4.12.2022, Zoom
Song ngữ – chép Anh dịch Việt

(trích đoạn)

 

Tên cuốn sách là “Âm thanh của các bậc Trì Minh” hay “Diệu Âm của tiếng cười”. Chúng ta có thể nói “Âm thanh của các bậc Trì Minh”, âm thanh này là tiếng cười và điều đó có nghĩa là một cái gì rất đặc biệt, một thứ âm thanh rất trân quý, âm thanh của tiếng cười của các bậc Trì Minh. Về chữ ‘Trì Minh’ có nghĩa là các bậc Tôn quý, các bậc đạo sư Tôn Quý, các bậc Thầy lớn. Tất cả các vị Trì Minh của dòng truyền thừa này đều rất vĩ đại, đều có tâm đại bi và trí tuệ. Các Ngài là các bậc đại thành tựu giả. Vì vậy, các Ngài được gọi là các bậc Trì Minh. Về căn bản, Trì Minh có nghĩa là người có thể trì giữ các giáo lý tâm yếu về bản tâm, các Ngài đã chứng ngộ bản tánh của tâm và trở thành các bậc giác ngộ nhờ hiểu rõ qua việc chứng ngộ bản tánh của tâm. Các Ngài là những bậc Trì Minh.

Như vậy Trì Minh là một từ, một cách khác để gọi các vị tổ của dòng truyền thừa. Các Ngài không đơn thuần là những bậc đạo sư mà là các bậc đạo sư vĩ đại, các bậc đạo sư thành tựu vĩ đại trên con đường tới giải thoát, trên đạo lộ tu chứng. Đôi khi chúng ta gọi ai đó là thầy, bất cứ vị thầy nào, bất cứ ai có học trò thì người ta thường gọi họ là thầy. Nhưng những vị thầy này có một ý nghĩa khác hẳn: các Ngài là những vị Thầy bởi vì các Ngài đã chứng ngộ tánh Không, tánh Không của tâm, bản tánh của tâm; vì vậy, Trì Minh là một cái gì đó rất đặc biệt, là một cái tên rất đặc biệt.

Và bây giờ [Thầy sẽ nói về] các bậc Trì Minh của ba dòng truyền thừa. Ba dòng truyền thừa có nghĩa là dòng truyền tâm của chư Phật, dòng truyền biểu tượng (ấn truyền) của các vị Trì Minh và dòng khẩu truyền của các cá nhân – ba nhóm này có cách giảng dạy giáo lý riêng. Chư Phật có cách riêng của các Ngài để độ chúng sinh và các bậc Trì Minh cũng có cách riêng của các Ngài, những cách thật độc đáo để dạy. Điều đó cũng giống như những người bình phàm chúng ta, chúng ta có cách riêng của mình để nhận sự dạy dỗ và dạy cho những người khác. Tóm lại, có ba cách để trao truyền giáo lý về bản tâm, về tánh Không. Bởi vì có ba cách cho nên có ba dòng truyền thừa.

Dòng truyền thừa – nó phải là dòng truyền thừa không gián đoạn đối với giáo lý của Phật, của ngũ bộ Phật, của đức Liên Hoa Sanh. Chúng ta cần một dòng truyền thừa không gián đoạn [từ Đức Phật cho tới chúng ta]. Cội nguồn của giáo lý từ đức Phật truyền tới chúng ta phải không được gián đoạn, không được dừng và điều này được gọi là dòng truyền thừa như dòng truyền thừa Longchen Nyingthig. Dòng truyền thừa này khởi nguồn từ đức Phổ Hiền Như Lai và ngũ bộ Phật rồi các vị Trì minh như Ngài Kim Cang Cực Hỉ và Đức Liên Hoa Sanh rồi tới chúng ta. Thông qua các bậc Đạo Sư từ bi vĩ đại, nhờ tâm đại bi, nhờ trí tuệ, nhờ việc tu chứng các Ngài đã có thể trì giữ những giáo lý này tới tận ngày nay không bị gián đoạn.

Sức mạnh của truyền thừa không gián đoạn từ Đức Phật tới chúng ta, cho chúng ta biết phải thực hành như thế nào, cho chúng ta giáo huấn và đây được gọi là dòng truyền thừa. Điều rất quan trọng là cần phải có dòng truyền thừa cho bất cứ thực hành Pháp nào bởi vì tất cả 84,000 Pháp môn của đức Phật được truyền từ Đức Phật và cho tới tận ngày nay vẫn tiếp tục được truyền nhờ nhiều bậc đạo sư khác nhau. Các Ngài truyền dòng pháp này và giáo Pháp này cho tới chúng ta rất thanh tịnh, rất sáng rõ. Các Ngài đã dành rất nhiều sức lực cho công việc này, các Ngài đã làm việc rất cần cù để đưa những giáo lý này từ đức Phật truyền tới chúng ta. Những công việc này, những năng lượng này, ý nghĩa này được gọi là dòng truyền thừa.

Đây là cuốn sách mà Thầy viết và chúng ta đang sử dụng. Như mọi người đều biết, trong cuốn sách này Thầy đưa ra luận giảng ngắn gọn về pháp tu tiên yếu dòng Dzogchen Longchen Nyingthig. Pháp Dzogchen Longchen, Pháp Dzogchen Nyingthig hay Pháp Longchen Nyingthig, thực hành Pháp Dzogchen hay thực hành Pháp Longchen Nyingthig là rất vĩ đại chói sáng. Đây là giải thích ngắn gọn về cuốn sách Lời Vàng của Thầy Tôi. Thầy đã viết cuốn sách này như thế nào? Thầy đã nghiên cứu và đã thực hành cuốn sách này, cuốn sách của tổ Patrul Rinpoche. Và tất nhiên đây là một cuốn sách nền tảng, nền tảng căn bản cho tất cả các hành giả phái Cổ mật, bao gồm Thầy, có đúng không? Đây là cuốn sách rất quan trọng và chúng ta, tất cả đều nghiên cứu cuốn sách này, tất cả đều nghe giảng và tư duy về những lời giảng thiền định về giáo lý. Cuốn sách này là nền tảng rất quan trọng cho thực hành Pháp của dòng Cổ mật.

Lamasang và các vị đạo sư vĩ đại khác đã dạy cuốn Lời Vàng của Thầy Tôi rất nhiều. Cuốn sách này rất phổ biến, rất được yêu thích ở dòng Cổ mật; đặc biệt là một hành giả [của dòng Cổ mật], các bạn cần phải nhận những giáo lý này. Nếu các bạn không có hay không nhận giáo lý đó, nếu các bạn không thấy tầm quan trọng của giáo lý đó thì các bạn là người lạc điệu, các bạn không thuộc về cộng đồng này. Đây thực sự là cuốn sách rất quan trọng. Vì vậy, Thầy có thể nói rằng Thầy đã rất may mắn có thể thọ nhận được giáo lý này, cuốn sách vĩ đại này do tổ Patrul Rinpoche biên soạn.

Tất nhiên, Thầy nghiên cứu cuốn sách này và Thầy cũng đọc nhiều cuốn sách khác có liên quan tới pháp tu tiên yếu. Và đây là cách Thầy đã viết [cuốn sách]. Thầy đưa các chỉ dẫn cốt tủy của cuốn Lời Vàng của Thầy Tôi vào trong cuốn sách [của Thầy]. Có nhiều đạo sư vĩ đại, những khenpo vĩ đại từ dòng Cổ mật, các Ngài đã viết những bình giảng khi thọ nhận giáo lý Lời Vàng của Thầy Tôi. Các Ngài đã viết những lời bình rất quan trọng, rõ ràng và Thầy lấy một trong số những lời bình giảng đó đưa vào cuốn sách này. Vì vậy, cuốn sách này bao gồm giáo huấn tâm yếu của các bậc đạo sư khác, các Ngài đã nghiên cứu và thực hành cuốn Lời Vàng của Thầy Tôi.

Các bậc đạo sư vĩ đại của dòng mũ đen như Milarepa và như Ngài Gampopa cũng đã viết bình giảng về pháp tu tiên yếu có tên là Pháp Bảo của Sự Giải Thoát. Cuốn sách này cũng là một cuốn sách rất đẹp, rất hoàn hảo. Và còn những cuốn sách khác nữa mà các bạn có thể chưa biết, ví dụ như những bình giảng từ Khenpo Ngakchung. Đây là một vị Khenpo rất vĩ đại của dòng Kathog rất nổi tiếng ở Tây Tạng, một Đạo sư rất nổi tiếng và vĩ đại trong truyền thừa của chúng ta. Ngài có viết bình giảng về cuốn Lời Vàng của Thầy Tôi và những luận giảng này rất tốt. Vì vậy, cuốn sách của chúng ta dựa trên những giáo huấn được viết ra bởi các bậc đạo sư vĩ đại. Vì vậy, mặc dầu hiểu biết của Thầy rất hạn chế, cuốn sách nhỏ bé, không vĩ đại nhưng cội nguồn [giáo huấn] của nó rất vĩ đại. Vì vậy, Thầy nghĩ rằng cuốn sách này có thể hữu ích và có thể cho các bạn biết một vài thứ đúng đắn. Và Thầy nghĩ rằng sẽ không có gì sai trái ít nhất là không có gì sai khi chúng ta sử dụng cuốn sách này để cho việc học Phật pháp căn bản.

 

Hết trích đoạn ngày 4.12.2022

 

Việt dịch: Hiếu Thiện (Lotsawa)

Bản tiếng Anh do Trì Minh Tara & Diệu Huệ chép từ MP 3 bài giảng ngày 4.12.2022: https://drive.google.com/file/d/1u8qNs14Y7hcNgpNixXtJR56-3mWIdslX

Bản chép tiếng Anh đầy đủ: https://docs.google.com/document/d/11x3iwFAvdgH_EX5f4VJ9oMZWNZ49lv7p/

Kỹ thuật và đánh máy: Minh Hiền
_______________________________________

  • Đây là phần một trích đoạn bài giảng của Ngài Hungkar Dorje Rinpoche trên Zoom ngày 4.12.2022. Trích đoạn này đã lược bỏ những phần nói về tổ chức các buổi giảng. Tiêu đề do người dịch đặt để tiện cho người đọc.

 

 

Tải về
pdf
CHIA SẺ