Về Pháp Shitro cho người chết

3.8.2019, Dawu, Golok

 

Câu hỏi: Xin Thầy giải thích cho chúng con “chư Phật ba thời mười phương”?

Rinpoche: Điều đó có nghĩa là “tất cả chư Phật”. Nói về thời gian thì có ba phần: quá khứ, hiện tại, vị lai; còn nếu nói về phương thì có mười phương. Như vậy khi nói về một vị Phật thì phải đề cập tới một trong ba thời và một trong mười phương. Tóm lại, “tất cả chư Phật”, không vị Phật nào bị bỏ sót.

Tất nhiên, có khái quát và chuyên biệt. Nói một cách khái quát, đây là chỉ tất cả chư Phật. Phật thuộc một trong ba thời và một trong mười phương: Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai. Phật quá khứ là Dīpamkara, Phật hiện tại là Thích Ca Mâu Ni, Phật tương lai là Phật Di Lặc. Đây là cách hiểu chuyên biệt chữ “chư Phật ba thời”.

Năm bộ Phật thuộc về năm phương: Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương. Đây là năm bộ Phật và ở đây có một khác biệt nhỏ. Khi chúng ta nói về ngũ bộ Phật thì Trung ương là một phương. Khi chúng ta nói về mười phương thì có Đông, Tây, Nam, Bắc, Tây Bắc, Tây Nam v. v. và phương trên, phương dưới. Tóm lại, có mười phương.

Câu hỏi: Xin Thầy giải thích cho chúng con “vô lượng mây cúng dường làm hoan hỉ các căn”?

Rinpoche: Có phải hỏi về sắc, về thanh, về ngũ căn không? Câu hỏi tóm lại là: “Chúng ta có thể cúng dường cái gì?” [phải không]? Bất cứ cái gì tốt, thanh tịnh chúng ta đều có thể cúng dường lên chư Phật. Ví dụ, khi chúng ta cúng dường hoa lên Phật thì đó là cho mắt – thị giác. Đó là “sắc”. Hương là cho mũi, âm thanh là cho tai và v.v. Có phải đây là điều đang cần hỏi không?

Câu này thuộc nghi quỹ ngondro bản dài. Thông thường ta sẽ nói “ngũ dục”, “ngũ căn”. “Sắc”, “thanh”, “hương”, “vị”, “xúc” bao gồm tất cả. Các pháp đều hàm chứa một trong ngũ trần này. Tất cả các pháp đều hàm chứa một trong năm thứ đó.

Đặc biệt trong truyền thống Hiển giáo khi chúng ta nói “sắc” thì có nghĩa là một cái gì đó đẹp, “hương” nghĩa là một cái gì đó thơm. Nhưng theo truyền thống Kim Cương thừa thì điều này ngược lại, bởi vì theo tri kiến của Kim Cương thừa vạn pháp đều thanh tịnh như nhau, không có gì là tốt hay xấu. Trong Kim Cương thừa chắc chúng ta có thể cúng dường bất cứ thứ gì, còn trong Kinh thừa (Sutryana) thì cần phải cúng những gì đẹp, tốt, thanh tịnh và sạch sẽ. Đây là sự khác biệt giữa hai thừa.

Tất nhiên những người mới, người sơ cơ cần phải theo thừa truyền thống. Kim Cương thừa là một cái gì đó ngược lại. Đây là cái nhìn bình đẳng về vạn pháp, hoàn toàn ngược lại. Điều đó có nghĩa là Kim Cương thừa không nhìn mọi thứ theo kiểu những cái này rất tốt, những cái kia rất không tốt. Không có sự phân biệt giữa tốt và xấu bởi vì vạn pháp trong thể tánh của chúng là thanh tịnh. Theo quan điểm này, bất cứ thứ gì đều có thể cúng dường được.

Nếu bạn có thể phát triển cách nhìn và hiểu như vậy thì bất cứ cái gì cũng có thể cúng dường được. Tuy nhiên nếu bạn không thấy vạn pháp là thanh tịnh như nhau thì bạn sẽ nghĩ cái này thanh tịnh còn cái kia thì không. Chỉ trong trường hợp đó thì bạn cúng dường cái bạn nghĩ là tốt. Trong hướng dẫn có chỉ rõ bạn cần phải làm việc này hay việc khác, vì vậy theo Thầy tốt nhất là thực hành như hướng dẫn, phù hợp với năng lực tâm linh, với căn cơ của chúng ta.

Mọi thứ chúng ta làm phải phù hợp với căn cơ của mình. Nếu một cái gì đó vượt quá căn cơ của chúng ta thì ta không thể chấp nhận được. Ví dụ, trong Mật thừa đôi khi có thể cúng dường một miếng thịt lớn, nhưng nếu bạn nghĩ điều đó ghê tởm, không tốt, bạn có bám chấp trong tâm thì không cần phải làm như vậy. Còn nếu bạn hiểu đúng thì có thể làm.

Câu hỏi: Chúng con cần phải làm gì khi một thành viên trong gia đình qua đời và trong vòng một năm chúng con muốn giúp họ có tái sinh tốt hơn? Hoặc thành viên trong gia đình qua đời đã lâu mà vẫn thấy họ quanh quẩn đâu đó, chúng con cần làm gì để giúp họ?

Rinpoche: Người có thể thực sự giúp một ai đó chính là bản thân người đó.

Một đạo sư có công phu hành trì và tích lũy nhiều thiện hạnh thì có thể giúp bản thân trải qua giai đoạn bardo không chướng ngại. Bởi vì, cho dù bạn có lòng tin tôn giáo hay không, có tin nhân quả hay không, thì bardo (giai đoạn trung ấm – LND) vẫn luôn tồn tại. Bốn đại khổ nạn là sanh, lão, bệnh, tử. Bốn khổ nạn này luôn tồn tại. Điều đó có nghĩa là khi bạn chết, cho dù bạn là người có tôn giáo hay không, là Phật tử hay không thì bạn vẫn phải qua giai đoạn trung ấm.

Vì vậy, nếu bạn khôn ngoan và chăm lo cho kiếp sống sau thì phải cố gắng thành tựu một cái gì đó, hoặc bạn phải cố gắng chuẩn bị một cái gì đó để kiếp sống tương lai sẽ tốt hơn. Khi đó bạn có thể có một hành trình không chướng ngại trong bardo. Nếu bạn không chuẩn bị, không quan tâm thì bạn sẽ gặp những điều khủng khiếp, nhiều khó khăn và sợ hãi. Đây là điều chắc chắn, không có gì để nghi ngờ.

Khi nói về nhân quả thì cũng có một cái gì đó tương tự như khi nói về bardo của cái chết. Có nghĩa là chúng ta không thể thực sự hiểu, bởi do có một cái gì đó bị che khuất, không [thể hiện] rõ ràng. Vì vậy, người ta không tin rằng những điều đó thực sự tồn tại. Không có gì để nghi ngờ cả. Thầy nói như vậy bởi vì có những bậc Thầy vĩ đại, những đại thành tựu giả đã từng trải qua các cảnh giới đó. Họ có trải nghiệm; chính bản thân họ trực tiếp nhìn thấy. Họ biết tất cả mọi thứ, còn chúng ta thì không biết. Khi ta không biết thì không có nghĩa là điều đó không tồn tại. Điều đó tồn tại bởi vì những bậc đáng tin cậy như Phật, Guru Rinpoche, các vị đại thành tựu giả [đã dạy như vậy]. Các Ngài hiểu rất rõ và đã thấy những thứ này thực sự tồn tại. Nhờ vậy các Ngài rõ biết lúc này điều này xảy ra, lúc kia điều kia xảy ra.

Mọi thứ đều dựa trên những chuyện có thật. Vì vậy, có những thứ chúng ta cần phải suy nghĩ, cần phải tin. Những thứ này tồn tại và đó là khổ nạn lớn cho tất cả hữu tình chúng sinh, không chỉ loài người mà tất cả hữu tình. Khi họ qua đời, họ phải trải qua giai đoạn này. Không có cách nào để tránh được, trừ khi bạn là hành giả cao cấp. Những hành giả này không cần phải qua các giai đoạn đó. Những người khác, kể cả các vị vua hùng mạnh như Thiên Vương, cũng phải qua giai đoạn đó. Bất cứ ai chết cũng phải trải qua giai đoạn này, vì thế chúng ta phải xem xét, phải tin vào điều này.

Chúng ta tự giúp mình và người khác như thế nào? Có những hướng dẫn làm sao để xử lý trong những hoàn cảnh này và chúng ta phải làm theo hướng dẫn. Chúng ta phải thực hành theo đúng những lời chỉ dạy. Chỉ bằng cách đó chúng ta mới có thể tự giúp mình.

Việc tiếp thu những giáo huấn, chỉ dạy về cách ứng xử trong giai đoạn trung ấm có dễ dàng hay không? Hoàn toàn không dễ dàng. Để có thể thọ nhận giáo lý này, một vị đạo sư cần phải có nền tảng căn bản, có sự chuẩn bị căn bản như pháp tu ngondro. Bạn phải có một căn cơ tốt phù hợp để tiếp thu giáo lý này.

Bạn phải tự chuẩn bị cho mình, vì giáo lý này là mật điển – giáo lý bí mật. Giáo lý bí mật giống như nước cam lồ tuyệt vời mà người nhận phải là một bình chứa sạch sẽ. Bạn không muốn đổ nước cam lồ thù thắng vào cái bình dơ bẩn. Khi đó bạn sẽ làm uổng tất cả mọi thứ. Vì vậy, những giáo lý loại này là những giáo lý tối mật, rất quan trọng, rất thâm sâu và vi diệu.

Vì lý do này, trước hết bạn phải tu tập, hành trì đã. Bạn phải có tâm xả ly đã. Bạn phải có khả năng buông bỏ nhiều thứ trong cuộc đời này đã. Bạn không thể tiếp thu được giáo lý như vậy, khi mà bạn còn quá nhiều tham dục trong tâm. Tóm lại, bạn phải tịnh hóa tâm bạn, tim bạn, thân bạn và khẩu của bạn tới một mức độ nào đó, trước khi thọ nhận giáo lý này. Chỉ khi đó bạn mới có thể hiểu và tu hành đúng Pháp.

Cách tốt nhất để tự giúp mình là thọ nhận, hiểu và thực hành giáo lý này. Đây là cách tốt nhất. Lại nữa, chúng ta có thể giúp nhau bằng cách công phu hành trì và hồi hướng công đức cho những người khác. Các bạn có thể tự mình hành trì và giúp cho bạn bè, người thân trong gia đình khi họ chết, hoặc ngay khi họ còn sống. Chúng ta có thể hồi hướng công đức cho bất cứ ai.

Đối với một người như Thầy, một người tu Tây Tạng, để người đó có thể giúp người chết thì sẽ thuận lợi nhất nếu người chết là đệ tử của mình và có lòng tin vào giáo lý trung ấm. Nếu không thì rất khó để giải thích mọi thứ. Phowa – có giáo lý như vậy. Phowa về căn bản là giải thích cho thần thức trong giai đoạn trung ấm. Giải thích cho thần thức cách làm điều này hay điều này nọ. Đừng đi nơi kia hay hãy đi nơi này. Chúng tôi giải thích cho thần thức phải làm như thế nào và thần thức có thể hiểu đúng hoặc hiểu sai. Bởi vì người ta có thể dễ dàng mắc những sai lầm nghiêm trọng trong giai đoạn trung ấm.

Có rất nhiều rối loạn và kinh hãi, vì vậy thần thức rất hoảng sợ. Thần thức là người quá vãng. Người đó hoảng sợ và vô hi vọng nên cần nhiều sự giúp đỡ. Vì vậy, chúng ta cố gắng giúp đỡ, cầu nguyện và hồi hướng các thiện hạnh cho họ. Khi đó họ có thể nhận được lợi lạc. Đặc biệt nếu vị lạt ma là một hành giả tốt, có nhiều trí tuệ, sức mạnh, trải nghiệm, có tri kiến cao và chứng ngộ. Một vị lạt ma với cái kiến cao như vậy có thể giúp cho người chết trong giai đoạn trung ấm. Nếu không thì rất khó cho họ gửi thông điệp kêu cứu tới mọi người, mặc dầu người đó (người chết – LND) có thể “nghe” rất rõ.

Họ nhìn thấy chúng ta rất rõ nhưng có quá nhiều rối loạn, tán tâm, quá nhiều sợ hãi vào lúc đó. Người chết rất dễ bị phân tâm. Điều thứ hai, họ không có đủ bình tĩnh để lắng nghe bạn. Nếu bạn có đủ sức mạnh thì bạn an định thần thức ở đó và chỉ dạy họ. Nhưng điều này chỉ có bậc đầy oai lực như đức Phật [mới làm được]. Tuy nhiên, nếu không có kết nối nghiệp mạnh với thần thức thì thậm chí ngay cả đức Phật cũng gặp khó khăn để có thể thực sự giúp đỡ [thành công]. Vì vậy, như Thầy đã nói ở trên, nếu người chết là một hành giả Phật giáo, có kết nối nghiệp mạnh và lòng tìn vào người hộ niệm thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Làm sao để giúp các thành viên trong gia đình khi họ ra đi?

Ở Tây Tạng, khi có người chết thì người thân trong gia đình cố gắng hành trì và thỉnh chư Tăng – 5, 7 hoặc 10 người – tới làm lễ Shitro suốt 49 ngày. Đây là một truyền thống rất quan trọng vẫn tiếp tục được duy trì ở Tây Tạng; không phải tất cả mọi nơi nhưng nhiều nơi ở Tây Tạng vẫn giữ truyền thống này, đặc biệt là Golok. Đây là một truyền thống rất tốt, một phương cách rất tốt để nghĩ tưởng tới người chết. Các thành viên trong gia đình thực sự rất quan tâm tới người chết. Việc này đòi hỏi nhiều chi phí vì họ phải cúng dường chư Tăng và mua nhiều thứ khác nhau vì cần nhiều thứ liên quan tới các hoạt động này.

Lý do phải thực hành Shitro trong 49 ngày là vì đức Phật dạy rằng đa số người chết tái sinh trong vòng 49 ngày. Vì vậy, chúng ta cầu nguyện nhiều để người chết có được tái sinh tốt lành trước khi họ đi đầu thai. Đó là lý do tại sao phải nỗ lực hành trì. Về căn bản, những người thực hiện pháp tu Shitro chịu trách nhiệm về việc người chết có được hành trình thuận lợi và tái sanh tốt lành hay không. Để thực hiện được mong muốn này họ phải trưởng dưỡng bồ đề tâm, phải làm theo giáo huấn và phải chỉ dẫn thần thức cách làm sao có được tái sanh tốt, tái sanh cõi tịnh độ Cực Lạc hoặc được giải thoát. Tất cả những điều này đều có thể xảy ra trong giai đoạn trung ấm bởi vì người chết thực sự cần sự giúp đỡ từ mọi người. Họ không có thân xác vật lý, không có được một đời sống thật. Chính vì vậy họ tuyệt vọng và thực sự cần một thân xác vật lý [đang còn] sống. Vì thề họ tìm kiếm điều đó (trú trong thân xác đang sống – LND). Do đó, bất cứ ai chỉ dạy họ đều sẽ nghe. Họ cố gắng nghe và thực sự muốn nghe. Chính vì vậy trong giai đoạn trung ấm, tất cả đều có thể xảy ra.

Trong 49 ngày, các bạn phải cố gắng tạo lập thiện hạnh để làm lợi lạc cho người chết. Phương cách truyền thống nhất là gửi cúng dường tới tu viện thỉnh tăng già thực hành [Shitro] cho người chết. Tăng già có lẽ có nhiều kinh nghiệm, nhiều sức mạnh hơn để giúp người chết bởi vì chúng ta chưa thanh tịnh và chưa mạnh mẽ tới mức đó.

Ví dụ, tại tu viện chúng tôi có trung tâm nhập thất Varakilaya. Có một nhóm hành giả thực hành pháp Shitro hàng ngày cho người chết. Mỗi ngày một tiếng. Thầy có nói cho Lotsawa1 (Hiếu Thiện – LND) ở Việt Nam về điều này. Bởi vì mọi người ở đó cũng hỏi những câu hỏi như ở đây. Thầy nói cho họ biết rằng cách đơn giản nhất là gửi cúng dường Shitro tới tu viện. Chúng tôi thực hành pháp shitro suốt 49 ngày hoặc một năm2 tùy theo ý nguyện của quý vị. Và Lotsawa gửi cho Thầy nhiều tin báo. Đôi lúc có người chết vào 5 giờ sáng3. Bất cứ lúc nào, khi nhận được tin báo này, Thầy đều gửi tin tới trung tâm [Vairakilaya]. Theo Thầy, điều này rất tốt. Thầy tin rằng việc làm này rất lợi lạc và việc này cũng không quá tốn kém. Đây là một cúng dường đơn giản để các hành giả có thể thực hành pháp Shitro suốt 49 ngày hoặc một năm theo ý nguyện của các bạn. Đây là phương cách dễ hiểu. Những thứ khác không đơn giản, dễ hiểu. “Rinpoche nói nhiều thứ nhưng làm sao con có thể giúp họ đây”? Chỉ cần gửi tin nhắn tới tu viện: “Xin hãy giúp con cầu nguyện cho người chết”. Theo Thầy đây là cách dễ nhất để giúp đỡ họ.

Câu hỏi: Khi thực hành Pháp Yidam, chúng con có cần bắt thủ ấn không?

Rinpoche: Đây là một phần nhỏ trong pháp tu. Nếu các bạn làm được thì tốt, nhưng nếu không biết phải làm thế nào thì cũng không sao. Nếu bạn biết cách làm và thực hành bắt ấn thì sẽ đầy đủ hơn. Khi ở tu viện chúng tôi nhập thất hàng năm thông thường không thực hiện phần bắt ấn này nhiều, mà chủ yếu tập trung vào quán tưởng, trì tụng và hồi hướng. Ba phần này là rất quan trọng trong bất cứ pháp tu nào, đặc biệt là các pháp tu Lama, Yidam, Dakini, tức Tam Căn.

Câu hỏi: Xin Thầy dạy cho chúng con cách cúng tsok.

Rinpoche: Các nghi quỹ cũng tsok có độ dài khác nhau. Có những nghi quỹ rất lớn, phức tạp, bao gồm nhiều phần, nhiều thứ, nhiều yêu cầu khác nhau. Người tu ở trình độ các bạn có lẽ chỉ cần dùng lời cầu nguyện rất ngắn gọn do tổ Jigme Lingpa soạn. Các hành giả lâu năm, đặc biệt trong truyền thống Cổ Mật, có lẽ đều biết bản kinh này. Chỉ cần làm theo hướng dẫn, chuẩn bị một ít thực phẩm, một ít cúng dường, đặt tất cả lên bàn thờ và quán tưởng.

Quán tưởng các phẩm vật cúng dường nhân lên vô cùng, vô tận và thỉnh mời tất cả chư Phật ba thời mười phương quang lâm trong không gian trước mặt mình. Các bạn quán tưởng rằng mình đang dâng cúng tất cả thực phẩm này, và các cúng phẩm nhân lên thành những đám mây cúng dường vô tận. Hãy dâng lên Tam Bảo bất cứ cứ thứ gì các Ngài muốn và bất cứ thực phẩm nào [được quán tưởng] đều sẽ tự nhiên hiện ra một cách vi diệu.

Các bạn cần nghĩ như vậy và tin tưởng như vậy. Bởi vì các bạn quán tưởng và tụng minh chú chú hùng mạnh nên các bạn khiến cho điều đó xảy ra. Đây là một bộ pháp rất đơn giản nhưng đủ tốt.

 

Hết bài giảng

 

Việt dịch: Lotasawa (Hiếu Thiện).

Chép lời thoại từ MP 3: Quang Minh Hải

MP3 ngày 3.8.2019: https://lienhoaquang.com/q_lde9zqr

____________________
Chú thích:

*Tên tiêu đề do dịch giả đặt để người đọc tiện theo dõi

1 Ở Việt Nam nhiều người quan tâm tới pháp Shitro, tới hộ niệm người chết. Vì vậy theo thỉnh cầu của Hiếu Thiện (người dịch) Rinpoche đã từ bi giải thích về pháp Shitro và việc cúng dường để tu viện thực hiện nghi lễ này cho hương linh được kết quả tốt. như Rinpoche đã giải thích, khi có người chết (mới chết hoặc chết đã lâu như Rinpoche đã giải thích) gia đình, bạn bè thường gửi thông tin và cúng dường để Hiếu Thiện chuyển cho tu viện làm lễ.

2 Rinpoche giải thích rằng người chết thường nghiệp nặng chưa thể vãng sanh hay đi đầu thai ngay, vì thế nghi lễ cần lặp đi lặp lại nhiều lần mới đạt kết quả tốt. Ngài cũng nói rằng đây là pháp Shitro rất thù thắng của dòng Cổ Mật. Người chết đã lâu cả ngàn năm vẫn có thể được cứu giúp nhờ pháp này.

3Thường khi có người chết thì gia đình báo tin ngay nên tin báo có thể tới vào bất cứ lúc nào.

CHIA SẺ
Tải về
pdf
word