18.12.2022, Zoom
Song ngữ – chép Anh dịch Việt
“Con đảnh lễ dưới chân đức Surativajra.” Đây là đức Garab Dorje, “ngài là Phật Mâu Ni tái lai trong thân tướng Bồ tát.” ‘Mâu Ni’ có nghĩa là đức Phật Thích Ca Mâu Ni trở lại trái đất này lần nữa trong hình tướng của một vị Bồ Tát; và “ngài là bậc trì giữ kho báu trí tuệ của Vajrasattva.” Đức Garab Dorje thực sự là một hóa thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni; và Garab Dorje hoàn toàn là một bất khả phân với đức Vajrasattva, bởi vì ngài là bậc trì giữ, ngài có trí tuệ giống như đức Vajrasattva. Khi đản sanh, ngài tuyên bố rằng: “Bất cứ điều gì Kim Cang Tát Đỏa biết, ta cũng biết.” Đó là lý do tại sao chúng ta nói rằng đức Garab Dorje là người trì giữ kho báu trí tuệ của đức Kim Cang Tát Đỏa. “Ngài là bậc trì giữ ngọn cờ chiến thắng của Kim Cang Thủ.” Giáo lý Dzogchen được truyền từ đức Phổ Hiền Như Lai tới năm bộ Phật, đặc biệt tới đức Kim Cang Tát Đỏa rồi đức Kim Cang Tát Đỏa dạy giáo lý Dzogchen cho đức Kim Cang Thủ. Sau đó ngài Garab Dorje có linh kiến trực tiếp từ đức Kim Cang Thủ và ngài đã thọ nhận giáo lý Dzogchen từ đức Kim Cang Thủ.
Phần đảnh lễ đức Liên Hoa Sanh. “Đức Hải Sanh Kim Cang, xin gia trì cho trái tim con, ngài là đức Phật A Di Đà thị hiện trong hình tướng con người.” Đức Liên Hoa Sanh là một đạo sư Ấn Độ. Vì vậy, chúng ta gọi ngài là Guru. Guru Rinpoche sinh ra trong thân tướng con người, là một hóa thân của đức Phật A Di Đà. Và Phật A Di Đà giống như cha của đức Liên Hoa Sanh. Bởi chính nhờ trí tuệ và tâm Đại Bi của đức A Di Đà mà đức Liên Hoa Sanh đã thị hiện trong thân tướng con người. Vì vậy, hai ngài thực sự là một không khác, hai ngài là Phật và có cùng bản tánh.
Đức Liên Hoa Sanh, “ngài chính là Kim Cang Trì trong thân tướng của Mật chú vương.” Không lâu sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, đức Liên Hoa Sanh đản sanh trong một cái hồ trong thân tướng con người. Sứ mệnh của ngài trong thế giới này là truyền dạy và hoằng dương giáo Pháp Mật thừa. Guru Rinpoche là bậc đạo sư đầu tiên đã hoằng dương giáo pháp Mật thừa trong thế giới này một cách vô cùng rộng lớn. Tất nhiên, truyền thống Mật thừa đã tồn tại trong thời đức Phật còn tại thế. Đức Phật cũng chuyển bánh xe pháp Mật thừa khi ngài còn tại thế ở Ấn Độ nhưng sau đó trong thời của Guru Rinpoche, Mật chú thừa thậm chí đã trở nên còn phổ biến và sống động hơn. Vì vậy, nếu không có tâm đại bi, trí tuệ và sức mạnh của Guru Rinpoche thì Mật chú thừa không thể tồn tại và được hoằng dương rộng rãi trên trái đất này như hiện nay. “Saroruhavajra!” Thầy nghĩ rằng chữ đó cũng có nghĩa là ‘sanh ra trong hồ’ hay ‘sanh ra trong biển’ hoặc ‘Hải Sanh Kim Cang’. Và [Guru Rinpoche là] bậc trì giữ giáo lý Mật thừa và hoằng dương chánh pháp Mật thừa khắp nơi trên thế giới.
Phần đảnh lễ đức Longchen Rabjam. “Con đê đầu đảnh lễ gót sen của đức Longchen Rabjam, ngài là Văn Thù Sư Lợi trong hình tướng của Mật giáo thâm diệu, bậc khai mở bảo tạng của Kim Cang Cực Hỉ, Liên Hoa Sanh và Vimalamitra; ngài sống giản dị trong rừng núi hiến dâng toàn bộ đời mình cho học tập, nghiên cứu và thiền định.” Tất nhiên, chúng ta có nhiều vị đạo sư vĩ đại của dòng truyền thừa, nhưng ở đây Thầy chỉ nêu tên một số bậc tổ quan trọng nhất. Khi chúng ta nghĩ tưởng đến các chư vị, chúng ta đang nghĩ tưởng và kính lễ tất cả các vị đạo sư của dòng truyền thừa. Đức Longchen Rabjam là một đạo sư Dzogchen rất rất quan trọng trong lịch sử của Tây Tạng.
Sau đức Liên Hoa Sanh, Longchen Rabjam là vị đạo sư quan trọng nhất, người đã trao truyền [và hoằng dương] giáo lý Dzogchen một cách vô cùng, vô cùng sâu rộng. Đức Longchen Rabjam nổi tiếng là Văn Thù Sư Lợi, bậc hộ chủ của Mật Pháp thậm thâm bởi vì ngài đã trước tác rất nhiều bộ luận cực kỳ quan trọng của giáo Pháp Dzogchen. Các trước tác này là những bộ kinh sách quan trọng nhất mà chúng ta học tập, nghiên cứu ngày nay trên trái đất, đặc biệt là ở Tây Tạng. Vì vậy, chúng ta nói rằng ngài là bậc hộ chủ của Mật pháp thâm diệu. Và Longchen Rabjam là “bậc khai mở bảo tạng của Kim Cang Cực Hỉ, Liên Hoa Sanh và Vimalamitra.” Kim Cang Cực Hỉ, Guru Rinpoche và Vimalamitra – chúng ta có thể nói rằng đây là những vị đạo sư quan trọng nhất của truyền thống Dzogchen. Ở Tây Tạng, Longchen Rabjam đã đạt thành tựu tối cao bảo tạng của Garab Dorje, Padmasambhava, và Vimalamitra. Chúng ta nên hiểu rằng khi chúng ta nói “khai mở bảo tạng của các bậc đạo sư như vậy như vậy” thì điều đó có nghĩa là Longchen Rabjam là bậc sở hữu kho tàng trí tuệ của các bậc đạo sư đó.
Longchen Rabjam là một hành giả rất nghiêm túc và ngài đã dành trọn cuộc đời để nghiên cứu giáo lý và thiền định. Ngài đã sống trọn cuộc đời trong rừng núi, trong hang động một cuộc sống rất đơn sơ giản dị, có rất ít tham luyến. Ngài là một hành giả rất vĩ đại. Ngài nghiên cứu và học tập rất nhiều. Ngoài ra, ngài thiền định rất nhiều ở những nơi như Samye Chimpu và Kang-ri Thökar. Samye Chimpu là nơi chính mà Guru Rinpoche thường hành trì và Guru Rinpoche đã ban nhiều giáo lý ở những nơi đó cho hai mươi lăm đại đệ tử của ngài. Hai mươi lăm đại đệ tử này, tất cả đều đạt giác ngộ, trở thành những bậc tôn quý chính tại núi Samye Chimpu. Và Longchen Rabjam cũng chọn một nơi khác là Kang-ri Thökar, ngài sống phần lớn cuộc đời ở đó và thiền định Pháp Dzogchen rất nhiều năm. Ngài đã soạn ‘Bảy Kho Báu’ và những bộ kinh sách quan trọng khác. Tóm lại, ngài đã có thể bỏ lại sau lưng tất cả những bận rộn thế gian để thực hành Pháp. Ngài là một hành giả chân thực, là một hành giả rất nghiêm túc và rất tinh tấn. Tóm lại, ngài đã đạt thành tựu vĩ đại trên đạo lộ tu chứng.
Phần kính lễ đức Jigme Lingpa hay Jigdral Lingpa. “Con nguyện cầu đức Jigdral Lingpa ban thành tựu cho tâm con.” Chúng ta cầu nguyện và kính lễ các bậc đạo sư vĩ đại bởi vì chúng ta muốn nhận gia trì từ các ngài. Kính lễ các ngài và cầu nguyện đến các ngài là cách duy nhất để có thể nhận được gia trì từ các ngài. Jigme Lingpa hay Jigdral Lingpa, ngài là bậc có trí tuệ bẩm sinh xuất hiện không cần nghiên cứu, học tập. Đức Jigme Lingpa rất khác với đa số các bậc đạo sư. Thông thường đa số các bậc đạo sư và những hành giả vĩ đại đều phải nghiên cứu, học tập rất nhiều.
Đức Jigme Lingpa, trong những kiếp trước ngài đã học tập, nghiên cứu rất nhiều. Đó là một nguyên nhân. Và nguyên nhân thứ hai là ngài đã phát triển trí tuệ nhờ thiền định. Bởi vì nếu chúng ta thiền định đúng đắn, thiền định nhiều thì chúng ta có thể trở nên thông minh hơn, chắc chắn là như vậy. Vấn đề là ở chỗ chúng ta không học hành cẩn thận và không thiền định. Thậm chí nếu chúng ta có thiền định thì chúng ta cũng không biết thiền định như thế nào hoặc chúng ta chỉ để tâm mình trống rỗng hay một cái gì đó tương tự. Tuy nhiên, nếu bạn biết nên thiền định như thế nào và bạn thiền định rất nhiều thì tâm của bạn trở nên rất sáng rõ về tất cả mọi thứ, về chân tánh của vạn Pháp. Vì vậy, thiền định là nhân duyên thù thắng nhất để bạn có được tri thức.
Jigme Lingpa có một nơi thường nhập thất là Serang Jung. Ở nơi đó Ngài thiền định rất nhiều, ngài đã trở nên rất uyên bác nhờ thiền định đó. Tóm lại, trí tuệ bẩm sinh xuất hiện không cần học. Ngài nhìn thấy những điểm thiết yếu, thâm diệu của giáo Pháp Kinh thừa và Mật thừa và rất thông tuệ cả hai truyền thống. Một số cuốn sách của Ngài rất quan trọng, phổ biến, minh triết và thâm diệu. Jigme Lingpa trở thành một đạo sư Dzogchen rất quan trọng, một vị tổ của truyền thống Cổ mật. Ngài đã khai mở truyền thống Longchen Nyingthig và “Ngài là mặt trời vĩ đại của giáo lý Chân Như Quang Minh.”
Bộ giáo huấn được tổ Jigme Lingpa soạn có tên là Yeshe Lama – đó là một bộ luận rất quan trọng, phổ biến đến nỗi tất cả mọi người trong truyền thống Cổ mật đều cố gắng thọ nhận và thực hành một cách đúng đắn. May mắn là chúng tôi có những trung tâm nhập thất ẩn tu như vậy. Thời gian gần đây, chúng tôi đã xây thêm một số trung tâm nhập thất trong tu viện và chúng tôi có chương trình nhập thất hai năm cho pháp tu Yeshe Lama. Và đây là một hình thức hành trì rất phổ biến trong tất cả các truyền thống của phái Cổ mật ở Tây Tạng. Yeshe Lama là một giáo huấn quan trọng, minh triết và hoàn thiện tới mức một hành giả có thể đạt tới giác ngộ nhờ giáo lý này nếu thực sự hành trì một cách tinh tấn. Ngày hôm qua, chúng tôi lại bắt đầu một chương trình nhập thất hai năm cho các hành giả mới tới. Năm nay, tổng cộng có hơn 103 người nhập thất bao gồm chư tăng, chư ni và chư yogi. Lý do tại sao mà Thầy phải giải thích về điều này là bởi vì chúng tôi không chỉ nói rằng giáo lý là quan trọng và nó quan trọng như thế nào mà chúng tôi thực sự đang thực hành, chúng tôi hiến dâng đời mình cho việc thực hành Pháp và cố gắng đạt tới thành tựu, cố gắng ít nhất nhận ra được tánh của tâm và nỗ lực giảm thiểu những vọng niệm tiêu cực, những phiền não và giải thoát chúng nhờ các giáo huấn này.
Yeshe Lama dựa trên nền tảng các giáo huấn của Longchen Rabjam như là ‘Bảy Kho Báu’ hay ‘Bốn nhánh của giáo lý Dzogchen tâm yếu’ do Longchen Rabjam trước tác. Giáo lý Yeshe Lama làm lợi lạc cho rất nhiều người. Chúng ta có thể nói rằng đức Jigme Lingpa là mặt trời giáo pháp Chân Như Quang Minh. Thầy nghĩ rằng bởi vì chúng ta có kết nối nghiệp với các giáo lý này, ít nhất chúng ta có cơ hội để nghe tên của vị đạo sư và ít nhất chúng ta chấp nhận các giáo lý này. Tại sao Thầy nói như vậy? Bởi vì không nhiều người có được duyên nghiệp đó. Nhiều người không thực sự có một cảm giác gì khi họ nghe hoặc đọc giáo lý ấy. Có lẽ một số người còn nghĩ nó chẳng là gì cả hoặc nó làm cái gì đó sai lạc, còn chúng ta ít nhất chấp nhận và chúng ta theo cách nào đó thích giáo lý này. Theo Thầy, chứng tỏ chúng ta có nhiều phước báu. Chính vì nhờ kết nối thiện duyên đó mà chúng ta có thể thành tựu một cái gì đó nhờ giáo lý này nếu chúng ta cố gắng học tập, nghiên cứu và cố gắng thực hành. Ít nhất nhiều tu viện ở Tây Tạng bao gồm cả tu viện của chúng ta, mọi người đều hết sức đặc biệt nỗ lực [làm việc này]. Đặc biệt các vị tăng vào tuổi của Thầy. Bởi vì chúng tôi đã nhìn thấy gần như tất cả mọi thứ trong thế giới này, chúng tôi ít nhất đã thực sự nhìn thấy rất nhiều thứ ở nơi này và hiểu nhiều thứ. Bây giờ, chúng tôi nghĩ rằng cái quan trọng nhất là thực hành Pháp và thực sự có được thay đổi trong tâm. Không chỉ một vài kinh văn mà tất cả các kinh văn Phật giáo đều nói rằng mọi thứ đều không có ý nghĩa. Cuộc đời không có ý nghĩa. Đôi khi chúng ta không hiểu điều này nhưng khi bạn sâu trong nó một cách chân thật thì bạn có thể hiểu được. Vì vậy, Thầy hi vọng rằng tất cả mọi người đều cố gắng ở trong thế giới của Pháp, ở đó với thân khẩu ý của mình cùng với nhau. Hiện giờ chúng ta chỉ nói rằng Pháp là tốt, thực hành Pháp là tốt nhưng chúng ta không ở nơi đó. Chúng ta vẫn cứ ở trong luân hồi. Vẻ đẹp luân hồi (cười), luân hồi đẹp ở đây. Như vậy, chúng ta không thực sự trong thế giới của Pháp. Nhưng khi bạn thực sự trong thế giới của Pháp, bạn sẽ nhìn thấy mọi thứ hoàn toàn khác hẳn, bạn sẽ thấy, bạn sẽ cảm nhận mọi thứ hoàn toàn khác hẳn. Tất nhiên, chúng ta sẽ nói những điều này một cách sâu sắc hơn, rõ ràng hơn trong những chương tới. Còn đây là những gì mà Thầy suy nghĩ vào lúc này.
“Kính lễ đức Patrul Rinpoche.” Sau đức Jigme Lingpa, có một số vị thầy khác của dòng truyền thừa rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta đặc biệt nhắc tới đức Patrul Rinpoche bởi vì cuốn sách nhỏ bé này là một luận giải nhỏ về cuốn sách của Ngài. Đức Patrul Rinpoche là một vị đạo sư rất quan trọng trong truyền thống của chúng ta. Ngài cũng là một bậc đạo sư đại thành tựu giả vì vậy chúng ta gọi ngài là đức Kim Cang Trì Patrul. “Con xin cung kính đảnh lễ đức Kim Cang Trì Patrul.” Kim Cang Trì là vị Phật cao nhất trong cõi Phật. Đây là cách mà chúng ta thường gọi đức bổn sư của mình. Chúng ta nhìn thấy chư vị bổn sư là một không khác với đức Kim Cang Trì bởi vì một vị Guru có đầy đủ phẩm tánh có thể ban cho chúng ta trí tuệ của Kim Cang Trì. Đối với một hành giả, người cao nhất trong cuộc đời của vị đó chính là Guru. Chúng ta phải cố gắng để có được tri kiến thanh tịnh về Guru của mình, thấy ngài như là đức Kim Cang Trì. Cuộc đời giới hạnh thanh tịnh của đức Patrul Rinpoche noi theo tấm gương sáng của tổ Milarepa, người đã sống một cuộc đời rất đơn sơ giản dị, đã bỏ lại sau lưng nhiều thứ của thế gian và hiến dâng cuộc đời mình cho Pháp. Không giống như các vị lạt ma cao trọng, những người rất bận rộn và không thể buông bỏ, Patrul Rinpoche đã có thể bỏ lại tất cả mọi thứ và có cuộc đời giản dị đơn sơ giống như tổ Milarepa. Ngài Patrul Rinpoche không chỉ nổi tiếng về cuộc đời đơn sơ giản dị như đức Milarepa mà ngài cũng nổi tiếng vì ngài thông tuệ như đức Văn Thù Sư Lợi. Các giáo huấn của ngài rất quan trọng và đem lại lợi lạc cho nhiều người. Ở Tây Tạng, những người thuộc các truyền thống như Kayupa, Sakyapa, và Nyingmapa, đều nghiên cứu, học tập cuốn ‘Lời Vàng của Thầy Tôi’. Patrul Rinpoche có một tri kiến rất thanh tịnh và ngài đã bỏ lại sau lưng cuộc sống thế gian như một giấc mộng ảo; điều đó có nghĩa là ngài không còn tham luyến đối với bất cứ thứ gì.
Patrul Rinpoche không những là một học giả vĩ đại mà ngài còn là một hành giả lớn. Đây là một điều rất khác biệt. Chúng ta thường tưởng rằng những người nào có nhiều kiến thức về các kinh văn Phật giáo thì đó là người vĩ đại; tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ có thể buông bỏ mọi thứ. Họ có kiến thức, họ có cái miệng khéo léo và sắc bén nhưng đôi khi tâm địa lại xấu xa. Đức Patrul Rinpoche có cái miệng sắc sảo. Tất cả mọi người đều sợ ngài, sợ cái miệng của ngài. Bởi vì ngài là người rất thẳng thắn và ngài không bao giờ do dự để chỉ ra lỗi lầm của bất cứ một ai. Tuy nhiên, tâm Ngài thực sự rất thanh tịnh, ngài không có tham luyến và dính mắc. Vì vậy, ngài có thể bỏ lại sau lưng cuộc sống thế gian và buông bỏ tất cả mọi thứ. Đó là câu chuyện rất đặc biệt về ngài.
“Con xin kính lễ đức Orgyen Kusum Lingpa.” Tất cả mọi người đều biết Lama Sang và những câu chuyện về Lama Sang. Một số câu chuyện của ngài rất đặc biệt và kỳ diệu. “Ngài được tán thán trong tiên tri của nhiều bậc hiền thánh. Các bậc hiền thánh ở đây có nghĩa là các vị đạo sư vĩ đại, có trí tuệ để nhìn thấy được tương lai. Các bậc hiền thánh này tiên tri về Lama sang rất nhiều: ngài là hóa thân của ai, ngài sẽ khai mở những phục tạng [terma] nào, ngài có thể làm gì để lợi lạc cho mọi người và cho Phật pháp… Nhiều hoạt động quan trọng của Lama Sang trong cuộc đời của ngài đã được nhắc tới trong các tiên tri của nhiều vị đạo sư Kim Cang khác nhau. Thầy nghĩ rằng đa số các bạn chắc có biết những câu chuyện này bởi vì có những bản dịch tiểu sử của Lama Sang bằng tiếng Việt và tiếng Anh. “Ngài là hóa thân huyễn bí mật của Kim Cang Thủ.” Đôi lúc chúng ta nghĩ “huyễn” là cái gì đó sai nhưng ở đây ý nghĩa của nó là hóa thân huyễn bí mật, có nghĩa là giống như giấc mơ mà trong đó mọi thứ đều không có thật. Nó không thật như chúng ta tưởng. Bản tánh của mọi thứ và cái chúng ta nhìn thấy là khác nhau. Đôi lúc chúng ta thấy mọi thứ có vẻ như chắc thật và có thật nhưng chúng không như vậy. Lama Sang là một hóa thân của đức Kim Cang Thủ, “bậc khai mở bảo tạng phục điển theo huấn lệnh của đức Liên Hoa Sanh.” Nương lực gia trì và tâm đại bi của đức Liên Hoa Sanh, Lama Sang đã trở lại trái đất này để thực hiện sứ mệnh của ngài. Chúng ta tới thế giới này là do nghiệp của chúng ta, do vô minh và do ý nghĩ và việc làm tiêu cực. Trong khi đó Lama Sang tự do tự tại tới thế giới này do đại nguyện và do sức mạnh của ngài. Ngài tới đây với sứ mệnh. Đó là sự khác biệt giữa Lama Sang và chúng ta trong việc sinh ra nơi đây.
Nhân tiện [Thầy nói thêm], hiện nay tu viện đã xây dựng được một thangka về cuộc đời của Lama Sang. Chúng tôi chuẩn bị để xuất bản bộ thangka này hay tiểu sử tranh của Lama Sang. Có hơn 50 bức vẽ khác nhau thể hiện những công hạnh quan trọng trong cuộc đời của Lama Sang. Chúng tôi xuất bản cuốn sách này với lời chú giải bằng tiếng Tạng, tiếng Anh và tiếng Hoa. Thầy nghĩ rằng cuốn sách này sẽ giúp các bạn hiểu nhiều hơn hay là ít nhất có thể có một cách nhìn mới, cách hiểu mới về ý nghĩa cuộc đời của Lama Sang. Đó là một mẩu tin quan trọng cho các bạn.
“Con không bao giờ quên tâm bi mẫn của các bậc Trì Minh ba dòng truyền thừa, những bậc uống từng chữ kim cang như uống cam lồ.” Tất nhiên, các bậc trì giữ dòng truyền thừa có một cách rất đặc biệt để nhận giáo lý và gia trì từ các vị tổ như đức Liên Hoa Sanh. Đức Liên Hoa Sanh là hóa thân của đức A Di Đà, ngài đã có thể tự mình hiểu mọi thứ. Dường như ngài không cần học gì từ người khác, nhưng vì sự tồn tại của dòng truyền thừa – đây là điều rất quan trọng. Bởi vì nếu không có dòng truyền thừa tồn tại giữa các bậc đạo sư thì không có truyền thống, không có giáo Pháp đầy đủ, hoàn thiện. Vì vậy, đức Liên Hoa Sanh đã tới thọ giáo đức Kim Cang Cực Hỉ, đức Shri Singha và nhiều bậc Trì Minh khác, nhiều vị Phật và nhiều vị Bồ Tát. Ngài đã thọ nhận nhiều giáo lý từ các vị thầy đó. Điều đó giống như người uống từng chữ kim cang.
Trong giáo lý, đặc biệt là giáo lý liên quan tới Dzogpa Chenpo, đây không phải là những chữ bình thường mà đó là cam lồ, là Kim Cang không thể hủy hoại. Những chữ này là cam lồ bởi vì nếu bạn nhận chúng vào tim mình thì bạn có thể chữa lành những vấn đề của mình, chữa lành sự vô minh và những căn bệnh của mình. Vì vậy, bất cứ ai uống từng chữ kim cang như uống cam lồ sẽ thành tựu nhờ pháp tu thâm diệu và đạt được những thành tựu cuối cùng cao nhất và mang lại lợi lạc thực sự. Các bậc đạo sư này rất trân quý giáo lý, coi trọng giáo lý như cam lồ vì vậy các ngài đã trở thành những bậc tôn quý. Các ngài đạt những thành tựu lớn. Các ngài nhận được rất nhiều lợi lạc từ giáo lý và các ngài có thể làm lợi lạc không những cho bản thân mà cả cho chúng sinh khác. Như vậy có hai lợi lạc: thứ nhất là tự lợi và thứ hai là lợi tha.
“Xin cho con được viết với tâm thanh tịnh.” Thông thường truyền thống [kính lễ] chư đạo sư dòng truyền thừa là để đền đáp lòng tốt của các ngài, để nhớ tưởng đến lòng tốt của chư vị và để có thể làm mọi thứ mà không gặp chướng ngại. Ví dụ, nếu Thầy muốn viết một cuốn sách mà không cầu nguyện đến chư đạo sư dòng truyền thừa thì Thầy có thể gặp khó khăn trở ngại và có thể không kết thúc được công việc này. Vì vậy, đây là truyền thống ở Tây Tạng và có lẽ là trong Phật giáo nói chung. “[Xin cho con được viết với tâm thanh tịnh] Nương nơi công đức bình thường tích lũy nhiều đại kiếp, lược giảng những giai vị giáo pháp thâm diệu rất khó gặp duyên lành để văn tư tu.” Nếu một người không có công đức, phước báu đặc biệt thì người đó không thể có duyên lành để gặp loại giáo lý thâm diệu như thế này và nhận gia trì từ giáo lý đó.
Để viết cuốn sách này cần phải có sự cho phép từ các vị tổ lớn của dòng truyền thừa. Ở đây, Thầy thỉnh cầu các vị lạt ma lớn của dòng truyền thừa cho phép Thầy được viết cuốn sách này. Tất nhiên, tâm thanh tịnh là quan trọng, nhưng quan trọng nhất là phải được phép. Tại sao? Bởi vì không phải ai cũng có thể viết được một cuốn sách như thế này. Thậm chí nếu một người có kiến thức thì điều đó cũng không có nghĩa là người đó có đủ các phẩm tánh và các nhân duyên để viết một cuốn sách. Vì vậy, sự cho phép bởi đức Bổn sư và các vị tổ trong dòng truyền thừa là rất quan trọng trong truyền thống Tây Tạng và trong truyền thống Phật giáo nói chung. Như vậy, Thầy thỉnh cầu tất cả chư vị lạt ma dòng truyền thừa nhắc tới ở trên và cả chư vị mà tên không nêu ra ở đây, để các ngài ban gia trì, trí tuệ và cho phép Thầy viết cuốn sách này, để nó làm lợi lạc cho tất cả mọi người.
Hết bài giảng ngày 18.12.2022
Việt dịch: Hiếu Thiện (Lotsawa)
Bản tiếng Anh do Trì Minh Tara & Diệu Huệ chép từ MP 3 bài giảng ngày 18.12.2022: https://drive.google.com/file/d/1VcaWzwpNA0zKOSI0RYMQVHjZjZD7sqUw
Kỹ thuật và đánh máy: Minh Hiền
___________________________________________
* Đây là bài giảng của Ngài Hungkar Dorje Rinpoche trên Zoom ngày 18.12.2022. Bài giảng có lược bỏ những phần nói về tổ chức buổi giảng. Tiêu đề do người dịch đặt để tiện cho người đọc.
1 các vị tổ trước đó – LND