Hiểu vô thường cho ta trí tuệ hiểu biết thực tánh của vạn pháp tới mức không còn tha thiết với luân hồi nữa

Câu hỏi chính yếu ở đây: tại sao lại cần tâm xả li để tu giải thoát? Xả li là nhân duyên duy nhất, mạnh mẽ nhất, quan trọng nhất đưa ta đến giải thoát. Nhân duyên cho giải thoát là gì? Đó là bốn niệm chuyển tâm, ví dụ như “đời là vô thường.” Tại sao hiểu vô thường lại khiến ta buông bỏ. Câu trả lời rất đơn giản. Vì vấn nạn của chúng ta là ta luôn tin vào mọi thứ trong cuộc đời này, rằng chúng là có thật và ta có thể nắm giữ chúng mãi mãi. Thật ra không gì ta có thể nắm giữ mãi. Không thể nắm giữ mãi mãi kiếp sống này, hay thân xác, gia đình, tiền bạc v. v. Tất cả, tất cả mọi thứ, [kể cả] tài sản rồi sẽ phải bỏ lại, và ta ra đi với hai bàn tay trắng. Vậy nên, không có gì là thường hằng, bất biến, và tất cả mọi thứ đều biến đổi, biến đổi, biến đổi. Đó là vô thường.

Và không có gì thường hằng, bất biến bởi vì không có gì đáng nương cậy. Tiền bạc không đáng nương cậy. Tiền bạc là phù du và ta mất nó. Cuộc sống này cũng không đáng nương cậy vì ta không thể giữ nó mãi cho mình, ta sẽ phải mất nó.

Vậy nên, hiểu vô thường cho ta trí tuệ hiểu biết thực tánh của vạn pháp. Chúng ta hiểu mọi thứ đúng, chúng ta hiểu hiện hữu sâu sắc tới mức ta không còn tha thiết với luân hồi nữa. Chúng ta hiểu rằng tất cả mọi thứ đều không thực sự chắc thật [như mình tưởng] và tất cả mọi thứ đều không thể thường trụ, bất biến cho bất cứ ai. Cái duy nhất là thật và đáng tin cậy là giải thoát. Giải thoát là cái ta có thể nương cậy, là cái bất biến, là đại an bình. Nơi đó không niệm tưởng, không phiền não, không tham luyến, không có cái-gần-tôi hay cái-xa-tôi, mà tất cả đều bình đẳng và an bình. Vì vậy đó là cái duy nhất ta có thể trông cậy. Vậy nên xả li rất quan trọng, chỉ có xả li mới đưa tới giải thoát.

Trích “Khai Thị Về Dòng Pháp Longchen Nyingthik (Phần II)”, Hungkar Dorje Rinpoche

Kim Cang Định trích dẫn

CHIA SẺ