Cần phải tu ngondro trước khi thực hành các pháp du già giai đoạn sau

Hungkar Dorje Rinpoche [1]

Sáng 22.10.23, Hà Nội

(trích đoạn)

 

 

Ngày nay trên thế giới, có nhiều người đã bước vào cánh cửa Mật thừa. Việc học giáo lý Mật thừa và kết nối duyên với Mật thừa đã trở nên quen thuộc với tất cả. Tuy nhiên, có một số yêu cầu cần thiết đối với việc tu Kim Cương thừa. Ví dụ, cần có căn cơ nhạy bén, năng lực trí tuệ và phải có lòng tin, tâm tín thành đối với Mật thừa bởi vì giáo lý Mật thừa rất thâm diệu và không dễ hiểu. Người tu cần phải có một trí tuệ sắc bén để có thể hiểu được ý nghĩa của Mật thừa. Tóm lại, trở thành một hành giả Mật thừa tốt là điều rất không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu ai đó có kết nối nghiệp, và quan tâm tới Mật thừa thì luôn luôn có cơ duyên. Còn nếu không đủ nhân duyên thì không có cơ hội gặp gỡ và không quan tâm tha thiết tới truyền thống này. Vì vậy, nếu bạn có hứng thú đối với Mật thừa tức là bạn có trí thông minh, có duyên lành đối với truyền thống.

Phật đã ban tiên tri về Kim Cương thừa được khởi lập và hoằng truyền trên thế giới như thế nào. Phật nói rằng Mật thừa sẽ tới xứ Tuyết Tây Tạng, rồi dần dần sẽ tới với tất cả mọi người trên thế giới. Đây là tiên tri của Phật và điều đó ngày nay đang trở thành sự thật. Nếu nghiên cứu lịch sử Mật thừa đến với mọi người trên thế giới thế nào thì sẽ thấy mọi thứ đã xảy ra hoàn toàn đúng với tiên tri của Phật.

Lý do để Đức Phật đưa ra những tiên tri như vậy là vì ở đây có một điều gì đó luôn gắn liền với căn tánh – căn tánh của chúng sinh, của người dân xứ tuyết. Bởi vì để thọ nhận giáo lý này, căn tánh của người tu phải rất trong sạch. Thường chúng ta nói về ba điều kiện để thọ nhận giáo lý Mật thừa: duyên, năng lực, sự cần thiết. Ba điều này hội tụ lại sẽ khiến cho một người là hoàn hảo để tu Kim Cương Thừa. Mặc dù người Tây Tạng, đặc biệt là người Tạng trong quá khứ, tâm vẫn còn khá điên đảo nhưng họ có căn tánh đó. Vì vậy, các bậc đại đạo sư từ Ấn Độ – các ngài có kết nối nghiệp với họ và có thể dạy họ dễ dàng hơn dạy những người khác. Vậy nên các ngài muốn khởi lập truyền thống này trước hết ở Tây Tạng.

Căn tánh hay duyên cũng là một. Nếu chúng ta không có duyên để thọ nhận bất cứ giáo lý nào, đặc biệt là giáo lý Mật thừa thì ta không thể nào nhận được nó. Bởi vì khi đó chúng ta không có lòng tin, không có tuệ hiểu và không có hứng thú và ta sẽ từ chối. Đó là điều rất thường xảy ra. Nhiều người không có đủ thiện duyên và họ không tin vào những giáo lý này. Chẳng hạn như nhiều người nghĩ rằng đạo Phật hay bất cứ tôn giáo nào cũng đều là giả, là lừa dối người khác để kiếm tiền. Họ nghĩ thế này, thế nọ và hiểu sai về các tôn giáo. Họ hiểu sai đạo Phật. Họ cho rằng đạo Phật nguy hiểm cho đời họ và sẽ tước đi tất cả mọi thứ của họ – họ có cách nhìn rất khác về thực tại. Chúng ta có căn tánh khác [với họ]. Căn tánh của chúng ta hợp với truyền thống này và ta chấp nhận nó. Vậy chúng ta có được yếu tố thứ nhất đó là căn tánh.

Trên thực tế, với cách nhìn khoa học và minh triết đạo Phật là một truyền thống thiện lành, chân thực và thanh tịnh. Chúng ta cũng phải có trí tuệ thanh tịnh, tốt lành để thực sự hiểu được ý nghĩa của tôn giáo này. Vì vậy, năng lực trí tuệ là rất quan trọng, đặc biệt khi chúng ta nghiên cứu Mật thừa. Giáo lý Mật thừa thậm thâm vi diệu và không dễ hiểu. Đôi khi nó vượt quá năng lực trí tuệ [của người phàm] nhưng chúng ta có kết nối thiện nghiệp. Vì vậy, chúng ta cố gắng, cố gắng và vẫn cố gắng. Thầy tin rằng cuối cùng chúng ta sẽ hiểu, sẽ chứng ngộ pháp thâm diệu của Mật thừa.

Yếu tố thứ ba là sự cần thiết của việc chấp nhận các pháp tu Mật thừa. Nhiều người không thấy rằng họ cần Mật thừa. Họ đã có những pháp tu này, pháp tu nọ. Sự cần thiết của Mật thừa là ở chỗ nó là con đường rất hữu dụng, rất nhanh chóng và đơn giản, vì vậy nó có những phương diện, những phẩm chất độc nhất vô nhị so với các truyền thống khác. Nhưng khi ai đó không có trí tuệ để thấy được phẩm chất này thì người đó sẽ từ chối. Bản chất của minh chú là ở chỗ đây là một phương tiện thiện xảo, là một thừa đại phương tiện, vì vậy bất cứ ai có căn cơ bén nhậy, có sức mạnh trí tuệ để thọ nhận và tu pháp này thì đây là con đường rất đơn giản và nhanh chóng. Tóm lại, thấy được sự cần thiết và thấy được phương diện này là điều rất quan trọng. Và chỉ khi ta thấy được thực tại đó thì mình mới có khả năng có được kết nối. Khi một người không có trí tuệ để nhìn thấy và không có duyên với truyền thống này thì họ mất đi cơ hội để bước chân vào con đường nhanh chóng, thanh tịnh và đại phương tiện này. Mật thừa thường được mô tả như là Mật chú thừa hay ‘phương tiện ba la mật’.

‘Phương tiện ba la mật’ có nghĩa là phương tiện khéo. Thừa này cho chúng ta rất nhiều, rất nhiều những phương tiện thiện xảo – tuy chúng rất ngắn gọn nhưng lại rất thiện xảo bởi vì chính nhờ những thực hành rất ngắn gọn và rất đơn giản này hành giả có thể đạt tới Phật Quả. Vì vậy, đây là phương tiện thiện xảo. Như vậy, điều quan trọng là phải nhìn thấy, phải chấp nhận phương tiện thiện xảo này. Bởi vì, như Thầy đã nói ở trên, nhiều người không có thiện duyên, không có căn cơ bén nhậy và không thấy được ý nghĩa, sự cần thiết của phương tiện này. Họ chối bỏ phương tiện này, và điều đó không có nghĩa là họ thông minh hay may mắn. Chúng ta không nghĩ vậy. Chúng ta tin rằng một người là may mắn nếu người đó có duyên, có năng lực thọ nhận phương tiện thiện xảo của Mật thừa.

Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, truyền thống Cổ mật, chúng ta nghiên cứu cách giải thích về chín thừa, về địa, đạo, quả của tất cả chín thừa. Tất nhiên, điều đó quá rộng lớn nên khó đế có thể nghiên cứu thấu đáo tất cả và đặc biệt là để thực hành tất cả. Có một con đường rất thâm diệu và rất dễ dàng, ví dụ như tối thượng thừa Ati yoga. Thông thường chúng ta cố gắng thực hành để nhìn thấy chân tánh nhờ các phương tiện của các thừa Maha, Ati, Anu yoga. Bản chất của tất cả các thừa này là Đại Toàn Thiện, là Như Lai tạng và các thừa này đều dạy hành giả những con đường khác nhau để đạt tới thực tại [tối hậu]. Ví dụ, Maha Yoga dạy hành giả làm sao để đạt tới Phật quả nhờ phương pháp trì tụng minh chú, quán tưởng Bổn tôn, quán tưởng mạn đà la và minh chú. Còn Anu yoga (A Nậu Du già) dạy hành giả đạt tới Phật quả nhờ pháp tu du già mạch, khí, tinh. Còn Rigpa, pháp du già khác, thì trực chỉ hơn và không đi qua những bước thực hành này mà trực tiếp dạy làm sao để trụ trong chân tánh đó. Tóm lại, bản chất của tất cả các thừa, lý do để tất cả chư Phật dạy 8.4000 pháp môn là để hành giả chứng ngộ Phật tánh, để chỉ con đường tới Phật tánh.

Mặc dầu có rất nhiều giáo lý quan trọng nhưng nếu một hành giả cố gắng thành tựu tất cả mọi thứ, thực hành tất cả mọi thừa và tất cả mọi giáo huấn thì đó không phải là con đường tốt nhất. Vì vậy, chúng ta phải đưa tất cả vào một gói nhỏ – nhỏ, dễ dàng và đắc dụng. Và tất cả các giáo lý này đều đặt trên nền tảng của hạnh xả ly dạy trong lần chuyển Pháp luân thứ nhất và Bồ đề tâm trong lần chuyển Pháp luân lần thứ hai và Như Lai tạng được dạy chủ yếu trong lần chuyển Pháp luân thứ ba. Những giáo huấn chúng ta có được để công phu thiền định về Tánh được dạy trong Mật thừa rất rõ ràng và trực chỉ. Vì vậy, chúng ta cần phải có khả năng kết hợp tất cả mọi thứ này, đưa chúng tất cả thành một pháp tu. Ví dụ như pháp tu ngondro là tốt nhất, là nền tảng cho tất cả mọi giáo pháp. Có một truyền thống ở Tây Tạng là khi ai đó chưa có được những thực hành nền tảng thì họ không cố gắng để nghiên cứu giáo lý cao hơn như Mahayoga chẳng hạn. Mahayoga là về cách quán tưởng bản thân mình là bổn tôn và trì tụng tâm chú để trở thành một với Bổn tôn – khi đó hành giả trở thành một với Văn Thù Sư Lợi hay Quán Thế Âm. Thế nhưng nền tảng của pháp tu này cũng vẫn là ngondro! Các pháp tu tiên yếu được dạy trong ngondro là nền tảng cho tất cả mọi giáo pháp.

Nói chung, có hai giai đoạn của Mật thừa: giai đoạn phát triển và giai đoạn toàn thiện. Có 3 pháp du già: Mahayoga (Đại du già), Anuyoga (A nậu du già) và Atiyoga. Được biết rằng trong truyền thống Cổ mật có tối thượng du già. Nhưng chúng ta phải cố gắng thành tựu các pháp tu tiên yếu trước khi thực hành bất cứ pháp du già nào trong ba pháp này. Vậy nên các hành giả nỗ lực thành tựu pháp tu tiên yếu, 500.000 thực hành trước khi bước vào hai giai đoạn thực hành tiếp theo – đó là du già được thực hiện nhờ phương tiện của mạch, khí, tinh và Rigpa. Như vậy, một hành giả cần phải hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng một nền tảng để mình trở thành một bình chứa tốt cho những giáo lý thâm diệu này.

 

Hết trích đoạn bài giảng sáng 22.10.2023

 

Việt dịch: Hiếu Thiện (Lotasawa).

Bản tiếng Anh do Trì Minh Độ Mẫu chép từ MP 3 bài giảng sáng ngày 22.10. 23

 __________

Chú thích:

[1] Đây là bài giảng của Hungkar Dorje Rinpoche sáng ngày 22.10.2023 tại Hà Nội. Bản tiếng Anh, bản Việt dịch và tựa đề đã gửi Rinpoche duyệt và gia trì.

 

Tải về
pdf
word
CHIA SẺ