LÀM NGƯỜI TỐT
“Nền tảng căn bản để tu Phật là làm một người tốt.”
Trước hết, xin cảm ơn nhà chùa, các sư thầy, chư tăng ni đã đón tiếp và tạo duyên cho tôi giảng Pháp tại chùa. Thật tuyệt vời được biết rằng đây là nơi đạo Phật lần đầu tiên truyền tới Việt Nam. Và điều này thật là tốt lành đối với tôi [khi được] giảng Pháp tại nơi đây. Đây có lẽ là lần thứ ba tôi tới Hà Nội. Tôi biết một số bạn ở đây, một số cũng đã qua Golok và chúng tôi quen biết nhau. Đó là duyên cho tôi tới đây giảng Pháp. Phụ thân tôi là một đạo sư Tây Tạng; Ngài cũng tới Việt Nam và có nhiều đệ tử. Và chúng tôi giữ kết nối sâu bền ấy.
Chúng ta đây đều là người tu. Mục đích cuộc đời người tu là đạt kết quả tốt, nắm được cốt tủy Phật Pháp. Và chủ đề chính của tôi là pháp ngondro – pháp tu dự bị để hiểu Pháp và kiến tánh. Tuy nhiên, vì nhiều người mới ở đây nên tôi sẽ nói về căn bản Phật Pháp.
Nền tảng căn bản để tu Phật là làm một người tốt. Chúng ta đều biết có người tốt, người xấu. Ta phải làm người tốt. Làm sao để là người tốt? Để làm người tốt cần nhiều phẩm tánh. Vì vậy, chúng ta phải học hỏi để biết nhiều hơn về chủ đề này.
ĐƯỜNG TU
“Để tu đạo phải trung thực.”
Làm người xấu thì không thể học đạo. Cho nên, để học đạo chúng ta cần có một nền tảng tốt. Đức tính làm người căn bản là trung thực. Vậy nên, trung thực là đức tính thiết yếu để tu hành. Đây là điểm chung cho mọi truyền thống Phật giáo trên thế giới. Đức Phật, Bồ Tát Long Thọ, tất cả đạo sư của Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Quốc đều luôn nhắc tới tầm quan trọng của việc làm người tốt và làm người tu tốt. Vì vậy, bất cứ nơi nào tôi tới, khi có dịp, tôi đều nhắc tới phẩm tính làm người quan trọng này.
Có một vị đạo sư nổi tiếng tên là Patrul Rinpoche. Ngài là một đạo sư vĩ đại, một hành giả khiêm tốn, một đại thành tựu giả, một bậc chứng ngộ rất cao. Ngài nói: “Có hai con đường trong luân hồi. Một con đường có tên là “trung thực”, “ngay thẳng”, còn con đường kia là “không trung thực”, “quanh co”.” Có hai loại người: trung thực và không trung thực. Để tu đạo phải trung thực. Đây là phẩm chất đầu tiên của người tu.
“Vì vậy rất quan trọng là phải chọn con đường đúng ngay từ ban đầu.”
Nếu người tu chọn con đường ngay thẳng, trung thực, con đường sẽ dẫn lên cõi thiên, cõi tịnh. Nếu chọn con đường quanh co, gian dối, họ sẽ bị đọa ba cõi ác. Hai con đường trong luân hồi dẫn bạn theo hai hướng hoàn toàn khác nhau. Vì vậy rất quan trọng là phải chọn con đường đúng ngay từ ban đầu. Đặc biệt đối với Pháp, bạn phải chọn con đường đúng.
Nếu chọn con đường quanh co gian dối thì sẽ khó mà thay đổi. Bởi sự lựa chọn đó sẽ đưa bạn đi theo hướng sai và chính nó sẽ hủy hoại năng lượng, thời gian cùng những gì tích cực, tốt đẹp trong bạn. Vậy nên, điều rất quan trọng là bạn phải hiểu cho được tầm quan trọng của việc chọn con đường đúng ngay khi bắt đầu tu đạo.
Cái gì khiến con người không trung thực? Có nhiều nguyên nhân, trước hết là chấp ngã. Người chấp ngã nặng là người rất ích kỉ. Một người như vậy không thể thấy cái gì là tốt, cái gì là hại cho người khác. Người đó chỉ nghĩ lợi mình, không nghĩ lợi người. Đó là vấn nạn của con người vì nó gây khổ đau cho mình và cho người. Thói ích kỉ là chướng duyên cho việc tu. Tu trước hết là phải cho đi nhiều thứ và nghĩ về người khác. Nếu không thì pháp tu của ta bất tịnh. Pháp thanh tịnh là làm lợi lạc cho người chứ không chỉ biết mình. Nhưng người ích kỉ thì không biết lợi lạc người khác mà chỉ nghĩ lợi mình.
“Một người đầy sân hận không thể trung thực”
Có một phiền não khác, tên là “sân hận”, cũng là nhân chính yếu của tâm không trung thực. Một người đầy sân hận không thể trung thực vì năng lượng tiêu cực này hủy hoại ý nghĩ, tình cảm tích cực. Vì vậy, sân hận là một phiền não hủy hoại duyên tốt để làm người trung thực. Một người rất hung bạo, giận dữ thì thường sẵn sàng hủy hoại người khác, hủy hoại an bình và những gì tốt đẹp ở người khác.
Phàm là người thì có phiền não, nhưng có người mang sân hận rất nặng, họ rất hung dữ. Người như vậy phải hiểu và phải cố gắng giảm loại phiền não này. Bởi nó không chỉ hại cho họ mà còn hại cho người khác nữa. Tóm lại, tham luyến nặng và sân hận ác tâm nặng là nguyên nhân chính khiến ta không trung thực, hành xử sai, luôn gây chướng ngại cho bản thân, cho việc tu.
Khi không vui ta mất an bình [nội tại]. Cái làm ta mất đi năng lượng an bình chính là phiền não mà, như đã nói ở trên, căn bản là tham lam, sân hận, đố kị. Đó là ba loại phiền não trong tâm. Bất cứ khi nào chúng nổi lên, ta mất an bình nội tại. Khi tâm mất an bình ta thấy bất hạnh. Tâm bị phiền não tấn công. Phiền não tạo ác nghiệp, gây ma chướng cho ta và người. Vậy để làm người trung thực, người tu phải hiểu [thấu đáo] cái hại của phiền não.
Cố gắng hiểu cái hại của phiền não gọi là “tu tâm” – chuyển hóa tâm, thay đổi cách tâm mình nhìn nhận sự việc. Nếu không sẽ khó có được an bình nội tại tốt lành. Không giảm được phiền não không phải là tu. Không chuyển đổi cái nhìn sai lạc thì không thể thọ nhận sức mạnh, lợi lạc từ Pháp Phật. Chuyển hóa tâm – đó chính là tu.
Tu là gì? Tu là chuyển hóa tâm mình, thay đổi cách mình nhìn mọi thứ. Tu không có nghĩa là chỉ ngồi và không nghĩ gì cả. Mà [tu là] luôn quán chiếu cái gì tốt, cái gì quan trọng, cái gì tiêu cực, cái gì tích cực, cái gì lợi lạc, cái gì chướng ngại. Phải biết phân biệt tốt, xấu. Đó là tu đạo – đặc biệt đối với kẻ sơ cơ chúng ta. Chúng ta cần hiểu biết căn bản này: làm sao để suy nghĩ cho đúng đắn, đúng Pháp?
VĂN TƯ TU
“Lòng tin không thôi chưa đủ …”
Tất cả chúng ta ở đây đều có lòng tin vào Phật, Pháp. Ta cũng có lòng tin vào nhân quả. Nhưng để thực sự tu hành thì như vậy chưa đủ. Lòng tin thôi chưa đủ. Lòng tin là một nền tảng căn bản, nhưng tin thế nào rất quan trọng. Chúng ta hiểu nghiệp thế nào? Hiểu nhân quả thế nào? Câu trả lời là: cần phải khảo sát (tư). Ta phải suy nghĩ rất nhiều, cố gắng hiểu bằng cách tư duy, quán chiếu, xem xét (tư). Còn chỉ tin vào lời nói mà không tư duy, quán chiếu thì chưa đủ.
Vì vậy phải văn, tư, tu. Đây là phương tiện để tu tâm. Cần phải tư duy, quán chiếu (tư). Chúng ta không có nhiều thời gian, sức lực để học rộng, để nghiên cứu hết bộ kinh này sang bộ kinh khác. Nhưng ít ra phải làm được những việc căn bản và rất thiết thực. Phải suy nghĩ cái gì là tốt, là xấu – luôn luôn như vậy. Và điều này sẽ tạo nên sự khác biệt [thực sự].
Tôi thấy nhiều người nỗ lực làm cho được việc này và họ thực sự tiến bộ (tu). Còn cũng có những người chỉ lòng vòng, lè phè. Hoặc có người chỉ ưa nói chuyện vĩ đại, to tát, ưa nhắc tới hết bộ kinh này tới bộ pháp kia, nhưng rốt cuộc chẳng đi tới đâu cả. Trong khi đó có những người thực sự nỗ lực làm những việc thật cần thiết, thật căn bản. Và những người này làm nên sự khác biệt. Họ đạt được tiến bộ rõ rệt, họ đạt được thay đổi lớn (tu).
Cần phải thực tế vì ta không có nhiều thời gian, sức lực. Vì vậy, cần phải nắm được cái chính yếu, cái thật bổ ích. Nếu được như vậy thì sẽ đạt kết quả tốt trong một thời gian ngắn. Đây là cái ta cần phải hướng tới – đây chính là tu Phật chân chính.
Chúng ta, nhất là chư tăng ni, đều biết “Tứ Diệu Đế”. Đây là một thực hành căn bản của Phật giáo. «Tứ Diệu Đế” là gì? Là chân thực quán chiếu bản chất của vạn pháp. Bản chất cuộc sống là “Khổ Đế”. Không có cách gì để thoát khỏi bản chất này. Dù cái gì xảy ra đi nữa, chúng ta cũng chỉ có một lựa chọn là chấp nhận và đồng hành với nó. Khi nói về bản chất cuộc sống chúng ta phải nói về thay đổi – vô thường. Đó là thực chất của cuộc đời. Hiểu thực tánh cuộc đời là hiểu Tứ Đế, là trí tuệ hiểu biết bốn chân lý cao cả.
Khi nói ta không có nhiều thời gian để sống thì có nghĩa là sinh tồn vốn bất định. Không có gì đảm bảo rằng ta sẽ sống dài lâu. Tất nhiên ta mong ước, hi vọng mọi người sống lâu, hạnh phúc, thịnh vượng và mọi thứ đều tốt đẹp. Nhưng mọi thứ không phải luôn như vậy. Thường thì chúng cứ xoay theo chiều ngược lại. Vì nhân quả, vì luân hồi, vì nghiệp. Nên ta cần hiểu thực tại, cái gì là sự thật, là sự thật căn bản về vạn pháp, về mọi sự vật hiện tượng trong thế gian này.
Do đó Khổ Đế là cái biết căn bản cần cho mọi người tu. Và để hiểu được nó chúng ta cần phải trung thực. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không hoàn toàn trung thực khi nói: «Tôi thật sự hiểu Khổ Đế.» Miệng ta nói: “Ôi, làm người thì sanh, lão, bệnh, tử …” nhưng thật ra, sâu trong tâm, chúng ta không nghiêm túc nghĩ về điều đó. Ta chỉ nói: “Ok, “sanh” là như vậy, “bệnh” là như vậy, “lão” là như vậy …”. Nhưng thật ra, cố gắng để hiểu, và để cho hiểu biết về thực tại thấm sâu vào trong tâm là hoàn toàn khác với việc cứ nói rằng ta phải thế này, thế nọ. Ta phải làm cho điều đó thấm sâu vào tâm thức, tới mức ta đạt tới bản chất và chứng ngộ.
Thói thường chúng ta chỉ nói [suông] mà thôi. Nói mà không thực sự hiểu thật sâu sắc, chân thực cái ta đang nói. Vì vậy mà việc ấy chẳng đem lại chút chuyển biến gì [trong tâm]. Chỉ ai hiểu thấu đáo, sâu sắc mọi thứ thì mới thực sự là người hoàn toàn khác. Đó là một người khác hẳn những người khác. Sẽ là một người chân tu ít tham luyến.
Khắp nơi trên thế giới này con người cứ đầu tắt mặt tối, bận rộn với cuộc sống hiện tiền. Cho nên người ta không thể tiến trên đường tu. Họ quá ư bận rộn với đủ chuyện. Tại sao thiên hạ lại bận rộn với đời thường đến vậy? Bởi họ thấy đời thường này là cái quan trọng hơn hết thảy. Họ không thấy còn có gì quan trọng hơn thế nữa. Đó là vấn nạn của họ.
Vậy cho nên Phật dạy cái gì là quan trọng nhất. Một số người hiểu ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa của Pháp – đó là người tu giỏi. Còn số khác thì không thực sự nỗ lực làm theo lời Phật dạy – đó là người tu làng nhàng. Với những ai hoàn toàn không quan tâm gì tới Pháp Phật, thì cũng đành vậy. Nhưng có người muốn tu đạo mà lại không biết phải tu thế nào và họ lẫn lộn, bối rối. Vì vậy mà chúng tôi cần phải giúp họ học và tu nhiều hơn, tu cho đúng cách hơn.
“ … tu là chuyển hóa được tâm.”
Như Thầy đã nói ở trên, tu là chuyển hóa được tâm, cố gắng sửa tâm mình cho tốt hơn. Ta phải tự hỏi: “Mình đã tiến bộ được chút nào trong tâm? Mình đã chuyển hóa được chút nào cái tâm sân hận và ích kỉ?» Đây là cái ta phải luôn luôn tự hỏi mình và cố gắng có được câu trả lời tốt. Nếu câu trả lời luôn là «không» thì không ổn. Không thể như vậy được. Một cách trung thực, ta phải nỗ lực để có được câu trả lời tốt. Thế nhưng nhiều người đi theo chiều ngược lại. Họ trở nên hung dữ hơn, thô ác hơn, thiếu kham nhẫn hơn. Đây không phải là dấu hiệu tốt của một người tu. Làm người tu phải ngày càng hiền hòa, kham nhẫn, thương yêu, tử tế hơn. Đó là đạo hạnh người tu.
Sân hận, ác tâm có hại cho người xung quanh lẫn bản thân ta. Do thiếu kham nhẫn nhiều người luôn nổi giận, hung hãn. Điều này gây hại cho quan hệ tốt lành của họ với người khác. Và nó cũng hủy hoại an bình nội tại, hạnh phúc trong tâm của những người khác. Vì vậy mà nó rất xấu.
GIÁO DỤC
“Đạo Phật là nền giáo dục tôn giáo.”
Đạo Phật là đạo trí tuệ, truyền thống trí tuệ. Đồng thời đạo Phật cũng là truyền thống hòa bình, đạo hòa bình. Đạo Phật là nền giáo dục tôn giáo, hay nền giáo dục bằng tôn giáo. Để học loại tôn giáo này, tôn giáo Phật đà, chúng ta phải đối nhân xử thế cho tốt, cho đúng. Nếu bạn hành xử ngược với truyền thống Phật đà thì bạn không phải là người tu.
“Giáo dục có nghĩa là dạy cách hành xử tốt.”
Giáo dục luôn là bước đầu tiên, điều đầu tiên trong đời. Giáo dục rất quan trọng. Và trong đạo Phật cũng vậy, giáo dục hết sức quan trọng. Không được giáo dục đến nơi đến chốn một số người, gọi là “người tu”, không biết hành xử cho tốt. Họ là người thiếu giáo dục. Giáo dục có nghĩa là dạy cách hành xử tốt. Giáo dục không phải chỉ là việc [tích lũy] tri thức, mà trước hết là hành động. Vì vậy cách đối nhân xử thế tốt mới là quan trọng. Khi chúng ta nói “trung thực” thì có nghĩa là “hành xử trung thực”. Đó là hành xử hợp [giáo Pháp], hành xử tốt đẹp, hợp với thực tại. Điều này gọi là giáo dục tốt, hành xử tốt, hành vi tốt. Điều này rất quan trọng đối với cộng đồng tu.
“ … hiểu biết nhiều nhưng hành động lại trái với đạo thì đó là lừa dối …”
Trong xã hội, nền giáo dục cộng đồng dạy cách làm người tốt. Và cũng vậy, trong môi trường tu người tu được dạy cách làm người tốt. Cũng cùng ý nghĩa và thực chất. Bởi vì, nếu bạn không có phẩm chất trung thực chẳng hạn, thì bạn sẽ không thể tu đạo được. Đó là sự thật. Trong xã hội bình thường trung thực là yếu tố hàng đầu, và trong Pháp đó cũng là điều kiện tiên quyết. Cái gì làm nên người tu tốt? Hãy cố gắng làm theo lý của đạo. Nếu một ai đó hiểu biết nhiều nhưng hành động lại trái với đạo, thì đó là lừa dối, và như vậy không tốt.
Triết gia phương Tây Albert Einstein nói: “Cái duy nhất dẫn đường trong việc học của tôi chính là giáo dục.” Với chúng ta cũng vậy. Chúng ta cần một cách hiểu giống như vậy trong môi trường tu. Khi có quá nhiều hiểu biết nhưng việc làm lại không đi đôi [với hiểu biết] thì bạn vẫn cứ phạm giới và tạo ác nghiệp. Giáo dục cho bạn biết việc tu học của bạn đang tốt hay không. Vì vậy, có giáo dục tốt, có cách đối nhân xử thế tốt trong đời thường cũng như trong việc tu hành đều rất quan trọng.
TỰ DO
“Tự do là tôn trọng nhau, đem lại an bình giữa mọi người, tạo nhiều không gian cho mọi người.”
Một số người nói: “Có đức tin tôn giáo sẽ trở ngại cho tự do.” Họ nghĩ rằng quá nhiều đức tin sẽ không tốt cho tự do. Họ cho rằng cứ phải thế này thế nọ sẽ khiến họ mất tự do. Thật ra không phải có tôn giáo thì mất tự do. Tự do thực sự là gì? Tự do không có nghĩa là nếu muốn làm gì thì làm. Tự do là tôn trọng nhau, đem lại an bình giữa mọi người, tạo nhiều không gian cho mọi người. Tự do là một không gian lớn mà bạn có thể tự do di chuyển trong đó. Đó là tự do.
Một triết gia phương Tây nói: “Tự do không phải là giảm bớt trách nhiệm mà là quý trọng lẫn nhau.” Khi bạn quý trọng người khác là bạn dành nhiều không gian, nhiều ý nghĩ tích cực cho họ. Vậy nên, làm một người biết quý trọng [người khác] là rất cần, không những cho xã hội thế tục mà cho cả cộng đồng tu. Bởi vì chỉ với thái độ quý trọng [người khác] bạn mới có được những phẩm chất tốt của người tu. Nếu bạn gian dối và bất kính thì sẽ không thể làm lợi lạc cho mọi người. Làm người tu tức là làm lợi lạc, là mang lại những điều tích cực, mang lại hạnh phúc cho mọi người. Ý nghĩa của việc làm người tu không khác gì ý nghĩa của việc làm người biết trân quý [những người khác].
“Tâm chúng ta bé nhỏ bé như đứa trẻ hư.”
Phật dạy: “Bất cứ ai lớn tuổi hơn, xem họ như cha, mẹ. Hãy tôn kính họ. Bất cứ ai cùng tuổi hoặc trẻ hơn, xem họ như anh, chị, em. Hãy quý trọng, chăm sóc họ.” Đó là cách ta đối xử với người khác. Ta phải xem họ thân thuộc tới mức ta cảm thấy trân quý họ. Một khi cảm nhận được như vậy thì ta không thể nuôi sân hận, ác tâm, hay bàng quan, vô trách nhiệm nữa. Trái lại, chúng ta sẽ tốt bụng với nhau, gắn bó với nhau.
Đấy là cách tốt nhất để kính trọng, để đem lại hạnh phúc, tự do. Bởi chúng ta thường hung dữ, ác tâm, xấu bụng với người khác nên người ta không vui, không cảm thấy thoải mái để trò chuyện, để đàm đạo, chia sẻ với chúng ta – họ không cảm thấy hạnh phúc. Khi chúng ta thực sự quý trọng nhau, chúng ta sẽ tạo nhiều tự do, nhiều cơ hội cho mình và cho người. Chúng ta sẽ tạo được nhiều điều lành và không gian vô tận cho tất cả. Đây chính là thiện duyên để tất cả đều được lợi lạc, đều được giúp đỡ, được hỗ trợ, được ngợi khen. Và đây là một điều rất tích cực.
Đạo Phật luôn đòi hỏi như vậy. Không ai được phép hành xử thiếu tôn trọng đối với người khác. Khi thiên hạ trong tâm trạng tốt thì họ cố gắng kính trọng, tử tế, tốt bụng với mọi người. Nhưng thông thường khi mất bình tĩnh, mất kiên nhẫn thì họ nổi giận. Khi đó họ không tôn trọng, ngọt ngào với nhau nữa. Như vậy không tốt. Phật dạy: “Hãy kham nhẫn để luôn luôn cung kính chúng sinh.”
Thế nhưng vấn nạn của ta nằm ở chỗ ta dễ nổi giận. Vì chuyện nhỏ ta khởi sân hận lớn. Như vậy không tốt. Tâm chúng ta bé nhỏ bé như đứa trẻ hư. Vì vậy mà phải tu tâm. Phải trưởng thành về mặt tinh thần. Về thân xác chúng ta lớn rồi, nhiều người quá lớn nữa, nhưng về tinh thần thì vẫn là trẻ nhỏ. Không thể như vậy mãi. Phải thay đổi cách nghĩ, phải xây dựng một trí tuệ, một cách hiểu hoàn toàn mới.
SỐNG – CHẾT
“Hãy sống như bạn sẽ chết ngày mai.”
Mahatma Gandhi
Một trong những nền tảng của Phật Pháp là tri kiến về vô thường – sự dời đổi của sự vật, hiện tượng. Giáo huấn về vô thường quan trọng tới mức chúng ta nhất thiết phải hiểu thấu đáo nếu muốn dấn thân trên đạo lộ của giải thoát. Hiểu được vô thường, hiểu được bản chất dời đổi của vạn pháp là rất quan trọng.
Bậc hiền trí vĩ đại của Ấn Độ, Mahatma Gandhi, nói: “Hãy sống như bạn sẽ chết ngày mai. Hãy học như bạn sẽ sống vĩnh hằng.” Hãy từng giây phút nghĩ về vô thường như thể bạn sẽ chết vào ngay ngày mai và hãy học như thể bạn sẽ sống mãi mãi không bao giờ chết. Đây là lời khuyên tốt giúp ta hiểu ý nghĩa [chân thực] của cuộc đời. Do bám chấp kẻ phàm phu thường nghĩ mọi thứ cứ như vậy, như vậy mãi không dời đổi. Cảm nhận ấy có trong tâm [tất cả] chúng ta. Nhưng trên thực tế mọi thứ liên tục dời đổi. Chúng đương nhiên phải như vậy. Để rốt ráo điều này ta phải giảm bớt bám chấp.
“ … phải nghĩ tới vô thường từng khoảnh khắc của cuộc đời.”
Do chấp ngã trong ta quá mạnh nên ta cứ bám chặt lấy tất cả mọi thứ. Chúng ta nghĩ cho ngày mai, ngày kia và cứ thế, như thể cuộc đời này không bao giờ chấm dứt. Đây là cái lối chung của mọi phàm phu. Thật ra, dòng đời không định trước. Ta sẽ không thế này mãi, bởi vì mọi thứ đều tùy thuộc vào duyên. Khi duyên tan thì quả cũng không còn vì nó nương vào duyên. Duyên để ta sống kiếp này tan rã thì ta sẽ mất năng lực duy trì mạng sống. Mạng sống nương vào vào duyên. “Hãy sống như bạn sẽ chết ngay ngày mai” có nghĩa là bạn phải chuẩn bị tinh thần, phải nghĩ tới vô thường từng khoảnh khắc của cuộc đời.
“Hãy sống như bạn sẽ chết ngày mai” nghe giống lời Phật dạy về bản chất của luân hồi. Không có gì trong cõi trần này là chắc chắn. Mọi thứ dời đổi từng sát na. Vì vậy hãy sống như bạn sẽ chết ngày mai, như bậc thầy Mahatma Gandhi dạy.
“… hãy chuẩn bị cho cái chết.”
Ta có thể học hỏi từ cuộc đời của các đạo sư vĩ đại Ấn Độ, Tây Tạng và các nơi khác trên thế giới. Họ dành trọn đời cho Pháp vì luân hồi vô định, thân mạng vô thường. Tất cả rồi sẽ kết thúc, cả cuộc đời và thân xác yêu dấu này. Bạn sẽ phải bỏ lại đằng sau tất cả. Đó là bản chất của luân hồi.
Vậy hãy dấn thân vì Pháp, hãy chuẩn bị cho cái chết. Cái duy nhất để ta phải nghĩ tới là vòng luân chuyển của vô thường. Đây là cái cốt tủy, cái thiết yếu.
Chúng ta cũng có thể rút được bài học tốt từ cuộc đời đức Milarepa. Ngài đã làm gì trong hang động? Cái gì biến Ngài thành một con người mạnh mẽ nơi hang động, mình trần thân trụi? Nguồn gốc của sức mạnh chính là do Ngài đã nhận ra bản chất của luân hồi. Ngài đã thấy chân tánh của thực tại: cuộc đời này vốn không có tự tánh. Đó là thành tựu phi phàm. Cần phải tư duy quán chiếu nhiều về câu chuyện này và những chuyện tương tự để rút ra bài học. Để có một cách hiểu mới, một thái độ mới.
Ai cũng biết câu chuyện cuộc đời đức Phật. Nhưng ta rút ra được bài học gì từ đó? Phật không rời bỏ vương quốc vì xung đột với gia đình. Ngài buông bỏ hết vì nhận ra ý nghĩa tối hậu của cuộc đời. Ngài bỏ lại vương quốc, quê hương vì phát tâm xuất thế. Ngài hiểu được giá trị của giải thoát. Cuộc đời Ngài là một thông điệp gửi đến chúng ta, giúp ta nhận chân ý nghĩa của cuộc đời này.
Thông thường phải có chuyện người ta mới nghĩ tới Pháp. Chẳng hạn khi gặp trục trặc trong làm ăn – thua lỗ, hay không lời không lãi gì – thì người ta mới nghĩ: “Ồ chắc mình phải xin Phật, mình phải tu” vân vân. Đấy không phải là tu. Muốn tu thì lý do tốt nhất để dấn thân phải giống như Phật: liễu ngộ chân nghĩa cuộc đời. Ngài là người có tất cả mọi thứ, nhưng đó không phải là cái quan trọng nhất. Ngài đã đạt tới cái hiểu rốt ráo, sâu thẳm bên trong, đạt tới an bình sâu thẳm bên trong.
“Ta không muốn mất.”
Để đạt tới cái hiểu tối hậu thì bên ngoài ta phải buông xuống nhiều thứ. Không buông xuống được thì khó mà tu. Hay ít ra cũng phải giảm bớt cái tham muốn dai dẳng bên trong: «Ta muốn cái này. Ta muốn tất cả những cái này. Ta không muốn mất. Ta không muốn bỏ lại phía sau …” Cứ thế ta giữ rịt lấy tất cả. Đây là cái khó nhất.
Thực sự là rất khó để giảm [tham]. Tuy nhiên, nếu không giảm được thói tham tóm chặt lấy mọi thứ thì nó sẽ gây cho ta nhiều bất hạnh. Nó tạo chướng duyên và ta kẹt vào đó, và rồi sẽ không đi tới đâu cả. Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được một cái gì cả mà cứ kẹt ở đó và khổ sở, khổ sở vì cái tâm trạng [bất an] ở bên trong. Thế nên ta cứ lo lắng quá nhiều, nghĩ ngợi quá nhiều, và tất nhiên là rốt cuộc chẳng đi tới đâu cả. Và đó là vì ta chưa hiểu ra được chút nào cả. Do đó mà bậc thầy đã dạy “Hãy sống như bạn sẽ chết ngay ngày mai” – có nghĩa là hãy chuẩn bị sẵn sàng. Phải sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào, bất cứ đâu … v.v… Nhưng chúng ta hoàn toàn chưa sẵn sàng.
Nói đúng ra thì chúng ta không muốn ra đi chút nào. Nếu ta biết rằng đã đến lúc phải ra đi thì … ta sợ, và đó là chướng ngại. Không hiểu được rốt ráo nên ta không thể vượt thắng nổi. Vì vậy mà phải nghe để rút ra bài học từ câu chuyện cuộc đời đức Phật, đức Milarepa. Không phải nghe cho vui, mà phải nghe để hiểu. Đó là điều rất quan trọng.
“Có tri túc sẽ có an bình nội tại.”
Cái làm ta bớt tham là tu hạnh tri túc. Đạo sư Ấn Độ, Ngài Long Thọ, nói: “Tri túc là kho báu duy nhất.” Không có gì quý hơn tri túc. Lòng tham là nhân khổ nên để bớt khổ ta hài lòng với cái mình có. Thế nhưng, bản tánh con người lại đối nghịch với tri túc. Thiên hạ luôn luôn rượt theo cái tốt hơn, to hơn, nhiều hơn … Để sở hữu ngày càng nhiều hơn nữa ta phải bỏ ra nhiều và nhiều hơn nữa sức lực, thời gian, tri thức vân vân. Và thế là lại chuốc lấy nhiều hơn buồn phiền, lo lắng. Cho nên, tri túc là kho báu, kho báu của cuộc đời
Tâm hiểu được giá trị của tri túc sẽ không rượt đuổi theo của cải vật chất. Rất cần phải tu tâm bằng hiểu biết này, nếu không thì sẽ quá điên đảo, khó khăn và mệt mỏi. Chúng ta là con người và sẽ ngày càng một già hơn, đó là bản chất sự sống. Sẽ ngày một yếu hơn, đó là bản chất sự sống. Nếu ta không điều phục được tâm thì tâm ta sẽ ngày càng điên đảo, mê mờ hơn. Về thể chất ta ngày càng yếu hơn, và nếu không biết tri túc thì điều đó sẽ đem tới nhiều bất hạnh. Sẽ thêm nhiều lo lắng, mệt mỏi. Vì vậy mà rất cần phải tri túc, và khi đó bạn sẽ có an bình nội tại. Có tri túc thì sẽ có an bình nội tại. Đó là điểm mấu chốt.
TỪ BI
“Không thể từ bi chỉ nơi cửa miệng …”
Chúng ta cũng phải nghĩ tới các chúng sinh khác. Không chỉ nghĩ tới con người mà tới tất cả các loài hữu tình, và phải có tình thương đối với họ. Để cho cách sống vì lợi lạc của người khác, chúng sinh khác bén rễ trong ta thì cần phải cố gắng hiểu được lợi lạc của hành động vị tha. Cái gì là đạo lý của tâm bi mẫn? Đâu là tác hại của cách sống thiếu tâm bi mẫn. Ta phải hiểu để có lựa chọn đúng.
Tâm bi mẫn là gì? Là có mong ước chân thực rằng chúng sinh khác bớt khổ và thoát khổ. Từ sâu tận đáy lòng bạn thực sự mong muốn rằng đau khổ của chúng sinh khác sẽ giảm bớt. Chúng ta muốn chúng sinh bớt khổ, đó là một khía cạnh. Khổ là quả, nhưng còn nhân gây ra khổ nữa, vậy nên có hai phần. Vô minh, sân hận, tham luyến, đố kị là những phiền não, là nhân của khổ đau. Hành động do tâm phiền não này tạo [ác] nghiệp. Vậy nên ta không chỉ mong muốn giảm đau khổ mà cả nhân của khổ đau. Đó là cách phát triển từ tâm chân thực.
Ta nói rằng ta mong muốn chúng sinh thoát khổ. Nhưng chỉ nghĩ không thôi chưa đủ, mà phải biến lời nói thành hành động. Trong tâm ta mong muốn hạnh phúc cho chúng sinh, và bên ngoài ta phải hết sức cẩn trọng không làm hại chúng sinh khác. Nhưng với căn cơ cấp độ như chúng ta, chúng ta không phải lúc nào cũng làm được điều này. Vì cái nhìn tiêu cực, bất tịnh mà ta gây hại cho người khác. Ta ích kỉ, thiếu hiểu biết, cảm thông. Khi đó hành động của ta gây hại cho người khác. Hành xử với tâm vị kỉ thì bạn không làm lợi lạc gì cho ai, bạn chỉ gây hại. Điều đó thường xảy ra với chúng ta.
Trong giáo huấn của đức Phật và chư đạo sư có nói rõ điều gì tốt nên làm và điều gì xấu nên bỏ. Giữ chánh niệm luôn là điều kiện đầu tiên để thực hành từ tâm. Cẩn trọng với thân, khẩu, ý của mình là điều kiện đầu tiên để làm một người tu tốt, có từ tâm.
Làm một người có tâm từ bi không dễ, vì tâm bi như giải thích trong giáo lý Phật thuộc cấp độ rất cao. Ở chừng mực nào đó, người ta có thể từ tâm với một vài người. Nhưng từ bi đích thực có nghĩa là thương yêu tất cả chúng sinh. Loại từ bi này được đức Phật giảng trong kinh điển Đại Thừa. Để phát triển tâm này chúng ta phải hành động và phải có nhiệt tâm. Và chúng ta phải cố gắng nhiều. Đây không phải là thứ có thể xuất hiện trong tâm nhờ ước muốn. Nó sinh ra chỉ khi ta bỏ hết sức nỗ lực như chính đức Phật đã từng không mệt mỏi phát triển tâm từ bi.
Vậy cho nên bất cứ ai muốn làm việc này đều phải hiểu những điều kiện tiên quyết để phát khởi tâm bi mẫn và nỗ lực làm theo. Không thể từ bi chỉ nơi cửa miệng mà phải từ bi thật sự. Và vì thế cho nên phải cố gắng rất nhiều. Và phải kham nhẫn để có thể nuôi dưỡng được trong mình tâm bi. Điều này không dễ, nó đòi hỏi nhiều công phu. Đức Phật đã phải mất nhiều a tăng kỳ kiếp để viên mãn bồ đề tâm.
CHÁNH NIỆM
“Khi không chú tâm tới cách hành xử của mình … ta sẽ mất chánh niệm.”
Điều kiện thứ hai để tu đạo là giữ chánh niệm. Chánh niệm có nghĩa là luôn chú tâm nhớ, không quên. Khi không chú tâm tới cách hành xử của mình thì ta sẽ mất chánh niệm. Vậy nên, chánh niệm có nghĩa là luôn chú tâm vào cái mình đang làm, luôn nhớ, luôn hiểu cái mình đang làm. [Nhưng] chúng ta thường mất chánh niệm. Chúng ta thường quên mình đang làm gì, mình đang đi về đâu. Đó chính là rắc rối [của ta]. Vậy nên giữ chánh niệm rất quan trọng.
Hãy cẩn trọng với bất cứ việc gì ta đang làm. Khi tu chúng ta phải cẩn trọng với thân, khẩu, ý và cách hành xử của mình. Ví dụ khi tu tâm bi mẫn ta phải cẩn trọng với một số việc. Ví dụ, ta không được nổi sân, không được phát điên lên với ai đó, ta không được buồn bực, khó chịu vì chuyện này hay chuyện khác. Đó chính là sự cẩn trọng.
Nếu ta không cẩn trọng [và nghĩ]: “Mình phải chơi xấu hắn ta”, “Mình muốn nói gì đó khiến hắn sốc.” Hay “Mình muốn ‘đốn’ hắn.” Khi ta cho phép mình làm việc đó tức là ta không cẩn trọng. Khi ta cho phép mình như vậy là ta sai. Điều gì sẽ xảy ra? Ta tạo thêm ác nghiệp. Ác nghiệp là quả ta tự tạo cho mình. Ác nghiệp hủy hoại những gì tốt đẹp, tích cực và cắt đứt gốc rễ điều lành. Vậy nên, cẩn trọng là rất cần thiết. Điều này luôn luôn quan trọng đối với việc tu đạo.
HỌC
“Bể học vô bờ.”
Phần thứ hai của lời dạy từ Mahatma Gandhi là: “Hãy học như bạn sẽ sống mãi muôn đời.” Điều đó có nghĩa là chúng ta phải học, học mãi cho tới khi nhắm mắt. Điều này rất đúng với truyền thống Phật giáo chúng ta. Phật dạy: “Phải học thậm chí nếu như ngày mai bạn có phải chết.” Lý do [Phật] nói như vậy là vì [giá trị] của tri thức, vì [dòng] tâm thức có tính liên tục.
Khi ta học hỏi nhiều hơn thì ta có thể đem tri thức đó sang kiếp sau trong [dòng] tâm thức của mình. Vì vậy mà Phật dạy: “Thân xác không tới được kiếp sau nhưng tri thức [của ta] sẽ tới được kiếp sau.” Vì vậy, có nhiều hiểu biết hơn, học hỏi nhiều hơn có nghĩa là sẽ trở thành người giỏi giang, uyên bác hơn ở kiếp sau. Bể học vô bờ. Ta không thể nói: «Tôi quá già, tôi quá bệnh” vân vân. Hãy học và mở rộng tầm hiểu biết.
TRI KIẾN THANH TỊNH
“Cần giữ tri kiến thanh tịnh về mọi truyền thống Phật giáo trên thế giới.”
Khi nói Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo Việt Nam thì nghe như rất khác nhau. Nhưng thật ra tất cả đều là [một] đạo Phật. Tất cả đều là giáo lý từ đức Thích Ca Mâu Ni. Tất cả đều là giải thoát. Tất cả đều là một. Có một vài khác biệt trong kinh sách, nghi thức v.v… nhưng ý nghĩa đều là một. Chúng ta đều tin vào nhân quả, tin vào lý duyên khởi. Tinh yếu của mọi truyền thống Phật giáo trên thế giới là một. Cần phải hiểu điều này và cần giữ tri kiến thanh tịnh về mọi truyền thống Phật giáo trên thế giới.
Quy y Tam Bảo đối tượng rộng lớn như hư không. Ta quy y Tam Bảo ba thời mười phương. Quy y tất cả. Tức là không chia ra: Tăng Bảo của Phật giáo Trung Quốc, Việt Nam hay Tây Tạng … v.v. Quy y Tam Bảo ta không nói: “Con quy y Phật này chứ không Phật kia, Bồ tát này chứ không Bồ tát kia, Pháp Bảo này chứ không Pháp Bảo kia.” Đó không phải tịnh kiến, không phải chánh quy y. Ta nói: “Con quy y tất cả chư Phật, chư Bồ tát, tất cả Pháp Bảo, Tăng Bảo.” Đó là cách quy y.
Thầy thấy có lỗi lầm ta thường mắc, đặc biệt trong cộng đồng Phật giáo, là phân biệt chấp trước. Nhị nguyên là gốc rễ của luân hồi, ta phải đoạn diệt. Phải tôn trọng tất cả các truyền thống. Phải nỗ lực tu tri kiến thanh tịnh. Chúng ta phải hiểu rằng mọi truyền thống Phật giáo trên thế giới đều nỗ lực phục vụ nhân loại, phục vụ chúng sinh, cần cho nhân loại, cho chúng sinh. Vì vậy phải thấy rằng mọi truyền thống Phật giáo đều lành mạnh, hữu ích và chân chánh. Đây là cách hiểu giản dị về giá trị của các truyền thống Phật giáo trên thế giới. Đây là cách hiểu tốt.
ĐỜI NGƯỜI
“Phải hiểu giá trị của thời gian ta đang sống.”
Lý do khiến ta trở thành Phật tử phải tốt lành. Trong đạo Phật chúng ta học cách giảm phiền não. Và đức Phật dạy điều này rất rõ ràng. Trong các tôn giáo thế giới Phật giáo dạy cách tốt nhất để đối mặt với vấn nạn và lỗi lầm cá nhân. Đạo Phật chỉ cho bạn cách tốt nhất để nhận ra lỗi lầm của mình. Nếu cho rằng không có cách gì để hiểu lỗi lầm bản thân thì khó mà sửa mình cho tốt hơn. Nhưng nếu biết được lỗi mình thì có hi vọng tu thân. Nhiều người, nhiều học giả uy tín thế giới nhận ra rằng đạo Phật là một nền giáo dục thâm diệu. Phật giáo không đơn thuần là tôn giáo, đây là nền giáo dục tốt lành, rất trân quý. Có những tôn giáo đôi khi khiến con người lầm lẫn, cung cấp thông tin sai lạc. Nhưng Phật giáo cho chúng ta thông tin rất rõ ràng minh bạch về tất cả. Đặc biệt, Phật giáo giúp ta nhận ra được giá trị của thời gian ta đang có hiện đời.
Điều này ta phải biết. Nếu mọi thứ [trên đời] đều vô ích thì cũng đành vậy, nhưng nếu mọi thứ đều có ích thì câu hỏi đặt ra là: “Phải sử dụng cuộc đời này thế nào đây?” Câu trả lời của Phật giáo rất rõ ràng. Cuộc đời này là một phương tiện tuyệt vời, một cơ hội tuyệt vời. Nó vô cùng quý báu bởi rồi nó sẽ vuột mất. Cho nên, khi có [trong tay] hiểu biết của con người, có đời người với nhiều phước duyên thì phải sử dụng nó, phải biết cách sử dụng nó. Phải hiểu giá trị của thời gian ta đang sống. Phật dạy rất rõ ràng về giá trị của đời người. Thân người quý báu và thời gian ta đang sống đây rất quý báu. Chúng ta cần phải hiểu điều này và áp dụng hiểu biết ấy một cách đúng đắn.
“Hiểu biết và đức hạnh hợp nhất làm nên đời người hoàn hảo, vô giá.”
Kinh điển Phật dạy đời người quý báu. Nhưng nó chỉ quý khi biết dùng đúng cách. Nó không quý khi ta dùng để mưu cầu chút lợi thế gian. Vậy đâu là chân giá trị của nó? Hiểu biết và đức hạnh. Hiểu biết và đức hạnh hợp nhất làm nên đời người hoàn hảo, vô giá. Một đời người hiểu được nhân quả, sống thuận nhân quả. Kẻ ngu quen làm ngược nhân quả khiến đời người vô ích. Cái duy nhất làm cho cuộc đời có giá trị là chánh kiến hợp nhất với chánh hạnh. Hiểu giá trị quan trọng của thời gian sẽ làm cuộc đời ta viên mãn.
Của cải, danh vọng, địa vị không làm nên giá trị nhân sinh. Cái gì làm nên giá trị một kiếp người? Theo nhân sinh quan Phật giáo, làm lợi lạc chúng sinh, mở rộng trái tim cho chúng sinh khác làm nên ý nghĩa kiếp người. Đây là chánh tư duy. Thế gian có kẻ làm được nhiều việc nhưng chẳng mấy lợi lạc cho người khác, trái lại đôi khi còn gây hại. Ý nghĩa đời người là lợi lạc tha nhân: giúp đỡ người khác, nghĩ về người khác. Đây là thông điệp chính yếu của Phật, là ý nghĩa của giáo lý Phật.
Như Thầy đã nói, cần phải hiểu giá trị của thời gian ta sống cõi nhân gian, bởi sinh tử vô thường. Thế nhưng phần đông thiên hạ không hiểu và vẫn trễ nải chuyện tu. Khi tu đạo, khi học Pháp, ta phải hết sức tận dụng thời gian để thành tựu. Vì vậy, phải biết sử dụng thời gian tốt, không sao lãng, phí phạm.
Làm sao thực hiện điều này? Chúng ta phải trân quý thân người. Có hai lý do khiến thân người đặc biệt quý giá. Thứ nhất, thân người khó gặp. Để có được thân người cần phải hội đủ rất nhiều duyên lành. Thứ hai, thân người dễ mất. Vì vậy mà ta phải hết sức cẩn trọng về thời gian ta đang có mặt nơi đây. Benjamin Franklin, một người Mỹ nổi tiếng nói: “Bạn có thể trì hoãn nhưng thời gian thì không.” Đó là sự thật. Chúng ta thường trì hoãn nhiều thứ, đặc biệt là việc tu hành. Ta kì kèo: “Ồ mình sẽ làm việc ấy sau. Ngày mai hay tuần tới.” Nhưng thời gian không chờ ta. Vấn đề chính là ở chỗ đó.
“ … kẻ phàm như trẻ nhỏ.”
Hiểu biết che chở ta thoát khổ đau, hiểm nạn vì nó cho ta năng lực phân biệt đúng sai. Hiểu biết của con người rất đặc biệt và nó nương vào thân. Không loại thân nào có được hiểu biết như vậy. Cho nên nói hiểu biết của con người rất đặc biệt.
Thế nhưng chúng ta [vẫn] không biết. Nghĩa là, mặc dù ta biết gì là đúng là sai nhưng thói [xấu] trong tâm vẫn không sao khắc phục nổi. Đây chính là vấn nạn của ta. Kết quả, ta vẫn cứ hành động đi ngược lại quy luật của nghiệp. Phật dạy: “Hãy chịu trách nhiệm về bản thân chứ không chỉ về người khác. Bạn là người che chở cho [chính] mình.” Bạn phải chăm lo cho [tâm] mình trước rồi mới che chở cho người khác được. Đó là lời minh triết: tu thân sửa mình trước đã rồi mới giúp người sau.
Người theo đường sáng hành động đúng đắn, tốt lành, còn kẻ chọn đường sai thì kẹt vào chướng nạn và thậm chí kết thúc cuộc đời ở đó. Cái gì làm nên kẻ phàm? Vô minh. Vô minh khiến ta làm kẻ ngu, không biết thực tại. Chúng ta nói kẻ phàm như trẻ nhỏ. Bậc hiền trí nhìn chúng ta như con trẻ. “Trẻ nhỏ” là kẻ không lớn lên về tinh thần. Kẻ thiếu hiểu biết là trẻ nhỏ.
“ … vô minh của ta dày đặc.”
Tóm lại, vô minh của ta dày đặc. Ta muốn giảm vô minh và vun bồi trí tuệ. Ta muốn nuôi lớn trí tuệ. Đó là mục tiêu. Vậy, cái đem cho ta trí tuệ tối thắng chính là giáo lý Phật truyền trao. Thế nhưng tại sao đã có giáo lý vĩ đại, hoàn hảo, nhiệm mầu này rồi mà ta vẫn cứ không y giáo phụng hành? Đây thực sự là vấn nạn lớn của chúng ta. Giống như ông Franklin đã nói: “Con người sinh ra ngu muội. Và phải cố, cố để rồi vẫn ngu [như cũ].” Chúng ta cũng đang y như vậy, về nhiều phương diện. Vậy nên, Thầy nghĩ, chúng ta cần phải tỉnh giác về điều này.
Vô minh khiến ta không biết cái gì là quan trọng. Ta không biết đời người là thứ quý giá nhất. Cuộc đời cho ta cơ hội tối thắng nhất để học, để có hiểu biết chân chánh. Nghĩ xa hơn, nghĩ về tương lai, chuẩn bị cho tương lai là cần thiết. Nhưng nhìn thấy giá trị của hiện tại cũng rất quan trọng, quan trọng không kém. Cuộc đời hiện tiền là cái chính yếu. Ta có tiến bộ trên đường đạo, có phát triển từ bi qua tu hành hay không v.v… đều là ở đây. Anh bạn người Mỹ nói: “Chúng ta đánh mất hiện tại vì có ngày đã qua và ngày mai thì đang tới.” Cái gì đang xảy ra với chúng ta cũng giống y như vậy,
“ … ta thường hoài phí đời mình …”
Có những người đã già và sức khỏe suy yếu. Họ muốn ra đi sớm. Thầy đã nghe về chuyện này nhiều lần ở Trung Quốc, Mỹ, Tây Tạng và Việt Nam. Khi quá già họ không muốn sống: “Tôi muốn chết.” Họ không thấy giá trị của cuộc đời này. Họ không thể chấp nhận những khổ đau của đời người. Vì thế mà ta thường hoài phí đời mình, giống như anh bạn người Mỹ nói: “Chúng ta đánh mất hiện tại vì có ngày đã qua và ngày mai thì đang tới.”. Thầy nghĩ điều quan trọng là phải thấy rằng đã đến lúc phải hành động. Chúng ta phải hành động để mình trở nên có ích, trở nên đặc biệt. Đã đến lúc [phải hành động] bởi Phật dạy: “Đây là kiếp người duy nhất của bạn, vì khó lòng gặp lại thân này lần nữa.” Bạn ta phải biết như vậy.
Để có được thân người phải hội đủ nhân duyên. Nhân duyên đó là thiện nghiệp, thiện hạnh. Trong quá khứ ta đã từng vun trồng thiện hạnh như trì giới, bố thí, phát thiện nguyện nên mơi nhận được quả lành kiếp này. Thân người này không phải là quả của ác hạnh, nó là quả của thiện nghiệp. Nhưng ta không biết và không gắng sức làm lành. Một khi mất nó rồi sẽ khó mà có lại. Đó là ý nghĩa lời Phật dạy. Tóm lại, duyên ta tạo từ tiền kiếp phải rất đặc biệt cho nên cái quả mới thù thắng. Nhưng trong tương lai có được thân người hay không phụ thuộc vào cái ta làm, ta nghĩ. Và để hiểu được điều này ta cần có trí tuệ, có chánh tư duy.
Nhiều người cho rằng đời người đến từ hư vô hay từ những duyên vĩnh hằng. Thậm chí có người tin mọi thứ là do những đấng sáng chế nào đó tạo nên. Còn chúng ta tin rằng thân người là do nghiệp tạo: thiện nghiệp. Vậy nên phải trân quý kiếp sống này để nó làm lợi lạc không chỉ riêng ta mà cho cả chúng sinh khác. Khi đó ta sẽ có tương lai và hi vọng. Như Thầy đã nói, do vô minh, do tham lam, sân hận, đố kị mà ta khó hi vọng được sinh lại làm người. Khi đã hiểu rồi thì việc duy nhất phải làm là giải quyết vấn nạn này, sử dụng giáo huấn vĩ đại, minh triết, thực tế, hữu ích mà Phật đã truyền trao.
HÒA HỢP BẠN TU
“… đổ lỗi cho người và làm ra vẻ ta là hoàn hảo. Như vậy không trung thực.”
Đạo của Phật là đạo sửa lầm lỗi của bản thân. Điều quan trọng ấy thiên hạ lại thường hiểu khác. Họ thường quen chê người. Đây không phải đạo làm người chân chính. Người tu đạo chân thực luôn xét lỗi mình làm và gắng sửa chuyện mình. Nhưng thói quen của chúng ta là đổ lỗi cho người và làm ra vẻ ta là hoàn hảo. Như vậy không trung thực. Nhưng chúng ta luôn luôn làm như vậy. Ta luôn luôn bới lỗi người: “Anh sai. Chị ấy không tốt. Tôi OK. Tôi tốt.” Đó là trái lời Phật dạy.
Đây là vấn nạn lớn hủy hoại hòa hợp tăng già, hủy hoại quan hệ bạn tu và sự cảm thông giữa con người. Người ta cứ [quen] bới móc lẫn nhau, nói xấu lẫn nhau. Điều này trái ngược với truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, ngược lại lời Phật dạy. Cho nên chúng ta (đặc biệt là cộng đồng tu như ở đây) cần phải biết điều này. Chúng ta phải biết cái gì là quan trọng nhất đối với một cộng đồng tu, đặc biệt với Phật giáo. Cái cần nhất đối với cộng đồng người tu Phật là: hòa hợp, tương giao tốt lành, quý trọng lẫn nhau, không nói xấu nhau, nói tốt về nhau. Điều này rất rất quan trọng.
“Cộng đồng tu làm cho chùa đẹp.”
Ta thấy chùa nơi đây đẹp. Cái gì làm nó đẹp? Không phải nhà cửa được xây cất mà là tăng già, cộng đồng tu. Cộng đồng tu làm cho chùa đẹp. Nếu cộng đồng tu không đẹp, tăng già không đẹp thì nhà cửa cũng không đẹp, không phải chốn thiêng, theo cái nhìn Phật giáo. Tu viện Phật giáo phải có cộng đồng tu tốt với chánh tư duy, chánh hạnh. Điều này làm cho nơi đó đẹp, lành. Vậy nên, tăng già bất cứ nơi nào, chùa nào đều phải nghiêm cẩn. Phải hiểu biết tốt và phải giới hạnh thanh tịnh chứ không chỉ hiểu biết. Phải hành xử đẹp và đúng Pháp. Điều này rất quan trọng.
Phật dạy: “Giáo lý Như Lai sẽ bị hủy diệt, không bởi ngoại đạo, mà bởi con của Phật, bởi chư tăng, bởi đệ tử của Như Lai.” Giáo lý Phật giống như con sư tử. Nó mạnh đến nỗi không con vật nào có thể ăn thịt. Nhưng sư tử có thể bị ăn bởi chính những chúng sinh sống trong thân xác nó. Bởi vậy, nếu cộng đồng Phật giáo không nghiêm cẩn thì [chính họ] sẽ hủy diệt giáo lý Phật. Cho nên, tăng già, cộng đồng tu phải có hiểu biết đúng, giới hạnh thanh tịnh, hòa hợp [tăng già] và tôn trọng lẫn nhau. Điều này thật sự quan trọng.
“Người kham nhẫn là người an bình.”
Một trong những chủ đề lớn của Phật giáo, của kinh điển Phật, đặc biệt truyền thống Đại thừa là “nhẫn”. “Nhẫn” có nghĩa là “an bình”. Người kham nhẫn là người an bình. Tinh túy giáo lý Phật là an bình – đại an bình. Vậy nên mọi điều Phật dạy đều là về an bình; làm sao để trưởng dưỡng an bình, để phát triển loại an bình ấy. Tóm lại, kham nhẫn rất quan trọng và an bình lớn nhất chính là giải thoát.
Kham nhẫn rất quan trọng trong giáo lý Phật, quan trọng hơn cả hạnh bố thí. Kham nhẫn thuộc về cấp độ cao của con đường thành Phật. Không dễ gì đạt tới đó bởi kham nhẫn trong giáo lý Phật không phải tiểu nhẫn; đó là đại nhẫn. Tâm đại nhẫn là tâm thấy tất cả chúng sinh đều quan trọng như nhau. Như cha hoặc như mẹ. Thấy tất cả chúng sinh bình đẳng như vậy gọi là hạnh “kham nhẫn” được dạy trong giáo lý Phật đà.
Kham nhẫn có nghĩa là không nóng giận. Một người dễ nổi giận là không kham nhẫn, không an bình, có hại, hung hãn và đáng sợ. Theo cái nhìn Phật giáo cần phải hiền hòa với tất cả chúng sinh một cách bình đẳng không khác. Phải kham nhẫn như mẹ đối với con. Đó là loại kham nhẫn mà mọi truyền thống Phật giáo đều dạy.
Dạy con người biết kham nhẫn là công việc quan trọng. Khi con người không kham nhẫn – như mẹ không kham nhẫn với con – thì sẽ rất nguy hiểm. Con cái sẽ không vui và vì thế mà làm những chuyện ngu xuẩn. Vậy nên, sự kham nhẫn của người mẹ rất cần cho đứa con. Vợ chồng cũng vậy. Nếu không kham nhẫn với nhau họ có thể hung hãn và rất nguy hiểm. Họ có thể hủy hoại hạnh phúc, hủy hoại sợi dây kết nối và [cả] gia đình.
Một vị thầy, một đạo sư cũng vậy. Nếu người đó không kham nhẫn thì sẽ gây nhiều bất an cho học trò. Và học trò cũng vậy. Nếu họ không kham nhẫn thì sẽ gây chướng ngại cho hòa hợp bạn tu. Như Thầy đã nói, đạo Phật là nền giáo dục giúp con người tu hạnh kham nhẫn, học cách chấp nhận mọi thứ một cách đúng đắn, phù hợp, thuận với duyên, thuận với quy luật của duyên và nghiệp. Đây là nền giáo dục rất cao thâm.
Ở phương Tây có câu nói nổi tiếng: “Giáo dục cao nhất là nhẫn.” Nếu một người kham nhẫn, biết chấp nhận mọi thứ thì đó là người có giáo dục cao. Không chỉ người tu Phật chúng ta nói kham nhẫn quan trọng mà mọi tôn giáo trên thế giới, những người không theo đạo Phật, đều thấy kham nhẫn là rất quan trọng.
“Người không kham nhẫn có nhiều kẻ thù …”
Một phẩm chất khác của kham nhẫn: đây là pháp đối trị sân hận, thù hằn, hung hãn. Khi người ta không đủ kham nhẫn thì họ nổi giận. Giận dữ có khả năng hủy diệt công đức ta đã tích tụ. Sân hận có sức hủy diệt những hạt giống của thiện hạnh và Phật sự tốt đẹp. Phật đã dạy và chư bồ tát như Ngài Tịch Thiên cũng đã dạy: “Một cơn giận thôi cũng thiêu rụi tất cả công đức đã tích tụ trong ngàn năm.” Sân hận rất tai hại. Nó là ngọn lửa thiêu rụi tất cả những hạt giống thiện lành, những phẩm hạnh như từ bi, lòng tốt, sự hiền hòa. Tất cả đều bị sân hận thiêu rụi và hủy diệt. Kham nhẫn là cách duy nhất để làm giảm, để điều phục và đoạn diệt sân hận, thù hằn. Cho nên kham nhẫn rất quan trọng.
Những người như chúng ta chưa tu được bao nhiêu. Chúng ta mới làm được rất ít cho Phật và Pháp. Rất ít. Nhưng sân hận, thù hằn của ta lại quá lớn. Các bạn thấy rằng mình có nhiều sân hận hay kham nhẫn? Vì lợi lạc bản thân, chúng ta cần phải bảo vệ những gì mình đã có được. Phải bảo vệ những gì đã tích tụ. Đây là cách duy nhất để bảo vệ những thứ đó, như Thầy đã nói. Mà không chỉ riêng Thầy. Thầy đang nói thay cho Phật. Thầy đang chuyển tới [các bạn] thông điệp của Phật, của các thiện tri thức. Chúng ta muốn bảo vệ những hạt giống tốt đẹp, những thiện hạnh, những xu hướng thiện lành của mình. Vậy nên phải tu kham nhẫn.
“ … muốn thêm bạn hãy thực hành kham nhẫn và từ bi.”
Như Thầy đã nói, người sân hận, hung hãn rất tồi tệ và nguy hiểm. “Nguy hiểm” có nghĩa là làm cho mình trông rất xấu, cung cách của mình rất xấu. Ngài Tịch Thiên nói: “Người sân hận, hung hãn có vô số kẻ thù. Người kham nhẫn và từ bi thì không có kẻ thù.” Người nhẫn và người không nhẫn rất khác. Người không kham nhẫn có nhiều kẻ thù, nhiều kẻ hung dữ xung quanh. Phương cách thêm thù [bớt bạn] của kẻ phàm là giận dữ, hận thù, tấn công, hãm hại, hủy diệt người khác với ác tâm. Ngài Tịch Thiên nói: “Cách duy nhất để giải quyết rắc rối, xung đột, tiêu diệt kẻ thù, là đoạn diệt sân hận. Bởi vì kẻ thù vô tận như hư không.” Vậy nên, muốn thêm bạn hãy thực hành kham nhẫn và từ bi.”
“Khi cơn giận qua rồi, nỗi đau đọng lại trong tim.”
Tóm lại, đó là lỗi lầm ta thường mắc khi không đủ kham nhẫn. Không chỉ ở Việt Nam, Tây Tạng mà nơi nào cũng vậy. Đây là chướng nạn chung. Trong cuộc sống riêng kham nhẫn cũng rất lợi lạc, còn thiếu kham nhẫn rất tai hại. Phật là đấng chiến thắng nhờ hạnh kham nhẫn của Ngài. Phật chiến thắng mọi cuộc tấn công của kẻ thù, của Ma vương nhờ hạnh kham nhẫn. Nhờ kham nhẫn Ngài trở thành đấng chiến thắng của thế gian. Nhờ kham nhẫn ta sống cuộc đời an bình và hạnh phúc hơn.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Không ai bảo họ hạnh phúc bởi sân hận. Không ai nói vậy. Nếu có kẻ nói vậy chắc hắn ta điên.” Thầy nghĩ đây là sự thật. Sân hận hủy diệt an bình, hạnh phúc. Sân hận gây thương tổn trong tâm và trong tim. Điều này ta biết và ta cảm nhận được. Liệu có ai nói rằng: “Ô tôi rất hạnh phúc nhờ cơn giận [trong tôi].” Bạn có nói thế không? Sân hận là một cái gì đó đau đớn ở trong tâm và ta thấy rõ nó hủy hoại an bình bên trong. Khi ta giận dữ, tâm vuột khỏi tầm kiểm soát. Ta không biết cái gì đang xảy ra. Ta hầu như không nhớ gì cả. Khi cơn giận qua rồi, nỗi đau đọng lại trong tim. Nỗi đau là quả của cơn giận. Vậy nên, nếu muốn an bình phải nỗ lực đoạn diệt, điều phục, nhận diện cơn giận, hoặc dẹp nó sang một bên, cố gắng [tự] giải cứu. Điều này rất cần thiết trong cuộc sống mỗi cá nhân.
KHOA HỌC
“… khoa học là Phật giáo, Phật giáo là khoa học.”
Ngày nay có nhiều nhà khoa học, giáo sư, học giả trên thế giới chia sẻ quan điểm rằng đạo Phật rất hiện thực và rất có ích cho nhân loại. Đạo Phật ngày càng giúp ích được nhiều hơn [cho con người]. Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn nói tới tầm quan trọng của đạo Phật và điều này có liên quan tới khoa học. Tri kiến Phật đạt tới thực tại. Nó làm cho thực tại trở thành tích cực và đó là sức mạnh của Phật giáo. Vì vậy, đạo Phật được thừa nhận là tôn giáo phụng sự nhân loại một cách tuyệt hảo.
Tôn giáo nói chung, đặc biệt là Phật giáo, không phải là mê tín. Trái lại, nó rất hiện thực và rất tích cực. Đây là sự thật. Điều này ta có thể thấy được bằng mắt, nghe được bằng tai. Ta có thể thấy con người hủy hoại bản thân vì sân hận và tham lam ra sao. Ta có thể thấy những chuyện như vậy xảy ra [khắp nơi] trên thế giới; đặc biệt như ở Trung Quốc chẳng hạn, có quá nhiều tham nhũng. Người ta hủy hoại bản thân, hủy hoại mạng sống và kết cục là ngồi trại giam. Họ hủy hoại cuộc sống vì những gì họ đang làm, vì quá nhiều phiền não khởi lên trong tâm họ.
Đạo Phật cho ta cách tốt nhất để nhận ra bản chất phiền não của tâm – những rắc rối của bạn. Vậy nên nhiều học giả, nhà khoa học thừa nhận đạo Phật là tôn giáo khoa học. Phật giáo và khoa học rất rất gần gũi. Một giáo sư đại học Colombia nói: “Đạo Phật thật sự là khoa học. Khoa học Phật giáo là sự tầm cầu sự hiểu biết chân xác về thực tại một cách rất hệ thống.” Vậy nên khoa học là Phật giáo, Phật giáo là khoa học.
“Đạo Phật là khoa học về nội tâm.”
Như bạn thấy, đạo Phật thực sự đạt tới thực tại. Đạo Phật là con đường làm cho thực tại trở thành tích cực và khoa học cũng vậy. Vậy nên đây là khoa học về cái bên trong. Đạo Phật là khoa học về nội tâm. Đạo Phật không phải mê tín. Những người không hiểu biết đúng đắn thường nói: “Ồ bạn mê tín vì bạn tin vào Phật, tin vào nhân quả.” Có kẻ thậm chí nghĩ: “Một người theo Phật, một người có đức tin tôn giáo là kẻ yếu đuối.” Nhưng nếu bạn khảo sát, nếu bạn có năng lực, nếu bạn sử dụng sức mạnh của tri thức bạn sẽ đạt tới cái quả của các bậc thánh. Các ngài đã được giáo dục, huấn luyện viên mãn trong giáo lý của Phật và họ đạt tới những thành tựu cao tột. Trước hết, họ có thể giảm bớt, có thể tận diệt phiền não. Do đó tâm họ luôn tĩnh lặng, an bình và từ ái.
“Tâm bồ đề là tâm ôm trọn tất cả chúng sinh không phân biệt.”
Bây giờ tất cả chúng ta đều đã quy y Tam Bảo. Có nghĩa là tất cả đều quy y Phật Bảo, Pháp Bảo, tăng Bảo và tin vào Tam Bảo. Ta đặt trọn vẹn niềm tin nơi Tam Bảo. Có một yêu cầu ở đây là không được làm hại người khác. Pháp Bảo không cho phép bất cứ ai tấn công, hãm hại người khác. Vậy nên ta phải biết điều đó. Ta phải hiền hòa cả ba cửa thân, khẩu, ý. Điều này rất quan trọng. Khi nói làm hại thì có hãm hại trực tiếp và gián tiếp. Khi ta nói xấu người khác sau lưng thì đó là hãm hại gián tiếp.
Điều quan trọng là phải có từ tâm không những với con người mà với tất cả chúng sinh khác, với súc sinh, với mọi thứ. Vì chúng ta muốn nuôi dưỡng tâm bi và bồ đề tâm như Phật đã làm. Tâm bồ đề là tâm ôm trọn tất cả chúng sinh không phân biệt. Mọi chúng sinh đều quan trọng như nhau không khác, như con cái ta, như đứa con duy nhất. Đây là [bồ đề tâm] nguyện và hạnh trong đạo Phật. Do người ta ăn thịt và hải sản nên những người khác có dịp kiếm tiền bằng việc này. Nếu không ai ăn thịt thì không có người buôn bán chúng. Ăn thịt là một cách làm hại chúng sinh. Vì vậy chúng ta, những đệ tử Phật, phải cố gắng ăn chay càng nhiều càng tốt.
VẤN ĐÁP
HỎI: Con mới quy y Thầy, vậy con có thể trì chú con lấy trên mạng hoặc trong sách không ạ?
TRẢ LỜI: Có một số điều kiện để tu Mật Tông – Kim Cang Thừa. Nhưng có những minh chú phổ biến như chú Kim Cang Tát Đỏa, chú Đạo sư, chú Văn Thù mà theo Thầy có thể trì tụng. Một điều kiện làm cơ sở cho ta trì chú là lòng tin. Nếu bạn có lòng tin mạnh mẽ nơi đức Kim Cang Tát Đỏa thì bạn có thể trì Bách tự Minh chú.
HỎI: Việc tu Kim Cang Thừa cần có thầy bên cạnh giúp đỡ để hành trì vì Mật tông rất khó tu, có đúng không ạ?
TRẢ LỜI: Rất cần phải có một vị thầy, một vị bổn sư. Điều quan trọng là ngay ban đầu phải thọ nhận giáo lý, khai thị đầy đủ và rõ ràng. Tiếp đó, người học trò phải thiết lập kết nối tâm với vị thầy. Theo Thầy sự xa cách là cái thuộc về bên trong. Xa cách không phải cái bên ngoài mà là cái bên trong. Khi xa cách bên ngoài thì đó chỉ là [hiện tượng] bên ngoài. Nếu sự kết nối bên trong vẫn còn đó thì theo Thầy đó không phải là xa cách. Vậy nên vẫn còn cách để tạo kết nối bên trong, kết nối về tâm giữa thầy và trò [khi xa cách bên ngoài].
Tu Kim Cang Thừa khó hay không? Câu trả lời phụ thuộc từng cá nhân. Nói chung tu hành là khó. Bởi tu có nghĩa là chăm sóc cái tâm của mình, một việc làm rất gian nan. Tu Kinh thừa cho đúng cũng rất khó. Kinh thừa dạy rất nhiều thứ. Kinh thừa dạy tánh không, dạy bồ đề tâm. Điều này không dễ chút nào. Còn để tu Kim Cang Thừa thì cá nhân phải là người lợi căn. Câu trả lời là: có thể khó có thể không. Nó phụ thuộc vào từng hệ thống và năng lực cá nhân. Nếu bạn liên tục nỗ lực tu trì thì việc tu sẽ dần dần dễ hơn. Mới ban đầu có thể sẽ không dễ dàng lắm.
—
Việt dịch (từ bản chép lời giảng tiếng Anh): Lotsawa (Hiếu Thiện).
Xem bản tiếng Anh (dưới bản Việt dịch) do Menlha Kyid (Kiều Oanh) chép tại: www.lienhoaquang.com/loidaosu-q2-01
Nghe MP3 bài giảng tại: www.lienhoaquang.com/loidaosu-q2-01-mp3