15.1.2021
Gửi các Pháp hữu,
1. Thầy hi vọng mọi việc đều tốt lành cho tất cả, cho dù Covid -19 đang đe dọa cuộc sống quý báu của con người. Hơn 2 triệu người trên thế giới bị cướp đi sinh mạng và cơn dịch vẫn còn đang hoành hành dữ dội. Nó không chỉ có cướp đi sinh mạng con người, mà còn trở thành vấn nạn lớn cho nền kinh tế thế giới.
2. Chắc các bạn đã nghe, có thể quá nhiều lần, những lời dạy về thân người quý báu khó gặp với những tự do và thuận duyên khó tìm, cũng như những lời dạy về vô thường. Chính căn bệnh này là một giáo huấn không thể bỏ qua tai, cho chúng ta thực sự thấy vô thường.
3. Thân người khó gặp dễ mất. Ngay cả những thứ rất nhỏ bé, như những con virus, cũng có thể cướp đi mạng sống của ta. Vì vậy, chúng ta không nên kiêu căng và ích kỉ, bởi vì không có gì thực sự thuộc về chúng ta mãi, chỉ có tâm này mà thôi. Thế nhưng, từ vô thỉ ta đã du hành với tâm mình mà không rà soát xem: liệu những gì ta nhận từ dòng tâm thức ấy có thực sự mang lại chút giá trị nào hay không.
4. Chúng ta đã buông lung, đã chạy theo cái tâm của mình mà không hề rà soát nó, không hề hiểu bản chất của nó. Vì vậy, chúng ta trở nên ngày càng ngu dốt hơn, tham chấp hơn, rất sân hận, kiêu căng, ghen tị và tham vọng, để rốt cuộc cái ta gặt hái được chỉ là tham vọng và sân hận mà thôi. Thế nhưng, cái ta thực sự nên tầm cầu chính là trí tuệ và an bình, để sống hạnh phúc hơn. Con người, bao gồm chúng ta, luôn cố gắng bằng mọi cách đạt được hạnh phúc. Thậm chí, chúng ta còn bỏ công sức tu hành để có được chút bình an trong tâm, thế nhưng [rốt cuộc] chúng ta đôi khi lại thất bại thảm hại.
5. Thầy thiết tha kêu gọi các bạn hãy cố gắng tìm hiểu rõ hơn về lịch sử của Thầy với Lamasang yêu quý của chúng ta; về sự tận tụy, trung thành với Giáo pháp mà Ngài đã làm thấm đẫm trong Thầy; về những trách nhiệm của Thầy đối với tu viện mà Ngài đã xây dựng và đối với Tăng đoàn mà Ngài đã vun trồng, dạy dỗ (cụ thể là tăng, ni, và yogi – không phải cư sĩ ở đây); về trách nhiệm của chính các bạn với tư cách là [thành viên] tăng đoàn (sangha); và về giới hạnh (samaya) của các bạn với Lamasang và với Thầy.
6. Lamasang có hai ý nguyện và ước mơ chính cho cuộc đời mình: mang lại hòa bình, hạnh phúc cho mọi người bằng việc khai mở những phục điển (terma), và quy tụ lại Tăng đoàn để truyền bá Phật pháp bằng việc xây dựng tu viện. Ngài thành tựu cả hai ước nguyện này nhờ những nỗ lực phi thường, và nhờ vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách. Khi Lamasang có thu nhập cao hơn nhiều, Ngài đã bố thí rất rộng rãi, đã cho đi tất cả mọi thứ ngoại trừ một số pháp khí và tôn tượng. Chính thức, Lamasang đã ban cho Thầy [chỉ] chiếc chuông và damaru, một bảo vật vô giá, do Akong Khenpo ban cho Ngài. Akong Khenpo là một trong những vị thầy của Lamasang. Ngoài hai thứ đó ra Lamasang không cho Thầy bất kỳ thứ nào thực sự là tài sản của Thầy, nhưng Ngài đã truyền cho Thầy rất nhiều thứ để duy trì và gìn giữ cho tu viện, cùng với lịch sử của nó.
7. Lamasang là người thầy chính, là Guru gốc quan trọng nhất đối với Thầy và Tăng đoàn ở đây. Ngài đã để lại nhiều hạt giống tốt lành trong mọi người ở đây, chẳng hạn như khuynh hướng, truyền thống hành động theo đúng chánh Pháp mà Ngài đã truyền dạy. Ngài đã cho những nhận xét, phản hồi giúp mọi người thay đổi. Đặc biệt, những hoạt động từ bi và rộng bố thí của Lamsang đã làm thay đổi Thầy rất nhiều. Ước muốn và ý chỉ của Lamasang là Thầy trở thành vị trì giữ ngai tòa thứ 10, thành vị lãnh đạo tâm linh [tối cao] của tu viện, vì Thầy được công nhận là hóa thân thứ 5 của Do Khyentse Yeshe Dorje, sơ Tổ khai lập tu viện của chúng ta. Đối với Thầy, lựa chọn duy nhất là nỗ lực hết sức để thực hiện ý nguyện của Lamasang, để lãnh đạo Tăng đoàn tốt nhất trong khả năng của mình. Những trách nhiệm mà Lamasang đặt lên vai Thầy tóm gọn lại là: giữ hòa hợp Tăng đoàn và đảm bảo rằng họ đang tu hành đúng đường bằng cách Văn (học tập), Tư (quán chiếu), và Tu (thực hành Pháp chân chính).
8. Động lực, Sự hiểu biết, Trách nhiệm
9. Đối với chúng ta, Lamasang là tất cả. Sắp tới đây là kỷ niệm 11 năm Lamasang nhập Niết-bàn và cũng là năm thứ 11 Thầy lãnh trách nhiệm làm vị Đạo sư chính, nhà tài trợ chính, vị lãnh đạo-giáo dục chính, và trung tâm liên lạc với thế giới bên ngoài cho cả tu viện. Trên thực tế, Thầy không hỗ trợ hay giúp đỡ được gì nhiều cho người mẹ 80 tuổi của Thầy là Amala, cũng như cho các thành viên trong gia đình mở rộng của mình. Nhưng Thầy hết lòng phụng sự tu viện vì nếu Tăng đoàn đi theo con đường đạo của Đức Phật thì những ước nguyện của Lamasang sẽ [thành hiện thực] sống.
10. Đây là khóa Nhập thất Mùa đông thứ 11 kể từ khi thân Lamasang rời bỏ chúng ta. Thầy đang ban Giáo lý Sáu Bardo, và hàng trăm người đang tham dự với tâm tín thành hoan hỉ. Những việc Thầy đã và đang làm, và cách mà Thầy đã và đang làm những việc đó chính là cúng dường của Thầy dâng lên Guru Lamasang tuyệt vời vô song của chúng ta. Thầy xin mời các bạn tham gia cùng Thầy trong lễ dâng cúng này.
11. Số lượng hành giả trong Tăng đoàn đã tăng lên kể từ khi Lamasang viên tịch. Ngoài ra, chúng tôi đã xây dựng thêm nhiều trung tâm nhập thất để thực hành Dzogpa Chenpo Đại Viên Mãn. Nhóm người nhập thất ba năm đầu tiên vừa mới ra thất tháng trước, và bây giờ nhóm người mới đã bắt đầu vào thất. Có 26 người tham gia khóa nhập thất Dzogpa Chenpo, 16 người tham gia nhập thất Vajra Kilaya và Vajra Yogini Uy Nộ Đen.
12. Ba cơ sở giáo dục, học viện Pháp tại tăng viện, trung tâm yogi dành cho yogi, trung tâm ni tại ni viện đều hoạt động tốt. Các cơ sở này rất thành công trong việc đào tạo những vị tăng, ni và yogi có giáo dục tốt. Trình độ nghiên cứu, học tập của tu viện đạt mức hàng đầu trong tất cả các tu viện ở Golog, có thể là trong hầu hết các tu viện ở Tây Tạng.
13. Đây là những thành công mà chúng ta thực sự muốn nhìn thấy. Loại thành công này rất quan trọng đối với tu viện vì đây là tu viện Phật giáo. Chính đây là lý do tại sao Lamasang, người thực sự hy vọng cộng đồng này sẽ thành công trên con đường đạo, đã truyền giao trọng trách này cho Thầy.
14. Tất cả những Quả tuyệt vời này không đến từ hư vô hoặc đến từ những Nhân sai trái. Chúng đến từ sự hiểu biết chân chính, trí tuệ sâu sắc, tâm chí tín thành trong sáng, và sự tinh tấn của Đại Tăng Già (Great Sangha) – những người đã thực hành “thiểu dục tri túc” (ít tham và biết đủ).
15. Có vẻ như chữ “tri túc” (biết đủ) không phù hợp với những người như Thầy cũng như những người thường được gọi là “lạt ma cao cấp”, tulku, hay khenpo. Trên thực tế, nó không phù hợp với hầu hết các vị thầy thuộc bất kỳ truyền thống Phật giáo nào. Ai sẽ là tấm gương tốt nhất về một hành giả “tri túc”? Tất nhiên, Yogi vĩ đại người Tây Tạng Milarepa, và còn những vị khác nữa trong quá khứ.
16. Ta, Hungkar Dorje, có thực hành “tri túc” không? Tất nhiên, câu trả lời là “có”. Thầy đã cố gắng thực hành đạo hạnh đó và sẽ tiếp tục thực hành nó, mặc dù Thầy có rất nhiều, rất nhiều thứ, ở một cấp độ nào đó, giá trị hơn, lớn hơn và đắt tiền hơn. Ồ, vậy làm thế nào để thực hành “tri túc” trong khi chính mình đang sở hữu rất nhiều, bạn có thể hỏi như vậy. Thầy sẽ giải thích chính xác cách Thầy giải quyết tất cả những vấn đề này, được chứ? Kể từ khi Lamasang ra đi, từ khi Thầy bắt đầu chuyển sang vai trò hành chính và tập trung nhiều hơn vào các vấn đề tài chính, vật chất và hoạt động của tu viện, với hiểu biết khiêm tốn của mình, Thầy bắt đầu quán chiếu tánh vô thường của vạn pháp.
17. Mọi người thường tặng quà cho Thầy để xin cầu nguyện điều gì đó, làm phowa cho ai đó, hoặc điều gì đó khác. Những cúng dường cho Thầy tụng lời cầu nguyện khác với các cúng dường khác, bởi vì có hai mục đích khác nhau ở đây. Cúng dường cho các dự án Thầy đang thực hiện không thực sự thuộc về Thầy bởi vì chúng dành cho dự án. Những cúng dường được trao cho Thầy để cầu nguyện điều gì đó, cho ai đó, do một mình Thầy thực hiện sẽ thuộc về Thầy, vì Thầy đáp ứng bất cứ điều gì được yêu cầu. Vì vậy, Thầy đảm bảo rằng tất cả các khoản cúng dường, đóng góp đều được sử dụng cho dự án, nhưng Thầy sử dụng những cúng dường mà mọi người dành cho Thầy để cầu nguyện cho bản thân [họ].
18. Thầy không chỉ cho đi những thu nhập từ các cúng dường cho những mục đích đã định của tín thí, mà Thầy còn cho đi hầu hết những thứ thuộc về Thầy, bao gồm cả tăng y, cho Tăng đoàn và cư sĩ đang cần chúng. Thầy cho đi hàng ngàn bộ quần áo, tượng Phật và quà tặng mỗi năm. Theo truyền thống thì những thứ này được bán, nhưng Thầy luôn cho đi.
19. Thầy đã và đang giữ truyền thống chữa bệnh và giúp đỡ người bệnh do bậc hộ chủ, người cha và Guru từ bi – Lamasang của Thầy – xây dựng. Trong suốt cuộc đời của mình, Lamasang nổi tiếng với việc chữa trị bệnh tật, [đặc biệt] các bệnh tâm thần và ban tặng Tạng dược miễn phí. Thầy tiếp tục thiện hạnh này bằng cách làm hàng nghìn phần Tạng dược và tặng cho mọi người. Kể từ khi Lamasang rời khỏi trái đất này, Thầy và chư tăng, ni, yogi đã bào chế 73 loại Tạng dược khác nhau, và phải nói rằng đây là một lượng công việc khổng lồ. Tu viện đã làm 8000 pound thuốc trong năm nay và việc sản xuất không hề rẻ.
20. Thầy cúng dường hai mươi đến ba mươi tấn thực phẩm mỗi năm cho Tăng đoàn và người nghèo. Mỗi năm, phải chi phí từ 5 đến 10 triệu nhân dân tệ để xây dựng những thứ mà tu viện cần, như phòng của chư tăng hoặc các cơ sở khác, và sửa chữa các điện thờ, bảo tháp. Ngoài ra Thầy còn tài trợ cho năm lễ hội cầu nguyện lớn tại tu viện cũng như các khóa Nhập thất Mùa đông, trường dạy nghề Hungkar Dorje với hơn 600 giáo viên, học sinh. Cuối mỗi năm chẳng còn gì nhiều sót lại.
21. Nơi Thầy sống thực ra là một ngôi điện thờ nằm trong khuôn viên tu viện. Ở đó, Thầy đặt nhiều tượng Phật, thangka, và dâng các món cúng dường lên chư Tam Căn. Nếu đây không phải là khuôn viên tu viện thì Thầy đã không đặt nhiều hình ảnh, tôn tượng hay pháp khí như vậy ở đây. [Và nay] mọi thứ của Thầy sẽ được lưu giữ trong tu viện lâu dài mãi về sau. Thực tế, Thầy không phải là người có thu nhập rất cao, so với một số người khác. Bởi vì Thầy là một Rinpoche khiêm tốn, với trí thông minh khiêm tốn đối với cả Pháp Phật và pháp thế gian. Hơn nữa, Thầy không xuất thân giàu có, không thuộc một gia đình mà tiền bạc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi còn rất trẻ, Lamasang thực sự là một hành khất. Sau đó, Ngài trở thành một lạt ma và nhận được các cúng dường, nhưng Ngài đã mất hết tất cả ba lần. Lamasang không bao giờ cho Thầy bất kỳ khoản tiền nào và Thầy bắt đầu từ không có gì cả.
22. Thầy tin rằng Thầy đã có một nghiệp lực đặc biệt nào đó với tu viện và [nghiệp lực] này đã lấy đi tất cả năng lượng, thời gian, sự cân nhắc, và tài bảo của Thầy. Chừng nào Tăng đoàn còn bước đi trên con đường trong sạch thì Thầy tin rằng sự hiện diện của mình trong cuộc đời này còn có ích, còn có ý nghĩa cho cả Thầy và tu viện, cho dù điều đó đòi hỏi [cho đi] tất cả mọi thứ mình có. Thầy đã giảm bớt nhiều hoạt động có thể mang lại thu nhập cho mình, để có nhiều thời gian tĩnh lặng thực hành Pháp. Bởi vì chỉ có thời gian mới có thể cho Thầy cơ hội nâng cao trình độ thực hành Pháp. Tránh tham gia vào quá nhiều hoạt động giúp Thầy có tâm trí sáng suốt để tập trung vào các lời Pháp. Vì vậy, Thầy đã giảm đi rất nhiều việc đi lại đó đây để đọc sách Pháp và công phu thiền định nhiều hơn.
23. Trong quá khứ, Thầy đã đi khắp nơi trên thế giới và ở ngoài tu viện khoảng sáu tháng một năm. Thầy đã đi nhiều như Lamasang, nhưng kể từ khi Ngài nhập niết bàn, Thầy đã ở trong tu viện khoảng mười tháng một năm. Đối với Thầy, đó là sự lựa chọn giữa việc tạo thêm thu nhập, hoặc dành thời gian quý báu của mình cho việc hành trì, vì vậy Thầy đã chọn ít thu nhập và nhiều thời gian hơn cho việc thực hành Pháp. Đây là một cách để Thầy tu hạnh tri túc; nếu không, Thầy có thể trở thành một kho tích trữ khổng lồ.
24. Cố gắng giải phóng mọi thứ mình nhận được chính là cách để Thầy tu hạnh tri túc. Nếu không có gì cả thì Thầy sẽ ít tham đắm vào dục lạc hơn. Phát tâm giảm tham luyến thì dễ, nhưng thực sự cho đi tất cả các đối tượng dục lạc mà mình đang sở hữu mới thực là một phương pháp rất mạnh mẽ để dứt bỏ tham đắm của bạn; bởi khi bạn đang nắm giữ các đối tượng dục lạc thì đó cũng chính là lúc bạn đang dính mắc vào chúng.
25. Trách nhiệm của Tăng đoàn
26. Trách nhiệm mà Lamasang đặt lên vai Thầy là giữ cho Tăng đoàn hòa hợp và đảm bảo rằng Tăng đoàn đang cùng nhau đi đúng hướng, bằng cách nghiên cứu, học hỏi sâu sắc (Văn), nghiêm túc quán chiếu (Tư) và nhất tâm thực hành Pháp chân thực (Tu). Có lẽ, Thầy nổi tiếng là người rất trực tính, hay khiêu khích hoặc phê phán, nhưng Thầy làm những điều phản ánh sự thật, và Thầy nói những gì là lời khyên dạy chân thật tự con tim, với tâm nguyện thiện lành, dành cho những ai biết lắng nghe.
27. Nói chung, mọi người nhận ra một tu viện qua hình tướng bên ngoài và các biểu tượng nổi tiếng như đền thờ hoặc bảo tháp. Ví dụ, ngôi đền Mahabodhi là biểu tượng nổi tiếng cho Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ, và Đại Bảo tháp Hòa bình Thế giới là biểu tượng đặc biệt cho tu viện của chúng ta.
28. Cái gì khiến tu viện trở thành tu viện? Các đại diện vật chất của một tu viện chỉ là biểu tượng mà thôi. Một hệ thống hành chính năng động và một môi trường tốt lành để Văn, Tư, Tu (học tập, quán chiếu, công phu thiền định) là cội nguồn, là trái tim của một tu viện đích thực, khiến nơi đây trở thành một tu viện Phật giáo thực sự.
29. Đạo sư yêu quý và bi mẫn nhất của chúng ta, Lamasang, đã xây dựng nhiều biểu tượng thân, khẩu và ý giác ngộ của Phật, dưới hình thức các ngôi điện thờ, bảo tháp và trung tâm tu học. Nhưng đối với Ngài, đây không phải là những thứ khiến tu viện trở thành tu viện đích thực. Chính những lời dạy của Ngài, chính việc thành lập một Tăng đoàn có học thức, chuyên cần Văn, Tư, Tu theo những đạo lộ của dòng Truyền thừa đã được thiết lập mới đúng là những yếu tố then chốt khiến cho tu viện trở thành tu viện thực sự. Đây chính là sứ mệnh Lamasang tái sinh ở đây, tại nơi đặc biệt này.
30. Nếu không có Đại Tăng Đoàn nòng cốt được trang nghiêm bởi Tam học (Giới-Định-Tuệ), tu viện chỉ còn là một địa điểm tham quan du lịch, hoặc có lẽ là một trung tâm kinh doanh thương mại – điều mà chúng ta không ai mong muốn cả.
31. Bản chất những ước nguyện và giáo huấn của Lamasang đối với tất cả các học trò hoặc Tăng đoàn của mình, đặc biệt các vị tăng, ni, yogi tu viện, là mọi người hết sức cố gắng ít tham, tinh tấn thực hành tại tu viện, và hãy cố gắng, càng nhiều càng tốt, không chạy rong ruổi nơi này nơi kia với thân, khẩu, ý tán loạn.
32. Tuy nhiên, nhiều vị tăng, bao gồm một số vị cao niên và một số thị giả của Lamasang, đã trôi dạt xa. Do thiếu kiềm chế bản thân hoặc do những hành vi buông lung đối với pháp thế gian họ đã bị cuốn theo lối sống duy vật chất. Điều này xảy ra trong vòng mười năm khi Lamasang bận đi hoằng Pháp hoặc bị bệnh ốm và sức khỏe không còn sung mãn như trước nữa. Thầy đã mất nhiều năm để giáo dục cho các thành viên trong Tăng đoàn hiểu đâu là hành vi đúng chánh Pháp và đâu là hành vi sai trái. Thầy đã chân thành cố gắng dạy họ bằng cách thay đổi chính bản thân mình để đối nhân xử thế theo cách đúng đắn nhất. Sự hiểu biết của họ giờ đây tiến bộ hơn nhiều so với thời kỳ đó. Thầy nhận trách nhiệm dạy dỗ bằng thân giáo (làm gương) và bằng việc dẫn dắt Tăng đoàn cùng [cộng đồng] cư sĩ tại gia. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bây giờ ai cũng hoàn hảo cả. Vẫn còn một số thành viên Tăng đoàn không thể từ bỏ tâm chấp ngã và cực kì vị kỉ của họ. Họ làm hoen ố phẩm hạnh của tu viện, hủy hoại thanh danh, và làm nản lòng những người tha thiết thực hành Pháp. Thế nhưng vẫn luôn có người ủng hộ, giúp họ buông theo những lối [sống] này, và họ vẫn đạt được những điều họ muốn.
33. Ngài (Lamasang) thường la mắng chúng tôi nếu Ngài thấy một vị tăng bị mắc vào lối sống không đúng đắn như lang thang lòng vòng đây đó hoặc giao du với các khách du lịch. Đó là bởi vì Lamasang hết lòng tận tụy chăm lo cho Giáo Pháp của Phật. Tới mức Ngài sẵn sàng cúng dường thân xác của mình cho Phật, cho Đạo Pháp.
34. Cha Thầy, Lamasang, thường kể cho Thầy và mọi người nghe Ngài đã từng nghèo như thế nào. Có lần Lamasang không có tiền mua thức ăn nên đi khắp nơi để hỏi vay bạn bè và chú bác bên Amala chỉ 12 nhân dân tệ, nhưng không ai cho Ngài vay nổi. Chúng tôi thực sự nghèo, rất nghèo, khi Thầy còn nhỏ. Thực ra, chúng tôi không biết nghèo hay giàu là gì, bởi vì mọi người đều nghèo trong khu vực của chúng tôi. Nếu bây giờ nhìn lại, chúng tôi không có tài sản gì cả, nhưng may mắn là chúng tôi có cái để ăn. Chúng tôi không chỉ nghèo vì không có mọi thứ, mà còn nghèo vì không biết mọi thứ. Ví dụ, không ai biết rằng ngô và đậu là thức ăn cho con người. Họ nghĩ rằng chúng chỉ là thức ăn cho ngựa.
35. Cha Thầy, Lamasang, đã vào tù ba lần, và Ngài đã mất tất cả những gì mình có vì mọi thứ đã bị lấy mất. Khi tâm của con người băng hoại, họ có thể hành xử rất xấu xa, tồi tệ. Những người bắt Lamasang vào tù thật là hèn hạ, thật là khủng khiếp. Khi đến bắt Lamasang lần cuối, họ lấy hết mọi thứ có trong lều. Sau đó họ phá hủy tất cả những thứ khác. Để hại chúng tôi, họ trộn gạo, bột mì, trà và lúa mạch với nhau trong bụi, khiến chúng tôi không thể ăn được nữa. Lamasang yêu quý của chúng tôi được đưa đi đâu đó trên một con ngựa. Không có cách nào để có được thông tin về Lamasang trừ khi Ngài gửi tin nhắn qua người đưa tin cho Amala, như Ngài vẫn làm trước đây. Chúng tôi không có gì để ăn ngoài những miếng thức ăn nhỏ vứt trên đất và trộn với bụi. Nước mắt lưng tròng, Amala cố gắng tách thức ăn trên mặt đất ra khỏi bụi để có thể cho chúng tôi ăn.
36. Lamasang được ra tù năm 1977, và Ngài ngay lập tức cố gắng tập hợp các đệ tử của mình để dạy Pháp. Mặc dù mọi người đều sợ hãi việc tụ họp với nhau do những quy định hà khắc trong thời kỳ nghiệt ngã đó, nhưng Ngài vẫn gọi họ tới. Tất nhiên, không có nhà ở nên Ngài đã dựng một cái lều lớn để mọi người tu tập và cầu nguyện cùng nhau. Đó không chỉ vì không có đủ tiền, mà thậm chí việc kiếm vật liệu dựng lều cũng rất khó khăn.
37. Bản thân chúng tôi mỗi người có một bộ quần áo làm hoàn toàn từ da cừu, chúng tôi đã mặc trong nhiều năm, không có áo sơ mi hay quần dài. Chúng tôi chỉ có những đôi bốt truyền thống vào mùa đông, nhưng chủ yếu mọi người đi chân trần nhiều tháng trong năm. Tất nhiên, chúng tôi không có tất, không có quần dài, không có bàn chải đánh răng, kem đánh răng, hay giày dép thông thường. Chúng tôi chỉ có một vài đôi ủng đơn giản mà Amala tự làm. Thầy nhớ lần đầu tiên Thầy được ăn rau, thứ mà cha Thầy kiếm được khi Ngài đến thăm một người nào đó ở quận lỵ, là khi Thầy đã thành một thiếu niên. Lúc Thầy khoảng mười ba hay mười bốn tuổi, Thầy xin Ngài mua một món đồ chơi rất nhỏ có giá dưới một nhân dân tệ nhưng Ngài không mua [nổi] khiến Thầy khóc không nguôi. Bây giờ Thầy hiểu rằng trong thời gian đó Lamasang, vị hộ chủ của Thầy, có rất ít tiền.
38. Lamasang rất khéo tay và mạnh mẽ. Người dân địa phương tôn kính Ngài, phục vụ Ngài vô cùng tận tụy và cúng dường Ngài nhiều thứ cần thiết để bắt đầu xây dựng tu viện. Nhưng vì cả vùng và mọi người quanh đó đều nghèo nên Ngài vẫn gặp nhiều khó khăn, như vấn đề tài chính, áp lực từ cảnh sát, cạnh tranh của những người khác, thiếu vật liệu xây dựng thích hợp, vật tư không đầy đủ, điều kiện làm việc và sức khỏe của những người tham gia giúp đỡ kém, và thậm chí cái chết của một số vị tăng.
39. Ngay cả Đức Phật cũng khó mà giữ được tất cả mọi người ở một cấp độ [tâm linh] cao. Không có gì để nghi ngờ về điều đó vào lúc này, vào thời đại suy thoái, thời đại đen tối này. Thật ra, chính Guru Rinpoche đã dạy: “Không phải thời gian đang thay đổi, mà chính con người đang thay đổi.” Theo Thầy, sự thật là khi tâm con người điên cuồng chạy theo dục lạc thì mọi thứ sẽ thành một mớ nát bét và hỗn loạn, không còn kỉ cương, phép tắc gì nữa.
40. Đã có nhiều câu chuyện đáng buồn về việc các thành viên Tăng đoàn vi phạm samaya với nhau, gây bất hòa và tranh đấu, giành giật giữa Tăng đoàn về tiền bạc hoặc tài sản. Một vị tăng làm nghề kinh doanh, sống gần chúng tôi, đã đánh thuốc mê cho đối tác làm ăn của mình. Vị tăng sau đó dùng dây siết cổ đối tác. Không những vậy, do không thể ném xác bạn làm ăn xuống sông, anh ta chỉ để cái xác trên cầu. Bây giờ vị tăng đó phải ngồi tù chung thân.
41. Nhiều vị tăng, lạt ma, khenpo thích đến các thành phố lớn học tiếng Anh và tiếng Trung để có thể gặp gỡ nhiều người hơn. Họ dành phần lớn thời gian lưu lại các thành phố để nhận đồ cúng dường từ những người nhẹ dạ. Sau khi họ có đủ tiền và sau khi trải qua quá nhiều thời gian trong xã hội đầy màu sắc sặc sỡ, họ sẽ từ bỏ cuộc sống tu sĩ của mình. Có ai trong các bạn thực sự muốn hủy hoại sinh mạng của các vị tăng hay sinh mạng của Phật Pháp bằng cách đưa tiền cho họ không?
42. Điều này đang xảy ra tại các tu viện ở Tây Tạng, Ấn Độ, Nepal, và khắp mọi nơi. Vì vậy, Thầy đang cố gắng kiểm soát tình hình hiện nay. Thầy e rằng cách nhìn của một số lạt ma chúng ta đối với tiền bạc có thể gây nên đố kỵ và bất hòa ngay trong chính tu viện, bởi vì khi tâm họ dính mắc vào xã hội vật chất, thì hầu như không có gì thực sự có thể giữ họ lại được nữa.
43. Nhiều người thực sự không hiểu rằng tình trạng này có thể xảy ra với các tu viện, nhưng Thầy nói với bạn là nó đã và đang xảy ra ở rất nhiều mảnh đất của Phật giáo. Thầy đã chia sẻ điều này và hỏi cách nhìn của một số đạo hữu của chúng ta, những người có tâm chí tín thành chân thật với Lamasang, với tu viện của Ngài, và với Thầy. Thầy thấy các đạo hữu đó hiểu rất rõ điều này và họ đang giúp tu viện theo cách nên làm: chỉ cúng dường cho tu viện mà thôi, để có thể phân phối công bằng và có trí tuệ. Chúng ta cần phải rất cẩn trọng. Nếu không, Phật Pháp sẽ bị hủy diệt giống như ở Ấn Độ. Ở đó, Tăng đoàn đi lạc hướng và trở nên vô dụng, do không có các quy chế đúng đắn, do thiếu hiểu biết chân thực và đạo hạnh kém, và [tình trạng này] nặng tới mức Phật Giáo đã chết ở Ấn Độ.
44. Nếu các thành viên Tăng đoàn làm bất cứ điều gì họ muốn mà không nghĩ đến giới luật tu viện, còn Phật tử thì không quan tâm đến đạo hạnh của các vị sư – những điều này chắc chắn sẽ làm tổn hại truyền thống Phật Giáo. Vì vậy, tất cả các Phật tử phải có trách nhiệm bảo vệ truyền thống của mình và phải cố gắng hết sức để, ít nhất là, làm những việc không gây tổn hại đến bản chất truyền thống Phật Giáo – đây là giáo huấn của Đức Phật. Những giáo huấn này giúp ta vượt thoát tham, sân, si.
45. Bạn có thể làm những việc lén lút, giấu giếm được nhiều người, nhưng những hành động này không giấu được những bậc sở hữu Con-Mắt-Tuệ. Và cũng không phải những hành động ấy sẽ nằm ngoài lý nhân duyên, nằm ngoài luật Nhân Quả. Có câu nói rằng thực hiện ác hạnh một cách lén lút, phá vỡ giới nguyện, hoặc bị coi thường do không đáng tin cậy trong việc giữ samaya của mình thì cũng giống như ăn thức ăn ngon tẩm thuốc độc.
46. Thầy là Đạo sư chính ở đây, và mọi người đều nghĩ rằng Thầy có hầu như tất cả mọi thứ. Chắc điều đó không đúng. Ví dụ, một trong những vị Tulku ở tu viện chúng tôi luôn đi đây đi đó, bỏ bất cứ thứ gì kiếm được vào túi, vì vậy vị đó sở hữu hơn 100 triệu nhân dân tệ (ước tính hơn 350 tỉ Việt Nam Đồng) tiền tiết kiệm và tài sản; thế nhưng vị đó có vẻ như rất ít ham muốn vì không có ô tô, không sử dụng những thứ đắt tiền. Vị đó nói với mọi người rằng: “Tôi thích truyền thống Trung Hoa: tích trữ càng nhiều của cải càng tốt qua nhiều thế hệ.” Anh ta công khai điều này với mọi người. Tương tự như vậy, ở khắp mọi nơi, người ta đang cố tích giữ rất nhiều [của cải] cho mình, không bao giờ ngơi nghỉ, luôn chạy lòng vòng đó đây để kiếm được nhiều hơn.
47. Vào thời Đức Phật, chư tăng phát hiện hàng trăm kí vàng trong căn phòng được sử dụng bởi một vị sư thuộc một trong sáu giai cấp bất đồng chính kiến với Đức Phật, kẻ gây hại trong Tăng đoàn – Charka. Anh ta luôn bận rộn gì đó nên không có thời gian để tham dự các hoạt động của Tăng đoàn. Anh ta qua đời như một kẻ phá vỡ giới nguyện và hủy hoại thanh danh của Đại Tăng Già (Great Sangha) bởi mắc rất nhiều sai phạm phản lại Giáo Pháp và truyền thống.
48. Điều phổ biến là thiên hạ, theo khuynh hướng tự nhiên, thích của cải và tiền bạc, rốt cuộc ai ai cũng bị cuốn vào các hoạt động luân hồi, thế tục. Vấn đề chính là ở chỗ những tu sĩ có hành vi sai trái này có thể dẫn người khác đi theo con đường sai lạc. Nguồn hạnh phúc của tất cả chúng sinh, lợi lạc to lớn cho tất cả sáu cõi, và tâm yếu của Đức Phật là cam lồ Pháp. Nhưng cam lồ Pháp đó sẽ chết sớm nếu mọi thành viên Tăng đoàn đều bị cuốn vào các hoạt động thế gian.
49. Đức Phật nói rằng giáo lý của Ngài, hay Phật Giáo, sẽ bị hủy diệt bởi chính các đệ tử của Pháp, và Tăng đoàn sẽ bị tiêu diệt bởi sự lăng xăng, bận rộn với của cải, vật chất, với các pháp thế gian. Vì vậy, các vị lạt ma có trách nhiệm bảo vệ và truyền bá giáo lý của Đức Phật phải dạy cho tất cả các thành viên trong Tăng đoàn tầm quan trọng của việc tu hạnh tri túc, để họ dành thời gian cho Giáo pháp và thời gian cho bất cứ những gì họ thực sự cần để nghiên cứu và thực hành. Cần có cách hiểu đúng đắn rằng không phải Thầy không có gì làm ngoài việc quan sát những hành vi sai trái của các vị tăng, hoặc Thầy chỉ trích họ để giải khuây; và cũng không phải Thầy sẽ hư tổn địa vị nếu họ giàu lên; vấn đề là tính thanh tịnh và lực gia trì của Giáo lý Phật đà sẽ bị mất, vẻ phong phú, đa dạng và những nét tốt đẹp của truyền thống Phật Giáo sẽ bị hủy hoại, nếu chúng ta quên giới nguyện Samaya của mình. Trên thực tế, không ai thực sự có khả năng thành tựu đồng thời cả Pháp Phật lẫn pháp thế gian, bởi vì sự thành công của các pháp thế gian hủy diệt Giáo Pháp, vì vậy chúng ta nên chỉ tập trung vào Đạo Pháp mà thôi.
50. Hầu hết mọi người ở khắp mọi nơi, kể cả những người theo đạo Phật, đều tốt. Họ tốt bởi vì họ đang cố gắng tuân theo và tôn trọng truyền thống văn hóa, tâm linh của họ. Nhưng, tất nhiên, có một số vấn đề ở khắp mọi nơi, kể cả trong các tu viện. Có thể một số cá nhân không thực sự cố ý hoặc không muốn tạo ra vấn đề, nhưng họ có thể không biết cách kiểm soát bản thân, hoặc họ vẫn đang trong quá trình thay đổi bản thân. Chính vì vậy, chúng tôi phải cố gắng giáo dục hoặc nhắc nhở họ đi theo đường đạo một cách liên tục và nhất quán.
51. Chừng nào chúng tôi còn nỗ lực giáo dục họ thường xuyên và họ cố gắng nghe lời, thì luôn có nhiều hi vọng để sửa mọi thứ thành tích cực. Nếu chúng tôi mất đi kham nhẫn và không lãnh đạo hoặc chấn chỉnh [tình trạng này] được thì mọi thứ sẽ tiến triển theo chiều ngược lại.
52. Samaya với Lamasang
53. May mắn là Thầy thấy rằng hầu hết mọi người chúng ta khá ổn định trong mối liên hệ nghiệp của họ với Lamasang và với Thầy. Thầy có thể nói với các bạn rằng tâm tín thành ổn định và vững chắc là phẩm tính mạnh mẽ nhất để đưa ta đến với đại an bình, ưu việt hơn bất kỳ phẩm tính nào khác. Lời khuyên của Thầy dành cho các bạn, những người tự cho mình là đệ tử tín thành của Lamasang, là nên ghi nhớ những gì Ngài đã nói với chúng ta, điều gì thực sự khiến Ngài hạnh phúc. Chúng ta có thể tưởng rằng tiền là cái tối thắng khiến Lamasang hạnh phúc, bởi ta có thể tưởng rằng Ngài thích tiền. Thực ra, tiền bạc đối với Lamasang chỉ là món đồ chơi hoặc là tờ giấy, và Ngài không bao giờ giữ tiền cho riêng mình. Lamasang có thể đã lấy tiền từ [túi] bạn, nhưng Ngài không lấy nó ra cho riêng mình, mà chỉ để sửa thói keo kiệt, bủn xỉn của bạn và sử dụng nó ở những nơi thực sự cần thiết.
54. Chúng ta có thể sắp xếp tất cả lời dạy hay ước nguyện của Lamasang dành cho chúng ta thành ba loại: (1) có tín tâm bất thối chuyển, (2) có tâm bi mẫn, và (3) an trụ trong Phật tính của mình. Nếu xem các video Lamasang giảng Pháp ở Mỹ thì có thể thấy Ngài luôn nói: cần phải nuôi dưỡng tín tâm để thấy Guru của mình là Phật, vì chỉ bằng cách này ta mới có thể đạt Phật quả.
55. Nếu bạn đang làm những việc khác với điều Lamasang đã dạy, thì bạn nên xem xét lại các hành vi này và sửa đổi trình độ tín tâm của bạn. Vì Ngài luôn chăm lo cho các bạn rất nhiều. Lamasang luôn muốn bạn ở bên cạnh Ngài, gần sát bên Ngài, chứ không phải ở đâu xa tắp. Giới nguyện Guru-đệ tử này được gọi là Samaya. Nếu Samaya của ai đó không thanh tịnh thì sẽ không có kết quả gì cả, cho dù người có đó chạy rong ruổi quanh thế giới cả triệu lần.
56. Thực ra, tu đạo đơn giản nếu bạn giữ nó đơn giản, nhưng bạn có thể làm cho nó thành phức tạp bởi do tâm tham của bạn; và khi đó chỉ xem nó như một trò giải trí, một show trình diễn. Nếu bạn có đủ lòng tin vào sự tu hành của mình, thì mọi thứ đều đẹp, bình yên, và tĩnh lặng. Không chỉ Lamasang và Thầy nói điều này, mà tất cả các bậc đạo sư [đều nói vậy]. Các Ngài đòi hỏi lòng tin mạnh mẽ, chân thật và không thối chuyển vào Guru, vào sự thực hành Pháp và dòng truyền thừa. Vì vậy, tất cả các bạn cần phải giữ tâm bình tĩnh, ổn định và tập trung giải bài tập về nhà do Lamasang giao cho các bạn.
57. Lòng biết ơn đối với Tăng đoàn
58. Thầy rất biết ơn tất cả những ai là học trò tốt của Lamasang và tất cả những người đã giúp đỡ và hỗ trợ Thầy từ khi Lamasang ra đi cho đến bây giờ, và có thể trong tương lai nữa, cũng như sự hỗ trợ các bạn dành cho Tăng đoàn và dành cho từng phần của tu viện mà Thầy đang duy trì. Với sự hỗ trợ này, Thầy đã có thể lo được nhiều thứ, bao gồm chi phí sinh hoạt căn bản cho tăng đoàn, học viên trường dạy nghề, nhân viên, người nghèo, người già và bản thân. Thực tế, Thầy sẽ khó thực hiện nhiều hoạt động và Pháp sự có ý nghĩa, những gì vốn là đối tượng tích tụ công đức, nếu không có sự hỗ trợ của các bạn.
59. Nguyện tất cả các bạn và chúng sinh hữu tình đạt được cảnh giới vô duyên từ bi, đại an bình, tự nhiên vô tác không thể nghĩ bàn, mà không gặp bất kỳ một chướng ngại nào.
Hungkar Dorje Rinpoche
Vườn Thành Tựu của Đại Mật Điện
Việt dịch: Lotsawa (Hiếu Thiện), tháng 1, 2021.
_______________________
i Rinpoche giải thích về ý này: “That means all donations use on the purposes and I give away things belong to me ok!” (Câu này có nghĩa là [cho đi] tất cả cúng dường có mục đích và Thầy cho đi những thứ thuộc sở hữu của Thầy.)