Nghỉ ngơi thật sự là nghỉ ngơi trong giác tánh

Có nhiều giáo huấn dạy cách làm sao để có thể nghỉ ngơi về mặt tinh thần, nghỉ ngơi với tâm an bình. Đức Phật đã ban nhiều giáo huấn về việc làm sao để có thể nghỉ ngơi, cả về thân lẫn về tâm, cả bên ngoài và bên trong. Cả hai cấp độ, hai phương diện. Đây là phần chính yếu của giáo lý Phật đà. Đặc biệt, các giáo lý vĩ đại của Kim Cương thừa là Dzogchen (Đại Viên Mãn) và Mahamudra (Đại Thủ Ấn) đã mô tả những phương pháp thâm diệu để hành giả có thể đạt tới sự nghỉ ngơi chân thực. Các giáo lý này dạy ta cách tu để hiểu được bản tâm và an trụ trong bản tâm đó. Để an trụ, để nghỉ ngơi trong bản tâm đó, trong thực tại đó.

Điều quan trọng chúng ta cần phải biết là tuy những việc hành trì như trì chú, lễ lạy, nhiễu tháp là rất tốt, nhưng đó không phải là cái quan trọng nhất. Đó không phải là cái chính yếu, không phải là thực hành hiệu quả cao nhất. Việc hành trì thực sự đem tới trí tuệ tối hậu, an bình chân thực, an bình tối hậu trong tâm, đem tới sự chứng ngộ trong tâm chính là trực nhận bản tâm và an trụ trong bản tâm.

Chừng nào chúng ta còn chưa chứng ngộ, chưa trực nhận được bản tâm của mình, chưa an trụ được trong bản tâm đó, thì chúng ta còn chưa có được sự nghỉ ngơi, chưa có được an bình đích thực, an bình tối hậu, vĩnh hằng. Vì vậy điều quan trọng nhất đối với người tu là phải trực nhận được chân tâm và an trụ, nghỉ ngơi trong chân tâm, bản tánh đó. Nghỉ ngơi trong giác tánh – đó chính là mục đích việc tu hành của chúng ta.

Trích “Làm Sao Để Thực Sự Nghỉ Ngơi – Cả Thể Xác Lẫn Tinh Thần”, Hungkar Dorje Rinpoche

Kim Cang Định trích dẫn

CHIA SẺ