Thấy tất cả chúng sinh đều bình đẳng, quan trọng như nhau là ĐẠI NHẪN

Tinh túy giáo lý Phật là an bình – đại an bình. Vậy nên mọi điều Phật dạy đều là về an bình; làm sao để trưởng dưỡng an bình, để phát triển loại an bình ấy. Tóm lại, kham nhẫn rất quan trọng và an bình lớn nhất chính là giải thoát.

Kham nhẫn rất quan trọng trong giáo lý Phật, quan trọng hơn cả hạnh bố thí. Kham nhẫn thuộc về cấp độ cao của con đường thành Phật. Không dễ gì đạt tới đó bởi kham nhẫn trong giáo lý Phật không phải tiểu nhẫn; đó là đại nhẫn. Tâm đại nhẫn là tâm thấy tất cả chúng sinh đều quan trọng như nhau. Như cha hoặc như mẹ. Thấy tất cả chúng sinh bình đẳng như vậy gọi là hạnh “kham nhẫn” được dạy trong giáo lý Phật đà.

Kham nhẫn có nghĩa là không nóng giận. Một người dễ nổi giận là không kham nhẫn, không an bình, có hại, hung hãn và đáng sợ. Theo cái nhìn Phật giáo cần phải hiền hòa với tất cả chúng sinh một cách bình đẳng không khác. Phải kham nhẫn như mẹ đối với con. Đó là loại kham nhẫn mà mọi truyền thống Phật giáo đều dạy.

Dạy con người biết kham nhẫn là công việc quan trọng. Khi con người không kham nhẫn – như mẹ không kham nhẫn với con – thì sẽ rất nguy hiểm. Con cái sẽ không vui và vì thế mà làm những chuyện ngu xuẩn. Vậy nên, sự kham nhẫn của người mẹ rất cần cho đứa con. Vợ chồng cũng vậy. Nếu không kham nhẫn với nhau họ có thể hung hãn và rất nguy hiểm. Họ có thể hủy hoại hạnh phúc, hủy hoại sợi dây kết nối và [cả] gia đình.

Một vị thầy, một đạo sư cũng vậy. Nếu người đó không kham nhẫn thì sẽ gây nhiều bất an cho học trò. Và học trò cũng vậy. Nếu họ không kham nhẫn thì sẽ gây chướng ngại cho hòa hợp bạn tu. Như Thầy đã nói, đạo Phật là nền giáo dục giúp con người tu hạnh kham nhẫn, học cách chấp nhận mọi thứ một cách đúng đắn, phù hợp, thuận với duyên, thuận với quy luật của duyên và nghiệp. Đây là nền giáo dục rất cao thâm.

Trích “Phật Pháp Căn Bản”, Hungkar Dorje Rinpoche

Kim Cang Định trích dẫn

CHIA SẺ