Ý nghĩa đời người là giúp đỡ người khác, mở rộng trái tim cho chúng sinh khác

“Phải sử dụng cuộc đời này thế nào đây?” Câu trả lời của Phật giáo rất rõ ràng. Cuộc đời này là một phương tiện tuyệt vời, một cơ hội tuyệt vời. Nó vô cùng quý báu bởi rồi nó sẽ vuột mất. Cho nên, khi có [trong tay] hiểu biết của con người, có đời người với nhiều phước duyên thì phải sử dụng nó, phải biết cách sử dụng nó. Phải hiểu giá trị của thời gian ta đang sống. Phật dạy rất rõ ràng về giá trị của đời người. Thân người quý báu và thời gian ta đang sống đây rất quý báu. Chúng ta cần phải hiểu điều này và áp dụng hiểu biết ấy một cách đúng đắn.

Kinh điển Phật dạy đời người quý báu. Nhưng nó chỉ quý khi biết dùng đúng cách. Nó không quý khi ta dùng để mưu cầu chút lợi thế gian. Vậy đâu là chân giá trị của nó? Hiểu biết và đức hạnh. Hiểu biết và đức hạnh hợp nhất làm nên đời người hoàn hảo, vô giá. Một đời người hiểu được nhân quả, sống thuận nhân quả. Kẻ ngu quen làm ngược nhân quả khiến đời người vô ích. Cái duy nhất làm cho cuộc đời có giá trị là chánh kiến hợp nhất với chánh hạnh. Hiểu giá trị quan trọng của thời gian sẽ làm cuộc đời ta viên mãn.

Của cải, danh vọng, địa vị không làm nên giá trị nhân sinh. Cái gì làm nên giá trị một kiếp người? Theo nhân sinh quan Phật giáo, làm lợi lạc chúng sinh, mở rộng trái tim cho chúng sinh khác làm nên ý nghĩa kiếp người. Đây là chánh tư duy. Thế gian có kẻ làm được nhiều việc nhưng chẳng mấy lợi lạc cho người khác, trái lại đôi khi còn gây hại. Ý nghĩa đời người là lợi lạc tha nhân: giúp đỡ người khác, nghĩ về người khác. Đây là thông điệp chính yếu của Phật, là ý nghĩa của giáo lý Phật.

Trích “Phật Pháp Căn Bản”, Hungkar Dorje Rinpoche

Kim Cang Định trích dẫn

CHIA SẺ