Guru là vị thầy quan trọng nhất vì các vị khác không có khả năng cho ta chứng ngộ đó
Như thầy đã giải thích trước đây, đệ tử có thể có nhiều vị thầy, nhưng vị thầy gốc có nghĩa là vị thầy chính. Về chữ “Yoga”. “Yoga” có nghĩa là “hợp nhất với thực tại nền tảng”. “Yoga” cũng có nghĩa là chứng ngộ cảnh giới hỉ lạc đó. Đối với một người tu Phật, lý do chính để thực hành pháp là nhằm đạt tới sự chứng ngộ đó, sự chứng ngộ chân thực. Và điều này phải nương vào công phu hành trì thiền định. [Nương vào] loại công phu thiền định nào? Đó là công phu thiền định về những chỉ dẫn của Guru, về ý nghĩa của các chỉ dẫn mà Ngài đưa ra. Nếu một đệ tử có khả năng làm theo chính xác những lời dạy, những lời chỉ dẫn của Guru, nếu người đó có khả năng tinh tấn, miên mật thực hành những lời chỉ dạy của Guru thì người đó có thể chứng ngộ, có thể chứng ngộ thực tại nền tảng. Đó là đích đến. Đó là đích đến tối hậu mà bạn sẽ tới trên đạo lộ Giải Thoát. Thành tựu tối thượng này chính là ân phước của Guru. Vì vậy, Guru là người từ bi nhất, quan trọng nhất, chính yếu nhất, là vị thầy chính, bởi vì nhiều vị thầy khác không thực sự có khả năng cho ta chứng ngộ đó.
Trích “Guru Yoga – Guru Yoga Dòng Longchen Nyingthik”, Hungkar Dorje Rinpoche
Diệu Âm trích dẫn