Thân Già Đi Không Trẻ Mãi – Tâm Mê Trẻ Mãi Không Già

Hungkar Dorje Rinpoche[1]

Orange County, 03.11.2023

 

TẤT CẢ ĐỀU GIÀ ĐI

“Bản chất của cuộc đời này là luôn dời đổi, luôn già đi và tiến về hồi kết.”

Ngày hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây sau mấy năm trời không gặp. Thầy nghĩ đây có lẽ là một điều tốt lành. Thầy gặp lại các bạn thì thấy mỗi người đều khác một chút. Và Thầy tự hỏi: Khác ở chỗ nào?” Rồi lại tự trả lời: “Chắc chắn không phải là trông trẻ hơn.” Về căn bản, ý nghĩa của giáo lý Phật đà là để ta chấp nhận thực tại, bản chất của vạn pháp, của cuộc đời. Bản chất của cuộc đời này là luôn dời đổi, luôn già đi và tiến về hồi kết.

Theo Thầy một trong những ý nghĩa rất quan trọng để ta muốn tu đạo là quán chiếu về bản chất, ý nghĩa đời người. Một số người có thể cho rằng người tu Phật khá ngu xuẩn bởi vì họ nghĩ về vô thường quá nhiều, trong khi mình chẳng làm được gì. Tuy nhiên, chúng ta lại nghĩ khác. Khi chúng ta quán chiếu bản chất của sinh tồn, chúng ta làm cho kiếp sống này hoàn thiện hơn nhờ trí hiểu về thực tại. Thời gian trôi nhanh và đây là lý do ta phải sử dụng thời gian một cách đúng đắn – khi ta vẫn còn cơ hội vô cùng may mắn này. Chúng ta không được lãng phí thời gian mình đang có.

Mấy năm qua, chúng ta đã trải qua một thời kỳ khó khăn – dịch Covid-19 đã cướp đi hàng triệu mạng sống. Tuy nhiên, chúng ta may mắn vẫn còn sống và đang nỗ lực làm việc thiện. Vì vậy, Thầy nghĩ chúng ta phải biết trân quý những gì mình đang có, đặc biệt là thời gian mình có để làm việc tốt. Điều rất quan trọng là phải trân quý cơ hội này và giá trị của thời gian.

 

KẾT NỐI VỚI NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP

“…phải đứng vững, phải tiến bộ,

nương tựa vào nền tảng căn bản rất quan trọng này.”

Nhiều người trong số các bạn ở đây có kết nối nghiệp rất tốt, rất sâu, rất gần gũi với Lama Sang yêu quý của chúng ta. Lama Sang đã dạy cho các bạn nhiều bài học quý giá. Vì vậy, Thầy hi vọng các bạn vẫn nhớ ý nghĩa lời dạy của Lama Sang và ghi nhớ những gì Ngài dạy về đường tu của mình, để mình có được hiểu biết tốt hơn về Phật Pháp, về ý nghĩa đời người.

Có những người rất dễ quên – đôi lúc họ quên kết nối giữa Guru và bản thân mình. Vì vậy, họ quên các lời dạy và quên cả thực hành. Nhưng đa số mọi người khá tín thành: nhờ có lòng tin, tâm sùng mộ nên họ cố gắng giữ kết nối với những điều tốt đẹp. Thầy nghĩ đây là một điều quan trọng đối với các bạn để có thể trở thành một người tu tốt. Lý do mà Thầy nói vậy là bởi các bạn đã cố gắng rất nhiều và các bạn thực sự muốn hoàn thiện bản thân bằng việc tu hành. Do đó, điều quan trọng là các bạn biết được những gì cần thiết để tu tốt.

Vì nhiều người trong số các bạn có kết nối thiện nghiệp và gắn bó với Lama Sang nên Thầy nhắc không được quên điều này và phải đứng vững, phải tiến bộ, nương tựa vào nền tảng căn bản rất quan trọng này. Hiện nay, việc đi đó đi đây trở thành một khó khăn đối với Thầy nhưng Thầy vẫn có một số kết nối nghiệp; và Thầy nghĩ rằng Thầy cần cố gắng để tới đây bởi hai lý do. Vì các bạn có kết nối rất tốt với Lama Sang, đó là lý do thứ nhất Thầy muốn gặp tất cả các bạn lần nữa. Lý do thứ hai, chúng ta có duyên và có thể qua kết nối này Thầy sẽ làm lợi lạc cho các bạn. Vì hai lý do này, theo Thầy nghĩ, Thầy đã ở đây.

 

TÂM ĐIÊN ĐẢO TRẺ MÃI KHÔNG GIÀ

“Trong kinh Đức phật có dạy rằng các phiền não không bao giờ già đi cả.
Chúng luôn luôn trẻ, rất điên đảo, rất hoang dã.”

Như Thầy đã nói, đặc biệt các đệ tử của Lama Sang không trẻ hơn [xưa] chút nào. Vì vậy, Thầy muốn cố gắng hết sức để giúp các bạn trên đường đạo. Do không còn trẻ nữa nên chúng ta phải nhanh lẹ hơn để sử dụng thời gian thật đúng đắn. Vì chúng ta không biết thực sự mình còn được sống bao nhiêu lâu nữa; và đây cũng là một trong những lý do quan trọng để Thầy để ở đây và nhắc nhở các bạn những gì cần thiết.

Khi Thầy nói không trẻ hơn xưa chút nào có nghĩa là về mặt thể chất không trẻ ra chút nào. Tuy nhiên, về mặt tinh thần thì có lẽ vẫn như vậy – vẫn giống như những đứa trẻ và rất hư hỏng, rất bận rộn, rất ồn ào, rất hẹp hòi, nông cạn. Vì vậy, Thầy nghĩ về mặt tinh thần chúng ta không thay đổi bao nhiêu, mặc dầu về thể chất có vài thay đổi.

Trong kinh Đức phật có dạy rằng các phiền não không bao giờ già đi cả. Chúng luôn luôn trẻ, rất điên đảo, rất hoang dã. Vì vậy, chúng ta cần phải tu để điều phục tâm càng nhiều càng tốt bởi vì những tham vọng điên đảo này, những cung cách điên đảo này hủy diệt tất cả mọi thứ tích cực. Chúng ta cần phải hiểu mình cần thay đổi thế nào, cần có trí hiểu thế nào để tiến bộ. Vì lý do này, chúng ta luôn luôn cần Pháp.

Khi Thầy nói kết nối thanh tịnh, động cơ thanh tịnh, tín thành thanh tịnh thì đây là những nhân duyên quan trọng nhất để tiến bộ trên đường tu. Bản thân Thầy đã từng thực hành Pháp nhiều năm và Thầy có một số trải nghiệm. Vì vậy, Thầy có thể nói với xác quyết và hiểu biết rằng tâm chí tín thành thanh tịnh là tất cả, đó là nhân quan trọng nhất để có thể đạt tới kết quả tốt trong tu hành.

 

TÂM MA MÃNH KHÔNG NHÌN RA SỰ THẬT

“Và vì thế mà tâm chúng ta luôn dời đổi, luôn chạy theo những thứ bên ngoài,
luôn rất ma mãnh và không nhìn ra được sự thật, những điều có thật.”

Nhiều người trong số các bạn đã thực hành Pháp nhiều năm, vì vậy Thầy nghĩ ở mức độ nào đó các bạn biết làm sao để thực hành; vấn đề không phải ở chỗ không biết phải thực hành như thế nào. Vấn đề, theo Thầy nghĩ, là ở chỗ không quan tâm đầy đủ tới những yếu tố cần thiết và không rà soát tâm mình thường xuyên. Và vì thế mà tâm chúng ta luôn dời đổi, luôn chạy theo những thứ bên ngoài, luôn rất ma mãnh và không nhìn ra được sự thật, những điều có thật. Bởi vì chúng ta chạy theo những thứ trong tâm quá nhiều nên mình thua cuộc. Thầy thực sự thấy như vậy. Đôi khi tâm của chúng ta rất lầm lạc bởi tác động của những thứ bên ngoài. Chúng ta tin vào những thứ ở bên ngoài quá nhiều và cố gắng rượt đuổi theo chúng. Nhưng rốt cuộc chúng ta không thực sự đạt được một thứ gì cả trong cuộc đuổi rượt theo những cảm xúc tiêu cực và ma mãnh này. Tuy nhiên, tập khí của chúng ta là tin vào tâm mình, vào những suy nghĩ của mình. Vì vậy, Thầy nghĩ rằng chúng ta cần phải phát triển trí tuệ và có trí hiểu thanh tịnh.

 

TÂM LUÔN BỊ LỪA

“Mỗi ngày tâm ta lại thay đổi – các hứng thú, ham thích cũng thay đổi.
Nghĩa là tâm thực sự luôn luôn bị lừa dối bởi ngoại cảnh.”

Vào những thời điểm khác nhau, độ tuổi khác nhau, ta có cách nghĩ về mọi thứ khác nhau. Nhưng thực tế thì không có gì là chắc thật. Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta thích thứ này, thứ khác nhưng giờ chúng không còn hấp dẫn ta. Mỗi ngày tâm ta lại thay đổi – các hứng thú, ham thích cũng thay đổi. Nghĩa là tâm thực sự luôn luôn bị lừa dối bởi ngoại cảnh. Nhưng chúng ta không hiểu sự thật này. Bây giờ chúng ta vẫn cố gắng bám chấp vào một thứ gì đó, nhưng giây phút sau, thứ đó liền thay đổi. Và sự thay đổi đó không phải là do ngoại cảnh thay đổi mà nó là cái xảy ra trong tâm. Vì vậy, Thầy nghĩ rằng, khi chúng ta rời bỏ cuộc đời này mọi thứ đều sẽ rất khác. Có nghĩa là cách hiểu của chúng ta không thâm sâu – nó không đủ sâu sắc. Và cách hiểu đó không đáng tin cậy.

 

CÁI CHẾT THÌ THẬT

“Khi cái chết đến thì tất cả mọi thứ đều thay đổi, tất cả mọi thứ đều rất khác.
Không có gì còn sót lại ngoại trừ nghiệp và những nhân xấu ta đã gieo.”

Sự thật duy nhất là: cái chết thì khá là chân thật. Thầy muốn nói rằng, nó thật đối với tất cả mọi người. Khi cái chết tới, mọi thứ đều thay đổi. Vì vậy, có nhiều điều không thật nhưng chúng ta không hiểu điều đó và chúng ta nghĩ rằng tất cả mọi thứ đều chắc thật. Vì vậy, chúng ta cố gắng thành tựu nhiều thứ, hết thứ này đến thứ khác và không bao giờ nghĩ rằng vậy là đủ. Khi cái chết đến thì tất cả mọi thứ đều thay đổi, tất cả mọi thứ đều rất khác. Không có gì còn sót lại ngoại trừ nghiệp và những nhân xấu ta đã gieo. Vì vậy, cần phải tịnh hóa các nghiệp xấu trước khi chúng ta chết. Sẽ mất rất nhiều thời gian để tịnh hóa bản thân, vì vậy ta phải sử dụng thời gian càng tinh cần càng tốt.

Chúng ta nghĩ: “Tôi ổn hôm nay, ngày mai, năm nay, năm tới.” Nhưng Ngài Shantideva nói rằng thần Chết rất bất ngờ vì vậy ta không biết khi nào mình chết. Chúng ta cứ hi vọng vào đời trường thọ. Mọi thứ có vẻ ổn nhưng thực ra không phải vậy, bởi vì mọi thứ rất bất ngờ. Thần Chết không đợi cho đến khi công việc hoàn mãn. Các bạn không thể kiếm cớ rằng: “Tôi rất bận,” “Tôi phải kiếm thêm tiền,” hay “Tôi phải làm việc này, việc khác; sau đó tôi sẽ tu.” Bởi vì cái chết không đợi ta xong công việc. Vì vậy, tất cả chúng sinh, dù bệnh hay khỏe, đều không thể đặt lòng tin vào cuộc đời này.

 

BIẾN THÙ THÀNH BẠN

“Nhưng nếu ta cố gắng giải phóng cơn giận đó thì họ sẽ không còn là kẻ thù nữa.”

Nhưng chúng ta hành động theo ý mình chứ không thuận theo nhân quả. Vì vậy, ta quên rằng rồi mình sẽ phải bỏ lại tất cả. Và chúng ta làm nhiều điều không tốt, cho bạn bè và cho kẻ thù của mình. Có người rất quan trọng đối với ta, vì vậy có người không quan trọng lắm, và có người thậm chí bị ta coi là kẻ thù xấu xa. Vì vậy, trong tâm ta tự nhiên luôn có tham, sân. Vì những cảm xúc tiêu cực đó mà ta tạo nhiều nghiệp xấu.

Nhưng thực tế là kẻ thù và bạn bè, rồi kể cả chính ta, sẽ cùng tới một hồi kết. Tất cả sẽ chết một ngày nào đó. Cho nên khi cái chết đến, mọi thứ đều thay đổi. Trong kiếp sống này, vấn đề không phải là bạn bè hay kẻ thù của ta như thế nào, mà cái chính là ta nghĩ họ như thế nào. Nhưng chúng ta không hiểu thực tế này và ta tin rằng họ xấu hoặc tốt; và có rất nhiều cảm xúc tiêu cực trong tâm ta.

Một người có thể khi là bạn khi lại là kẻ thù của ta vào những lúc khác nhau. Chúng ta nói người đó là ác và họ “đã làm hại tôi”, nhưng vấn đề chính [ở đây] là ta xem họ như thế nào. Công dụng của Pháp đối với chúng ta là để ta có nhận thức đúng đắn. Tức là ta nhận thức như thế nào, hiểu như thế nào mới là điều chính yếu. Vì vậy, bạn có thể biến kẻ thù thành bạn nhờ sự hiểu biết đúng đắn của mình. Bởi vì kẻ thù của ta là kẻ thù khi ta tức giận. Nhưng nếu ta cố gắng giải phóng cơn giận đó thì họ sẽ không còn là kẻ thù nữa. Vậy thực ra tâm là tất cả, cách bạn nhận thức là tất cả. Vì thế, Pháp có nghĩa là rèn luyện tâm để có nhận thức đúng.

Cái nhìn đúng đắn là rất quan trọng. Vì vậy, Thầy phải nhắc các bạn về những điều quan trọng trong việc tu. Đặc biệt khi chúng ta đang già đi thì rất quan trọng là phải hiểu giá trị thời gian mình có và cố sử dụng nó thật cẩn trọng. Chúng ta không muốn phung phí bất cứ giây phút nào, bởi vì thời gian là quý giá nhất đối với ta, với tất cả, đặc biệt với những ai không còn trẻ nữa.

 

LẠC THÚ QUA NHƯ GIẤC MƠ

“Ngài Shantideva nói: “Bất cứ điều gì tôi tận hưởng đều sẽ chỉ là trải nghiệm,
giống như giấc mơ và đã thành ký ức, đơn giản là ký ức.””

Tất nhiên, đôi khi ta vui hưởng lạc trong đời này. Nhưng Phật dạy lạc thú sẽ qua như một giấc mơ. Đúng vậy, những gì xảy ra trước kia giờ đây giống như những giấc mơ. Ngài Shantideva nói: “Bất cứ điều gì tôi tận hưởng đều sẽ chỉ là trải nghiệm, giống như giấc mơ và đã thành ký ức, đơn giản là ký ức.” Chúng không bao giờ trở lại có. Nhiều loại người quan trọng nhưng họ đã qua đời. Họ sẽ không bao giờ quay trở lại. Vì vậy, chúng ta không nên bám chấp vào những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, bởi vì những thứ đó sẽ thành quá khứ và sẽ chỉ còn lại những trải nghiệm.

Do vô minh, tham luyến, mọi thứ chúng ta làm đều thành ác nghiệp. Vì vậy, điều quan trọng là ta phải canh chừng và phải hiểu cái gì đang diễn ra trong tâm của mình từng giờ từng phút. Quán chiếu vô thường là thực hành rất căn bản và rất quan trọng. Bởi vì nếu chúng ta thực hành Pháp liên tục không gián đoạn thì chúng ta không muốn bận rộn vì những thứ vô ích. Vì vậy, rất nhiều giáo lý đức Phật dạy đều nhắc tới tầm quan trọng của việc quản chiếu vô thường.

Đồng thời, ta phải chấp nhận nghiệp và quả báo của hành động trong quá khứ. Cần hiểu rằng mỗi người phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì tốt và xấu xảy ra trong tương lai. Vậy phải canh chừng tâm mình từng giây, từng phút để tâm luôn thực sự an bình.

Mặc dầu tu Phật luôn nói về vô thường, nhưng sâu thẳm trong tâm ta vẫn tin mọi thứ thường hằng, bất biến. Đó chính là chấp vào các hiện tượng như chúng là chắc thật. Đây là vô minh, là nguồn gốc của mọi vấn đề.

 

KHI NÀO TÔI CHẾT?

“Vì vậy, ta rất cần tu hành nếu muốn có được lòng tin và trí tuệ để đón nhận và
trải nghiệm cái chết thật an bình.”

Nhiều thứ được cải thiện để chúng ta có được một cuộc sống vật chất tốt hơn và ta nghĩ rằng mọi thứ đều ổn. “Nếu tôi, bệnh tôi có thể chữa trị ở bệnh viện và thọ mạng có thể kéo dài.” Nhưng sự thật nghiệt ngã là ta phải tuân theo nhân quả. Nếu nghiệp nói rằng đây là lúc phải chết thì không gì kéo dài được thọ mạng của bạn. Ta phải hiểu điều đó. Ngài Shantideva nói rằng ngày và đêm của cuộc đời này không thay đổi cho dù xã hội có phát triển thế nào đi nữa. Nhiều thứ tốt đẹp xuất hiện, nhưng nhưng điều đó vẫn không thay đổi. Cuộc đời của ta sẽ tiếp tục lụi tàn và không có cách nào để kéo dài thọ mạng. Đó là sự thật. Chúng ta phải tự hỏi mình: “Làm sao một người như tôi lại không chết?” hay “Làm sao tôi có thể biết khi nào tôi chết?” Đây là một cách nghĩ rất có ý nghĩa giúp ta hiểu được thực trạng của cuộc đời này.

Chúng ta hiểu rằng cái dụng của Pháp là để tâm ta được an bình khi cái chết tới, bởi vì trải nghiệm chết không phải là chuyện dễ. Chúng ta tin rằng bạn bè, gia đình và nhiều thứ khác là hữu ích nhưng, vào lúc chết, không gì có thể giúp được ta ngoại trừ kinh nghiệm tu hành. Vậy nên Ngài Shantideva nói rằng khi một người đang nằm trên giường bệnh bao quanh bởi người thân và bạn bè thì họ cũng chẳng làm được gì nhiều. Họ chẳng thể làm giảm đi nỗi đau đớn, sợ hãi, những ảo giác và những phiền não trong tâm của bạn. Bạn duy nhất trải nghiệm mọi cảm giác liên quan tới thời điểm này của đời mình. Đây là sự thật ta cần phải biết. Vì vậy, ta rất cần tu hành nếu muốn có được lòng tin và trí tuệ để đón nhận và trải nghiệm cái chết thật an bình.

 

LÀM SAO TRẢI QUA CÁI CHẾT?

“Khi đó chỉ có công đức, chỉ có Pháp che chở cho chúng ta.”

Tại sao ta phải lo nghĩ về cái chết và những gì sau cái chết? Đây là điều rất bình thường cho tất cả vậy tại sao lại phải lo lắng? Nhưng Pháp dạy chúng ta việc này rất quan trọng, bởi vì tất cả mọi người đều mong muốn có hạnh phúc nhưng do vô minh họ chẳng biết làm sao để trải qua cái chết. Đây là một vấn nạn lớn bởi vì vô minh này tạo ra rất nhiều nghiệp tiêu cực. Các bạn sẽ có nhiều bất ổn, nhiều đau khổ hơn trong tương lai. Vì vậy, bạn phải biết làm sao để thực hành Pháp, làm sao để biến những gì có liên hệ tới cái chết thành động cơ tu đạo, khi đó mọi thứ sẽ trở nên an bình. Mọi thứ sẽ tốt. Vậy tu hành là nhân chính yếu cho hạnh phúc và an bình. Pháp dạy chúng ta làm sao để đoạn diệt tham luyến đối với mọi thứ trong cuộc đời này bao gồm cả bạn bè, người thân. Pháp không dạy rằng họ không tốt hoặc không có lợi ích gì mà dạy ta hiểu rằng có rất nhiều hiểm họa trong việc quan tâm quá nhiều tới những thứ này và tham luyến, bám chấp vào đó.

Ngài Shantideva nói rằng khi sứ giả của thần Chết tới thì bạn hữu và người thân liệu có ích gì? Khi đó chỉ có công đức, chỉ có Pháp che chở cho chúng ta. Nhưng ta không nỗ lực tích lũy nhiều công đức do mải phóng tâm vào mọi thứ của đời này. Chúng ta không có nhiều thiện nghiệp bởi vì chúng ta không tích lũy những thứ này. Đức Phật dạy phải thấy giá trị của thời gian và cuộc đời, và phải tu hành càng sớm càng tốt.

 

NƯƠNG TỰA ĐÂU KHI CHẾT?

“Con không nghe Ngài khi còn sống, giờ đang trong cõi bardo con nhìn thấy mối họa lớn. Giờ đây nơi duy nhất con có thể nương tựa chính là Phật.”

Pháp cho chúng ta có cái nhìn cao thâm về tương lai. Khi không hiểu Pháp, ta không nhìn xa trông rộng mà chỉ thấy tương lai trong kiếp này và ta cố gắng thành tựu rất nhiều thứ trong kiếp đời này. “Khi tôi già, tôi cần cái này cái khác; khi tôi bệnh, tôi cần cái này cái khác.” Hiểu như vậy về tương lai là không đầy đủ – Pháp cho ta một cách hiểu thâm diệu, hoàn hảo về mọi kiếp sống của mình và về tương lai.

Quy y Phật là để nghe theo chỉ dạy của ngài nhưng ta thường không làm vậy. “Con không nghe Ngài khi còn sống, giờ đang trong cõi bardo con nhìn thấy mối họa lớn. Giờ đây nơi duy nhất con có thể nương tựa chính là Phật.” Có rất nhiều câu chuyện của các bậc đại đạo sư và các ngài dạy về điều đó. “Tôi rất bận rộn nhưng khi ở trong cõi bardo, tôi thấy mọi ảo ảnh đáng sợ và tôi nhớ tới quy y Phật. Vậy là tốt nhưng quá trễ rồi – tôi không biết nương vào đâu để đầu thai cõi lành vì tôi đã làm rất nhiều việc xấu khi còn sống.”

Tóm lại, chúng ta cần phải hành động theo đúng lời Phật dạy, phải nghe lời dạy của Guru và làm theo lời Ngài một cách chính xác. Không thì việc mưu cầu hạnh phúc mai sau sẽ ngày càng khó khăn. Nếu bạn muốn hạnh phúc dài lâu thì phải làm đúng như lời Phật dạy.

 

DẤU HIỆU HÀNH GIẢ TỐT

“… có ít tâm tham, bám chấp, phiền não hơn và tinh tấn hơn, rộng bố thí cúng dường hơn, cởi mở hơn, thân thiện hơn, tốt bụng hơn. Đây là dấu hiệu của hành giả tốt.”

Ý nghĩa của việc ta cần phải trung thực làm theo đúng lời Phật dạy là để đoạn diệt phiền não bởi các phiền não vô cùng nguy hiểm. Chúng ta phải rất cẩn trọng không chạy theo các cảm xúc tiêu cực và giữ tâm luôn càng thanh tịnh, chính trực càng tốt. Nhưng đôi lúc ta quên ý nghĩa cốt tủy của tu hành, ta chạy theo những thứ bên ngoài không phải việc đạo, cho nên ta không tiến được nhiều trên đường tu. Tóm lại, ta cần hiểu tinh túy của Pháp Phật và ý nghĩa thực sự của thực hành Pháp.

Càng tu nhiều thì càng giảm tâm tham. Đó chính là dụng của Pháp. Thế nhưng chúng ta thì cứ ngày càng nhiều tham lam, nhiều cảm nhận xấu về mọi thứ, mọi người; chúng ta ngày càng hung dữ, ngày càng không trung thực. Nhận được gia trì của thực hành Pháp có nghĩa là có ít tâm tham, bám chấp, phiền não hơn và tinh tấn hơn, rộng bố thí cúng dường hơn, cởi mở hơn, thân thiện hơn, tốt bụng hơn. Đây là dấu hiệu của hành giả tốt.

 

VIỆC XẤU KHÔNG TẢ ĐƯỢC BẰNG LỜI

“Chúng ta vẫn phải đối mặt với những tai ương này trừ khi chúng ta thực hành Pháp
và sám hối tất cả những việc làm xấu ác của mình.”

Tất cả chúng ta đã làm nhiều việc xấu, rất rất xấu không thể tả được bằng lời, không thể tưởng tượng nổi – rất rất rất xấu. Tại sao chúng ta lại làm nhiều việc xấu đến như vậy? Bởi do vô minh, đương nhiên, chúng ta đã tạo rất nhiều ác nghiệp. Bây giờ, chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn không thể tránh nổi. Chúng ta vẫn phải đối mặt với những tai ương này trừ khi chúng ta thực hành Pháp và sám hối tất cả những việc làm xấu ác của mình.

Để sám hối thanh tịnh và mãnh liệt, chúng ta cần phải nương tựa vào Pháp Phật và Tam Bảo. Chúng ta phải thấy Tam Bảo giống như những ông chủ của mình mà chúng ta thường phải tôn kính. Chúng ta không thấy các Ngài cao hơn thì chúng ta sẽ không chịu nghe các Ngài. Vậy chúng ta gọi các Ngài là đấng quy y và chúng ta khẩn cầu các ngài: “Xin hãy để tâm đến con! Con muốn sám hối tất cả những việc xấu mà con đã làm trong quá khứ trước chư Phật, chư Bồ Tát và Tam Bảo. Từ nay về sau con sẽ không tạo bất cứ ác nghiệp nào nữa.”

 

TÂM GANH GHEN ĐỐ KỴ RẤT XẤU

“Họ không muốn thừa nhận và đánh giá cao hành động tốt của những người khác;
họ không thấy những điều tốt đẹp trong hành động của người khác. Họ chỉ thích phê phán người khác và điều này thực sự rất tệ.”

Là những người bạn đồng tu, chúng ta phải hỗ trợ lẫn nhau và tùy hỉ công đức của các bạn tu khác. Nhưng đôi khi chúng ta ganh ghen đố kỵ khi thấy đạo hữu của mình đang làm những việc tốt lành. Chúng ta không những không ủng hộ họ mà trái lại còn thấy không vui vì điều đó. Đây là một hành động xấu và nó hủy hoại tất cả các thiện nghiệp của chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải tùy hỉ công đức và phải tri ân thiện hạnh của những người khác.

Con người thường thường khá hung dữ và tiêu cực bởi do cách hiểu hẹp hòi, do tâm hẹp hòi của họ. Họ không muốn thừa nhận và đánh giá cao hành động tốt của những người khác; họ không thấy những điều tốt đẹp trong hành động của người khác. Họ chỉ thích phê phán người khác và điều này thực sự rất tệ. Đây là một điều thường xảy ra trong các cộng đồng Phật Pháp khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, người tu chúng ta phải có sức mạnh và hiểu biết để kiểm soát lại cảm xúc tiêu cực này để hiểu tầm quan trọng của việc tùy hỉ công đức của người khác.

Tóm lại, chúng ta cần làm bất cứ điều gì theo giáo lý đại thừa để mang lại lợi lạc cho tất cả hữu tình chúng sinh. Ngài Shantideva dạy: “Nương oai lực của tất cả các hiện hành này, nguyện bất cứ công đức nào con tích lũy được, sẽ làm dịu đi đau khổ của tất cả hữu tình chúng sinh.” Vì vậy, thực hành Pháp có nghĩa là phục vụ hữu tình chúng sinh và từ bi với họ. Nếu một người tu thực hành như vậy thì người đó đang thực hành đúng đắn giáo lý của Phật. Nếu người tu làm ngược lại thì người đó đang đi trên con đường sai lạc, không phải con đường của giải thoát.

 

THAY ĐỔI CÁCH NHÌN, CÁCH ỨNG XỬ

“Thực hành Pháp có nghĩa là mình phải thay đổi cách chúng ta nhìn mọi thứ.
Chúng ta phải thay đổi rất nhiều cách nhìn và cách mà mình ứng xử.”

Kết quả của việc tu luyện tâm nhờ phát triển từ bi và bồ đề tâm là người tu phải đạt tới [xác quyết] rằng người đó có thể cúng dường tất cả mọi thứ thuộc về mình cho tất cả hữu tình chúng sinh. Ví dụ, “Con phải cúng dường không ngần ngại thân thể, của cải và tất cả công đức của ba thời để làm lợi lạc cho tất cả hữu tình chúng sinh.”

Mặc dầu trên thực tế, chúng ta không thể cho đi tất cả nhưng chúng ta phải tu luyện tâm mình theo cách đó để cuối cùng điều đó thành sự thật. Lúc khởi đầu khi còn là một người bình phàm, chúng ta không có khả năng để suy nghĩ và làm như vậy. Chúng ta nghĩ: “Mọi thứ thuộc về tôi là của tôi. Tôi không muốn cho đi bất cứ thứ gì. Tôi không muốn những người khác tấn công tôi, tôi muốn bảo vệ bản thân tôi càng nhiều càng tốt.” Đây là thái độ của chúng ta đối với bản thân mình trong cuộc sống hàng ngày. Thực hành Pháp có nghĩa là mình phải thay đổi cách chúng ta nhìn mọi thứ. Chúng ta phải thay đổi rất nhiều cách nhìn và cách mà mình ứng xử.

 

TU BỒ ĐỀ TÂM TỪNG BƯỚC MỘT

“Các ngài đã phát triển động cơ bồ đề tâm từng bước một. Tương tự như vậy,
chúng ta phải trưởng dưỡng bồ đề tâm từng bước một, liên tục, tinh cần …”

Chúng ta phải tụng lời phát nguyện hàng ngày trong khi thực hành để trở thành như vậy. Ngài Shantideva dạy: “Tất cả chúng sinh, những người đã từng hãm hại tôi, dù họ giết tôi hay làm cho tôi mất mặt, nguyện tất cả những người đó đều có được may mắn đạt tới giác ngộ.” Đây là loại động cơ mà chúng ta cần phải trưởng dưỡng. “Bất cứ những ai có kết nối [với tôi] dù tốt hay xấu – nhờ những kết nối này, nguyện tôi sẽ làm lợi lạc cho họ. Nguyện họ có được may mắn đạt tới giác ngộ qua những kết nối này.”

Bằng việc thực hành Pháp chân chính, chúng ta có thể làm lợi lạc cho mọi người theo rất nhiều cách. Ví dụ như các vị Bồ Tát, khi các ngài đang trên đạo lộ, các ngài phát nhiều lời nguyện và nghĩ nhiều cách để làm lợi lạc cho những người khác – nhờ vậy chư vị đã đạt tới sức mạnh lớn lao. Ví dụ, “khi không có thực phẩm, nguyện tôi trở thành thực phẩm. Khi không có thuốc men, nguyện tôi trở thành thuốc men cho hữu tình chúng sinh,” và vân vân. Tóm lại, chúng ta phải làm những điều như vậy. Chúng ta phải hiểu pháp tu tâm này và tu luyện tâm theo cách này để làm lợi lạc cho người khác thông qua những công hạnh huyền diệu.

Chúng ta phải trưởng dưỡng bồ đề tâm như các vị Phật trong quá khứ đã từng làm. Các ngài đã phát triển động cơ bồ đề tâm từng bước một. Tương tự như vậy, chúng ta phải trưởng dưỡng bồ đề tâm từng bước một, liên tục, tinh cần để có thể cuối cùng đạt tới động cơ bồ đề tâm chân thực. Như vậy chúng ta cần rất nhiều sự kham nhẫn. Không phải một ngày 15 phút là đủ. Nhưng thậm chí nếu chúng ta thực hành 15 phút một ngày thì chúng ta cũng coi đây là việc ghê gớm rồi, “Ồ tôi là một hành giả tốt. Hàng ngày tôi thực hành 15 phút!”

 

BỒ ĐỀ TÂM ĐƯA PHẬT GẦN TA

“Cách duy nhất để làm con của chư Phật là thực hành bồ đề tâm như Thầy đã nói.”

Theo giáo lý Đại thừa, cách suy nghĩ đúng đắn duy nhất là nghĩ về bồ đề tâm và trưởng dưỡng động cơ bồ đề tâm. Ngoài điều đó ra, tất cả mọi thứ khác không có ý nghĩa. Như vậy, trưởng dưỡng tâm giác ngộ, cuộc sống của một người tu sẽ trở nên có ý nghĩa. Chúng ta có thể thể nói rằng cuộc sống của ta có ý nghĩa bởi vì ta đang thực hành bồ đề tâm. Chúng ta cũng có thể nói: “Cuộc sống của tôi vô nghĩa bởi vì tôi không tu bồ đề tâm và tâm từ bi; tôi không phải là một người từ bi, tôi không phải là người có lòng tốt hay kham nhẫn.” Đó là cách chúng ta nói về cái gì là có ý nghĩa, cái gì là không có ý nghĩa.

Trong xã hội, làm con cái của một người rất quan trọng, thông minh hoặc giàu có là điều tốt. Tương tự, điều quan trọng là trở thành con của chư Phật. Cách duy nhất để làm con của chư Phật là thực hành bồ đề tâm như Thầy đã nói. Khi ta trở thành con của chư Phật thì cuộc sống của mình mới có ý nghĩa. “Ngày nay cuộc sống của tôi có ý nghĩa vì tôi đã có được thân người quý báu và sinh ra trong gia đình Phật. Bây giờ tôi là con nhà Phật vì tôi đang tu theo con đường của Bồ Tát.”

Chúng ta có cơ hội này để gặp và có lòng tin vào giáo lý Đại thừa. Lại nữa, chúng ta còn cố gắng tu hành để làm lợi lạc tất cả chúng sinh bằng việc nuôi dưỡng bồ đề tâm. “Bây giờ mọi việc làm của tôi phải xứng với gia đình Phật của mình.” Vun bồi bồ đề tâm có sức mạnh đưa Đức Phật đến gần với ta.

 

THẤY NGỌC NHƯ Ý TRONG TÂM ĐẦY RÁC RƯỞI

“… tâm ta là những thùng rác lớn, rất dày và rất sâu. Tuy nhiên,
chúng ta vẫn cố gắng nhìn thấy phẩm chất bồ đề tâm trong tâm trí đầy rác rưởi này.”

Hiểu được giá trị của bồ đề tâm và trưởng dưỡng bồ đề tâm là một duyên may hiếm gặp. Điều này thật không dễ. Không phải ai cũng cố gắng tu bồ đề tâm. Nhưng vì chúng ta có được cơ hội này nên mình rất hoan hỉ. Giống như một người mù tình cờ tìm thấy một viên ngọc quý trong thùng rác. Bởi vì trong thùng rác không có thứ gì quý giá, và người mù không thể nhìn thấy gì, nên điều đó gần như không thể xảy ra.

Nhưng nếu người mù đó may mắn tìm thấy một viên ngọc trong thùng rác thì đây là một điều rất đặc biệt. Nay chúng ta mê mờ vì thiếu hiểu biết. Thực ra chúng ta là kẻ mù vì vô minh sâu dày tâm ta là những thùng rác lớn, rất dày và rất sâu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cố gắng nhìn thấy phẩm chất bồ đề tâm trong tâm trí đầy rác rưởi này. Và điều này thậm chí còn có giá trị hơn nhiều. Vì thế, chúng ta nên thực sự thấy giá trị của cơ hội có được thân người này. Chúng ta gặp Phật Pháp, chúng ta gặp giáo lý Đại thừa và cũng biết cách thực hành bồ đề tâm.

 

MIỆNG TO NHƯNG LẠI KÉM DẤN THÂN

“Nhưng những người thực hành Pháp kém
không thể nhìn thấy chính mình, nên đó là một vấn nạn.”

Cội rễ của Pháp Đại thừa này là không làm hại bất kỳ ai, bất kỳ chúng sinh nào thông qua thân, khẩu, ý. Chúng ta nên cố gắng tránh mọi hành động có hại nhờ sự hiểu bản chất của lòng bi. Đây là điều chúng ta cần thực hành, là ý nghĩa của con đường Đại thừa. Vì vậy, Thầy mong rằng mọi người ở đây sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hành động cơ từ bi và bồ đề tâm.

Nói chung, vấn nạn phổ biến là nhiều người tu thường có miệng rất to và rất sắc bén, nhưng lại rất kém dấn thân, kém hiểu biết và thực hành rất kém. “Thực hành Pháp” là hành động thực sự mà chúng ta có thể nhìn thấy. “Thực hành Pháp” bằng cách nào đó có thể nhìn thấy được. Vì vậy, nếu bạn là một người thực hành Pháp giỏi, người khác có thể thấy đạo hạnh tốt của bạn. Và bạn cũng nhìn thấy chính mình một cách rõ ràng. Nhưng những người thực hành Pháp kém không thể nhìn thấy chính mình, nên đó là một vấn nạn [đối với họ].

 

NGƯỜI CHÂN TU TRONG NGOÀI ĐỀU TỐT

“Chúng ta cần phải là một hành giả Pháp tốt cả bên ngoài lẫn bên trong.
Và cái chính nằm ở bên trong, nhưng chúng ta thì ngược lại với điều đó.”

Đó là một vấn đề rất lớn đối với hầu hết những ai là hành giả của Pháp. Và khi có việc gì đó rất quan trọng, rất lớn xảy ra thì mọi thứ trở nên khác, [họ] hoàn toàn biến thành kẻ xấu. Tuy nhiên, khi mọi thứ đều tốt đẹp, mọi thứ đều an ổn thì người ta có lẽ là một hành giả an lạc và tốt lành. Nhưng điều đó không thật! Chúng ta cần phải là một hành giả Pháp tốt cả bên ngoài lẫn bên trong. Và cái chính nằm ở bên trong, nhưng chúng ta thì ngược lại với điều đó. Đôi khi chúng ta tỏ ra rất hiền lành, rất tốt, rất ôn hòa, nhưng trong tâm lại như thiêu như đốt – rất hung dữ và nhiều chuyện xảy ra. Mặc dù đôi khi chúng ta không nhận ra vấn đề, nhưng hầu hết chúng ta đều biết điều đó. Đây không phải là cách thực hành Pháp đúng đắn! Thế nhưng vì lý do nào đó chúng ta không thể kiểm soát được bản thân. Vì thế, bây giờ chúng ta phải cố gắng có được sức mạnh để kiểm soát những hành động tiêu cực của chính mình, để có được trải nghiệm thực sự về Pháp, Pháp chân chính.

Đó là ý nghĩa của Pháp, Pháp chân thực. Đó là ý nghĩa thực sự của việc tu hành. Đó là điều chân thật. Đó là tất cả những gì mà chúng ta cố gắng làm và hoàn mãn. Nhưng chúng ta rất hay quên, chúng ta quên rất nhiều thứ; đặc biệt là thực hành Pháp, chúng ta rất dễ quên việc đó. Thực hành Pháp không phải là ngồi đó và đọc sách. Không nhất thiết như vậy, mà [cái chính là] phải chánh niệm, phải nhìn thấy tâm mình: cái gì đang diễn ra trong tâm. Đây là một thực hành Pháp thật sự. Vì vậy, đôi khi nhắc nhở bản thân bằng cách lắng nghe giáo lý, đọc sách, thiền định hoặc suy nghĩ là điều tốt. Nhưng chúng ta phải sử dụng tất cả những phương pháp này [với mục đích] để ghi nhớ cốt tủy của việc tu hành.

 

NGƯỜI GIÀ CẦN CHIẾC GẬY

“Rằng người già phải đứng dậy bằng chiếc gậy.
Vì vậy, chỉ khi cả hai kết hợp với nhau thì mới tốt.”

Vì thế cầu nguyện hay đọc sách – mọi thứ đều quan trọng và hữu ích – nhưng cái chính yếu là ý nghĩa đằng sau. Vì vậy, những lời trong lời cầu nguyện có sức mạnh nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa: bạn nên nghĩ gì, bạn nên tập trung vào điều gì và bạn nên có loại hành vi nào. Những lời cầu nguyện và thực hành, nghi quỹ – việc sử dụng chúng là để nhắc nhở bạn [về Pháp]. Vì vậy chúng ta cần kết hợp ý nghĩa và từ ngữ với nhau, kết hợp ý nghĩa, hay sự hiểu biết và hành động với nhau. Vì vậy đây là một cách thực hành Pháp đúng đắn.

Có câu nói rằng những chữ trong giáo lý, trong lời cầu nguyện giống như chiếc gậy chống, và ý nghĩa của những chữ đó giống như một người già. Rằng người già phải đứng dậy bằng chiếc gậy. Vì vậy, chỉ khi cả hai kết hợp với nhau thì mới tốt. Nếu người già không thể đứng dậy thì chiếc gậy chống, có thể làm bằng vàng, không có tác dụng gì. Những lời cầu nguyện và kinh sách có sức mạnh nhắc nhở ý nghĩa và vun bồi trí tuệ thông qua ngôn từ, nên chúng ta phải sử dụng chúng. Nhưng chúng ta phải cùng một lúc vừa quán chiếu [ý nghĩa] vừa công phu thiền định.

 

Hết bài giảng ngày 03.11.23

 

Việt dịch: Hiếu Thiện (Lotsawa).

Bản tiếng Anh do Tri Kiến Thanh Tịnh chép từ MP4 bài giảng ngày 03.11.2023:

https://drive.google.com/drive/u/0/folders/1yLzw-Thfwu3ZMdhnSExd-mvyyW2Jf-cY

Xem bài tiếng Anh tại link: https://longchennyingthigvn.com/en/bai-rat-ngan/aging-body-never-younger-wild-mind-young-for-long/

____________

Chú thích:

[1] Bài giảng của Hungkar Dorje Rinpoche ngày 03.11.23 tại Mỹ. Bản tiếng Anh, bản Việt dịch và tựa đề đã gửi Rinpoche duyệt và gia trì.

CHIA SẺ