Làm Thế Nào Để Tìm Ra Một Đạo Sư và Trở Thành Một Đệ Tử

Dzongsar Khyentse Rinpoche

Bây giờ hãy chia sẻ về tri kiến thanh tịnh (pure perception) và về Phật Giáo Kim Cang Thừa. Đầu tiên, tôi muốn nói với các bạn rằng chúng ta không nên hiểu về tri kiến thanh tịnh như đây là luật xử thế. Điếu này rất ư quan trọng. Tri kiến thanh tịnh không phải là một nguyên tắc xử thế gì cả. Thật đáng tiếc bởi vì khi Kim Cang Thừa được giảng dạy, đôi khi người ta nói rằng các hành giả [tu tập theo Kim Cang Thừa] bắt buộc phải có một tri kiến thuần khiết đối với đấng đạo sư kim cang. Nghe như thế thì giống như đây chính là một thứ đạo đức Kim Cang Thừa.

Nhưng các bạn hãy nên cố gắng tiếp cận tri kiến thanh tịnh theo một phương cách khác, [khác hơn là cách suy nghĩ như trên]. Tri kiến thanh tịnh phải được vận dụng như là một pháp môn tu tập, có nghĩa là các bạn cần phải tập làm quen, nhuần nhuyễn với tri kiến ấy. Có những lúc, trong cương vị của một người mới tu, các bạn sẽ đánh mất tri kiến thanh tịnh. Các bạn cần phải nhớ rằng, không thể nào ngồi đó mong chờ là các bạn sẽ có được tri kiến thanh tịnh một cách trọn vẹn hoàn hảo ngay từ đầu. Điều này không hiện hữu đâu. Nếu các bạn ôm lấy một sự mong đợi như thế thì điều ấy sẽ làm cho bạn cảm thấy tội lỗi. Tri kiến thanh tịnh đã là nguyên nhân đưa đến rất nhiều cảm giác tội lỗi. Hãy hiểu về tri kiến thanh tịnh như là một điều gì đó mà các bạn có ý nguyện muốn hướng đến; các bạn cần phải huân tập tri kiến thanh tịnh.

Tri kiến thanh tịnh sẽ xảy đến khi bạn khao khát thèm thuồng tánh không. Khi bạn, trong cương vị của một chiếc bình chứa, chấp nhận được khái niệm về tánh không, thì tri kiến thanh tịnh [sẽ sinh khởi] một cách dễ dàng hơn. Hiểu về tánh không có nghĩa là, trên căn bản, bạn phải biết rằng bất cứ điều gì mà bạn nhìn thấy, hoặc trải nghiệm, thật ra chỉ là một sự phóng tưởng của chính bạn; và trên thực tế, điều mà bạn nhìn thấy hoặc trải qua không thực sự hiện hữu như cách phóng tưởng của bạn đâu. Khi bạn có thể chấp nhận được như vậy, không phải chỉ trên phương diện lý trí mà cả trên phương diện thực tiễn, thì bạn đang đến gần hơn với cái hiểu về tánh không. Mỗi một khi bạn đưa ra một xét đoán nào đó, hãy cố gắng bằng mọi cách tự nói với bản thân mình, “Đây chỉ là một sự phóng tưởng của tôi; đây chỉ là tư tưởng giới hạn [nhỏ hẹp] của tôi.” Nếu bạn có thể làm được như vậy, bắt đầu ở ngay mức độ thấp bé nhất, chẳng hạn như [xét đoán] về tách trà ngon hay tách trà dở, trở lên cho đến việc xét đoán về hiện tướng của một vị đạo sư kim cang, thì qua đó bạn cũng có thể dần dà làm quen được với tri kiến thanh tịnh.

Chúng ta đang không nói đến việc chúng ta phải nghĩ về vị đạo sư kim cang như là một vị Phật. Chúng ta đang không nói về vị ấy như là một vị đạo sư màu hoàng kim, có thêm nhiều tay, nhiều chân và một con mắt thứ ba. Chúng ta không cần phải tự bày ra để tin là như thế; chúng ta không cần phải tạo ra một hiện tượng mới mẻ và cho rằng đó là tri kiến thanh tịnh. Làm như vậy là sai rồi. Tri kiến thanh tịnh chính là khi bạn biết được rằng bất cứ điều gì mà bạn suy nghĩ, đặc biệt những gì bạn nghĩ về đạo sư của bạn, là sự phóng tưởng của chính bạn thôi. Những việc như kết tội, quy lỗi hay trách móc sẽ từ từ giảm thiểu. Khi việc kết tội, quy lỗi và trách móc ngưng bặt, thì tri kiến của bạn sẽ trở nên thuần khiết hơn.

Trong Phật Giáo Kim Cang Thừa, đấng đạo sư không chỉ là một con người mà còn chính là con đường tu. Mục đích ở đây là nhận chân ra được rằng đạo sư tối thượng là tuệ giác của chính chúng ta. Và bằng cách nào chúng ta vén mở được đạo sư tuệ giác bên trong ấy? Bằng cách xé bỏ lớp kén của cái tôi, xé bỏ lớp kén của sự chấp ngã. Sau rất nhiều công phu phân tích và quán chiếu, [bạn sẽ thấy ra rằng] đạo sư bên ngoài chính là người mà bạn thuê mướn để làm công việc phá vỡ đi cái tôi của mình. Đây là mục tiêu chính yếu của bạn. Cách thức mà bạn liên hệ với đạo sư của bạn, xuyên qua những tác động giữa ngài với bạn, cần phải được đặt nền tảng trên mức độ mà ngài có thể xé bỏ được lớp kén nhiều hay ít bao nhiêu. Xin các bạn hãy ghi nhớ rằng ý thích của đạo sư của bạn bắt buộc cũng phải là ý nguyện muốn phá vỡ màn vô minh của đệ tử. Dựa trên mục tiêu ấy, đạo sư có thể sẽ bảo bạn phải thi hành đủ thứ đủ mọi loại việc thật đáng kinh ngạc. Kinh ngạc cho cái gì? Kinh ngạc cho cái bản ngã và không thể nào chấp nhận được đối với cái bản ngã ấy! [Nhưng] các bạn cần phải làm tất cả những việc ấy như đây chính là phương cách chữa trị tốt lành nhất.

Thêm vào đó, lẽ dĩ nhiên, các bạn vẫn cần phải đối xử với đấng đạo sư theo đúng lễ nghi, với lòng tôn kính và sự khiêm cung. Những thứ như nghi lễ, sự kính trọng, đức khiêm cung giống như là những món châu bảo trang nghiêm. Không có những thứ ấy thì việc lễ lạy hay các việc làm tương tự cũng chẳng khác nào một lớp vỏ kén khác mà thôi, càng ngày lớp vỏ kén ấy càng dầy ra, dầy hơn nữa, dầy đến nỗi mà bạn sẽ phải cần một [phương cách] khác để có thể đập vỡ. Nói chung, tất cả đều phải quay ngược lại về với động cơ muốn thành tựu giác ngộ. Tất cả mọi thứ đều phải đặt nền tảng trên động cơ ấy.

Có rất nhiều sự hiểu lầm về mối liên hệ đạo sư-đệ tử. Nói một cách cụ thể, khi một vị đạo sư Kim Cang Thừa ra lệnh cho đệ tử làm theo bất cứ điều gì mà đạo sư đã yêu cầu, thì đây không phải là trường hợp tiêu biểu của một sự thờ thần hay biểu hiện sự độc tài. Đây chính là một sự thoả thuận đôi bên. Là người học trò, bạn muốn vén mở tuệ giác, và thầy của bạn cũng thế, ngài cũng muốn làm như thế. Đó là sự thoả thuận giữa bạn và thầy của bạn, và dựa trên sự thoả thuận ấy, bạn và thầy của bạn chung sức làm việc với nhau. Nếu bạn không có được một sự thoả thuận như thế thì thật là khó khăn biết chừng nào.

Các cụm từ “đạo sư kim cang” hay “đạo sư gốc” là ngôn ngữ đặc thù của Kim Cang Thừa. Lẽ dĩ nhiên, Đại Thừa cũng có khái niệm về đạo sư, sư phụ hay vị thầy chỉ đạo nhưng vị đạo sư của Đại Thừa chủ yếu là một người dẫn đường, một người trợ giáo hay là một huấn luyện viên. Trong khi đó thì trong Kim Cang Thừa, vị thầy tuy biểu hiện giống như một huấn luyện viên, nhưng còn hơn thế nữa, vị ấy cũng chính là con đường tu. Ngay cả trong các pháp môn hành trì [của Kim Cang Thừa], điều này cũng thể hiện rõ rệt. Trong truyền thống tu tập của Đại Thừa, chẳng hề bao giờ có một phương tiện tu tập nào [dạy cho] chính bản thân ta tan hòa vào trái tim của sư phụ ta, hoặc là sư phụ của ta tan hòa vào chính bên trong ta.

Tuy thế, trong tất cả các thừa, đặc biệt là Đại Thừa và Kim Cang Thừa, vị đạo sư chủ đạo chính là khía cạnh giác tuệ của tâm ta – về điều này thì các bạn đừng bao giờ lầm lẫn! Trong Đại Thừa, tâm luôn luôn là điều được nhấn mạnh hơn cả, nhưng trong Kim Cang Thừa, [chẳng những tâm là điều được nhấn mạnh mà] đường kinh mạch (nadi), khí (prana) và thức (bindu) cũng đều được nhắc đến. Nếu dịch một cách lỏng lẻo thì những danh từ này có nghĩa là các đường “kinh mạch” (channels), “khí” (wind) và “thức” (consciousness). Chính những đường kinh mạch, chính khí luân lưu trong các đường kinh mạch ấy, và tâm ta – cái tâm [có khả năng] gây bao ảnh hưởng cho các đường kinh mạch và cho khí – cả ba thứ ấy, không tách rời nhau.

Hãy nghĩ như thế này: đường kinh mạch (nadi) giống như là một ống sáo. Khí (prana) giống như là gió thổi luồn qua ống sáo, và rồi kế đến là người thổi sáo – tức là thức (bindu). Ngay trong thời điểm này thì ống sáo đang bị hoen rỉ và bên trong có nhiều nấm ung nhọt (fungus) mọc lên. Có những cái lỗ sáo bị bít lại bởi vì có quá nhiều những tảng bánh mì kẹp thịt (hamburgers), có quá nhiều những cảm xúc tiêu cực hoặc là có quá nhiều những đêm thức khuya! Tất cả những loại chướng ngại như thế ấy đã bít kín toàn bộ cấu trúc thân thể chúng ta.

Cho nên trên phương diện bên ngoài thì chúng ta cố gắng thay đổi qua các pháp tập du già (yoga). Tinh túy của các pháp tu du già là ngồi thẳng và giữ một tư thế tuyệt đẹp. Bằng cách ấy, ta có thể thao tác [chỉnh sửa] ống sáo. Rồi sau đó thì chúng ta cố gắng điều khí; tuy nhiên, khí của ta [hiện nay] rất là bất tịnh. Những phóng tưởng của chúng ta thật ra rất là giới hạn – xấu, tốt, cao, thấp – đó là bởi vì những cái lỗ sáo đang bị bít kín và có quá nhiều nấm ung nhọt (fungus) mọc ở bên trong. Bởi thế cho nên, cái thứ khí đang luân chuyển bên trong ống sáo ấy thật vô cùng bất ổn. Bằng cách lau chùi ống sáo, những phóng tưởng của chúng ta cũng sẽ bắt đầu từ từ thay đổi.

Hãy lấy ví dụ về sự phóng tưởng của ta về đấng đạo sư, nhất là khi [đạo sư] được đi kèm với công đức. Theo Kim Cang Thừa, đạo sư của chúng ta đã hoá hiện trước mặt ta là nương vào công đức [mà ta đã tạo]. Nói một cách tổng quát, tâm tuệ giác [bên trong] của ta phản ánh ra vị đạo sư bên ngoài, và do đó, đây lại càng là lý do mà chúng ta cần phải tuân lệnh ngài. Thật ra thì ta đang tuân lệnh bản tánh chân thực của ta. Còn đạo sư, người thổi sáo, chẳng là ai khác ngoài tâm tuệ giác của chính ta.

Chúng ta nói ‘tuân lệnh,’ nghĩa là như thế nào? Chúng ta không cần phải sợ hãi cái con ma cà rồng [mà chúng ta cho là] đang thực sự hiện hữu bên ngoài. Nói chung thì đó chính là sự phóng tưởng của tâm ta, phóng tuốt ra ngoài kia, và [qua đó] mà người thông dịch đã chuyển dịch ra thành là “công đức.” Nếu chẳng có công đức nằm ở đó, thì tâm ta sẽ chuyển dịch cái người ấy [vị đạo sư ấy] thành ra là một tên trời đánh hợm hĩnh, là cái người đang nói về đạo đức đúng đắn và là cái người mà ta chẳng muốn phải phí bỏ một cuối tuần tươi đẹp.

Vậy thì “khẩn nguyện đạo sư” có nghĩa là như thế nào trong Kim Cang Thừa? Điều ấy thật sự có nghĩa là liên hệ được với bản tánh chân thực, với chân tánh [bên trong ta], chứ không là gì khác! Tuy thế, chúng ta thường luôn luôn hay quay về với một câu hỏi, [câu hỏi ấy là] “Vị đạo sư bên ngoài có cần thiết hay không?” Vậy thì hãy xem vị đạo sư như một tấm gương soi. Chúng ta dùng tấm gương soi khi tô son để có thể nhìn thấy sự phản chiếu của chính mình và để có thể làm công việc tô son lên đôi môi một cách tốt đẹp hơn. Cũng giống như thế, để có thể thực sự nhìn thấy tuệ giác nội tại – tuệ giác nội tại ấy không là gì khác hơn ngoài chân tánh của ta, thì chúng ta cần vận dụng vị đạo sư bên ngoài như một tấm gương soi. Đấy, việc đang xảy ra là như thế đấy!

Nói theo một cách nói chuyên môn, vị đạo sư kim cang là người ban cho ta các quán đảnh Kim Cang Thừa, nhất là bốn quán đảnh gồm có: tịnh bình, ẩn mật, tuệ và ngữ. Nếu một vị nào ban cho bạn các quán đảnh ấy thì vị ấy là một đạo sư kim cang đối với bạn. Nhưng có những học giả sẽ bất đồng ý kiến về điểm này, và sẽ cho rằng vị đạo sư, sư phụ hay guru là người đã chỉ cho bạn thấy đâu là chân tâm, và xuyên qua đó, giúp cho bạn thấu hiểu về bản tánh ấy. Ngày nay, có quá nhiều người làm công việc giới thiệu, trực chỉ cho người khác thấy chân tâm ở đâu, nhưng không phải sự giới thiệu hay trực chỉ chân tâm nào cũng đem đến thành công. Đôi khi sự giới thiệu hay trực chỉ ấy còn không cả đi vào được bên trong cái đầu nữa là.

Thật ra, một vị đạo sư kim cang có thể nói một số điều, hoặc là có thể chẳng nói gì cả, nhưng điều ngài nói [hay không nói] phải nhất thời làm cho toàn bộ hệ thống [vận chuyển bên trong bạn] phải ngừng bặt. Ngay cả nếu chuyện ấy chỉ xảy ra trong một nửa khắc đồng hồ, toàn bộ hệ thống kiên cố bên trong bạn bỗng đứng khựng lại và bạn bỗng thắc mắc tự hỏi rằng, “Đâu là lợi lạc của ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai? Tại sao có ngày hôm qua? Tại sao lại có ngày mai? Ngày trong tuần là như thế nào? Cuối tuần là như thế nào?” Sự việc xảy ra ấy gần như là không thể diễn tả được. Tất cả mọi thứ đều ngừng bặt, nhưng đây không phải là một kinh nghiệm như say rượu hay uống thuốc quá liều. Bạn hoàn toàn nhận biết về tất cả mọi thứ, hoàn toàn tỉnh giác về tất cả mọi thứ, sống động và rung động, nhưng cái hệ thống bình thường cố hữu [trong bạn] hoàn toàn ngừng bặt, hoàn toàn khựng đứng. Khi sự việc ấy xảy ra thì có lẽ, cho dù bạn có thích hay không thích, vị [đạo sư] ấy là kẻ đã ám sát bạn [là kẻ giết chết cái tôi và những bám chấp cố hữu bên trong bạn].

_________________________________________________

“Tạp chí Gentle Voice” xin cám ơn Tom Pengelly và Claire Blaxell đã chia sẻ các bản ghi chép nguyên thủy. Bài pháp thoại này hiện có trong dạng MP3 [được lưu trữ] tại Siddhartha’s Intent. Muốn biết thêm chi tiết, xin liên lạc Anna Vlajkovic annavlaj@yahoo.com hoặc đ/t 02-9518-1365.

http://www.siddharthasintent.org/gentle/Gentle-Voice-Nov-2007.pdf
_________________________________________________

“Bao nhiêu năm qua rồi… Bây giờ, Thầy muốn nói với con rằng… Bên ngoài, chúng ta giữ nghi lễ thầy trò, nhưng bên trong, chúng ta là một. Thầy và con là một. Khi tâm của chúng ta tràn đầy yêu thương và tỉnh giác thì chúng ta hợp nhất, chúng ta là một. Tâm chúng ta là một. Bên ngoài chỉ là lễ nghi, nhưng bên trong, chúng ta luôn hợp nhất.” — Garchen Rinpoche (2008)

Tâm Bảo Đàn (Konchog Jimpa Lhamo) chuyển dịch bài pháp thoại của Dzongsar Khyentse Rinpoche để cúng dường đấng Đạo Sư Tôn Quý bên ngoài và bên trong, và để gửi tặng các huynh đệ tỷ muội Kim Cang trân quý. (10/2010).

CHIA SẺ