Giống như con Cáo Chạy trong Sương Mù

25.12.22, Zoom

Song ngữ – chép Anh dịch Việt

(trích đoạn)

 

Cuốn sách “Điệu cười Trì Minh Vương của ba dòng truyền thừa” là một luận giải ngắn gọn về pháp tu tiên yếu của dòng Dzogchen Longchen Nyingthig. Cuốn sách bao gồm hai phần. Phần thứ nhất nói về sự cần thiết phải tư duy, quán chiếu về nội nghĩa của Pháp. Phần thứ hai là những giải thích về cách hành trì. Phần thứ nhất bao gồm có ba phân mục chính:

– một: sự cần thiết của Pháp đối với thế giới này.

– hai: sự cần thiết của Pháp đối với những ai là người tu theo Phật Pháp.

– ba: những lợi lạc của việc thực hành Phật Pháp.

Sự cần thiết của Pháp đối với thế giới. Pháp là tốt không chỉ đối với đạo lộ giải thoát mà nó còn lợi lạc đối với cuộc sống thế gian, bởi vì chúng ta cần có Pháp để trở nên hạnh phúc hơn, an bình hơn. Khi con người không tin vào Pháp Phật, không nghĩ rằng Pháp là hữu ích thì cuộc sống của họ khác với cuộc sống của những ai có lòng tin vào Pháp Phật. Những bất ổn, những vấn nạn trong thế giới này thường xảy ra do không có Pháp. Trái lại, hạnh phúc và những điều tốt đẹp trong thế giới này đến từ sự hiểu biết về Pháp của Phật, từ những hành động tốt đẹp. Vì vậy, Pháp rất tốt cho thế giới này và cho sự giải thoát; về cả hai phương diện nó đều rất lợi lạc.

Chúng ta chia sẻ một số thông tin liên quan chủ đề này. Ngày nay, tầm nhìn và sức mạnh nội tâm của chúng ta cần phải theo kịp sự phát triển nhanh chóng và rất rộng lớn của xã hội hiện đại. Bởi vì đôi khi xã hội phát triển quá nhanh và sự hiểu biết của chúng ta thì không thể bắt theo kịp. Vì vậy, có một sự hẫng hụt khiến cho tâm chúng ta trở nên rất yếu đuối. Sự phát triển là tốt. Và không có gì sai trái cả nếu như tâm của chúng ta thực sự ổn; tuy nhiên, đôi khi sự phát triển quá nhanh và tâm không bắt theo kịp. Điều này tạo một áp lực cho tâm của chúng ta. Sự phát triển về vật chất tạo một áp lực tinh thần rất lớn, đồng thời sự an bình trong tâm cũng bị hủy diệt. Tình trạng rối loạn tinh thần khiến cho tâm luôn bất an, không ổn định và nhiều ý nghĩ tiêu cực xuất hiện. Đó chính là cái thực trạng của con người ngày nay, theo Thầy nghĩ.

Nếu chúng ta không có sức mạnh tinh thần hoặc sự hiểu biết đúng đắn thì sự phát triển về vật chất có thể trở thành áp lực cho tâm. Khi đó tâm sẽ trở nên trống rỗng, bất hạnh, không ổn định và mất phương hướng hoặc một cái gì đó tương tự. Trong tâm con người [ngày nay] có những cảm xúc rất mãnh liệt như nỗi buồn, cảm giác bất hạnh, trạng thái tinh thần uể oải, những ý nghĩ thô ác, ganh ghen, đố kị, cạnh tranh, kình địch, tạo hình ảnh giả bằng lời nói dối, cống cao ngã mạn, tự khinh ghét mình, ước ao được khác hơn mình hiện là và những thứ tương tự. Thầy nghĩ rằng hiện nay có nhiều người giống như vậy. Mặc dù thế giới đã phát triển rất nhiều nhưng họ không thực sự hài lòng. Họ nghĩ “Thế giới này không tốt đối với tôi!” Họ phàn nàn về tất cả mọi thứ. Họ không thực sự trách bản thân mình mà chỉ trách những người khác. Có thể họ không thực sự biết rằng họ cần phải làm gì, họ là ai và vân vân. Vật chất, của cải hủy diệt an bình trong tâm khi con người có quá nhiều tham luyến đối với chúng. Và họ lạc lối giữa thế giới này bởi vì họ không có một sự hiểu biết đúng đắn và một con đường đúng đắn. Vậy nên, chúng ta cần phải học Pháp nhiều hơn, chúng ta cần phải thực hành Pháp nhiều hơn để làm lợi lạc cho chính mình.

Ngoài ra, có nhiều người tâm hẹp hòi nhỏ bé – họ có thể buồn vui một cách quá dễ dàng. Niềm vui mạnh mà nỗi buồn cũng mạnh. Đây không phải là một cách sống tốt. Khi bạn có thể trở nên vui hoặc buồn một cách quá dễ dàng thì điều đó tạo nên áp lực cho tâm. Khi chỉ vì một thứ gì đó bé nhỏ mà bạn có được niềm vui quá mức thì nó sẽ thay đổi trong chốc lát và điều đó không tốt. Cách ứng xử tốt là luôn luôn rà soát mọi thứ với sự hiểu biết và tâm bình lặng. Nếu tâm bạn không bình lặng thì bạn sẽ rất dễ bất hạnh, bực bội, giận dữ hay một cái gì đó tương tự. Như vậy không tốt, bởi vì tâm bạn đã không được điều phục. Vì vậy, chúng ta cần phải có sức mạnh nội tâm để giữ cho tâm của chúng ta an bình và tĩnh lặng cho dù chúng ta ở trong hoàn cảnh nào. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải học Pháp Phật. Và đây cũng chính là lợi lạc của việc thực hành Phật Pháp.

Một vấn đề nữa là đôi khi chúng ta không rà soát bản thân, chúng ta không nhận ra những lỗi lầm và vấn đề của mình. Vì vậy, chúng ta cần phải rà soát tâm để xem nó tốt hay xấu, an bình hay giận dữ và vân vân. Chúng ta cần phải biết cái gì đang diễn ra trong tâm. Điều này, theo Thầy, rất quan trọng. Mặt khác, đôi lúc chúng ta tìm ra lỗi lầm hoặc những bất ổn, khiếm khuyết của mình và chúng ta cảm thấy rất bất hạnh. Điều đó không tốt. Không có lý do gì để làm như vậy, mà điều quan trọng [cần làm là] hiểu tình huống của mình và nhìn thấy rõ cái gì đang diễn ra trong tâm. Không cần giận dữ hay khổ tâm về điều đó.

Đôi khi chúng ta có những mong muốn: “Ồ tôi muốn tôi có”, “Tôi phải có cái đó”, “Ồ tôi có thể được như vậy” và một cái gì đó tương tự khi chúng ta nhìn thấy thành công, nhìn thấy của cải vật chất, nhìn thấy sự nổi tiếng vân vân của những người khác. Điều này không thực sự phù hợp với thế giới của Phật Pháp. Tất nhiên, trong thế giới phàm tục, điều đó là bình thường và đôi lúc có thể là tốt. Nếu bạn không có một mong muốn, một giấc mơ nào thì bạn không làm một điều gì cả, không cố gắng để thành công. Nhưng ở đây, trong thế giới của Pháp, chúng ta không cần phải như vậy.

Chúng ta nghĩ: “Ồ tôi phải giống như người rất nổi tiếng hoặc rất giàu có kia,” và vân vân. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng tất cả mọi thứ đều phải có nhân và duyên để xuất hiện. Khi không có đầy đủ công đức và không có đầy đủ nhân duyên để thành công thì thậm chí nếu tâm của bạn mong muốn những thứ như vậy thì đó cũng chỉ là những ý nghĩ vô ích. Và não của bạn sẽ tạo ra những ý nghĩ tiêu cực. Cho nên, chúng ta không nên như vậy. Chúng ta phải khác. Nhưng khác ở đây điều đó có nghĩa là nếu bạn muốn làm một người khác với những người khác thì chúng ta phải là một hành giả tốt của Pháp.

Theo trí tuệ Phật giáo, chúng ta sống trong vô minh. Chúng ta chạy theo vô minh và vọng tưởng trong tâm mình. Bất cứ điều gì chúng nói, bất cứ nơi nào chúng dẫn lối, ta đều chạy theo. Đó thực sự là tình trạng lạc lối. Rất nhiều người lạc lối và họ không biết phải làm gì. Họ kết liễu cuộc đời bởi vì họ không thấy một định hướng thực sự tốt cho cuộc đời. Vì vậy, trong luân hồi, theo giáo lý Phật dạy, tất cả mọi chúng sinh đều lạc hướng. Người Tây Tạng có câu: “giống như con cáo chạy trong sương mù”; có nghĩa là không có phương hướng, không biết phải đi hướng nào. Hoặc có câu nói khác: “giống như con chim bước trên mặt đất sau khi trúng một đòn choáng váng bởi hòn đá bắn ra từ một chiếc ná”; có nghĩa là sau khi bị bắn, con chim không thể bay được và nó không biết phải làm gì. Đôi lúc, chúng ta cũng giống như vậy. Nếu chúng ta không học tập và thực hành trí tuệ, chúng ta cũng có thể giống như vậy. Đây không phải là điều mà chúng ta muốn. Chúng ta muốn rõ ràng về tất cả mọi thứ, như chúng ta muốn đi theo con đường nào, chúng ta muốn đi theo hướng nào. Đó là lý do tại sao phải nói về lợi lạc của Pháp.

Ngày nay, trên thế giới, số lượng người tự tử là lớn không thể tin nổi bởi vì do áp lực của việc phải làm giàu, do áp lực của chuyện tình cảm hay do cạnh tranh, vân vân. Có nhiều người tự tử trên thế giới hàng năm – đó là một thực tế. Đó là điều không dễ làm nhưng người ta vẫn chịu sự sai sử của nghiệp lực, do đau khổ và do áp lực. Thầy nghĩ rằng điều này không tốt. Trong các cấp độ chúng sinh khác nhau, con người có nhiều hạnh phúc hơn những loài khác, nhưng vẫn còn nhiều người sống trong bóng tối và đau khổ rất nhiều. Vì vậy, Thầy nghĩ rằng Pháp rất cần thiết. Pháp là trí tuệ, là sự hiểu biết đúng đắn. Khi không có sự hiểu biết đúng đắn thì những điều tồi tệ xảy ra. Ví dụ như bây giờ, có rất nhiều bạn trẻ trong trạng thái tinh thần không tốt do chịu áp lực của tham vọng làm giàu. Rất nhiều người hết sức nỗ lực chỉ để làm giàu. Họ cố gắng bằng tất cả mọi cách nhưng mọi thứ không đến một cách dễ dàng như họ mong muốn. Mọi thứ có thể xoay theo chiều ngược lại, điều đó làm cho họ tổn thương và họ muốn kết liễu đời mình. Nếu chúng ta xem lý do tại sao người ta tự tử thì chúng ta thấy rằng họ muốn thành công với những nỗ lực của họ, với sự cạnh tranh hoặc với những phương cách khác. Họ bị kẹt dưới áp lực của mâu thuẫn, giữa điều kiện bên ngoài và những ý nghĩ mong muốn bên trong. Hoặc cũng có thể có những lý do bên ngoài, có những thứ làm cho họ cảm thấy bất hạnh, cảm thấy buồn.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, mỗi năm có rất nhiều sinh viên tự tử. Và tất nhiên, tình huống cũng tương tự ở các nước khác. Trong xã hội ngày nay, không có hạnh phúc và an bình cho con người. Vì vậy, nhiều bạn trẻ đã kết liễu đời mình. Đây là điều mà chúng ta không thực mong muốn nhìn thấy. Chúng ta muốn tất cả mọi người sống trong hạnh phúc và an bình, nhưng nếu chúng ta không làm những điều đúng đắn thì điều đó sẽ không xảy ra.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tự tử, chẳng hạn như khó khăn về tài chính, bất hòa trong gia đình, phải tạo vỏ hạnh phúc, đối mặt với tuổi già…. Con người ta có lúc gặp khó khăn về tài chính, và họ đã tự tử. Đôi khi họ có vấn đề giữa các thành viên trong gia đình và họ hủy diệt hạnh phúc an bình của nhau. Còn có những người khi già, họ phải phụ thuộc vào người khác, vì vậy mất đi niềm vui trong cuộc sống và họ muốn chết. Nhiều người bị bệnh rất nặng và không thể làm mọi thứ theo ý mình. Họ cảm thấy quá sức chịu đựng và không muốn sống nữa. Đây là tình trạng thực tế trong cuộc sống của con người. Cũng có nhiều người tự tử không do một lý do gì cụ thể mà chỉ là cảm giác bất hạnh. Cũng có những người như vậy.

Có rất nhiều người bất hạnh trong thế giới này, cả trẻ và già. Đôi lúc họ đơn giản cố gắng giết nhiều người càng tốt, có đúng không? Họ cố gắng giết càng nhiều người càng tốt trước khi giết chính họ. Đơn giản là họ cảm thấy bất hạnh hoặc bất như ý. Điều này xảy ra thậm chí với những người nổi tiếng, giàu có và có ngoại hình đẹp. Sự thật là có nhiều người nổi tiếng, có ngoại hình đẹp, có giáo dục tốt, có vị trí cao trong xã hội nhưng họ cũng tự tử bởi vì họ cảm thấy bất hạnh vì một lý do nào đó. Những điều này đều không phù hợp trong thế giới của Phật Pháp. Đây là một điều rất tồi tệ mà người ta không nên làm. Vì vậy, hãy cố gắng thực hành Pháp, cố gắng nghiên cứu giáo lý để giảm loại hành vi tiêu cực này.

Có nhiều người nói rằng họ muốn tự vẫn là không có lý do nào cả. Họ nói rằng đủ loại ý nghĩ tự nhiên cứ khởi lên trong đầu họ. Điều đó có thể xảy ra. Con người ta thường có nhiều ý nghĩ khác nhau. Tất cả các loại ý nghĩ của chúng ta đều có những nguyên nhân của nó. Đây là một tình trạng rất đáng sợ: [có nhiều người] thích liều lĩnh hoặc thích làm theo những người khác. Họ suy nghĩ như vậy: “Tôi muốn tự vẫn,” hoặc “Tôi muốn chết.” Nếu chúng ta không rà soát và làm chủ tâm của mình thì tâm có thể rất điên đảo. Đó là lý do chúng ta cần phải thực hành Pháp và chúng ta cần phải có sự hiểu biết tốt hơn. Nói cách khác, người ta hành động sai vì không hiểu đúng bản chất vô thường của vạn Pháp.

Tại sao họ suy nghĩ như vậy, tại sao họ có những ý nghĩ tiêu cực như vậy? Bởi vì họ không hiểu bản chất của vạn Pháp, không hiểu nghiệp, không hiểu nhân duyên tương sinh. Nhiều người rất đau khổ mặc dù họ không muốn như vậy, họ thực sự muốn rằng mọi thứ xảy ra một cách tốt đẹp và đúng đắn nhưng mọi thứ không xảy ra như họ nghĩ và họ cảm thấy tổn thương. Tại sao họ thấy tổn thương? Bởi vì họ không hiểu bản chất của vạn Pháp, không hiểu nghiệp và không hiểu được nhân duyên tương sinh. Bởi vì tất cả mọi thứ đều cần có nhân và duyên, chỉ có bằng cách đó thì các Pháp mới xuất hiện. Khi bạn không hiểu thực tại này thì bạn làm cho mình tổn thương, bạn thấy buồn và bất hạnh. Bạn sẽ làm bất cứ điều gì vô minh sai sử.

Nhiều người tin rằng thế giới này và cuộc sống con người hình thành một cách tự nhiên. Họ tin rằng sự bất bình đẳng giữa người có địa vị cao và địa vị thấp trong xã hội, giữa người giàu và người nghèo cũng xảy ra một cách tự nhiên. Và họ không hiểu nhân quả. Họ nghĩ rằng nếu như một người được nổi tiếng, có tài sản của cải và có gia đình tức là họ có tất cả mọi thứ. Họ nghĩ rằng mục đích căn bản của cuộc sống con người là thỏa mãn những nhu cầu của cá nhân mình và chăm lo cho cá nhân mình. Điều này không thực sự đúng đắn và đây không phải là cách suy nghĩ và hiểu đúng đắn về mọi thứ. Tuy nhiên, đó là cách nghĩ làm nền tảng cho tất cả việc làm của họ. Đó là vì họ không hiểu một cách đúng đắn mọi thứ vận hành như thế nào: nhân duyên và nghiệp. Và họ nghĩ cuộc sống không công bằng đối với họ. Họ đã quên về nhân quả.

Mặc dầu hiện giờ chúng ta đang sống trong xã hội hiện đại, nền tảng căn bản của Pháp Phật vẫn không thay đổi: cách hiểu về nghiệp không thể thay đổi, cách chúng ta nhìn mọi thứ không thể thay đổi. Bởi vì nếu bạn thay đổi thì nó không còn là Pháp và những thứ đó không cần phải thay đổi để trở nên có ích. Đôi khi chúng ta nói những người thực hành Pháp hiện đại, cách thực hành Pháp hiện đại, chúng ta dùng những thứ hiện đại như điện thoại, máy tính, internet để học tập, nghiên cứu giáo lý. Điều đó tốt nhưng hiểu nhân quả, cố gắng thực hành những thiện hạnh và cố gắng tránh những hành động xấu ác – những nguyên tắc ứng xử này không thể thay đổi. Vì vậy, chúng ta phải theo những giáo huấn của đức Phật và chư đạo sư dòng truyền thừa một cách chính xác.

Cốt tủy của Phật Pháp là ở chỗ, đây phương tiện thù thắng để đạt tới giải thoát. Chúng ta cần phải hiểu giải thoát là gì và các thiện đức của giải thoát là gì. Khi đó chúng ta có lòng say mê đối với Pháp, có lòng khát khao đối với Pháp Phật. Và chúng ta phải Văn, Tư, Tu về các giáo lý giải thoát. Khi chúng ta Văn, chúng ta sẽ có được sự hiểu biết tốt hơn. Khi đó bạn sẽ nghĩ điều này thực sự tốt, đây chính là cách để chúng ta có được sức mạnh và sự gia trì để cuối cùng có thể đạt tới giải thoát. Nhờ đó mà chúng ta có lòng tin. Đồng thời chúng ta phải có tâm xả ly. Chúng ta phải nhận ra được những khiếm khuyết, những khó khăn và những vấn đề của luân hồi và phải có một cảm giác chán ghét luân hồi chân thực.

Hiện nay, chúng ta có lẽ cũng hiểu những khó khăn và vấn đề của luân hồi nhưng điều đó chưa thực sự sâu sắc. Chúng ta cần phải học hỏi nhiều hơn và suy nghĩ quán chiếu sâu sắc hơn. Phật dạy rằng: “Khi một người thực hành Pháp thì người đó chính là con đường đạo.” Điều đó có nghĩa là người đó phải trở thành con đường tu. Điều đó là sự thật. Vấn đề rắc rối đối với các bạn là: “Tôi và đường tu của tôi là khác biệt.” Luôn luôn có sự khác biệt cho nên tôi là “tôi”, lúc nào cũng vậy và đường đạo của tôi thì ở đâu đó, có thể là ở đằng kia; tôi không thực sự là con đường đạo (cười). Các bạn phải chính mình là con đường đạo. Các bạn phải hiểu được hạnh xả li, tâm của các bạn phải thực sự hoàn toàn buông bỏ và hiểu biết. Vì vậy, chúng ta phải nghiên cứu, học hỏi thật tốt và chúng ta phải có sự buông bỏ chân thật đối với luân hồi. Có được tâm buông bỏ thực sự rất khó khăn bởi vì luân hồi là đẹp, luân hồi là tốt và chúng ta có rất nhiều tham luyến đối với luân hồi. [Chúng ta cần] phải khát khao được giải thoát khỏi luân hồi. Nếu không có khát vọng đó thì chúng ta không thể có được giải thoát.

 

Hết trích đoạn 25.12.22

 

Việt dịch: Hiếu Thiện (Lotsawa)

Bản tiếng Anh do Trì Minh Tara & Diệu Huệ chép từ MP 3 bài giảng ngày 25.12.2022: https://lienhoaquang.com/q_jv481lr

Kỹ thuật và đánh máy: Minh Hiền

_______________________
* Đây là phần trích đoạn từ bài giảng của Ngài Hungkar Dorje Rinpoche trên Zoom ngày 25.12.2022. Tiêu đề do người dịch đặt để tiện cho người đọc. 

 

 

Tải về
pdf
word
CHIA SẺ