Chúng Ta Không Muốn Ở Trong Nhóm Những Người Điên Đó

08.01.23, Zoom
Song ngữ – chép Anh dịch Việt

Chúng ta đang nói về Pháp quan trọng và cần thiết như thế nào cho cả những người là Phật tử và những ai không phải là Phật tử. Và lý do để chúng ta làm việc này là cần phải hiểu cái gì là đúng, cái gì là sai, cái gì là Pháp chân thật, cái gì là Pháp giả. Theo Thầy, điều rất quan trọng đối với chúng ta là phải học tập để biết cái gì là pháp chân thật, ai đang thực sự tu hành chân thật, và ai đang ở trong môi trường tu hành chân thật như vậy. Theo Thầy, đây là một chủ đề rất quan trọng. Điều này không có nghĩa là chúng ta muốn phê phán những người khác, mà chúng ta muốn hiểu làm sao để trở thành một người tu chân thực.
Chúng ta xem phần tiếp theo. “Đức Phật trước hết quán chiếu sinh, lão, bệnh, tử và Ngài nhận ra rằng nền tảng để đoạn diệt khổ đau là đừng bị dối gạt bởi dục lạc, bởi tám ngọn gió đời, bởi tham luyến, sân hận.” Nguyên nhân để đức Phật chuyển bánh xe Pháp lần thứ nhất, Tứ Diệu Đế, là Ngài muốn chúng ta hiểu bản chất của luân hồi, của cuộc đời. Mặc dầu, chúng ta đã nghe về những điều này rất nhiều, mặc dầu, chúng ta biết rằng đời là bể khổ và chúng ta sẽ phải trải nghiệm nhiều bất ổn, nhưng chúng ta vẫn không tránh được khổ đau. Bởi vì chúng ta không có sự hiểu biết đầy đủ về thực tại của sinh tồn và có rất nhiều tham luyến đối với thế gian này.
Mặc dầu, ta nghĩ rằng mình đang tu và đang cố gắng đoạn diệt tham luyến thế tục nhưng trên thực tế ta luôn làm rất nhiều điều là nguyên nhân cho tham luyến và đau khổ. Điều này là một hiện thực bắt nguồn từ vô minh. Chúng ta thực sự không biết mình đang làm gì và việc ta làm có phải thật là tu hay không. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng mình đang làm việc tốt, đó là Pháp chân thật, và ta là người chân tu. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, như đã nói ở trên, có nhiều người tu Phật, từ cao tới thấp, từ quan trọng tới bình thường, tất cả đều cố đạt một cái gì đó thuộc về tám ngọn gió đời. Chính vì vậy mà chúng ta cần [phải biết] sự thật, cần phải hiểu, cần phải nghiên cứu những gì là thật, những gì là Pháp thật, và cố gắng làm ĐÚNG theo những giáo huấn, càng chính xác càng tốt.
Thế nhưng, chúng ta, những người đang theo Phật, lại đang có một cuộc sống hoàn toàn trái ngược. Tất cả những gì chúng ta đạt được lại trái ngược với những gì cần phải thành tựu. Điều này có thật, phải không? Đức Phật ĐÃ đạt giác ngộ và giải thoát, trong khi đó những người được gọi là đệ tử của Ngài như chúng ta lại đi ngược với hướng mà Ngài đã chọn. Những gì chúng ta thành tựu hoàn toàn khác. Đức Phật đã tận diệt vô minh và tham luyến, trong khi đó chúng ta đang tạo thêm nhiều phiền não và tham chấp. Chúng ta không thể đoạn diệt phiền não, chúng ta kẹt ở đó; ta chạy theo những gì tâm [phiền não] rỉ tai, chạy theo bất cứ điều gì tham luyến sai sử, bất cứ điều gì dục vọng lôi kéo. Nếu nhìn kỹ bản thân, nhìn các hành vi và động cơ của mình, thì có lẽ chúng ta sẽ hiểu và nhận ra rằng mình đang đi ngược lại với con đường đức Phật đã chọn. Đó là lý do tại sao chúng ta phải nói về những vấn nạn của luân hồi.
Hiểu về tám ngọn gió đời trước hết sẽ giúp chúng ta thực hành Pháp dễ dàng hơn. Nếu không hiểu sự khác biệt giữa pháp thế gian và Pháp chân chính, thì ta có thể nhầm lẫn và lạc lối; khi đó Pháp không còn lợi lạc nữa. Có lẽ, một số người trong chúng ta đang ở trong một tình trạng giống nhau: ta thấy mình tu mà không tiến. Vì vậy, điều quan trọng là trước hết cần phải học để biết cái gì là phi pháp, rồi phải học để biết Phật đã trở thành Phật như thế nào, đã tu hành như thế nào, Ngài đã buông bỏ vật chất, của cải như thế nào. Ngài đã có thể buông bỏ; và Ngài không chỉ đã có thể buông bỏ – Ngài không có lựa chọn nào khác hơn là buông bỏ. Ngài đã buông bỏ vì Pháp, vì thành tựu và giác ngộ. Vì vậy, ngài đã tuyệt đối buông bỏ tất cả và trở thành một sa môn. Ngài đã bỏ lại tất cả để tới một nơi không có gì cả và để trở thành không-ai-cả. Ngài đã tu trì rất miên mật, rất tinh tấn. Ngài đã trải qua muôn vàn gian khó vì Pháp. Chính nhờ vậy Ngài đã đạt được thành tựu lớn lao.
“Khi đối mặt với kiến, tu và Phật tánh, cái tâm nhỏ bé của chúng ta như cái khe hẹp chẳng thể dung chứa nổi những thứ lớn lao như vậy và chúng ta dẫm lên cả ý nghĩa chân thực và sức mạnh lớn lao của tâm. Thay vào đó, chúng ta ngụy tạo một mạng lưới những tư tưởng, ý nghĩ để vui hưởng luân hồi này; ta nghĩ rằng cái kiến, cái hạnh mà ta có là hoàn toàn đúng Pháp; không những thế, đây là Pháp tối hảo.” Đôi khi chúng ta làm ra vẻ – không phải làm ra vẻ mà chúng ta thực sự tin như vậy – chúng ta tin rằng mình đang tu và tu tốt nhất: “Tôi đang thực hành Pháp chân chánh.”
Đôi khi, chúng ta không thực sự suy nghĩ, cân nhắc cẩn trọng mà chỉ đơn giản copy những gì người khác đang làm. Chúng ta nghĩ: “Ồ, tất cả mọi người đang làm như vậy [thế thì] cái mà tôi đang làm chắc chắn phải ổn, bởi vì hầu như tất cả đều cùng làm y như vậy.” Những người đó đang dùng mác hiệu Pháp và có lẽ họ trông giống những người chân tu đang làm được nhiều thứ. Điều đó khiến chúng ta lẫn lộn. Bởi vì tất cả đều làm một việc giống nhau nên ta nghĩ: “Ồ, tôi giống như người đó và cái tôi đang làm có lẽ là ổn; tôi đang làm điều đúng đắn” – và đây cũng là một vấn đề không ổn. Có thể là một vấn đề không ổn chung [cho tất cả].
Chúng ta không nhìn vào tấm gương cuộc đời của đức Phật hoặc cuộc đời của những hành giả chân chính như Milarepa hay Patrul Rinpoche, mà lại nhìn vào hành vi của những kẻ khác: “Ồ, người này rất nổi tiếng, người này có nhiều đệ tử, người này có vị trí rất cao. Và tôi có thể cố gắng để cũng được như vậy. Tôi phải đạt được những thứ đó.” Ở Tây Tạng, mọi người chạy theo những vị mà chúng ta nhắc đến ở trên – những vị lạt ma cao trọng hoặc những người quan trọng. Kẻ bình phàm là như vậy. Hành vi của họ, hành động của họ là như vậy. Ở Tây Tạng, chúng tôi có nhiều hành giả vĩ đại nhưng họ không theo hoặc không cố gắng hết sức để noi theo tấm gương của các ngài. Ngược lại, họ chạy theo những người không giống các hành giả vĩ đại này. Theo Thầy, đây là một vấn đề chung cho tất cả mọi người mà chúng ta cần phải tỉnh giác.
Ở đây chúng ta nói về “cái tâm nhỏ bé của chúng ta như cái khe hẹp chẳng thể dung chứa kiến, tu và Phật tánh.” Có mâu thuẫn giữa các dòng phái Phật giáo khác nhau và nhiều người nghĩ: “Dòng phái chúng ta là tốt nhất.” Tất cả đều nghĩ rằng dòng phái của họ là tốt nhất và nghĩ như vậy cũng được thôi. Tuy nhiên, đôi lúc tâm của chúng ta quá bé nhỏ và hẹp hòi, những gì vĩ đại sẽ không lọt được vào đó. Vì vậy, tâm từ chối những thứ đó và phê phán rằng những thứ đó là sai. Và đây là một vấn đề. Ví dụ, pháp ngondro này mang cái kiến của Dzogpa Chenpo – Đại viên mãn, Rigpa. Và cái kiến đó vĩ đại, bao la. [Thế nhưng] có một số người không thể hiểu được Phật tánh và họ nghĩ rằng những thứ này là sai. Và đó là vấn đề. Điều đó xảy ra bởi vì tâm họ quá nhỏ bé và trí tuệ của họ không đủ lớn. Vì vậy, nhiều vấn đề, nhiều xung đột xảy ra giữa các dòng phái khác nhau. Nhưng nếu chúng ta thực sự thực hành Pháp một cách chân chính, nếu chúng ta cố gắng làm theo lời Phật dạy một cách đúng đắn, thì loại vấn đề này chắc chắn sẽ được giải quyết.
Một lần nữa, Thầy muốn nhấn mạnh vấn đề tư tưởng bộ phái, kỳ thị, phân biệt. “Ồ dòng phái của tôi là tốt nhất còn dòng phái của anh sai” – điều này xảy ra rất thường xuyên giữa các truyền thống khác nhau, trong Phật giáo Tây Tạng, giữa Phật giáo Tây Tạng và Phật giáo Trung Hoa và vân vân. Điều này tạo nên nhiều tâm ganh ghen, đố kỵ và nhiều thứ tiêu cực khác. Để cho điều này không xảy ra với chúng ta cần phải học để biết cái gì là đúng, cái gì là sai ngay từ ban đầu. Hơn nữa, bởi vì chúng ta nghĩ rằng cái kiến của những người khác là sai, nên chúng ta phê phán họ, nói xấu họ sau lưng. Điều đó xảy ra khắp nơi, không chỉ giữa những người bình thường, mà cả trong cộng đồng Phật giáo nơi mà người ta nói những điều tệ hại nhất về những người khác. Đây không phải là Pháp chân chính bởi vì Pháp làm cho tâm của chúng ta được điều phục tâm, an bình hơn, và có nhiều ý nguyện trong sáng hơn. Nhưng một khi ai đó đang đi lạc hướng thì điều này sẽ dẫn đến rất nhiều cái nhìn sai lầm, thái độ sai lầm. Chúng ta coi thường những người khác và nghĩ: “Họ không thông minh hoặc không tốt. Họ sai, họ không phải là người tu Phật.” Họ nói bất cứ điều gì họ có thể nghĩ ra. Tại sao họ liên tục làm những điều không tốt như vậy? Bởi vì tâm họ chịu sự sai sử của vô minh và không nhìn thấy những điều có thật. Nó không nhìn thấy những phẩm tính tốt đẹp của người khác, không thể thấy cái gì là đúng, cái gì làm sai.
Điều đó không có nghĩa là những ai làm những việc này không thông minh; thật ra, họ có trí khôn [thế tục] nhưng có thể nói rằng do vô minh mà họ làm như vậy. “Vô minh và chấp ngã khiến chúng ta hành động [theo cách] dường như là luân hồi và thế giới này rất tốt đẹp, tráng lệ, chắc thật và trường tồn” – điều này có nghĩa là bạn càng chạy theo sai sử của vô minh thì luân hồi của bạn càng bền vững và mạnh mẽ hơn. Điều này khiến cho chúng ta không bao giờ thực sự kết thúc được luân hồi mà cứ tiếp tục lăn lóc nơi này. Cái kiến và cái hạnh, hay cái bạn nghĩ và cái bạn làm, đang ngụy tạo một luân hồi đẹp hơn. Thầy không biết rằng dùng chữ “đẹp” có phù hợp không nhưng trong tâm của chúng ta nó đẹp, có phải không? “Ồ, tôi đang cố gắng rất nhiều để làm nhiều việc cho dòng truyền thừa của tôi, cho truyền thống của tôi và rất thành công, rất tốt đẹp.” Họ nghĩ rằng nó tốt đẹp và họ làm cho nó tốt đẹp hơn, nhưng đó không phải là Pháp chân thực. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Chúng ta không nên chịu sự sai sử của vô minh mà phải nghe theo tiếng nói của trí tuệ. Chỉ trí tuệ mới có khả năng nhìn mọi thứ đúng đắn và thanh tịnh.
“Nương tựa nơi Pháp bảo, chúng ta phải chặt đứt sợi dây ràng buộc chặt chẽ chúng ta với căn nhà mênh mông là luân hồi.” Đúng như vậy, chúng ta phải có khả năng trải nghiệm an bình thật sự, hạnh phúc thật sự nhờ thực hành Pháp. Thế nhưng, bởi vì chúng ta đang sử dụng Pháp cho những chuyện thế tục, chúng ta không bao giờ có thể trải nghiệm cảnh giới của tịnh độ, của an bình và hạnh phúc, không cấu uế vì cái ngã. Mặc dầu chúng ta đang thực hiện những công việc của người tu hành nhưng chúng ta làm những việc đó với tâm chấp ngã. Chúng ta làm tất cả mọi thứ với tâm chấp ngã. Việc tu hành là để giảm bớt và chặt đứt chấp ngã. Thế nhưng chúng ta thường không làm được điều đó mà [ngược lại] chúng ta chỉ khiến cho cái ngã càng lớn lên mà thôi. Mục đích của việc tu hành là để trải nghiệm an bình, hạnh phúc thật sự nhưng chúng ta đang làm điều trái ngược với mục đích này. Chúng ta không thực sự thực hành Pháp chân chính mà thực hành Pháp vì cuộc sống thế tục. Chính vì vậy chúng ta không bao giờ trải nghiệm an bình, từ bi thực sự, không bao giờ thấy được cõi tịnh độ thực sự.
Chúng ta có thể thấy thực trạng của Phật Pháp và những người tu Phật bằng cách so sánh với những gì trong quá khứ. Trong quá khứ, các bậc thầy vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng coi dâng hiến cuộc đời cho việc tu hành là điều quan trọng hơn tất cả mọi thứ trên đời. Và nhờ vậy, họ đạt tới những quả vị như quả dự lưu, vị kiến đạo, tam địa và vân vân. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi: cách chúng ta nói, chúng ta nhìn cái gì là quan trọng bây giờ đã thay đổi. Hồi xưa, các hành giả chỉ thấy thành tựu trên con đường tu là quan trọng nhất. Nhưng ngày nay, các chư vị cao trọng tìm kiếm một cái gì đó khác chứ không phải điều này. Ví dụ như trong quá khứ, đức Long Thọ đã thành tựu vị kiến tánh. Có rất nhiều vị Bồ tát và đạo sư vĩ đại đã đạt được những thành tựu vĩ đại trên đường tu như tam địa Bồ tát và vân vân. Đây là cái mà các ngài thực sự muốn thành tựu và có thể thành tựu bởi vì các ngài rất tinh tấn và thực sự chân thật để đạt tới những điều này. Vì vậy, các ngài đã có thể buông bỏ những thứ của thế gian và thể hiện điều này trong kết quả là các địa và vị. Các hành giả trong quá khứ thành tựu trên đạo lộ được như vậy bởi vì các ngài đã thực hành Pháp chân chính và các phẩm tánh đặc biệt này làm nên chủ đề chính trong tiểu sử của các ngài.
Tóm lại, các hành giả trong quá khứ là những bậc thành tựu tôn quý. Các ngài kể về tiểu sử a la hán của các ngài, các ngài đã đạt tới các địa bồ tát như thế nào, các ngài đã thành tựu trên đạo lộ nhờ thực hành Pháp như thế nào. Đó là chủ đề chính trong tiểu sử của các ngài. Tuy nhiên, ngày nay có những người nói rằng họ đã đạt tới trình độ của một bậc thầy nhưng thử hỏi trong tiểu sử của họ có gì hơn là những công việc thuần túy thế tục, những bận tâm thế tục. Đây là sự thật, có đúng không? Ngày nay, những người như Thầy hoặc thậm chí những người có vị trí cao hơn, nổi tiếng và quan trọng hơn, không có những tiểu sử Pháp chân thật như vậy để kể mà họ nhìn thấy mọi thứ theo một cách khác, họ thấy các thứ thế tục như địa vị trong xã hội, trong chính quyền quan trọng hơn. Họ bắt đầu bằng việc kể về nỗ lưc để thành đạt, có địa vị hay tiếng tăm, và tuyên bố:  “Tôi bây giờ có nhiều đệ tử. Tôi có những đệ tử này. Tôi là trụ trì của tu viện này, là người đứng đầu tổ chức nọ, tôi là chủ tịch của một hội này hội khác.” Đây là sự thật, có đúng không? Theo Thầy, đó là sự thật. Thầy nghĩ rằng các bạn hiểu điều đó – cái gì đang xảy ra trong xã hội hiện nay. Thầy thấy ở Việt Nam cũng có nhiều vị tăng có vị trí trong chính phủ và họ nghĩ: “Ồ, a ha, tôi thành công và tôi rất quan trọng (cười). Điều này xảy ra khắp nơi, không chỉ ở Việt Nam hay Trung Quốc mà ở khắp mọi nơi. Đây là sự khác biệt giữa những người tu trong quá khứ và hiện nay. Các bạn có thấy sự khác biệt đó không? Các bạn có thấy rằng có một sự khác biệt rất lớn giữa những hành giả trong quá khứ và những người tu hiện nay hay không?
Cách nhìn của những hành giả trong quá khứ rất khác: họ gần hơn đối với Pháp và với sự chứng ngộ. Ngày nay, với số lượng những người vô minh tham gia vào các hoạt động Phật Pháp ngày càng gia tăng thì cách những người tu nhìn mọi thứ rất khác so với quá khứ. Ngày nay, những người tu hành ngày càng xa rời Pháp. Trong quá khứ, các hành giả, các bậc đạo sư có nhiều trí tuệ hơn và trí tuệ thanh tịnh hơn; ngày nay chúng ta không có trí tuệ thanh tịnh và vĩ đại như vậy mà có rất nhiều vô minh. Tóm lại, số lượng những người tham gia vào các hoạt động Phật Pháp với tâm vô minh ngày càng gia tăng. Kết quả là Pháp ngày càng xa những người tu hành, đặc biệt là những người tu hành cao trọng. Ngày nay, những kẻ mượn Pháp để mưu cầu những chuyện thế tục để đạt được địa vị hoặc quyền lực cùng tất cả những loại hành vi đồi bại đang xuất hiện ngày càng nhiều như nấm mọc trên đồng.” Loại người này xuất hiện nhiều hơn và nhiều hơn mỗi ngày ở khắp mọi nơi. Và Thầy nghĩ rằng những loại người đó xuất hiện ngày càng nhiều hơn bởi vì vô minh và phiền não là những nguyên nhân chính yếu tạo nên những người như vậy. Tâm rất dễ sanh loại động cơ [bất tịnh] như vậy, chứ không phải loại động cơ thanh tịnh và trí tuệ thanh tịnh. Chúng tôi thấy chính mình cũng giống như vậy, nhưng có lẽ những người khác giống loại người tu như vậy hơn – những kẻ không đạt được một điều gì liên quan đến Pháp nhưng lại đang dùng Pháp để đạt những thứ của luân hồi. Họ muốn mưu cầu chức tước, địa vị trong môi trường tu hành và nhiều người còn sẵn sàng tranh đấu với nhau để giành quyền lực hoặc vị trí trong tăng già, trong tu viện. Nguyên nhân chính yếu đã tạo nên những điều này chắc chắn là vô minh và phiền não chứ không phải một điều gì tốt lành thanh tịnh. Loại người như thế này xuất hiện ở khắp mọi nơi ngày càng nhiều, ở tất cả các nước. Và chúng ta có thể nhìn thấy. Chắc là chúng ta có thấy những người như vậy, phải không?
“Trong các dòng truyền thừa những phần tử tư lợi và vị kỷ chất chứa trong tâm họ cả một biển đầy những tham, sân.” Có lẽ đó là sự thật. Có nhiều người muốn thấy “tôi là ai” – họ là những người có tâm hẹp hòi và trái tim không rộng mở. Chỉ có một số người, những người của họ, là có thể chui lọt vào trái tim của họ mà thôi – đó chính là chủ nghĩa bè phái, phân biệt, kì thị. Tất nhiên, đây không phải là Pháp. “Họ thường xuyên thèm rỏ dãi những thứ của thế gian như chính trị, quyền lực, danh tiếng. Họ đắm chìm trong những mối bận tâm thế tục cả ngày lẫn đêm. Dường như khó có thể kể xiết tai họa đang xảy ra với giáo Pháp, với thời đại của chúng ta.” Như đã nhắc tới ở trên, trong tất cả các truyền thống Phật giáo, trong tất cả các nước, những người như vậy tham gia rất nhiều vào những loại pháp thế gian như chính trị và quyền lực. “Họ đắm chìm trong những mối bận tâm thế tục cả ngày lẫn đêm.” Những người như vậy thực sự tồn tại và tất nhiên, chúng ta không nói rằng 100%, nhưng theo Thầy đa số mọi người là như vậy. Dường như không thể kể xiết tai họa xảy ra với giáo Pháp, với thời đại của chúng ta. Và đây là một mất mát lớn, một hiểm họa lớn cho Phật Pháp. Đây là những thứ độc hại và những phương cách độc hại có thể hủy diệt một phần lớn của cả một truyền thống. Đây cũng là một mất mát lớn đối với giáo Pháp bởi vì chúng ta cần Phật, chúng ta cần giáo lý của Phật. Giáo pháp cần những hành giả vĩ đại. Chỉ bằng cách đó giáo Pháp sẽ có lợi lạc, giáo Pháp sẽ có tác dụng. Pháp rất lợi lạc cho chúng sinh nhưng nếu Pháp được dùng cho những mưu toan thế tục thì Pháp không thể sống và Pháp trở thành vô giá trị.
Đây là điều có thật đang xảy ra hiện nay, trong thế giới này, với Phật giáo và với người tu Phật. Và điều này thật đáng buồn. Nhưng chúng ta cũng không thể làm được gì nhiều. Đó là xu hướng của họ, đó là sự lựa chọn của họ và đương nhiên họ muốn chọn hướng đi này. Nhưng ít nhất, Thầy nghĩ rằng có những người thanh tịnh hơn, chân thật hơn. Vẫn còn những người như vậy. Nhưng đa số mọi người hiện nay khá là điên và chúng ta không muốn ở trong nhóm những người đó, trong nhóm điên đó (cười). Vì vậy, xin hãy hiểu và hãy khiêm hạ, giữ tâm thanh tịnh và chân thành với giáo Pháp.
“Nếu một ai đó sử dụng quyền lực và địa vị để làm lợi lạc cho những người khác thì đó là điều tốt; nhưng nếu chúng ta khảo sát mọi thứ một cách chi tiết thì chúng ta sẽ thấy rằng sẽ thấy rằng rất sâu trong tim họ, những người có quyền lực và tiền bạc, của cải không muốn làm lợi lạc cho bất cứ ai ngoài chính bản thân họ và những người theo họ.” Điều này thực sự đúng đối với các dòng phái. Ví dụ như ở Tây Tạng, giữa các truyền thống khác nhau, họ chỉ cố gắng hết sức mình để phát triển truyền thống riêng của mình và làm lợi lạc cho những người theo truyền thống của mình. Khi nỗ lực như vậy, họ thực sự muốn làm bất cứ điều gì cho những người thuộc dòng phái mình và chính bản thân mình, nhưng đồng thời họ có thể làm hại những người khác vì lợi ích của bản thân họ. Và đây chính là vấn đề. Đây chính là phần “không đẹp” (cười). Có một số người, một số truyền thống thực sự gây rất nhiều tác hại đến các truyền thống khác; họ cố phá hủy thành công của các truyền thống khác, của những người khác, cố gây sức ép đối với những người khác và làm nhiều điều [có hại] khác nữa. Đây chính là vấn đề. Và nếu khảo sát kỹ, chúng ta sẽ thấy sâu trong tim của họ có rất nhiều tham chấp và sân hận. “Làm lợi lạc cho những người khác” không có nghĩa là làm lợi lạc chỉ cho những người liên quan tới bạn. Điều đó đúng có phải không” Ví dụ, đối với Phật và chư Bồ tát không có một khác biệt nào. Không có ai là không có liên quan gì đến các ngài. Đó là bồ tát đích thực. Còn chúng ta thì ngược lại – chúng ta có tâm phân biệt, bộ phái. Chúng ta chỉ thấy những người của truyền thống mình là tốt, là quan trọng, trong khi những người khác thì “không, không, không, không”. Đây là điều nghiêm trọng đang xảy ra hiện nay, vì vậy chúng ta cần cố gắng giữ tâm mình thật an bình, và không rơi vào thái cực mà phải giữ trung đạo.
Tất nhiên, tất cả mọi người đều hiểu cái gì thực sự là lợi lạc cho những người khác, tuy đôi khi chúng ta vẫn quên. “Làm lợi lạc cho những người khác” có nghĩa là trước hết hành động để làm lợi lạc cho người khác mà không có tâm phân biệt, thiên vị, bám chấp hay sân hận. Nhưng trong tâm những người này chỉ nghĩ về truyền thống của họ và những người theo họ. Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Đã từng có chiến tranh giữa các truyền thống khác nhau do vì tham và sân như vậy. Nhiều truyền thống trong Phật giáo là như vậy. Trong Phật Giáo Tây Tạng đã có rất nhiều xung đột, tranh cãi, đánh nhau và tệ hơn cả là giết nhau vì truyền thống riêng của mình (cười). Điều này là có căn cứ dựa trên lịch sử, trên sự thật; Thầy không hư cấu những chuyện như vậy và cũng không nghĩ rằng có lẽ họ là như vậy. Không, điều này là sự thật lịch sử. “Họ không gì khác hơn là những người thế tục xức lên mình thứ nước hoa dán nhãn ‘Pháp’.” Loại hành vi này và những thứ họ làm khiến cho họ ngày càng xa rời Pháp. Những phiền não rất mạnh của họ đã đưa đường dẫn lối cho họ, khiến họ làm những điều rất tồi tệ và làm xuống cấp những phẩm chất người tu của họ. Họ không có tâm tu hành. Bạn có thể nói rằng “họ xức lên mình cứ nước hoa dán nhãn hiệu ‘Pháp’.” Đây không phải là Pháp, họ không có mùi thơm của Pháp (cười) mà “hành xử theo cách với tư tưởng bộ phái phân biệt, kỳ thị, thiên vị được xem là hành động xấu.” Tất nhiên, bè phái và không trung thực là xấu, không chỉ trong cộng đồng tu môi trường tu mà thậm chí trong bối cảnh của các giá trị đạo đức xã hội bình thường. Vậy thì làm sao đây lại có thể xem là đạo hạnh của một bậc giác ngộ?

Hết bài giảng 08.01.2023

 

Việt dịch: Hiếu Thiện (Lotsawa)

Bản tiếng Anh do Trì Minh Tara & Diệu Huệ chép từ MP 3 bài giảng ngày 08.01.2023: https://lienhoaquang.com/q_7wlcdya

Kỹ thuật và đánh máy: Minh Hiền

 

Tải về
pdf
word
CHIA SẺ