Vairochana

 

Vairochana là dịch giả lỗi lạc của Kinh điển Phật giáo trong lịch sử Tây Tạng. Ngài gánh vác trách nhiệm đưa Giáo Pháp vào Tây Tạng và dịch nhiều Kinh điển và Mật điển, đặc biệt là hai trong số ba phạm phù của giáo lý Dzopa Chenpo, đó là Semde và Longde.
Ngài sinh tại Nyemo Chekhar trong Tỉnh Tsang, là con trai của Dorje Gyalpo thuộc bộ tộc Pakor. Trong thời thơ ấu, ngài đã phô diễn nhiều năng lực thần diệu chẳng hạn như bay trong không trung, tạo những dấu vết trên những tảng đá, và tiên đoán những sự kiện trong tương lai. Ngài có sự thông tuệ đặc biệt.
Phù hợp với lời tiên tri của Guru Rinpoche, Vua Trisong Detsen đưa ngài tới Samye và đào tạo cho ngài thành một dịch giả. Ngài trở thành một trong bảy người Tây Tạng đầu tiên thọ giới tu sĩ từ Shāntarakshita và được ban Pháp danh là Vairochanarakshita. Trong quán đảnh sādhana vĩ đại tám mạn đà la, hoa của ngài đáp xuống mạn đà la Möpa Tra-ngak (Vajramentrabhīru). Theo lời khuyên của nhà vua, Vairochana và tu sĩ Lektrup ở Tỉnh Tsang đi Ấn Độ để tìm cầu Giáo Pháp, như hai người trong số những nhà truyền giáo đầu tiên. Trên đường đi các ngài gặp nhiều gian khổ khiến ngài suýt chết năm mươi bảy lần, nhưng ngài không đếm xỉa tới những trở ngại và tới được Ấn Độ. Các ngài bí mật gặp Shrīsimha trong rừng Tsenden Silche tại Dhanakosha. Một đêm các ngài nhận các giáo lý Semde trong sự bí mật tuyệt đối. Vairochana đã ghi lại mười tám tantra của Semde trên vải trắng bằng sữa của một con bò trắng để người ta không thể đọc các bản văn. Khi ngài muốn có bản thảo để đọc, Ngài hơ nó trên khói và đọc được bản văn. Tu sĩ Lektrup hài lòng với những gì họ đã thành tựu và khởi hành đi Tây Tạng. Trên đường trở về Lektrup bị những người gác đường giết chết.
Vairochana khẩn cầu Shrīsimha ban thêm giáo lý, và ngài đã nhận các giáo lý và giáo huấn của toàn bộ sáu mươi tantra của Semde. Ngài cũng được dạy ba phạm trù của Longde. Vairochana cũng nhận các giáo lý của sáu triệu bốn trăm ngàn tantra (hay các bài kệ) của Đại Viên mãn từ Prahevajra trong linh kiến thanh tịnh và nhận những gia hộ từ Đạo sư Manjushrīmitra trong thân-trí tuệ-huyễn hóa của ngài.
Vairochana tới Tây Tạng bằng thần túc thông, và ở đó ngài ban cho nhà vua những giáo lý thông thường vào ban ngày và Dzopa Chenpo vào ban đêm. Trong số những tác phẩm khác, ngài đã dịch năm tantra đầu trong số mười tám tantra của Semde. Tuyển tập này được gọi là Năm Bản dịch Ban đầu của Semde.
Vào lúc đó một vài người Ấn Độ ghen tị đã phái các sứ giả đi rêu rao lời phỉ báng, nói rằng giáo lý mà Vairochana mang từ Ấn Độ về không phải là Phật giáo. Do bởi những nguyện ước sai lầm và thế lực của Hoàng hậu Tsepongza và một vài thượng thư độc ác, thật đáng tiếc, nhà vua bị bắt buộc phải trục xuất Vairochana tới Gyalmo Tsawe Rong (còn gọi là Gyarong), một miền ở biên giới Tây Tạng và Trung quốc. Ở nơi lưu đày Vairochana đã khiến nhà vua, các thượng thư và dân chúng của Gyarong cải đạo sang Phật giáo. Hoàng tử Yudra Nyingpo, tái sinh của Lekrup xứ Tsang, đã trở thành một trong những đệ tử chính của ngài và một học giả và vị hộ trì dòng truyền thừa nổi tiếng. Yudra Nyingpo tới Samye và gặp Vimalamitra. Theo lời khẩn cầu của Vimalamitra, nhà vua mời Vairochana trở về Tây Tạng. Trên đường tới Tây Tạng, Vairochana gặp một người đàn ông tám mươi lăm tuổi tên là Mipham Gönpo, và ngài ban cho ông ta giáo lý Đại Viên mãn. Mipham Gönpo không thể ngồi trong tư thế thiền định vì đã cao tuổi, vì thế ông phải nương cậy vào một sợi giây thiền định và gậy đỡ để ngồi thẳng và không cử động. Ông lão đã đạt được thân cầu vồng.
Ngoài Yudra Nyingpo và Mipham Gönpo, các đệ tử chính của Vairochana là Nyak Jnānakumāra và Sherap Dölma xứ Li. Sau này Sherap Dölma thỉnh mời Đạo sư của ông tới xứ Li. Từ nơi đó Vairochana đi tới rừng Bhashing ở Nepal, ở đó ngài tan biến thành thân cầu vồng.
Vairochana là dịch giả siêu phàm của Phật giáo Tây Tạng. Ngài đã dịch nhiều bản văn thuộc Kinh điển và Mật điển, sự uyên bác và thiện xảo của ngài với tư cách là một dịch giả thì thật vượt trội nếu so với tất cả những dịch giả khác trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Ngok Loden Sherap (1059-1109), một trong những dịch giả vĩ đại nhất trong giai đoan tân dịch thuật, nói:

Vairochana giống như bầu trời trong.
Kawa Palsek và Chokro Lu‘i Gyaltsen giống như mặt trời và mặt trăng.
Rinchen Zangpo [958-1051, dịch giả vĩ đại nhất của giai đoạn tân dịch thuật]
giống như vì sao lúc bình minh.
Và chúng ta chỉ là những con đom đóm.

Trong số nhiều hóa thân của ngài có Trapa Ngönshechen (1012-1090?), Dorje Lingpa (1346-1405), Künkyong Lingpa (1396-1477?), Chöden Do-ngak Lingpa (thế kỷ 15), Trengpo Sherap Özer (1518-1572), Minling Terchen (1646-1714), Rongtön Dechen Lingpa (1663-?). Gyalse Zhenphen Thaye (1800-?) và Kongtrül Yönten Gyatso (1813-1899).

Trích “Các Đạo Sư của Sự Thiền Định và Điều Huyền Diệu”, Tulku Thondup

CHIA SẺ
Tải về
pdf
word