Khi cái kiến của ta đạt tới một tầm cao thì các thứ như danh vọng, của cải trở thành như món đồ chơi của trẻ nhỏ

Có hai phương diện quan trọng khiến cho đạo Phật là đạo Phật. Thứ nhất là kiến, thứ hai là hành. Kiến của Phật giáo là nhân duyên tương sinh và hành của Phật giáo là bất-bạo-động. Vì vậy, một người tu Phật giáo, một Phật tử cần phải hiểu được hai phương diện quan trọng này. Người tu cần phải cố gắng hiểu, cố gắng áp dụng hai phương diện này. Thứ nhất là kiến: phải hiểu rằng mọi thứ đều sinh ra từ nhân duyên, từ các yếu tố. Thứ hai: bất cứ hành vi nào, bất cứ hành động nào đều phải rất an bình, không được gây hại mà phải an bình, hòa hợp.

Khi ta hiểu rằng không có gì tồn tại tự thân mà phải nương vào nhiều nhân duyên, nhiều thành tố; và khi hiểu điều đó thật rõ ràng thì chúng ta có thể thấy tất cả mọi thứ giống như một giấc mộng. Bởi vì vạn pháp không có tự tánh để sinh ra từ tự tánh của riêng mình. Chúng phải phụ thuộc và nhiều yếu tố, nhiều nhân duyên. Vậy nên, mọi thứ đều giống như một giấc mộng; không phải là thực sự chắc thật mà chỉ giống như một giấc mộng. Vạn pháp sinh rồi diệt. Tất cả vạn pháp dời đổi phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn mọi thứ. Tùy thuộc vào cái kiến của chúng ta vạn pháp sẽ dời đổi. Ví dụ, khi còn là những đứa trẻ, chúng ta nhìn mọi thứ rất khác. Đồ chơi là một cái gì đó rất nhỏ bé. Đối với người lớn nó không là gì cả, nhưng đối với người bé, với con trẻ, chúng rất quan trọng. Khi món đồ chơi hỏng nó gây buồn phiền. Nó làm con trẻ khóc, nhưng chắc chúng ta thì cười. Bởi vì chúng ta hiểu rằng nó không quan trọng.

Rồi khi cái kiến của chúng ta đạt tới một tầm cao, thì danh vọng, của cải, quan hệ, tất cả những thứ đó trở nên giống như món đồ chơi. Các bậc hiền thánh thấy chúng ta chỉ là những đứa trẻ; chúng ta chơi đùa như con trẻ. Đó là về kiến. Khi kiến của chúng ta thay đổi thì vạn pháp đều thay đổi. Không có gì thực sự ở đó mãi mãi, theo một cách y như vậy, tình huống, giá trị y như vậy, mà mọi thứ thay đổi tùy thuộc vào cách ta hiểu, ta nhìn.

Trích “LÝ NHÂN DUYÊN VÀ BẤT BẠO ĐỘNG: Kiến và Hành của Phật Giáo”, Hungkar Dorje Rinpoche

Kim Cang Định trích dẫn

CHIA SẺ