TÂM CHÍ TÍN THÀNH LÀ CỐT TỦY – Không Phải Thông Minh hay Tài Giỏi*

3.8.2019, Dawu, Golok

“Cái có thể giữ bạn trên con đường đạo đúng đắn chính là tâm chí tín thành.”

Xác tín nội tại – khi bạn làm một cái gì đó đúng. Đặc biệt là thiền vô niệm, thiền tánh không, thiền Rigpa (giác tánh) – không còn khái niệm, không còn vọng niệm. [Để biết] mình đang làm đúng hay sai trước tiên bạn cần có một giáo huấn rõ ràng. Và bạn phải rèn luyện thói quen an trụ trong tánh. Bởi khi bạn chưa quen với nó, chưa huân tập được thói quen tốt thì rất khó trụ lại trong cảnh giới đó – bạn sẽ bị tán tâm. Các tạp niệm cứ khởi lên như những đám mây, liên tục không ngừng và không tự giải thoát được. Tuy nhiên, khi bạn có có năng lực [an trụ] đó rồi, bạn biết phải làm như thế nào rồi, thì tất cả mọi thứ trở nên hoàn toàn tự nhiên. Đồng thời lúc đó bạn có được một xác tín rất mạnh mẽ, rõ ràng, sáng tỏ ở bên trong. Xin hãy nhớ: chúng ta nói rằng đó là chánh niệm tự nhiên, xác tín tự nhiên; và điều này hoàn toàn không giống như những khái niệm, những ý nghĩ thông thường.

Để đạt tới cái kiến cao như vậy, trước hết cần tu pháp Guru Yoga nhiều, nhằm nuôi dưỡng tâm tín thành kiên định, mạnh mẽ, bất thối chuyển và chân thực đối với Guru. Có nghĩa là bất cứ điều gì Guru nói bạn phải chấp nhận, không một nghi ngờ nào cả. Không có ý nghĩ thứ hai. Chỉ nói “Vâng” với bất cứ điều gì Guru nói. Nhưng hiện nay chúng ta không như vậy. Chúng ta tranh cãi, chúng ta sử dụng trí thông minh của mình để tranh đấu và lý sự với Guru. Các bạn nói rằng Guru nói như thế nhưng điều đó có thể không đúng. Khi các bạn có loại ý nghĩ, khái niệm kiểu như vậy trong tâm thì các bạn chưa hòa được tâm mình vào cảnh giới [hợp nhất với tâm của Guru]. Nghĩa là không còn khái niệm, không còn vọng niệm, mà rất xác tín, sự xác tín rất an bình, rất chân thực ở bên trong. Điều này [hoàn toàn] không giống như sự tin tưởng bằng tâm trí vào một cái gì đó. Đây là một điều hoàn toàn khác. Đây là tin tưởng tự nhiên, chánh niệm tự nhiên, tỉnh giác tự nhiên, xác tín tự nhiên.

“Không phải tài giỏi, thông minh, khôn ngoan
mà là tâm chí tín thành chân thực.”

Đối với một hành giả Phật giáo, đặc biệt một hành giả Kim Cương thừa, và thậm chí đặc biệt hơn – một hành giả Dzogchen, thì cái quan trọng nhất là tâm chí tín thành. Không phải tài giỏi, thông minh, khôn ngoan mà là tâm chí tín thành chân thực. Chỉ tâm chí tín thành chân thực mới có khả năng trực nhận, thấu hiểu chân tánh thực tại. Có nhiều người rất thông minh, tài giỏi – họ nhớ được nhiều bộ kinh và có thể đánh thắng Phật Thích Ca. Họ rất thông minh, biết ý nghĩa của nhiều giáo lý, nhưng do thiếu tâm tín thành họ không đạt được được trải nghiệm nội quán và vẫn lang thang trong huyễn cảnh của luân hồi. Cuối cùng họ bị đọa ác đạo, đọa địa ngục.

Vì vậy tất cả mọi giáo lý, tất cả chư đạo sư [các đạo sư của giáo lý Kim Cương thừa và Dzogchen vĩ đại] luôn đặc biệt yêu cầu trước hết là tâm chí tín thành, rồi sau đó mới là trí óc thông minh. Điều này rất có ý nghĩa bởi vì chúng ta có thể thấy có những đệ tử thân cận của Phật, họ đã không đạt được tri kiến thanh tịnh và chứng ngộ mà chỉ nuôi lớn tâm ngã mạn, đố kỵ, thù hận. Họ gây ra rất nhiều chướng ngại, khó khăn và thậm chí mưu toan sát hại Phật. Vì vậy, không có tâm chí tín thành thì không có thành tựu nào cả. Bạn có thành công trên đạo lộ hay không phụ thuộc hoàn toàn vào lòng tin và tâm chí tín thành.

“Nếu các bạn nghĩ rằng mình rất thông minh
thì có nghĩa là các bạn đang nuôi lớn cái NGÃ của mình.”

Thầy khuyên tất cả các bạn ở đây: trước hết hãy tự kiểm tra [bản thân] và chế ngự cái NGÃ của các bạn. Nếu các bạn nghĩ rằng mình rất thông minh thì có nghĩa là các bạn đang nuôi lớn cái NGÃ của mình. Điều đó có nghĩa là các bạn không có lòng tin, các bạn đang làm suy giảm tâm tín thành đối với Tam Bảo, với giáo lý, với Guru và pháp tu của mình. Khi bạn học quá nhiều, khi các bạn đi đây đó quá nhiều, thấy quá nhiều thứ thì bạn không còn làm việc với cái tâm của mình nữa, mà chỉ đang tạo thêm nhiều nghi ngờ, do dự trong tâm. “Ồ, cái này tốt hơn, cái kia thì không tốt lắm!” Và bạn đánh mất cân bằng nội tại trong tâm. [Khi đó] sẽ có nhiều vọng tưởng nhị nguyên trong tâm hơn [so với nếu] bạn tự giữ mình một cách khiêm hạ.

“Vậy xin hãy giữ mình càng khiêm hạ, càng bình dị càng tốt, để có thể dễ dàng làm việc với cái NGÃ và những ý nghĩ không trong sạch của mình hơn.”

Thầy thấy nhiều người chạy khắp nơi, chỗ này chỗ nọ, khắp ba thời mười phương (Rinpoche cười). Đồng thời họ tạo nên đủ thứ rắc rối, phiền não ở mười phương. Theo Thầy tâm họ tán loạn khắp nơi và họ không biết trụ tâm mình vào đâu nữa. Đó là một tai họa lớn. Thầy có nhiều kinh nghiệm [về vấn đề này]. Vậy xin hãy giữ mình càng khiêm hạ, càng bình dị càng tốt, để có thể dễ dàng làm việc với cái NGÃ và những ý nghĩ không trong sạch của mình hơn.

Đây là sự thật: càng thấy nhiều thứ bạn lại càng có nhiều ý nghĩ tán tâm. Thầy không nghĩ rằng bạn chẳng nhìn thấy gì cả. Khi bạn thấy một thứ, bạn khởi một vọng niệm. Khi bạn nghe một thứ, bạn sẽ khởi ít nhất vài vọng niệm. Càng nghe nhiều, thấy nhiều thì càng nhiều vọng niệm khởi lên. Đây không phải là một phương cách tốt lành để tu đạo. Theo Thầy, chúng ta nên cố gắng giữ mình bớt bận rộn. Bởi vì khi bạn chạy đây chạy đó, bạn sẽ để tâm tán loạn. Bạn không còn trụ trong chánh niệm và bình an nữa. Bạn sẽ phan duyên. “Ồ cái này đẹp, nhưng không đẹp như cái kia!” Bạn khởi lên nhiều nhận xét, phê bình trong tâm.

“Vì vậy, hãy cố gắng làm mòn tọa cụ bằng cách ngồi hành trì, đừng làm mòn đôi giày của bạn bằng việc đi lòng vòng.”

Làm như vậy chẳng ích lợi gì. Và chúng ta cần kiểm soát bản thân như Ngài Milarepa đã nêu một tấm gương sáng. Ngài không chạy đây chạy đó. Ngài giữ mình ở một nơi yên tĩnh, bởi vì chỉ bằng cách đó Ngài mới quán tâm mình dễ dàng. Nếu bạn chạy khắp nơi thì tâm bạn cũng chạy khắp nơi, và không cách nào đưa nó về [chánh niệm] được. Theo Thầy, các bạn nên cố gắng làm được điều này. Người Tạng có câu: “Ngồi có sức mạnh hơn đi. Đi lòng vòng đó đây, bạn chỉ làm hỏng đôi giày của mình mà chẳng được gì cả. Ngồi có thể làm mòn tọa cụ nhưng ít nhất bạn được một cái gì đó nhờ tụng niệm.” Đây là một câu nói rất quan trọng ở Tây Tạng. Vì vậy, hãy cố gắng làm mòn tọa cụ bằng cách ngồi hành trì, đừng làm mòn đôi giày của bạn bằng việc đi lòng vòng. Đây là suy nghĩ của Thầy và điều này rất quan trọng.

Nói chung, chúng ta đều biết ngồi thì khó hơn đi. Có đúng không? Đi thì dễ hơn. “Tôi đi đằng kia, tôi đi đằng này.” Hãy ngồi đây yên lặng nửa tiếng đồng hồ. Bạn không muốn ngồi quá lâu bởi vì “Tôi thấy chán, tôi thấy mệt, tôi muốn ngủ.” Và bạn không thể ngồi ngay ngắn được. Tóm lại, điều này (ngồi) khó hơn nhiều. Và ngồi có nghĩa là bạn đang làm một cái gì đó rất thật, còn đi nhiều chẳng có mấy ý nghĩa gì. Có thể bạn cũng chỉ trông cái nọ rồi ngắm cái kia – toàn những chuyện tầm phơ vô ích mà thôi. Còn ngồi có nghĩa là bạn đang quán chiếu những thứ trong tâm và đây là sự khác biệt. Và ngồi thật không dễ dàng [so với] đi.

“Còn nếu bạn thiếu lòng tin mà lại có đủ thông minh, tài giỏi thì bạn đang tạo ra nhiều tai họa và chướng ngại.”

Người ta thường không ngồi nhiều. Họ chỉ ngồi khi mệt mà thôi. Thầy không nghĩ rằng họ đang tỉnh thức, đang tu chánh niệm, tỉnh thức. Tóm lại, cái mà mà người tu hành [thường] thiếu chính là ngồi. Ngồi đòi hỏi nhiều nỗ lực. Chúng ta có thể mệt mỏi, chân có thể đau vân vân. Không dễ dàng. Tất nhiên, chúng ta phải giữ cân bằng. Nếu bạn ngồi và không cử động nhiều giờ thì cũng không tốt. Tuy nhiên, việc ngồi thiền có thể kết hợp với thả bộ. Thả bộ khác với đi. Thả bộ là bước ít bước như một bài rèn luyện thể chất. Đi có nghĩa là đi trong luân hồi, đi theo tâm tham hoặc một cái gì đó. Đây là sự khác biệt.

Vì vậy, khi bạn có đủ khiêm tốn và lòng tin thì bạn đang nỗ lực thành tựu một cái gì đó. Còn nếu bạn thiếu lòng tin mà lại có đủ thông minh, tài giỏi thì bạn đang tạo ra nhiều tai họa và chướng ngại. Tóm lại, cái làm cho chúng ta trở thành hành giả tốt là tâm chí tín thành chứ không phải thông minh và tài giỏi. Trong truyền thống Kim Cương thừa đặc biệt nhấn mạnh: “Tâm chí tín thành, tâm chí tín thành và tâm chí tín thành.”

“Không có lòng tin và tâm chí tín thành thì giáo huấn không có tác dụng gì cả. Giáo huấn trở thành vô dụng.”

Một đệ tử hỏi Ngài Atisha: “Xin Đức Atisha ban cho con giáo huấn tốt lành.” Đức Atisha trả lời: “Lòng tin và tâm chí tín thành, chí tín thành, chí tín thành. Đây là giáo huấn.” Chúng ta không hề biết rằng tâm chí tín thành tự nó là giáo huấn, có phải không? “Con có tâm chí tín thành nhưng con không có giáo huấn.” Thật ra không có sự khác biệt giữa tâm chí tín thành và giáo huấn, bởi vì không có lòng tin và tâm chí tín thành thì giáo huấn không có tác dụng gì cả. Giáo huấn trở thành vô dụng. Vì vậy, giáo huấn có thật sự sống [hay không] phụ thuộc vào tâm chí tín thành. Điều này rất quan trọng. Và Thầy có kinh nghiệm của nhiều năm thực hành Pháp. Điều quan trọng nhất là tâm chí tín thành chứ không phải đầu óc thông minh.

“Có tâm chí tín thành chân thực đã, rồi sau đó mới học hành, nghiên cứu, mới công phu thiền định.”

Tất nhiên việc học tập là rất quan trọng nhưng tâm chí tín thành còn quan trọng hơn. Khi có tâm chí tín thành thì văn, tư, tu và tất cả mọi thứ đều quan trọng; bởi vì [khi đó] tất cả mọi thứ trở nên rất lợi lạc và hiệu quả. Còn khi bạn không có tâm chí tín thành thì việc văn, tư, tu của bạn là rỗng tuếch, chỉ là hình tướng bên ngoài, không có mấy lợi lạc. Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực để trước hết có lòng tin, trước hết có tâm chí tín thành chân thực đã, rồi sau đó mới học hành, nghiên cứu, mới công phu thiền định.

Chúng ta có đủ duyên lành để nuôi dưỡng tín tâm, bởi vì chúng ta đã nghe và biết những lợi lạc của lòng tin. Nhưng như Thầy đã nói, chúng ta cũng biết rằng có nhiều vị tăng Tây Tạng rất uyên bác nhưng thiếu lòng tin và tâm tín thành đối với Tam Bảo. Thậm chí họ không tin nhân quả. Họ phê phán lý nhân duyên và luật nhân quả. Điều đó hiện đang xảy ra ở Tây Tạng. Việc này cho thấy thông minh, tài giỏi đôi khi có thể trở thành những nhân xấu. Cái có thể giữ bạn trên con đường đạo đúng đắn chính là tâm chí tín thành. Nếu bạn khảo sát điều này một cách trung thực thì bạn sẽ hiểu được [điều này].

“Đôi khi chúng ta cần phải cẩn thận để đừng quá thông minh.”

Hiện giờ chúng ta quá bận rộn nên không thể quán chiếu cẩn thận, kỹ lưỡng được. Chúng ta không có thời gian để suy nghĩ thử xem óc thông minh là quan trọng hay lòng tin là quan trọng. Chúng ta không thực sự tư duy quán chiếu. Trong xã hội ngày nay, thiên hạ thường coi trọng trí thông minh. “Ồ, tôi phải có trí khôn, đầu óc thông minh.” Nhưng đôi khi loại kiến thức đó, hiểu biết đó có thể mang đến tai họa cho cuộc sống con người. Đôi khi chúng ta cần phải cẩn thận để đừng quá thông minh. (Rinpoche cười). Quá thông minh đôi khi thành ra lừa đảo. Bạn sẽ làm những điều lén lút, vụng trộm, mà chính tự bạn cũng không biết bản thân mình thật rõ ràng. Bạn tự nhủ: “Tôi có thể làm được điều này. Tôi có thể cố gắng làm điều này,” nhưng thật ra bạn đang lừa dối mọi người. Bạn đang lừa dối mọi người và đôi khi bạn đang tự lừa dối bản thân. Đó cũng là một loại thông minh nhưng không phải là cái chúng ta muốn.

Có hai vị tăng rất nổi tiếng là thị giả của đức Phật Thích Ca. Một người là anh của Ngài Ananda, anh em họ của Phật Thích Ca, tên là Devadatta (Đề-bà-đạt-đa). Còn người kia là một vị tỳ kheo rất nổi tiếng tên là Sunakwatra** (Thiện Tinh). Giữ giới rất nghiêm – bên ngoài các hành vi của ông ta là hoàn hảo nhưng bên trong ông ta thật đảo điên vì không có lòng tin và tâm chí tín thành.

Đề-bà-đạt-đa là anh em họ, là thị giả của Phật. Ông ta rất thông minh. Đề-bà-đạt-đa chế ra nhiều thứ theo cách riêng của ông ta. Ông ta đã xây dựng một dòng phái riêng và công kích, chê bai Phật. Ông ta tạo nhiều ác nghiệp vì có cái nhìn sai lạc và ác tâm đối với Đức Phật. Ông ta không có một chút lòng tin hay tâm thành tín. Đề-bà-đạt-đa không có lòng kính trọng đối với Đức Phật, tuy nhiên ông ta rất thông minh, tài giỏi và thậm chí đắc một số thần thông. Đề-bà-đạt-đa rất khỏe và về mặt thể chất ông ta có thể đánh bại Đức Phật. Ông ta đã mưu toan sát hại Đức Phật nhiều lần. Không có lòng tin vào Đức Phật nhưng ông ta lại có đủ khôn ngoan để tấn công và làm hại Phật.

Vị tăng khác có tên là Sunakwatra (Thiện Tinh), thị giả rất quan trọng của Phật suốt 25 năm. Sau 5 năm phục vụ Đức Phật ông ta tuyên bố: “Tôi không nhìn thấy bất cứ một phẩm hạnh nào của ông. Ông chỉ có một vầng hào quang xung quanh thân mà thôi. Ngoài điều này ra ông không có một phẩm hạnh nào khác. Ông và tôi cũng giống như nhau thôi. Cái ông biết tôi cũng biết. Tất cả những bộ kinh ông dạy tôi đều nhớ thuộc.” Khi vị tỳ kheo này chết, ông ta liền tái sanh làm ngạ quỷ – một quỷ đói dễ sợ. Người anh em họ Đề-bà-đạt-đa khi chết cũng lập tức bị đọa địa ngục.

“Nếu không có tâm chí tín thành thì sẽ không có Pháp.
Trí thông minh và tri thức sẽ không làm việc một cách đúng đắn.”

Thiếu vắng lòng tin, cho dù bạn có ở trong môi trường của Phật, Pháp, Tăng thì cũng vô ích mà thôi. Thậm chí bạn sẽ biến [thiện] duyên ấy thành hiểm họa cho bản thân mình. Bất cứ khi nào có dịp Thầy đều nói về những điều này. Có thể lời giảng của Thầy đã thành quá quen đối với các bạn. Các bạn nghĩ: “Ồ, Rinpoche lại nói về tâm chí thành chí tín!” Bởi vì tâm chí tín thành quan trọng đến như vậy. Bởi vì, nếu không có tâm chí tín thành thì sẽ không có Pháp. Trí thông minh và tri thức sẽ không làm việc một cách đúng đắn. Bạn có thể biết nhiều bộ kinh, có thể là một geshe vĩ đại, khenpo vĩ đại nhưng nếu thiếu vắng lòng tin bạn chỉ là kẻ rỗng tuếch.

Hình tướng rỗng tuếch và tâm rỗng tuếch. Không có gì cả. Vì vậy, nếu muốn thành tựu trên đường tu, trong cuộc đời qua việc tu hành Pháp Phật thì bạn phải hiểu được cái cốt tủy, cái quan trọng nhất để thành công.

 

Hết trích đoạn

 

Việt dịch: Lotsawa (Hiếu Thiện)

Chép lời giảng tiếng Anh: Quang Minh Hải (Tú Lan)

Trích từ MP 3 bài giảng ngày 3.8.2019: https://lienhoaquang.com/q_rndlucs

______________________

Chú thích:

*Tên do người dịch đặt để tiện cho người đọc. Đây là trích bài giảng 3.8.2019 tại Dawu, Golok

**Tiếng Phạn Sunakwatra, Pali Suna-kkhatta, Việt – Thiện Tinh.

Tải về
pdf
word
CHIA SẺ