Guru Rinpoche

GURU RINPOCHE, một trong những bậc lão thông của Phật giáo Ấn Độ, là vị sáng lập Phật giáo ở Tây Tạng. Ngài được gọi là Padmasambhava (Padma ‘Byung gNas), Liên Hoa Sanh, và Guru xứ Oddiyāna. Ở Tây Tạng ngài thường được gọi là Guru Rinpoche, Đạo sư Tôn quý. Những hành giả phái Nyingma tôn kính ngài như Đức Phật thứ hai.

Trước khi đi vào cuộc đời của Guru Rinpoche, tôi muốn thảo luận một ít về những vấn đề mà chúng ta có thể có trong việc thấu hiểu một cuộc đời đầy năng lực, bí mật, huyền bí và giác ngộ như cuộc đời của Guru Rinpoche.

Làm cách nào một bậc lão thông có thể thực hiện những điều huyền nhiệm và đạt được thân ánh sáng? Prahevajra, Manjushrīmitra, Shrīsimha, Jnanasūtra, Vimalamitra, và Guru Rinpoche và những phối ngẫu của ngài, cũng như nhiều đệ tử của ngài, là những hiển lộ của chư Phật hay những bậc giác ngộ cao cấp. Cuộc đời và thọ mạng của các ngài không bị giới hạn như cuộc đời của một người bình thường. Những hiển lộ của chư Phật trong thân tướng của những bậc lão thông vĩ đại thỉnh thoảng xuất hiện trong lịch sử của thế giới, nhưng rất hiếm hoi. Prahevajra, Manjushrīmitra, Shrīsimha, và Jnanasūtra đã tan hòa thân hiển lộ của các ngài vào Pháp thân, không để lại nhục thân vào cuối đời. Bởi các ngài đã thành tựu việc làm chủ được thọ mạng của mình nên các ngài sống nhiều thế kỷ. Nhờ sự uyên bác và hiến dâng cho thiền định Nyingthig, Vimalamitra đã thành tựu thân của sự đại chuyển hóa, và ngài vẫn còn ở trong thân ánh sáng này và sẽ ở trong thân tướng đó hàng ngàn năm. Và mặc dù là một hiển lộ của Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Vô Lượng Quang, nhưng Guru Rinpoche đã hiển lộ là một bậc đầy năng lực đang theo đuổi việc tu tập bí mật để thành tựu những kết quả hầu mang lại lợi lạc cho chúng sinh. Ngài cũng được tin là ở trong thân ánh sáng của sự đại chuyển hóa.

Những thành tựu của các vị lão thông này không chỉ ở sự trường thọ của thân khả tử (có thể chết) của các ngài hay ở việc đạt được một thân siêu cảm giác (an astral body – thể vía), mà còn ở chỗ thành tựu thân giác ngộ, ánh sáng tự-xuất hiện của giác tánh nội tại, Phật tánh. Mặc dù đối với những người bình thường như chúng ta, ta không thể nhìn thấy thân ánh sáng như nó là, nhưng khi ta có thể nhận được những lợi lạc thì ta sẽ nhìn thấy nó trong những hình thức thích hợp với bản tánh của ta.

Khi chúng ta nghe kể những câu chuyện về những bậc lão thông sống hàng thế kỷ hay phô diễn những điều huyền diệu, hầu hết chúng ta đều do dự trong việc chấp nhận những chuyện như thế, đó là may mắn lắm. Ngoài ra cũng có những người đọc về các bậc lão thông và thưởng thức những câu chuyện về sự trường thọ và những điều huyền diệu nhưng không thể chấp nhận những câu chuyện đó bởi chúng không phù hợp với những điều họ đang kinh nghiệm. Tuy thế hầu hết các nền văn hóa và tôn giáo cổ đã ghi chép những sự kiện có liên quan tới những người siêu phàm, và những thành tựu siêu nhiên chẳng hạn như sự trường thọ và phô diễn những năng lực huyền diệu, là kết quả của sức mạnh tâm linh sâu thẳm và năng lực thiền định, chứ không phải bởi năng lực vật chất.

Ngày nay chúng ta đang chứng kiến những điều huyền diệu về vật chất, là những điều mà thời xa xưa người ta không thể nào tin được, nhưng chúng ta đã hay đang mất đi sự tiếp xúc với năng lực thâm sâu của ta. Chúng ta đã trở thành những nô lệ đơn thuần của thế giới vật chất bên ngoài. Vì thế vấn đề không nằm ở chỗ những năng lực bí mật có vô căn cứ hay không, mà đúng hơn chúng ta đang tự biến mình thành những kẻ xa lạ với năng lực thực sự của chân lý thâm sâu của chính ta, giống như một người dấu kín của cải ở nhà và đi ăn xin trong đường phố.

Tại sao cần phải nghiên cứu những hiển lộ của Đức Phật? Nếu những Đạo sư như Guru Rinpoche là những hiển lộ của chư Phật, thì tại sao các ngài phải kinh qua việc tu tập mãnh liệt và tại sao các ngài phải đối mặt với những chướng ngại? Có hai vấn đề. Trước hết, những hiện thân của chư Phật sẽ xuất hiện và sẽ thực hiện những hoạt động của các ngài một cách nghiêm nhặt trong bất kỳ thân tướng và vai trò nào mà các ngài hiển lộ. Nếu các ngài hiển lộ như những viên chức xã hội, các ngài sẽ hoàn thành vai trò đó bằng cách trở thành người cung cấp thực phẩm, chỗ ở, và thuốc men, hay các ngài sẽ làm việc để củng cố những giá trị đạo đức và gia đình, cho dù các ngài là những hiện thân Phật. Vì thế, nếu những bậc lão thông đã hiển lộ như các Đạo sư bí mật, các ngài sẽ đóng vai trò học tập như những học viên, thực hành như những thiền giả, và thành tựu như những bậc lão thông – giống như, nếu quí vị làm một cái muỗng bằng vàng, nó sẽ thực hiện chức năng là một cái muỗng, và nếu quý vị làm một vật trang sức bằng vàng thì nó sẽ thực hiện chức năng của một vật trang sức; cho dù vàng là một kim loại quý có thể được giữ gìn như một phần của các kho tàng quốc gia.

Thứ hai, những hiển lộ (Nirmānakāya, Hóa thân) khác nhau xuất hiện không phù hợp với viễn cảnh của Đức Phật mà phù hợp với viễn cảnh của những người bình thường, bởi các ngài xuất hiện với những người này để phụng sự họ. Thông thường, những người bình thường không có nghiệp và những tính khí tốt nhất để có thể nhìn thấy, cảm nhận, hay đón tiếp những đấng tuyệt hảo trong các hiển lộ. Tùy theo tính chất về nghiệp hay cảm xúc của họ, vai trò của sự hiển lộ cũng sẽ bị giới hạn. Ngay cả những bậc lão thông vĩ đại như Guru Rinpoche cũng bị những người bình thường nhìn thấy trong thân tướng bình thường hay giống như thân tướng bình thường chứ không ở trong thân ánh sáng của sự đại chuyển hóa. Khi Guru Rinpoche ở Tây Tạng, có một thời gian Vua Trisong Detsen khó có thể tin rằng Đức Liên Hoa Sanh ở trong thân ánh sáng. Trước sự nài nỉ của Guru Rinpoche, nhà vua dùng nắm tay đấm ngài ba lần, và mỗi lần như thế nhà vua không thể chạm vào thân ngài mà chỉ chạm vào ghế ngồi của ngài.

Những bậc lão thông vĩ đại chẳng hạn như Prahevajra và Guru Rinpoche không chỉ là các hiển lộ của chư Phật, mà hiển lộ như những bậc có tài năng với những phẩm tính của các bậc lão thông. Các ngài có năng lực và trí tuệ giác ngộ phi thường. Các bậc lão thông như các ngài đã biểu lộ năng lực hiển lộ nhiều thân tướng trong một thời gian, làm cho nhiều thân tướng biến thành một, và phô diễn những yếu tố (các đại) đối nghịch, chẳng hạn như nước và lửa hòa hợp nhau, phù hợp với tính chất của nghiệp và tâm thức và nhu cầu của các đệ tử là thính giả của các ngài. Tất cả những hiển lộ kỳ diệu đó có thể có do bởi nghiệp thuần thục của nhiều người ở thời gian và nơi chốn đó.

Tại sao có những tường thuật khác nhau về cuộc đời của những bậc lão thông? Đặc biệt là cuộc đời của Guru Rinpoche là một trong những cuộc đời kỳ diệu nhất có thể có trong bất kỳ lịch sử của thế giới tâm linh nào, và vì thế nó xuất hiện với rất nhiều biến thể. Những tường thuật khác nhau không hàm ý một tường thuật là đúng và những tường thuật khác là sai. Những hiển lộ của cuộc đời của các bậc lão thông xuất hiện một cách khác biệt cho những người khác nhau ở những nơi chốn và thời gian khác nhau để họ được phụng sự trong cách thế thích hợp nhất. Trong nhiều trường hợp, một hiển lộ duy nhất trong một phút chốc duy nhất được những người khác nhau nhìn một cách khác biệt. Đó là bởi năng lực giác ngộ của các bậc lão thông, sự điều phục tối thượng của các ngài đối với những hình thức huyễn hóa, thời gian, và không gian của các hiện tượng bình thường. Đó là vấn đề rốt ráo, nó làm cho năng lực của các Đạo sư hoàn toàn thành tựu trở nên phi thường, và tạo nên một suối nguồn vĩ đại của sự gia hộ và năng lực tích cực cho những người khôn ngoan, khoáng đạt, và sùng mộ. Ngoài ra, toàn bộ lý do tại sao những hiển lộ của Đức Phật xuất hiện trước những người bình thường như chúng ta là bởi những tính chất và nhu cầu của ta, là những chúng sinh khác nhau, chứ không phải bởi áp lực thuộc về nghiệp và tập khí của những ý niệm, cảm xúc, và hành động của các hiển lộ.

Trong số nhiều bản tường thuật khác nhau về tiểu sử của Guru Rinpoche do các đại học giả biên soạn hay do các đại tertön, là những người thừa kế tâm linh của ngài, khám phá, có nhiều bản mà những người bình thường như bản thân tôi có thể nhận thức được. Dựa vào những nguồn mạch đó, dưới đây là một tường thuật vắn tắt về cuộc đời của Guru Rinpoche.

Sau khi Đức Phật nhập diệt tám năm (hay theo một số người thì là mười hai), một hiển lộ của Đức Phật A Di Đà mà sắc thân được tô điểm bằng những tướng tốt ra đời không bằng thai tạng của một người đàn bà (thai sanh) mà được sinh ra một cách tinh khiết (hóa sanh) trong một hoa sen trong Biển Sữa ở tây bắc của xứ Oddiyāna giữa những dấu hiệu kỳ diệu.

Vào lúc đó, có một vị vua vĩ đại rộng lượng tên là Indrabhūti ở Oddiyāna. Trong nhiều năm, ngài đã cung cấp mọi nhu cầu vật chất cho những người nghèo khó cho tới khi nhà kho của ngài trống không. Giờ đây ngài không còn gì để bố thí và ngài cũng mất thị lực. Ngài không có con kế nghiệp để chăm sóc cho thần dân. Mặc dù vậy, với lòng can đảm và nhiệt thành thường có trong việc cung cấp những nhu cầu cho dân chúng, bất chấp những chống đối của các thượng thư, đích thân ngài cùng với vị thượng thư trung thành Krishnadhara và một số đông thủy thủ vượt biển để tìm những viên ngọc như ý. Trên đường trở về, sau khi đã có những viên ngọc và cũng phục hồi được thị lực nhờ năng lực của những viên ngọc, nhà vua và vị thượng thư nhìn thấy một đứa trẻ khoảng tám tuổi đẹp lạ lùng đang ngồi trên một hoa sen nở giữa Biển Sữa. Hết sức kinh ngạc, nhà vua hỏi cậu bé: “Cha mẹ của ngươi là ai? Ngươi thuộc dòng dõi nào? Tên ngươi là gì? Ngươi ăn gì? Ngươi làm gì ở đây?” Để trả lời cậu bé hát những vần kệ sau đây bằng một giọng thật quyến rũ:

Cha tôi là giác tánh nội tại, Samantabhadra.
Mẹ tôi là Pháp giới tối thượng, Samantabhadrī.
Dòng dõi của tôi là sự hợp nhất giác tánh nội tại và Pháp giới tối thượng.
Tên tôi là Liên Hoa Sanh vinh quang.
Xứ sở của tôi là pháp giới vô sanh.
Tôi ăn những tư tưởng bất nhị.
Vai trò của tôi là thành tựu những hoạt động của chư Phật.

Khi họ nghe những lời này, lòng tin và niềm hỉ lạc bừng nở trong trái tim của mỗi người. Cậu bé chấp nhận lời mời của vua và đi theo họ. Nhà vua nuôi cậu bé và đưa về cung điện, ở đó nhà vua phong cho cậu bé làm thái tử. Vào lúc đó Guru Rinpoche được gọi là Padmasambhava, Liên Hoa Sanh.

Thêm một lần nữa, nhà vua và các thần dân vui hưởng sự thịnh vượng. Vua ban những tặng phẩm hào phóng cho tất cả những người nghèo khó trong quốc gia. Cả nước đều được hưởng hạnh phúc và an bình. Thái tử trẻ tuổi được học nhiều bộ môn và xuất sắc trong việc học tập và những cuộc thi đấu điền kinh. Sau đó ngài cưới Dākini Prabhāvatī (Bậc có Ánh sáng) và phụng sự vương quốc phù hợp với luật lệ của Giáo Pháp. Vào lúc đó ngài được gọi là Vua Shikhin (Đấng đội Khăn Xếp).

Guru Rinpoche biết rằng bằng cách phụng sự trong vai trò của một vị vua, ngài sẽ không thể phục vụ những nhu cầu thực sự, những lợi lạc tâm linh của những người khác. Ngài thỉnh cầu nhà vua cho phép ngài từ bỏ vương quốc nhưng bị từ chối. Sau đó ngài nhận ra những phương tiện thiện xảo để tẩu thoát. Nhờ năng lực của sự tiên tri, ngài nhận ra rằng cái chết sắp đến với con trai của vị thượng thư độc ác Kamata do nghiệp trước đây của cậu bé. Vì thế trong khi họ đang cùng nhau nhảy múa, Guru Rinpoche để cho chiếc chĩa ba của ngài tuột khỏi tay và giết chết cậu bé. Thật đau buồn, nhà vua chiếu theo luật lệ nghiêm khắc của vương quốc và đày ngài đi lang thang trong các hầm mộ. Khi cáo từ, Guru Rinpoche hát cho cha mẹ ngài:

Mặc dù hiếm khi nhận ra thiện tâm của cha mẹ,
Các ngài đã chăm sóc con như cha mẹ và tôn phong con.
Con trai của thượng thư đã chết dưới tay con bởi món nợ nghiệp của nó.
Cho dù con bị trục xuất, nhưng không có gì phải sợ hãi, bởi con không dính mắc điều gì.
Cho dù con bị tử hình, không có gì phải sợ hãi, bởi đối với con sinh và tử đều như nhau.
Thật là tuyệt vời khi con bị trục xuất, bởi đối với nhà nước, luật lệ thật thiêng liêng.
Cha và mẹ, xin ở lại an lành.
Do mối liên hệ nghiệp, chúng ta sẽ còn gặp lại.

Guru Rinpoche bị đày ở mộ địa Shītavana. Ở đó ngài thực hành những bài tập bí mật và nhìn thấy những Bổn Tôn hòa bình. Kế đó ngài đi tới mộ địa Rừng Hoan hỉ (Nandanavana; dGa’ Ba’i Tshal) và nhận những quán đảnh bí mật từ Dakini Marajita (bậc Điều phục những Thế lực Tiêu cực). Ngài đi tới mộ địa Sosadvipa và được Dākinī Shāntarakshitā (bậc Giữ gìn Hòa bình) gia hộ. Chỉ huy tập hội dākinī, ngài thụ hưởng những giới luật bí mật trong những mộ địa khác nhau. Khi đó Ngài được gọi là Shāntarakshitā (bậc Giữ gìn An bình).

Ngài đi tới đảo Dhanakosha, ở đó ngài nói với các dākinī bằng ngôn ngữ biểu tượng của họ và đặt họ dưới sự chỉ huy của ngài. Tại mô địa Parushakavana, trong khi thực hành những bài tập bí mật, ngài nhìn thấy linh kiến thanh tịnh về Vajravārāhī và nhận những gia hộ của bà. Với năng lực giác ngộ, ngài đã điều phục các nāga (rồng) trong một đại dương và các za (là hiện tượng huyền bí nhưng rất phổ thông ở Tây Tạng và cả ở Golok. Họ được miêu tả là những chúng sinh huyền bí có ánh sáng chói ngời. Người Tây Tạng tin rằng Zas là một trong vô số loại chúng sinh trong vũ trụ. Trong số họ có cả những bậc linh thánh lẫn những kẻ có hại) trong bầu trời. Những dāka và dākinī trí tuệ ban những thành tựu cho ngài. Khi đó ngài được gọi là Dorje Trakpo Tsal (Sự Phẫn nộ Kim cương Khổng lồ).

Ngài đi tới Vajrāsana (Bodhgaya, Bồ đề đạo tràng) và phô diễn nhiều điều huyền diệu, thừa nhận rằng ngài là một vị Phật tự-chứng ngộ. Với nhiều mục đích trong tâm, ngài đi tới xứ Sahor và nhận giới luật xả ly từ Đạo sư Prabhāhasti. Khi đó ngài được gọi là Shākyasimha (Sư tử của các Shākya – Thích Ca).

Ngài nhận những giáo lý Yogatantra mười tám lần và nhìn thấy linh kiến thanh tịnh về các Bổn Tôn Yogatantra. Ngài nhận quán đảnh từ Ānandā, một dākinī trí tuệ trong thân tướng một sư cô. Bà đã biến Guru Rinpoche thành một chữ HŪM và bà nuốt chữ này. Trong thân bà Guru Rinpoche được ban cho toàn bộ những quán đảnh Ngoại, Nội, và Bí mật, và bà đẩy ngài ra khỏi thân bà qua padma (hoa sen, âm hộ) của bà.

Tại bảo tháp Deche Tsekpa, ngài nhận những quán đảnh và giáo huấn về tám mạn đà la từ tám Vidyādhara (Trì minh vương), đó là Manjushrīmitra, Nāgārjuna, Hūmkara, Vimalamitra, Prabhāhasti, Dhanasamskrita, Rombuguhya, và Shantigarbha. Ngài nhận Guhyagarbha-tantra từ Buddhaguhya, và Đại Viên mãn, đặc biệt là Nyingthig, từ Manjushrīmitra. Tại mộ địa Tsubgyur Tsal, ngài gặp Shrīsimha và nghiên cứu các tantra Me-ngagde và giáo lý Khandro Nyingthig trong hai mươi lăm năm. Ngài nhìn thấy những linh kiến thanh tịnh về nhiều bậc linh thánh ngay cả khi không làm bất kỳ thực hành hay thiền định đặc biệt nào về các vị này. Ngài đạt được trạng thái của vị Hộ trì trí tuệ với dư nghiệp (rNam sMin Rig ‘Dzin). Khi đó ngài được gọi là Loden Chokse (Đam mê Siêu việt Uyên bác).

Theo truyền thống Kinh thừa của Phật giáo, những giai đoạn (cấp độ) thành tựu được phân loại theo mười cấp độ (thập địa) và năm con đường, và chúng là những bước để đạt được Phật quả. Trong những truyền thống Mật thừa, những cấp độ được phân ra hay phân loại bằng những cách khác nhau. Hầu hết các Kinh điển Mật thừa của phái Nyingma có bốn thành tựu, được gọi là những vị hộ trì trí tuệ (trì minh vương, vidyādhara).

Vị hộ trì trí tuệ với những dư nghiệp là vị đầu tiên trong bốn vị hộ trì trí tuệ. Vị này có ba đặc tính. Tâm ngài đã toàn thiện hay thuần thục như Bổn Tôn, nhưng những gì còn lại của nghiệp quả về thân vật lý thô nặng chưa từ bỏ được, và ngay lập tức sau khi rời khỏi thân khả tử (chết), ngài sẽ đạt được vị hộ trì trí tuệ của dấu hiệu lớn (Phyag rGya’i Rig ‘Dzin), thành tựu thứ ba, mà tôi sẽ thảo luận sau này.

Ngài đi tới xứ Sahor, ở đó ngài gặp Công chúa Mandāravā, con gái của vua, khi đó đang thực hành Pháp trong cô tịch như một sư cô. Bởi ý nghĩa bí mật của mối quan hệ của ngài với công chúa bị hiểu lầm, ngài đã bị thiêu sống trên một giàn thiêu khổng lồ theo lệnh của nhà vua. Thay vì bị đốt cháy, ngài đã biến ngọn lửa thành một khối nước và nhiên liệu thành một hoa sen. Ngày hôm sau, người ta nhìn thấy Guru Rinpoche đang ngồi trên hoa sen giữa hồ. Người ta tin rằng cái hồ là Hồ Rewalsar thuộc Quận Mandi ở Himachal Pradesh miền bắc Ấn Độ. Để chuộc lỗi, vua xứ Sahor cúng dường ngài vương miện của vua, áo, và giày cùng toàn thể vương quốc, và Công chúa Mandāravā là phối ngẫu tâm linh của ngài. Guru Rinpoche ban giáo lý cho vua và các thần dân, và nhiều người đạt được chứng ngộ. (Trong hầu hết những miêu tả về Guru Rinpoche, ta thấy ngài đội mũ hoa sen, áo choàng không tay bằng gấm thêu, và đi đôi giày do vua xứ Sahor cúng dường để biểu thị năng lực giác ngộ của ngài.)

Sau đó ngài và Mandāravā đi tới Động Māratika ở Nepal, và trong ba tháng các ngài thực hiện sādhana trường thọ. Đức Phật Amitāyus xuất hiện trước các ngài và ban quán đảnh trường thọ, nhờ đó các ngài không thể xa lìa Đức Phật Amitayus. Các ngài đã thành tựu trạng thái của vị hộ trì trí tuệ (trì minh vương), là trạng thái kiểm soát được đời sống. Nhờ sự thành tựu thứ hai này, không chỉ tâm ngài được viên mãn như Bổn Tôn, mà ngay cả thân thô nặng của ngài cũng được toàn thiện. Sự thành tựu này có đặc tính là không bị bốn ô nhiễm (Zag Pa). Bốn ô nhiễm là những cảm xúc phiền não của tà kiến, sự mất thân thể (chết) mà không có sự kiểm soát hay chọn lựa, không làm chủ được sự hòa hợp của những yếu tố (tứ đại) của thân thể (sức khỏe), và tái sinh theo nghiệp. Những vị hộ trì trí tuệ thứ nhất và thứ hai tương đương với con đường nội quán, con đường thứ ba, và cấp độ đầu tiên trong hệ thống mười cấp độ (thập địa) của truyền thống Kinh điển. Trong cấp độ này quý vị từ bỏ che chướng của những phiền não thuộc cảm xúc (phiền não chướng) (Nyon sGrib), cái đầu tiên trong những che chướng, che chướng thứ hai là những che chướng thuộc trí thức (sở tri chướng).

Sau đó, cùng với Mandāravā, ngài trở về xứ Oddiyāna. Trong khi các ngài đang khi khất thực, ngài bị nhận ra là người đã giết con trai của thượng thư. Bởi ngài không tuân theo bản án trục xuất, họ thiêu cháy ngài và vị phối ngẫu trong một đống lửa khổng lồ. Nhưng một lần nữa, ngày hôm sau họ tìm thấy cả hai đang an tọa trên một hoa sen trong một cái hồ, đeo những vòng sọ người quanh cổ. Sau đó ngài được gọi là Pema Thötreng Tsal (Liên Hoa Sanh, Đeo Vòng hoa-Sọ người Vĩ đại).

Cùng với vị phối ngẫu, Guru Rinpoche ở Oddiyāna mười ba năm như quốc sư của vương quốc, và ở đó ngài ban những quán đảnh và giáo huấn Kadü Chökyi Gyatso. Nhà vua và nhiều thần dân may mắn đã đạt được chứng ngộ siêu việt và thành tựu thân ánh sáng. Sau đó ngài được gọi là Padmarāja (Vua Sanh Trong Hoa Sen).

Guru Rinpoche đã tự hiển lộ là Indrasena, một tu sĩ thành tựu đã cùng với một sa di của ngài làm cho Hoàng đế Ashoka (thế kỷ thứ ba trước Công nguyên) cải đạo sang Phật giáo. Ashoka, nhà cai trị vĩ đại nhất của lịch sử Ấn Độ, đã truyền bá Phật pháp vượt qua biên giới Ấn Độ.

Một vài người chống Phật giáo dâng thuốc độc cho Guru Rinpoche, nhưng ngài vẫn bình yên vô sự. Một số người ném ngài xuống sông Hằng, nhưng ngài được đưa ngược dòng. Sau đó ngài được gọi là Khyeu Khadeng Tsal (Chim Garuda Khổng lồ Trẻ trung).

Tại những mộ địa khác nhau, kể cả Kula Dzok, ngài ban những giáo lý Mật điển cho các dākinī, và ngài đã trích xuất sinh lực từ những tinh linh đầy năng lực, là những người mà ngài đã chỉ định là những vị Hộ Pháp. Ngài được gọi là Sūryarashmi (Những Tia Sáng Mặt trời).

Tại Bodhgayā, trong một cuộc tranh luận, ngài đã đánh bại năm trăm người giữ những tà kiến. Khi họ cố gắng chiến thắng ngài bằng huyền thuật, nhờ năng lực của những thần chú của Dākinī Mārajitā, nữ Bổn Tôn đầu sư tử, ngài làm cho huyền thuật quay trở lại họ. Khi các vị Thầy này bị buộc phải im lặng, ngài ổn định các ngôi làng và khiến họ cải đạo sang Phật giáo. Vì thế ngài được gọi là Simhanāda (Tiếng Gầm của Sư tử).

Sau đó tại Yangle Shö, hiện nay được gọi là Pharping ở Nepal, cùng với vị phối ngẫu Shākyadevi, con gái của Vua Punyadhara (Người Giữ gìn Đức hạnh) của Nepal, ngài thực hành sādhana của mạn đà la Yangdak (Shrīheruka). Vào lúc đó, trời không mưa trong ba năm bởi những che chướng do các tinh linh hùng mạnh gây ra. Bệnh tật và nạn đói lan rộng. Ngài yêu cầu mang các bản văn Vajrakīla ở Ấn Độ về cho ngài. Khi hai kiện hàng tới nơi, những tai ách gây đau khổ cho xứ sở được làm yên dịu. Kể từ đó có câu tục ngữ: “Yangdak dồi dào những thành tựu, như một thương gia. Nhưng Vajrakīla thì cần thiết cho sự bảo vệ, giống như một người lính gác.” Ngài và vị phối ngẫu đạt được trạng thái của một vị hộ trì trí tuệ (Trì minh vương) của Đại Ấn (Phyag rGya’i Rig ‘Dzin; Vidyādhara Đại Ấn). Trong thành tựu này thân căn bản của hành giả (hay thân thực sự) ở trong hình tướng của Bổn Tôn. Để làm lợi lạc chúng sinh, nó xuất hiện trong những thân hóa hiện khác nhau. Năng lực của sự tiên tri của hành giả và những năng lực khác thì trong sáng hơn, thanh tịnh hơn, và kiên cố hơn năng lực của vị Trì minh vương với sự làm chủ đời sống và tương tự (nhưng không tương đương) với những phẩm tính của thân hỉ lạc. Đây là sự tương đương với những chứng ngộ tới cấp độ thứ chín (cửu địa), và con đường thiền định, con đường thứ tư của truyền thống Phật giáo thông thường.

Ở mộ địa Sosadvīpa, Guru Rinpoche, người đã là một Đạo sư Mật thừa thành tựu cao cấp, nhận sự trao truyền cùng những giáo lý của ba giáo khóa Đại Viên mãn với những tantra và Khandro Nyingthig từ Shrīsimha. Ngài đã tu tập những giáo lý này trong ba năm và thành tựu thân ánh sáng của sự chuyển hóa vĩ đại (‘Pho Ba Ch’en Po).

Các thiền giả thành tựu Đại Viên mãn cao cấp nhất làm cạn kiệt mọi sự thành chân tánh và hợp nhất tâm họ thành bản tánh giác ngộ tối thượng, sự thuần tịnh nguyên sơ. Nếu họ quyết định, họ cũng có thể tan biến hay chuyển hóa thân vật lý của mình thành sự thuần tịnh. Có hai phạm trù chính của sự thành tựu, đó là thân cầu vồng và thân cầu vồng của sự đại chuyển hóa. Nhờ sự hoàn thành thiền định cắt đứt (Khreg Ch’od), vào lúc họ mất (suốt thời gian vài ngày), thân họ tan rã và biến mất. Họ không để lại tử thi thô nặng gồm thịt, xương, hay da mà chỉ để lại hai mươi cái móng và tóc của thân thể. Mặc dù đây là một sự tan rã của thân và không phải là một sự chuyển hóa thân thành một thân ánh sáng, nó được gọi là thân cầu vồng, bởi trong thời gian tiến trình tan rã luôn luôn xuất hiện những chiếc lều, những vòng cung, và những vòng ánh sáng nhiều màu khác nhau như cầu vồng quanh thân và nhà ở. Nhờ thực hành sự tiếp cận trực tiếp (Thod rGal), họ chuyển hóa xác của mình thành thân ánh sáng vi tế và an trụ ở đó cho tới khi có một công việc để thực hiện vì lợi lạc của chúng sinh. Đối với một người như thế, không chỉ thân của họ mà tất cả những xuất hiện có tính chất hiện tượng đều chuyển hóa thành hình thức và bản tánh của ánh sáng vi tế. Tuy nhiên, những người bình thường sẽ không nhìn thấy thân ánh sáng của họ như nó là, mà sẽ chẳng nhìn thấy gì hết hay sẽ thấy nó trong thân tướng bình thường, như đã đề cập trước đây trong chương về Vimalamitra. Cũng có nhiều bậc lão thông Đại Viên mãn vĩ đại lìa bỏ thân xác của họ trong hình thức xá lợi (Ring bSel), những hình ảnh, và/hay những chữ, như đối tượng của sự cảm hứng và các môn đồ.

Guru Rinpoche đã viếng thăm nhiều nơi trên khắp xứ Ấn Độ và nhiều xứ sở và hòn đảo, phụng sự chúng sinh bằng phương tiện của năng lực huyền diệu và những giáo lý giác ngộ của ngài. Thậm chí ngài đã viếng thăm Zhangzhung, hiển lộ là Tavihricha (‘Od Kyi Khyeu), và dạy Dzogchen Nyen-gyü, mà hiện nay được biết là một trong những giáo lý chính của Đại Viên mãn trong đạo Bön, để dẫn dắt nhiều chúng sinh đạt được tâm giác ngộ và thân ánh sáng.

GURU RINPOCHE VIẾNG THĂM TÂY TẠNG

Vào thế kỷ thứ chín, Vua Trisong Detsen, nhà cai trị thứ ba mươi bảy của triều đại Chögyal của Tây Tạng, viếng thăm Shāntarakshita ở Ấn Độ với ý định củng cố đạo Phật.

Shāntarakshita (Tịch Hộ), tu sĩ trong dòng truyền thừa Sarvāstivadin (Nhất thiết hữu bộ), là một trong những học giả và người đề xướng nổi tiếng của triết học Svātantrika thuộc Đại thừa Phật giáo. Trong số những tác phẩm nổi tiếng của ngài có Madhyamakālamkāra (Trung quán trang nghiêm luận) về triết học trung đạo và Tattvasamgraha (Nhiếp chân thật luận) về luận lý. Sau khi đến Tây Tạng, trong sáu tháng ngài ban những luận thuyết về mười thiện hạnh và lý duyên khởi, và đặt nền móng cho Tu viện Samye. Điều này đã kích động các tinh linh địa phương của Tây Tạng, là những vị bảo hộ của đạo Bön, tôn giáo bản xứ thờ phụng các tinh linh này với những vật hiến tế. Kết quả là Cung điện Phangthang bị lũ lụt quét sạch và Cung điện Đồi Đỏ, cấu trúc nguyên thủy của Cung điện Potala hiện nay, bị sấm sét tiêu hủy. Bệnh tật, nạn đói, hạn hán, và những trận bão mưa đá làm xứ sở khốn khổ. Tất cả những gì xây dựng được vào ban ngày tại tu viện Samye đều bị những lực lượng thù địch phá hủy ngay đêm ấy. Các thượng thư chống Phật giáo, là những người bắt đầu phản đối nhà vua, đã yêu cầu đuổi Shāntarakshita đi. Vì thế Shāntarakshita nói với nhà vua: “Ngài phải mời Guru Padmasambhava. Vị Đạo sư này là bậc lão thông uy dũng nhất đang sống trên trái đất. Bởi trong những đời trước chúng ta đã cùng nhau lập nguyện nên sẽ không khó khăn để đưa ngài vào đây.” Sau đó Shāntarakshita rời Tây Tạng trong một thời gian và đi Nepal.

Nhà vua phái bảy sứ thần dưới sự hướng dẫn của Nanam Dorje Düdjom đi mời Guru Rinpoche. Nhờ tài tiên tri, Guru Rinpoche biết được sứ mạng của họ. Ngài đến tận Mang-yül Kungthang và gặp họ ở đó. Ngài chấp nhận lời mời của họ nhưng khuyên họ trở về quê hương, bởi sau này đích thân ngài sẽ tới. Ngài rải những miếng vàng được gởi cho ngài như tặng phẩm của nhà vua, ngài nói: “Nếu ta cần vàng thì đối với ta, mọi sự hiện hữu hiện tượng đều là vàng.” Ngài đưa một nắm cát cho các sứ thần, và tất cả chúng biến thành vàng.

Vào năm Kim Dần (810) Guru Rinpoche tới Tây Tạng. Khi đó ngài hơn một ngàn tuổi. Với năng lực giác ngộ, ngài đã du hành khắp ba tỉnh của Tây Tạng: Ngari, tỉnh ở phía trên hay miền tây; Ü và Tsang, tỉnh ở trung tâm; và Dokham, tỉnh ở phía dưới hay miền đông. Khi phô diễn những điều huyền diệu giác ngộ của ngài tại nhiều nơi ở Tây Tạng, bằng giới nguyện, ngài đã buộc những tinh linh phi nhân hùng mạnh của Tây Tạng bảo vệ Giáo Pháp và những môn đồ. Những vị này gồm có mười hai tenma, mười ba gur-lha, và hai mươi mốt ge-nyen.

Nhà vua đón tiếp Guru Rinpoche trong vườn Tragmar Ombu. Khi Guru Rinpoche hiến cúng Chùa Tragmar Drinzang, các pho tượng đi ra đi vào và ăn thực phẩm cúng dường như thể chúng là con người. Sau đó ngài đi tới đỉnh Đồi Hepori và làm cho tất cả những tinh linh của Tây Tạng nằm dưới sự chỉ huy của ngài bằng cách nhảy múa qua bầu trời bằng những bước kim cương dữ dội và biểu lộ bài ca “áp đảo tất cả những kẻ kiêu ngạo”:

Ồ các vị trời và quỷ thần, hãy xây dựng ngôi chùa!
Với sự khiêm tốn và tuân thủ, tất cả hãy tụ họp ở đây để làm việc!
Hãy hoàn thành những ước nguyện của Trisong Detsen!

Sau đó, với sự giúp đỡ của các tinh linh, Tu viện Samye, Bậc Không thể nghĩ bàn, được xây dựng mà không có trở ngại nào. Mô phỏng theo Tu viện Odantapurī của Ấn Độ, Tu viện Samye được xây dựng theo phác họa của vũ trụ Ấn Độ truyền thống. Ngôi chùa chính ở giữa có ba tầng tượng trưng cho Núi Tu Di. Tầng thấp nhất tượng trưng cho cõi tịnh độ Hóa thân, được xây theo kiểu kiến trúc Ấn Độ; tầng giữa, tượng trưng cho Báo thân, theo kiểu kiến trúc của Trung quốc; và tầng trên cùng, tượng trưng cho Pháp thân, theo kiểu kiến trúc của Tây Tạng. Ở bốn hướng của ngôi chùa chính là bốn ngôi chùa lớn tượng trưng cho bốn đại lục; tám ngôi chùa nhỏ ở giữa các ngôi chùa này tượng trưng cho tám tiểu lục địa. Hai ngôi chùa được xây ở phía đông và tây tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng. Ở bốn góc có bốn đại bảo tháp. Nơi tắm rửa, thay quần áo, và chỗ ở cũng được sắp xếp. Một bức tường cao bao quanh tất cả những cấu trúc này và được phủ lên một trăm lẻ tám bảo tháp nhỏ. Bên ngoài bức tường là ba ngôi chùa lớn do ba hoàng hậu xây dựng. Toàn bộ công trình xây dựng tu viện được hoàn tất trong năm năm. Guru Rinpoche và Shāntarakshita đã cử hành lễ hiến cúng. Trong buổi lễ, những dấu hiệu tốt lành và huyền diệu đã xuất hiện. Những pho tượng các Bổn Tôn trong chùa đi ra và đi vào như thể chúng đang sống. Một trận mưa hoa đổ xuống từ bầu trời trong trẻo. Người ta nghe thấy âm nhạc ngọt ngào và thỉnh thoảng họ vẫn được nghe âm nhạc ấy. Những tia sáng và lều cầu vồng uốn vòng cung ở khắp nơi. Mọi người tán thán với sự kinh ngạc và sùng mộ. Thực phẩm và những trò tiêu khiển được hiến tặng để mọi người thọ hưởng. Guru Rinpoche và Shāntarakshita, những vị Phật thực sự trong thân tướng con người, đã hiện diện trước mắt mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội. Ánh sáng của Pháp đã được củng cố ở Tây Tạng trong nhiều thế kỷ. Không có gì khác ngoài sự hỉ lạc và an bình. Samye trở thành địa điểm quan trọng nhất của sự thiền định, thờ phụng, giảng dạy, nghiên cứu, và sáng tác. Samye là một thư viện, viện bảo tàng, và kho báu vĩ đại của Kinh điển Phật giáo, các pháp khí, và những kho tàng vô giá cùng những phẩm vật được mang đến từ Ấn Độ, Trung quốc, Nepal, và Trung Á. Đây là trụ xứ nơi các Đạo sư vĩ đại thuyết giảng, những đệ tử may mắn trở thành các học giả và bậc lão thông thành tựu, và những học giả Ấn Độ và Tây Tạng phiên dịch những Kinh điển Phật giáo sang tiếng Tây Tạng.

Dưới sự bảo trợ của Vua Trisong Detsen, Tu viện trưởng Shāntarakshita, Guru Rinpoche, Đạo sư Vimalamitra, và những học giả Ấn Độ và Tây Tạng khác, Phật giáo đã được củng cố vững chắc ở Tây Tạng. Những học giả ban các giáo lý về Kinh điển lẫn Mật điển, và nhiều người Tây Tạng đã xuất hiện như những học giả và bậc lão thông vĩ đại. Nhiều dịch giả Tây Tạng vĩ đại, chẳng hạn như Vairochana, Kawa Paltsek, Chok-ro Lü’i Gyaltsen, và Zhang Yeshe De, đã phiên dịch nhiều Kinh điển và Mật điển sang tiếng Tây Tạng dưới sự giám sát của các học giả Ấn Độ vĩ đại như Vimalamitra, Shāntarakshita, Guru Rinpoche và Kamalashīla.

Shāntarakshita đã làm lễ xuất gia cho bảy thanh niên Tây Tạng trong dòng Sarvāstivādin (Nhất thiết hữu bộ) để xem người Tây Tạng có thể sống cuộc đời tu sĩ hay không. Các tu sĩ này được gọi là bảy người thử nghiệm. Sau sự thành công của họ trong giới luật tu sĩ, hàng trăm người khác đã đi theo họ, dẫn tới sự hình thành của một trong những cộng đồng tu sĩ vĩ đại nhất trong thế giới. Ngoài các Nyingmapa, nhiều tu sĩ Gelukpa cũng được thọ phong trong dòng Sarvāstivādin, là dòng được Shāntarakshita mang sang Tây Tạng.

Guru Rinpoche ban cho nhà vua và các thần dân của vua nhiều giáo lý, quán đảnh, và những phó chúc tantra khác nhau, đặc biệt là sādhana vĩ đại của tám mạn đà la (sGrub Pa bKa’ brGyad) mà ngài đã nhận từ tám Đạo sư vĩ đại ở Ấn Độ. Trong số nhiều người thọ nhận quán đảnh này, tám vị đã trở thành những bậc lão thông thành tựu nổi tiếng của tám sādhana này.

Trong thời kỳ này hai hệ thống tăng lữ được thành lập. Các tu sĩ khoác y màu vàng nghệ là những người độc thân, sống trong các tu viện, và những người mặc y phục trắng (bạch y), để tóc dài, là những hành giả cư sĩ Mật thừa, sống trong các ngôi chùa và làng mạc. Việc đưa hệ thống bạch y cư sĩ mang lợi lạc của giáo lý đến gia đình những người nam và nữ, khiến cho Giáo Pháp vươn xa và được bảo tồn ở mức độ căn bản. Trái lại, trong thời kỳ sau của Giáo Pháp ở Tây Tạng, các trường phái khác đã tập trung hơn nữa vào việc học tập và thực hành Phật giáo giữa các tu sĩ trong tu viện để giữ gìn sự thanh tịnh của giới luật.

Guru Rinpoche và phối ngẫu Yeshe Tsogyal của ngài đã du hành khắp Tây Tạng nhờ năng lực thần diệu và đã làm việc không mệt mỏi vì hạnh phúc, sự an ninh và trí tuệ của người Tây Tạng và chúng sinh trong tương lai. Các ngài đã thực hiện những sādhana, gia hộ, và để lại những vết tích của thân thể, bàn tay, và bàn chân của mình. Các ngài đã cất dấu nhiều terma. Một số trong những thánh địa quan trọng mà các ngài đã viếng thăm và gia hộ là hai mươi ngọn núi tuyết và đá (Gangs Brag) ở Ngari, hai mươi mốt địa điểm sādhana (sGrub gNas) ở Ü và Tsang, hai mươi lăm địa điểm hành hương vĩ đại (gNas Ch’en) ở Dokham; ba (hay bốn) xứ sở ẩn mật chính yếu (sBas Yul rGyal Mo), năm hẻm núi (Lung lNga), và ba thung lũng (lJongs gSum). Ở mười ba địa điểm khác nhau với tên gọi là Taktsang (Hang Cọp), chẳng hạn như Mönkha Nering và Senge Dzong (hiện nay ở Bhutan), Guru Rinpoche đã hiển lộ trong một thân tướng phẫn nộ và ngài đã ràng buộc tất cả những chúng sinh phi- nhân cao và thấp bằng mệnh lệnh của ngài. Vì thế ngài được gọi là Dorje Trolö (Kim Cương Phẫn nộ Hoang dã).

Trong thời gian Guru Rinpoche viếng thăm Tây Tạng, ngài đã hoàn thành ba mục tiêu chính. Trước hết, như chúng ta đã thảo luận trước đây, nhờ sự hiển lộ của năng lực tâm linh, ngài đã làm an dịu những thế lực của con người và phi-nhân đang gây chướng ngại cho việc thiết lập nền móng của Giáo Pháp ở Tây Tạng. Thứ hai, ngài mang Phật giáo nói chung và đặc biệt là sự trao truyền giáo lý và những năng lực gia hộ của tantra cho nhiều đệ tử Tây Tạng của ngài và những môn đồ của họ. Thứ ba, để ngăn ngừa những giáo lý sâu xa và những đối tượng linh thánh không trở nên lộn xộn, pha tạp, hay bị mai một trong tương lai xa xăm, và để duy trì những năng lực gia hộ được tươi mới cho các môn đồ tương lai, Guru Rinpoche và Yeshe Tsogyal đã cất dấu chúng như terma. Nhờ truyền thống terma của Guru Rinpoche, ngay cả trong hiện tại, các môn đồ của ngài đang nhận lãnh các giáo lý và tiên tri thật hợp thời với năng lực gia hộ mới mẻ. Trong thế giới này có nhiều hệ thống những khám phá huyền diệu, do bởi năng lực tâm lý, năng lực tinh thần, các linh kiến thanh tịnh, và thậm chí năng lực tâm linh thứ yếu, nhưng sự khám phá truyền thống terma của Guru Rinpoche thì quả là độc nhất vô nhị trong tiến trình và thực chất của nó. Khi viện dẫn những giải thích của Dodrupchen đệ tam, tôi muốn viết vài hàng về điều này.

Guru Rinpoche đã cất dấu nhiều giáo lý như terma, trong khi trao truyền những giáo lý bí mật cho các đệ tử chứng ngộ của ngài. Đó là một sự cất dấu các giáo lý và những thành tựu bí mật như terma trong bản tánh thanh tịnh, sự tỉnh giác nội tại của tâm thức của các đệ tử chứng ngộ nhờ năng lực giác ngộ của Guru Rinpoche với nguyện ước rằng khi đến thời điểm thích hợp, terma có thể được khám phá vì sự lợi lạc của chúng sinh. Nhờ năng lực của phương pháp này nên cái được gọi là sự trao truyền ủy thác tâm (gTad rGya), những khám phá thực sự các giáo lý có thể thực hiện được.

Như thế, khi đến lúc làm lợi lạc chúng sinh bằng một giáo lý đặc biệt, những hóa thân của các đệ tử chứng ngộ của Guru Rinpoche khám phá terma, là giáo lý đã được Đạo sư trao truyền và cất dấu trong các ngài trong một đời quá khứ của các ngài.Những trao truyền terma được chuyển đi bằng sáu dòng truyền thừa: (1) trao truyền tâm-giác ngộ-tới-tâm-giác ngộ của chư Phật, (2) trao truyền biểu tượng của các trì minh vương, (3) sự khẩu truyền của những đệ tử bình thường, (4) trao truyền quán đảnh ước nguyện hay sự trao truyền ủy thác tâm, (5) trao truyền qua sự ủy thác có tính chất tiên tri, và (6) sự phó chúc cho các dākini.

Trong các terma, do bởi cách thức khám phá, có hai loại terma chính. Thứ nhất là terma đất (Sa gTer). Nó bao gồm sự khám phá những vật liệu thuộc về đất chẳng hạn như những chữ biểu tượng (brDa Yig) được viết trên một cuộn giấy được gọi là một cuộn giấy vàng (Shog Ser). Tuy nhiên, những chữ biểu tượng chỉ trở thành chìa khóa của sự khám phá; chúng không là giáo lý terma đích thực mà cũng không phải là sự trao truyền thành tựu, là điều chỉ xuất hiện từ tâm của các tertön. Khi tertön khám phá một chữ biểu tượng, ngài nhìn thấy hay thiền định chữ biểu tượng hay hợp nhất trí tuệ trần trụi của ngài với nó, và nhờ đó đánh thức năng lực của sự trao truyền trí tuệ ngữ kim cương của Guru Rinpoche, là điều đã được cất dấu trong vị tertön. Việc thiền định các chữ biểu tượng cho phép vị tertön giải mã các chữ của chúng, và điều đó đánh thức chính sự trao truyền được cất dấu của các giáo lý và thành tựu. Ngoài ra những chữ biểu tượng, có những khám phá hàng ngàn bản văn trọn vẹn, các dược liệu, hình tượng, và những pháp khí nghi lễ được khám phá từ những tảng đá, ao hồ, đất, hay không trung như terma hay như những chất thể terma hỗ trợ (gTer rDzas).

Loại thứ hai là terma tâm (dGongs gTer). Những nguyên lý chính yếu của sự cất dấu, trao truyền, và khám phá thì tương tự như terma đất, ngoại trừ việc terma tâm không dựa trên sự hỗ trợ bên ngoài hay hỗ trợ của đất, chẳng hạn như những cuộn giấy vàng, như chìa khóa của sự khám phá. Trong nhiều trường hợp của terma tâm, việc nhìn thấy hay nghe những chữ hay âm thanh biểu tượng trong các linh kiến tạo nên sự khám phá nhưng thường thì việc khám phá không nương tựa vào bất kỳ nguồn mạch bên ngoài nào và không dính dáng gì tới những đối tượng thuộc về đất như phương tiện để khám phá terma. Một vị tertön khám phá terma tâm bằng cách đánh thức sự trao truyền ủy thác-tâm một cách tự nhiên từ sự rộng lớn của giác tánh nội tại của tâm ngài, khi hoàn cảnh và thời gian đã chín mùi.

Cũng có một hệ thống quan trọng thứ ba trong việc khám phá huyền bí các giáo lý được gọi là linh kiến thanh tịnh (Dag sNang). Những giáo lý linh kiến thanh tịnh không phải là terma. Chúng chỉ đơn thuần là những giáo lý do Đức Phật, các Bổn Tôn, và các vị Thầy ban cho trong những linh kiến. Tuy nhiên, có những trường hợp các giáo lý terma được khám phá hay xác định là những giáo lý linh kiến thanh tịnh, và như thế, thực ra đó là những giáo lý terma chứ không phải là một khám phá linh kiến thanh tịnh bình thường.

Liên quan tới những giáo lý Nyingthig, Guru Rinpoche đã truyền riêng mười bảy tantra và Longsal-tantra Megagde của Dzopa Chenpo, kể cả Khandro Nyingthig, cho Yeshe Tsogyal tại Tidro ở Zhotö trong Thung lũng Drikung. Sau này, ở Chimphu gần Samye, khi Công chúa Pemasal, con gái của Vua Trisong Detsen, mất lúc tám tuổi, Guru Rinpoche đã dùng năng lực của ngài để triệu hồi ý thức trở về thân xác. Khi cô phục hồi được ý thức, ngài giao phó cho cô những giáo huấn và trao truyền của Nyingthig như di sản Giáo Pháp của cô, và khi cô mất, Guru Rinpoche đã chỉ dẫn cho Yeshe Tsogyal như sau: “Đây là thời điểm để Vima Nyingthig làm lợi lạc các môn đồ Nyingthig. Nhưng khi Vima Nyingthig suy giảm, Khandro Nyingthig sẽ làm lợi lạc con người. Vì thế hãy cất dấu các giáo lý Khandro Nyingthig như terma.” Guru Rinpoche nói với nhà vua:

Emaho! Đức vua vĩ đại, xin lắng nghe tôi: Những công việc thế gian không có thực chất.
Thay vì quay cuồng không ngơi nghỉ trong vòng đau khổ không biết bao nhiêu lần,
Hãy chắc chắn là sẽ đạt được vương quyền bất diệt của vua Pháp thân. Hãy nhận ra thực chất của các sự vật, pháp giới tối thượng vô sanh.
Hãy an trụ trong thực chất của nơi chốn, sự cô tịch trong những cánh rừng.
Hãy tìm kiếm thực chất của những ẩn thất, bản tánh tối thượng, [sự hợp nhất của] quang minh và tánh Không.
Hãy nghỉ ngơi trong thực chất của căn nhà, bản tánh cố hữu của tâm. Hãy tạo lập thực chất của nhà bếp, sự chánh niệm và tỉnh giác.
Hãy phát triển thực chất của kho tàng, hai loại tâm giác ngộ (Bồ đề tâm). Hãy có thực chất của của cải, hai thứ tích tập.
Hãy nỗ lực trong thực chất của các công đức, mười thiện hạnh.
Hãy có thực chất của cương vị người cha, lòng bi mẫn đối với chúng sinh. Hãy duy trì cương vị người mẹ, bản tánh rỗng rang (trống không).
Hãy có thực chất của con cái, sự bất khả phân của các giai đoạn phát triển và thành tựu.
Hãy thiền định về thực chất của vợ chồng, sự quang minh, đại lạc và vô niệm. Hãy nhìn thực chất của bằng hữu, những giáo lý của Đấng Thiện Thệ.
Hãy tuân thủ thực chất của mạn đà la, sự quang minh bất biến.
Hãy vâng lời thực chất của các giáo lý, sự điều phục tâm của chính mình.
Hãy nhận ra thực chất của cái thấy, sự quang minh và tánh Không bất biến.
Hãy an nghỉ trong thực chất của thiền định, bản tánh của tâm, như nó là.
Hãy triệt phá những mê lầm nhị nguyên, thực chất của những hoạt động.
Hãy thành tựu thực chất của những kết quả, sự viên mãn tự nhiên không cần nỗ lực.
Rồi ngài sẽ hạnh phúc trong đời này lẫn đời sau.
Và nhanh chóng đạt được Phật quả.

Theo chỉ thị của Guru Rinpoche, Yeshe Tsogyal đã cất dấu các tantra và những giáo huấn Me-ngagde tại Senge Trak ở Bumthang tại Nepal và những giáo lý dành cho các khất sỹ (Khandro Nyingthig) ở Tramo Trak tại Takpo Tanglung. Nhiều thế kỷ sau, Pema Ledreltsal (1291-1319?), tái sinh của Công chúa Pemasal, đã lấy ra terma Khandro Nyingthig được cất dấu tại Tramo Trak. Longchen Rabjam (1308- 1363), tülku (tái sinh) kế tiếp của bà, gánh vác việc phổ biến rộng rãi giáo lý Nyingthig bằng cách giảng dạy và biên soạn các giáo lý đó.

Trên tầng hai của ngôi chùa chính của Tu viện Samye, Guru Rinpoche ban các giáo lý và truyền tâm (phó chúc) Longchen Nyingthig cho Vua Trisong Detsen, Khandro Yeshe Tsogyal, và Vairochana. Ngài ban những quán đảnh tiên tri, nói rằng những giáo lý này sẽ được Jigme Lingpa, một tülku của Vua Trisong Detsen và Vimalamitra, khám phá.

Vua Trisong Detsen mất năm sáu mươi chín tuổi. Thái tử Mu-ne Tsepo là người kế vị nhưng đã mất khi mới trị vì được một năm bảy (hay sáu) tháng và được người em là Hoàng tử Mutik Tsepo kế tục.

Sau khi ở Tây Tạng năm mươi lăm năm và sáu tháng, vào năm Mộc Thân (864 sau Công nguyên), không lưu ý tới những lời khẩn cầu của Vua Mutri Tsepo và thần dân, cùng với nhà vua và đông đảo các môn đồ, Guru Rinpoche tới Đèo Kungthang ở Tỉnh Mang-yül để rời Tây Tạng đi Zangdok Palri (Núi Màu-Đồng đỏ), cõi tịnh độ được hiển lộ của ngài. Trên Đèo Kungthang, nhà vua than khóc những lời sau:

Vua Trisong Detsen đã về trời.
Guru xứ Oddiyāna đi tới cõi tịnh độ của ngài.
Mutri bị bỏ lại ở Tây Tạng.
Thọ mạng của Vua cha quá ngắn ngủi.
Thiện tâm của Guru thì quá giới hạn.
Công đức của ta quá mỏng manh.
Giờ đây giới luật của những thể chế Giáo Pháp đã suy giảm.
Niềm vui của những thần dân Tây Tạng bị cạn kiệt.
Trong khi Guru và Vua cha còn hiện diện,
Tại sao ta không chết đi!

An ủi nhà vua và các thần dân của ông, Guru Rinpoche nói:

Trong khi ngài còn trẻ, hãy nỗ lực thực hành Pháp,
Bởi khó lĩnh hội được Pháp khi đã già.
Ồ Đức vua và các thần dân, cuộc đời thì thoáng qua.
Khi ngài có một tư tưởng thô thiển, hãy nhìn vào chủ thể [tâm],
Hãy thư thản tự nhiên không có những phân biệt.
Ồ Đức vua và các thần dân, điều chính yếu là xác định cái thấy (kiến)..
Nếu không có lòng bi mẫn, cội gốc việc tu tập Pháp của ngài bị mục nát.
Hãy suy nghĩ không ngừng về tính chất đau khổ của sinh tử.
Ồ Đức vua và các thần dân, đừng trì hoãn việc hiến dâng cho Pháp.
Những người sùng mộ tự thân thành tựu mục đích của mình.
Không có lý do nào biện minh cho việc bỏ mặc sự thực hành Pháp cho người khác.
Hãy đạt được kinh nghiệm về Pháp trước khi ngài mất.
Là quá trễ khi ngài trông cậy vào những buổi lễ sau cái chết..
Đối với những người sùng mộ, Padmasambhava không đi bất kỳ nơi đâu.
Đối với những người cầu nguyện ta, ta [luôn luôn] ở cửa nhà họ..
Giờ đây Padmasambhava sẽ không ở Tây Tạng mà sẽ đi tới xứ của các la sát,
Như những con chim bay đi từ những ngọn cây.

Từ không trung giữa những đám mây nhiều màu sắc một con ngựa thiêng với những vật trang sức xuất hiện. Cưỡi trên lưng ngựa, Guru Rinpoche nổi lên và hướng lên bầu trời, ngài bay về hướng tây cùng với Yeshe Tsogyal và một đại dương những bậc linh thánh giữa âm thanh ngọt ngào của âm nhạc và những bài tán ca. Hình ảnh của Guru Rinpoche và đoàn của ngài mỗi lúc một nhỏ hơn khi họ bay đi, và tiếng nhạc từ từ biến mất. Rồi không còn gì khác ngoài bầu trời yên tĩnh, trong trẻo và trống trải của xứ Tây Tạng trên đầu nhà vua và hội chúng thần dân của ngài. Tuy nhiên, người ta có những tri giác khác nhau về việc lên đường của ngài. Một số người nhìn thấy ngài ra đi bằng cách cưỡi trên một con sư tử và những người khác thì thấy ngài cưỡi trên những tia sáng mặt trời.

Sau đó Guru Rinpoche và Yeshe Tsogyal đáp xuống hang động Tsawa Rong. Sau khi ban thêm giáo lý và tiên tri, ngài xuất hiện trên không trung với những ánh sáng. Từ giã vị phối ngẫu, với lòng thương yêu và thiện tâm Guru Rinpoche đã nói những lời sau đây với bà rồi bay đi:

Kyema, Yeshe Tsogyal, xin hãy lắng nghe!
Padmasambhava đi tới xứ sở của đại lạc.
Ta an trụ trong Pháp thân, sự thiêng liêng bất tử.
Không giống sự chia lìa thân và tâm [vào lúc chết] của những người bình thường.
Hãy thiền định về Guru Yoga, là tinh yếu của việc tu tập.
Trên đỉnh đầu con 0,6 m, trên hoa sen và mặt trăng, giữa những ánh sáng,
Hãy quán tưởng Padmasambhava, Lạt ma của chúng sinh..
Khi việc quán tưởng trở nên rõ ràng, hãy nhận các quán đảnh và suy niệm về nó.
Hãy tụng thần chú Guru siddhi, tâm yếu của những lời cầu nguyện.
Cuối cùng, hãy hợp nhất ba cửa (thân, ngữ và tâm) của con với ba cửa của ta, không thể chia lìa.
Hãy hồi hướng và nguyện ước đạt được chứng ngộ tâm của Guru.
Hãy suy niệm về tinh túy của Dzogchen (Đại Viên mãn) mà không cần dụng công.
Không có giáo lý nào siêu việt hơn giáo lý này.
Lòng từ của Padmasambhava không xuất hiện hay biến mất mà luôn luôn hiện diện.
Sự nối kết ánh sáng lòng đại bi của ta đối với Tây Tạng sẽ không bao giờ bị cắt đứt [ngay cả sau khi ta đã rời đi].
Đối với các con ta, những người cầu nguyện ta, ta luôn luôn ở trước mặt họ.
Đối với những người có lòng tin, không có sự chia cách với ta.

Người ta tin rằng Guru Rinpoche vẫn hiện diện như bậc hộ trì trí tuệ (Trì minh vương) của sự thành tựu tự nhiên (Lhun Grug Rig ‘Dzin) ở Zangdok Palri, một cõi tịnh độ hiển lộ (sPrul Ba’i Zhing), mà chúng sinh bình thường không thể nhìn thấy. Vị hộ trì trí tuệ của sự thành tựu tự nhiên là cấp độ thứ tư và năm của sự thành tựu, trước khi lập tức trở thành một vị Phật toàn giác. Những chứng ngộ và hoạt động của quả vị này thì giống như những chứng ngộ và hoạt động của một vị Phật, và những thân tướng của quả vị này thì tương tự những thân tướng của thân hỉ lạc. Thành tựu này tương đương với cấp độ thứ mười và con đường thiền định, con đường thứ tư của Phật giáo thông thường. Ngoài ra, trong các thành tựu thứ ba và thứ tư, hành giả từ bỏ những che chướng tri thức (sở tri chướng) cùng những dấu vết của nó. Vì thế Guru Rinpoche là một vị Phật trong tâm nhưng xuất hiện như một bậc lão thông đang ở những cấp độ cuối cùng của sự thành tựu, không tan biến vào Pháp thân, bằng cách mang hình thức của thân ánh sáng của sự đại chuyển hóa.

Guru Rinpoche sẽ an trụ trong cõi tịnh độ hiển lộ của ngài chừng nào điều đó còn làm lợi lạc nhiều chúng sinh, vì thế ngài đã hiển lộ là một bậc lão thông, bậc đã đạt được những thành tựu thân kim cương bất tử và sự đại chuyển hóa.

Trong nhiều đệ tử của Guru Rinpoche ở Tây Tạng, những bậc vĩ đại nhất là đức vua và hai mươi lăm thần dân, tám mươi bậc lão thông, là những vị đã đạt được thân cầu vồng ở Yerpa, một trăm lẻ tám đại thiền giả của Núi Chuwo, ba mươi tāntrika vĩ đại của Yangdzong trong Thung lũng Drak, năm mươi lăm bậc chứng ngộ tại Sheltrak trong Thung lũng Yarlung, hai mươi lăm dākinī, và bảy yoginī.

Ngài có nhiều nữ đệ tử chứng ngộ cao cấp ở Tây Tạng. Tisam thuộc gia đình Dro bay trong không trung nhờ năng lực tâm linh của bà. Rinchentso thuộc gia đình Mago treo những chiếc y của bà trên những tia sáng mặt trời. Kargyalpak thuộc gia đình Oche nhìn thấy những linh kiến về các Bổn Tôn. Changchup thuộc gia đình Chok-ro phô diễn đồng thời cả hai sự đối lập là lửa và nước trong thân bà. Khandro Yeshe Tsogyal thuộc gia đình Kharchen đã hiển lộ sự hiện diện của chư Phật trong những bộ phận khác nhau của thân bà. Lhakarma thuộc gia đình Dzin bay trong không trung và đi vào lòng đất không gặp chướng ngại. Sherap Phagma thuộc gia đình Shuk giữ những tuyển tập lớn giáo lý của Đức Phật trong ký ức của bà. Lhamoyang thuộc gia đình Ba đã hoàn thành những ước nguyện của con người nhờ năng lực của việc hoàn thiện thiền định của bà. Dorjetso thuộc gia đình Shelkar đứng trên một cây tre vượt Sông Tsangpo (Brahmaputra).

 

Trích: “Các Đạo Sư của Thiền Định và những điều huyền diệu: Cuộc đời của các Đạo Sư Phật Giáo vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng”, Tulku Thondup.

CHIA SẺ
Tải về
pdf
word