Lời Đạo Sư 3 - Sức Mạnh Văn Thù Sư Lợi

 

“Chúng sinh bình phàm chúng ta thường mắc nhiều sai phạm do phiền não trong tâm. Phiền não hủy hoại bản tính thanh tịnh của mọi thứ [trong môi trường]. Vì vậy, chúng ta cần thực hành pháp cúng này để tịnh hóa mọi ô trược.”

Nghi lễ mà chúng ta sắp thực hiện có tên là ‘Riwo Sangcho’, có nghĩa là ‘Tịnh Hóa Hộ Pháp Bản Địa’. Chúng ta biết rằng có những vị hộ pháp đóng vai trò quan trọng bảo vệ cá nhân các hành giả và bảo vệ giáo lý của chư Phật. Một số trong các hộ pháp này rất quan trọng. Chư vị cần những nghi lễ [cúng dường] nhằm tịnh hóa ô trược trong môi trường sống và trong con người. Đó là vì chúng sinh bình phàm chúng ta thường mắc nhiều sai phạm do phiền não trong tâm. Phiền não hủy hoại bản tính thanh tịnh của mọi thứ [trong môi trường]. Vì vậy, chúng ta cần thực hành pháp cúng này để tịnh hóa mọi ô trược.

Vua Trisong Detsen là một trong những vị vua vĩ đại nhất của Tây Tạng và Ngài cũng là một vị Pháp vương. Nhà Vua đã mời Tổ Liên Hoa Sanh và nhiều đại đạo sư khác từ Ấn Độ tới Tây Tạng để xiển dương Phật Pháp. Khi đó, vua Trisong Detsen lâm bệnh và các thầy thuốc đều bó tay. Nhà vua khẩn cầu đức Liên Hoa Sanh giúp vua chữa lành bệnh. Đức Liên Hoa Sanh đã soạn một số nghi quỹ, lời cầu nguyện có tác dụng tịnh hóa – đó chính là Riwo Sangcho (cúng dường khói núi). Đức Liên Hoa Sanh cũng dạy cho vua Trisong Detsen cách thu thập những chất liệu tự nhiên để đốt trong lễ cúng, bởi vì các chất liệu này có sức mạnh tịnh hóa ô trược trong con người và môi trường.

Vua Trisong Detsen có tâm chí tín thành với đức Liên Hoa Sanh vì vậy Ngài hoan hỷ thọ nhận nghi quỹ và thực hiện lễ cúng. Sau khi nhà vua thực hiện lễ cúng khói, Ngài đã khỏi bệnh, đã phục hồi sức khỏe nhờ vào sức mạnh của pháp cúng khói. Như vậy, pháp cúng khói này có một lịch sử rất thù thắng. Là đệ tử của đức Liên Hoa Sanh, đệ tử của Phật, chúng ta tin tưởng rằng nghi lễ này có sức mạnh lớn lao như vậy.

(Rinpoche chủ trì lễ cúng khói)

“Chúng ta cần một đấng bảo hộ như đức Văn Thù, bởi vì ta không biết mình đang đi về đâu. Chúng ta không thực sự biết mình muốn gì, và chúng ta không biết chân tánh thực tại.”

Bây giờ Thầy sẽ ban quán đảnh Văn Thù Sư Lợi. Đây là một quán đảnh Văn Thù Sư Lợi rất ngắn gọn và đơn giản. Chúng ta đều biết Văn Thù Sư Lợi là một đại bồ tát , là Bổn Tôn Trí Tuệ. Đức Phật nói rằng Văn Thù Sư Lợi là một trong các vị thầy của ngài và đức Văn Thù cũng như một người cha của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Một trong những đại nguyện, đồng thời cũng là sức mạnh của Văn Thù Sư Lợi là: bất cứ ai có lòng tin nơi Ngài, trì chú Văn Thù, cầu nguyện tới Ngài thì sẽ được truyền trí tuệ của Ngài. Ngài sẽ ban gia trì cho người đó.

Thầy tin rằng điều này rất quan trọng đối với chúng ta, những người chưa thực sự có trí tuệ. Thầy không nói rằng chúng ta ngu dốt, nhưng còn rất vô minh. Chúng ta cần một đấng bảo hộ như đức Văn Thù, bởi vì ta không biết mình đang đi về đâu. Chúng ta không thực sự biết mình muốn gì, và chúng ta không biết chân tánh thực tại. Chúng ta hoàn toàn không biết gì về chân tâm, bản tánh của mình. Vì vậy, chúng ta lăn lóc trong luân hồi, rất đau khổ và mãi kẹt ở đó. Vì vậy mà ta cần có trí tuệ như trí tuệ Văn Thù. Để có được tánh đức này, chúng ta cần tu pháp Văn Thù Sư Lợi, đồng thời phải thân cận đức Văn Thù để Ngài ban quán đảnh, gia trì và ban cho chúng ta trí tuệ, hiểu biết.

Nói về các thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên – các em cần nhiều kiến thức, cần nhiều năng lực trí tuệ để học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, có quá nhiều thứ cần phải học và có quá nhiều thứ trong cuộc sống khiến các em tán tâm. Các học sinh, sinh viên trong xã hội ngày nay gặp rất nhiều khó khăn, chướng ngại. Những thứ đó đôi khi vượt quá sức các em; việc học hành đôi khi trở nên quá tải, quá áp lực khiến nhiều em không chịu đựng nổi. Vì vậy, các em có những hành vi không bình thường. Nhiều người trong số các em đã tự tử do thiếu hiểu biết, thiếu trí tuệ. Các em không thể chấp nhận thử thách. Vì vậy, các học sinh, sinh viên đặc biệt cần có nhiều trí tuệ.

“Đầu óc họ rất tăm tối và họ không hiểu mọi thứ một cách rõ ràng, bởi vì vô minh là một tập khí nặng nề trong tâm họ; nó làm tắc nghẽn, che mờ tất cả mọi thứ. Vì vậy, chúng ta cần phải tu những pháp như pháp Văn Thù để tịnh hóa ô trược, mê mờ, che chướng trong tâm.”

Thông thường có hai cách để phát triển tri thức. Cách thứ nhất, chúng ta cần phải học. Chúng ta cần phải học những môn học khác nhau, những thứ khác nhau càng nhiều càng tốt. Chúng ta không được lười biếng mà phải rất siêng năng học hành để thành một người thông tuệ, hiểu biết. Cách thứ hai, có một số người cho dù họ rất cố gắng học hành, bỏ nhiều thời gian, công sức, nhưng đầu óc họ vẫn không sáng sủa, không bén nhạy. Đầu óc họ rất tăm tối và họ không hiểu mọi thứ một cách rõ ràng, bởi vì vô minh là một tập khí nặng nề trong tâm họ; nó làm tắc nghẽn, che mờ tất cả mọi thứ. Vì vậy, chúng ta cần phải tu những pháp như pháp Văn Thù để tịnh hóa ô trược, mê mờ, che chướng trong tâm. Nương vào đó, trí tuệ bổn lai vốn thường hằng trong tâm sẽ dần dần được khai mở, lớn mạnh nhờ sức mạnh của đức Văn Thù.

“BÀ-MẸ-TỰ-TÁNH bị che mờ bởi phiền não.
Pháp tu Văn Thù có sức mạnh chặt đứt gốc rễ vô minh và khai mở trí tuệ cho ta nhận ra BÀ-MẸ-TỰ-TÁNH.”

Có thể nói rằng chúng ta là những kẻ lạc nhà, chúng ta rời bỏ chân tâm bản tánh của mình, chúng ta không kết nối được với BÀ-MẸ-TỰ-TÁNH. Chính vì lẽ đó chúng ta lang thang trong luân hồi. Chừng nào chúng ta còn trong luân hồi, chừng đó ta còn gặp nhiều khổ đau, trắc trở, vấn nạn. BÀ-MẸ-TỰ-TÁNH bị che mờ bởi phiền não. Pháp tu Văn Thù có sức mạnh chặt đứt gốc rễ vô minh và khai mở trí tuệ cho ta nhận ra BÀ-MẸ-TỰ-TÁNH. Thực hành pháp Văn Thù Sư Lợi sẽ đem lại lợi lạc vô cùng lớn lao. Tóm lại, điều rất quan trọng, rất tốt đẹp cho chúng ta là trì chú Văn Thù, hồng danh đức Văn Thù, quán tưởng Văn Thù, nghĩ tưởng và cầu nguyện tới đức Văn Thù và tự tịnh hóa mình bằng thực hành pháp Văn Thù Sư Lợi.

Bây giờ chúng ta đã hiểu sự thật đó. Thầy nghĩ rằng đây là một ưu điểm lớn của các bạn và Thầy rất trân quý điều này. Kinh nghiệm và quan điểm cá nhân của Thầy là: việc tu pháp Văn Thù Sư Lợi đem lại lợi lạc và sức mạnh vô cùng lớn lao. Thầy không có điều kiện thuận lợi để học tập khi còn nhỏ. Vào thời niên thiếu, Thầy không còn lựa chọn nào khác là tu pháp Văn Thù và Thầy đã được lợi lạc rất nhiều từ việc này. Thầy đã có lòng tin sâu sắc, mạnh mẽ rằng tu pháp Văn Thù sẽ giúp ta phát triển trí tuệ, hiểu biết. Điều này bao gồm không những hiểu biết về chân tánh của thực tại mà cả hiểu biết về thế giới này, về cuộc sống hàng ngày.

“Chúng ta phải thực hành nhiều hơn, phải nỗ lực tinh tấn hơn đức Phật, bởi vì chúng ta vô minh hơn, phiền não hơn, nhiều tham, nhiều sân hơn. Nếu muốn tịnh hóa những ô trược này trong tâm, thì ta phải thực hành rất siêng năng.”

Đức Văn Thù Sư Lợi giúp ta phát triển trí tuệ, năng lực để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và vượt qua khó khăn, thử thách. Thầy không nói rằng Thầy là một đại học giả hay là một người rất uyên bác. Tuy nhiên, nếu Thầy không tu pháp Văn Thù thì thầy sẽ ngu dốt và tệ hại hơn một người bình thường. Vì vậy, Thầy nói rằng Thầy có nhiều lòng tin và tâm chí thành chí tín. Tất nhiên, khi thực hành bất cứ Bổn tôn nào, để thực sự lợi lạc chúng ta cần phải công phu khó nhọc, phải hết sức nỗ lực. Ta sẽ không nhận được nhiều gia trì, nhiều sức mạnh từ Bổn tôn nếu chỉ tụng vài minh chú. Chúng ta phải trì tụng rất nhiều, rất nhiều minh chú, hàng triệu triệu biến. Khi đó ta sẽ có được lợi lạc, sức mạnh.

Chúng ta có thể học hỏi từ các câu chuyện về cuộc đời của đức Phật. Khi đức Phật sanh vào thế giới này, Ngài đã là một bậc tôn quý, Ngài có rất ít phiền não trong tâm. Ngài đã là một con người vô cùng cao quý, vô cùng thanh tịnh. Tuy nhiên, đức Phật vẫn trải qua việc tu hành gian khổ. Ngài đã dấn thân vào khó khăn thử thách để đạt tới giải thoát. Vậy một người căn cơ bình thường như chúng ta lại càng cần phải trải qua nhiều thử thách hơn. Chúng ta phải thực hành nhiều hơn, phải nỗ lực tinh tấn hơn đức Phật, bởi vì chúng ta vô minh hơn, phiền não hơn, nhiều tham, nhiều sân hơn. Nếu muốn tịnh hóa những ô trược này trong tâm, thì ta phải thực hành rất siêng năng. Đây là điều quan trọng cần phải hiểu.

Thầy nhận ra rằng vấn đề lớn nhất của Thầy là tật lười biếng. Thầy cũng biết rằng, bệnh lười biếng là bệnh khó sửa nhất. Bệnh lười biếng là trở ngại lớn nhất khiến Thầy không tiến bộ, không thể thành tựu, không thể nhích lên một bước nào trên đường tu. Thầy nghĩ rằng đa số mọi người ở đây cũng có cùng vấn nạn như vậy. Thầy tin như vậy bởi vì chúng ta chắc là rất giống nhau. Thầy tin rằng chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng. Vì vậy, nếu ai muốn thành một hành giả tốt, có trí tuệ, hiểu biết thì người đó phải siêng năng, tinh tấn.

“Và đừng quên lý vô thường của cuộc đời, đừng quên tầm quan trọng của việc tu luyện tâm và hoàn thiện bản thân. Điều này rất quan trọng và đây là lời khuyên, là giáo huấn cốt tủy của Thầy dành cho các bạn.”

Chúng ta không được lười biếng, chúng ta phải đấu tranh với bệnh lười biếng của mình. Từng ngày chúng ta phải cố gắng giảm bệnh lười của mình, càng nhiều càng tốt để rồi cuối cùng đạt tới thành tựu. Nhưng nếu chúng ta thậm chí không hiểu vấn đề đó thì hoàn toàn không còn cách nào, không còn cơ hội nào để tự hoàn thiện bản thân. Trong những năm tháng qua, Thầy đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu giáo lý và công phu hành trì; chướng ngại lớn nhất như Thầy đã nói chính là bệnh lười biếng. Vì vậy, xin các bạn hãy nhận ra điều này và nỗ lực sử dụng thời gian của các bạn một cách đúng đắn, đúng Pháp. Và đừng quên lý vô thường của cuộc đời, đừng quên tầm quan trọng của việc tu luyện tâm và hoàn thiện bản thân. Điều này rất quan trọng và đây là lời khuyên, là giáo huấn cốt tủy của Thầy dành cho các bạn.

“Siêng năng, tinh tấn dành cho Pháp hoàn toàn khác với siêng năng, cần cù dành cho đời sống thế tục, tiền bạc và mưu sinh. Hai chuyện này rất khác nhau.”

Siêng năng, tinh tấn dành cho Pháp hoàn toàn khác với siêng năng, cần cù dành cho đời sống thế tục, tiền bạc và mưu sinh. Hai chuyện này rất khác nhau. Đôi khi có ai đó rất cần cù làm việc, hết sức nỗ lực để thành công nhưng điều đó không có ý nghĩa gì hết. Khi chúng ta nói về nỗ lực thì đó là siêng năng, nỗ lực dành cho Pháp, là siêng năng làm việc với tâm mình. Phải làm việc với phiền não trong tâm và hết sức cố gắng để liên tục duy trì sự tinh tấn đó. Đó chính là chánh tinh tấn. Chúng ta đã trải qua vô lượng kiếp trong luân hồi. Chúng ta đã có bao nhiêu tái sanh? Không ai biết được. Thậm chí Phật cũng không biết bởi vì con số đó không tính đếm nổi. Thế nhưng mỗi kiếp sống qua từng người trong số chúng ta ở đây đều là một kẻ thất bại hoàn toàn. Chúng ta chẳng thành tựu được gì hết mà chỉ đau khổ, khổ đau rồi chết. Sinh ra, đau khổ rồi lại chết lần nữa. Đây là câu chuyện của chúng ta, câu chuyện có thật.

Vì đây là cơ hội duy nhất, vì đây là kiếp người duy nhất mà chúng ta có được, cho nên chúng ta cần phải làm một cái gì đó. Nếu bạn nhận ra điều này thì bạn đang sống như một con người với đúng nghĩa. Nếu bạn không biết điều này thì bạn cũng giống như tất cả mọi kẻ khác; hoặc bạn giống như một súc sinh hay một cái gì tương tự. Bởi vì chẳng có khác biệt nào cả: chúng súc sinh đau khổ và con người cũng đau khổ trong thế giới này. Vậy có gì là khác nhau? Sự khác nhau duy nhất là ở chỗ con người chúng ta biết: “Tôi muốn cái này. Tôi muốn nhiều hơn nữa.” Đó là sự khác biệt duy nhất giữa con người và súc sinh. Tuy nhiên, nếu ta biết cách sử dụng những hiểu biết về Phật pháp của mình thì điều này sẽ tạo nên khác biệt lớn lao, rất lớn lao.

“Chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ của mình bởi vì có một phẩm chất tuyệt vời tiềm ẩn trong tâm chúng ta. Nếu ta nhận ra được phẩm chất đó, chân tánh đó thì ta sẽ trở thành Văn Thù Sư Lợi và nhận được trí tuệ Văn Thù.”

Bây giờ Thầy sẽ trì chú Văn Thù và mọi người quán tưởng mình là Văn Thù: “Tôi là đức Văn Thù.” Thầy nói chúng ta phải nghĩ: “Tôi là đức Văn Thù” bởi vì tâm chúng ta có sức mạnh, có bản chất giống như đức Văn Thù. Vì vậy, nếu bạn tin vào điều đó, nếu bạn không tán tâm vì phiền não, bạn tập trung vào ý nghĩ đó thì đức Văn Thù sẽ cho bạn cơ hội được giống như Ngài. Tuy nhiên, chúng ta có thói quen, xu hướng nghĩ rằng: “Tôi không phải là đức Văn Thù. Tôi chỉ là tôi. Tôi thích vợ tôi, chồng tôi, tôi thích cái này cái nọ …” Đó là tập khí, thói quen huân tập nhiều kiếp của chúng ta. Liệu bạn có được lợi lạc gì nhờ nghĩ như vậy? Không lợi lạc gì cả phải không? Bây giờ chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ của mình bởi vì có một phẩm chất tuyệt vời tiềm ẩn trong tâm chúng ta. Nếu ta nhận ra được phẩm chất đó, chân tánh đó thì ta sẽ trở thành Văn Thù Sư Lợi và nhận được trí tuệ Văn Thù.

(Rinpoche hướng dẫn tụng ‘Dhi, Dhi …’)

Hôm nay là một ngày đặc biệt. Chúng ta có một cơ hội tốt để cùng nhau thực hành Pháp Văn Thù vào ngày nhật thực. Chính nhờ ngày đặc biệt này mà mỗi biến minh chú sẽ có sức mạnh nhân lên triệu lần. Đây là một điều rất kiết tường. Có một câu chuyện tuyệt vời về một bậc đại đạo sư , hóa thân của đức Văn Thù, là ngài Mipham Rinpoche. Ngài là một trong những hành giả vĩ đại nhất trong lịch sử Tây Tạng. Ngài Mipham đã đạt thành tựu lớn nhờ tu pháp Văn Thù vào ngày có nguyệt thực. Ngài chỉ hành trì một đêm và đã có linh kiến về Văn Thù Sư Lợi. Chỉ trong một đêm. Tất nhiên, Ngài rất khác [chúng ta]. Ngài có một nền tảng rất vững chắc. Tâm Ngài rất thanh tịnh. Tuy nhiên, Ngài cũng thấy rõ rằng rất quan trọng là phải tận dụng cơ hội đặc biệt, những ngày đặc biệt [tăng trưởng công đức] để hành trì.


(Rinpoche ban quy y cho Phật tử)

 

Hết trích đoạn bài giảng chiều 13/09/2015 tại Chùa Sủi.

—-

Xem bản tiếng Anh (dưới bản Việt dịch) do Menlha Kyid (Kiều Oanh) chép tại: www.lienhoaquang.com/loidaosu-q3-02
Nghe MP3 bài giảng tại: www.lienhoaquang.com/loidaosu-q3-02-mp3

Tải về
pdf
mp3
CHIA SẺ