Một đệ tử tốt cần có những phẩm chất: trung thực, hiểu biết, tinh tấn
Khi nói rằng phải hiểu những tánh đức cần có của một vị Thầy, thì đồng thời người đệ tử cũng cần phải có một số phẩm chất và năng lực trí tuệ. Nếu không như vậy thì người đệ tử cũng không thể nhận ra được ai là vị đạo sư có đầy đủ tánh đức, ai là không. Phẩm chất quan trọng đầu tiên để làm một đệ tử tốt là đức tính trung thực. Đức tính trung thực rất quan trọng. Đối với đệ tử điều rất quan trọng là phải trung thực.
Đôi khi có những người đệ tử, mặc dầu họ có hiểu biết, thế nhưng họ lại không thể phân biệt được rõ đâu là tốt, đâu là xấu khi tiếp cận người nào đó. Có lẽ bởi vì người đó rất gần gũi, thân thiết với họ, là người mà họ có những thân cận nào đó. Chính vì vậy mà người ta không muốn nói gì cả, không hề làm gì hết, ngay cả khi người ta nhìn thấy có cái gì đó không được đúng đắn lắm ở con người đó, ở cái ông “thầy” đó. Đôi khi, thậm chí họ thấy một vị đạo sư rất tốt, đầy đủ mọi tánh đức, thế nhưng vì tâm họ không trung thực, nên họ không muốn chấp nhận, họ không cố gắng để đánh giá đúng và trân quý những tánh đức đó. Vì vậy, đức tính trung thực là phẩm chất đầu tiên để làm một người đệ tử tốt.
Phẩm chất thứ hai là hiểu biết và kiến thức. Người đệ tử cần phải có đủ thông minh để hiểu được các tánh đức của bậc đạo sư. Không có sự hiểu biết, kiến thức thì người đệ tử không biết một bậc đạo sư cần phải có những tánh đức như thế nào. Khi đó người đệ tử không biết được vị thầy [của họ] là tốt hay là xấu. Vì vậy, thông minh và hiểu biết là rất quan trọng. Có nghĩa là cần phải học hỏi về các tánh đức cần có của bậc đạo sư, học cách tầm sư học đạo, học cách làm một đệ tử tốt – đây là điều kiện làm nên một đệ tử thành công. Tóm lại, người tu phải học rộng, biết nhiều, không để đầu óc rỗng cạn. Không nên theo chân một kẻ có tâm địa không tốt chỉ do thiếu hiểu biết. Đó là điều không tốt. Chúng ta cần phải theo chân một bậc đạo sư với sự hiểu biết và thông minh. Đây là phẩm chất thứ hai.
Tất nhiên, phẩm chất thứ ba là tinh tấn. Bởi vì khi ta không nỗ lực tu hành, thì sẽ không đi tới đâu cả, thậm chí cho dù bạn có hiểu biết và kiến thức. Nếu một người biết rõ về đạo sư của mình, và đã thọ nhận nhiều giáo lý từ bậc chân sư, nhưng lại không tinh tấn, liên tục hành trì thì người đó cũng không đi tới đâu cả. Vì vậy, nỗ lực tu hành là điều rất quan trọng.
Trích “BA TÁNH ĐỨC CẦN CÓ CỦA MỘT BẬC ĐẠO SƯ: Ba Phẩm Chất Một Đệ Tử Cần Có”, Hungkar Dorje Rinpoche
Diệu Âm trích dẫn