Lời Đạo Sư 3 - Theo Chân Một Vị Thầy

“Những kẻ sơ phát tâm tu như chúng ta thật dễ bỏ mất tâm từ, tâm bi, bỏ mất trí tuệ, bỏ mất tấm lòng rộng mở.”

Thầy đã nói một đôi điều muốn nói trước lễ Monlam. Và Thầy sẽ [lại] nói một đôi điều, vẫn những điều đã nói rồi ba ngày trước đây.

Trước hết, tu viện, chư tăng ni, các nhân viên [phục vụ tại tu viện], tất cả mọi người đều vui mừng đón tiếp các bạn tới đây. Cá nhân Thầy rất cảm kích nỗ lực, thời gian, công sức các bạn đã bỏ ra, đặc biệt là động cơ [đúng đắn] và lòng tốt của các bạn.

Thầy nghĩ tất cả chúng ta ở đây thật may mắn vì có được thân người này. Lại nữa, ta được gặp giáo lý Phật đà, được gặp Đạo Sư – những bậc Đạo Sư như Lama Sang. Cái gì làm cho chúng ta trở nên đặc biệt? Không chỉ thân người này, mà chính Pháp của Phật là cái làm cho con người trở nên tuyệt vời. Đời người rất quý hiếm nhưng không có hiểu biết và lòng tin nơi Phật, Pháp và Tam Bảo thì nó cũng không mấy quý báu. Bởi vì Phật và Pháp của Phật dạy chúng ta làm sao để trở thành người tốt, trở thành người có từ bi, có trí tuệ.

Đối với con người, tâm từ ái là điều quan trọng nhất. Tất nhiên, con người ai cũng có ít nhiều từ tâm, nhưng tâm từ này còn quá nhỏ bé. Người ta chỉ có tâm từ đối với gia đình, đối với những ai là quyến thuộc như cha mẹ, vợ chồng v.v… Nhưng nếu nói về tâm từ đối với chúng sinh các cõi khác, đối với các chúng sinh khác thì họ chưa có được. Cha mẹ rất thương yêu con cái. Nhưng Pháp của Phật dạy cho chúng ta một tình thương chân thật, đó là tâm Đại Bi, không chỉ dành cho những ai đặc biệt đối với ta, mà dành cho tất cả chúng hữu tình. Đó là lý do tại sao Pháp của Phật làm cho chúng ta thành [con người] tuyệt vời.

Mục đích của đời người là làm lợi lạc cho tất cả chúng hữu tình, chứ không chỉ riêng cho cá nhân mình, hay những ai có kết nối nghiệp với mình. Xin hãy cố gắng nghĩ tới tất cả chúng sinh. Đó là một điều rất tốt đẹp và rất đặc biệt. Do vô minh, bám chấp, do thói quen, tập khí tích tụ nhiều đời mà có được lòng tốt, tình thương dành cho tha nhân là điều không mấy dễ dàng. Nhưng ta cần phải cố gắng và cố gắng. Đừng bao giờ quên cố gắng làm một người có tâm từ đối với tất cả chúng hữu tình. Điều này không dễ đối với chúng ta, những kẻ sơ cơ mới bước vào cửa đạo. Những kẻ sơ phát tâm tu như chúng ta thật dễ bỏ mất tâm từ, tâm bi, bỏ mất trí tuệ, bỏ mất tấm lòng rộng mở.

“Thậm chí trong lễ Monlam, Thầy đã nhắc các vị được gọi là ‘sư thầy’ hay ‘học giả’ về việc cần phải giữ chánh niệm. Thầy nhắc quý vị ấy rằng nếu không làm được như vậy thì chính họ sẽ mắc lỗi lầm …”

Do những thói quen [xấu] huân tập nhiều đời chúng ta thường hay lãng quên. Chúng ta thường hay hung hãn, xấu bụng, hẹp hòi, chấp thủ đối với những người quanh chúng ta và ta mắc lỗi lầm. Chúng ta làm người khác tổn thương và mình cũng tổn thương. Vậy nên Phật dạy chúng ta giữ chánh niệm. Thầy nhắc tới điều này bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào có thể. Thậm chí trong lễ Monlam, Thầy đã nhắc các vị được gọi là ‘sư thầy’ hay ‘học giả’ về việc cần phải giữ chánh niệm. Thầy nhắc quý vị ấy rằng nếu không làm được như vậy thì chính họ sẽ mắc lỗi lầm, sẽ hủy diệt chất thiện lành trong bản thân mình. Vậy nên, hiểu được giá trị của chánh niệm là điều hết sức quan trọng.

Tinh túy của Pháp, của người tu đạo là không làm điều sai trái. Phải luôn nhớ mình không mắc điều sai trái. Cái gì là nhân gây ra điều lầm lỗi? Vô minh. Cái điều phục được phiền não chính là chánh niệm. Chánh niệm cho bạn trí tuệ, chánh niệm che chở bạn khỏi những cảm xúc tiêu cực, vậy hãy giữ chánh niệm.

“Chúng ta thường trộn lẫn Pháp [chân thực] với pháp thế gian. Và chúng ta thường ngụy tạo: một cái gì đó thật ra không phải là Pháp, nhưng ta ngụy tạo cho nó là Pháp.”

Có những người rất cố gắng tạo lập thiện hạnh, nhưng do thiếu chánh niệm họ vẫn mắc phải lỗi lầm. Điều đó làm giảm đi chất thiện lành [trong hành động của họ]. Đó là lý do tại sao chúng ta nỗ lực tu hành nhiều mà sự tiến bộ thì vẫn rất nhỏ nhoi. Tại sao vậy? Tại vì ta thường gây nhiều sai trái. Vì vậy, hãy luôn nhớ giữ chánh niệm và bạn sẽ vượt lên. Nếu mắc ít lỗi lầm hơn thì ta sẽ đạt được tiến bộ lớn. Nhưng do ta mắc sai trái quá nhiều mà tiến bộ của ta rất chậm chạp.

Hi vọng rằng mọi người hiểu được điểm rất quan trọng này và nỗ lực đưa nó vào thực hành. Đôi khi chúng ta bỏ công sức làm nhiều việc rất vô nghĩa, vì vậy mà kết quả nhận được thật nhỏ nhoi. Chúng ta thường trộn lẫn Pháp [chân thực] với pháp thế gian. Và chúng ta thường ngụy tạo: một cái gì đó thật ra không phải là Pháp, nhưng ta ngụy tạo cho nó là Pháp. Chúng ta làm một cái gì đó mà ta tưởng là Pháp, là thiện hạnh, nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại.

“Tổ Atisha có nói nếu bạn không tu hành đúng chánh Pháp thì chính [việc tu] Pháp sẽ khiến bạn đọa lạc. Cho dù bạn nghĩ bạn đang tạo thiện hạnh, nhưng thực tế tất cả mọi hành động bạn làm đều không phải là Pháp.”

Pháp luôn là việc của tâm. Tâm thiện thì đó là Thiện Pháp, Pháp chân thực. Tâm bất thiện thì đó là Pháp đã bị nhiễm chất độc. Tổ Atisha có nói nếu bạn không tu hành đúng chánh Pháp thì chính [việc tu] Pháp sẽ khiến bạn đọa lạc. Cho dù bạn nghĩ bạn đang tạo thiện hạnh, nhưng thực tế tất cả mọi hành động bạn làm đều không phải là Pháp.

Lời đề nghị [của Thầy] là: hãy luôn chánh niệm, từ tâm, luôn an bình, không giận dữ, không ích kỉ. Thế nhưng chúng ta cứ làm điều trái ngược. Chúng ta bất lực không điều phục được tâm phiền não. Vậy phải làm sao đây? Chúng ta biết rằng chúng ta bất lực không điều phục được tâm phiền não, ta thường xuyên làm điều sai trái, thường xuyên giận dữ, buồn khổ, nói lời không tốt với bạn đồng tu, và làm nhiều việc lầm lỗi. Khi làm điều sai trái, ta cần nhận biết đó là sai: “Ồ, ta không được làm như vậy!” Và ta phải chân thành nghĩ: “Ồ, như vậy không tốt. Mình phải sửa sai.” Và phải gặp người khác để nói lời xin lỗi. Không nên đợi người khác xin lỗi mà phải tự mình phải làm việc đó. Nếu không làm được điều đó, theo tôi bạn sẽ mất đi một ít thiện tâm trong mình. Nếu bạn không làm được điều đó, bạn sẽ lại tiếp tục mắc vào chuyện sai trái, tiếp tục làm một kẻ sân hận, ích kỉ và bất hạnh.

Xin lỗi Thầy đã nói quá nhiều. Thầy cũng phải xin lỗi. (Rinpoche cười). Xin lỗi đã giữ các bạn quá lâu. Đây là đạo lý rất quan trọng, rất tốt lành mà Phật đã truyền dạy cho chúng ta. Nếu các bạn có thể áp dụng nó, đưa nó vào thực hành thì các bạn sẽ thành một người tu hoàn hảo.

Bây giờ phải nói gì nữa đây? Các bạn có hi vọng Thầy có thể nhớ mình cần phải nói gì nữa không? Hay là để các bạn đi ăn tối.


(Có người thỉnh Rinpoche kể về Lama Sang).

Nếu Lama Sang ở đây thì Ngài sẽ làm cho các bạn chảy nước mắt rất dễ dàng.

“Các bạn phải thấy, phải theo cả 10.000 các vị lạt ma, các vị đạo sư có phải không?
Nếu không thì các bạn sẽ không thỏa mãn.”

Vì các bạn có kết nối với Phật Giáo Tây Tạng, người Tây Tạng, các lạt ma Tây Tạng, khắp nơi có khoảng 10.000 lạt ma Tây Tạng. Các bạn phải thấy, phải theo cả 10.000 các vị lạt ma, các vị đạo sư có phải không? Nếu không thì các bạn sẽ không thỏa mãn. Đó là bản tính của các bạn. Thầy rất hiểu điều này.

Các bạn nói: “Ồ, vị lạt ma này tốt hơn vị kia, có đúng không?” “Vị lạt ma này tốt hơn vị kia, vì vị ấy nói Hi với tôi.” “Vị ấy rất tốt vì vị ấy mỉm cười với tôi.” “Vị ấy rất tốt vì vị ấy nhận cúng dường của tôi.” (có người nói: “Nhưng Thầy không nhận cúng dường của chúng con.”). Ồ, Thầy nhận chứ. Nhận 100 %, hay 200 %, (Rinpoche cười và mọi người cùng cười ồ).

Đó là cách các bạn đánh giá phẩm chất của một bậc đạo sư. Vậy cho nên, trí tuệ của các bạn còn chưa đủ mạnh để xem xét, thẩm định phẩm chất của một bậc thầy. Xin lỗi, Thầy không phải là vị quan tòa. Nhưng thực sự mà nói, cách nhìn như vậy là quá méo mó, lệch lạc.

“Hiện nay, các bạn chưa có đủ năng lực để nhìn thấu suốt và nhận ra
ai là đạo sư tốt và ai không phải là chân đạo sư.”

Thầy thấy có nhiều người không có hiểu biết về Pháp và Đạo Sư. Thầy chân thành khuyên các bạn nên chầm chậm lại một chút. Nếu các bạn chạy theo nhiều thứ quá các bạn sẽ mất tất cả. Kết cục các bạn sẽ bỏ phí đời người. Nếu các bạn thật sự muốn có được một cái gì đó, một kết quả, một sức mạnh nào đó từ bậc Thầy, từ Đạo Sư của mình, thì cần phải chầm chậm lại một chút và bình ổn hơn, vững vàng hơn, chân thực hơn. Nếu không, như Thầy đã nói ở phần trên, các bạn sẽ mất tất cả.

Bởi vì, hiện có rất nhiều đạo sư Tây Tạng dổm. Và Thầy tin rằng ở Việt Nam, Trung Quốc cũng có những đạo sư dổm. Những lạt ma như vậy có nhiều ở Tây Tạng. Hiện nay, các bạn chưa có đủ năng lực để nhìn thấu suốt và nhận ra ai là đạo sư tốt và ai không phải là chân đạo sư. Vì vậy cho nên, như Thầy đã lấy ví dụ ở trên, [các bạn nói] “Ồ, Ngài là một đạo sư tốt vì Ngài cho tôi một chiếc khăn kakta bự.” “Ồ, Ngài là một lạt ma tuyệt vời vì Ngài cho tôi một tràng hạt.” Thầy sẽ tặng các bạn cái [bình] này. Liệu các bạn có cho rằng Thầy là một đạo sư tốt không? (Rinpoche giơ một chiếc bình đẹp lên, cười. Mọi người cười).

Một cái gì đó tương tự như vậy.

“Các bạn chỉ thấy cái nổi trên bề mặt, chỉ thấy cái thể hiện ở bên ngoài. Các bạn hoàn toàn không nhìn sâu tận bên trong.”

Các bạn chỉ thấy cái nổi trên bề mặt, chỉ thấy cái thể hiện ở bên ngoài. Các bạn hoàn toàn không nhìn sâu tận bên trong. Một số trong các vị lạt ma này, họ có gia đình ở Tây Tạng, Nepal, Việt Nam v.v… và ở đâu họ cũng nói: “Ồ, cưng là gia đình duy nhất của ta!” (Rinpoche cười và mọi người cùng cười.)

Thông thường có một phương cách phổ biến để gây cúng dường nhiều hơn. Đó là tán dương: “Ồ, bạn là một tái sanh cao cấp,” hay: ”Ồ, bạn là một dakini.”

– “Theo tôi bạn là một dakini.”

– “Ồ, thật thế sao? Thật thế sao?”

Đó là phương cách để kiếm được nhiều cúng dường hơn. Các bạn có nghĩ rằng bạn sẽ thực sự là dakini nếu có ai bảo bạn như vậy không? Thầy không nghĩ như vậy. Và đó là lý do tại sao Thầy hết lòng khuyên các bạn hãy tự biết mình. Các bạn cần phải tự rõ ràng về bản thân mình để khỏi quá rộn ràng, phấn khích khi có ai đó nói rằng bạn là một dakini tuyệt vời, hay là một tái sanh cao cấp, là Guru Rinpoche hay Dakini Yeshe Tsogyal, Tara Xanh, Tara Trắng v.v…

“Hãy nương tựa vào giáo lý Phật dạy. Đừng chạy theo quá nhiều thứ và đừng vội cả tin vào những gì người khác nói.”

Theo Thầy, cách người Tạng tạo thiện cảm với ai đó là buông lời tán dương: “Ồ, bạn là tái sanh cao cấp.” Còn cách người Hoa, người Việt tạo cảm tình với người khác là nói: “Ồ, trong kiếp trước tôi đã là một người thân thuộc, có thể là thầy của bạn.” Cả hai cách đều nhằm mục đích gây sự chú ý, thiện cảm? Có đúng vậy không? (Thính chúng: “Có ạ”)

Vậy nên các bạn cần phải minh bạch hơn, vững vàng hơn, chân thực hơn. Hãy nương tựa vào trí tuệ của mình. Hãy nương tựa vào giáo lý Phật dạy. Đừng chạy theo quá nhiều thứ và đừng vội cả tin vào những gì người khác nói.

“Trong tương lai những ai may mắn được thọ nhận và thực hành phục điển này từ Lama Sang phải thấy rằng mình giống như kẻ hành khất gặp được viên ngọc ước trong nhà mà không phải bỏ chút công nhọc nhằn nào cả.”

Như Thầy đã nói ở phần đầu, chúng ta thật may mắn đã gặp Phật Pháp và truyền thừa của Lama Sang. Những ai đã gặp Lama Sang và trực tiếp thọ nhận giáo lý từ Ngài được may mắn hơn một chút. Chúng ta có thể học hỏi từ nhiều thứ. Lama Sang là một Đạo Sư chân thực, một Đại Thành Tựu giả. Thầy không tán thán Lama Sang vì Ngài là thân phụ của Thầy. Thầy nói điều này vì có nhiều lý do chắc chắn. Vì vậy, Thầy thấy chúng ta thực sự may mắn có được giáo lý, có phục điển vi diệu của Lama Sang. Các phục điển này bắt nguồn từ Đức Liên Hoa Sanh, nhờ Lama Sang, ngày nay chúng ta có thể hành trì.

Có một vị đại học giả, đại Đạo Sư tên là Agong Khenpo, một trong những vị học giả nổi tiếng nhất trong lịch sử Golok. Ngài là đệ tử của Lama Sang và cũng là Bổn Sư của Lama Sang. Phục điển đầu tiên Lama Sang khai mở là sadhana Vajrapani kết hợp với Hayagriva và Garuda. Phục điển đó được đưa cho Agong Khenpo để khảo sát xem nó là phục điển thật hay không. Và Agong Khenpo nhận nó rồi nhập thất dài hạn. Ngài có những linh kiến, những giấc mơ, những dấu hiệu kì diệu. Một số bệnh của Ngài biến mất trong thời gian nhập thất. Ngài đã viết bài luận về phục điển này: “Đây là một trong những phục điển hùng mạnh nhất, đầy lực gia trì và thanh tịnh nhất.”

Trong một phần khác của bài luận Ngài viết: “Trong tương lai những ai may mắn được thọ nhận và thực hành phục điển này từ Lama Sang phải thấy rằng mình giống như kẻ hành khất gặp được viên ngọc ước trong nhà mà không phải bỏ chút công nhọc nhằn nào cả. Bởi vì Lama Sang xuất hiện, khai mở phục điển, giáo lý và nó được trao cho các bạn. Các bạn không phải nhọc công để tìm ra nó. Công việc duy nhất bạn phải làm là đưa nó vào hành trì.”

Thầy đã giới thiệu đôi điều với các bạn về Lama Sang. Chúng ta có thể nói nhiều về Lama Sang và có thể nói bất tận. Nhưng đó không phải là điều chính yếu. Cái chính yếu là ta cần biết tinh túy của cuộc đời Lama Sang và phục điển của Ngài. Và cái đó Thầy đã giới thiệu với các bạn.

Chúng ta có ít ngày để cùng tu Vajrakilaya. Chương trình nhập thất này kéo dài 3 tuần và tu viện phải hoàn tất 100 triệu biến minh chú Vajrakilaya. Tất cả 800 tăng, ni, yogi không bao gồm các bạn. Cuối kì chúng tôi phải hoàn thành 100 triệu biến Vajrakilaya. Và vì các bạn chân thành, tín tâm tham gia kì nhập thất này nên chúng tôi sẽ giữ các bạn trong lời cầu nguyện, trong pháp tu của mình, và kết thúc chúng ta sẽ cùng hồi hướng công đức.

 

Hết bài giảng ngày 14/08/2018 tại Golok

 

——-
Xem bản tiếng Anh (dưới bản Việt dịch): www.lienhoaquang.com/loidaosu-q3-01
MP3 ngày 14.8.2018: www.lienhoaquang.com/loidaosu-q3-01-mp3

Tải về
pdf
mp3
CHIA SẺ