Lời Đạo Sư 4 - Ba Tánh Đức Cần Có Của Một Bậc Đạo Sư: Ba Phẩm Chất Một Đệ Tử Cần Có

“Điều rất quan trọng là phải theo một đạo sư tốt, đầy đủ tánh đức. Một đạo sư tốt cần phải thông tuệ giáo lý, giới hạnh thanh tịnh, có chứng nghiệm tốt.”

Đối với người tu Phật Giáo, điều quan trọng là phải thực hành đầy đủ cả ba pháp: văn, tư, tu thường được nhắc tới. Người tu phải hoàn hảo cả ba pháp tu chính yếu này để thành tựu Phật quả. Trong việc tu hành hàng ngày chúng ta phải áp dụng [ba] phương tiện này. Chúng ta phải đưa vào thực tập (tu) hành ngày tất cả những gì ta học hỏi được, biết được (văn, tư). Ví dụ, nói về văn, tư – nếu bạn không nghiên cứu, học tập thì sẽ không biết cách thực hành bất cứ pháp tu nào. Nếu bạn nghiên cứu một pháp môn cụ thể nào đó thì bạn sẽ có thể thực hành pháp đó có hiệu quả. Tóm lại, chỉ bằng việc học hành như vậy, chúng ta mới có thể hành trì kết quả tốt. Lấy ví dụ, pháp Tara Xanh – chúng ta phải học giáo lí trước rồi mới bắt tay vào thực hành. Không có giáo huấn về một thực hành nào đó thì khó mà hiểu và hành trì có hiệu quả. Vì vậy, việc học giáo lí là rất quan trọng.

Điều rất quan trọng là phải theo một đạo sư tốt, đầy đủ tánh đức. Một đạo sư tốt cần phải thông tuệ giáo lý, giới hạnh thanh tịnh, có chứng nghiệm tốt. Ba phẩm chất này làm nên một vị Đạo sư tốt. Không có các phẩm chất này thì khó mà trở thành một vị đạo sư tốt. Không có một bậc đạo sư tốt dẫn dắt thì khó có thể đi theo con đường đúng đắn. Vì vậy, điều rất quan trọng là người tu phải có đạo sư tốt.

Đạo hạnh tốt có nghĩa là trung thực, và đạo hạnh kém là không trung thực, dối trá.
Vì vậy đạo hạnh tốt, kỷ luật tốt
thậm chí còn quan trọng hơn cả kiến thức và hiểu biết tốt.”

Sự hiểu biết, kiến thức là phẩm chất quan trọng của một bậc đạo sư để dẫn dắt người tu đi trên con đường đạo. Vì vậy, sự hiểu biết là rất quan trọng. Khi một người nào đó không thông tuệ giáo lý, không biết phải dạy thế nào, phải dẫn dắt đệ tử thế nào thì đó là điều rất tồi tệ.

Tuy nhiên đó không phải là điều kiện duy nhất để trở thành một đạo sư tốt. Như Thầy đã nói trước đây, đạo hạnh tốt là rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn. Đôi khi những người thông minh, hiểu biết giáo lý lại có thể gây nhiều chuyện không tốt. Họ có thể nói dối, lừa phỉnh mọi người bởi vì họ rất khôn ngoan, khéo léo, nhưng đạo hạnh thì không tốt. Đạo hạnh tốt có nghĩa là trung thực và đạo hạnh kém có nghĩa là không trưng thực, dối trá. Vì vậy đạo hạnh tốt, kỷ luật tốt thậm chí còn quan trọng hơn cả kiến thức và hiểu biết tốt.

“Khi không có trải nghiệm, chứng ngộ về đạo lộ, về giáo lý thì tâm vẫn còn rỗng cạn, không có sức mạnh. Khi đó tâm vẫn chưa đạt tới điểm rốt ráo của Pháp.”

Lại nữa, trải nghiệm là yếu tố rất quan trọng, bởi vì nếu một người có hiểu biết, kiến thức, có đạo hạnh tốt nhưng không tu trì đầy đủ thì sẽ không có trải nghiệm, chứng ngộ gì cả. Khi không có trải nghiệm, chứng ngộ về đạo lộ, về giáo lý thì tâm vẫn còn rỗng cạn, không có sức mạnh. Khi đó tâm vẫn chưa đạt tới điểm rốt ráo của Pháp. Pháp đối với người đó vẫn còn xa vời, Pháp vẫn chưa thực sự có hiệu lực, sức mạnh đối với tâm [người đó]. Tâm [người đó] vẫn còn rỗng cạn, vẫn còn bình phàm, chưa được điều phục, mặc dù người đó có đạo hạnh tốt, hiểu biết, kiến thức tốt.

“Khi chưa chứng ngộ chân tánh thực tại, chưa đạt tới liễu nghĩa của giáo lý, thì cho dù người thầy rất thông minh, người đó cũng không thể dạy đệ tử, không thể làm lợi lạc được nhiều cho đệ tử.”

Như vậy, ba phẩm chất này rất quan trọng. Thứ nhất là hiểu biết, kiến thức, thứ hai là giới hạnh, và thứ ba là trải nghiệm, chứng ngộ. Ý nghĩa thực sự của phẩm chất chứng nghiệm là công phu thiền định thật nhiều, hết sức nỗ lực công phu thiền định để tự hoàn thiện mình trên đạo lộ. Khi một ai đó, một đạo sư nào đó tu trì nhưng không đạt được các trải nghiệm thì người đó không có chứng ngộ thực sự. Khi chưa chứng ngộ chân tánh thực tại, chưa đạt tới liễu nghĩa của giáo lý, thì cho dù người thầy rất thông minh, người đó cũng không thể dạy đệ tử, không thể làm lợi lạc được nhiều cho đệ tử. Trái lại, khi một bậc thầy dạy chúng ta với trải nghiệm và chứng ngộ riêng của mình thì sự dạy dỗ đó sẽ hiệu quả hơn nhiều, có lực gia trì lớn hơn nhiều, có sức mạnh lớn hơn nhiều. Việc dạy dỗ đó thực sự lợi lạc cho mọi người, giúp người ta hiểu được giáo lý. Tuy nhiên, rắc rối nằm ở chỗ có nhiều vị thầy, bao gồm cả bản thân Thầy, không có đầy đủ hiểu biết, trải nghiệm, chứng ngộ và tri kiến đúng đắn.

Vì vậy, những lời dạy của họ hầu như chỉ là những cuộc nói chuyện rỗng cạn. Nhưng đối với các bạn, cần phải tìm được vị đạo sư có đầy đủ những tánh đức mà Thầy đã nhắc tới: hiểu biết, đạo hạnh, trải nghiệm và chứng ngộ. Điều này rất quan trọng. Khi chúng ta nói trải nghiệm hay chứng ngộ thì “chứng ngộ” có nghĩa là trực chứng chân tánh của vạn pháp, tánh không, vô ngã, vô thường – đây chính là thực tại của vạn pháp. Còn “trải nghiệm” về căn bản có nghĩa là một người đã công phu tu hành rất thâm hậu trên đường đạo để trưởng dưỡng các tánh đức: từ, bi và bồ đề tâm. Khi đó người thầy thực sự có tâm bi mẫn. Không phải từ bi nơi cửa miệng, trong lời nói, mà là từ bi trong con tim, trong tâm. Đây là một phẩm chất rất quan trọng.

“Phẩm chất quan trọng đầu tiên để làm một đệ tử tốt là đức tính trung thực.”

Khi nói rằng phải hiểu những tánh đức cần có của một vị Thầy, thì đồng thời người đệ tử cũng cần phải có một số phẩm chất và năng lực trí tuệ. Nếu không như vậy thì người đệ tử cũng không thể nhận ra được ai là vị đạo sư có đầy đủ tánh đức, ai là không. Phẩm chất quan trọng đầu tiên để làm một đệ tử tốt là đức tính trung thực. Đức tính trung thực rất quan trọng. Đối với đệ tử điều rất quan trọng là phải trung thực.

Đôi khi có những người đệ tử, mặc dầu họ có hiểu biết, thế nhưng họ lại không thể phân biệt được rõ đâu là tốt, đâu là xấu khi tiếp cận người nào đó. Có lẽ bởi vì người đó rất gần gũi, thân thiết với họ, là người mà họ có những thân cận nào đó. Chính vì vậy mà người ta không muốn nói gì cả, không hề làm gì hết, ngay cả khi người ta nhìn thấy có cái gì đó không được đúng đắn lắm ở con người đó, ở cái ông “thầy” đó. Đôi khi, thậm chí họ thấy một vị đạo sư rất tốt, đầy đủ mọi tánh đức, thế nhưng vì tâm họ không trung thực, nên họ không muốn chấp nhận, họ không cố gắng để đánh giá đúng và trân quý những tánh đức đó. Vì vậy, đức tính trung thực là phẩm chất đầu tiên để làm một người đệ tử tốt.

“Chúng ta cần phải theo chân một bậc đạo sư với sự hiểu biết và thông minh.”

Phẩm chất thứ hai là hiểu biết và kiến thức. Người đệ tử cần phải có đủ thông minh để hiểu được các tánh đức của bậc đạo sư. Không có sự hiểu biết, kiến thức thì người đệ tử không biết một bậc đạo sư cần phải có những tánh đức như thế nào. Khi đó người đệ tử không biết được vị thầy [của họ] là tốt hay là xấu. Vì vậy, thông minh và hiểu biết là rất quan trọng. Có nghĩa là cần phải học hỏi về các tánh đức cần có của bậc đạo sư, học cách tầm sư học đạo, học cách làm một đệ tử tốt – đây là điều kiện làm nên một đệ tử thành công. Tóm lại, người tu phải học rộng, biết nhiều, không để đầu óc rỗng cạn. Không nên theo chân một kẻ có tâm địa không tốt chỉ do thiếu hiểu biết. Đó là điều không tốt. Chúng ta cần phải theo chân một bậc đạo sư với sự hiểu biết và thông minh. Đây là phẩm chất thứ hai.

Tất nhiên, phẩm chất thứ ba là tinh tấn. Bởi vì khi ta không nỗ lực tu hành, thì sẽ không đi tới đâu cả, thậm chí cho dù bạn có hiểu biết và kiến thức. Nếu một người biết rõ về đạo sư của mình, và đã thọ nhận nhiều giáo lý từ bậc chân sư, nhưng lại không tinh tấn, liên tục hành trì thì người đó cũng không đi tới đâu cả. Vì vậy, nỗ lực tu hành là điều rất quan trọng.

“Thế nhưng giáo huấn tốt có lợi lạc cho bạn hay không lại phụ thuộc vào việc bạn hiểu [giáo lí] thế nào, tinh tấn ra sao.”

Để làm một đệ tử tốt thì rất cần phải nắm vững những giáo lý, giáo huấn quan trọng. Vì muốn thực hành Pháp nên chúng ta cần giáo huấn tốt về đạo lộ giải thoát. Do đó, giáo huấn tốt là rất cần thiết. Thế nhưng giáo huấn tốt có lợi lạc cho bạn hay không lại phụ thuộc vào việc bạn hiểu [giáo lí] thế nào, tinh tấn ra sao. Nếu không hiểu giáo huấn thì giáo huấn sẽ không ích lợi gì cho bạn. Nếu lười biếng thì cho dù đã thọ nhận giáo huấn tốt, bạn vẫn tu không tiến bộ. Bởi vì đã lười biếng thì bạn không thích thực hành mà chỉ tiêu tán thời gian vào chuyện phiếm, vào chơi bời, giải trí, ăn ngủ v. v. Các hoạt động thế tục này tiêu tán thời gian, và bạn không còn thời giờ dành cho Pháp, bạn tu không tiến bộ.

“Chính đức Phật đã cảnh báo rằng trong tương lai sẽ tới một thời kỳ mà những vị thầy kém phẩm chất lại được ưa thích hơn, nhiều người hâm mộ hơn các bậc chân sư.”

Lại nữa, người tu cần luôn kiểm tra xem mình có đang theo những vị thầy kém phẩm chất hay không, bởi vì ngày nay một sự thật rất phổ biến là có nhiều vị thầy kém phẩm chất lại được nhiều người ưa thích và chạy theo. Chính đức Phật đã cảnh báo rằng trong tương lai sẽ tới một thời kỳ mà những vị thầy kém phẩm chất lại được ưa thích hơn, nhiều người hâm mộ hơn các bậc chân sư. Vào thời đức Phật đã có những vị thầy xấu lừa lọc đệ tử, dẫn dắt họ vào con đường lầm lạc. Vì vậy, điều quan trọng là tránh chạy theo những vị thầy xấu.

“Các đệ tử phải đặc biệt tôn kính đạo sư, phải đưa giáo huấn của đạo sư vào thực hành và phải giữ kết nối đạo-sư-đệ-tử thật thanh tịnh.”

Thầy đã nói về việc làm sao để tìm được Đạo sư và làm sao để thành một Pháp tử. Đây là một chủ đề quan trọng đối với chúng ta, những người tu Phật.

Nói chung, gặp được một bậc thầy tốt là rất quan trọng đối với việc học hành, nghiên cứu, giáo dục, thành công và tất cả mọi thứ khác của người tu. Một khi ta nhận ai là đạo sư của mình thì phải tôn kính đạo sư, vâng lời ngài, phải làm theo bất cứ giáo huấn nào ngài ban cho ta. Nếu không, chúng ta sẽ trở thành một người không tốt, một đệ tử không tốt. Điều này ở mọi nơi trong truyền thống Phật giáo đều như vậy. Các đệ tử phải đặc biệt tôn kính đạo sư, phải đưa giáo huấn của đạo sư vào thực hành và phải giữ kết nối đạo-sư-đệ-tử thật thanh tịnh. Nếu không, họ sẽ là người tu kém, đệ tử kém, và điều này hủy hoại những thành quả tốt đẹp trên đường tu của họ, hủy hoại cơ hội tiến bộ, và tạo nhiều chướng ngại cho chính họ. Đôi khi kết nối thầy-đệ-tử bị hoen ố, giới nguyện bị hủy hoại có thể trở thành nhân duyên quan trọng khiến người tu bị đọa ác đạo. Vì vậy, người tu Phật phải hiểu điều này và cố gắng tự bảo vệ bản thân mình.

Là người tu hành chúng ta đã thọ nhiều giới nguyện. Chúng ta đã chấp nhận nhiều yêu cầu đối với pháp tu, chúng ta đã phát nhiều thệ nguyện khác nhau về đường tu của mình. Điều rất quan trọng là phải hiểu chúng ta đã phát thệ nguyện gì, đã thọ giới gì, và phải trì giữ các giới nguyện này thật miên mật. Đó là vì giữ giới thanh tịnh là cách duy nhất để tiến bộ trên đường tu, để thành tựu giải thoát. Nếu người tu không trì giữ giới nguyện nghiêm cẩn, nếu người đó thiếu tôn trọng hoặc vi phạm giới nguyện, dù cố ý hay vô tình, thì người đó sẽ hủy hoại chính bản thân mình và tất cả thành quả tu hành đã đạt được.

“Khi bạn thọ nhận giáo lý, quán đảnh thì có nhiều điều kiện, yêu cầu kèm theo. Vì vậy, cần phải có hiểu biết rất rõ ràng về cái mình đang làm, về những yêu cầu mình đang chấp nhận.”

Thầy tin rằng có nhiều người ở đây, ở đất nước này, đã đi chỗ này chỗ khác thọ nhận giáo lý, thọ nhận quán đảnh – họ thọ nhận những quán đảnh từ những vị lạt ma khác nhau. Và nhiều người ở đây cũng có kết nối với truyền thống Kim Cương Thừa. Đôi khi người ta không có nhiều hiểu biết nhưng vẫn đi đây đi đó thọ nhận giáo lý. Ngay cả khi họ không biết nhiều về giáo lý, về bổn tôn, về quán đảnh, về tầm quan trọng của giáo lý và quán đảnh, về những đòi hỏi đặt ra đối với người thọ nhận, thế nhưng họ vẫn đi thọ nhận. Việc thọ nhận đó có một số điều kiện kèm theo. Người ta không thể nhận một cái gì đó mà không có điều kiện kèm theo. Khi bạn thọ nhận giáo lý, quán đảnh thì có nhiều điều kiện, yêu cầu kèm theo. Vì vậy, cần phải có hiểu biết rất rõ ràng về cái mình đang làm, về những yêu cầu mình đang chấp nhận.

Ví dụ, khi chúng ta quy y Tam bảo, ta muốn làm Phật tử, làm hành giả Phật giáo thì có những điều kiện, yêu cầu gì kèm theo không? Tất nhiên là có. Có nhiều điều kiện, yêu cầu đối với chúng ta nếu ta muốn làm người tu. Người ta có quyền làm bất cứ điều gì mình muốn sau khi đã trở thành một Phật tử hay không? Câu trả lời là “không”. Có nhiều yêu cầu chúng ta cần phải tuân thủ. Chúng ta cần phải gìn giữ, tuân thủ tất cả những điều kiện cần thiết làm nên một người tu Phật. Nếu chúng ta không tuân thủ các điều kiện này tức là chúng ta đã phá vỡ giới nguyện. Chúng ta đã hủy hoại những điều kiện cần thiết để ta trở thành một người tu Phật giáo. Có nghĩa là ta đang hủy hoại chính con người tu hành của mình. Vì vậy cần phải rất tỉnh giác về những điều quan trọng này và biết rõ chúng có ảnh hưởng [tốt xấu] như thế nào, giữa những điều này có liên hệ như thế nào. Không biết điều này, không nghĩ về điều này, thì theo Thầy làm người tu cũng không được mấy lợi lạc, không có mấy ý nghĩa. Bởi vì ta đã không hội đủ điều kiện cần có để thành công trên đường tu.

“Trước hết hãy nghiên cứu, học tập. Nếu bạn thấy tốt bởi vì bạn đã tìm hiểu, bởi vì bạn thấy nó đúng sự thật, thì khi đó hãy làm theo lời Phật dạy.”

Phật cho mọi người quyền khảo sát giáo lý Phật và chính bản thân đức Phật. Phật không nói rằng chúng ta phải làm đệ tử của Ngài, mà dạy rằng chúng ta phải nghiên cứu kĩ trước khi trở thành Phật tử. Phải học hành, nghiên cứu càng nhiều càng tốt và khảo sát những gì Phật dạy. Những điều đó có đúng hay không, có tốt hay không? Có chút ý nghĩa nào với bạn hay không? Trước hết phải khảo sát, kiểm tra. Đừng vội vàng theo truyền thống này mà không có suy nghĩ, hiểu biết gì cả. Trước hết hãy nghiên cứu, học tập. Nếu bạn thấy tốt bởi vì bạn đã tìm hiểu, bởi vì bạn thấy nó đúng sự thật, thì khi đó hãy làm theo lời Phật dạy. Và Phật cũng dạy rằng một khi đã trở thành Phật tử, đã thọ giới, đã chấp nhận các điều kiện thì đừng phạm giới, bởi vì bạn sẽ tạo ác nghiệp và điều này rất không tốt cho bạn.

“Phật dạy phải nỗ lực làm việc thiện càng nhiều càng tốt. Và thiện hạnh đầu tiên Phật yêu cầu chúng ta làm là tránh hãm hại chúng sinh.”

Có những điều kiện căn bản đối với chúng ta để trở thành một Phật tử; một trong những điều kiện căn bản này là không hại bất cứ ai, không cướp đi mạng sống của bất cứ chúng sinh nào. Đây là yêu cầu căn bản đối với bất cứ ai muốn tu theo Phật bởi vì Phật không cho phép bất cứ một ai hãm hại hoặc sát hại các chúng sinh khác một khi họ là người tu. Phật không cho phép dung hợp hai điều này, và chỉ chấp nhận người có không hãm hại chúng sinh. Tất nhiên, cần phải hiểu khi nói “không làm hại chúng sinh” thì “chúng sinh” không chỉ bao gồm con người mà là bất cứ chúng sinh hữu tình nào, kể cả những con côn trùng nhỏ bé, những con chim, con gà, con cá. Chúng ta không được làm hại hay tấn công chúng mà phải che chở cho chúng. Đây là những điều kiện căn bản để thọ nhận và thực hành giáo lý của Phật.

Sát sinh là hành động rất xấu, rất có hại. Sát sinh là một trong những hành động hung hãn nhất, vô nghĩa nhất đối với một chúng sinh. Chúng ta hiểu chết là điều không dễ dàng chút nào. Không ai muốn bị sát hại bởi bất cứ một kẻ nào, vì bất cứ lý do nào. Điều này như nhau, không khác đối với tất cả mọi người. Chúng ta không muốn đau khổ, không muốn chấp nhận cái chết. Điều này cũng vậy, không khác đối với tất cả chúng hữu tình – không một hữu tình nào muốn chết. Vì vậy, sát sinh là rất hung ác, rất xấu xa. Chính vì lẽ này mà quả báo của sát sinh cực kì nặng nề: nó có thể khiến người ta bị đọa ba đường ác đạo, bị đọa địa ngục rất dễ dàng. Quả báo rất nặng nề và rất tệ hại. Vì vậy, Phật dạy phải nỗ lực làm việc thiện càng nhiều càng tốt. Và thiện hạnh đầu tiên Phật yêu cầu chúng ta làm là tránh hãm hại chúng sinh.

“Khi không có tâm từ, tâm bi thì sẽ không thể thực sự cảm nhận được nỗi đau của chúng sinh khác, và vì thế chúng ta có thể trở nên rất hung ác.”

Để có thể tránh làm hại chúng sinh và luôn che chở cho kẻ bị hại, chúng ta phải trưởng dưỡng tâm bi. Tâm bi mẫn là nguyên nhân chính yếu khiến chúng ta hiểu được tình cảnh thật của người khác, hiểu được nỗi đau và cái gì gây nên đau khổ cho người khác, chúng sinh khác. Khi không có tâm từ, tâm bi thì sẽ không thể thực sự cảm nhận được nỗi đau của chúng sinh khác, và vì thế chúng ta có thể trở nên rất hung ác. Vì lẽ đó đức Phật thường xuyên dạy từ bi. Tóm lại, điều rất quan trọng là phải tu luyện tâm để trở nên ngày càng bi mẫn hơn. Nếu ai đó muốn thực hành ăn chay thì đây là một hành động từ tâm rất tốt đẹp, bởi vì sẽ có rất nhiều con vật phải chết do người ta ăn thịt. Ví dụ, Kathmandu ở Nepal là một thành phố không lớn, dân số nhỏ; số lượng Phật tử ở Kathmandu thậm chí rất nhỏ. Thế nhưng theo thông tin qua mạng gần đây thì các Phật tử ở Kathmandu ăn 81 triệu con heo một năm. Chỉ riêng Phật tử thôi!

Khi chúng ta ăn thịt thì thịt không tới từ hư vô, thịt tới từ một mạng sống. Ví dụ, để ăn gà hay thịt gà thì trước hết gà phải chết. Bạn không thể ăn thịt gà trước khi con gà chết, có đúng không? Con gà sẽ chết rồi bạn mới ăn thịt nó. Như vậy, ăn thịt là một hành động hãm hại. Vì vậy, đó là việc làm có từ tâm nếu bạn cố gắng ăn chay càng nhiều càng tốt.

“Người ta thường mắc một sai lầm giống nhau: họ không có ý thức, không tỉnh giác về nhiều thứ và coi khinh nhiều rất thứ quan trọng. Vì vậy, những kết quả, những điều tốt đẹp, những tiến bộ lẽ ra phải có đã bị suy giảm.”

Lại nữa, mục đích trở thành người tu là để tích lũy công đức, để trở thành một người tốt hơn, trong sạch hơn, cao quý hơn. Mục đích này của chúng ta rất có ý nghĩa và rất hợp lý đạo, bởi vì chỉ có việc thực hành Pháp mới có thể đem lại những điều tốt đẹp mà ta mong muốn. Ngoài việc thực hành Pháp ra không gì có thể đem lại cho ta những hoa trái tốt đẹp. Vì vậy, hiểu rõ mục đích của mình và nỗ lực hết sức mình để thực hành một cách đúng đắn là điều rất quan trọng. Người ta thường mắc một sai lầm giống nhau: họ không có ý thức, không tỉnh giác về nhiều thứ và coi khinh nhiều rất thứ quan trọng. Vì vậy, những kết quả, những điều tốt đẹp, những tiến bộ lẽ ra phải có đã bị suy giảm. Họ tiến bộ rất chậm chính do cách làm, cách xử thế của họ.

“Tóm lại, có hai lợi lạc mà giáo lý của Phật đem lại: một là hạnh phúc cho đời này, và hai là hạnh phúc cho kiếp vị lai.”

Vạn pháp vô thường vì vậy không có gì là đáng tin cậy bao gồm cả cuộc sống của chúng ta. Như thế nào có nghĩa là cuộc sống của chúng ta không đáng tin cậy? Bởi vì vạn pháp dời đổi và cuộc sống của chúng ta cũng dời đổi theo. Nó thay đổi, thay đổi, thay đổi không dừng lại dù một khoảnh khắc mà dời đổi, liên tục dời đổi. Chính vì lẽ đó mà sẽ có những thay đổi lớn xảy ra. Do nhiều thay đổi rất nhỏ liên tục xảy ra không ngừng nghỉ mà biến đổi lớn rồi sẽ tới. Khi có một biến cố lớn ập tới, chúng ta có thể bị tổn thương, vì ta đã không tự chuẩn bị để chấp nhận nó. Chúng ta không muốn nhìn thấy loại thay đổi ấy. Vì vậy, hiểu được thực tại của vạn pháp bằng cách thực hành những lời dạy của Phật Thích Ca sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp, đem lại trí tuệ và nhờ đó ta sẽ vượt thoát sợ hãi, thành người vô úy, có khả năng tự chuẩn bị để chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra.

Trí tuệ của Phật là bất khả tư nghì. Phật thấy tất cả, Phật biết tất cả. Phật biết chính xác cái gì đem lại hạnh phúc cho cuộc đời của một người và Phật biết cái gì là nhân của giải thoát, cho nên giáo lý của Phật là quý báu nhất, cực kỳ quý báu. Giáo lý này có sức mạnh giúp ta có hiểu biết tốt nhất về cuộc sống của mình, giúp ta đạt hạnh phúc, an bình đời này, và đạt tới một cuộc sống tốt đẹp hơn trong kiếp sau. Như vậy có hai mục đích, hai kết quả, hai sức mạnh để chúng ta thực hành pháp. Thứ nhất, trong đời này ta có thể tự tại cho dù điều gì đang xảy ra. Tâm ta thường an bình cho dù hoàn cảnh nào xảy ra. Nếu tu hành rất tốt thì ta có thể làm được điều đó, chắc chắn làm được. Thứ hai, ta chuẩn bị cho tương lai, để cho kiếp sau sẽ có nhiều hạnh phúc, an bình, và thành công hơn. Tóm lại, có hai lợi lạc mà giáo lý của Phật đem lại: một là hạnh phúc cho đời này, và hai là hạnh phúc cho kiếp vị lai.

“Chúng ta phải tu luyện tâm thông qua văn, tư, tu để làm cho tâm của mình, tri kiến của mình ngày càng thanh tịnh hơn.”

Sáng nay Thầy có giảng về sức mạnh giúp ta có được những thành quả tốt đẹp từ Pháp Phật – đó là tâm chí tín thành. Đó là chí tín thành đối với Phật, với lời Phật dạy và với tri kiến thanh tịnh. Tri kiến thanh tịnh rất quan trọng. Chúng ta không thể nhìn thấy được những phẩm tánh thù thắng của Phật khi chúng ta không có tri kiến thanh tịnh về Phật. Chúng ta không thể thành tựu nếu cái nhìn của ta không thanh tịnh. Chúng ta phải tu luyện tâm thông qua văn, tư, tu để làm cho tâm của mình, tri kiến của mình ngày càng thanh tịnh hơn. Khi thực hành pháp bằng ba pháp tu này (văn, tư, tu) thì chắc chắn chúng ta có thể làm được nhiều lợi lạc và trở thành một người rất trong sạch, an bình, và khiêm hạ.

Chúng ta cần phải hiểu, cần phải thấy rõ rằng vô minh trong tâm chúng ta là rất sâu, rất dày. Tâm của chúng ta vô minh cho nên chúng ta vô minh. Chừng nào một người còn vô minh thì người đó chưa thể nhìn thấy những thứ thanh tịnh. Chính vì tâm vô minh đó (si) mà chúng ta nhìn mọi việc một cách sai lầm, và vì vậy mà chúng ta kẹt vào kiến sai lạc. Cốt lõi của Pháp Phật rất sắc bén, sắc bén như một lưỡi kiếm. Nếu chúng ta khéo dùng lưỡi kiếm sắc của Pháp Phật thì gốc rễ của vô minh trong tâm ta có thể bị chặt đứt. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi thời gian vì vậy chúng ta cần phải chuẩn bị đúng cách. Chúng ta cần có nhiều cơ hội để tự hoàn thiện bản thân dần dần, chậm rãi và liên tục.

 

 (Hết bài giảng ngày 21/10/2018 tại Chùa Vĩnh Nghiêm) 

———-

Xem bản tiếng Anh (dưới bản Việt dịch) do Choying Drolma (Giáng Hương) chép:
www.lienhoaquang.com/loidaosu-q4-03
MP3 chiều 21.10.2018: www.lienhoaquang.com/loidaosu-q4-03-mp3 

Tải về
pdf
mp3
CHIA SẺ