BA TÁNH ĐỨC CẦN CÓ CỦA MỘT BẬC ĐẠO SƯ: Ba Phẩm Chất Một Đệ Tử Cần Có (Phần I)*

 Sáng 21.10.2018, Chùa Vĩnh Nghiêm

 “Điều rất quan trọng là phải theo một đạo sư tốt, đầy đủ tánh đức. Một đạo sư tốt cần phải thông tuệ giáo lý, giới hạnh thanh tịnh, có chứng nghiệm tốt.”

Đối với người tu Phật Giáo, điều quan trọng là phải thực hành đầy đủ cả ba pháp: văn, tư, tu thường được nhắc tới. Người tu phải hoàn hảo cả ba pháp tu chính yếu này để thành tựu Phật quả. Trong việc tu hành hàng ngày chúng ta phải áp dụng [ba] phương tiện này. Chúng ta phải đưa vào thực tập (tu) hành ngày tất cả những gì ta học hỏi được, biết được (văn, tư). Ví dụ, nói về văn, tư – nếu bạn không nghiên cứu, học tập thì sẽ không biết cách thực hành bất cứ pháp tu nào. Nếu bạn nghiên cứu một pháp môn cụ thể nào đó thì bạn sẽ có thể thực hành pháp đó có hiệu quả. Tóm lại, chỉ bằng việc học hành như vậy, chúng ta mới có thể hành trì kết quả tốt. Lấy ví dụ, pháp Tara Xanh – chúng ta phải học giáo lí trước rồi mới bắt tay vào thực hành. Không có giáo huấn về một thực hành nào đó thì khó mà hiểu và hành trì có hiệu quả. Vì vậy, việc học giáo lí là rất quan trọng.

Điều rất quan trọng là phải theo một đạo sư tốt, đầy đủ tánh đức. Một đạo sư tốt cần phải thông tuệ giáo lý, giới hạnh thanh tịnh, có chứng nghiệm tốt. Ba phẩm chất này làm nên một vị Đạo sư tốt. Không có các phẩm chất này thì khó mà trở thành một vị đạo sư tốt. Không có một bậc đạo sư tốt dẫn dắt thì khó có thể đi theo con đường đúng đắn. Vì vậy, điều rất quan trọng là người tu phải có đạo sư tốt.

“Đạo hạnh tốt có nghĩa là trung thực, và đạo hạnh kém là không trung thực, dối trá. Vì vậy đạo hạnh tốt, kỷ luật tốt thậm chí còn quan trọng hơn cả kiến thức và hiểu biết tốt.”

Sự hiểu biết, kiến thức là phẩm chất quan trọng của một bậc đạo sư để dẫn dắt người tu đi trên con đường đạo. Vì vậy, sự hiểu biết là rất quan trọng. Khi một người nào đó không thông tuệ giáo lý, không biết phải dạy thế nào, phải dẫn dắt đệ tử thế nào thì đó là điều rất tồi tệ.

Tuy nhiên đó không phải là điều kiện duy nhất để trở thành một đạo sư tốt. Như Thầy đã nói trước đây, đạo hạnh tốt là rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn. Đôi khi những người thông minh, hiểu biết giáo lý lại có thể gây nhiều chuyện không tốt. Họ có thể nói dối, lừa phỉnh mọi người bởi vì họ rất khôn ngoan, khéo léo, nhưng đạo hạnh thì không tốt. Đạo hạnh tốt có nghĩa là trung thực và đạo hạnh kém có nghĩa là không trưng thực, dối trá. Vì vậy đạo hạnh tốt, kỷ luật tốt thậm chí còn quan trọng hơn cả kiến thức và hiểu biết tốt.

“Khi không có trải nghiệm, chứng ngộ về đạo lộ, về giáo lý thì tâm vẫn còn rỗng cạn, không có sức mạnh. Khi đó tâm vẫn chưa đạt tới điểm rốt ráo của Pháp.”

Lại nữa, trải nghiệm là yếu tố rất quan trọng, bởi vì nếu một người có hiểu biết, kiến thức, có đạo hạnh tốt nhưng không tu trì đầy đủ thì sẽ không có trải nghiệm, chứng ngộ gì cả. Khi không có trải nghiệm, chứng ngộ về đạo lộ, về giáo lý thì tâm vẫn còn rỗng cạn, không có sức mạnh. Khi đó tâm vẫn chưa đạt tới điểm rốt ráo của Pháp. Pháp đối với người đó vẫn còn xa vời, Pháp vẫn chưa thực sự có hiệu lực, sức mạnh đối với tâm [người đó]. Tâm [người đó] vẫn còn rỗng cạn, vẫn còn bình phàm, chưa được điều phục, mặc dù người đó có đạo hạnh tốt, hiểu biết, kiến thức tốt.

“Khi chưa chứng ngộ chân tánh thực tại, chưa đạt tới liễu nghĩa của giáo lý, thì cho dù người thầy rất thông minh, người đó cũng không thể dạy đệ tử, không thể làm lợi lạc được nhiều cho đệ tử.”

Như vậy, ba phẩm chất này rất quan trọng. Thứ nhất là hiểu biết, kiến thức, thứ hai là giới hạnh, và thứ ba là trải nghiệm, chứng ngộ. Ý nghĩa thực sự của phẩm chất chứng nghiệm là công phu thiền định thật nhiều, hết sức nỗ lực công phu thiền định để tự hoàn thiện mình trên đạo lộ. Khi một ai đó, một đạo sư nào đó tu trì nhưng không đạt được các trải nghiệm thì người đó không có chứng ngộ thực sự. Khi chưa chứng ngộ chân tánh thực tại, chưa đạt tới liễu nghĩa của giáo lý, thì cho dù người thầy rất thông minh, người đó cũng không thể dạy đệ tử, không thể làm lợi lạc được nhiều cho đệ tử. Trái lại, khi một bậc thầy dạy chúng ta với trải nghiệm và chứng ngộ riêng của mình thì sự dạy dỗ đó sẽ hiệu quả hơn nhiều, có lực gia trì lớn hơn nhiều, có sức mạnh lớn hơn nhiều. Việc dạy dỗ đó thực sự lợi lạc cho mọi người, giúp người ta hiểu được giáo lý. Tuy nhiên, rắc rối nằm ở chỗ có nhiều vị thầy, bao gồm cả bản thân Thầy, không có đầy đủ hiểu biết, trải nghiệm, chứng ngộ và tri kiến đúng đắn.

Vì vậy, những lời dạy của họ hầu như chỉ là những cuộc nói chuyện rỗng cạn. Nhưng đối với các bạn, cần phải tìm được vị đạo sư có đầy đủ những tánh đức mà Thầy đã nhắc tới: hiểu biết, đạo hạnh, trải nghiệm và chứng ngộ. Điều này rất quan trọng. Khi chúng ta nói trải nghiệm hay chứng ngộ thì “chứng ngộ” có nghĩa là trực chứng chân tánh của vạn pháp, tánh không, vô ngã, vô thường – đây chính là thực tại của vạn pháp. Còn “trải nghiệm” về căn bản có nghĩa là một người đã công phu tu hành rất thâm hậu trên đường đạo để trưởng dưỡng các tánh đức: từ, bi và bồ đề tâm. Khi đó người thầy thực sự có tâm bi mẫn. Không phải từ bi nơi cửa miệng, trong lời nói, mà là từ bi trong con tim, trong tâm. Đây là một phẩm chất rất quan trọng.

“Phẩm chất quan trọng đầu tiên để làm một đệ tử tốt là đức tính trung thực.”

Khi nói rằng phải hiểu những tánh đức cần có của một vị Thầy, thì đồng thời người đệ tử cũng cần phải có một số phẩm chất và năng lực trí tuệ. Nếu không như vậy thì người đệ tử cũng không thể nhận ra được ai là vị đạo sư có đầy đủ tánh đức, ai là không. Phẩm chất quan trọng đầu tiên để làm một đệ tử tốt là đức tính trung thực. Đức tính trung thực rất quan trọng. Đối với đệ tử điều rất quan trọng là phải trung thực.

Đôi khi có những người đệ tử, mặc dầu họ có hiểu biết, thế nhưng họ lại không thể phân biệt được rõ đâu là tốt, đâu là xấu khi tiếp cận người nào đó. Có lẽ bởi vì người đó rất gần gũi, thân thiết với họ, là người mà họ có những thân cận nào đó. Chính vì vậy mà người ta không muốn nói gì cả, không hề làm gì hết, ngay cả khi người ta nhìn thấy có cái gì đó không được đúng đắn lắm ở con người đó, ở cái ông “thầy” đó. Đôi khi, thậm chí họ thấy một vị đạo sư rất tốt, đầy đủ mọi tánh đức, thế nhưng vì tâm họ không trung thực, nên họ không muốn chấp nhận, họ không cố gắng để đánh giá đúng và trân quý những tánh đức đó. Vì vậy, đức tính trung thực là phẩm chất đầu tiên để làm một người đệ tử tốt.

“Chúng ta cần phải theo chân một bậc đạo sư với sự hiểu biết và thông minh.”

Phẩm chất thứ hai là hiểu biết và kiến thức. Người đệ tử cần phải có đủ thông minh để hiểu được các tánh đức của bậc đạo sư. Không có sự hiểu biết, kiến thức thì người đệ tử không biết một bậc đạo sư cần phải có những tánh đức như thế nào. Khi đó người đệ tử không biết được vị thầy [của họ] là tốt hay là xấu. Vì vậy, thông minh và hiểu biết là rất quan trọng. Có nghĩa là cần phải học hỏi về các tánh đức cần có của bậc đạo sư, học cách tầm sư học đạo, học cách làm một đệ tử tốt – đây là điều kiện làm nên một đệ tử thành công. Tóm lại, người tu phải học rộng, biết nhiều, không để đầu óc rỗng cạn. Không nên theo chân một kẻ có tâm địa không tốt chỉ do thiếu hiểu biết. Đó là điều không tốt. Chúng ta cần phải theo chân một bậc đạo sư với sự hiểu biết và thông minh. Đây là phẩm chất thứ hai.

Tất nhiên, phẩm chất thứ ba là tinh tấn. Bởi vì khi ta không nỗ lực tu hành, thì sẽ không đi tới đâu cả, thậm chí cho dù bạn có hiểu biết và kiến thức. Nếu một người biết rõ về đạo sư của mình, và đã thọ nhận nhiều giáo lý từ bậc chân sư, nhưng lại không tinh tấn, liên tục hành trì thì người đó cũng không đi tới đâu cả. Vì vậy, nỗ lực tu hành là điều rất quan trọng.

“Thế nhưng giáo huấn tốt có lợi lạc cho bạn hay không
lại phụ thuộc vào việc bạn hiểu [giáo lí] thế nào, tinh tấn ra sao.”

Để làm một đệ tử tốt thì rất cần phải nắm vững những giáo lý, giáo huấn quan trọng. Vì muốn thực hành Pháp nên chúng ta cần giáo huấn tốt về đạo lộ giải thoát. Do đó, giáo huấn tốt là rất cần thiết. Thế nhưng giáo huấn tốt có lợi lạc cho bạn hay không lại phụ thuộc vào việc bạn hiểu [giáo lí] thế nào, tinh tấn ra sao. Nếu không hiểu giáo huấn thì giáo huấn sẽ không ích lợi gì cho bạn. Nếu lười biếng thì cho dù đã thọ nhận giáo huấn tốt, bạn vẫn tu không tiến bộ. Bởi vì đã lười biếng thì bạn không thích thực hành mà chỉ tiêu tán thời gian vào chuyện phiếm, vào chơi bời, giải trí, ăn ngủ v. v. Các hoạt động thế tục này tiêu tán thời gian, và bạn không còn thời giờ dành cho Pháp, bạn tu không tiến bộ.

“Chính đức Phật đã cảnh báo rằng trong tương lai sẽ tới một thời kỳ mà
những vị thầy kém phẩm chất lại được ưa thích hơn, nhiều người hâm mộ hơn các bậc chân sư.”

Lại nữa, người tu cần luôn kiểm tra xem mình có đang theo những vị thầy kém phẩm chất hay không, bởi vì ngày nay một sự thật rất phổ biến là có nhiều vị thầy kém phẩm chất lại được nhiều người ưa thích và chạy theo. Chính đức Phật đã cảnh báo rằng trong tương lai sẽ tới một thời kỳ mà những vị thầy kém phẩm chất lại được ưa thích hơn, nhiều người hâm mộ hơn các bậc chân sư. Vào thời đức Phật đã có những vị thầy xấu lừa lọc đệ tử, dẫn dắt họ vào con đường lầm lạc. Vì vậy, điều quan trọng là tránh chạy theo những vị thầy xấu.

 

Hết bài giảng sáng 21.10.2018

Việt dịch (bản chép lời giảng tiếng Anh): Lotsawa (Hiếu Thiện).

Bản tiếng Anh do Choying Drolma (Giáng Hương) chép từ MP 3 bài giảng Hungkar Dorje Rinpoche, sáng 21.10.2018, Việt Nam.

MP3 bài giảng được đăng tại website: https://lienhoaquang.com/thu-vien-anh_Vi%E1%BB%87t-Nam_dkckqcl_nghe-MP3_hungkar.html

____________________________

Chú thích:

* Tên tiêu đề do dịch giả đặt để người đọc tiện theo dõi

Tải về
pdf
word
CHIA SẺ