Lịch Sử Nhập Thất Mùa Đông và về Tu Viện Lungon
Gửi tất cả huynh đệ tỷ muội Pháp hữu,
Thầy chắc rằng các bạn ai cũng được hạnh phúc và bình an như mong ước. Thầy phải viết về nhập thất mùa đông (NTMĐ) của chúng ta đầu năm nay nhưng bây giờ mới đang viết. Nhưng như vậy vẫn còn sớm bởi vì mới được một, hai tháng, mà NTMĐ sẽ tiếp tục hàng năm, trong nhiều năm nữa. Như thầy đã thông báo NTMĐ năm nay bao gồm các pháp Kurukulla, Simhamukha (Dakini Sư Diện Phật Mẫu) và Guru Rinpoche. Tất cả các pháp này đều nhằm dẹp trừ chướng ngại, tăng trưởng các hoạt động Phật Pháp (Pháp hành) và tăng trưởng trải nghiệm của hành giả.
Mục đích chính yếu theo nhân duyên tương sinh của pháp Kurukulla là bảo vệ Pháp Phật trong thời ác trược này, vì vậy hành trì trong nhóm là điều cốt yếu do cách hành trì đó mạnh mẽ hơn hành trì cá nhân. Mật điển Simhamukha (Sư Diện Phật Mẫu) lần đầu tiên được khai mở bởi Phật Thích Ca Mâu Ni để chống lại ảnh hưởng xấu của lời nguyền ác. Sau đó, vào thời Guru Rinpoche, khi ngoại đạo dùng sức mạnh tấn công Phật pháp và người tu Phật giáo thì các hành giả Phật giáo đã khẩn cầu Guru Rinpoche giúp họ thắng các pháp sư xấu ác kia. Guru Rinpoche đã khai mở mật điển Simhamukha để bảo vệ họ. Theo ghi chép lịch sử, nhờ pháp phẫn nộ Dakini Sư Diện Phật Mẫu mà 500 pháp sư ngoại đạo gây chướng ngại đã bị sấm sét hủy diệt.
Guru Rinpoche sinh ra tám năm sau khi Phật nhập diệt. Khi sắp nhập niết bàn, Phật khuyên các đệ tử nên vui mừng vì Ngài sẽ trở lại trong thân tướng Guru Rinpoche. Phật trở lại trong thân tướng Guru Rinpoche để tiếp tục hoằng dương Phật pháp, đặc biệt là truyền thống Mật Tông. Mặc dầu Guru Rinpoche là hóa thân Phật có trí tuệ bẩm sinh nhưng Ngài vẫn trải qua việc học Pháp với nhiều đạo sư. Ngài rời bỏ vương quốc Oddiyana nơi Ngài là thái tử, và tới các mộ địa chốn rừng sâu núi thẳm tu pháp Mật Tông.
Guru Rinpoche học Pháp với nhiều đạo sư vĩ đại như Manjushrimitra, người đã dạy cho Ngài các pháp bổn tôn an bình và uy nộ của Văn Thù Sư Lợi. Ngài học Pháp với Shri Simha, người đã dạy cho Ngài Dzogpa Chenpo Đại Viên Mãn. Vimalamitra đã dạy cho Ngài các pháp bổn tôn an bình và uy nộ của dòng truyền thừa Amrita. Ngài học các pháp bổn tôn an bình và uy nộ của dòng truyền thừa Hoa Sen với Long Thọ Bồ Tát. Ngài cũng học về bổn tôn an bình và uy nộ của Tám Bộ Kinh với Dakini Karma Indranila. Guru Rinpoche có tám đạo sư lớn. Ngài nghiên cứu các bộ pháp khác nhau và các cấp độ Mật tông khác nhau, mặc dầu pháp tu chính của ngài là Dzogpa Chenpo và khai mở phục điển.
Guru Rinpoche thành tựu bốn cấp độ Trì Minh Vương (Vidyadhara): 1. Thuần Thục Trì Minh, 2. Thọ Tự Tại Trì Minh, 3. Đại Thủ Ấn Trì Minh, 4. Viên Thành Trì Minh. Điều đó có nghĩa là Guru Rinpoche đã đạt thành tựu tối cao, trong cả Hiển và Mật. Guru Rinpoche thực hành tám bổn tôn như Vajra Kilaya, Yamantaka, Sư Diện Phật Mẫu v. v. Do những thành tựu tối cao này mà Ngài nổi tiếng ở Ấn Độ là “Mặt Trời của Tất Cả Các Vì Sao” và trở thành một đạo sư quan trọng trong lịch sử Phật Giáo Ấn Độ. Khi nghiệp lực và nguyện lực chín muồi, Guru Rinpoche tới Tây Tạng. Cốt tủy của nghiệp lực và nguyện lực đưa Đức Liên Hoa Sanh tới Tây Tạng chính là những lời cầu nguyện của các đệ tử Tây Tạng chí tín thành, tinh tấn và thông tuệ như Yeshe Tsogyal (757-817), Vairocana (750?-?), Tritson Detsen (740-798) v. v. Nhờ tâm tín thành của họ mà Guru Rinpoche đã có thể trao truyền giáo huấn và bảo tạng của Ngài cho Tây Tạng và thế giới. Nhờ sức mạnh và tâm Đại Bi của Đức Liên Hoa Sanh mà Pháp của Phật đã được truyền khắp Tây Tạng, bất chấp rất nhiều chướng ngại. Không có Guru Rinpoche thì không thể chuyển hóa hoàn toàn Tây Tạng thành xứ sở của Phật giáo. Guru Rinpoche đã truyền giáo lý về Tám Mạn Đà La Tám Bổn Tôn gồm Manjushri, Yamataka, Hayagriva, Vajra Kilaya v. v. cho nhóm đệ tử đầu tiên của Ngài ở Tây Tạng, bao gồm 25 đại đệ tử như Yeshe Tsogyal, Vairocana, Tritson Detsen v. v. Họ đã đạt được chứng ngộ cao và những năng lực kỳ diệu vĩ đại.
Guru Rinpoche cũng thiết lập dòng truyền thừa phục điển ở Tây Tạng. Đây là một dòng truyền thừa chân thực dựa trên pháp chân thực. Nhờ các phục điển Guru Rinpoche chôn cất được khai mở mà Giáo Pháp tươi mới và đầy sức mạnh đã được trao truyền vào những thời điểm cụ thể. Pháp là bảo dược vì vậy càng tươi mới càng tốt, và đó chính là lý do tại sao Guru Rinpoche thiết lập dòng phục điển này. Với đại oai lực thần thông Guru Rinpoche đã chôn các phục điển này trong tâm của các bậc khai mật tạng và trong núi, trong hồ v. v. khắp Tây Tạng.
Sau khi phục điển được chôn thì một hóa thân của Guru Rinpoche, hoặc của một trong những đại đệ tử của Ngài, sẽ trở lại nơi nó được chôn và khai mở. Karma Lingpa – một hóa thân của dịch giả và đệ tử của Guru Rinpoche, Lu’i Gyeltsen – là một ví dụ. Karma Lingpa (1326-1386) khai mở [bộ pháp] được biết tới ở phương Tây với cái tên là Tử Thư Tây Tạng, hay còn gọi là Giải Thoát Qua Sự Nghe hoặc Shitro. Dòng truyền thừa phục điển của Guru Rinpoche sẽ tiếp tục mãi mãi làm lợi lạc cho cuộc sống con người, cho thịnh vượng, cho việc thực hành pháp và cho môi trường sống.
Nhờ sức mạnh của đại nguyện và tâm Đại Bi mà Đức Phật Thích Ca nổi tiếng là Bạch Liên Hoa trong kinh Một Nghìn Vị Phật của Thời Hiền Kiếp. Tương tự, nhờ đại nguyện, trí tuệ và từ bi mà Guru Rinpoche nổi tiếng là “Đạo Sư Kim Cương Vô Uý của Thời Hiền Kiếp”. Guru Rinpoche không bao giờ nhập diệt.
Tại sao Guru Rinpoche lại quý báu và quan trọng như vậy vào thời đại đặc biệt này? Bởi vì Guru Rinpoche có nhiều năng lực làm lợi lạc chúng sinh vào thời mạt pháp hơn. Ngài đã đạt được sức mạnh này nhờ hạnh tinh tấn, nhờ sự chuẩn bị đặc biệt, nhờ tích lũy công đức và trí tuệ độc đáo vô song. Do đó, bất cứ ai có kết nối nghiệp, có lòng tin nơi Ngài đều là người rất may mắn, bởi vì những người bình thường không có trí tuệ này. Nhờ năng lực tiên tri thấu thị mà từ thế kỷ thứ tám Guru Rinpoche đã có thể tiên đoán về những gì sẽ xảy ra ở Tây Tạng và phần còn lại của thế giới ngày nay.
Có rất nhiều hóa thân của Guru Rinpoche tại Tây Tạng đã và đang trao truyền giáo lý, từ những giáo lý chung thuộc các truyền thống khác nhau cho tới những giáo lý Mật tông cao nhất như Dzogpa Chenpo Đại Viên Mãn. Những đạo sư này bao gồm mười hai Lingpa, Longchenpa (1308-1363), Jigme Lingpa (1729-1798), Do Khyentse Yeshe Dorje (1800-1866), Jamyang Khyentse (1820-1892) và Lama Sang Orgyen Kusum Lingpa (1934-2009). Do Khyentse Yeshe Dorje là hóa thân về tâm của Jigme Lingpa và là sơ tổ của dòng Longchen Nyingthig. Tổ Do Khyentse Yeshe Dorje sáng lập ra tu viện của chúng ta, tu viện Lungon, năm 1828.
Cốt tủy của truyền thống Longchen Nyingthig là Dzogpa Chenpo được đặt trên nền tảng các luận giảng của Longchen Rabjam. Longchen Rabjam, tức Longchenpa, là hóa thân của đại khai mật tạng Padma Ledresal. Padma Ledresal khai mở phục điển Tâm Yếu Dakini. Phục điển này là bộ pháp Dzogchen được Guru Rinpoche trao truyền trực tiếp cho Yeshe Tsogyal và được xem là một trong những bộ pháp Dzogchen thâm diệu nhất. Có hai bộ pháp quan trọng về Dzogchen là Tâm Yếu Dakini (Khandro Nyingthik) do Padma Ledresal khai mở và Tâm Yếu Vimalamitra. Tổ Longchenpa có một linh kiến trực tiếp về Vimalamitra mà trong đó Vimalamitra đã dạy cho Ngài giáo huấn tâm yếu (Nyingthig). Hai bộ pháp từ hai vị tổ Padma Ledresal và Vimalamitra được hợp nhất bởi Longchenpa trong bộ pháp Longchen Nyingthig. Tổ Longchenpa đã viết những luận giảng và hợp nhất hai bộ pháp này [làm một] với trình độ bậc thầy trác việt, vừa thâm diệu vừa tự nhiên, nhờ kết nối trực tiếp với Padma Ledresal do Ngài là bậc hộ trì dòng truyền thừa [Khandro Nyingthik], và nhờ kết nối với Vimalamitra qua những linh kiến dài trực tiếp. Giống hai dòng sông hợp lại, hai dòng pháp này được hòa trộn bởi Tổ Longchenpa để trở thành nền tảng cho dòng pháp Longchen Nyingthig được Tổ Jigme Lingpa [sau này] khai mở.
Longchenpa được tôn vinh là Văn Thù Sư Lợi của xứ tuyết, là bậc khai mở giáo pháp Dzogchen trong lịch sử Tây Tạng. Tại sao giáo pháp Dzogchen lại thâm diệu như vậy? Bởi vì giáo pháp Dzogchen rất sâu sắc, là con đường nhanh nhất tới giác ngộ. Giáo pháp Dzogchen thâm diệu như thế nào? Bởi vì giáo pháp này bao gồm những điểm cốt tủy, và khai ngộ bản tâm một cách trực chỉ, rõ ràng hơn bất cứ giáo pháp nào khác. Con đường nhanh nhất có nghĩa là hành giả, tùy thuộc vào trình độ căn cơ, có thể đạt giác ngộ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng, vài năm, hoặc trong một đời người. Kết quả bên ngoài của thực hành Dzogchen là thân cầu vồng: không chỉ tâm mà cả thân xác vật lý trở thành những tia sáng giống như cầu vồng. Nhiều hành giả Dzogchen ở Ấn Độ và Tây Tạng trong đó có Garab Dorje (Kim Cương Cực Hỉ), sơ tổ của giáo pháp Dzogchen trong cõi nhân gian, đã thành tựu thân cầu vồng. Ngày nay, các hành giả tinh tấn vẫn tiếp tục đắc quả vị thân cầu vồng.
Theo truyền thống, pháp Dzogchen được thực hành bí mật. Có nhiều vị đại đạo sư [Dzogchen] nổi tiếng là yogi hoặc yogini bí mật. Các hành giả này có thể không ai biết tới vì họ thực hành bí mật và không cho ai biết việc họ đang làm. Trong các mật điển của Dzogchen có nói rằng pháp Dzogchen có hiệu quả nhất trong thời mạt pháp bởi vì pháp Dzogchen không mất sức mạnh của lực gia trì như một số các giáo pháp khác.
Dzogchen có được các hành giả ở những truyền thống ngoài Cổ Mật thực hành hay không? Trong các truyền thống khác [ngoài Cổ Mật], chủ yếu là Sakyapa và Kagyupa, cũng có nhiều khai mật tạng vương. Tuy nhiên, thực hành chính yếu của họ phải là Dzogchen bởi vì tuy dòng phái của ai đó là Sakyapa hoặc Kagyupa nhưng việc khai mở mật tạng vẫn phải thực hiện trong truyền thống của Guru Rinpoche, của Dzogchen. Do đó, trong truyền thống Sakyapa và Kagyupa, Đức Guru Rinpoche được đặc biệt tôn kính.
Giáo lý Dzogchen có [tồn tại] ở Tây Tạng trước khi Đức Liên Hoa Sanh tới Tây Tạng hay không? Theo lịch sử Phật giáo gắn liền với Phật Thích Ca Mâu Ni thì câu trả lời là “không”. Lý do là vì lịch sử Dzogpa Chenpo không tách rời truyền thống của Phật Thích Ca Mâu Ni. Từ thời tổ Garab Dorje tới ngày nay, tất cả các hành giả Dzogchen đều quy y Phật Thích Ca Mâu Ni – Ngài là bổn sư của họ. Và họ quy y giáo lý Phật Thích Ca Mâu Ni như là đạo lộ giải thoát của họ. Họ quy y tăng già của Phật Thích Ca Mâu Ni và coi đó là những thiện tri thức của họ. Vào thời Phật Thích Ca Mâu Ni, khi thọ quy y Tam Bảo thì phải hiểu rằng bất cứ ai quy y một truyền thống khác sẽ không phải là một hành giả tu theo giáo pháp Phật Thích Ca Mâu Ni hoặc giáo pháp Dzogchen. Dzogchen là một bộ phận của chân giáo pháp Phật Thích Ca Mâu Ni. Và lịch sử Phật giáo Tây Tạng hình thành từ chân giáo pháp Phật Thích Ca Mâu Ni – nó được đặt trên nền tảng của các nguyên lý và sự thật lịch sử của giáo pháp đó.
Bây giờ chúng ta sẽ nói về lịch sử nhập thất mùa đông. Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892) là hóa thân về thân của Jigme Lingpa. Ngài là một đại đạo sư, khai mật tạng vương, đại thành tựu giả. Jamyang Khyentse có bảy loại truyền pháp: truyền khẩu, truyền pháp chôn trong đất, truyền pháp chôn trong tâm, truyền pháp tri kiến bí mật và nhớ lại, truyền pháp qua sự nghe v. v. Ngài là khai mật tạng vĩ đại nhất trong cả hai truyền thống Nyingmapa và Sakyapa và nhập thất mùa đông được mở ra theo tiên tri của Ngài.
Chữ “Golok” trong tiếng Tạng được bắt nguồn từ một từ nguyên có nghĩa là “kẻ gây rối”. Trước khi đại thành tựu giả Do Khyentse Yeshe Dorje đưa giáo pháp tới Golok thì Golok là một vùng xa xôi hẻo lánh, hoang dã và không có luật pháp. Jamyang Khyentse tiên tri rằng pháp Giải Thoát Qua Sự Nghe của Karma Lingpa, tức pháp Shitro, sẽ giúp người dân Golok thuần hóa tính hoang dã của họ. Ngài thấy nhiều người dân Golok không hiểu nghiệp và nhân quả. Với tâm bi mẫn Ngài muốn giúp họ. Ngài yêu cầu Do Khyentse hoằng dương pháp Giải Thoát Qua Sự Nghe của Karma Lingpa và khai lập truyền thống Shitro ở Golok. Do Khyentse đã thực hiện được điều này và đã khai lập truyền thống đó, đúng theo tiên tri của Jamyamg Khyentse. Đây là nền tảng của nhập thất mùa đông của chúng ta ngày nay.
Có mười vị trì giữ ngai tòa, hay trì giữ dòng truyền thừa, của tu viện chúng ta. Đây là mười lịch đại Kim Cương Thượng Sư bắt đầu từ sơ tổ Do Khyentse cho tới bản thân thầy ngày nay. Tu viện trước kia là tu viện du mục, có nghĩa là không có nhà cửa và nơi chốn nào cả. Vì vậy, tu viện di chuyển khắp nơi với lều trại. Vị nắm giữ dòng truyền thừa thứ bảy là chú của Lama Sang, Sonam Kye Drup (1860-1940). Ngài là hóa thân của Sarvanivāraṇaviṣkambhin (Trừ Cái Chướng Bồ Tát), một trong Tám Đại Bồ Tát [trưởng tử Phật]. Tổ Sonam Kye Drup dạy giáo lý Shitro và Bardo với lòng bi mẫn và với năng lực lớn lao đến nỗi nhờ Ngài mà số lượng tăng sĩ, hành giả cư sĩ và học viên đã tăng lên nhiều lần.
Bậc trì giữ dòng truyền thừa thứ chín là Lama Sang, Orgyen Kusum Lingpa (1934 -2009), hóa thân của Vajrapani và Lhalung Palgyi Dorje, một trong hai lăm đệ tử tâm của Guru Rinpoche. Lama Sang trở thành khai mật tạng khi Ngài 18 tuổi nhờ sự kiện Ngài nhìn thấy tu viện Samye và nhớ lại các kiếp trước của mình. Ngài có linh kiến về những mộ địa rực lửa, cõi tịnh độ Mã Đầu Minh Vương (Hayagriva), vào năm 23 tuổi. Tại cõi tịnh độ Mã Đầu Minh Vương, Ngài thọ nhận quán đảnh và ban phước từ các Bổn tôn uy nộ (Yidam), các Dakini và tịnh hóa các che chướng. Ngài cũng nhận được những tiên tri về giáo pháp của Phật và về xã hội loài người trong tương lai từ Đức Ekajati, hộ pháp chính của dòng Đại Viên Mãn. Lama Sang cũng nhận một tiên tri về việc Ngài rời bỏ thế giới này. Điều này đã xảy ra hoàn toàn chính xác như được tiên tri vào năm Lama Sang 23 tuổi.
Đúng như tiên tri của các bậc thầy vĩ đại như Dodrupchen I, Dzogchen Rinpoche IV và nhiều đạo sư quan trọng khác, các terma do Lama Sang khai mở về Yamaraja Hỏa Thừa, Ba Hình Tướng Uy Nộ của Guru Rinpoche và Tám Bộ Kinh đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ giáo pháp của Phật ở Tây Tạng. Theo các tiên tri đó, ba bộ terma này đã cứu giáo pháp của Phật ở Tây Tạng [thoát khỏi hủy diệt], bất chấp các yếu tố tiêu cực. Điều này cho thấy sự xuất hiện của Lama Sang và việc Ngài khai mở các terma vào đúng các thời điểm và địa điểm đó quan trọng nhường nào. Lama Sang đã vượt qua muôn vàn khó khăn không kể xiết. Lama Sang đã cận kề cái chết nhiều lần, nhưng nhờ đại nguyện của Ngài, nhờ rất nhiều nỗ lực, nhờ đại hùng tâm vô song, Ngài không chỉ sống sót mà luôn luôn hành động tích cực, với khí lực và sức mạnh bất tận không bao giờ vơi cạn.
Với Từ Bi và Trí Tuệ Lama Sang đã làm tăng trưởng các hoạt động của Phật pháp và tín tâm của mọi người. Đặc biệt, Ngài đã làm cho giáo pháp Shitro và Sáu Bardo trở nên quan trọng, đem lại lợi lạc cho nhiều người. Khi còn trẻ, Lama Sang đã có giấc mơ và linh kiến về việc xây dựng tu viện Lungon. Lama Sang cũng có linh kiến về những hoạt động hoằng dương Phật Pháp của Ngài trong tương lai trên khắp thế giới, làm lợi lạc cho nhiều chúng sinh. Lama Sang có những linh kiến về những người mắt xanh, mũi to, thân nhiều lông, nói chuyện như chim, tranh cãi rất nhiều và không đồng thuận được với nhau. Bằng những hoạt động phong phú của mình, Lama Sang luôn hết sức nỗ lực để bảo vệ giá trị của truyền thống Shitro do tổ Do Khyentse xây dựng và thực sự đã đạt rất nhiều thành công ở Golok về phương diện này.
Do nhân duyên tương của các đại nguyện của Tổ Do Khyentse và Lama Sang mà truyền thống Shitro ở Golok tràn đầy sức mạnh và vô cùng phong phú. Ở Golok khi có người chết thì mọi việc được sắp xếp rất chu đáo. Người ta mời các lạt ma tới hành trì và tụng Shitro suốt 49 ngày cho người chết. Họ chuẩn bị thức ăn, cúng dường v. v. cho lễ Shitro.
Pháp Shitro là gì và nó xuất hiện như thế nào? “Shitro” có nghĩa là “Bổn tôn an bình và uy nộ” và đây là pháp tu đặt trên nền tảng 100 vị Bổn tôn an bình và uy nộ. Pháp này bao gồm năm bộ Phật – cả Phật nam và Phật nữ, Tám Đại Bồ Tát cả nam và nữ, Sáu Muni và Năm Heruka uy nộ cùng phối ngẫu của các Ngài v. v. Giáo lý Shitro bao gồm một luận giải rất rõ ràng về Sáu Bardo: 1. Bardo Sự Sống, 2. Bardo Samadhi (Thiền Định), 3. Bardo Cận Tử, 4. Bardo Giấc Mộng, 5. Bardo Pháp Tánh và 6. Bardo Sinh Thành. Không gì là không được bao hàm trong thuật ngữ Sáu Bardo, xét về các phương diện khác nhau, các pháp tu khác nhau. Sáu Bardo chỉ được dạy một cách hoàn hảo và rõ ràng như vậy trong Mật điển Giải Thoát Qua Sự Nghe.
Một trăm Bổn tôn an bình và uy nộ có vẻ như là hình tướng bên ngoài nhưng về thực chất đây là những hóa hiện tự nhiên của tâm. Nhờ điều này mà hành giả có thể được giải thoát chỉ nhờ nghe giáo lý Bardo và nhìn thấy hình tướng của các Bổn tôn như được mô tả trong giáo lý trong khi họ thực hành [pháp tu này]. Điều này đặc biệt đúng trong Bardo sinh thành, còn được gọi là “Bardo của những khả năng”. Trong Bardo sinh thành hay Bardo của những khả năng, thần thức “nghe” giáo huấn và các mô tả, và nhờ làm theo [giáo huấn] người đó gần cận sự giải thoát. Nói cách khác, giáo lý Bardo hữu hiệu hơn, mạnh mẽ hơn và lợi lạc hơn khi người chết trong Bardo sinh thành bởi vì thần thức khi đó rất sợ hãi, tuyệt vọng và tìm kiếm hướng đi. Pháp Shitro là giáo pháp thậm thâm bởi vì nó đặt trên nền tảng của bản tâm và hình tướng hóa hiện của bản tâm – những hóa hiện hữu cơ, tự nhiên, linh động của tánh giác. Vì vậy, phần chính của thực hành Shitro là Atiyoga (Dzogchen) – thừa cao nhất của tám vạn bốn ngàn pháp môn.
Dòng truyền thừa Shitro cũng là dòng truyền thừa của Dzogpa Chenpo. Trong truyền thống Cổ Mật, trong mỗi bộ mật điển, có ba dòng truyền thừa: tâm truyền, ấn truyền và nhĩ truyền. Thầy sẽ giải thích kỹ hơn về dòng nhĩ truyền của pháp Shitro.
Vua Tritson Detsen cùng con trai của Ngài là dịch giả Lu’i Gyeltson và nhiều đệ tử khác của Đức Liên Hoa Sanh, đã chuẩn bị một mạn đà la bằng vàng đổ đầy ngọc lam, san hô và các chất liệu quý giá khác. Họ nói với Guru Rinpoche: “Hỡi Guru Rinpoche, bậc Kim Cương Thượng Sư vĩ đại, tâm từ bi của Ngài bao la như không gian và chúng con không bao giờ đền đáp được công ơn của Ngài. Ngài đã ban cho [chúng con] nhiều tới mức không ai làm được và sẽ không ai có thể làm được [trong tương lai] như vậy. Về điều này chúng con rất may mắn. Tuy nhiên, chúng con muốn thỉnh cầu Ngài ban cho chúng con một giáo pháp rất thâm diệu chưa từng được dạy. Một giáo lý là cốt tủy của tất cả các thừa ngoại và nội để người tu có thể đạt giác ngộ trong một đời, một giáo lý mà người tu không phải khổ nhọc nhiều, một giáo lý mà chỉ nghe thấy thôi người ta được giải thoát.”
Với những giọt nước mắt của tâm chí tín thành, họ dâng lên Guru Rinpoche lời thỉnh cầu thiết tha, mãnh liệt này. Khi đó, Guru Rinpoche nói với họ: “Đức vua, Ngài và con trai của Ngài, các vị thượng thư và các đệ tử, ta có giáo pháp mà các vị thỉnh cầu. Nhưng giáo pháp này không phù hợp với những kẻ tâm địa hẹp hòi, thiếu lòng tin và đầy tà kiến. Vì vậy, các vị không được hé lộ giáo pháp này cho những kẻ như vậy. Ta sẽ chôn cất giáo pháp này như một phục điển, vì lợi lạc của con người trong tương lai. Đây là giáo pháp tâm yếu của Phổ Hiền Như Lai, là cốt tủy của 6.400.000 mật điển Dzogpa Chenpo. Đây là một giáo pháp giúp ta không sanh vào ba đường ác đạo chỉ nhờ lắng nghe, một giáo pháp dẫn ta tới đại lạc nhờ lắng nghe, một giáo pháp với tiếp cận của cấp độ Viên Thành Trì Minh nhờ tư duy quán chiếu ý nghĩa của nó. Đây là giáo pháp cốt tủy của tất cả các thừa nội và ngoại, một giáo pháp giúp ta đạt giác ngộ chỉ trong một đời.” Sau đó, Guru Rinpoche dạy toàn bộ giáo pháp Sáu Bardo. Đó là tóm tắt về giáo pháp này lần đầu tiên tới trái đất như thế nào.
Đức Liên Hoa Sanh, vì lợi lạc chúng sinh kém phước trong tương lai, nói rằng: “Ta sẽ gọi pháp tu Shitro này là ‘Pháp Tu Thâm Diệu của các Bổn Tôn An Bình và Uy Nộ – Giải Thoát Qua Sự Nghe’ và ta sẽ chôn cất giáo pháp này như một phục điển được khai mở trong tương lai.” Sau đó, nhờ đại oai lực thần thông Đức Liên Hoa Sanh, với những lời cầu nguyện và đại nguyện để dẹp trừ chướng ngại, đã chôn cất phục điển tại núi Gampo Trung Tạng rồi thọ ký về việc Karma Lingpa, một vị terton, sẽ khai mở phục điển này.
Nhờ những lời cầu nguyện và đại nguyện của Guru Rinpoche mà Khai Mật Tạng Vương Karma Lingpa đã sinh tại Trung Tạng. Karma Lingpa là hóa thân của dịch giả Lu’i Gyeltsen, một trong các đệ tử của Guru Rinpoche. Cha Ngài là Nyda Sange, một đại thành tựu giả và bậc khai mật tạng. Karma Lingpa khai mở Shitro trên núi Gampo và bí mật thực hành Shitro suốt cuộc đời. Ngay trước khi nhập niết bàn, Ngài ban quán đảnh Shitro cho con trai là Nyda Choje, người trở thành vị trì giữ dòng truyền thừa Shitro. Karma Lingpa nói với con trai rằng vị đó không được trao phục điển này cho bất cứ ai ngoại trừ Nyda Odzer, người được nhắc tới trong tiên tri, và sẽ là vị trì giữ truyền thừa Shitro [sau Nyda Choje].
Khi Nyda Choje gặp Nyda Odzer, Ngài nói: “Thân phụ ta đã nhắc tới con và con là bậc hộ trì dòng truyền thừa [Shitro] thứ ba. Ta đã không hé lộ pháp này cho bất cứ một ai và cho tới khi thế hệ thứ ba của các bậc hộ trì dòng truyền thừa [xuất hiện] pháp này vẫn được giữ bí mật.” Dòng phục điển Karma Lingpa ban đầu là dòng truyền thừa một-bậc-hộ-trì – truyền pháp từ một người tới một người. Nyda Choje lệnh cho Nyda Odzer thực hành Shitro bí mật trong sáu năm và sau đó giáo lý được hé lộ cho những người khác. Tiên tri của Karma Lingpa nói rõ rằng các giáo lý phục điển này sẽ được truyền bá từ vùng quanh núi Gampo tới phương Bắc. Nyda Odzer truyền trao giáo lý cho Namkha Gyatso và Namkha Gyatso ban quán đảnh cộng đồng, rồi sau đó giáo lý Shitro được truyền khắp Tây Tạng và thế giới.
Một hành giả, với tư cách là một lạt ma dòng Cổ Mật, cần phải thọ nhận và thực hành giáo lý này. Pháp Shitro này được thực hành rất rộng rãi và công khai trong dòng phái Sakyapa và Kagyupa. Có hàng trăm ngàn câu chuyện có thật về việc người tu có lợi lạc thế nào từ pháp Shitro. Trong các phục điển của Lama Sang có nhiều đoạn nói tới việc Lama Sang là hóa thân của Karma Lingpa. Có thể đó là lý do Lama Sang có tâm chí tín thành lớn lao và nhiều hứng thú dạy pháp Shitro cho mọi người suốt nhiều năm liền. Lama Sang nhấn mạnh với thầy rằng phải tiếp tục thực hành pháp Shitro cho đến khi từ giã cõi đời này.
Lama Sang là một trong những vị tổ khai sáng tu viện Lungon hiện nay và cuối cùng chúng tôi đã tới làng Lungon nơi tu viện [Lungon] tọa lạc ngày nay. Lama Sang xây dựng điện thờ chính Amdo Samye, Đại Bảo Tháp và các khu nhà cho chư tăng bắt đầu từ khoảng 1985. Ngài xây dựng trung tâm nhập thất Vajra Kilaya và trường pháp. Lama Sang đã dạy giáo lý cho nhập thất Shitro và nhập thất Mùa Đông suốt hơn 30 năm.
Thầy được công nhận là hóa thân đời thứ V của Do Khyentse Yeshe Dorje bởi Lama Sang (Orgyen Kusum Lingpa), Dodrupchen Rinpoche IV, Penor Rinpoche và các vị đạo sư quan trọng khác. Thầy chính thức được đăng quang bởi tu viện Lungon với sự cho phép của chính quyền Trung Quốc năm 1994. Thầy là bậc hộ trì dòng truyền thừa đời thứ X.
Thầy đã thọ nhận các giáo lý, quán đảnh và giáo huấn từ Lama Sang và các vị đại đạo sư khác như Dodrupchen Rinpoche, Penor Rinpoche, Katog Moksa Rinpoche và các ngài khác. Thầy đã thực hành chánh Pháp và trở thành một đạo sư. Thầy đã tụng nhiều minh chú Tam Căn, bao gồm Shitro và bộ pháp khác, để có đủ phẩm chất và thẩm quyền trao truyền giáo lý, quán đảnh và giáo huấn.
Một chi tiết quan trọng khác về việc thọ pháp là thầy đã thọ nhận giáo lý Dzogchen từ đức Kang Sar Tenpai Anshok, một bậc khai mật tạng và hóa thân của trưởng tử của Tổ Vairocana là Yudra Nyingpo, một trong 25 đại đệ tử của Guru Rinpoche. Ngài là một đạo sư Dzogchen rất quan trọng, nổi tiếng khắp Tây Tạng và đã ban giáo lý tại nhiều tu viện. Đức Kang Sar Tenpai Anshok đã truyền giáo lý Yeshe Lama tại tu viện Lungon năm 2011. Khi đó, Ngài đã công nhận thầy là vị trì giữ chính của dòng truyền thừa Yeshe Lama – Dzogpa Chenpo.
Một đại đạo sư Dzogchen rất quan trọng nữa là đức Kenchen Padma Wangyal. Ngài là một trong những đệ tử chính của Tupga Rinpoche, Guru chính của Jigme Phuntsog Jongne. Đức Kenchen Padma Wangyal là đệ tử của Kenpo Kunzang Palden và đã thọ nhận giáo lý Nyingthig Yabshi từ Kenpo Kunzang Palden. Kenpo Kunzang Palden là đệ tử của đức Patrul Rinpoche và Ngài đã viết một bộ luận nổi tiếng về Lời Vàng của Thầy Tôi và về các giáo huấn, luận giải do tổ Patrul Rinpoche soạn quanh chủ đề bồ đề tâm dựa trên Nhập Bồ Tát Hạnh của Shantideva.
Nyingthig Yabshi gồm bốn nhánh tâm yếu của bộ pháp Dzogchen của Longchen Rabjam – đây là phần trung tâm của giáo pháp Dzogchen ngày nay trên trái đất. Thầy đã hai lần thọ nhận Nyingthig Yabshi và tất cả các quán đảnh, giáo lý, luận giải có liên quan từ đức Kenchen Padma Wangyal. Đức Kenchen Padma Wangyal đã có linh kiến trực tiếp về tổ Longchenpa. Ngài đã thọ nhận giáo lý và được truyền pháp trực tiếp từ tổ Longchen Rabjam – tất cả [những gì thọ nhận] Ngài đã sử dụng khi truyền trao pháp bảo này cho chúng tôi. Đức Kenchen Padma Wangyal là bậc hộ trì dòng truyền thừa Dzogchen rất quan trọng nói chung và là bậc hộ trì dòng Nyingthig Yabshi nói riêng. Năm 2017, thầy và nhiều thành viên Tăng già tu viện Lungon tới tu viện của Ngài để hoàn tất giáo lý Nyingthig Yabshi. Khi đó, Ngài đã tuyên bố với nhiều người trong pháp hội rằng Ngài trao cho thầy trách nhiệm tiếp tục truyền thống này, giảng dạy và trao truyền pháp của dòng truyền thừa này trong tương lai.
Mặc dù thầy học đạo với nhiều bậc đạo sư vĩ đại nói chung và đạo sư Dzogchen nói riêng nhưng Guru chính của thầy là Lama Sang. Ngài là đạo sư lần đầu tiên khai ngộ Rigpa, bản tâm, cho thầy khi thầy 15 tuổi. Việc khai ngộ đó từ Lama Sang có hiệu quả lớn nhất. Từ đó trở đi pháp hành trì chính của thầy là Dzogpa Chenpo. Thầy biết mình là người chậm, thường bận rộn với những thứ không quan trọng và lười biếng trong việc thực hành pháp, tuy nhiên thầy vẫn nỗ lực công phu hành trì để an trụ trong Rigpa càng nhiều càng tốt.
Chứng ngộ, tức trực nhận Rigpa, được đặt trên nền tảng của các tích tụ, tâm chí tín thành chân thực, và giáo pháp thâm diệu từ một Guru chân thực. Có nhiều yếu tố khác nữa, nhưng yếu tố trung tâm và quan trọng nhất chính là tâm chí tín thành đối với Guru và với bản tâm của mình. Thực hành ngoại ngondro, nội ngondro, Guru Yoga, thực hành tinh tấn với tâm chí tín thành chính là chìa khóa để chứng ngộ.
Thầy đã thử tu nhiều bộ pháp khác nhau như pháp luyện tâm và thiền quán tưởng. Nhưng đối với thầy cái có hiệu quả nhất, cái làm cho tâm thầy tĩnh lặng, an bình, sáng tỏ chính là trụ trong Rigpa, bởi vì trụ trong Rigpa có nghĩa là trực tiếp nhìn thấy bản tâm của mình. Đây là chính là Dzogchen trong cốt tủy. Không có gì đơn giản và hiệu quả hơn thực hành Dzogchen. Tất nhiên, đối với Lama Sang không những Dzogchen là thực hành chính của Ngài mà giáo lý Dzogchen rất quan trọng đối với Ngài, và điều quan trọng nữa là Ngài đã thành tựu Dzogchen ở cấp cao. Vì vậy, Lama Sang thường xuyên nhắc đi nhắc lại với chúng tôi: “Trụ trong Rigpa, trụ trong Rigpa, trụ trong Rigpa. Không trụ trong vọng niệm, không tán tâm bởi vọng niệm, không bám chấp vào vọng niệm.” Suốt cuộc đời Lama Sang, đây là điểm tinh yếu trong tất cả các giáo huấn của Ngài.
Vì giáo lý Dzogchen rất quan trọng đối với Lama Sang, Ngài luôn muốn giáo lý Dzogchen tồn tại trên trái đất vì lợi lạc chúng sinh. Đặc biệt vì mục đích này, Lama Sang có những cam kết cá nhân và kết nối duyên nghiệp mạnh mẽ với giáo pháp Shitro và Sáu Bardo. Ngoài ra, Lama Sang thu xếp riêng để thầy có thể, trực tiếp từ Ngài, nghe giáo lý, nhận quán đảnh và nhận tất cả những gì cần thiết cho việc truyền giảng pháp. Lama Sang nói riêng với thầy cũng như giữa công chúng: “Hungkar Dorje sẽ dạy Sáu Bardo và phải dạy các giáo lý đó cho mọi người.” Lama Sang tin rằng thầy sẽ là vị hộ trì dòng truyền thừa của ba Bổn Tôn Uy Nộ chính – Yamantaka, Orgyen Dzambhala, Vajra Kilaya – và Tám Sadhana của Tám Bổn Tôn. Đó là cách Lama Sang thực hiện việc trao truyền [pháp bảo] từ Ngài tới thầy, để thầy lãnh đạo tu viện và lãnh đạo tất cả các pháp hành [của tu viện], bao gồm Nhập Thất Mùa Đông.
Lama Sang và các đạo sư khác nói rằng thầy là hóa thân của hành giả Dzogchen vĩ đại Do Khyentse Yeshe Dorje, vua Trison Detsen, và Hungkara – một trong tám vị Trì Minh Vương của Ấn Độ. Tuy không biết chính xác có phải mình từng là các bậc đạo sư đó hay không, nhưng thầy vẫn tin rằng mình đã từng thực hành Dzogchen trong tiền kiếp, bởi vì thầy có tâm chí thành tự nhiên và sâu sắc với pháp Dzogpa Chenpo ngay từ nhỏ. Thiện duyên tự nhiên này làm cho mọi thứ dễ dàng hơn và trở nên khả thi khi công phu hành trì – nó giúp hành giả hoàn thiện dần các trải nghiệm trong quá trình tu. Mặc dầu thầy làm các công việc của tu viện, truyền dạy pháp và ban một số quán đảnh từ những năm 1990, nhưng chỉ từ khi Lama Sang nhập niết bàn, năm 2009, thì Thầy mới chính thức trở thành đạo sư đứng đầu tu viện. Đã mười năm trôi qua kể từ khi thầy nhận những trách nhiệm này và lãnh đạo Nhập Thất Mùa Đông.
Mọi người ngày càng tăng trưởng tín tâm [với thầy] và đặt sự tin cậy vào thầy nhiều hơn so với trước kia, khi mọi thứ mới bắt đầu. Mọi người ở đây – bao gồm cả chư tăng, chư ni, chư yogi – có kiến thức nền tảng về Pháp tốt và hiểu rõ cần phải tầm cầu đạo sư gốc như thế nào. Ở đây, tại Golok, người ta không dễ dàng chấp nhận bất cứ ai làm đạo sư chính, mà mọi thứ được làm theo đúng cách. Kiến thức nhờ nghe nhiều kinh điển, giới hạnh làm theo những gì kinh điển dạy, và trải nghiệm nghĩa của kinh văn – đó là ba phẩm chất chính mà một chân sư cần phải nuôi dưỡng.
Thầy, cũng như nhiều người khác, thấy có những geshe, khenpo được coi là thông làu kinh sách, biết nói [pháp] nhiều nhưng lại dẫn dắt người khác đi theo con đường sai lạc. Vì vậy hành động (actions) và giới hạnh tốt (good conduct) quan trọng hơn kiến thức. TRẢI NGHIỆM của trí tuệ và từ bi là trí tuệ và từ bi THẬT. Trí tuệ và từ bi được trải nghiệm quan trọng hơn kiến thức và giới hạnh thuần túy, thậm chí [quan trọng hơn] cả giới hạnh có vẻ tốt nhưng không dựa trên nền tảng của trải nghiệm. TRẢI NGHIỆM một cái gì đó trong Pháp (Dharma) đến từ TU hành THẬT. Tu hành thật không chỉ là học tập nghiên cứu, không chỉ là tư duy quán chiếu, mà phải kết hợp hành vi, hành động của bạn với tuệ hiểu (understanding). Có những người được học hành nhiều trong tu viện hoặc với các đạo sư, tuy nhiên không nhất thiết họ là những hành giả tốt, đặc biệt nếu họ không kết hợp được tuệ hiểu của mình với hành động. Loại người này có thể dẫn người khác đi theo con đường sai lạc.
Ai cũng biết rằng điều rất quan trọng là theo chân vị đạo sư đầy đủ tánh đức, người có thể dẫn dắt bạn trên con đường đạo đúng đắn. Đôi khi người ta chọn lầm thầy do kém may mắn, kém phước và hiểu biết sai lạc. Vì kém phước, kém may mắn và vì hiểu biết sai lạc mà họ không thể kết nối được với Pháp chân chính. Khi nhìn những người như vậy, chúng ta cảm thấy rất buồn và thương họ nhưng không dễ gì cứu họ được. Điều đó là do bất thiện nghiệp nặng nề của họ, do vô minh, mà cũng do ý muốn cùng với phiền não trong tâm của họ. Những phiền não trong tâm rất mạnh.
Phiền não luôn có mặt ở khắp nơi, trong tâm của tất cả mọi người. Bởi vì phiền não, hay các cảm xúc tiêu cực, là nguyên nhân khiến chúng ta sinh vào cõi người. Cõi người này rất giống cõi của các vị trời đố kị, bởi vậy đố kị là tài sản trong tim con người. Đây là lý do tại sao rất khó gặp được người tâm không đố kị. Bản thân Thầy đã lớn lên với rất nhiều loại người có tâm đố kị ở khắp mọi nơi; đủ các loại người có tâm đố kị khác nhau bao gồm bạn bè, người thân, họ hàng, các khenpo, các lạt ma, các tulku và những người có kết nối rất gần gũi. Đó là lý do tại sao bất cứ ai, bao gồm cả thầy, đều thấy rất khó để làm “một người hoàn hảo” đối với tất cả mọi người.
Tổ Vairocana nói: “Khó làm hài lòng được thiên hạ nhưng đủ tốt nếu không làm gì khiến Phật buồn.” Đủ tốt nếu không lừa lọc những người đặt tin tưởng vào bạn. Đủ tốt, nếu đệ tử không nhảy vào một kết nối Pháp với động cơ cá nhân sai lạc, mà theo chân một vị thầy với tâm cầu Pháp chân thực. Đủ tốt, nếu theo chân một đạo sư không vì mục đích làm chính trị trong Pháp (dharma politics). Đủ tốt, nếu theo chân một đạo sư không vì mục đích nhằm chống lại ai đó. Đủ tốt, nếu theo chân một đạo sư khi không biết quá nhiều. Đủ tốt, nếu theo một đạo sư mà không có quá nhiều nghi ngờ.
Khi người ta theo một vị thầy với động cơ sai lạc như đã nhắc tới ở trên thì họ sẽ làm uổng phí nhiều thời gian, tiền của, sẽ tạo ác nghiệp; cuối cùng họ mất lòng tin hoặc hối tiếc, và kết quả là gặt hái quả báo xấu. Họ cũng đánh mất một cơ hội tốt trong kiếp này và những kiếp mai sau. Vì vậy, bất cứ ai muốn làm một đạo sư cần phải hiểu rằng người đó chịu trách nhiệm về tương lai của các đệ tử và phải cố gắng hết sức mình.
Bất cứ một ai muốn làm đệ tử phải hiểu rằng họ chịu trách nhiệm về các kiếp tương lai của mình. Pháp không phải là đồ chơi để ta đùa giỡn, đó không phải là một địa vị để trên đó ta khoe quyền uy với thiên hạ, đó không phải là trò vui để ta chọc ghẹo người khác. Pháp là đạo lộ giải thoát, là con đường mà đi theo đó bạn tránh được những ác nghiệp. Pháp được sử dụng đúng đắn là cam lồ phá tan phiền muộn và cảm xúc tiêu cực. Pháp sử dụng sai lạc là thuốc độc hủy diệt hạnh phúc và mọi điều tốt lành trong chúng ta. Bởi vì vậy, ai cũng phải nỗ lực một cách chân thật và đúng đắn.
Điều quan trọng đối với một đạo sư là có một lịch sử cuộc đời thiện lành và một dòng truyền thừa trong sạch, không gián đoạn. Đó là bởi vì những điều kiện này tạo nên nguồn thông tin đáng tin cậy giúp người ta đánh giá đạo sư và quyết định vị này sẽ là đạo sư tốt hay không. Tất cả chư Phật, chư Bồ Tát, chư đại đạo sư đều có lịch sử cuộc đời thiện lành và dòng truyền thừa trong sạch.
Bất cứ ai cũng có thể trở thành đối tượng thị phi của thiên hạ. Chế ra hoặc loan truyền những điều không hay về mối quan hệ giữa thầy và đệ tử là việc làm không đúng đắn. Samaya với Guru bị phá vỡ cần phải được xem là một vi phạm nghiêm trọng. Trong kinh điển và mật điển nói rằng nếu một đệ tử, hay một đạo sư, thọ samaya với Guru gốc của họ rồi phá vỡ samaya, nguyền rủa vị thầy đó, chống lại vị thầy đó v. v. thì mối quan hệ của ta với người đó sẽ làm ô nhiễm ta và [mối quan hệ này] cần được dẹp bỏ. Nếu chúng ta nghi ngờ rằng một người nào đó đã phá vỡ samaya của họ do [ta] đã nghe thấy, hoặc nhìn thấy, hoặc có nghi ngờ về họ thì, với tư cách là người tu hành, chúng ta phải rút lui khỏi mối quan hệ [với họ].
Vấn đề lớn nhất là khi đệ tử phá vỡ samaya với Guru của họ nhưng họ lại không công nhận lỗi lầm đó. Họ giả bộ rằng chẳng có gì xảy ra cả. Điều này đang xảy ra trong các cộng đồng Phật giáo. Điều đó không được xảy ra nhưng nó đang xảy ra. Điều này đang xảy ra trong các cộng đồng Phật giáo ở Tây Tạng, ở phương Tây và vân vân. Vì vậy, hãy trung thực, thông minh và hãy cẩn trọng. Nếu ai đó phá vỡ giới nguyện với Guru của mình thì con đường tiến tới tốt nhất là thừa nhận điều đó, hối hận là nó đã xảy ra, sám hối điều đó với Guru và thiết lập lại kết nối [trong sạch] với Guru.
Chỉ làm một đạo sư thôi thì có lẽ cũng không khó lắm. Nhưng thật khó để làm một đạo sư tốt, vừa có kiến thức lại vừa nhận được những trao truyền THẬT của dòng truyền thừa. Ngoài ra cũng rất khó để làm một đạo sư tốt trong các tu viện và trường Pháp quan trọng. Cái làm cho một tu viện trở thành tu viện quan trọng là phải có một chương trình học tốt, với kinh sách chất lượng cao và hoàn chỉnh, và có những đạo sư quan trọng. Tu viện Lungon được nhiều người ở Tây Tạng biết đến nhờ trường Pháp của tu viện và nhờ Lama Sang. Lama Sang nổi tiếng không nhất thiết vì sự uyên bác mà vì tri kiến rất cao của Ngài, vì những lời tiên tri, những dấu hiệu kỳ diệu và chứng ngộ thâm diệu. Vì vậy, Ngài đã tạo cho tu viện Lungon uy tín tốt về cả phương diện học Pháp và thực hành Pháp.
Lama Sang sống một cách khiêm tốn, giản dị và miên mật thực hành thiểu dục tri túc với rất ít tham luyến đối với vật chất, của cải. Lama Sang cũng dạy mọi người về tầm quan trọng về việc có một cuộc sống đơn sơ, giản dị. Rất khó để ghi nhớ giáo huấn này và thực hành theo lại càng khó hơn. Khi thầy thực sự bắt đầu lãnh đạo tu viện, sau khi Lama Sang nhập niết bàn, thầy nhận thấy rằng một số vị tăng, một số hành giả ở đây đã bị lôi cuốn bởi của cải, vật chất. Bởi vì Lama Sang bị bệnh và rất bận rộn nên họ thiếu sự dạy dỗ của Ngài, nhiều người trong số đó bị tán tâm bởi việc kiếm tiền và không thể tập trung vào tu hành trong thời kỳ từ năm 2000 tới năm 2009. Vì vậy, thầy đã cố gắng rất nhiều để giải quyết vấn đề này; thầy đã giảng nhiều về việc làm sao để duy trì cuộc sống chân tu của một vị tăng, vị ni hay yogi. Mất một số năm để giải quyết vấn đề này và hiện nay mọi thứ đang diễn ra khá ổn. Những vấn đề như vậy tồn tại trong nhiều tu viện thuộc các truyền thống khác nhau của Phật giáo, đặc biệt là những tu viện ở nơi có địa điểm du lịch. Tu viện chúng ta tiếp tục mở rộng về số lượng tăng ni và về cả diện tích, số lượng tòa nhà được xây dựng vân vân. Chúng ta đang giữ gìn tất cả những truyền thống quan trọng của Lama Sang như một nền tảng căn bản. Khi xây dựng những truyền thống mới như trường pháp tại trung tâm yogi, ni viện, trường Văn Thù Sư Lợi dành cho các vị sư trẻ, thì tất cả [những phẩm chất tốt đẹp trên] được đưa vào để duy trì các truyền thống đã tồn tại lâu nay. Thầy tiếp tục duy trì các truyền thống lâu đời này khi xây dựng trung tâm nhập thất Yeshe Lama cho chư tăng ni, trung tâm Thiền Định Tâm Yếu Dakini và trung tâm nhập thất Troma Ling dành cho pháp Chod của chư ni.
Tính từ năm 2012 thì nay số Khenpo trong tu viện đã tăng thêm khoảng 60 người. So với trước đây số các hoạt động cũng tăng: Monlam Dzambhala, Lễ hội Cầu Nguyện Sukhavati, Lễ hội Cầu Nguyện Kurukulle, Lễ Tưởng Niệm Tổ Longchenpa, Lễ Tưởng Niệm Lama Sang, Trì Tụng Minh chú Văn Thù Sư Lợi, Lễ Hội Cầu Nguyện Lục Độ Mẫu. Vào kỳ Nhật Thực mùa đông chúng tôi tu pháp Địa Tạng. Chúng tôi trì tụng Phổ Hiền Đại Nguyện Vương hai ngày. Hoạt động này đặc biệt dành cho những tín thí cúng dường để thỉnh cầu nghi lễ cầu nguyện cho người chết (việc này bổ sung cho tất cả các nghi lễ và cầu nguyện trong đó có Shitro).
Chúng tôi cố gắng phục vụ mọi người đặc biệt là những ai tham gia Nhập Thất Mùa Đông. Chúng tôi phân phát dược phẩm miễn phí – dược phẩm Tây Tạng, Trung Quốc và Tây dược. Chúng tôi phân phát gạo, bột, dầu ăn như một phần của chương trình phân phát miễn phí thực phẩm. Chúng tôi thường xuyên cúng dường torma, hoa, hương, rượu, nước và cúng tsok như một phần của các nghi lễ.
Lama Sang dạy nhập thất mùa đông ở ngoài trời. Vào thời gian đó không có nhiều nghi lễ như hiện nay. Mọi thứ rất đơn giản. Điều đó rất khó khăn cho sức khỏe của mọi người, bởi vì do không có đủ tiện ích và trời rất lạnh nên xương khớp của họ bị hư hoại và người họ bị cong gập xuống. Thầy muốn làm gì đó giúp họ chống lại gió buốt và cái lạnh kinh khủng của mùa đông, vậy nên tu viện đã xây một một giảng đường lớn có thể chứa khoảng 4 tới 5 ngàn người. Mặc dù giảng đường có thể giảm lạnh phần nào nhưng, vào các tháng mùa đông, khi bên ngoài cực lạnh thì trong giảng đường vẫn còn rất lạnh. Ngoài ra, tu viện cũng thường xuyên chuẩn bị các phẩm vật cúng dường cho các loại nghi lễ khác nhau theo đúng hướng dẫn trong kinh. Vì vậy, mỗi năm tu viện chi phí hơn một triệu nhân dân tệ cho các nghi lễ, bao gồm cả lễ hội cầu nguyện Shambala.
Lama Sang là một vị đạo sư vĩ đại, vì vậy đối với Ngài không cần công phu chuẩn bị gì nhiều. Tuy nhiên, phương cách cách phổ biến nhất đối với đa số người tu Phật giáo, kể cả các bậc thầy, là phải tùy vào hoàn cảnh của mình mà chuẩn bị khá công phu tất cả mọi thứ cần cho nghi lễ. Tổ chức các hoạt động gồm [nhiều] nghi thức lễ đòi hỏi sức lực, thời gian và tiền của. Nhưng đây là cách ta chân thành tri ân Phật, và đây cũng là một phương tiện tích lũy công đức nhờ điều phục tâm bỏn xẻn của mình. Đối với những ai không xu dính túi, rất ít tham luyến, Phật đã dạy cách và cho phép họ đơn sơ hình thức, giản tiện nghi lễ. Tuy nhiên, Phật cũng yêu cầu những ai có điều kiện, phương tiện phải tổ chức các hoạt động Pháp càng đầy đủ, dồi dào càng tốt. Vì vậy về phương diện này, phong cách của thầy khác với Lama Sang. Thầy hoan hỉ chỉ cho mọi người những gì cần phải làm trong các thời khóa tu hoặc các nghi lễ. Mặc dầu chúng ta cố gắng để cho các nghi lễ diễn ra thật tốt đẹp, nhưng đồng thời cũng tránh không làm bất cứ điều gì thái quá.
Duy trì một tu viện lớn như tu viện của chúng ta không dễ dàng, đặc biệt khi nó ở một nơi rất cao, rất lạnh vào mùa đông, và mặt trời bỏng rát ban ngày vào mùa hè. Khi điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt kết hợp với độ cao, với những người thợ kém tay nghề và kém chất lượng do điều kiện này, thì môi trường [khắc nghiệt] này có thể hủy hoại công trình xây dựng một cách dễ dàng. Có thể nói rằng từ năm 1985 tới nay, tu viện đã phải xây đi xây lại hai lần tất cả mọi thứ. Khi Lama Sang còn tại thế, điện thờ chính và Đại Bảo Tháp đã phải xây hai lần. Khu nhà ở của chư tăng, chư ni và yogi, thầy phải xây hai lần. Không chỉ như vậy mà tất cả mọi thứ khác – ngoài điện thờ chính và Đại Bảo Tháp ra – thầy cũng phải xây đi xây lại ít nhất hai lần.
Người ta có thể nghĩ rằng làm vị đứng đầu tu viện là rất nhàn hạ, sung sướng, nhưng thật ra nếu các bạn muốn thay thế thầy thì sẽ được hoan nghênh, bởi vì [nhờ vậy] thầy có thể nghỉ hưu. Tất cả những việc này có thể không liên quan trực tiếp tới nhập thất mùa đông, tuy nhiên nếu tu viện không còn thì truyền thống nhập thất mùa đông rất lợi lạc này và nhiều thứ có ý nghĩa khác cũng sẽ cũng biến mất.
Có những vị đứng đầu tu viện rất may mắn, họ không phải lo tiền cho tu viện và chăm lo các hoạt động của tu viện. Họ chỉ dạy Pháp và một số người trong họ cũng chưa được chuẩn bị [đầy đủ] để truyền dạy Giáo Pháp. Có đôi khi họ không muốn giảng pháp do bản tính khiêm nhường. Nhưng có một số vị trụ trì không may mắn, họ phải lo tất cả mọi thứ và cả việc truyền dạy giáo lý. Thầy thuộc vào loại trụ trì không may mắn. Có nhiều trụ trì tu viện rất thông minh và họ không cho bạn biết họ có gì, mặc dầu họ có tất cả mọi thứ. Thầy không thông minh, vì vậy thầy nói [cho các bạn] tất cả mọi thứ. Thật ra, thầy có rất nhiều nhưng thầy có thể nói cho các bạn biết rằng thầy không để dành chút gì [cho mình]. Thầy rất hạnh phúc về điều này bởi vì thầy có đủ dũng cảm để không dành dụm chút gì cả. Bởi vì khi có được gì đó thì thầy muốn dùng nó cho tu viện, để tu viện trở thành một nơi đẹp đẽ, hạnh phúc, luôn làm hoan hỉ lòng người ngay cả khi thầy không còn đây nữa.
Khi có tiền thầy muốn tiêu nó. Khi thầy tiêu tiền thì đó là để mang lại kết quả tốt lành như trường học, bệnh viện, từ thiện và tu viện. Thầy không muốn phê phán cụ thể một cá nhân nào mà chỉ muốn cung cấp cho các bạn thông tin chân thực trong một bối cảnh thực tế. Tu viện có một hệ thống hoàn chỉnh cho phép mọi người kiểm soát từng đồng bạc được chi tiêu. Chúng tôi có thể kiểm soát thu chi và cán cân thanh toán ở nhiều cấp; ví dụ khi thầy quyết định chi tiêu cho một thứ gì đó thì việc này được xem lại và ký tên bởi hai người khác. Tất cả những mua bán, thu chi này được chuyển lên ban quản lý tu viện để kiểm tra lần nữa. Vào cuối năm, tu viện chúng tôi công khai tài chính về các khoản thu, chi của tu viện. Chúng tôi có tiếng tốt chính nhờ phương pháp công khai hóa này, giúp mọi người có thông tin rõ ràng về mọi thứ.
Lý do chính yếu khiến thầy nhận việc chăm lo tu viện chính là ý chỉ của Lama Sang. Ý chỉ và những di huấn cuối cùng của Ngài. Đó không phải là việc thầy thực sự muốn làm. Những gì thầy đang làm cho tu viện là để đền đáp tâm từ của Lama Sang và làm theo giáo huấn của Ngài. Và không chỉ giáo huấn của Lama Sang mà còn là giáo huấn của các đạo sư từ bi khác của thầy, các ngài đã yêu cầu thầy phải tiếp tục truyền thống này. Vì vậy, sẽ rất lợi lạc cho chúng ta – lợi lạc cho truyền thống ở đây, lợi lạc cho các bạn, không chỉ kiếp này mà cả các kiếp vị lai, nếu chúng ta tham gia [vào công hạnh này] bằng mọi cách, về mọi phương diện, cả vật chất và tinh thần, với tấm lòng tôn kính Lama Sang, tình yêu đối với Lama Sang, và xa hơn nữa là tình yêu đối với Đức Phật và tình yêu đối với con đường đạo của mình.
Tu viện Lungon, ngày 5 tháng 1, 2020
Hungkar Dorje
Thư ký: John Crigler
Việt dịch: Lotsawa (Hiếu Thiện), tháng 2, 2020.
Nguồn tiếng Anh: hungkardorje.com