Tài liệu Tổ Longchenpa

 

Kính gửi quý đạo hữu,

 

Nhân dịp lễ giỗ tổ Longchenpa sắp tới, 18.12 Tạng Lịch, BBT LHQ xin trân trọng gửi tới quý đạo hữu một số tài liệu về Tổ:

  1. Tiểu sử tổ Longchenpa (Longchen Rabjam):

Video: https://youtu.be/gHGOqNFy3bY

  1. Câu chuyện “Công chúa Pemasal” – tiền thân của tổ Longchenpa

Link: https://lienhoaquang.com/thu-vien_Cong-chua-Pemasal_kcskqtpl_web_baingan.html

 

TIỂU SỬ TỔ LONGCHENPA

Künkhyen Longchen Rabjam

(1308-1363)

KÜNKHYEN Longchen Rabjam sinh tại Tötrong trong Thung lũng Tra miền nam của trung tâm Tây Tạng, vào ngày mồng mười tháng hai năm Thổ Thân thuộc Rabjung thứ năm (1308). Thân phụ ngài là Tenpa Sung, một hành giả Mật thừa thuộc bộ tôc Rok. Thân mẫu ngài là Sönam Gyen thuộc bộ tộc Drom. Lúc mang thai ngài, mẹ ngài mơ thấy một mặt trời đặt trên đầu một con sư tử chiếu sáng toàn thể thế giới. Lúc ngài ra đời, nữ Hộ Pháp Namdru Remati xuất hiện trong hình tướng của một người đàn bà màu đen. Ôm đứa bé trong tay, bà nói: “Ta sẽ bảo vệ cậu bé,” và bà trao đứa bé lại cho mẹ nó rồi biến mất.

Longchen Rabjam là một hóa thân, hay tülku, của Công chúa Pemasal, con gái của Vua Trisong Detsen, là người mà Guru Rinpoche đã giao phó việc trao truyền Khandro Nyingthig. Trong chuỗi các cuộc đời của bà, hóa thân ngay trước Longchen Rabjam là Pema Ledreltsal, người đã khám phá các giáo lý Khandro Nyingthig như một terma.

Từ thời thơ ấu Longchen Rabjam đã có niềm tin, lòng bi mẫn, và trí tuệ, những phẩm tính cao quý của một Bồ Tát. Khi ngài lên năm, ngài học đọc và viết thật dễ dàng. Năm lên bảy, thân phụ ngài ban cho ngài những quán đảnh, giáo huấn, và tu tập thực hành Những Phương diện An bình và Phẫn nộ của Guru và Kagye Deshek Düpa. Thân phụ cũng dạy ngài y học và thuật chiêm tinh.

Năm mười hai tuổi, Longchen Rabjam thọ giới sa di từ Khenpo Samdrup Rinchen tại Tu viện Samye và được ban cho Pháp danh Tsültrim Lodrö. Ngài tinh thông Vinaya (Luật), những bản văn về giới luật đạo đức của tu sĩ, và có thể giảng dạy những bản văn đó từ năm mười bốn tuổi.

Năm mười sáu tuổi, cùng với Đạo sư Tashi Rinchen và những vị khác, ngài bắt đầu học nhiều tantra thuộc về dòng Tân Mật điển, chẳng hạn như hai truyền thống của quả và con đường (Lam ‘Bras), hai truyền thống sáu yoga (Ch’os Drug), Kālachakra (Thời Luân), cắt đứt [bản ngã] (gChod), và các truyền thống ba cách làm an dịu (Zhi Byed).

Năm mười chín tuổi, ngài đi tới Tu viện Sangphu Neuthang nổi tiếng, và nghiên cứu Kinh điển Phật giáo về triết học, luận lý, và thiền định trong sáu năm. Từ các Đạo sư Lopön Tsen-gönpa và Chöpal Gyaltsen ngài đã nghiên cứu năm bản văn Đại thừa của Maitreya (Di Lặc), các luận thuyết về luận lý của Dignāga (Trần Na) và Dhamakīrti (Pháp Xứng), và nhiều bản văn về triết học Madyamaka (Trung Đạo) và Prajnāpāramitā (Bát Nhã Ba La Mật). Ngoài ra, cùng với dịch giả Lodrö Tenpa xứ Pang ngài đã nghiên cứu Phạn ngữ, thi ca, tiểu luận, kịch, và nhiều Kinh điển và các bản văn Bát Nhã Ba La Mật. Sau đó từ Đạo sư Zhönu Töndrup, ngài nhận những nhập môn và giáo huấn về những tantra quan trọng của phái Nyingma, Do (Kinh điển) của Anuyoga, Māyājāla-tantra của Mahāyoga, và Semde (giáo khóa về tâm) của Atiyoga (Đại Viên mãn).

Với khoảng hai mươi vị Thầy, trong đó có Đạo sư Zhönu Gyalpo, Zhönu Dorje, Lama Tampa Sönam Gyaltsen (1312-1375) của phái Sakya, và Karmapa Rangjung Dorje (1284-1339) của phái Kagyü, ngài đã nghiên cứu các giáo lý và nhận những trao truyền Kinh điển và Mật điển.

Trong khi nghiên cứu, ngài cũng luôn luôn dấn mình vào việc tu tập thiền định trong các ẩn thất, và ngài nhìn thấy những linh kiến thanh tịnh của Đức Manjushrī (Văn Thù), Sarasvatī, Achala, Vajravārāhī, và Tārā, và đã chứng ngộ những thành tựu tâm linh. Việc tu tập nghiên cứu và thiền định của ngài đã mở ra cánh cửa kho tàng ngôn ngữ. Những người hiểu rõ ngài thừa nhận ngài bằng danh hiệu Đạo sư của sự Chứng ngộ Bao la (Longchen Rabjam) và Đạo sư Kinh điển từ Samye (bSam Yas Lung Mang ba).

Năm hai mươi bảy tuổi, như được tiên tri bởi Đức Tārā, vị Phật trong thân tướng nữ nhân, ngài đi gặp Đạo sư Rigdzin Kumārādza (1266-1343), vị hộ trì các giáo lý Vima Nyingthig, trong một trại ẩn thất, nơi khoảng bảy mươi đệ tử đang sống trong những nơi trú ẩn tạm thời trong các cao nguyên thuộc Thung lũng Yartö Kyam. Đạo sư vô cùng hoan hỉ tiếp đón Longchen Rabjam và ban tiên tri rằng ngài sẽ là vị hộ trì-trao truyền của các giáo lý Vima Nyingthig.

Ngài đã học với Rigdzin Kumārādza trong hai năm, nhận những giáo huấn về tất cả ba phạm trù của Dzopa Chenpo: Semde, giáo khóa về tâm; Longde, giáo khóa về Pháp giới tối thượng; và Me-ngagde, giáo khóa về những giáo huấn tối thượng. Nhưng điểm quan trọng chính yếu của việc nghiên cứu của ngài là các bản văn về bốn phần của Me-ngagde, đó là những giáo lý Ngoại, Nội, Bí mật và Bí mật Thâm sâu. Những bản văn này là mười bảy tantra và nhánh hay những giáo lý giáo huấn, có nghĩa là: bốn quyển sách với một trăm mười chín luận thuyết về những giáo huấn xa rộng.

Rigdzin Kumārādza ban tất cả những giáo lý Nyingthig cho Longchen Rabjam và tuyên bố Longchen Rabjam là vị kế tục dòng truyền thừa của ngài. Trong khi học với Rigdzin Kumārādza, Longchen Rabjam đã sống trong cảnh cực kỳ túng thiếu. Để chiến đấu với sự bám luyến của ngài vào vật chất, thực hành của Rigdzin Kumārādza buộc phải liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác thay vì định cư ở một nơi và dính mắc vào đó. Trong chín tháng Rigdzin Kumārādza và các đệ tử chuyển trại chín lần, khiến cho Longchen Rabjam và những người khác phải chịu những gian khổ ghê gớm. Ngay khi Longchen Rabjam bắt đầu sống cuộc đời đơn giản của mình ở một chỗ trú ẩn tạm thời, thường là một hang động che chở ngài không bị mưa và lạnh, thì lại đến lúc phải di chuyển. Ngài có rất ít thực phẩm và chỉ có một cái bao rách vừa làm nệm vừa làm mền để che chở ngài trước cái lạnh khủng khiếp của mùa đông. Chính trong những hoàn cảnh này mà Longchen Rabjam đã có được những giáo lý hiếm có và quý báu nhất của các tantra và giáo huấn về ba giáo khóa của Đại Viên mãn. Cuối cùng, Đạo sư gia lực cho ngài là vị hộ trì dòng truyền thừa của sự trao truyền Nyingthig.

Sau đó trong bảy (hay sáu) năm ngài tiến hành nhập thất thiền định, chủ yếu là ở Chimphu. Ngoài thiền định Đại Viên mãn, ngài cũng thực hành những hình thức và nghi lễ của những bậc linh thánh khác nhau, và ngài nhìn thấy những linh kiến thanh tịnh về các thân tướng an bình và phẫn nộ của Guru Rinpoche, Vajrasattva, và những Bổn Tôn an bình và phẫn nộ.

Năm ba mươi hai tuổi, trong khi vẫn còn nhập thất, lần đầu tiên Longchen Rabjam ban quán đảnh và những giáo huấn của Vima Nyinghthig cho các đệ tử của ngài tại Nyiphu Shuksep, gần Kang-ri Thökar. Trong một thời gian, tất cả những vùng xung quanh biến thành ánh sáng thanh tịnh, những âm thanh huyền bí, và những linh kiến thiêng liêng.

Chẳng bao lâu đệ tử hành giả của ngài là Özer Kocha tìm thấy bản văn Khandro Nyingthig, do Pema Ledreltsal (1291-?), hóa thân đời trước của Longchen Rabjam khám phá như một terma, và Özer Kocha cúng dường nó cho Longchen Rabjam. Nữ Hộ Pháp Shenpa Sogdrubma cũng tặng ngài một bản sao của bản văn đó. Mặc dù ngài là hóa thân của người khám phá các giáo lý, nhưng để biểu thị tầm quan trọng của việc bảo tồn sự trao truyền cho những môn đồ trong tương lai, ngài đi tới gặp Shö Gyalse, một đệ tử của Pema Ledreltsal, và nhận sự trao truyền Khandro Nyingthig.

Năm ba mươi ba tuổi, ngài ban giáo lý Khandro Nyingthig cho tám đệ tử nam và nữ trong đó có yogī (hành giả) Özer Kocha tại Samye Chimphu. Trong thời gian ban các lễ quán đảnh, Nữ Hộ Pháp của Tantra (sNgags Srung Ma) nhập vào một trong những yoginī (nữ hành giả) và ban những tiên tri và giáo huấn. Một vài đệ tử nhìn thấy Longchen Rabjam biến thành hình thức Báo thân. Một trận mưa hoa đổ xuống và những vòng cung, tia sáng, và những vòng ánh sáng có những màu sắc khác nhau được chứng kiến khắp ngọn núi. Tất cả những người tụ hội ca hát và nhảy múa với năng lực trí tuệ tràn trề. Longchen Rabjam có linh kiến về Guru Rinpoche và vị phối ngẫu ban các quán đảnh và giao phó việc trao truyền Khandro Nyingthig cho ngài. Các vị ban cho ngài các danh hiệu Ogyen Tri-me Özer và Dorje Ziji. Các vị Hộ Pháp xuất hiện trong thân tướng vật lý và nhận các món cúng dường. Trong một thời gian dài, có lẽ một tháng, tâm của các đệ tử hành giả tan hòa vào một sự quang minh chói lọi sâu xa, là trạng thái siêu việt sự thức hay ngủ. Longchen Rabjam hát ca năng lực du già của ngài trong những vần kệ:

Ồ các yogī, ta rất sung sướng và hoan hỉ.

Đêm nay chúng ta ở trong Cõi Tịnh Độ Vô song.

Trong thân chúng ta, cung điện của Các Bổn Tôn An bình và Phẫn nộ,

Nở rộ hội chúng của Đức Phật, sự hợp nhất của quang minh và tánh Không.

Phật quả không ở đâu khác mà ở trong chúng ta.

Ồ các thiền giả, những người nhất tâm hộ trì tâm của mình,

Đừng ôm giữ tâm quý vị ở một nơi, mà để nó thoải mái.

Tâm rỗng rang [hay mở trống], dù nó vận hành hay yên vị.

Bất kỳ điều gì xuất hiện trong tâm chỉ là sự phô diễn của trí tuệ.

Theo khẩn cầu của nữ Hộ Pháp Yudrönma, ngài di chuyển trụ xứ tới Ogyen Dzong Özer Trinkyi Kyemö Tsal (Pháp đài Oddiyāna trong Vườn Hỉ lạc của Những Đám Mây Ánh sáng) tại Kang-ri Thökar, nơi ngài biên soạn vài tác phẩm nổi tiếng và trải qua một phần lớn đời mình. Tại nơi này sự chứng ngộ thiền định của ngài đã đạt tới trạng thái viên mãn của giác tánh (Rig Pa Tshad Phebs) nhờ việc tu tập sự tiếp cận trực tiếp (Thod rGal) của Nyingthig.

Trong một linh kiến thanh tịnh Vimalamitra dạy ngài và giao phó cho ngài các giáo lý Vima Nyingthig. Được cảm hứng bởi Vimalamitra, ngài viết Yangtig Yizhin Norbu (còn gọi là Lama Yangtig), một tuyển tập gồm ba mươi lăm luận văn về Vima Nyingthig.

Longchen Rabjam rút vàng được cất dấu trong một terma ra và với số vàng đó ngài tài trợ cho việc sửa chữa chùa Uru Dza ở Drikung, được xây dựng bởi Nyang Tingdzin Zangpo, một trong những đại đệ tử của Guru Rinpoche và Vimalamitra. Trong khi việc sửa chữa đang được tiến hành thì những người thợ tình cờ đào được nhiều vật đã được chôn dấu dưới ngôi chùa để điều phục năng lực của những thế lực tiêu cực, và chúng bay lượn trên không trung. Longchen Rabjam tự biến thành tướng phẫn nộ của Guru Rinpoche và chôn cất lại các đồ vật đó với cử chỉ năng lực huyền bí.

Khi rất có nguy cơ xảy ra một trận nội chiến ở miền trung Tây Tạng do mưu đồ của Kün-rik, một vị lãnh đạo kiêu ngạo của Drikung, Longchen Rabjam đã thực hiện một tiên tri liên quan tới một hóa thân của Đức Văn Thù bằng cách làm Kün-rik đổi hướng từ con đường chiến tranh sai lầm sang con đường của Giáo Pháp và mang lại sự an bình. Thoạt đầu Tai Situ Phagmo Trupa (1302-1364), kế đó tới vua Tây Tạng, nghi ngờ Longchen Rabjam và gởi lực lượng tới giết ngài, bởi ngài là vị Thầy của Drikung, kẻ thù không đội trời chung của ông ta. Nhờ năng lực thần diệu của ngài, Longchen Rabjam trở nên vô hình khi lực lượng tới nơi. Nhưng hoàn cảnh đã bắt buộc Longchen Rabjam phải di chuyển tới Bhutan. Ở đó ngài ban những giáo lý và đôi khi tập họp khoảng một trăm ngàn đệ tử. Tại Bumthang ngài đã thiết lập Tu viện Tharpa Ling. Ở Bhutan ngài và vị phối ngẫu Kyipa xứ Bhutan có một con trai tên là Tülku Trakpa Özer (1356-1409?), và con trai của ngài trở thành một vị hộ trì dòng truyền thừa. Sau này, Tai Situ hiểu được thái độ vô phân biệt của Longchen Rabjam và trở thành một đệ tử, và Longchen Rabjam trở về Tây Tạng.

Longchen Rabjam là một trong những học giả vĩ đại nhất và những hiền giả chứng ngộ của Tây Tạng, nhưng ngài đã hiến dâng toàn bộ đời mình cho kỷ luật tâm linh cực kỳ vi tế và nghiêm ngặt trong việc học tập, giảng dạy, biên soạn, và thiền định để hoàn thành mục đích của sự hiển lộ giác ngộ của ngài. Điều đó phải là một khuôn mẫu cho một người tu tập và một vị Thầy giảng dạy Giáo Pháp. Tâm ngài và cuộc đời ngài giản dị và khoáng đạt, tự nhiên, thuần tịnh, và sâu xa. Dù ngài sống ở đâu hay đang làm gì, ngài luôn luôn ở trong trạng thái thiền định một cách tự nhiên.

Ngài thường xuyên viếng thăm Đạo sư Rigdzin Kumārādza của ngài để hoàn thiện sự hiểu biết và chứng ngộ. Ngài đã năm lần dâng toàn bộ những sở hữu ít ỏi của ngài cho Đạo sư để tẩy sạch sự bám chấp của ngài vào những đối tượng vật chất. Nhờ danh tiếng của sự uyên bác và chứng ngộ của ngài, ngài có thể dễ dàng xây dựng những tu viện khổng lồ hay những ngôi nhà, nhưng ngài đã tránh những công việc như thế bởi ngài không quan tâm tới việc thiết lập bất kỳ tổ chức nào. Tất cả những gì được cúng dường cho ngài với lòng tin, ngài hoàn toàn sử dụng để phụng sự Pháp và không bao giờ dùng cho những mục đích khác, mà cũng không bao giờ dùng nó cho bản thân ngài. Ngài không bao giờ biểu lộ sự tôn kính đối với một người thế tục, dù là người có địa vị cao trong xã hội. Ngài nói: “Sự tôn kính nên được dành cho Tam Bảo chứ không dành cho những người thế tục. Đảo lộn vai trò của Lạt ma và người bảo trợ là không đúng.” Dù những vật cúng dường cho ngài có to lớn tới đâu, ngài không bao giờ biểu lộ sự biết ơn, ngài nói: “Hãy để những nhà bảo trợ có cơ hội tích tập công đức thay vì đền đáp việc cúng dường bằng cách biểu lộ lòng biết ơn.” Thiện tâm của ngài đối với những người nghèo khó và đau khổ thật bao la, và ngài rất hoan hỉ khi thưởng thức những thực phẩm đơn sơ mà những người nghèo khó cúng dường cho ngài, và sau đó đọc những lời ước nguyện cho họ.

Trong hầu hết cuộc đời ngài, Longchen Rabjam sống trong cô tịch, ở các hang động trong núi non, trước hết là ở Chimphu gần Samye và sau đó phần lớn là ở Kangri Thökar. Môi trường thiên nhiên thanh bình và trong trẻo tạo nên sự an bình và quang minh trong tâm những người tu tập; khi đó toàn thể tan hòa thành một, sự hợp nhất của an bình và quang minh. Longchen Rabjam tóm tắt những công đức của sự cô tịch:

Xa những thị trấn đầy thú tiêu khiển,

Sống trong những khu rừng phát triển tự nhiên sự thiền định an bình,

Hòa hợp cuộc sống trong Pháp, điều phục tâm,

Và khiến ta đạt được hỉ lạc tối thượng.

Ngài ban giáo lý trong mọi lãnh vực của Phật giáo, nhưng chủ yếu nhấn mạnh tới Đại Viên mãn. Khi tóm tắt thiền định Đại Viên mãn, ngài khuyên nhủ bằng những lời giản dị:

Điều quan trọng là phải nhìn thẳng vào bản tánh của những tư tưởng khi chúng phát khởi.

Điều quan trọng là phải an trụ trong bản tánh khi quý vị chắc chắn về việc nhận ra nó.

Điều quan trọng là phải có sự thiền định không thiền định như thiền định của quý vị.

Không dao động, hãy duy trì nó. Đây là lời khuyên của ta.

Và:

Tâm hiện tại, là cái gì không bị ngăn trở –

Không bám vào “cái này” hay “cái kia”, không có bất kỳ chỉnh sửa hay sự pha tạp nào, và

Không bị ô nhiễm bởi sự nhị nguyên của đối tượng bị bám chấp và người bám chấp –

Là bản tánh của chân lý tối thượng. Hãy duy trì trạng thái này.

Tại Lhasa, Longchen Rabjam được đón tiếp bằng kèn đại lễ, và ngài trải qua khoảng hai tuần ở đó. Giữa Jokhang và Ramoche ở Lhasa, an tọa trên Pháp tòa, ngài ban giới nguyện Bồ đề tâm và nhiều giáo lý cho một hội chúng khổng lồ thuộc mọi tầng lớp xã hội. Nhờ sự uyên bác và chứng ngộ của ngài, Longchen Rabjam đã điều phục những tâm thức kiêu ngạo của nhiều học giả và gây truyền hứng khởi cho họ để đạt được tâm thanh tịnh của Pháp. Ngài đã gieo trồng hạt giống khát khao Giáo Pháp thuần tịnh trong trái tim của nhiều người. Ngài được gọi là Künkhyen Chöje, Bậc Toàn trí của Pháp. Sau đó ngài đi Nyiphu Shuksep và ban giáo lý Dzogchen cho khoảng một ngàn đệ tử. Kế đó tại những ngọn đồi đá gần Trok Ogyen, ngài ban các quán đảnh và giáo lý Dzopa Chenpo cho khoảng ba ngàn người, trong đó có bốn mươi người được coi là các Đạo sư của Giáo Pháp.

Năm năm mươi sáu tuổi, vào năm Thủy Mẹo (1363) thuộc Rabjung thứ sáu, ngài thình lình tuyên bố di chúc tâm linh, có tựa đề là Trima Mepe Ö (Sự Chói lọi Tinh khiết), gồm những dòng sau:

Bởi đã lâu lắm rồi, ta chứng ngộ bản tánh của samsara (sinh tử),

Không có bản chất trong những hiện hữu thế gian.

Giờ đây, khi ta đang rời khỏi tấm thân huyễn hóa vô thường này,

Ta sẽ chỉ cho các con những điều lợi lạc; xin lắng nghe ta.

Các con đang coi cuộc đời của mình là có thực, nhưng nó sẽ lừa dối các con.

Bản tánh của nó là biến đổi và không có sự xác thực.

Bằng cách thấu hiểu đặc tính không đáng tin cậy của nó,

Xin thực hành Pháp ngay ngày hôm nay.

Thay đổi là bản tánh của bằng hữu, giống như một cuộc hội họp của những người khách.

Tụ hội trong một lát nhưng nhanh chóng xa lìa vĩnh viễn.

Bằng cách tự giải thoát mình khỏi những bám luyến vào bằng hữu,

Xin thực hành Pháp làm lợi lạc các con mãi mãi.

Của cải như mật ngọt trôi đi ngay cả khi các con tích lũy nó.

Mặc dù các con kiếm được, người khác sẽ thụ hưởng nó.

Giờ đây, trong khi các con có năng lực, hãy đầu tư nó để làm hành trang cho những đời sau,

Bằng cách tạo công đức nhờ việc cho đi vì lòng nhân ái..

Con người thì vô thường như những nhóm khách đến trước và sau.

Người lớn tuổi đi sớm. Người nhỏ tuổi sẽ đi sau.

Những người đang sống, sẽ chẳng ai sống một trăm năm.

Xin nhận ra điều đó [bản tánh của sự vô thường] ngay lúc này đây.

Những hình tướng của đời này xảy ra như những sự kiện của ngày hôm nay.

Những hình tướng của bardo sẽ xảy ra như những giấc mộng trong đêm.

Những hình tướng của đời sau sẽ xuất hiện nhanh như ngày mai.

Xin thực hành Pháp ngay lúc này..

Trong tất cả các pháp, cốt tủy tối hậu của sự quang minh chói lọi

Là Nyingthig, ý nghĩa thiêng liêng.

Đây là con đường siêu việt dẫn các con tới Phật quả trong một đời duy nhất.

Bằng con đường này xin thành tựu sự siêu phàm phổ quát hỉ lạc vĩ đại..

Bản tánh của tâm là Pháp giới tối thượng, giống như không gian.

Bản tánh của Pháp giới là bản tánh của tâm, bản tánh cố hữu,

Trong ý nghĩa chúng không phân cách. Chúng là sự nhất thể, Đại Viên mãn.

Xin nhận ra bản tánh ngay giây phút này.

Những hiện tượng khác nhau giống như những phản chiếu trong một tấm gương.

Chúng trống không trong khi đang xuất hiện, và tự thân sự xuất hiện là tánh Không.

Chúng là [những hiện tượng] hỉ lạc, thoát khỏi những định danh là một hay nhiều.

Xin nhận ra bản tánh ngay giây phút này…

Sự vui sướng của ta trước cái chết còn to lớn hơn

Niềm vui của những thương nhân phát đạt nơi biển cả,

Các vua trời tuyên bố chiến thắng trong chiến tranh,

Hay những hiền giả đang an trụ trong thiền định.

Giờ đây Pema Ledreltsal [Longchen Rabjam] sẽ không còn ở đây lâu nữa.

Ta sẽ đi bảo vệ bản tánh đại lạc và vô sanh.

Sau đó, khi ngài tới Chimphu và khi đang du hành qua Samye, ngài nói ngài sắp chết ở đó, và thân thể ngài bắt đầu biểu lộ vẻ bệnh tật. Nhưng ngài vẫn giảng dạy một hội chúng đông đảo đang đi theo ngài hay tụ hội để nhận những giáo lý từ ngài. Vào ngày mười sáu tháng mười hai, cùng những người khác, ngài cử hành một lễ cúng dường trọng thể. Sau đó ngài ban cho các đệ tử giáo lý sau cùng của ngài về lẽ vô thường và truyền cảm hứng cho họ thực hành Trekchö và Thögal với lời khuyên:

Nếu các con có bất kỳ khó khăn nào trong việc thấu suốt các giáo lý của ta, hãy đọc Yantig Yizhin Norbu [còn gọi là Lama Yangtig]; nó sẽ giống như một viên ngọc như ý. Các con sẽ chứng ngộ trạng thái của sự tan hòa mọi hiện tượng vào dharmatā (Pháp tánh), bản tánh tối thượng.

Vào ngày mười tám, an tọa trong tư thế Pháp thân, tâm ngài tan hòa vào Pháp tánh tuyệt đối. Những người có mặt cảm thấy mặt đất rung động và nghe những tiếng ầm ầm. Trong khi nhục thân của ngài được giữ gìn trong hai mươi lăm ngày, một chiếc lều ánh sáng liên tục uốn cong qua bầu trời. Thậm chí trong những tháng lạnh nhất ở Tây Tạng, trái đất trở nên ấm áp, băng tan, và hoa hồng nở rộ. Lúc hỏa thiêu, trái đất rung động ba lần và mọi người nghe thấy một âm thanh lớn vang lên bảy lần. Nhiều ringsel (xá lợi) và năm loại dungchen (xá lợi lớn) xuất hiện từ những miếng xương như một biểu thị về việc ngài đã thành tựu năm thân và năm trí tuệ của Phật quả.

Longchen Rabjam đã nhận các giáo lý và những trao truyền của tất cả những dòng truyền thừa của Phật giáo đang hiện diện ở Tây Tạng. Đặc biệt là mọi dòng của những truyền dạy Đại Viên mãn hội tụ trong ngài. Trong số những giáo lý Nyingthig của Đại Viên mãn mà ngài được thừa hưởng có Vima Nyingthig và Khandro Nyingthig.

Longchen Rabjam đã biên soạn hơn hai trăm năm mươi luận thuyết về lịch sử, các giáo huấn đạo đức, những giáo lý về Kinh điển và Mật điển, và đặc biệt là về Đại Viên mãn nói chung và đặc biệt là Nyingthig. Ngài đã trình bày tất cả giáo lý của ngài trong hình thức tác phẩm văn chương. Nhưng nhiều học giả khẳng định rằng hầu hết những tác phẩm của ngài về các tantra và Đại Viên mãn thực sự là gongter, các kho tàng tâm, được khám phá bằng năng lực giác ngộ của ngài.

Trích: “Các Đạo Sư của Thiền Định và Những Điều Huyền Diệu: Cuộc Đời của các Đạo Sư Phật Giáo Vĩ Đại của Ấn Độ và Tây Tạng”, Tulku Thondup

Nguyện mọi sự kiết tường.

CHIA SẺ