Năm Giới Gốc của Kim Cương Thừa (Phần I) - Longchen Nyingthig Vietnam

Năm giới gốc của Kim Cương Thừa (Phần I)*

Ngày 24.8.2013, Golok

(Phần I)

 

“Cái làm cho quán đảnh có giá trị chính là trì giữ giới nguyện.”

Các bạn đã thọ nhận nhiều quán đảnh lần này và Thầy cũng đã ban nhiều quán đảnh. Và Thầy biết rằng nhiều người trong số các bạn đã từng thọ nhận quán đảnh trước đây. Cái làm cho quán đảnh có giá trị chính là trì giữ giới nguyện, những mật nguyện liên quan tới các quán đảnh [đã thọ nhận], và biết rõ những yêu cầu liên quan tới các quán đảnh và giáo lý được trao truyền.

Thầy sẽ giảng một chút về giới nguyện. Nói chung, trong cả truyền thống Đại Thừa và Kim Cương Thừa đều có nhiều loại giới nguyện. Tuy nhiên, giới nguyện phổ biến nhất có tên gọi là “Mười Bốn Giới Trọng và Tám Giới Khinh”. Mật giới được giải thích trong một mật điển có tên là “Tinh Túy Bí Mật”. Mật điển này còn có tên gọi là “Mật Điển Vương” hoặc “Mật Điển Vương của Dòng Nyingmapa”. Mật điển này rất phổ biến và bao gồm tất cả mọi thứ, tất cả mọi thừa. Mật điển này đề cập tới năm giới trọng và mười giới khinh (giới phụ).

“Giới thứ nhất có tên là ‘Không chối bỏ chân tánh, hay thực tại’.”

Ngày hôm nay Thầy sẽ giảng một ít về năm giới trọng cấm, tức năm loại phạm giới nặng. Giới thứ nhất có tên là “Không chối bỏ chân tánh, hay thực tại”. Đối với người tu sơ cơ thì việc hiểu chân tánh là gì rất khó khăn. Cái mà chúng ta cần là thiết lập tri kiến thanh tịnh về dòng truyền thừa, tri kiến thanh tịnh về Mạn đà la, Yidam, Guru. Đây là một trong năm giới trọng cấm.

“Chúng ta phải thiết lập một lòng tin vào bản tánh thanh tịnh của vạn pháp.”

Chúng ta cần phải tự xem xét bản thân mình để biết mình có thực sự quan tâm tới Kim Cương Thừa, tới việc tu Kim Cương Thừa hay không. Tất cả mọi thứ chúng ta bắt đầu từ đó. Đương nhiên chúng ta có quyền tự do trong quyết định có thực hành Kim Cương Thừa hay không. Tuy nhiên, [khi đã thực hành Kim Cương Thừa] thì chúng ta cần phải có được hiểu biết đầy đủ và lòng tin vào Kim Cương Thừa; cần phải hiểu rằng tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều có cùng một bản chất, cùng một thể, như được dạy trong Đại Thừa. Vạn pháp có chung một thể là tánh Không, trong Đại Thừa cũng giống như trong Kim Cương Thừa. Để hiểu hoặc để có lòng tin vào điều này thì tất nhiên chúng ta phải khảo sát, kiểm tra để biết tánh Không là gì, chân tánh của vạn pháp là gì, các pháp không thực sự có tự tánh nghĩa là gì. Ở giai đoạn đầu tiên thì không quan trọng là phải chứng được tánh Không một cách đầy đủ. Tuy nhiên ít nhất cần hiểu tánh Không là gì, chân tánh thực tại là gì. Và chúng ta cũng phải biết tại sao Đại Thừa và Kim Cương Thừa nói rằng chân tánh của vạn pháp là tánh Không. Điều này quan trọng đối với người tu sơ cơ.

Vậy “không chối bỏ chân tánh tối hậu” có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là chúng ta phải thiết lập một lòng tin vào bản tánh thanh tịnh của vạn pháp. Sau đó cái khiến cho tri kiến này có ý nghĩa và đạt tới kết quả mong muốn chính là việc giữ tri kiến thanh tịnh; và điều này rất quan trọng. Chúng ta cần hiểu rằng do vô minh, do vọng tưởng, phiền não, chúng ta luôn luôn nhìn mọi thứ theo cách bất tịnh. Thế nhưng, đó không phải là chân tánh của vạn pháp, đó không phải là thực tại. Bản tánh cái nhìn của ta là thanh tịnh, các sự vật hiện tượng là thanh tịnh. Vì vậy cần phải tin rằng bản chất của mọi sự vật hiện tượng đều thanh tịnh.

“Khi bạn nhìn các sự vật hiện tượng theo cách bất tịnh
thì bạn cần phải tự nhắc mình rằng đó là vọng tưởng, hư huyễn.”

Với trình độ bình phàm, chúng ta không thể nhìn thấy chân tánh của vạn pháp. Đây không phải là sai sót của đối tượng hay của vạn pháp, mà sai lầm nằm trong cách cảm nhận của chúng ta. Vì vậy khi bạn có cái nhìn bất tịnh, khi bạn nhìn các sự vật hiện tượng theo cách bất tịnh thì bạn cần phải tự nhắc mình rằng đó là vọng tưởng, hư huyễn. Và chúng ta phải cố gắng để thấy được chân tánh. Chúng ta phải nhớ tới lời Phật dạy, nhớ tới những gì kinh điển đã mô tả về các pháp vốn tự nó rỗng rang, thanh tịnh – đó là bản chất thanh tịnh của vạn pháp. Điều này đôi lúc vượt quá khả năng của chúng ta. Khi đó chúng ta phải hiểu rằng: “Ồ, tôi chưa đạt tới trình độ đó. Đây không phải là thực tại, chắc chắn là không. Chân tánh, thực tánh vượt xa khả năng nhìn biết của tôi.” Đây chính là cách thông thường chúng ta cố gắng để chấp nhận [cái nhìn] về chân tánh của thực tại trong truyền thống Kim Cương Thừa.

“Nếu chúng ta không có lòng tin thì tốt nhất là
không chấp nhận, không thử, không hành trì, không nhảy ào vào chuyện này.”

Thầy sẽ giải thích điều này một cách đơn giản hơn. Là những người tu sơ cơ như chúng ta, những người tu sơ cơ thực sự trong hệ thống Kim Cương Thừa, thì theo Thầy cái chúng ta cần phải làm là xây dựng lòng tin vào điều này. Đây là điều chân thật, có thật, và nó sẽ đưa lại những điều tích cực, tốt đẹp cho bạn trên đạo lộ giải thoát. Và đây là con đường ngắn nhất tới giải thoát. Chúng ta phải hiểu như vậy và tin như vậy. Nếu chúng ta không có lòng tin thì tốt nhất là không chấp nhận, không thử, không hành trì, không nhảy ào vào chuyện này.

Thế nhưng chúng ta hiểu rằng Kim Cương Thừa là một cái gì đó tốt – đây là điều cơ bản. Không có hiểu biết này thì không có cách nào để bước vào cánh cửa của hệ thống Kim Cương Thừa. Chúng ta đã có được hiểu biết đó. Đó là điều tốt nhất. Chúng ta phải giữ gìn điều đó. Chúng ta phải chăm sóc cho tín tâm đó và phát triển từ điểm căn bản này để vun bồi thêm hiểu biết, tinh tấn, kham nhẫn, chứng ngộ. Các phẩm chất này rất quan trọng đối với tâm, đối với việc hiểu [bản tâm].

“Có một bản chất khác vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta mà chúng ta không biết.”

Nguyên nhân tại sao Thầy nói như vậy là vì: cái làm nên sự khác biệt chính là chứng ngộ, chính là tri kiến thanh tịnh. Khi nói các sự vật hiện tượng không có tự tánh, không hiện hữu độc lập, là bởi vì đối với chúng ta, ở trình độ này, lửa vẫn là lửa. Lửa thì thiêu đốt. Lửa thiêu đốt bạn rất dễ dàng. Thế nhưng những bậc đã đạt chứng ngộ cao, tri kiến thanh tịnh cao, các Ngài không bị lửa thiêu cháy. Như đức Guru Rinpoche. Tại sao? Bởi vì sự thánh hóa, tri kiến thanh tịnh, đã tạo nên sự khác biệt lớn. Tri kiến thanh tịnh che chở cho Ngài thoát khỏi những tấn công từ bên ngoài, như ngọn lửa lớn chẳng hạn. Tuy nhiên với chúng ta, chúng ta luôn luôn tin vào nó – đây là lửa thật và nó thiêu đốt. Và nó là như vậy, bản chất duy nhất của lửa là như vậy. Có một bản chất khác vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta mà chúng ta không biết. Chúng ta không thể hiểu được điều đó, vì thế chúng ta gặp rắc rối. Chúng ta cảm nhận mọi thứ với tâm phiền não, theo cách ta thấy, theo cách tôi muốn, chúng tôi muốn. “Tôi chỉ chấp nhận mọi thứ theo cách tôi muốn. Tôi không chấp nhận mọi thứ theo cách của anh mà chỉ theo cách của tôi.” Đây là một rắc rối lớn. Vì vậy, hiểu chân tâm, hiểu bản tánh của vạn pháp là việc thực sự vượt quá khả năng của chúng ta vào lúc này. Vì vậy, chúng ta cần được giáo dục để biết Kim Cương Thừa giáo dục con người như thế nào, Kim Cương Thừa nhìn bản chất của vạn pháp như thế nào. Vì lẽ đó, chúng ta thọ nhận quán đảnh, thọ nhận các giáo lý và nỗ lực xây dựng một cách hiểu mới để đạt chứng ngộ.

“Mật nguyện thứ hai trong số năm mật nguyện gốc
là tôn kính đức Kim Cương Thượng Sư.”

Mật nguyện thứ hai trong số năm mật nguyện gốc là tôn kính đức Kim Cương Thượng Sư. Tất nhiên chúng ta biết rằng đạo sư là rất quan trọng đối với đệ tử để thành tựu mục tiêu giải thoát. Vì vậy, đặc biệt trong Kim Cương Thừa, chúng ta đòi hỏi người tu phải thấy đức Bổn sư của mình, đức Kim Cương Thượng Sư, chính là Phật. Điều này rất quan trọng. Chúng ta có thể tìm hiểu tiểu sử, các câu chuyện đời của đức Milarepa, Naropa, của các bậc đạo sư vĩ đại để thấy họ chấp nhận mọi thứ như thế nào, họ xem đức Bổn sư của họ như thế nào. Tóm lại, giới nguyện thứ hai cần phải giữ là không được phá vỡ mật nguyện giữa mình và đức Bổn sư. Điếu rất quan trọng đối với người tu Phật, và có thể đối với các tôn giáo nói chung, là phải coi đạo sư là rất quan trọng. Bởi vì điều này phổ biến và ai cũng biết nên Thầy không cần phải nhắc lại hoặc đi vào chi tiết.

“Lựa chọn duy nhất mà chúng ta có bây giờ
là thay đổi suy nghĩ, cách nhìn chúng ta đang có về đức Bổn sư …”

Đôi khi rất khó để người tu có thể thấy rằng Guru của mình là luôn luôn thanh tịnh. Mặc dầu chúng ta biết rằng tri kiến thanh tịnh là quan trọng, nhưng đôi khi chúng ta vẫn nhìn thấy lỗi lầm của Guru, hành vi không thanh tịnh của Guru. Khi đó chúng ta phải tự nhủ mình: “Ồ đây là lúc tôi phải tu luyện tâm. Đây là lúc tôi phải giữ tri kiến thanh tịnh đối với đức Bổn sư.” Nếu bạn thấy lỗi lầm của Guru thì bạn không nên nói: “Ồ Ngài đang mắc sai lầm, Ngài rất tệ. Bây giờ tôi sẽ phá vỡ mật nguyện, phá vỡ kết nối.” Đây không phải là ý tưởng tốt, không phải là lối hành xử thông minh. Vì vậy, cần hiểu rằng tri kiến của chúng ta chưa thanh tịnh. Chưa đủ thanh tịnh. Đây là cách duy nhất, lựa chọn duy nhất chúng ta có vào lúc này. Bởi vì chúng ta đã xây dựng kết nối sâu sắc, đã thọ nhận nhiều giáo lý và giáo huấn. Vì vậy, nếu bây giờ bạn nói rằng: “Ồ thật tệ tôi dừng lại ở đây.” Thì đó là một sai lầm lớn cho bạn. Tóm lại, như đã nói ở trên, lựa chọn duy nhất mà chúng ta có bây giờ là thay đổi suy nghĩ, cách nhìn chúng ta đang có về đức Bổn sư, dòng truyền thừa, dòng phái, giáo lý. Và theo chúng ta sẽ dần dần tiến bộ, sẽ hoàn thiện cái nhìn thanh tịnh của mình.

“Tuy nhiên điều duy nhất lôi chúng ta tuột trở lại,
điều khiến chúng ta chậm tiến bộ chính là sự lười biếng.”

Việc này đòi hỏi thời gian, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể hoàn thiện được cái nhìn của chúng ta. Chúng ta có thể hy vọng, có nhiều hy vọng. Các hành giả trong quá khứ đã làm được điều đó thì tại sao chúng ta không làm được? Tất nhiên là chúng ta có thể làm được. Tuy nhiên điều duy nhất lôi chúng ta tuột trở lại, điều khiến chúng ta chậm tiến bộ chính là sự lười biếng. Thực sự đó là sự lười biếng. Khi lười biếng nổi lên thì bạn không tu luyện tâm mình, bạn không muốn trưởng dưỡng tri kiến thanh tịnh. Bạn chỉ ngồi đó và suy diễn cái này cái nọ. Đây là một trở ngại lớn. Đây là một cách tu hành không tốt, rất không tốt. Vì vậy, cách làm có ý nghĩa thực tế, cách làm thực sự cần thiết cho chúng ta là hết sức nỗ lực, thực sự nỗ lực để có được hiểu biết đúng đắn; và thực sự quan tâm tới việc rèn luyện, trau dồi [tâm] một cách liên tục. Hãy luôn luôn chuyên cần, tinh tấn. Đừng nên lúc thì thế này, lúc thì thế khác mà phải luôn luôn [tinh tấn].

Tóm lại, tinh tấn, kham nhẫn là cái chúng ta cần phải có để trưởng dưỡng tri kiến thanh tịnh về đức Bổn sư, về dòng truyền thừa. Chúng ta cần phải có nhiều phẩm tánh. Kham nhẫn là phẩm tánh đầu tiên. Tinh tấn, tất nhiên. Hai phẩm chất đó sẽ làm nên khác biệt lớn lao. Một phẩm chất nữa là sự hiểu biết – nó cũng rất quan trọng. Mà việc ta thấy được tầm quan trọng của những phẩm chất đó cũng là điều rất quan trọng. Thông thường các thói quen nổi lên, và do đó chúng ta không nhớ được những điều quan trọng. Chúng ta quên tất cả mọi thứ. Nhưng các bạn thường không thực sự nhận ra rằng các bạn đang quên mọi thứ. Các bạn nghĩ rằng: “Mọi thứ của tôi đều ổn.” “Đây là sự thật, anh ta không tốt, chị ta không tốt. Tôi tốt. Tôi hiểu tất cả. Thầy không cần phải nói tôi phải làm gì.”

“Nhưng vấn đề của chúng ta nằm ở chỗ: cái ngã của chúng ta quá lớn.”

Đây là một cung cách rất Mỹ. (cười) Nhưng đây là một rắc rối lớn. Vì vậy chúng ta phải nhìn nhận bản thân mình một cách giản dị. Hãy khiêm tốn càng nhiều càng tốt, hãy đơn giản càng nhiều càng tốt để chúng ta có thể thấy những người khác cao hơn; đặc biệt là thấy Guru, đạo sư, thấy bậc thầy của mình là cao hơn nhiều, quan trọng hơn bản thân mình nhiều. Nhưng vấn đề của chúng ta nằm ở chỗ: cái ngã của chúng ta quá lớn. “Tôi biết mọi thứ. Tôi thấy anh không tốt. Tôi thấy chị không tốt.” Chúng ta luôn phán xét kiểu như vậy. Điều này mâu thuẫn với hệ thống Kim Cương Thừa. Vì vậy chúng ta cần kham nhẫn, tinh tấn và hiểu biết. Ba phẩm chất này chúng ta cần ghi nhớ, từ bây giờ và luôn luôn như vậy.

“Tôn kính đức Kim Cương Thượng Sư
có nghĩa là lấy lại sức mạnh của tâm, sức mạnh của hiểu biết, của thực tại.”

Việc cần phải luôn luôn tôn kính đức Kim Cương Thượng Sư bất cứ khi nào, ở đâu là điều rất quan trọng. Tại sao chúng ta gọi đạo sư là Kim Cương Thượng Sư? Bởi vì đạo sư dạy cho bạn chân tánh của tâm, chân tánh giống-như-kim-cương. Chân tánh của tâm giống như kim cương, nó bất hoại, bất biến. Rất khó để chúng sinh phàm phu có thể hiểu được bản chất đó. Và điều đó gọi là vô minh. Khi vô minh nổi lên tất cả mọi chúng sinh hữu tình đều đánh mất bản tâm. Điều đó cũng có nghĩa là chúng sinh hữu tình bị đọa vào luân hồi. Đau khổ. Vì vậy tôn kính đức Kim Cương Thượng Sư có nghĩa là lấy lại sức mạnh của tâm, sức mạnh của hiểu biết, của thực tại. Đây là con đường duy nhất như đức Phật đã dạy.

“Con đường ngắn nhất, con đường thẳng nhất, con đường dễ nhất để theo
là con đường mà Kim Cương Thượng Sư đã chỉ.”

Không có Kim Cương Thượng Sư, không có các vị thầy thì không thể nào chúng ta có thể nhận ra chân tâm bản tánh của mình. Không có hiểu biết này, trí tuệ này thì không thể đạt được giải thoát. Vì vậy nếu giáo pháp là quan trọng đối với ai đó thì Kim Cương Thượng sư cũng như vậy, quan trọng không kém. Nếu ai thấy được điều này là quan trọng thì đó là một đệ tử tốt, một đệ tử Kim Cương Thừa tốt. Và đây là con đường duy nhất chúng ta cần phải theo. Đây là con đường duy nhất mà chúng ta có. Bất cứ con đường nào khác đều hoặc là cong queo, hoặc là quá dài hoặc là lạc hướng. Như vậy con đường ngắn nhất, con đường thẳng nhất, con đường dễ nhất để theo là con đường mà Kim Cương Thượng Sư đã chỉ.

“Giới thứ ba trong năm giới trọng cấm là ‘Không được ngừng trì chú’.”

Giới nguyện thứ ba. (giải thích lịch trình) Theo Thầy, giới này rất quan trọng. Chúng ta bây giờ là Kim Cương hữu, vì vậy rất cần hiểu những điều này và làm rõ những điểm này. Giới nguyện thứ ba trong năm giới trọng là không được ngừng trì chú.

Giới thứ ba trong năm giới trọng cấm là “Không được ngừng trì chú”. Ý nghĩa [của giới này] là gì? Nghĩa là bởi vì bạn đã trở thành một hành giả Kim Cương Thừa nên trách nhiệm của bạn là phải hành trì hàng ngày, hành trì ba pháp Tam Căn có tên gọi là Lama, Yidam và Dakini. Chúng ta phải hành trì một trong ba pháp đó hoặc cả ba pháp đó hàng ngày. Điều này rất quan trọng. Nếu một người hành trì nghiêm túc, là một hành giả tốt, một hành giả chân tu, thì họ thường muốn có bốn hay sáu thời khóa mỗi ngày. Bởi vì những hành giả đó đã dâng trọn cuộc đời cho Pháp nên họ có thể làm được điều đó. Rất tiếc là chúng ta thì không thể. (cười)

“Nếu bạn thực hành ngondro đầy đủ tức là
bạn đang thực hành cả ba pháp [Tam Căn] cùng một lúc.”

Vì vậy nên việc trì chú là rất quan trọng. Và các bạn có thể đưa vào [hành trì] ba pháp đã nêu. Thầy biết nhiều người trong các bạn đang tu Guru Yoga. Điều này rất tốt vì nó bao gồm [thực hành] Tam Căn. Guru Yoga chính là thực hành Guru. Còn thực hành pháp Vajrasattva là thực hành Yidam. Và quán mình là Vajrayogini, nhập vào Vajrayogini là thực hành Dakini. Tóm lại, nếu bạn thực hành ngondro đầy đủ tức là bạn đang thực hành cả ba pháp [Tam Căn] cùng một lúc.

Đây là một điều rất hữu ích và thực tế. Đó là tại sao Thầy hay nói “ngondro, ngondro, ngondro.” Nhiều người hỏi: “Vị này có sao không? Tại sao lúc nào cũng ‘ngondro’?” Thế nhưng Thầy biết điều này quan trọng, và Thầy cũng biết bệnh lười biếng của các bạn. (cười). Thật ra Thầy đã rút bản kinh dài và bản trung thành bản ngắn nhất. Một số người phàn nàn: “Ồ, quá ngắn.” Thầy biết khi tâm trạng họ tốt thì nó là quá ngắn, nhưng khi tâm trạng họ không tốt thì thậm chí bản ngắn cũng là quá dài đối với họ. (cười).

 

Hết bài giảng ngày 24.8.2013

 

Bản tiếng Anh chép từ MP 3 bài giảng ngày 24.08.2013, Hungkar Dorje Rinpoche.

Việt dịch: Lotsawa (Hiếu Thiện)
___________________________________

Chú thích:

* Tiêu đề do người dịch đặt để tiện cho người đọc

Tải về
pdf
word
CHIA SẺ