Cõi Tịnh Độ Liên Hoa Sanh

Zangdol Palri – Ý Nghĩa Biểu Tượng

Tulku Thondup

Cõi Tịnh Độ Liên Hoa Sanh

Zangdok Palri mang hình tướng một ngọn núi khổng lồ màu đồng đỏ hay màu hồng ngọc ​​mang hình trái tim hay nụ hoa. Nó nằm ở “đại dương diệu ảo như-gương màu xanh lam mang tên Mu-le”, nơi dòng sông Indus đổ vào đại dương. Nó là một phần của tiểu lục địa Chamara và được bao quanh bởi nhiều vùng đất nơi loài La Sát (raksha) cư ngụ.

Zangdok Palri là một hiện hữu bao la vô tận, là cả một vũ trụ. Đáy của nó nằm sâu trong lòng đại dương, thế giới của loài Rồng (Naga). Phần giữa là những xứ sở nơi chư Daka và Dakini đang thực hiện các lễ tiệc linh thiêng. Đỉnh của nó cao như chạm vào các cõi trời. Trên đỉnh của ngọn núi huy hoàng là Cung điện Liên Hoa Quang, trung tâm của cõi tịnh độ này.

Nhiều vị Lạt ma Tây Tạng vĩ đại đã để lại những ghi chép về những chuyến du hành của các Ngải tới Zangdok Palri trong những linh kiến thanh tịnh. Ngoài ra, có rất nhiều bản văn được trước tác bởi các bậc Đạo sư chứng ngộ cao cấp mô tả cõi thuần tịnh Zangdok Palri rất chi tiết. Có rất nhiều bản văn cầu nguyện tái sinh về cõi thuần tịnh này.

Các Đạo Sư viếng thăm Zangdok Palri đã thấy chư Dakini ngay khi họ bắt đầu trải nghiệm những linh kiến thanh tịnh. Sau đó, với sự trợ giúp của các Dakini, họ bay đến Zangdok Palri và bước vào Cung điện Liên Hoa Quang. Hầu hết họ đều thấy Cung điện Liên Hoa Quang là một thế giới bao la ngập tràn an bình, hỷ lạc, thịnh vượng và những thành tựu tâm linh không thể nghĩ bàn.

Guru Rinpoche không chỉ là một vị Phật Toàn Giác mà còn đang hiện thân là một Đấng Toàn Giác. Như vậy, cõi thuần tịnh được thị hiện của Ngài, Zangdok Palri có thể hiển thị thành một thế giới linh thiêng, rực rỡ, trong mờ, ảo diệu, an bình và hỷ lạc, nhưng trên thực tế đó là ánh sáng chói ngời từ trí tuệ, lòng từ và sức mạnh của Guru Rinpoche. Như vậy, cõi thuần tịnh này là sự hiện diện của Guru Rinpoche. Lại nữa, mỗi hạt vi trần trong cõi thuần tịnh này là sự hiện diện của Guru Rinpoche và cõi thuần tịnh của Ngài – vô hạn và vô biên về bản chất, như Đức Phật đã dạy,

Trong mỗi một nguyên tử có vô lượng cõi tịnh độ, nhiều như lượng nguyên tử của trái đất.
Trong mỗi một cõi tịnh độ có vô lượng chư Phật.

Như vậy, mỗi chi tiết của Zangdok Palri là hiện thân [của Phật], và là Biểu tượng của cả con đường và đích đến của Giác ngộ. Zangdok Palri là Guru Rinpoche cũng như sự thị hiện của Ngài.

Do đó, nếu chúng ta có thể nhìn thấy Zangdok Palri với niềm tin đây chính là tuệ giác và các phẩm tính của Guru Rinpoche thì chúng ta sẽ bắt đầu tiến lên trên con đường đạo và nó đưa chúng ta tới đích, giống như bạn sẽ trở thành cái mà bạn thấy và nghĩ.

Sau đây là một số chi tiết chính của Cung điện Liên Hoa Quang và những ý nghĩa mang tính biểu trưng thâm diệu được ghi trong các kinh văn khác nhau. Nói chung, các chi tiết về những Cung Điện Không Thể Nghĩ Bàn này và ý nghĩa thâm diệu của chúng được cung cấp đầy đủ hơn trong nhiều kinh văn về bổn tôn. Ở đây tôi chỉ đề cập đến những chi tiết mà bản thân đã đọc trong các bài viết có liên quan đến Cung điện Liên Hoa Quang nói riêng.

Cung điện Liên Hoa Quang có ba tầng mang nghĩa biểu trưng rằng cõi thuần tịnh này là sự hiện diện của Tam Thân Phật:

Tầng thượng tượng trưng cho cõi thuần tịnh của thân Tuyệt Đối (Pháp Thân), tánh không, với hình ảnh của Đức Phật Vô Lượng Quang chủ trì các vị Phật vốn là một bất khả phân với Ngài. Nói chung, trong dòng truyền thừa Nyingma, hình ảnh của vị Phật Nguyên thủy là Đại Phổ Hiền Như Lai trần trụi, màu lam sẫm trong Sự Hợp Nhất tượng trưng cho Thân Tuyệt Đối (Pháp thân). Hình ảnh đó tượng trưng cho bản tánh bất nhị, tự do và vô sắc tướng. Nhưng trong kết cấu của Zangdok Palri, hình tướng giản dị, khổ hạnh và không được điểm trang của Đức Phật Vô Lượng Quang đại diện cho bản chất thanh tịnh bổn nguyên của Phật Quả.

Tầng Giữa tượng trưng cho cõi thuần tịnh của Thân Hỷ Lạc (Báo Thân) được chủ trì bởi Đức Phật Bi Mẫn. Ngài được trang nghiêm bởi mười ba món trang sức y phục lộng lẫy tượng trưng cho sự thịnh vượng sung mãn và phẩm tính thanh tịnh của Phật Quả. Ngài chủ trì hải hội các bậc giác ngộ.

Tầng Hạ biểu tượng cho cõi thuần tịnh của Thân Thị Hiện (Hóa Thân) được chủ trì bởi Guru Rinpoche. Ngài đang ở giữa hải hội những bậc giác ngộ và các chúng sinh bình phàm với nghiệp thanh tịnh và dồi dào công đức.

Cung điện Liên Hoa Quang là một kết cấu hình vuông tượng trưng cho trạng thái bình đẳng của bản tánh tối hậu của vạn pháp. Nó được làm bằng chất liệu quý giá với nghĩa tượng trưng rằng trí tuệ Phật, thì bao la và trí tuệ đó thỏa mãn mọi mong cầu. Nó có bốn mặt và mỗi mặt có màu sắc khác biệt tượng trưng cho bốn hành động giác ngộ (pháp hành). Mặt Đông Cung Điện là màu trắng, được làm bằng pha lê. Mặt Nam là màu xanh lam được làm bằng đá quý lapis lazuri. Mặt Tây là màu đỏ, được làm bằng hồng ngọc. Mặt Bắc là màu xanh lá cây, được làm bằng ngọc bích. Tất cả đều ở dạng ánh sáng diệu ảo, trong suốt, minh bạch tượng trưng cho trí tuệ toàn tri.

Bốn sân nhỏ bên trong của Cung Điện tượng trưng cho Tứ Diệu Đế. Bốn góc sân tượng trưng cho bốn nền tảng của chánh niệm (Tứ Niệm Xứ). Bốn lan can tượng trưng cho tứ chánh cần.

Bên ngoài cung điện – những bậc thang tượng trưng cho sự chuyển hóa tất cả các vật sở cầu thành con đường. Các đường viền tượng trưng cho những phẩm chất bất thối chuyển của bản tánh của tâm. Những riềm trang trí treo rủ làm bằng những vật liệu quí giá, kính, trăng lưỡi liềm và quạt có đuôi là biểu tượng cho thất giác chi. Mái nhà giống như chiếc lông chim tượng trưng cho lòng bi mẫn bao la. Các vòi nước tượng trưng cho ngũ căn. Những chóp tường giống-tháp-bảo biểu tượng cho ngũ lực. Bốn cánh cửa được trang hoàng lộng lẫy tượng trưng cho Tứ hoằng thệ nguyện. Tám bậc thềm dẫn lên tới cửa tượng trưng cho Bát Chánh Đạo. Bánh xe Pháp với con nai tượng trưng cho Tứ Diệu Đế. Chiếc lọng tượng trưng cho sự bảo hộ chúng sinh khỏi sức nóng của đau khổ. Đỉnh tháp nhọn của cung điện được làm bằng ngọc ngà châu báu và một chày kim cương năm chấu tượng trưng cho sự hợp nhất tất cả chư Phật trong trí tuệ bất nhị. Cờ phướn chiến thắng tượng trưng cho sự chiến thắng ma vương. Bốn cờ phướn chiến thắng được nối bởi cờ hiệu với chuỗi món trang sức và chuông ngân vang truyền cảm hứng cho những trái tim đến với Pháp. Chuông nhỏ và lớn tượng trưng cho tiếng gầm vang của giáo lý tánh không, chân lý tối thượng.

Ở bốn phía của Cung điện Liên Hoa Quang, giữa những thứ khác, có bốn quần thể cung điện chính. Ở phía Đông, có lâu đài hòa bình để thuyết Pháp. Ở phía Nam, có lâu đài phát triển vì sự thịnh vượng. Ở phía Tây, có lâu đài quyền năng để thống lĩnh. Ở phía Bắc, có lâu đài của các lực lượng ngự phục kẻ thù.

Các Đấng Giác Ngộ Vân Tập Khắp Cõi Tịnh Độ

Tầng Thượng là cõi thuần tịnh của Thân Thị Hiện (Hóa Thân). Ở trung tâm của chánh điện là Pháp tòa bát-giác cao rộng mênh mông được làm bằng bảo ngọc. Trên pháp tòa có một đài sen đầy màu sắc của ánh sáng thanh tịnh với muôn ngàn cánh hoa bung nở tượng trưng cho “đản sinh hoa sen” của Guru Rinpoche. Trên tòa sen là đĩa mặt trời và mặt trăng, biểu tượng rằng Ngài không sinh ra từ cha mẹ loài người mà từ sự Hợp Nhất của phương tiện thiện xảo và trí tuệ. Trên ngai tòa tuyệt vời đó, Guru Rinpoche, hiện thân của tất cả các đấng giác ngộ, an tọa. Nói chung, Guru Rinpoche thị hiện trong nhiều hình tướng khác nhau để phù hợp với thính chúng của Ngài.

Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng có nói,
Ngài thị hiện trong nhiều hình tướng, màu sắc, pháp khí, và món trang sức khác nhau,
Để tức tai, tăng ích, kính ái và hàng phục
Tài năng lỗi lạc của Ngài sáng chói hơn ngàn mặt trời.
Oai nghi của Ngài cao cả hơn Núi Tu Di (Mt. Meru).

Tuy nhiên, hình tướng của Guru Rinpoche mà chúng ta mô tả ở đây là hình ảnh phổ biến nhất được những đệ tử của Guru Rinpoche sử dụng cho việc quán tưởng. Những chi tiết về hình ảnh, y áo và oai nghi của Ngài biểu trưng cho những phẩm tính giác ngộ của Ngài và [tất cả là] thị hiện để giảng dạy, truyền cảm hứng và dẫn dắt những người khác trên con đường tới bến bờ giác ngộ.

Guru Rinpoche xuất hiện trẻ trung như thể Ngài mười sáu tuổi, bởi vì Ngài đã vượt ra ngoài cõi giới của lão và tử. Khuôn mặt Ngài ngập tràn nụ cười hoan hỉ bởi ưu phiền, đau khổ, không thể chạm tới Ngài. Với đôi mắt từ mở rộng đầy oai lực, Ngài đang nhìn bạn cùng tất cả và không hề chớp mắt, bởi Ngài, từng thời khắc, luôn dõi theo và nhìn thấy tất cả [chúng sinh] bằng tuệ giác toàn tri, vô duyên từ và vô lượng sức mạnh.

Khuôn mặt Ngài tượng trưng cho tính đồng nhất của tất cả diệu hữu mang cùng một bản tánh thuần tịnh duy nhất. Bàn tay Ngài tượng trưng cho sự thành tựu sự hợp nhất của phương tiện thiện xảo và trí tuệ. Da Ngài trắng hồng tượng trưng cho niềm hỉ lạc của lạc không hợp nhất.

Chiếc mũ hoa sen năm cánh của Ngài tượng trưng rằng Ngài được trao quyền năng bởi cả Ngũ Bộ Phật. Y bên trong màu trắng của Ngài tượng trưng cho sự toàn thiện con đường và mục tiêu của Bồ tát, Đại Thừa. Y ngoài màu xanh của Ngài tượng trưng cho sự hoàn thiện con đường và mục tiêu của tantra, Kim Cương thừa. Tăng y màu đỏ với hoa văn bằng vàng tượng trưng cho sự toàn thiện [con đường] tu hành giải thoát cá nhân, Thanh Văn Thừa (Shravakayana). Áo choàng gấm màu đỏ bên ngoài toàn y phục của Ngài biểu trưng cho sự viên mãn mọi con đường và mục tiêu của tất cả các thừa (yanas), trạng thái bất nhị.

Mũ hoa sen và áo choàng gấm cũng tượng trưng cho sức mạnh kỳ diệu của Ngài, khi chúng được cúng dường tới Ngài bởi vua Zahor, cùng với công chúa Mandarava và toàn bộ Vương quốc của Ngài, khi Guru Rinpoche chuyển hóa ngọn lửa thiêu đốt Ngài thành hồ nước với một tòa sen khổng lồ ở giữa.

Chiếc chày kim cương năm chấu Ngài giữ trong tay phải tượng trưng cho việc Ngài thành tựu năm thân Phật. Chén sọ chứa đầy cam lồ trong tay trái tượng trưng cho sự thành tựu các quả của con đường. Chiếc bình trường thọ với các món trang sức, nằm trên chén sọ, tượng trưng cho sự thành tựu [trí tuệ] bất tử của Ngài.

Chĩa ba trong khuỷu tay trái Ngài biểu tượng cho phối ngẫu của Ngài, là trí tuệ với các ý nghĩa sau đây: Ba chĩa sắc nhọn trên đỉnh tượng trưng cho ba bản tánh chân thật của tâm: tánh không, tánh minh chiếu và sức mạnh từ bi. Những chiếc xương sọ [khô], đầu lâu thối rữa và đầu lâu tươi mới – tượng trưng cho ba thân Phật. Chín chiếc vòng sắt tượng trưng cho chín thừa.

Những dải lụa treo năm màu tượng trưng cho năm trí tuệ Phật. Các búi tóc tượng trưng cho sức mạnh mà Ngài đã thành tựu như là quả của những thực hành Mật thừa.

Guru Rinpoche thị hiện dưới nhiều hình tướng khác nhau – như bình an và phẫn nộ – và thực hiện những hành động khác nhau, như thuyết giảng, ban phước và cử hành [nghi lễ] tại những địa điểm khác nhau của Cung điện Liên Hoa Quang và những địa điểm khác nhau trên thế giới.

Chánh điện của Cung điện Liên Hoa Quang ngập tràn những bậc giác ngộ như mây vân tập: Ngũ Bộ Phật, Chư Bổn Tôn của chín thừa yanas, Tám Hóa Thân của Guru Rinpoche, và các đạo sư của các dòng truyền thừa khác nhau, chẳng hạn như Tôn Chủ và Hai mươi lăm Đệ tử, và một trăm Terton chính yếu và hàng ngàn Tertons khác. Vô số các Bậc Trì Minh Vương xứ Ấn Độ và Tây Tạng đang an tọa hàng trong, bên phải của Guru Rinpoche – đang thể nhập trong tịnh quang kim cương. Các học giả của Ấn Độ và Tây Tạng đang an tọa hàng bên trái Guru Rinpoche – đang hùng tráng thuyết Pháp

Chư Đạo sư giác ngộ như dòng suối tuôn tràn, với nỗi lòng chan chứa, đang rời khỏi cõi thuần tịnh này lưu xuất đến những địa điểm khác nhau ở Tây Tạng và thế giới để phụng sự chúng sinh và đệ tử với những phương tiện phù hợp với các chúng sinh này. Chư Đạo sư giác ngộ như dòng suối tuôn tràn đang trở lại cõi thuần tịnh với niềm đại hỉ và cử hành đại lễ sau khi hoàn thành việc phụng sự [chúng sinh] của các Ngài trong hình tướng Hóa thân.

Tất cả các hành lang bên trong và bên ngoài của Cung điện ngập tràn tập hội chư Daka và Dakini với vẻ đẹp quyến rũ tuyệt vời. Các Ngài đang hát ca, nhảy múa, và thỏa mãn mọi niềm hoan lạc, như trong trạng thái của một màn phô diễn huyền ảo.

Tầng Thứ Hai của Thân Hỷ Lạc (Báo Thân) – của Cung điện được chủ trì bởi Đức Avalokiteshvara ở giữa tập hội Ngũ Bộ Phật và chư Bồ tát đang giảng dạy giáo lý không ngừng nghỉ cho vô lượng các bồ tát thông qua các trao truyền biểu tượng.

Tầng Thượng của Thân Tuyệt Đối (Pháp Thân) của Cung điện được chủ trì bởi vị Phật Nguyên Thủy, Đức Phổ Hiền Như Lai, trong thân tướng của Đức Phật Vô Lượng Quang đắp ba chiếc y choàng khổ hạnh giản dị. Giáo lý của Ngài thống lĩnh hải hội chư Phật, những vị bất khả phân với Ngài, thông qua các trao truyền tâm.

Trích: “ZANGDOK PALRI”

————————————-

BBT LHQ trích, dịch và giới thiệu.

 

 

CHIA SẺ
Tải về
pdf
word