Còn Hòa Hợp thì Cộng Đồng Còn Tồn Tại*

25.10.2018 tại Glenwood Residence, HCM, Việt Nam

 “Nếu không thực hành, nếu không ghi nhớ lời dạy trong tâm thì nghe Pháp cũng vô ích.”

Thầy đã có khá nhiều buổi giảng trong chuyến đi này và các bạn cũng đã nghe nhiều rồi, vậy nên chắc Thầy không phải nhắc lại quá nhiều nữa. Thầy hi vọng rằng các bạn đã nghe rồi và sẽ không quên.

Nghe Pháp là quan trọng. Nhưng ghi nhớ trong tâm [lời Pháp nhũ] còn quan trọng hơn. Và đưa lời dạy vào thực hành mới là quan trọng nhất. Nếu không thực hành, nếu không ghi nhớ lời dạy trong tâm thì nghe Pháp cũng vô ích. Vậy nên cái thực sự có ích, thực sự có ý nghĩa chính là đưa tất cả vào hành động, vào thực hành. Tuy chúng ta gọi thời đại này là thời mạt pháp nhưng có điều đặc biệt tốt lành ở thời đại này; chẳng hạn như cơ hội để học Pháp có nhiều hơn trước.

Trong quá khứ [để học giáo lí] bạn phải học từ ai đó, bạn phải theo một vị thầy suốt một thời gian dài. Ngày nay chúng ta không phải làm như thế nữa; ngày nay có rất nhiều điều kiện thuận lợi [để học Pháp]. Chúng ta có nhiều kinh sách Phật giáo hơn và bạn có thể học qua mạng Internet. Tóm lại điều kiện học Pháp ngày nay thuận lợi hơn trước rất nhiều. Vì vậy, chúng ta không thể viện lí do để thanh minh rằng mình không có điều kiện để học giáo lý.

Trong quá khứ đôi khi giáo lý không được truyền cho đại chúng và người tu muốn thọ nhận giáo lý phải gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá khứ, để có được chút giáo lý người đệ tử phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách cam go, phải hội đủ những điều kiện, nền tảng căn bản rất tốt [để thọ pháp]. Tuy nhiên ngày nay, việc truyền pháp mở rộng cho mọi người và vì vậy chúng ta có nhiều cơ hội hơn. Người tu có nhiều cơ hội để gặp các đạo sư và thọ nhận những giáo lý khác nhau từ các bậc thầy chân tu. Vì vậy, có thể nói rằng đây là một thời đại tốt lành để chúng ta có thể học giáo lý đầy đủ.

“Giáo lý Phật và việc tu hành chỉ có kết quả tốt
với những đệ tử có căn cơ phù hợp.”

Nhiều người trong số các bạn đã nghe về đạo sư vĩ đại Milarepa, nhiều người đã đọc tiểu sử của Ngài. Vì vậy chắc các bạn hiểu Ngài đã phải trải qua vô vàn gian khó như thế nào để thọ nhận giáo lý chân truyền, thậm thâm vi diệu từ Guru của Ngài. Và có nhiều bậc đạo sư cũng đã phải trải qua vô vàn gian nan, thử thách như Đức Milarepa. Như vậy để thọ nhận giáo lý chân truyền thậm thâm người tu phải trải qua nhiều khó khăn. Người tu phải chấp nhận nhiều điều kiện, thử thách.

Giáo lý Phật và việc tu hành chỉ có kết quả tốt với những đệ tử có căn cơ phù hợp. Nhiều người thực sự chưa đủ căn cơ bởi do họ không đủ tâm thành tín, không đủ hiểu biết, không đủ trung thực, và không đủ tinh cần. Chính vì lí do này mà đôi lúc việc tu hành không tiến triển tốt như chúng ta trông đợi. Lí do là vì việc tu đạo phụ thuộc vào những nhân và duyên. Thành quả của việc tu hành, lực gia trì của Pháp Bảo phụ thuộc vào nhiều nhân và duyên.

“Khi chúng ta không có hiểu biết, kiến thức
thì chúng ta không biết phải thực hành thế nào phải tu thế nào.”

Lần này thầy muốn nhắc lại một số điểm quan trọng cần phải có để việc tu của ta được kết quả tốt đẹp. Và những điều kiện cần thiết để thực hành giáo lý thành công, để người tu đạt được kết quả tốt là: thứ nhất, đức tin chân thật và tâm tín thành, tận tụy. Tiếp đó là nỗ lực tinh tấn và sự hiểu biết, kiến thức. Chúng ta thường nghĩ rằng sự hiểu biết, kiến thức là điều kiện đầu tiên và điều đó hoàn toàn đúng. Khi chúng ta không có hiểu biết, kiến thức thì chúng ta không biết phải thực hành thế nào phải tu thế nào, vì vậy sẽ rất khó để tu hành có kết quả tốt. Tuy nhiên cái thực sự làm cho việc tu hành có được kết quả như ý lại là lòng tin vì vậy chúng ta phải tự xem xét lòng tin của mình, tâm tín thành, tận tụy của mình. Nó có trong chân thật hay không, có trong sáng hay không, có đủ mạnh hay không, có vững chắc hay không. Đó là điều quan trọng mà Thầy phải nhắc lại hôm nay với các bạn.

“Tuy nhiên lòng tin được đặt trên nền tảng của trí tuệ
là điều thậm chí còn quan trọng hơn.”

Tuy nhiên lòng tin được đặt trên nền tảng của trí tuệ là điều thậm chí còn quan trọng hơn. Cần phải tin vào giáo lý chân thật của Phật. Không nên tin vào bất cứ một ai đó khi chưa có đủ quán chiếu thật rõ ràng tại sao lại tin và tại sao lại chấp nhận. Ngày nay nhiều người có tín tâm nhưng không có mấy sự hiểu biết, vì vậy mà [họ] hay mắc sai lầm. Chính vì lí do này mà Đức Phật thường dạy rằng trước hết phải học hành, phải nghiên cứu, phải tư duy quán chiếu đã, rồi sau đó mới đặt lòng tin [vào ai đó]. Tuy nhiên, thường có kẻ không nắm vững giáo lý, không tu hành tử tế, không có một nền tảng căn bản, thế nhưng vẫn có người, do không học Pháp, không hiểu Pháp nên cứ tin vào họ. Đây là một tình trạng thật sự nguy hiểm.

Những yếu tố mà Thầy nhắc tới ở trên là rất quan trọng và cần thiết đối với người tu. Vậy xin hãy ghi nhớ trong tâm và cố gắng hiểu rõ ý nghĩa của chúng: [trước hết là] đức tin và tâm chí tín thành, tận tụy. Có nhiều trình độ [cao thấp] khác nhau của lòng tin, của tâm chí tín thành. Lòng tin mà chúng ta cần trưởng dưỡng phải thực sự đặt trên nền tảng của hiểu biết đúng đắn, học hành đầy đủ. Lòng tin như vậy rất bền vững, không thối chuyển. Chúng ta có lòng tin loại này bởi vì chúng ta có những lý lẽ rất chân xác. Tóm lại, lòng tin phải mạnh mẽ nhưng nó phải dựa trên nền tảng trí tuệ.

“Khi có đủ lòng tin thì sẽ không có chữ NHƯNG.”

Mặt khác, khi có kiến thức, hiểu biết nhưng không có đủ lòng tin thì việc tu cũng không có kết quả tốt. Có nhiều người học rộng biết nhiều nhưng không thể thành tựu trên đường tu. Vì vậy, chúng ta nói rằng yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của việc tu hành là lòng tin. Khi một người biết Pháp nhiều nhưng không có đủ lòng tin vào Pháp Phật thì người đó, do hiểu biết nhiều, sẽ sinh tâm cống cao ngã mạn, thường chê bai phê phán [người khác], và là kẻ gây nhiều chuyện bất hòa, người đó thường sinh tâm ganh ghét đố kị với người khác. Vì vậy, tâm chí tín thành là yếu tố chính giúp ta giảm đi những tiêu cực phiền não trong tâm. Khi một người vừa có hiểu biết Phật pháp lại có tâm tín thành, tận tụy thì người đó chắc chắn sẽ rất khiêm tốn, hiền hòa, rất trung thực và từ ái; bởi nhờ có tâm chí tín thành, người đó thực hành giáo lý một cách chân thành, trung thực. Vậy là chúng ta có thể thấy sự khác nhau giữa lòng tin và kiến thức, hiểu biết. Ta cũng thấy được tầm quan trọng của lòng tin, tâm tín thành, tận tụy. Vậy xin các bạn hãy ghi nhớ tất cả trong tâm.

Khi không có đủ tâm thành tín chúng ta nói: Đức Phật, hay Guru của tôi, nói như vậy NHƯNG … chúng ta luôn nói NHƯNG. Khi có đủ lòng tin thì sẽ không có chữ NHƯNG, không có sự nghi ngờ trong tâm ta. Ví dụ, Phật luôn nói về vô thường và nhắc nhở không nên lười biếng. Nhưng chúng ta vẫn lười biếng. Chúng ta không nhớ nghĩ về vô thường. Đâu phải vì chúng ta không biết, không hiểu. Chúng ta biết rõ, nhưng chúng ta thường quên, không nhớ. Tại sao vậy? Tại vì chúng ta không thật sự đặt lòng tin vào lời Phật dạy. Chúng ta không có đủ lòng tin. Do đó, Thầy nói rằng tâm chí tín thành, tận tụy là nhân, là duyên chính yếu làm nên một hành giả lớn.

Đức Phật luôn nhắc chúng ta rằng vạn pháp là vô thường. Không có gì trên đời mà ta có thể nắm giữ mãi. Tất cả đều dời đổi. Vì vậy hãy rất cẩn trọng. Đừng đặt quá nhiều chú tâm, đừng đặt quá nhiều lòng tin vào những thứ bên ngoài, bởi vì chúng luôn luôn dời đổi. Chúng chắc chắn sẽ thay đổi. Hiện chúng đang lừa phỉnh bạn. Nếu bạn tin chúng thì chúng sẽ lừa dối bạn. Chúng sẽ không như vậy mãi theo cách mà bạn mong cầu. Chúng chắc chắn sẽ thay đổi. Vì vậy Phật luôn nhắc chúng ta đừng tham dục quá nhiều, đừng bám chấp vào những thứ bên ngoài. Thế nhưng chúng ta vẫn cứ tham, vẫn cứ bám. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta không tin lắm vào giáo lý của Phật. Chúng ta không học hành giáo lý, chúng ta không tư duy đầy đủ, chúng ta không công phu hành trì một cách chân thật và đúng đắn. Chính vì lẽ đó tất cả những gì chúng ta nghe chỉ dừng lại ở lời nói. Chỉ là câu chữ mà thôi. Vì vậy, như Thầy đã nói ở trên đôi việc tu hành không đem lại kết quả tốt cho chúng ta. Do chưa hội đủ những phẩm chất cần thiết [của người tu] nên chúng ta chưa thể nhận được sức mạnh, chưa nhận được lực gia trì của Pháp Phật.

Thầy nghĩ rằng chúng ta cần có nhiều kiến thức, cần học giáo lý nhiều hơn. Và điều quan trọng nhất là chúng ta phải có nhiều lòng tin hơn vào Pháp Phật, vào giáo lý của Phật để chúng ta có thể trở thành một hành giả, một đệ tử chân truyền của Phật.

Vì chúng ta có lòng tin vào pháp Phật, vì ta muốn tu hành nên cần phải đưa [Pháp] vào hành động nhiều hơn nữa. Hãy dành nhiều thời gian cho hành trì nếu không sẽ không có tiến bộ nào cả. Hiện nay chúng ta còn hành trì rất rất ít. Chúng ta thực hành thiện hạnh rất ít. Như vậy chưa đủ. Cần phải cố gắng nhiều và nhiều hơn nữa để các bạn có thể được lợi lạc từ việc tu hành của mình.

“Khi không có sự hòa hợp, cộng đồng sẽ tan rã.”

Trong các buổi giảng pháp, Thầy thường nhắc rằng gốc của lực gia trì, gốc rễ của thành tựu là giữ giới thanh tịnh. Nếu người tu không giữ giới thì không thể có được chút kết quả nào, chút thành tựu nào trong việc tu hành của mình. Như vậy kết quả tốt đẹp hay thành tựu đều phụ thuộc vào việc giữ giới. Giới (samaya) là gì? Giới là cam kết. Bất cứ lời cam kết nào người tu đưa ra thì người đó phải ghi nhớ, phải giữ gìn, phải che chở nó để không gì có thể làm hư hoại giới của mình.

Các huynh đệ tỉ muội đồng tu phải giữ mối quan hệ bạn đạo tốt lành, phải hết sức tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta có bài học từ lịch sử từ Phật giáo ở Ấn Độ. Đạo Phật ở đó bị hủy diệt do nhiều nhân duyên, nhưng một trong những nguyên nhân chính là sự bất hòa từ bên trong. [Những người] trong cộng đồng Phật giáo đã không coi nhau là bạn. Họ phê phán, đả phá nhau, họ tìm cách tiêu diệt nhau. Đó là một trong những cái họa lớn nhất đã hủy diệt đạo Phật ở Ấn Độ.

“Và các huynh đệ tỉ muội kim cương cần phải coi nhau còn thân hơn anh chị em cùng cha mẹ sinh ra”

Nhiều kinh sách Kim Cương thừa luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ bằng hữu tốt đẹp giữa các huynh đệ tỉ muội kim cương. Nếu huynh đệ tỉ muội kim cương phá hoại tình bạn đồng tu thì đây là một nhân duyên có sức mạnh rất lớn đẩy họ rớt xuống ba đường ác đạo, rớt xuống địa ngục Kim Cương. Và các huynh đệ tỉ muội kim cương cần phải coi nhau còn thân hơn anh chị em cùng cha mẹ sinh ra. Huynh đệ tỉ muội kim cương phải quý trọng nhau hơn anh chị em cùng một gia đình. Kim Cương thừa lấy tri kiến thanh tịnh làm nền tảng. Đặc biệt là thái độ và cách nhìn đối với Đức Bổn sư, đối với bạn đồng tu cùng một dòng truyền thừa, cùng một guru, cùng một mạn đà la. Nếu chúng ta không làm được điều đó, nếu chúng ta cố tình không tuân thủ điều đó, tức là chúng ta đang hủy hoại giới nguyện của mình. Chúng ta đang hành động trái ngược với những tôn chỉ và giáo huấn của truyền thống Kim Cương thừa.

Vì vậy, sự hòa hợp [cộng đồng] là rất quan trọng. Sự hòa hợp là rất quan trọng đối với bất cứ cộng đồng nào, kể cả cộng đồng Phật giáo. Sự hòa hợp là rất quan trọng. Khi không có sự hòa hợp, cộng đồng sẽ tan rã. Điều này là chắc chắn. Không có gì để nghi ngờ hay bàn cãi. Chừng nào trong cộng đồng còn sự hòa hợp thì cộng đồng tiếp tục tồn tại và sống sót. Vì vậy, chúng ta phải nhìn thấy tầm quan trọng của việc giữ hòa hợp cộng đồng. Làm được điều này là làm được điều tốt cho Pháp Phật, cho xiển dương các hoạt động của Phật Giáo. Người tu cần phải giữ kham nhẫn, cần phải hiểu biết và cảm thông với những bạn đồng tu khác.

Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta cần cố gắng nghĩ tới các chúng sinh khác, đặc biệt là các chúng sinh sống trong môi trường của chúng ta. Hãy tránh làm hại họ, hãy che chở cho họ, tốt bụng với họ. Và như vậy bạn là người tu tốt. Đây là một việc rất quan trọng và rất đẹp.

Nếu bạn đang tu một pháp nào đó thuộc truyền thống khác, nếu bạn đang thực hành Ngondro Longchen Nyingthig, thì bạn cần phải có nhiều lòng tin vào pháp của mình, vào dòng truyền thừa của mình. Đừng nên phân vân do dự. Một khi bạn đã chọn pháp này để hành trì hàng ngày thì bạn phải hành trì với nhiều lòng tin. Bởi vì Thầy thấy một số người không hoàn toàn vững tâm về pháp họ đang thực hành. Họ không kiên định về việc mình đang làm, và lúc thì tu pháp này lúc lại tu pháp khác. Sự thiếu kiên định là một nguyên nhân lớn khiến người tu không tiến bộ và uổng phí nhiều thời gian và công sức. Như vậy thái độ kiên định là rất quan trọng để phát triển lòng tin vững chắc [vào pháp mình hành trì]. Khi đó bạn sẽ có tiến bộ, có nhiều lợi lạc từ thực hành.

Nếu bạn nhìn vào cuộc đời của Đức Liên Hoa Sanh chẳng hạn, bạn sẽ thấy Đức Liên Hoa Sanh giác ngộ trong một đời và tất cả các vị đạo sư khác như tổ Garab Dorje, tổ Longchenpa cũng như vậy. Vô lượng đạo sư đã viên mãn Phật quả trong một đời nhờ tu pháp Dzogpa Chenpo, pháp Longchen Nyingthig. Điều đó có nghĩa là pháp Longchen Nyingthig là pháp chân thực, đáng tin cậy và sẽ không có gì sai nếu bạn tin tưởng và hành trì tinh cần. Đừng phân vân, lưỡng lự, đừng đổi ý thay tâm mà hãy đặt hết nỗ lực vào đó và bạn sẽ được lợi lạc lớn lao. Các đạo sư vĩ đại của quá khứ nói rằng nếu một người không tích tụ rất nhiều công đức thì sẽ không có cơ duyên gặp được giáo pháp thậm thâm như vậy. Do đó, Thầy tin rằng các bạn đã tích lũy nhiều công đức để bây giờ gặp được giáo lý chân truyền, thậm thâm vi diệu này và hành trì. Vì lẽ đó chúng ta phải thấy hạnh phúc mình đã có cơ hội may mắn thọ nhận giáo lý vĩ đại và thực hành.

Thầy xin cảm ơn các bạn về lòng tốt của các bạn. Các bạn đã đón tiếp Thầy, tổ chức các buổi giảng Pháp của Thầy một cách tốt đẹp. Nhờ lòng tốt và nỗ lực làm việc hết sức của các bạn mà chuyến hoằng pháp [của Thầy] đã thành công, đem lại lợi lạc cho tất cả những ai tham dự. Các bạn tốt và hào phóng với Thầy tới mức Thầy đã tăng thêm nhiều ký (cười).

Thầy không phải là một bậc chứng ngộ cao, một nhân vật đặc biệt; nhưng vì chúng ta kết nối duyên nghiệp, vì Thầy có một nền tảng, vì Thầy là người Tây Tạng, là một tu sĩ -rất nhỏ bé – và Thầy có chút học hành, đào tạo, nên hy vọng rằng Thầy có thể đem lại chút lợi lạc cho các bạn. Một chút gì đó có ý nghĩa, có ích và thực tế.

Mọi người thường coi Thầy là một giáo sư vạn năng, vạn pháp. “Con bị đau chỗ này chỗ kia, xin Ngài giúp con.” “Con gặp rắc rối trong việc kinh doanh, xin Thầy giúp cho công việc được thuận buồm xuôi gió.” Và để mọi người vui Thầy giả bộ là người vạn năng. Nhưng thực ra Thầy chỉ là một anh người Tạng không biết gì nhiều, đúng ra là biết rất ít, vậy nên Thầy không thể giúp các bạn nhiều tới mức đó. Thầy phải xin lỗi vì điều này. Tuy nhiên, Thầy có thể cầu nguyện cho các bạn. Thầy biết nhiều lời cầu nguyện. Thầy tụng lời cầu nguyện bằng tiếng Tạng. Vì vậy đối với các bạn chúng chỉ là “blah blah blah” mà thôi. Vậy nếu bạn nghe Thầy “blah blah blah” thì xin hãy biết rằng đây là một cái gì đó có ý nghĩa, có giá trị. Đối với Thầy, tiếng Việt nghe như chim hót. Thầy không nghe được chữ nào chỉ là “nga nga nga” … Nhưng Thầy không nghĩ rằng các bạn đang tụng “blah blah blah”, mà chỉ đang nói một điều gì đó.

“Như vậy, lòng tốt của các dịch giả là một điều lớn lao
cần phải ghi nhớ và quý trọng.”

Chuyến hoằng pháp này kết thúc tốt đẹp, một lần nữa Thầy cảm ơn các bạn rất nhiều. Và còn một điều nữa, điều cuối cùng Thầy muốn nhắc các bạn. Đó là về công việc phiên dịch, dịch thuật. Thầy thấy nhiều người không hiểu tầm quan trọng của công việc phiên dịch, phiên dịch tốt. Và người ta nghĩ rằng ai cũng có thể làm dịch giả. Theo Thầy đây là một quan niệm sai lầm. Bởi vì công việc phiên dịch, dịch thuật là rất quan trọng. Và làm một dịch giả không dễ dàng chút nào. Các bạn cần phải biết sự thật này.

Vì vậy có hai điều quan trọng ở đây. Thứ nhất, người phiên dịch phải hết sức cố gắng để có bài dịch tốt hơn, bài dịch tốt nhất, làm một dịch giả tốt hơn, dịch giả tốt nhất. Điều thứ hai, mọi người phải có thái độ quý trọng nhiều hơn đối với các dịch giả. Thầy thực sự tin như vậy, bởi vì nhiều người không nhìn thấy tầm quan trọng của các dịch giả và không có thái độ quý trọng. Đó là một sai lầm. Nếu không có các dịch giả thì chúng ta không có các bản dịch [kinh sách] trong truyền thống của mình. Điều này dù ở Trung Quốc hay bất cứ nước nào đều giống nhau. Nhờ các dịch giả làm việc nên mọi người có được truyền thống. Trước khi các dịch giả xuất hiện và làm việc cho Phật pháp thì không có Phật pháp ở Việt Nam, ở Trung Quốc, ở Tây Tạng. Như vậy, lòng tốt của các dịch giả là một điều lớn lao cần phải ghi nhớ và quý trọng.

 

Hết bài giảng tối 25.10.18

 

Việt dịch: Lotsawa (Hiếu Thiện)

Bản Anh ngữ: Hiếu Thiện chép lại từ mp 3 Bài Giảng Hungkar Dorje Rinpoche ngày 25.10.2018, tại Glenwood Residence, HCM, Việt Nam.

Link MP3 được đăng tải tại: https://lienhoaquang.com/thu-vien-anh_Vi%E1%BB%87t-Nam_dkgspct_nghe-MP3_hungkar.html

_________________________
Chú thích

*Tiêu đề do dịch giả đặt để người đọc tiện theo dõi.

Tải về
pdf
word
CHIA SẺ