Vimalamitra

VIMALAMITRA (Dri Med bShes gNyen) sinh tại Rừng Voi (Glang Po’i Tshal) ở miền tây Ấn Độ. Thân phụ ngài là Deden Khorlo và thân mẫu là Dak-nyid Salma. Ngài trở thành một học giả của Thanh Văn thừa và Đại thừa.

Ngài là một trong năm trăm học giả đang cư trú tại Bodhgayā (Bồ đề đạo tràng). Một hôm, để đỡ nóng, Vimalamitra và Jnānasūtra đi khoảng hai dặm về hướng tây của Bodhgayā tới một cái đầm có nhiều loại hoa thơm ngát. Từ không trung Vajrasattva xuất hiện và nói với họ: “Ồ các nam tử của gia đình tốt lành, mỗi người trong các con đã năm trăm đời sinh làm các học giả, nhưng cho tới nay các con chưa bao giờ thành tựu kết quả siêu việt, mà trong tương lai cũng sẽ như vậy. Nếu các con muốn đạt được giác ngộ của việc tan biến thân ô trược ngay trong đời này, hãy đi tới ngôi chùa gần Cây Bồ đề ở Trung quốc.”

Vimalamitra tràn đầy sự tinh tấn. Ngay lập tức, ngài cầm chiếc bình bát, vật sở hữu duy nhất của ngài, và khởi hành đi Trung quốc. Ngài gặp Shrīsimha tại ngôi chùa gần Cây Bồ đề và nhận khẩu truyền Nyingthig Me-gagde và những giáo lý của các giáo khóa Ngoại, Nội, và Bí mật trong hai mươi năm. Nhưng Shrīsimha không cho ngài các bản văn của những giáo lý này. Hoàn toàn hài lòng, Vimalamitra trở về Ấn Độ và thuật lại những thành tựu của ngài cho Jnānasūtra. Jnānasūtra đi tới Trung quốc và nhận từ Shrīsimha giáo lý của tất cả bốn giáo khóa Nyingthig. Ngoài ra Jnānasūtra được nhận những bản văn. Shrīsimha cũng để lại cho Jnanasūtra di chúc của ngài khi ngài đã đạt được thân cầu vồng. Sau đó Jnānasūtra trở về Ấn Độ và sống ở mộ địa Bhasing, thuyết giảng cho các dākinī.

Vimalamitra thực hành các bài tập bí mật trong mộ địa ở Thachung. Một hôm khi ngài đang cưỡi một con voi xanh lang thang trong mộ địa, thượng y của ngài vắt trên vai phải và cầm một chiếc dù che đầu, Dākinī Palkyi Lodrö xuất hiện trong bầu trời và ban lời tiên tri này: “Ồ người may mắn, nếu ông muốn nhận những giáo huấn Nyingthig sâu xa hơn trước đây, hãy đi tới rừng mộ địa Bhasing.” Ngài lập tức đến đó và gặp Jnānasūtra. Vimalamitra cầu khẩn Jnānasūtra ban cho ngài những giáo lý sâu xa. Để biểu lộ năng lực của sự chứng ngộ, Jnānasūtra phát ra một tia sáng từ urna (một nhúm lông ở trán, bạch hào) và với một cái liếc nhìn làm không gian ngập tràn sự phô diễn của cõi tịnh độ Báo thân. Vimalamitra đã phát triển lòng tin không thể bị lay chuyển ở ngài. Ngay lập tức, Jnānasūtra ban cho ngài quán đảnh phức tạp, và urna của Vimalamitra được mở ra. Jnānasūtra cũng giao phó cho Vimalamitra các bản văn và giáo huấn của ba giáo khóa Nyingthig đầu tiên. Một năm sau tại một ngôi chùa, Jnānasūtra ban quán đảnh đơn giản, và hơi nước xuất hiện từ mỗi lỗ chân lông của thân Vimalamitra. Ngài được ban cho bản văn giáo khóa Nyingthig Bí mật Sâu xa. Sau khi thực hành những bài tập chuẩn bị về những kinh nghiệm trong sinh tử và niết bàn trong sáu tháng trên đỉnh Núi Söche, Vimalamitra nhận quán đảnh vô cùng đơn giản, kế đó là những giáo huấn. Ngài đã thành tựu những kinh nghiệm và chứng ngộ phi thường, và trên chóp mũi của ngài xuất hiện một chữ AH trắng, nó có vẻ như sắp bị rớt. Sáu tháng sau Vimalamitra được ban toàn bộ quán đảnh vô cùng đơn giản, và ngài đã chứng ngộ bản tánh trần trụi của tâm. Ngài cũng được ban những giáo huấn đầy đủ về những điểm trọng yếu của Nyingthig. Sau đó Vimalamitra ở lại với vị Thầy trong mười bốn năm, hoàn thiện sự chứng ngộ Nyingthig của ngài.

Sau đó Jnānasūtra nhập Niết bàn mà không để lại thân xác. Khi Vimalamitra cầu nguyện với lòng sùng mộ, từ giữa một khối ánh sáng chói lọi trong bầu trời, cẳng tay của Đạo sư xuất hiện và đặt vào bàn tay Vimalamitra một chiếc hộp có nạm năm loại ngọc quý. Từ chiếc hộp đó Vimalamitra khám phá di chúc Bốn Phương pháp Thiền định, và ngay lập tức ngài thành tựu sự chứng ngộ tương đương với chứng ngộ của Đạo sư của ngài.

Sau đó, sống trong một túp lều tre, Vimalamitra làm Thầy giáo của Vua Haribhadra (Sư tử Tuyệt hảo) trong thành phố Kāmarūpa ở miền đông Tây Tạng trong hai mươi năm. Sau đó ngài đi miền đông Ấn Độ. Kế đó ngài đi tới thành phố Bhirya ở miền tây Ấn Độ và chấp nhận lòng sùng mộ và những việc phụng sự của Vua Dharmapāla.

Kế đó, trong bảy năm, với tập hội đông đảo dākinī, ngài đã thực hành Nyingthig ở Prabhāskara, một mộ địa bí mật không xa thành phố Bhirya lắm. Khi theo đuổi những bài tập bí truyền bằng những hình thức và phương pháp khác nhau, ngài ban giáo lý cho vô số đệ tử. Ngài đạt được linh kiến về sự toàn thiện của giác tánh nội tại (Rig Pa Tshad Phebs), cấp độ thứ ba trong bốn cấp độ của Đại Viên mãn, và sau đó thành tựu thân ánh sáng của sự đại chuyển hóa (‘Pho Ba Ch’en Po) và đưa ba ngàn người tới sự giác ngộ. Sau đó, trong mười ba năm, ngài vẫn ở tại mộ địa đó trong những hiển lộ khác nhau.

Trong mộ địa này ngài đã thực hiện ba bản sao các bản văn linh thánh của Nyingthig. Ngài đã cất dấu một bản trong hòn đảo bị che phủ bởi cát vàng trong đại dương của xứ Oddiyāna ở miền tây Ấn Độ. Ngài chôn dấu một bản khác trong một hang động ở Suvarnadvīpa tại Kashmir, và bản cuối cùng thì ngài giữ gìn ở mộ địa Prabhāskara như đối tượng của lòng sùng mộ đối với các dākinī.

Vimalamitra cũng nhìn thấy Prahevajra bảy lần trong một linh kiến thanh tịnh và trực tiếp nhận các giáo huấn.

Vào lúc đó, Vua Trisong Detsen của Tây Tạng đã thiết lập Phật pháp ở Tây Tạng. Một Đạo sư Tây Tạng vĩ đại tên là Tingdzin Zangpo thuộc gia đình Nyang cho nhà vua lời khuyên có tính chất tiên tri rằng vua nên mời Đạo sư bí mật vĩ đại Vimalamitra xứ Ấn Độ. Tingdzin Zangpo có thể kéo dài thời gian thiền định trong bảy năm và có thể nhìn thấy bốn đại lục nhờ năng lực của đôi mắt trần của ngài, là năng lực siêu nhiên nhận thức được những hiện tượng vật lý. Vì thế, Vua Trisong Detsen phái các dịch giả Kawa Paltsek và Chok-ro Lü’i Gyaltsen tới Ấn Độ với quà tặng là vàng và một thông điệp cho Vua Indrabhūti trẻ tuổi của cung thành Serkya, nói rằng: “Xin gởi một Đạo sư Mật thừa vĩ đại trong số năm trăm Thầy giáo học giả của ngài.” Khi đó Vimalamitra đã đạt được thân của sự đại chuyển hóa (‘Pho Ba Ch’en Po) và đang lưu lại như một trong năm trăm Thầy giáo của nhà vua. Vua Indrabhūti và những học giả của ông đồng ý về việc chọn Vimalamitra là người được phái sang Tây Tạng. Nhận thấy đó là thời điểm thích hợp để đi Tây Tạng, Vimalamitra chấp nhận lời thỉnh mời.

Vimalamitra đi Tây Tạng cùng với Đạo sư Kshitigarbha như thị giả của vị Thầy này, mang theo một bản sao của những bản văn Nyingthig linh thánh. Vào lúc ngài khởi hành nhiều người ở Ấn Độ có những giấc mơ xấu, những điềm chiêm tinh xấu xảy ra, hoa và những cây ra quả hướng về phía Tây Tạng, và những dấu hiệu xuất hiện cho thấy sự ganh tị của các dākinī ở mộ địa. Do bởi những điềm đó, những người Ấn Độ nhận ra rằng những giáo lý bí mật đã tuột khỏi tay họ, và họ phái các sứ giả đi nhanh để tạo ra những mối nghi ngờ trong tâm người Tây Tạng. Các sứ giả đặt những tấm áp phích ở chỗ nối liền các thung lũng và các giao lộ trong các thành phố, viết rằng: “Hai tu sĩ Tây Tạng đã bắt đi một nhà huyền thuật Ấn Độ, người này sắp hủy diệt Tây Tạng.” Vì thế khi Vimalamitra tới Samye, những người Tây Tạng đang ở trong tình trạng nghi ngờ ngài. Khi ngài đảnh lễ một pho tượng của Đức Phật Vairochana (Tỳ Lô Giá Na), pho tượng tan ra thành bụi đất trước mặt ngài. Khi ngài gia hộ cho đống đất, pho tượng tự phục hồi lại và còn uy nghi hơn trước. Niềm tin nơi Vimalamitra dần dần phát triển trong những người Tây Tạng, và ngài có thể ban các giáo lý cho họ.

Một hôm, trong khi ngài đang ban những giáo lý Kinh điển cho một hội chúng các đệ tử, ngài trở lại đại sảnh sau giờ giải lao và tìm thấy một bức thư ngắn trên ghế của ngài. Thư viết:

Phật quả không thể đạt được bằng Pháp như trẻ con của các Thanh văn; không thể bao phủ khoảng cách bằng những bước chân kim cương của con quạ.

Những cuộc điều tra đã được lập ra, và tác giả của bức thư đã được khám phá. Khi được hỏi là ai, ông ta trả lời: “Tôi là Yudra Nyingpo, một đệ tử của đại dịch giả Pakor Vairochana.” Vào lúc đó Vairochana đang bị lưu đày ở Gyalmo Rong, miền Đông Tây Tạng. Vimalamitra và Yudra Nyingpo so sánh những giáo lý và chứng ngộ của các ngài và thấy chúng tương đương nhau.

Sau đó trong mười năm, Vimalamitra cùng làm việc với một nhóm dịch giả. Với Yudra Nyingpo, ngài đã dịch mười ba “bản văn được dịch sau” của Semde, bởi Vairochana đã dịch năm “bản văn được dịch trước” trong mười tám bản văn Semde. Cùng với Nyak Jnānakumāra, ngài đã dịch Guhyagarbha-māyājāla-tantra, trong số những bản văn khác của Mahāyoga, và một vài bản văn giáo huấn của Semde và Longde. Ngài đã dịch những bản văn gốc và những bản văn giáo huấn của các giáo khóa Me-ngagde Ngoại, Nội, và Bí mật với Nyak Jnānakumāra. Những giáo lý của giáo khóa Bí mật Thâm sâu, Nyingthig của Me-ngagde, được giữ kín giữa Đạo sư, nhà vua, và Nyang, và được dịch hoàn toàn bí mật. Những giáo lý Nyingthig do Vimalamitra mang tới Tây Tạng được gọi là Vima Nyingthig.

Vimalamitra có thể nhận ra rằng không có đệ tử nào khác thích hợp để giao phó các bản văn của giáo khóa Bí mật Thâm sâu (bốn quyển, v.v.. về Nyingthig). Ngài đã chôn dấu những bản dịch tiếng Tây Tạng tại Trakmar Gekong ở Chimphu gần Tu viện Samye.

Sau khi ở Tây Tạng mười ba năm, Vimalamitra khởi hành đi Ngũ Đài Sơn ở Trung quốc. Bởi ngài đã đạt được thân cầu vồng của sự đại chuyển hóa, để hoàn thành ước nguyện của ngài, ngài sẽ an trụ ở đó cho tới khi nào Phật Pháp còn hiện hữu. Ngài đã hứa trong mỗi thế kỷ ngài sẽ gởi một hóa thân của chính ngài tới Tây Tạng để thực hiện công việc duy trì và phổ biến giáo lý Nyingthig cho tới khi nào Phật Pháp còn hiện hữu. Khi Phật giáo không còn tồn tại, Vimalamitra sẽ tan biến vào Pháp giới tối thượng tại Bodhgayā.

Những người có tín tâm tin rằng nếu đôi mắt tâm linh của quý vị trong sáng, quý vị có thể nhìn thấy ngài bằng xương bằng thịt tại Ngũ Đài Sơn. Có nhiều sự kiện nhìn thấy và thọ nhận giáo lý từ Vimalamitra tại Ngũ Đài Sơn. Khi tôi còn trẻ, tôi đã nghe nhiều câu chuyện từ vị Thầy Kyala Khenpo Rinpoche của tôi. Đây là một chuyện tôi có thể thuật lại: Một Lạt ma quan trọng tôi không nhớ tên đi hành hương Ngũ Đài Sơn cùng các đệ tử. Một hôm khi sắp đi nhiễu, họ nhìn thấy một người thợ đóng giày người Trung quốc đang ngồi dưới một tảng đá cạnh một con đường nhỏ. Vị Lạt ma ngồi trước mặt người thợ giày với vẻ tôn kính. Không chút ngần ngại, người thợ giày đặt đôi giày ông ta đang làm lên đầu vị Lạt ma và cho Lạt ma uống nước dơ mà ông để ở bên cạnh. Tất cả các đệ tử của vị Lạt ma choáng váng và xấu hổ, bởi nhiều khách hành hương đang nhìn và cười vị Lạt ma. Sau đó, các đệ tử được Lạt ma cho biết rằng thực ra người thợ giày chính là Vimalamitra, và Lạt ma đã được nhận những quán đảnh. Các đệ tử vội vã quay lại tảng đá nhưng không thể tìm thấy dấu vết nào chứng tỏ là đã có người ở đó. Trừ phi quý vị là một bậc thành tựu, cách hay nhất là quý vị có thể nhìn thấy Vimalamitra như một con chim, một ánh sáng cầu vồng, hay một người bình thường và đại loại như vậy.

Năm mươi lăm năm sau ngày Vimalamitra khởi hành đi Ngũ Đài Sơn, Nyang xây Chùa Zha trong Thung lũng Drikung thuộc Tỉnh Uru. Trong ngôi chùa đó ngài đã chôn dấu những bản văn của các tantra có tính chất giải thích của ba giáo khóa đầu tiên cũng như những bản văn thuộc về sự khẩu truyền và một vài bản văn Sâu xa. Những lời của sự khẩu truyền được truyền cho Dro Rinchen Bar. Cuối cùng, Nyak tan biến thân ngài thành thân cầu vồng.

Dro Rinchen đã truyền những khẩu truyền cho Be Lodrö Wangchuk, vị này truyền các giáo lý đó cho Neten Dangma Lhüngyal (thế kỷ 11). Neten cũng khám phá những bản văn được Nyang chôn dấu và giao phó sự trao truyền cho Chetsün Senge Wangchuk (thế kỷ 11-12). Chetsün cũng khám phá các bản văn Nyingthig cùng với di chúc của Vimalamitra, được Vimalamitra cất dấu tại Gekong ở Chimphu và trao truyền cho Zhangtön Tashi Dorje (1097-1167).

Danh hiệu của những vị Thầy dòng truyền thừa của Vima Nyingthig từ Dharmakāya (Pháp thân) xuống tới những Đạo sư hiện tại đã được đưa ra trước đây.

 

Trích: “Các Đạo Sư của Thiền Định và những điều huyền diệu: Cuộc đời của các Đạo Sư Phật Giáo vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng”, Tulku Thondup

CHIA SẺ
Tải về
pdf
word