“Cái làm cho Pháp chân thực Pháp chính là động cơ.”
Xin chào tất cả các bạn. Mục đích chúng ta tới đây là vì Pháp. Chúng ta luôn nhắc tới tầm quan trọng của động cơ. Cái làm cho Pháp chân thực Pháp chính là động cơ. Động cơ các bạn tới đây là tốt và các bạn phải mang theo động cơ tốt lành ban đầu này của mình mọi lúc, mọi nơi, trong suốt kì lễ hội Monlam. Đó là Pháp.
“Tất cả đều hết sức cố gắng phục vụ các bạn.”
Chúng ta có thân người này nên ta cần điều kiện [vật chất] để cho cuộc sống. Điều kiện sống ở nơi đây không phải là cái các bạn mong muốn. Vì vậy các bạn phải chấp nhận điều kiện sống dành cho các bạn ở đây. Tu viện, tất cả mọi người ở đây rất vui được đón các bạn. Tất cả đều hết sức cố gắng phục vụ các bạn. Tuy nhiên, vì điều kiện sống ở đây không thật tốt nên chúng ta cần phải hiểu và chấp nhận. Đối với nhiều người trong các bạn đây là kì nghỉ, nhưng là kì nghỉ Pháp. Nhiều người trong các bạn đã biết nơi này, nhưng Thầy vẫn muốn nhắc rằng đây là nơi đây có độ cao. Và thời tiết ở đây thất thường, cần phải nhớ điều này. Các bạn luôn phải đem theo áo khoác. Trời có thể đang nóng nhưng ngay sau đó trở lạnh và mưa rất nhanh. Vì vậy phải tự bảo trọng.
“Đây là bài tập về nhà đặc biệt
và các bạn cần dành thời gian để làm bài tập về nhà này.”
Rất khó cho những người mới tới lần đầu. Bạn có thể bị đau đầu. Nhưng không có gì nghiêm trọng, bạn sẽ đỡ sau ít ngày. Tuy nhiên, các bạn phải cẩn thận và luôn giữ ấm. Và cố gắng ăn uống đầy đủ. Thức ăn có thể không hợp khẩu vị lắm nhưng theo Thầy chúng ta nên cố gắng, và cố gắng chấp nhận mọi thứ. Chúng ta không nên nấu ăn. Các bạn nên nghỉ ngơi và giữ năng lượng. Nếu có đủ năng lượng và tâm trạng tốt lành, các bạn có thể đi nhiễu tháp, điện thờ. Chúng ta nên thấy đây là một cơ hội rất tốt để tích lũy công đức bằng đi nhiễu tháp, lễ lạy trước tượng Phật, trì chú, công phu hành trì. Đây là bài tập về nhà đặc biệt và các bạn cần dành thời gian để làm bài tập về nhà này. Và không nên quá lo lắng về gia đình, vợ, chồng v.v… Vì vậy, Thầy muốn nhắc chúng ta cần phải tạo thiện hạnh.
Chúng tôi cố gắng phục vụ các bạn. Chúng tôi cố gắng nấu ăn cho các bạn. Ít nhất chúng ta có đủ thức ăn. Thầy có thể bảo đảm rằng chúng ta có đủ thức ăn. Không ngon như các bạn mong muốn nhưng các bạn sẽ không đói. Nếu các bạn không ăn thì đó là vấn đề của các bạn. Còn nếu tu viện không cung cấp đủ thức ăn thì đó là vấn đề của tu viện. Cách nấu ăn ở đây không như ở Trung Quốc. Thầy có thể nói nhà bếp không cho quá nhiều muối hoặc gia vị. Nhưng theo Thầy cách tốt nhất là tu viện nấu ăn và phục vụ các bạn, còn các bạn thì thưởng thức và chấp nhận.
“Mục đích của việc mọi người ở đó là để hành hương chứ không phải thức ăn, hay điều kiện sống [tiện nghi].”
Khi Thầy đi hành hương, như ở Nepal chẳng hạn, thức ăn ở đó không ngon và rất khác, rất khó tiêu. Nhưng Thầy cũng như mọi người không kêu ca mà chấp nhận những gì mình có. Mục đích của việc mọi người ở đó là để hành hương chứ không phải thức ăn, hay điều kiện sống [tiện nghi]. Cái làm cho một chuyến hành hương có ý nghĩa chính là hiểu và tín tâm. Khi không có tín tâm, khi không hiểu biết điều này thì mọi thứ trở nên phức tạp. Các bạn phải giữ cho động cơ của mình càng thanh tịnh càng tốt. Thầy không nói rằng chúng ta không biết chấp nhận. Nhưng việc nhắc nhở về điều này luôn luôn bổ ích. Bởi vì chúng ta có thói quen, xu hướng nghiệp. Chúng ta luôn luôn mong muốn cái tốt nhất và khi hoàn cảnh không cho phép thì sinh tâm phiền não. Vì vậy nên hiểu và chấp nhận cái mình đang có. Vậy có được không? Chỉ như vậy các bạn sẽ hài lòng với chuyến đi và chuyến đi này sẽ rất có ý nghĩa.
“Mỗi người phải hiểu yếu tố gì làm nên một chuyến đi ý nghĩa
và một người tu chân thực.”
Sáng nay có một vài bạn, như Lotsawa, hỏi Thầy các bạn nên ứng xử ra sao trong thời gian lễ hội Monlam. Các bạn cần có động cơ như thế nào đối với hoạt động này. Chúng ta, những người tu, hiểu rằng Pháp là động cơ thiện lành, trong sáng. Khi có ý nghĩ không tốt, động cơ không tốt trong tâm mình, thì điều này sẽ huỷ hoại sự trong sáng của tất cả mọi thứ. Vì vậy chúng ta cần phải xem xét động cơ, phải rà soát tâm mình càng nhiều càng tốt. Và phải giữ tâm mình tĩnh lặng, an bình càng nhiều càng tốt. Chỉ bằng cách đó chúng ta có thể tích lũy chút ít công đức. Khi tâm bạn đang khởi ý nghĩ không tốt, cho dù bạn có ngồi đó, cố gắng hết sức chịu đựng cơn đau nhói nơi đôi chân, thì kết quả cũng chẳng tốt đẹp gì. Vì vậy, mỗi người phải hiểu yếu tố gì làm nên một chuyến đi ý nghĩa và một người tu chân thực.
“Tâm các bạn lúc thế này lúc thế khác. Vì vậy, chúng ta cần tự nhìn vào tâm.
Hãy rà soát tâm mình.”
Cái gì làm nên thành công? Lòng tin làm nên thành công. Cái làm cho mỗi Phật sự mang lại kết quả tốt chính là lòng tin, tâm tín thành chân thực. Nếu bạn không có được yếu tố đó thì bạn không phải là người tu Phật. Nếu bạn không có lòng tin nơi Phật thì bạn không phải là đệ tử Phật. Vậy nên chúng ta cần lòng tin, tâm chí tín thành. Đây là cái đầu tiên chúng ta cần phải có. Thầy biết các bạn có lòng tin. Bởi vì có lòng tin nên các bạn tới đây. Các bạn cũng biết rằng các bạn có lòng tin nơi Phật. Nhưng tâm các bạn luôn dời đổi, không kiên định, không đáng tin cậy. Tâm các bạn lúc thế này lúc thế khác. Vì vậy, chúng ta cần tự nhìn vào tâm. Hãy rà soát tâm mình. Bạn có lòng tin đủ mạnh không, lòng tin ấy có chân thực không, lòng tin của bạn có yếu ớt hay đang chết dần không, có hư hao không hay vẫn còn nguyên vẹn. Như vậy cần phải kiểm tra xem rằng bạn có chắc chắn đủ thiện duyên, đủ lòng tin hay không. Hẳn là các bạn có tín tâm, vì các bạn đã vượt qua nhiều trở ngại, bỏ ra nhiều thời gian, tiền bạc, mọi thứ để tới đây. Đương nhiên, động cơ của các bạn phải là Pháp: để tham dự Monlam, để thăm viếng Đạo sư, để nhiễu tháp v.v… Là người tu sơ cơ, thoạt tiên mong muốn của các bạn là thiện hạnh, nhưng vẫn cần phải rà soát lại tâm mình. Hãy luôn luôn kiểm tra động cơ của mình. Đó là điều đầu tiên.
Điều thứ hai, chúng ta luôn nhắc tới tâm bi và tâm bồ đề. Khi các bạn không có những thứ đó trong động cơ của mình thì động cơ [đúng đắn] của các bạn vẫn còn yếu. Chắc hẳn là các bạn đã nghe những điều này rất nhiều rồi, nhưng do vô minh ta vẫn lại quên, vì vậy rất cần phải nghĩ tới những điều ấy. Vì vậy, cần tự nhắc mình: “Ồ, tôi phải có tâm bi mẫn, phải có tâm bi mẫn, phải có tâm bồ đề.” Luôn luôn làm như thế, cho dù điều gì xảy ra. Điều này rất quan trọng.
“Vậy hãy cẩn trọng sao cho mọi thứ mình làm đều với động cơ đúng.”
Và cần phải cố gắng điều phục tâm tham, sân, si, đố kị và ngã mạn của mình. Phải luôn kiểm tra xem mình có thực sự an bình không. An bình cả thể chất và tinh thần. Điều quan trọng nhất là an bình, không có phiền não, vọng tưởng. Ngũ độc, bất cứ khi nào bạn có chúng trong động cơ của mình thì chúng hủy diệt tất cả những gì tốt lành trong pháp hành của bạn – những kết quả tốt lành trong pháp hành của bạn. Bởi vì [khi đó] các pháp sự của bạn chỉ còn là vỏ bên ngoài. Sâu bên trong, bạn để tâm chạy theo những xúc cảm độc hại, và chúng không đem lại quả báo tốt. Vậy hãy cẩn trọng sao cho mọi thứ mình làm đều với động cơ đúng. Các bạn tích lũy công đức thông qua các pháp hành. Các bạn tới đây, bỏ nhiều thời gian, tiền bạc, công sức, vậy phải đặc biệt cẩn trọng sao cho mọi thứ đều tốt lành, đều từ động cơ trong sáng.
“Vậy hãy tôn trọng lẫn nhau, hòa ái với nhau, bởi vì tất cả các bạn đều chung một quê hương, đất nước.”
Chúng ta biết rằng thông minh trong hành động là cần thiết, nhưng vẫn cần phải rất cẩn trọng. Có người tuy thông minh nhưng lại rất hung hăng, hay gây chuyện, nên là kẻ chuyên làm hại mọi người. Người có tâm thành tín sẽ là người tốt, người tu tốt, vậy nên tín tâm rất quan trọng. Ngược lại, người không có đủ tín tâm thường gây ra nhiều chuyện có hại, phiền cho tất cả mọi người. Họ phá hoại mối quan hệ tốt đẹp giữa mọi người với nhau, phá hoại sự hòa hợp trong cộng đồng [tu]. Vì vậy khi bạn tu tâm bi mẫn, cố gắng làm một người từ hòa thì điều quan trọng là phải luôn luôn giữ chánh niệm, giữ tâm thành tín. Vậy hãy tôn trọng lẫn nhau, hòa ái với nhau bởi vì tất cả các bạn đều chung một quê hương, đất nước. Tóm lại, gìn giữ tốt mối quan hệ [bạn đồng tu] hòa hợp, hòa bình là điều rất quan trọng.
“Truyền thống của chúng ta khá đặc biệt.”
Bây giờ nói về Monlam. Vì mọi người trong tu viện tụng quá nhanh nên các bạn có thể không theo kịp. Vì vậy, các bạn có thể tụng chú Orgyen Dzambhala. Chắc đa số các bạn đã biết minh chú này, còn những người khác nên cố gắng học thuộc. Khi các bạn bị lỡ nhịp, không nghe được lời tụng của vị chủ lễ thì có thể ngừng tụng. Chừng nào các bạn giữ được chánh niệm, tín tâm, động cơ tốt thì mọi việc đều ổn. Nếu các bạn trì tụng minh chú nữa thì thực sự hoàn hảo.
Nghi quỹ Orgyen Dzambhala này do Lama Sang soạn. Đa số các bạn đều đã nghe về Lama Sang. Một số đã gặp Ngài, số khác chưa được gặp, nhưng các bạn đều biết về Lama Sang. Ngài là một Đại Khai Mật Tạng, người đã khai mở phục điển này – thân phục điển của Vairochana (Tỳ Lô Giá Na). Phục điển này có sức gia trì rất lớn. Tu viện chúng tôi không kinh doanh để kiếm sống và cũng không làm gì nhiều để gây quỹ cúng dường. Nhưng nhờ phục điển này, nhờ sức mạnh và lực gia trì của dòng truyền thừa này, của bổn Tôn , chúng tôi có thể sống an bình và đầy đủ. Chúng tôi hiểu rằng nghi quỹ này mang lại lợi lạc lớn lao cho những ai hành trì nó. Khi các bạn hành trì đầy đủ thì sẽ nhận được nhiều gia trì; còn nếu hành trì không đủ, chỉ tụng vài câu minh chú thì lợi lạc không nhiều.
Truyền thống của chúng ta khá đặc biệt. Nó khác với các tu viện khác. Các bạn không phải là Tăng Ni nhưng Thầy cho phép các bạn ngồi cùng với Tăng già để cùng nhau hành trì. Thầy hy vọng mọi người hiểu điều này và đây là một cơ hội rất tốt cho các bạn. Một cơ hội tuyệt vời. Và điều quan trọng là phải hành trì cho đàng hoàng, yên lặng. Khi chân các bạn bị đau và khó ngồi [yên] các bạn có thể đứng dậy đi ra ngoài để thư giãn chân tay rồi mới trở lại. Nhưng không được đi lại lộn xộn hoặc làm những việc tương tự và đừng ngủ [gật], có được không?
(Rinpoche nói về lịch trình)
Hết bài giảng ngày 06/08/2018 tại Golok.
—
Xem bản tiếng Anh (dưới bản Việt dịch): www.lienhoaquang.com/loidaosu-q3-03
MP3 ngày 16.8.2018: www.lienhoaquang.com/loidaosu-q3-03-mp3