Khai Thị về Dòng Pháp Longchen Nyingthik (Phần I)*

Sáng 16.10.18, Chùa Sủi, Việt Nam

“Các Ngài đã lấy tinh túy của tất cả các pháp môn đưa vào một pháp tu nhỏ, thuận tiện cho chúng ta tu … Đây được gọi là PHƯƠNG TIỆN trong Kim Cương Thừa.”

Có khá nhiều truyền thống khác nhau trong Phật Giáo Tây Tạng và mỗi truyền thống đều có pháp tu ngondro riêng của mình. Và pháp tu ngondro rất quan trọng đối với tất cả các truyền thống của Phật Giáo. Có thể không gọi tên là “ngondro”, hoặc không có một nghi thức hành trì riêng biệt với tên “ngondro”, nhưng pháp tu “ngondro” thì vẫn có ở đó. Là hành giả Phật Giáo người ta vẫn tu với nội dung như tu ngondro. Ngondro, hay pháp tu tiên yếu, là nền tảng cho hạnh xả ly, cho chứng ngộ, thể nhập. Chính vì vậy Thầy nói rằng tuy không có tên gọi là ngondro hay một nghi quỹ ngondro để hành trì trong truyền thống của các bạn nhưng xét về thật nghĩa thì vẫn giống nhau: các bạn tu giống như những hành giả thuộc giai đoạn ngondro tu. Lấy ví dụ, Bốn Niệm Chuyển Tâm Hướng về Chánh Pháp, xét về thật nghĩa thì đó căn bản chính là Tứ Diệu Đế. Và Tứ Diệu Đế cũng rất quan trọng đối với Phật Giáo Việt Nam.

Sự khác biệt giữa hai truyền thống Kinh Thừa và Mật Thừa là PHƯƠNG TIỆN. Trong Kim Cương Thừa có nhiều sự lựa chọn, có nhiều phương tiện hơn. Các phương tiện này đơn giản hơn, thuận tiện hơn. Còn trong truyền thống Kinh Thừa, trừ phi người tu thật sự thực hành rất nhiều, học tập, nghiên cứu rất nhiều, còn thì việc lĩnh hội và sắp xếp tất cả mọi thứ [trong Giáo lí] lại để đưa vào thực hành là điều không dễ dàng chút nào. Lấy ví dụ, Tứ Diệu Đế. Đây là giáo lí vĩ đại của suốt thời Chuyển Pháp Luân lần thứ nhất. Có nghĩa đây là giáo lí rộng lớn mênh mông. Thế nhưng, trong Kim Cương Thừa các vị đạo sư dạy đệ tử như thế nào. Các Ngài sắp xếp tất cả lại với nhau, cô đúc những gì quan trọng [nhất] trong một hình thức gọn nhỏ, dễ hiểu và dễ thực hành. So với Kinh Thừa thì Kim Cương Thừa có nhiều phương tiện và pháp tu thuận tiện cho hành giả hơn. Đó là sự khác biệt giữa hai truyền thống.

Tất cả 84.000 pháp môn Phật truyền dạy là một kho tàng vĩ đại. Rất bao la, rộng lớn. Khi chúng ta nói 84.000 có nghĩa là vô cùng lớn, vô cùng khó để có thể lấy một phần nào từ đó ra và đưa vào công phu, tu hành. Đối với một con người với căn cơ bình phàm như chúng ta thật khó mà mà làm nổi. Vì vậy, chư đạo sư, với lòng bi mẫn lớn lao đã làm cho tất cả trở nên thuận tiện cho việc tu hành của chúng ta. Tất cả 84.000 pháp môn được đưa thành pháp môn tu rất thuận tiện cho chúng ta. Và như vậy việc hành trì tu tập trở nên dễ dàng [hơn] cho chúng ta. Hãy hình dung, 84.000 pháp môn này lớn cỡ nào? Nếu đóng thành một bộ thì tất cả là khoảng 100 tập. Tuy nhiên, các đạo sư, với lòng bi mẫn, các Ngài đã làm cho việc tu trở nên dễ dàng [hơn] cho chúng ta. Các Ngài đã lấy tinh túy của tất cả các pháp môn đưa vào một pháp tu nhỏ, thuận tiện cho chúng ta tu. Và chúng ta sẽ đạt thành tựu giống như là chúng ta đã nghiên cứu tất cả các sách, toàn bộ giáo lý. Đây được gọi là PHƯƠNG TIỆN trong Kim Cương Thừa. Kim Cương Thừa rất phong phú, nhiều màu sắc trong nhiều phương diện khác nhau. Kim Cương Thừa có nhiều phương tiện, nhiều phương pháp độc đáo để tu hành, và để tu hành một cách có hiệu quả, [với pháp tu] có sức mạnh.

“Dzogpa Chenpo
là một trong những giáo lí thâm diệu nhất, quan trọng nhất, thanh tịnh
và tràn-đầy-gia-lực nhất trên Trái Đất này.”

Longchen Nyingthik là một truyền thống, một nhánh của Phật Giáo Tây Tạng. Đây là một truyền thống rất quan trọng ở Tây Tạng; Pháp Longchen Nyingthik được hành trì ở khắp mọi nơi trên thế giới. Có nhiều bậc Đạo Sư vĩ đại đã đạt chứng ngộ rất cao nhờ tu pháp Longchen Nyingthik. Thành tựu cao nhất đạt được nhờ tu pháp Longchen Nyingthik là Phổ Quang Thân (Thân Cầu Vồng). Đâu là đỉnh cao của pháp Longchen Nyingthik? Đỉnh cao của giáo lí Longchen Nyingthik chính là Đại Viên Mãn Dzogpa Chenpo; Dzogpa Chenpo là tâm yếu của giáo lí Longchen Nyingthik.

Thầy thường nói với mọi người rằng tất cả các pháp môn [Phật dạy] đều tốt như nhau bởi vì Pháp là thanh tịnh, không nhiễm ô, tỳ vết. Pháp hoàn toàn thoát khỏi bám chấp nên Pháp thanh tịnh và thiện lành. Vì vậy chúng ta phải có cái nhìn thanh tịnh đối với tất cả các pháp, chúng ta phải có lòng tin, tâm chí thành đối với tất cả các pháp môn. Tuy nhiên, cũng không có gì sai nếu chúng ta nói rằng Longchen Nyngthik, Dzogpa Chenpo là một trong những giáo lí thâm diệu nhất, quan trọng nhất, một trong những giáo lí thanh tịnh và tràn-đầy-gia-lực nhất trên Trái Đất này.

Làm sao chúng ta có thể hành trì một pháp môn nào đó một cách hiệu quả. Câu trả lời là chúng ta phải có lòng tin, tâm chí tín thành và tri kiến thanh tịnh đối với bất cứ việc gì chúng ta đang làm. Nếu người tu làm được điều đó, người đó tu hành với tín tâm thì nhất định sẽ đạt kết quả, sẽ thành tựu mục tiêu. Như vậy, thiếu lòng tin, thiếu tâm chí tín thành thì sẽ không thể thành tựu, không có được sức mạnh và lực gia trì của pháp tu. Việc tu hành phụ thuộc vào năng lực hiểu Pháp, vào tri kiến thanh tịnh và động cơ trong sáng của người tu.

Vì vậy, đối với người tu điều căn bản quan trọng là phải có tâm chí tín thành, có lòng tin vào pháp môn tu hành. Đức Phật luôn dạy đi dạy lại về tầm quan trọng về việc có tri kiến thanh tịnh và tâm chí tín thành. Đây là sự thật. Chúng ta có thể học từ [những tấm gương] của các bậc đạo sư vĩ đại, các đại hành giả. Nhờ tâm chí thành chí tín và tri kiến thanh tịnh mà các ngài đã đạt được những thành tựu rất cao. Và chúng ta cũng học từ những bài học của những người do không có tri kiến thanh tịnh và tâm tín thành mà họ đã không nhận được gia trì từ pháp họ tu. Điều này cho ta thấy tầm quan trọng của tri kiến thanh tịnh và tâm tín thành. Và chúng ta, người tu Kim Cương Thừa cần phải nỗ lực để có tri kiến thanh tịnh và thấy được tầm quan trọng của tri kiến thanh tịnh và tâm tín thành.

Lịch sử của Dzogchen rất rộng lớn và phải mất nhiều ngày để kể. Nhưng cũng có thể tóm lược [lịch sử này] một cách đơn giản. Trong cõi Phật có ba vị Phật quan trọng đối với dòng Pháp Dzogchen. Vị Phật thứ nhất là Samantabadra, vị Phật thứ hai là Vajrasattva, vị Phật thứ ba là Vajrapani. Ở cõi người có ba Đạo Sư Dzogchen quan trọng. Đạo Sư thứ nhất là Garab Dorje, Đạo Sư thứ hai là Guru Rinpoche, Đạo Sư thứ ba là Longchen Rabjam.

Như được kể, Đức Đại Phổ Hiền Như Lai truyền giáo lí Dzogchen cho tất cả chư Phật trong cõi Phật. Đức Vajrasattva truyền Dzogchen cho Vajrapani, và Vajrapani dạy Dzogchen ở cõi Thiên. Tổ Garab Dorje nhận mọi mật điển, kinh văn, giáo huấn trực tiếp từ Vajrasattva và Vajrapani. Và Ngài trở thành Trì Minh Vương đầu tiên của dòng Pháp Dzogchen trong nhân loại. Và Tổ Garab Dorje (Kim Cang Cực Hỉ) đã đạt Giác ngộ Viên mãn nhờ tu Pháp Đại Viên Mãn Dzogpa Chenpo không dụng công.

“Tổ Garab Dorje chính là hóa thân của Phật Thích Ca Mâu Ni và Vajrasattva.
Và Ngài đã chuyển bánh xe Pháp Dzogchen Đại Viên Mãn.”

Dzogpa Chenpo Đại Viên Mãn có mối liên hệ thế nào với Phật Thích Ca Mâu Ni? Đức Phật thường dạy giáo lí Kim Cương Thừa trong nhiều thân tướng khác nhau. Không phải trong thân tướng một tì kheo mà trong thân tướng một Bổn tôn, ví dụ như Kalachakra (Thời Luân Kim Cang). Khi truyền dạy Kalachakra Ngài không đắp tăng y mà thị hiện hình tướng Vajrapani (Kim Cương Thủ). Khi nói về dòng Pháp Dzogchen, có nhiều kinh văn, nhiều giáo lí nói rằng Đức Phật đã thị hiện hình tướng Garab Dorje. Tổ Garab Dorje chính là hóa thân của Phật Thích Ca Mâu Ni và Vajrasattva. Và Ngài đã chuyển bánh xe Pháp Dzogchen Đại Viên Mãn.

“Phật là không hình sắc, không âm thanh,
Phật là không-gì-cả, nhưng Phật là không-thể-nghĩ-bàn.”

Khi chúng ta nói ta tin vào Phật, thì nếu ta có lòng tin chân thực, ta phải tin rằng Phật có vô vàn phương tiện không thể nghĩ bàn. Nếu không thì điều ta nói rằng ta có lòng tin là không thật. Công hạnh của Phật, tâm của Phật, chân tánh của Phật là không thể nghĩ bàn, Đại lực của Phật vượt quá năng lực tưởng tượng của kẻ phàm phu. Vì vậy, chúng ta tin Phật và chúng ta phải hiểu rằng có những thứ chúng ta có thể hiểu với trí óc phàm phu của mình, nhưng Phật có nhiều bí mật và oai lực, sức mạnh vượt khỏi tầm nghĩ hiểu của chúng ta.

Đức Phật nói rằng nếu ai đó muốn hiểu Phật trọn vẹn, muốn biết về Phật trọn vẹn, thì người đó phải hiểu rằng Phật là không hình sắc, không âm thanh, Phật là không-gì-cả, nhưng Phật là không-thể-nghĩ-bàn. Phật là không-gì-cả. Đừng nghĩ rằng Phật là một cái gì đó, mà Phật là không-thể-nghĩ-bàn. Phật không phải là không-gì-cả, mà Phật cũng không phải là một-cái-gì đó, vì Phật là siêu vượt mọi khái niệm. Như vậy, vì Phật là siêu-vượt-khái-niệm, Phật là không-thể-nghĩ-bàn nên Phật có vô lượng phương cách để dạy Pháp. Phật có những phương tiện, những giáo huấn thù thắng phù hợp với những căn cơ [khác nhau] của chúng sinh.

Vậy nên, thật không thông minh nếu ta nói rằng Phật chỉ dạy giáo lí Tiểu Thừa, hay Phật không dạy Kim Cương Thừa. Bởi vì trên thực tế chúng ta không thể biết được. Đôi khi chúng ta mắc sai lầm với cái tâm phàm phu của mình. Đôi khi chúng ta nói Phật đã làm như vậy, chỉ làm như vậy thôi, chỉ vậy thôi chứ không hơn v. v. Cứ như thể là chúng ta đang quyết định thay cho Phật (cười). Như vậy không trí tuệ cho lắm vì Phật siêu vượt tâm [kẹt vào] khái niệm nhị nguyên [của chúng ta]. Phật có rất nhiều phương tiện để giải thoát chúng sinh, để lợi lạc chúng sinh. Vì vậy, bất cứ điều gì lợi lạc chúng sinh Phật nhất định đều làm. Vì vậy, Phật dạy giáo lí đủ mọi cấp độ căn cơ, những cấp độ giáo lí khác nhau cho những người cấp độ [căn cơ] khác nhau.

Đó là cách làm sao chúng ta có thể hiểu Phật và đặt lòng tin nơi Phật. Như Thầy vẫn luôn nhắc, chúng ta có được lợi lạc từ giáo lí của Phật hay không phụ thuộc vào lòng tin của chúng ta. Là người tu, bất cứ việc gì chúng ta cũng phải làm với tâm thành tín. Chỉ có như vậy chúng ta mới có được lợi lạc, nếu không thì sẽ không được chút lợi lạc nào cả. Vì vậy, chúng ta rất cần làm với tâm hiểu biết. Vậy nên khi ta nói ta tin Phật thì lòng tin đó phải có [nền tảng là] sự hiểu biết, chứ không phải ta không hiểu biết rõ ràng mà vẫn cứ tin [vô căn cứ]; đó không phải là cách tin đúng đắn.

“Để có được trải nghiệm thật sự từ những gì mình hiểu, người tu phải
công phu tu hành, thiền định (TU) về những điều đó thật nhiều lần, lặp đi, lặp lại.”

Vì vậy, Phật luôn dạy: trước hết hãy lắng nghe giáo lý của ta (VĂN). Nghe và nghe đi nghe lại thật nhiều lần, lặp đi, lặp lại. Và chỉ khi đó mình mới có thể nghe ý nghĩa của nó. Thứ đến, cần phải tư duy, quán chiếu đi tư duy, quán chiếu lại, lặp đi lặp lại thật nhiều lần, sao cho cuối cùng mình có thể thật sự hiểu Phật muốn dạy điều gì (TƯ). Cuối cùng, cần phải công phu tu hành, phải thiền định về những gì mình đã hiểu được (TU). Để có được trải nghiệm thật sự từ những gì mình hiểu, người tu phải công phu tu hành, thiền định (TU) về những điều đó thật nhiều lần, lặp đi, lặp lại, thật tinh cần, miên mật. Tóm lại, để hiểu và thật sự hiểu những gì Phật dạy thì phải VĂN, TƯ, TU – đó là những việc quan trọng người tu phải làm.

Ai cũng biết tầm quan trọng của việc học giáo lí. Việc học hành luôn luôn tốt, đặc biệt là việc học Pháp. Bởi vì Pháp của Phật cho ta trí tuệ, dạy ta làm người tốt, làm người tử tế, làm người trung thực, làm người có ích. Khi nói về việc học Pháp thì chúng ta phải đọc sách, phải có cái hiểu đúng đắn. Nếu không, chúng ta có thể đi mắc lỗi lầm, chúng ta có thể chọn sai đường. Để tự bảo vệ mình thoát khỏi hiểm họa của việc tu sai, đi sai đường, người tu phải nỗ lực học hỏi càng nhiều càng tốt. Ngày nay có quá nhiều sách vở, có quá nhiều tác giả. Họ viết quá nhiều và với quá nhiều cách nhìn khác biệt. Và có nhiều cuốn sách theo Thầy nghĩ không thật sự có giá trị, không thật sự bổ ích, vì trong đó dạy nhiều điều sai lạc, nhiều điều không thực sự tốt lành. Vì vậy, quan trọng là phải đọc những cuốn sách thực sự tốt. Nhà hiền triết Trung Hoa, Khổng Tử, có nói: “Chớ nên bạ sách nào cũng đọc, mà hãy [chỉ] đọc sách của các bậc hiền thánh.”

Giáo lí Longchen Nyingthik, giáo lí Dzogchen
là giáo huấn trực chỉ nhất, con đường ngắn nhất để trực nhận chân tâm.

 

Chương trình hôm nay là thảo luận tiểu bản Ngondro Longchen Nyingthik: Khai Quang Minh Tạng (mở cánh cửa tới quang minh bổn lai thường trụ). Tinh yếu của tất cả các Pháp, bất cứ pháp môn nào, đều là để khai ngộ chân tâm. Nhưng các giáo lý khác nhau có những phương tiện khác nhau để khai ngộ. Một số giáo lí khai ngộ bản tâm một cách trực chỉ, rất ngắn gọn, một số giáo lí khác làm việc này một cách gián tiếp. Có nhiều phương cách để thực hiện việc khai ngộ chân tâm này. Phương cách trực chỉ nhất, ngắn nhất để mở cánh cửa tới chân tâm được gọi là giáo huấn, giáo lí tâm yếu thậm thâm (profound). Bởi vì không phải tất cả các giáo lí đểu mô tả [bản] tâm một cách rõ ràng, sáng tỏ, một cách trực tiếp, gần cận. Một số giáo lí làm việc này một cách gián tiếp, tiếp cận vòng quanh, vòng quanh, chầm chậm và cuối cùng mới khai ngộ bản tâm. Một số giáo huấn khai ngộ bản tâm rất trực chỉ, rất chắc chắn, rất ngắn gọn. Như vậy là tồn tại hai phương cách để dạy và để khai ngộ bản tâm. Giáo lí Longchen Nyingthik, giáo lí Dzogchen là giáo huấn trực chỉ nhất, con đường ngắn nhất để trực nhận chân tâm.

“Tâm có hai phương diện: phương diện thứ nhất là Tánh Không.”

Mục đích của Pháp Dzogchen, Longchen Nyingthik là để khai ngộ Chân Tánh của tâm, bản chất tối hậu, tuyệt đối của tâm. Tâm có hai phương diện: phương diện thứ nhất là Tánh Không. Bản tánh của tâm là rỗng rang. Nếu ta cố gắng nhìn thấu tâm, để xem tâm là cái gì, thì ta sẽ thấy chỉ có sự rỗng rang, ta thấy không có gì cả. Đây là phương diện thứ nhất của tâm. Phương diện này của tâm được gọi là Tánh Không.

“Bản chất của tâm là sự hợp nhất của KHÔNG và QUANG MINH.”

Phương diện thứ hai của tâm không phải là Tánh Không, mà tâm có nhiều phẩm tánh. Ví dụ như Trí Tuệ. Tâm, mặc dầu nó tự [bản chất] là rỗng rang, nhưng nó lại rõ biết tất cả. Nó có năng lực nghe, nhìn, nếm, nghĩ v. v. Các phẩm tánh đó gọi là các phẩm tánh nội tại thường hằng tự hữu. Như vậy là có hai phương diện, hai phần. Để đạt giải thoát siêu việt mọi đối đãi nhị nguyên việc thực tại, hiểu chân tánh của tâm là rất quan trọng.

Khi chúng ta cố gắng nhìn thật sâu vào tâm thì sẽ không thấy gì cả, mà nó rỗng rang như hư không. Nhưng ở trình độ phàm phu chúng ta thì chúng ta không nghĩ vậy. Chúng ta nghĩ rằng nó là một cái gì đó có thật, một cái gì đó có thể làm nên hạnh phúc hay khổ đau. Chúng ta nghĩ rằng tâm là cái gì đó có thật, nhưng bản tâm thực sự không như chúng ta nghĩ, chúng ta thấy. Nó rất khác cái mà chúng ta nghĩ. Chúng ta cần phải thấy thực tại (reality), thấy chân tánh của tâm. Tâm là tánh Không Và tánh Quang Minh, hai phần, hai phẩm tánh. Tánh Không là tánh thanh tịnh bổn nguyên. Nó thường hằng thanh tịnh. Tự tánh của tâm không bao giờ bị ô nhiễm bởi phiền não. Nhờ tánh thanh tịnh đó mà tâm có năng lực rõ biết vạn pháp. Tánh Quang Minh luôn hiện diện ở đó, không bao giờ lìa xa tâm. Tâm luôn sáng rõ (Quang Minh) và rỗng rang (Không) từ trong tự tánh của nó. Nhưng nó không [đơn giản là rỗng không] như hư không, hay như cái phòng, mà nó sáng tỏ. Nhờ tánh Quang Minh mà nó thanh tịnh. Nhờ Tánh Quang minh và Không hợp nhất – Bản chất của tâm là sự hợp nhất của Không và Quang minh – mà không gì có thể làm nó ô nhiễm. Giống như bầu trời trống không và không gì làm cho nó ô nhiễm được

“Chúng ta đi với phiền não, vọng tưởng.
Chúng ta cần phải đưa mình trở về nơi chốn ban sơ ấy – BÀ MẸ TỰ TÁNH.”

Khi ta thấy mây, gió, bụi che phủ bầu trời, ta phải biết rằng tất cả chỉ là cái thêm vào bên ngoài, chứ không phải cái thực sự có thể làm bầu trời dơ bẩn. Chúng ta cũng phải biết rằng các phiền não là thứ thêm vào bên ngoài, chứ không phải cái có thể làm ô nhiễm bản tâm. Như vậy, phiền não sinh khởi từ tánh không của tâm nhưng chúng không thể ảnh hưởng tới chân tâm, bản tánh.

Mặc dầu tâm vốn thanh tịnh, vì chúng ta có bản tâm vốn luôn luôn tự nó thanh tịnh trong mỗi chúng ta, thì tại sao chúng ta lại bất tịnh? Tâm ta giống như cõi tịnh độ. Thế nhưng chúng ta lại không ở trong cõi tịnh độ ấy. Chúng ta bỏ lại cõi tịnh độ sau lưng, ở một nơi nào đó, và tới một nơi chốn khác. Chúng ta không trụ lại đó (cõi tịnh độ) được. Chúng ta đi với phiền não, vọng tưởng. Chúng ta cần phải đưa mình trở về nơi chốn ban sơ ấy – BÀ MẸ TỰ TÁNH.

“Một khi ta đã nhận ra tự tánh và
trụ trong tánh thanh tịnh đó, thì ta đã ở trong tự tánh đó, ta đã đạt giải thoát.”

Các Giáo Huấn của Dzogchen cho ta phương tiện để đạt tới được bản tâm, đạt tới tánh thanh tịnh [của tâm], một các rất trực tiếp. Và giải thoát không phải là một cái gì đó xa vời với ta, mà thực ra nó ở ngay trong chính ta. Một cách chân thật, Pháp Dzogchen ban cho chúng ta giáo huấn đạt giải thoát một cách trực tiếp, ngắn gọn, cho ta một phương tiện hiệu quả nhất. Không có một điều kiện nào khác, không có gì khác, chỉ là một giáo huấn rất trực chỉ. Đó là lí do tại sao giáo lí này (Dzogchen) là rất tâm yếu, thậm thâm, rất trực chỉ và rất quan trọng. Vì giải thoát không phải là một cái gì đó, một nơi chốn nào đó cách xa ta, mà nó là một phần của tâm [ta]. Giáo lí này dạy ta cách làm sao để cắt xuyên qua phiền não, vọng tưởng, để nhận ra được TỰ TÁNH và trụ trong tánh thanh tịnh đó. Một khi ta đã nhận ra tự tánh và trụ trong tánh thanh tịnh đó, thì ta đã ở trong tự tánh đó, ta đã đạt giải thoát. An trụ tự nhiên [trong tánh] là việc thật gần gũi, thật đơn sơ. Đó là cách thức làm sao để nhận ra, làm sao để trụ trong tánh, để thư thái, nghỉ ngơi, an trụ trong tự tánh, không phiền não, không vọng tưởng nhị nguyên.

Bản tâm vốn thanh tịnh và đó là giải thoát. Vì vậy bạn không cần phải đi đâu xa mà chỉ ở lại, an trụ trong bản tâm, tự tánh. Đừng an trụ với nhiều vọng niệm, mà hãy an trụ không khởi vọng tâm. Đừng cố ép tâm mình phải “tới đó”, mà chỉ đơn thuần là thư thái, an trụ, nghỉ ngơi. Đó là cách mà Dzogchen dạy [cho ta] một phương tiện rất đơn giản. Tất nhiên, việc tới được “nơi đó” và an trụ trong tự tánh của mình không phải là điều dễ dàng. Đó là cách để [ta] thực hiện được điều đó. Thế nhưng, chúng ta cần rất nhiều tích tụ, còn nếu không thì [việc đó] sẽ chẳng dễ dàng chút nào. Vì vậy, nhân duyên để chúng ta trụ được trong tự tánh được gọi là thực hành tích tập.

Đó là giới thiệu tổng quát về dòng pháp Dzogchen Longchen Nyingthik. Rất quan trọng là ta phải có một khái niệm sơ bộ, một cái hiểu tổng quát về Dzogchen Longchen Nyingthik vì chúng ta muốn tu pháp Longchen Nyingthik. Chúng ta muốn nương tựa, quy y Pháp này, vì vậy nó phải tốt, phải hiệu quả, phải thanh tịnh, còn nếu không thì chúng ta không thể nương tựa vào nó. Vì vậy, chúng ta cần bài giới thiệu tổng quát này, cần một cái hiểu tổng quát. Để hiểu các ý nghĩa cụ thể, thì sẽ cần có giáo huấn cụ thể hơn.

“Thành tựu cao nhất hành giả Dzogchen có thể đạt được là phổ quang thân.”

Như Thầy đã nói, thành tựu cao nhất hành giả Dzogchen có thể đạt được là phổ quang thân. Phổ quang thân là gì? Chúng ta thấy khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn Ngài đã để lại nhục thân. Nhưng các bậc Đại Đạo Sư Dzogchen không để lại nhục thân khi các Ngài nhập Niết Bàn. Khi các Ngài viên tịch nhục thân biến thành ánh sáng cầu vồng. Các Ngài không để lại gì, không gì để hỏa táng, không gì để chôn dưới đất, mà chỉ có ánh sáng cầu vồng. Đó là giáo lí, giáo huấn rất đặc biệt. Giáo lí đó vẫn còn trường tồn tận ngày nay ở Tây Tạng. Nhiều hành giả Dzogchen vĩ đại và khiêm hạ, khi các Ngài ra đi, nhục thân biến thành ánh sáng cầu vồng. Hoặc thân các Ngài thu nhỏ lại, rất nhỏ, có thể không quá 10 pao (khoảng 0.453 kg). Rất nhỏ. Sức mạnh của Pháp Dzogchen vẫn tiếp tục thể hiện qua rất nhiều thành tựu cao. Nếu khảo sát với tâm trung thực và cái hiểu trung thực, thì bạn sẽ thấy rằng những thành tựu đó không có nguồn gốc từ truyền thống nào khác hơn là dòng phái Cổ Mật. Nếu bạn tìm tòi và khảo sát [thì sẽ thấy] đó là sự thật.

Như vậy, truyền thống Dzogchen Dại Viên Mãn là rất hiệu quả, không chỉ trong quá khứ, mà [ngày nay] vẫn còn nguyên giá trị tinh yếu, còn nguyên sức mạnh. Truyền thống đó vẫn tiếp tục.

Hết bài giảng sáng 16.10.2018

Chép lời giảng tiếng Anh và Việt dịch: Lotsawa (Hiếu Thiện), 24.1.2019.

________________________

Chú thích:

*Tiêu đề do người dịch đặt để tiện cho người đọc.

Tải về
word
CHIA SẺ