Tu Kim Cang Thừa, hay tu Phật nói chung, đều chính là tu Giới

Giới có nghĩa là gì? Ý nghĩa của giới là phát lời thề rằng ta sẽ làm việc này, việc nọ. Khi một ai đó nói: “Tôi tu tâm bi” thì giới người đó thọ là: không nổi giận, không hung dữ, không thù ghét. Tâm thù hận, sân giận và ích kỉ là chướng duyên cho việc tu tâm bi. Tóm lại, [thọ] giới có nghĩa là nói rằng: “Tôi sẽ làm thế này, tôi sẽ không làm thế kia.”

Khi một ai đó nói: “Tôi tu Kim cang Thừa” thì điều này có nghĩa gì? Điều này có nghĩa là: “Tôi sẽ trụ trong tánh, trong tâm thanh tịnh.” Đây là ý nghĩa tổng quát của Kim cang Thừa. Giới người đó tu là: “Tôi sẽ không khởi ý nghĩ tiêu cực, bất tịnh về những người khác, về các sự vật, hiện tượng.” Đây là một trong những thực hành chính yếu của Kim cang Thừa. Có nhiều giới nhưng người tu có thể chỉ cần trì một, hai hoặc ba giới thôi. “Tôi sẽ [luôn] thấy Đức Bổn Sư là một vị Phật. “Tôi sẽ làm theo ý chỉ của Ngài.” “Tôi sẽ cố gắng trụ trong Tuệ, trong tâm của Guru.”

Trong tiếng Phạn “giới” là “samaya”. Nghĩa của nó là “giữ lời cam kết”. Trong tiếng Tạng thì “giới” là “tamsit”. “Tam” có nghĩa là: “Tôi sẽ làm điều này hay điều kia.” Và sau đó bạn phải giữ lời hứa. Đó là “tamsit”. Đó là “samaya”. Khi ai đó nói: “Tôi tu Phật.” Bạn hỏi: “Tu Tiểu Thừa hay Đại Thừa?” Nếu người ấy nói “Đại Thừa” thì đương nhiên có nghĩa là: “Tôi tu tâm bi.” Đó là Đại Thừa, nên nói như vậy có nghĩa là: “Tôi thệ nguyện xem tất cả hữu tình chúng sinh như cha mẹ, thương yêu họ như mẹ hiền.”

Giới nguyện rất quan trọng nhưng lại cũng chính là cái mà các bạn chẳng hiểu gì mấy. “Tôi đang tu tâm bi mẫn nhưng tôi cứ nổi sân hận ác tâm.” Như vậy không được. Khi bạn nổi sân hận ác tâm với ai đó thì bạn đã phá giới rồi – giới của bồ đề tâm, của tâm bi.

 Trích “Việt Nam – 2012, Hungkar Dorje Rinpoche 

Nguồn ảnh: Tu viện Lungngon

CHIA SẺ