòng truyền thừa này được khai lập bởi Guru Rinpoche. Đó là điều rất tuyệt vời. Các truyền thống khác ở Tây Tạng, ví dụ như phái Nyingmapa, cũng có lịch sử rất dài của các dòng truyền thừa ngắn và dài. Như vậy, chúng ta cần có một truyền thống vừa thậm thâm vi diệu, vừa hoàn thiện.

“Ngày càng nhiều hành giả cư sĩ tu Dzogpa Chenpo và bộ pháp này ngày càng trở nên phổ biến hơn.”

Nói chung, đối với những hành giả cư sĩ ở Tây Tạng, đặc biệt những ai có kết nối với dòng pháp Cổ mật, thì có thể thấy ngày càng nhiều hành giả cư sĩ tu Dzogpa Chenpo và bộ pháp này ngày càng trở nên phổ biến hơn; ngày càng có nhiều hơn những hành giả dấn thân vào việc thực hành pháp này. Như Thầy đã nói trước đây, có nhiều chư tăng, chư ni hoặc chư yogi học giáo lý theo những hệ thống rất chặt chẽ của tu viện; họ học tập, nghiên cứu giáo lý nhiều năm và thực hành thiền định rất nhiều năm. Đó là hệ thống dành cho những đệ tử thân cận của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – chư tăng và chư ni. Ngày nay, các hành giả cư sĩ cũng đang thực hành pháp ngondro, đặc biệt những thế hệ đi trước rất nhiệt tâm tu hành và đặc biệt nhiệt tâm thực hành Dzogpa Chenpo. Họ rất tinh tấn và vì vậy đã hoàn tất nhiều lần con số 500.000 các thực hành Pháp tu dự bị. Đó là cách mà chúng tôi văn, tư, tu ở Tây Tạng.

“Đó cũng là “Những Di Huấn Cuối Cùng của Garab Dorje Truyền cho Manjushrimitra”. Có 1.000 hành giả cư sĩ cùng với 1.000 tăng, ni và yogi tham dự. Đây là một điều rất mới mà Thầy chưa từng thấy trước đây.”

Ngày xưa, giáo pháp đại mật Dzogpa Chenpo không truyền dạy nhiều cho đại chúng. Tuy nhiên, theo một số tiên tri của đức Phật Thích Ca Mâu Ni – đức Kim Cang Tát Đỏa hoặc một số Bổn tôn khác cũng nói như vậy – trong tương lai sẽ có nhiều hành giả tu pháp Dzogpa Chenpo: vào thời đại suy thoái, giáo pháp Dzogpa Chenpo sẽ được thực hành một cách phổ biến hơn bởi nhiều hành giả. Và thời đại như vậy đang tới. Lời tiên tri này đang trở thành sự thật sống động. Ngay trước khi Thầy rời Golog để tới đây, mọi người đã thỉnh cầu Thầy giảng pháp ba ngày về chủ đề lớn được truyền dạy bởi tổ Patrul Rinpoche có tên gọi là “Ba Lời Tuyên Bố Đánh vào Điểm Trọng Yếu”. Đó cũng là “Những Di Huấn Cuối Cùng của Garab Dorje Truyền cho Manjushrimitra”. Có 1.000 hành giả cư sĩ cùng với 1.000 tăng, ni và yogi tham dự. Đây là một điều rất mới mà Thầy chưa từng thấy trước đây. Bởi vì ngày xưa chỉ có ít người – một số ít người rất đặc biệt, tuyệt đối chí tín thành, đã thực hiện rất nhiều, rất nhiều vòng ngondro – chỉ họ mới có đủ thẩm quyền tham dự những buổi truyền pháp đặc biệt như thế này. Nhưng ngày nay, bất cứ ai thực sự có đủ phẩm chất nhờ trí tuệ hiểu và nhờ tinh tấn tu pháp ngondro [đều có thắng duyên thọ nhận giáo Pháp này].

Không phải Thầy muốn quảng bá một chuyện gì đó mà sự thật là những hành giả cư sĩ ở Tây Tạng hiện nay đang trở nên ngày càng nghiêm túc hơn [trong tu hành] và thực sự đang nỗ lực rất nhiều. Họ nay có cơ duyên thù thắng thực hành giáo Pháp thâm diệu này đặc biệt nhiều hơn rất so với trước đây. Như Thầy đã nói hôm qua, trong các truyền thống Tây Tạng có nhiều bộ Pháp rất hoàn hảo, hữu dụng và thậm thâm để các hành giả tại gia tu, bởi vì họ thông thường bận rộn hơn chư tăng ni. Vì phải chăm lo rất nhiều thứ cho cuộc sống, cho gia đình nên họ không có nhiều thời gian. Nhưng nếu ai đó thực sự tinh tấn, họ luôn luôn có hi vọng, có thắng duyên tu hành, để vừa sống trong xã hội, vừa tu Pháp chân thực.

Chúng ta thường nghe rằng, các giáo lý vĩ đại giống sữa, tuyết hay một chất gì đó rất đặc biệt mà những bình chứa loại thường không thể chứa nổi, bởi vì nó sẽ bị rò rỉ mất. Vì vậy, để làm một hành giả của các giáo lý thâm diệu vĩ đại này, chúng ta cần phải là một bình chứa tuyệt vời, giống như bình chứa [làm] bằng ngọc báu, bằng vàng hoặc một chất liệu gì đó rất đặc biệt. Nếu không chúng ta sẽ không thể giữ gìn giáo Pháp, giáo huấn trong tâm và nó sẽ bị hủy diệt bởi những vọng tưởng tiêu cực. Tóm lại, để trở thành một hành giả của giáo Pháp thậm thâm vi diệu này, chúng ta phải đáp ứng những yêu cầu rất cao [về phẩm chất người tu].

Công việc của chúng ta là phải rửa sạch, phải lau chùi bình chứa – đó chính là tâm chúng ta. Tâm chúng ta là những chiếc bình để đựng giáo lý. Hiện nay, bởi do những tập khí sâu dày, những phiền não trong tâm cho nên chiếc bình chứa của chúng ta rất dơ bẩn. Vì vậy, chúng ta phải rửa sạch nó bằng pháp tu tiên yếu để tâm mình thành bình chứa tốt cho loại giáo lý này. Và pháp tu đó gọi là ngondro. Chúng ta hiểu pháp tu tiên yếu là gì. Về căn bản, pháp tu này nhằm chuẩn bị cho hành giả trở thành [bình chứa tốt] sẵn sàng thọ nhận những giáo Pháp đặc biệt. Trước khi thọ nhận Pháp, chúng ta phải có một tâm tốt lành, trong sạch và có một nền tảng vững chắc. Một số người thọ nhận giáo lý trước khi họ có sự chuẩn bị tốt, rồi sau đó họ đổi tâm, họ trở thành người xấu hay một cái gì đó tương tự. Tóm lại, để bảo đảm chắc chắn rằng điều đó sẽ không xảy ra với chúng ta, để bảo đảm chắc chắn rằng chúng ta sẽ thọ nhận các giáo Pháp này không chướng ngại, thì rất cần tu pháp ngondro.

“Luôn luôn có phương tiện, có cơ hội để những hành giả cư sĩ thực hành giáo lý thâm diệu. Các bạn vẫn ở nơi mình đang ở, không cần phải rời bỏ gia đình mình, không cần phải bỏ lại sau lưng bất cứ thứ gì mà [vẫn có thể] làm việc với tâm của mình để phát triển trí tuệ nội quán qua các pháp tu này.”

Nếu quan sát kỹ, ví dụ như những người tu theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng và Ấn Độ, thì sẽ thấy có rất nhiều hành giả cư sĩ đạt chứng ngộ cao và trở thành những vị thầy, những hành giả vĩ đại nhờ các pháp tu đặc biệt này. Vì vậy, luôn luôn có phương tiện, có cơ hội để những hành giả cư sĩ thực hành giáo lý thâm diệu. Các bạn vẫn ở nơi mình đang ở, không cần phải rời bỏ gia đình mình, không cần phải bỏ lại sau lưng bất cứ thứ gì mà [vẫn có thể] làm việc với tâm của mình để phát triển trí tuệ nội quán qua các pháp tu này.

Thế nhưng, chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn. Sự thật là tuy chúng ta không phải bỏ lại tất cả mọi thứ nhưng chúng ta vẫn phải buông bỏ tham luyến, nếu không thì sẽ không chuyển tâm được. Vì vậy, cần phải có hạnh xả ly chân thực, mạnh mẽ, và phải có tâm từ bi. Chúng ta phải có một nếp tu tập tinh tấn bởi vì thói quen của chúng ta [hiện nay] không tốt. Do những tập khí [không tốt] mà chúng ta vẫn khá lười biếng và đó là sự thật. Vì vậy, chúng ta phải thay đổi cung cách này, phải tinh tấn hơn để Pháp luôn luôn sẵn sàng[2] cho chúng ta. Thật ra, không phải là Pháp không sẵn sàng, mà [sự thật là] nếu chúng ta thật tinh tấn thì luôn luôn có thời gian để hành trì. Chúng ta thật ra vẫn có thời gian. Bất cứ khi nào bạn lười tu, bạn bận rộn với những thứ hoàn toàn vô nghĩa, không cần thiết thì khi đó bạn không có thời gian. Vì vậy, chính ta là người quyết định nên sắp xếp cuộc sống của mình, việc tu của mình ra sao.

“Vô minh và lười tu luôn gắn với nhau: bởi vô minh nên lười tu, lười tu tức là đang vô minh.”

Thầy mong mọi người hiểu thấu đáo điều này và thêm thông suốt hơn nữa, để xây dựng một lối sống tốt đẹp hơn cho đường tu, để lợi lạc nhiều hơn từ việc tu hành. Khi Thầy nói ‘lười’ là Thầy muốn nói rằng chúng ta rất lười, vì vậy cần phải sửa tật xấu lười tu. Vô minh và lười tu luôn gắn với nhau: bởi vô minh nên lười tu, lười tu tức là đang vô minh. Chúng cùng một giuộc. Chúng ta hay nói: “Ồ, tôi là người rất siêng năng, tôi làm nhiều giờ mỗi ngày và kiếm được khối tiền.” Điều này rất khác với cách [mà Thầy giải thích] về chữ ‘lười’ – cái ‘siêng năng’ này thật ra là tâm tham, vì vậy nó là vô minh. Còn ‘không lười tu’ là một cái gì đó luôn gắn liền với Pháp. Thực hành Pháp chính là không lười. Dù cho bạn có nỗ lực bao nhiêu đi nữa nhưng với cách hiểu rất thế tục thì đó không phải là tinh tấn. Nếu bạn say mê Pháp, nếu bạn thực hành Pháp thì bạn tinh tấn. Còn nếu bạn làm một cái gì đó trái với Pháp – thậm chí nếu bạn là người làm công rất cần cù, hoặc kinh doanh, kiếm sống rất siêng năng – thì đó vẫn không phải là cái chúng ta muốn. Vì vậy, cần phải hiểu bản chất của bệnh lười tu.

Tinh tấn luôn luôn là một cái gì đó gắn liền với Pháp, với tuệ hiểu biết, chánh niệm. Để làm rõ hơn điều này, Thầy muốn nói rằng nếu chúng ta chánh niệm một phút thì có nghĩa là trong phút đó chúng ta đang tinh tấn. Mặc dù bạn có thể ngồi đó tụng một vài câu chú hoặc quay kinh luân, nhưng nếu tâm của bạn vẫn ngồi đó một cách mù lòa, thì đó không phải là tinh tấn; đó cũng không phải là chánh niệm. Như vậy, chánh niệm luôn luôn là tinh tấn! Phải hiểu rằng thực hành Pháp là một việc luôn gắn liền với tuệ hiểu của chúng ta. Nó là một cái gì đó luôn gắn liền với sự tỉnh giác của chúng ta.

 

Hết bài giảng ngày 14.10.23

 

Việt dịch: Hiếu Thiện (Lotsawa).

Bản tiếng Anh do Trì Minh Độ Mẫu + Diệu Huệ chép từ MP 3 bài giảng ngày 14.10.23: https://drive.google.com/drive/u/2/folders/1XNK4XKWwVJZRvoJ45Bh6nL0vsSd-0SPV

Xem bài tiếng Anh tại link: https://longchennyingthigvn.com/en/bai-rat-ngan/today-dzogchen-is-practiced-by-more-and-more-lay-people/

 __________

Chú thích:

[1] Bài giảng của Hungkar Dorje Rinpoche ngày 14.10.2023 tại Việt Nam. Bản tiếng Anh, bản Việt dịch và tựa đề đã gửi Rinpoche duyệt và gia trì.

[2] Pháp luôn sẵn sàng để ta dùng làm phương tiện giải thoát.

 

Tải về
pdf
word
CHIA SẺ