Phổ Hiền là Tánh của Tâm

11.12.2022, Zoom

Song ngữ – chép Anh dịch Việt

Phần thứ nhất là đảnh lễ các bậc đạo sư tôn quý. Chữ ‘lạt ma’ thông thường có nghĩa là các vị lạt ma trong thân tướng con người, như các vị lạt ma Tây Tạng. Tuy nhiên, ở đây chúng ta gọi đức Phổ Hiền Như Lai và đức Kim Cang Tát Đỏa là Lạt Ma Kim Cang Tát Đỏa, Lạt Ma Phổ Hiền và bạn có thể nói rằng đức Phổ Hiền Như Lai chính là ‘lạt ma’ bởi vì ‘lạt ma’ có nghĩa là bậc tối cao, có đúng không? Bậc đạo sư của những thánh đức tối cao. Tất nhiên, đức Phổ Hiền Như Lai và đức Kim Cang Tát Đỏa có những phẩm tánh đó. Và ‘lạt ma’ còn có nghĩa là tâm đại bi – người có nhiều tâm bi mẫn dành cho hữu tình chúng sinh. Như vậy là có hai phần đúng không? Hai phẩm tánh khiến cho một người nào đó được gọi là ‘lạt ma’ đó là tuệ giác và từ bi. Tóm lại, ‘lạt ma’ là người có nhiều trí tuệ và nhiều tâm bi mẫn.

“Con xin đảnh lễ, quy y chư đạo sư tôn quý, là những bậc có tâm đại bi bất nhị.” Thông thường không nhất thiết tất cả mọi loại tâm bi mẫn đều là tâm đại bi bất nhị. Bởi vì bất nhị có nghĩa là vô niệm. Thế nhưng, thường chúng ta cần phải thực hành tâm bi mẫn với suy nghĩ, suy nghĩ về những người khác, và nghĩ để mong rằng tất cả hữu tình chúng sinh có thể sống [an vui] mà không phải chịu đau khổ nào cả. Đó là ý nghĩ từ bi. Là những người bình thường, chúng ta cần phải suy nghĩ, phải sử dụng tâm từ bi của mình để nghĩ về người khác.

Nhưng khi chúng ta nói “Tâm Đại Bi” bất nhị thì có nghĩa là thực hành từ bi ở trình độ rất cao. Khi bạn hiểu bản chất của sự vật, hiện tượng thì các ý nghĩ, vọng niệm, cảm xúc sẽ được giải thoát vào tánh Không. Ở cấp độ đó, không còn vọng niệm, niệm tưởng, mà chỉ còn tâm đại bi giống như đức Quán Thế Âm. Đức Quán Thế Âm thực ra không cần phải suy nghĩ như chúng ta mà ngài trụ trong tánh. Tâm đại bi của đức Quán Thế Âm xuất hiện rất tự nhiên và phổ nhập khắp Pháp giới. Tâm Đại Bi bất nhị đó là tâm đại bi ở một cảnh giới rất cao, là tâm đại bi ở một cấp độ rất cao.

Như vậy, lý do chúng ta kính lễ chư vị đạo sư là bởi vì các Ngài là bậc có tâm đại bi bất nhị, trí tuệ bất nhị. Bởi vì các Ngài đã thực hành Pháp rất rất nhiều, rất rất lâu. Và nhờ vậy, tâm đại bi cùng tuệ giác của các Ngài giống như chân tâm bản tánh hết sức thanh tịnh, hết sức tự nhiên, hoàn toàn không giống như chúng ta. Chúng ta phải thúc ép bản thân mình để nghĩ một cách đúng đắn, nếu không thì chúng ta sẽ thường xuyên quên và thường xuyên mắc lỗi lầm. Chúng ta có thể làm hại người khác. Chúng ta luôn mất chánh niệm. Bởi vì chúng ta không hành trì, tu tập nhiều nên tâm bi mẫn và trí tuệ, đặc biệt là tâm bi mẫn, rất khó có thể xuất hiện trong tâm chúng ta.

Tâm bi mẫn là cái gì đó rất tự nhiên nhưng chúng ta lại phải ép mình nghĩ, nghĩ và nghĩ. Đó là cách mà chúng ta thực hành Pháp. Còn các bậc đạo sư tôn quý không cần phải làm như vậy. Các ngài tất cả đều luôn luôn ở trong cảnh giới của tâm Đại Bi. Vì vậy, đây chính là sự khác biệt giữa các bậc đạo sư tôn quý và chúng ta. Chúng ta cần phải đảnh lễ các bậc đạo sư tôn quý bởi vì các ngài có những phẩm tánh, những thiện đức mà chúng ta không có.

Đó là tâm Đại Bi bất nhị hay đôi lúc còn gọi là tâm đại bi vô niệm. Đó là tâm đại bi không có khái niệm – có nghĩa là tự nhiên, bổn nguyên và thanh tịnh. Đôi lúc chúng ta không thanh tịnh. Tại sao không thanh tịnh? Do tâm chúng ta được tạo bởi cảm xúc và vọng niệm. Còn khi một cái gì đó không được tạo bởi cảm xúc và vọng niệm thì nó thanh tịnh. Vì vậy, chúng ta cần phải là người có tâm đại bi bất nhị. Và để làm được điều này, chúng ta phải cố gắng và cố gắng.

Phần đầu tiên của ‘Kính Lễ’ là cách rất phổ biến để đảnh lễ chư vị đạo sư. Và nếu bạn đọc kỹ thì sẽ thấy trong nhiều bản kinh quan trọng khác, cách kính lễ cũng tương tự như vậy – tâm đại bi bất nhị sẽ được nhắc tới. Đây là cách phổ biến để đảnh lễ đức bổn sư của mình – người ta thường gọi Guru của họ là bậc đạo sư đại bi bất nhị. Cách gọi Guru như vậy phổ biến trong truyền thống Phật giáo, đặc biệt là trong truyền thống Phật Giáo Tây Tạng.

Đây là phần thứ hai của ‘Kính Lễ’: “Nguyện cầu chư tổ và đức bổn sư ban gia trì, để bản văn này lợi lạc mọi chúng sinh.” Đây cũng là cách thức rất phổ biến ta cầu nguyện tới chư đạo sư để nhận được gia trì từ các ngài sao cho bất cứ việc gì chúng ta làm đều đem lại lợi lạc. Là các hành giả Phật giáo, chúng ta thường phải nhớ tưởng tới Guru, chúng ta thường phải nghĩ về Tam Bảo khi mình làm bất cứ điều gì. Chúng ta cầu nguyện tới các ngài để mình có thể làm mọi việc một cách có lợi lạc, để không gặp các chướng duyên. Và đó cũng là lý do để người soạn sách hay hành giả cầu nguyện tới đức bổn sư của họ hoặc tới chư vị lạt ma dòng truyền thừa.

Bất cứ việc gì chúng ta làm, đặc biệt là khi chúng ta làm một cái gì đó có liên quan tới Pháp thì nó phải thanh tịnh để có thể làm lợi lạc hữu tình chúng sinh. Khi chúng ta soạn kinh sách, tất nhiên chúng ta không được có những ý nghĩ tiêu cực ích kỷ mà phải có tâm bi mẫn, phải có động cơ tốt lành để viết một cuốn sách Pháp. Để cho công việc ta làm có thể đem lại lợi lạc, chúng ta không được làm bất cứ một cái gì theo kiểu pháp thế gian mà phải là Pháp Phật, Pháp chân chánh. Pháp của Phật rất thanh tịnh nhưng đôi lúc chúng ta trộn lẫn tất cả mọi thứ với nhau. Đôi lúc chúng ta không thể thực sự thấy khác biệt giữa cái gì là Pháp và cái gì không phải là Pháp. Vì vậy, chúng ta phải có một tâm trong sáng để làm bất cứ việc gì. Bất cứ việc gì chúng ta làm cũng phải vì lợi lạc chúng sinh. Đó là loại động cơ mà chúng ta cần phải có khi chúng ta làm bất cứ Phật sự nào như việc viết một cuốn sách.

Tất nhiên khi Thầy bắt đầu viết cuốn sách này, Thầy phát nguyện rằng cuốn sách này sẽ đem lại lợi lạc cho mọi người, ai có kết nối duyên nghiệp, kết nối Pháp với Thầy, với dòng truyền thừa, với chư vị lạt ma. Vì vậy, Thầy cầu nguyện tới Đức bổn sư của Thầy, tới chư vị lạt ma dòng truyền thừa để các ngài ban gia trì cho Thầy và trao truyền trí tuệ để lời luận giải trong cuốn sách Thầy viết thực sự thanh tịnh và thâm diệu, thực sự đem lại lợi lạc cho mọi người. Thầy chân thành cầu nguyện và phát nguyện như vậy khi Thầy bắt đầu viết cuốn sách này.

Đó là cách thức ngắn gọn để đảnh lễ đức bổn sư và quy y chư vị đạo sư tôn quý. Phần tiếp theo là đảnh lễ đức Phổ Hiền Như Lai. Trong truyền thống Phật giáo có Bồ Tát Phổ Hiền. Tuy nhiên, trong truyền thống Mật thừa, truyền thống Cổ mật có một vị Phật là đức Phổ Hiền. Đó là vị Phật đầu tiên của tất cả chư Phật ba thời và đức Phổ Hiền Như Lai chính là bản tánh của tâm chúng ta.

Bản kinh này rất khác với cách viết của đa số các bản kinh khác. Thực hành pháp Phổ Hiền hay quán Phổ Hiền, chính là nhìn vào bản tâm của chúng ta. Vì vậy, ta nói rằng: “Quán tánh Phổ Hiền, tâm không khởi niệm thiện ác.” Phổ Hiền Như Lai là gì? Làm sao để quán tánh Phổ Hiền tâm không khởi thiện ác, tức tâm không khởi niệm? Phổ Hiền Như Lai là gì? Bản tánh Phổ Hiền là tánh bất hoại của tâm. Đó là phẩm tánh [thứ nhất], là thiện đức của Phổ Hiền Như Lai.

Phẩm tánh thứ hai là ‘Quang Minh’: “cảnh giới hoàn toàn dứt bặt mọi vọng niệm, mọi huyễn tướng nhị nguyên tạo tác, nhất vị phổ nhập cả luân hồi và niết bàn trong cảnh giới của Quang Minh bình đẳng.” Tóm lại, Phổ Hiền Như Lai chính là tánh của tâm và nó là bất hoại, là cảnh giới của Quang Minh, dứt bặt mọi khái niệm, mọi vọng tưởng nhị nguyên. Ngay cả khi chúng ta thấy hoặc nghe mọi thứ, tâm của chúng ta vẫn trụ trong tánh, tâm của chúng ta bất động, tâm của chúng ta hoàn toàn an trụ trong quang minh. Tóm lại, Phổ Hiền Như Lai có cùng một nghĩa với Quang Minh, có cùng một nghĩa với bản tánh của tâm. Trong cảnh giới đó không có sự khác biệt, tất cả đều giống nhau, nhất vị, không luân hồi và cũng không có biết bàn. Trong cảnh giới của Quang Minh tất cả đều giống nhau, như nhất. Đó chính là Phổ Hiền Như Lai.

Lý do để chúng ta trước hết đảnh lễ Phổ Hiền Như Lai trong cuốn sách này là vì Ngài là vị Phật nguyên thủy, vị Phật đầu tiên trong tất cả các vị lạt ma của dòng truyền thừa của chúng ta. Và Phổ Hiền Như Lai, hay chân tánh của tâm chúng ta là không giả hợp và hoàn toàn thoát khỏi mọi tạo tác. Vì vậy, nó hoàn toàn thoát khỏi mọi vọng tưởng nhị nguyên, đó là tánh Không thực sự. Đó chính là Phổ Hiền Như Lai.

Dòng kệ thứ hai là phần đảnh lễ đức Kim Cang Tát Đỏa, vị Phật thứ hai trong dòng truyền thừa của chúng ta. “Con đảnh lễ Đức Kim Cang Tát Đỏa Vinh Quang.” Thầy nghĩ rằng có lẽ tất cả đều đảnh lễ Đức Kim Cang Tát Đỏa vì chúng ta cố gắng thực hành pháp Kim Cang Tát Đỏa càng thường xuyên càng tốt, có đúng không? Thầy tin rằng nhiều người đang thực hành pháp Kim Cang Tát Đỏa hàng ngày. Và thực hành pháp Kim Cang Tát Đỏa để tịnh hóa bản thân khỏi mọi cảm xúc tiêu cực là điều rất quan trọng. Đây là một pháp tu rất mãnh liệt và thù thắng.

Con kính lạy, các bạn có thực sự muốn cúi lạy không? Thầy tin rằng nếu các bạn nhìn thấy Đức Kim Cang Tát Đỏa, các bạn sẽ muốn cúi lạy. Còn nếu các bạn quên kính lễ thậm chí mặc dầu các bạn đang thực hành pháp Kim Cang Tát Đỏa nhưng tâm các bạn bị mù, không có lòng quy kính thì đây là lỗi lầm: tâm sai, động cơ sai. Như vậy, khi bạn thực hành pháp Kim Cang Tát Đỏa hay bất cứ pháp tu nào bạn phải có tín tâm rất trong sáng, rất sâu sắc. Điều này rất quan trọng. Nếu bạn có lòng tin, nếu bạn có tâm chí tín thành thì việc đó với bạn thật dễ dàng. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta rất ngã mạn nên không muốn cúi lạy. Điều này thực không tốt. Tất nhiên, những người không có lòng tin, không có tôn giáo họ cũng vậy – không kính lễ. Có lẽ họ thấy chúng ta kỳ cục nhưng chúng ta có lý do của mình để làm như vậy; bởi vì đức Kim Cang Tát Đỏa thực sự có sức mạnh tịnh hóa thân tâm chúng ta.

Chúng ta thực sự đã tạo nhiều ác nghiệp tới mức chúng ta cần phải tịnh hóa bản thân nếu không thì chúng ta sẽ rất đau khổ. Tâm chúng ta không được sáng suốt khi tiếp cận với Pháp của Phật. Tâm chúng ta mù quáng khi nó cần phải hiểu bản chất của nhân quả và giá trị của Pháp bảo. Đó là do vô minh trong tâm chúng ta luôn luôn sâu dày. Vì vậy, chúng ta phải tịnh hóa bản thân. Làm sao để chúng ta tịnh hóa bản thân một cách dễ dàng và có hiệu quả? Chúng ta cần tu pháp Kim Cang Tát Đỏa. Vì vậy, chúng ta phải có lòng tin, tâm chí thành thực sự mạnh mẽ để dùng thân khẩu ý của mình đảnh lễ. Chúng ta phải đảnh lễ bằng cả [thân khẩu ý] cùng một lúc. Chúng ta phải thực sự có lòng tôn kính đối với đức Kim Cang Tát Đỏa.

Thực ra Thầy không cần phải nói nhiều như vậy bởi vì chúng ta sẽ trao đổi ở phần tiếp theo khi nói tới pháp thực hành Kim Cang Tát Đỏa. Tại sao chúng ta phải nhắc tới đức Phổ Hiền Như Lai, đức Kim Cang Tát Đỏa và chư đạo sư dòng truyền thừa? Tại sao chúng ta phải kính lễ các ngài ở đây? Bởi vì chúng ta phải nhớ nghĩ tới lòng tốt của các ngài, tâm bi mẫn và trí tuệ của các ngài. Tại sao chúng ta cần phải nhớ nghĩ? Bởi vì nhờ tâm bi mẫn, nhờ công lao khó nhọc của các ngài mà dòng Pháp được truyền thừa liên tục tới tận ngày nay. Và nhờ đó chúng ta có phương tiện để thực hành Pháp của Phật. Các ngài đã chỉ cho chúng ta con đường đến Phật quả. Vì vậy, các ngài rất từ bi, rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta – những hành giả của dòng truyền thừa trong kiếp sống này.

Vậy Kim Cang Tát Đỏa là ai? Ngài là bậc đã được giải thoát khỏi mọi ám chướng và tập khí. Nếu chúng ta thực hành pháp Kim Cang Tát Đỏa thì chúng ta sẽ giải thoát cho mình hỏi vô minh ám chướng trong tâm. Mê mờ che chướng trong tâm có nghĩa là vô minh, là những vọng niệm tiêu cực. Bởi vì chúng ta có rất nhiều, rất nhiều những ý nghĩ như vậy trong tâm cho nên tâm bị [vọng niệm] che mờ. Nhờ pháp Kim Cang Tát Đỏa, chúng ta có thể giải thoát cho bản thân mình hỏi mê mờ, che chướng và các tập khí. Các tập khí có nghĩa là những thói quen tiêu cực mà chúng ta thường suy nghĩ, thường làm. Tập khí rất khó thay đổi. Ví dụ chúng ta thấy những thứ thuộc về riêng mình là rất quan trọng, chúng ta thấy những ai gần gũi với mình là rất quan trọng và chúng ta không thấy những chúng sinh khác là quan trọng. Đây là một tập khí và rất khó để thay đổi loại tập khí này. Điều đó không tốt. Chính vì tập khí này, chúng ta sẽ luôn luôn ích kỉ và không thể trở thành một đại Bồ Tát trong sạch. Nhưng nếu chúng ta thực hành Kim Cang Tát Đỏa và các bạn cố gắng thay đổi bản thân thì luôn luôn có hi vọng bạn có thể trở thành người tốt hơn. Đây chính là lợi lạc của Pháp Kim Cang Tát Đỏa.

Đức Kim Cang Tát Đỏa vinh quang có sức mạnh. Cách nhận gia trì từ Ngài là chúng ta thực hành pháp Kim Cang Tát Đỏa bằng thấy, nghe, nhớ nghĩ và thiền định về ngài. Tất nhiên, có thể thấy ngài trực tiếp nhưng có lẽ chưa phải là bây giờ. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy ngài bằng quán tưởng. Khi chúng ta quán tưởng đức Kim Cang Tát Đỏa, chúng ta có thể nói rằng chúng ta thấy ngài trong tâm mình nhờ hình ảnh. Chúng ta nghe thấy đức Kim Cang Tát Đỏa khi tụng chú Kim Cang Tát Đỏa. Chúng ta trì tụng tên của ngài và nghe thấy ngài. Tâm của chúng ta có thể thay đổi khi chúng ta thực sự nghe tên ngài và khi đó có lẽ tâm của chúng ta an bình hơn những lúc khác.

Như vậy nhờ nhớ nghĩ đến đức Kim Cang Tát Đỏa, tâm của chúng ta sẽ trụ nơi hình ảnh này. Như vậy, có lẽ những vọng niệm tiêu cực sẽ tan vào trong bản tánh của tâm. Đây là điều rất quan trọng. Thiền định về đức Kim Cang Tát Đỏa có nghĩa là chúng ta quán tưởng Kim Cang Tát Đỏa, chúng ta nhớ nghĩ về ngài và trì tụng minh chú với tâm chí tín thành. Vào thời điểm đó, tâm của chúng ta ít nhất phải trở nên an bình hơn những lúc khác. Khi các bạn làm điều này thường xuyên thì nhờ thực hành như vậy, tâm của các bạn sẽ trở nên ngày càng an bình hơn. Đây chính là cách chúng ta nhận được gia trì thông qua việc thực hành Pháp Kim Cang Tát Đỏa.

Nếu chúng ta thực hành pháp Kim Cang Tát Đỏa, chúng ta cầu nguyện tới ngài, thiền định về ngài thì đức Kim Cang Tát Đỏa sẽ mở rộng tuệ giác của ngài tới chúng ta, sẽ ban gia trì cho chúng ta. “Tuệ giác của ngài được truyền tới chúng ta” có nghĩa là chúng ta trở nên giống ngài, có nhiều trí tuệ hơn, tâm của chúng ta trong sáng hơn, thông minh hơn khi chúng ta tu học Phật Pháp. Mặc dầu có nhiều người thông thường rất uyên bác và giỏi giang nhưng khi tiếp xúc với Pháp của Phật thì tâm họ lại không thông minh giỏi giang bởi vì họ không hiểu, họ không tin. “Tuệ giác ngài mở rộng biên giới tri kiến” có nghĩa là tất cả mọi loại kiến thức, tất cả mọi loại trí khôn đều hạn hẹp, nhỏ bé.

Vì vậy, nếu chúng ta thực hành pháp Kim Cang Tát Đỏa, chúng ta trở nên vô cùng thông tuệ và trí tuệ được trưởng dưỡng trong tâm chúng ta. Đức Kim Cang Tát Đỏa có tuệ giác lớn lao, tâm bi mẫn lớn lao do đó ngài giống như một viên ngọc như ý. Có nghĩa là chúng ta có thể thực hiện được ước nguyện của mình thông qua việc thực hành pháp Kim Cang Tát Đỏa. Tại sao ngài giống như viên ngọc [như ý]? Bởi vì ngài là hiện thân của tâm đại bi, hiện thân của tất cả chư Phật. Ngài là đấng đại bi và đại trí. Đó là lý do chúng ta thực hành pháp Kim Cang Tát Đỏa.

 

Hết bài giảng ngày 11.12.2022

Việt dịch: Hiếu Thiện (Lotsawa)

Bản tiếng Anh do Trì Minh Tara & Diệu Huệ chép từ MP 3 bài giảng ngày 11.12.2022: https://drive.google.com/file/d/1gSq83q-XocOBgrCXH0ls6IuhNbnhD4tg

Kỹ thuật và đánh máy: Minh Hiền

____________________________
* Đây là bài giảng của Ngài Hungkar Dorje Rinpoche trên Zoom ngày 11.12.2022. Bài giảng có lược bỏ những phần nói về tổ chức buổi giảng. Tiêu đề do người dịch đặt để tiện cho người đọc.

 

Tải về
pdf
word
CHIA SẺ