Vua Trisong Detsen
Vua Trisong Detsen (790-858 sau Công nguyên) là bậc trị vì thứ ba mươi bảy của Tây Tạng trong triều đại Chögyal (Pháp Vương), là triều đại được bắt đầu với Vua Nyatri Tsenpo. Nyatri được tin là một hoàng tử xứ Ấn Độ, người trở thành vị vua đầu tiên của Tây Tạng vào năm 127 trước Công nguyên. Vua Trisong là nam tử của Vua Me Aktsomchen và Công chúa Chin Ch’eng Kun Chu, con gái của Vua Li Lung Chi của Trung quốc. Năm mười ba tuổi, ngài được tôn phong là vua thứ ba mươi bảy của Tây Tạng. Ngài là một nhà cai trị khôn ngoan và đầy năng lực đã mở rộng vương quốc của ngài vượt xa các biên giới trước đó của Tây Tạng.
Ngài viếng thăm Shāntarakshita, học giả Đại thừa nổi tiếng xứ Ấn Độ, để thiết lập Phật Pháp ở Tây Tạng và xây dựng Tu viện Samye. Nhưng những trở ngại xuất hiện trong hình thức những tinh linh tiêu cực và những thượng thư chống lại Phật giáo ở Tây Tạng, và các ngài không thể thực hiện được kế hoạch. Sau đó Shāntarakshita làm một tiên tri, theo đó nhà vua đã thỉnh mời Guru Padmasambhava, bậc vĩ đại nhất trong các tāntrika (hành giả Mật thừa) của Phật giáo Ấn Độ vào thời đó, đến Tây Tạng. Guru đến Tây Tạng, điều phục mọi chướng ngại do con người và phi-nhân gây ra bằng năng lực giác ngộ của ngài, và buộc tất cả những tinh linh ở Tây Tạng phải phụng sự Pháp.
Từ đó xứ Tây Tạng gọi Guru Padmasambhava là Guru Rinpoche, Đạo sư Tôn quý. Sau đó, đại Tu viện Samye đã hoàn thành trong năm năm. Một trăm lẻ tám học giả Ấn Độ, trong đó có Guru Rinpoche, Shāntarakshita, và Vimalamitra, và những học giả-dịch giả Tây Tạng kể cả Vairochana, Kawa Paltsek, Chok-ro Lu’i Gyaltsen, và Zang Yeshe De, đã dịch vô số Kinh điển của Tiểu thừa, Đại thừa, và Kim cương thừa từ các ngôn ngữ Ấn Độ, chủ yếu là từ Phạn ngữ. Ở nhiều nơi, những tổ chức được xây dựng để nghiên cứu và tu tập các giáo lý Kinh điển và Mật điển.
Tại Samye Chimphu, Guru Rinpoche đã ban những quán đảnh của các sādhana vĩ đại của tám mạn đà la (sGrub P Ch’en Po bKa’ brGyad) của Mahāyoga cho các đệ tử chính của ngài, vua và hai mươi lăm thần dân. Nhờ thực hành các sādhana của các Bổn Tôn bảo hộ khác nhau, tất cả các ngài đã đạt được những thành tựu. Trong lễ quán đảnh, hoa cúng dường của nhà vua rơi trên mạn đà la Chechok Deshek Düpa, một trong tám mạn đà la. Việc ném một bông hoa lên một nhóm mạn đà la giúp cho đệ tử xác định Bổn Tôn bảo hộ thích hợp để thực hành. Nhờ thực hành sādhana của Chechok (Mahottaraheruka/Vajramahāheruka), vua đã thành tựu thiền định kiên cố.
Những tác phẩm văn học của ngài gồm có Ka Yangtakpe Tsema và Bumtik. Bằng năng lực, ngài đã đưa xá lợi của Đức Phật từ Magadha (Ma kiệt đà) ở miền trung Ấn Độ và xây dựng nhiều ngôi chùa và bảo tháp để lưu giữ xá lợi.
Nhà vua mất ở tuổi năm mươi lăm (hay năm mươi chín). Sau khi mất, ngài tái sinh làm nhiều đại học giả, thánh nhân, và tertön, để giữ gìn và truyền bá Giáo Pháp cho những môn đồ trong tương lai. Trong số những tái sinh của ngài có Sangye Lama (1000-1080?), Nyang Nyima Özer (1124-1192), Guru Chöwang (1212-1270), Ogyen Lingpa (1329-1360/7), Pema Wangyal (1487-1542), Tashi Tobgyal (1550-1602), và Đạt Lai Lạt Ma thứ năm (1617-1682). Jigme Lingpa (1730- 1798) và Khyentse Wangpo (1820-1892) là những hóa thân của nhà vua và Vimalamitra.
Vua có ba con trai và hai con gái. Tất cả các con ngài đều lànhững đại đệ tử của Guru Rinpoche và những nhân vật quan trọng trong dòng truyền thừa của Giáo Pháp. Tuy nhiên, trong lịch sử có những khác biệt về con số, tên, và mức độ thâm niên của các con trai của ngài. Một vài học giả đồng ý rằng ngài có ba con trai và người lớn tuổi nhất là Mu-ne Tsepo, con trai giữa là Murup (hay Murum) Tsepo, và con trai nhỏ nhất là Mutik (hay Mutri) Tsepo.
Khi Vua Trisong Detsen hai mươi tuổi, Hoàng hậu Tsepongza hạ sinh thái tử Mu-ne Tsepo. Mu-ne nhận các giáo lý và quán đảnh từ Guru Rinpoche và thực hành chúng. Năm bốn mươi bảy tuổi, thái tử trở thành bậc trị vì thứ ba mươi tám của Tây Tạng, nhưng ngài mất sau khi trị vì chưa tới hai năm. Trong triều đại ngắn ngủi của ngài, ngoài việc thiết lập nhiều tổ chức Phật Giáo, ngài đặc biệt được biết tới là, ngài đã ba lần cố gắng phân phát của cải đồng đều cho người giàu và người nghèo. Điều đáng chú ý là Rahula Sankritayana (1893-1903), một đại học giả Phật Giáo người Ấn Độ, thậm chí đã đề tặng một trong những quyển sách của ông cho Thái tử Mu-ne Tsepo, nói rằng thái tử là người đầu tiên theo chủ nghĩa xã hội, một vị vua theo chủ nghĩa xã hội, trong thế giới. Trong số những hóa thân của Mu-ne Tsepo có Tülku Zangpo Trakpa (thế kỷ 14), Drikung Rinchen Phüntsok (1509-1557), và Yonge Mingyur Dorje (1628-?).
Khi vua Trisong Detsen hai mươi hai tuổi, Hoàng hậu Tsepongza hạ sanh Hoàng tử Murup (hay Murum) Tsepo, tức là Lha-se Tamdzin Yeshe Rölpatsal. Hoàng tử nhận những giáo lý và quán đảnh từ Guru Rinpoche và những vị Thầy khác. Ngài trở thành một đại học giả của các tantra, và nhờ thực hành sādhana Vajrakīla, ngài trở thành một bậc đại lão thông. Ngài cũng được Guru Rinpoche giao phó giáo khóa Lama Gongdü. Bởi rủi ro, ngài làm chết con trai của một thượng thư và bị đày tới phía bắc biên giới Tây Tạng và Trung quốc làm một nhà chỉ huy quân đội trong chín năm. Sau này ngài sống ở Kongpo. Dưới sự chỉ huy của ngài, người Tây Tạng đã đánh bại các lực lượng Trung quốc và Thổ nhĩ kỳ. Vào cuối đời, ngài biến thành thân ánh sáng. Trong số những hóa thân của ngài có Sangye Lingpa (1340-1396), người khám phá Lama Gongdü, Zhikpo Lingpa (1464-1523), Pema Norbu (1679-1757), Dodrupchen Jigme Thrinle Özer (1745-1821), và Chogyur Dechen Lingpa (1829-1870).
Hoàng hậu Tsepongza hạ sinh công chúa Nujin Sa-le sinh làm con của. Tôi không tìm được bài viết nào về cuộc đời của bà.
Công chúa Pemasal sinh làm con Hoàng hậu Dromza Changchup. Tuy nhiên, cô mất năm lên tám tuổi. Guru Rinpoche viết một chữ NRI màu đỏ nơi tim tử thi của bà, và nhờ năng lực giác ngộ của ngài, ngài đã triệu hồi tâm thức bà trở về thân xác. Khi bà sống lại và có thể nói được, Guru ban cho bà quán đảnh Khandro Nyingthig và ban cho danh hiệu bí mật là Pema Ledreltsal. Ngài đặt chiếc hộp đựng giáo lý Khandro Nyingthig lên đầu bà và nói lời nguyện ước sau đây: “Trong tương lai cầu mong con tìm ra giáo lý này, và cầu mong nó làm lợi lạc cho nhiều chúng sinh.” Sau đó ngài ghi lại những sự kiện này và yêu cầu Khandro Yeshe Tsogyal cất dấu giáo lý Khandro Nyingthig cho những môn đồ tương lai. Sau đó các bản văn được cất dấu ở hai địa điểm khác nhau. Các giáo lý phức tạp được cất dấu tại tảng đá giống-sư tử ở Bumthang hạ và những giáo lý cô đọng sâu xa của các tantra Nyingthig dành cho những người khất thực được cất dấu tại Tanglung Tramo Trak trong Thung lũng Takpo. Sau đó các giáo lý đó được giao phó cho các dākinī Đạo sư-kho tàng và các vị bảo hộ Za và Mamo, những vị được Guru Rinpoche chỉ thị truyền những giáo lý này cho vị tertön thích hợp trong tương lai.
Trong số các hóa thân của bà có Pema Ledreltsal (1291-1319?), người khám phá giáo lý Khandro Nyingthig từ Tanglung Tramo Trak, Longchen Rabjam (1308- 1368), bậc đã truyền bá giáo lý bằng cách sáng tác và giảng dạy; Pema Lingpa (1450-1521); và Lhatsün Namkha Jigme (1597-?)
Khi nhà vua năm mươi chín tuổi, Hoàng hậu Droza Changchup hạ sanh Hoàng tử Mutik (hay Mutri) Tsepo, tức là Senalek Jing-yön. Hoàng tử trở thành vua thứ ba mươi chín của Tây Tạng. Ngài nhận những giáo lý và trao truyền từ Guru Rinpoche và đạt được những thành tựu cao cấp. Ngài là cha của năm con trai: Tsangma, Gyalse Lhaje (còn được gọi là Choktrup Gyalpo), Lhündrup, Tri Ralpachen, vua thứ bốn mươi, và Lang Darma, vua thứ bốn mươi mốt và cuối cùng của triều đại Chögyal. Như đã đề cập ở trên, Mutri là vua Tây Tạng khi Guru Rinpoche từ giã xứ này.
Trong số những hóa thân của ngài có Guru Jotse, Karma Chagme (1613-1678), Zhechen Rabjam Tenpe Gyaltsen (1650-1704), và Apang Terton (?-1945).
Trích “Các Đạo Sư của Thiền Định và những điều huyền diệu: Cuộc đời của các Đạo Sư Phật Giáo vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng”, Tulku Thondup.