Tâm chúng ta bé nhỏ bé như đứa trẻ hư
Phật dạy: “Bất cứ ai lớn tuổi hơn, xem họ như cha, mẹ. Hãy tôn kính họ. Bất cứ ai cùng tuổi hoặc trẻ hơn, xem họ như anh, chị, em. Hãy quý trọng, chăm sóc họ.” Đó là cách ta đối xử với người khác. Ta phải xem họ thân thuộc tới mức ta cảm thấy trân quý họ. Một khi cảm nhận được như vậy thì ta không thể nuôi sân hận, ác tâm, hay bàng quang, vô trách nhiệm nữa. Trái lại, chúng ta sẽ tốt bụng với nhau, gắn bó với nhau.
Đấy là cách tốt nhất để kính trọng, để đem lại hạnh phúc, tự do. Bởi chúng ta thường hung dữ, ác tâm, xấu bụng với người khác nên người ta không vui, không cảm thấy thoải mái để trò chuyện, để đàm đạo, chia sẻ với chúng ta – họ không cảm thấy hạnh phúc. Khi chúng ta thực sự quý trọng nhau, chúng ta sẽ tạo nhiều tự do, nhiều cơ hội cho mình và cho người. Chúng ta sẽ tạo được nhiều điều lành và không gian vô tận cho tất cả. Đây chính là thiện duyên để tất cả đều được lợi lạc, đều được giúp đỡ, được hỗ trợ, được ngợi khen. Và đây là một điều rất tích cực.
Đạo Phật luôn đòi hỏi như vậy. Không ai được phép hành xử thiếu tôn trọng đối với người khác. Khi thiên hạ trong tâm trạng tốt thì họ cố gắng kính trọng, tử tế, tốt bụng với mọi người. Nhưng thông thường khi mất bình tĩnh, mất kiên nhẫn thì họ nổi giận. Khi đó họ không tôn trọng, ngọt ngào với nhau nữa. Như vậy không tốt. Phậy dạy: “Hãy kham nhẫn để luôn luôn cung kính chúng sinh.”
Thế nhưng vấn nạn của ta nằm ở chỗ ta dễ nổi giận. Vì chuyện nhỏ ta khởi sân hận lớn. Như vậy không tốt. Tâm chúng ta bé nhỏ bé như đứa trẻ hư. Vì vậy mà phải tu tâm. Phải trưởng thành về mặt tinh thần. Về thân xác chúng ta lớn rồi, nhiều người quá lớn nữa, nhưng về tinh thần thì vẫn là trẻ nhỏ. Không thể như vậy mãi. Phải thay đổi cách nghĩ, phải xây dựng một trí tuệ, một cách hiểu hoàn toàn mới.
Trích “Phật Pháp Căn Bản”, Hungkar Dorje Rinpoche