Người trí phân biệt được đúng sai còn kẻ không tu tự do làm bừa như trẻ nhỏ

Có hai lý do khiến thân người đặc biệt quý giá. Thứ nhất, thân người khó gặp. Để có được thân người cần phải hội đủ rất nhiều duyên lành. Thứ hai, thân người dễ mất. Vì vậy mà ta phải hết sức cẩn trọng về thời gian ta đang có mặt nơi đây. Benjamin Franklin, một người Mỹ nổi tiếng nói: “Bạn có thể trì hoãn nhưng thời gian thì không.” Đó là sự thật. Chúng ta thường trì hoãn nhiều thứ, đặc biệt là việc tu hành. Ta kì kèo: “Ồ mình sẽ làm việc ấy sau. Ngày mai hay tuần tới.” Nhưng thời gian không chờ ta. Vấn đề chính là ở chỗ đó.

Hiểu biết che chở ta thoát khổ đau, hiểm nạn vì nó cho ta năng lực phân biệt đúng sai. Hiểu biết của con người rất đặc biệt và nó nương vào thân. Không loại thân nào có được hiểu biết như vậy. Cho nên nói hiểu biết của con người rất đặc biệt.

Thế nhưng chúng ta [vẫn] không biết. Nghĩa là, mặc dù ta biết gì là đúng là sai nhưng thói [xấu] trong tâm vẫn không sao khắc phục nổi. Đây chính là vấn nạn của ta. Kết quả, ta vẫn cứ hành động đi ngược lại quy luật của nghiệp. Phật dạy: “Hãy chịu trách nhiệm về bản thân chứ không chỉ về người khác. Bạn là người che chở cho [chính] mình.” Bạn phải chăm lo cho [tâm] mình trước rồi mới che chở cho người khác được. Đó là lời minh triết: tu thân sửa mình trước đã rồi mới giúp người sau.

Người theo đường sáng hành động đúng đắn, tốt lành, còn kẻ chọn đường sai thì kẹt vào chướng nạn và thậm chí kết thúc cuộc đời ở đó. Cái gì làm nên kẻ phàm? Vô minh. Vô minh khiến ta làm kẻ ngu, không biết thực tại. Chúng ta nói kẻ phàm như trẻ nhỏ. Bậc hiền trí nhìn chúng ta như con trẻ. “Trẻ nhỏ” là kẻ không lớn lên về tinh thần. Kẻ thiếu hiểu biết là trẻ nhỏ.

Trích “Phật Pháp Căn Bản”, Hungkar Dorje Rinpoche

Kim Cang Định trích dẫn

Nguồn ảnh: Tu viện Lungen

CHIA SẺ