Xin Hãy Giữ Vững Nếp Hành Trì Tốt Đẹp Này thử nghiệm
Hungkar Dorje Rinpoche
(nói chuyện với trung tâm An Lạc, 2019)
1. Buổi thứ nhất: New World, HCM.
Các đạo hữu An Lạc đã báo cáo với Rinpoche về việc xây dựng nếp tu chung hàng ngày của đạo tràng, từ sáng sớm 4.30 qua Zoom/Gotomeeting, bao gồm các thời khóa: thiền, các bài nhật tụng, ngondro.
“Các bạn không chỉ nói suông về việc tu hành mà các bạn thực sự đang thực hành Pháp.”
Rinpoche: Đây là một điều rất tốt đẹp, rất quan trọng rằng các bạn có mặt tối nay ở đây thực sự cố gắng tiếp tục việc hành trì, tu tập. Các bạn không chỉ nói suông về việc tu hành mà các bạn thực sự đang thực hành Pháp. Để hành trì, tu tập hàng ngày là việc không dễ dàng. Và để dậy sớm không chỉ một hoặc hai ngày mà hàng ngày lại là điều càng khó khăn hơn nữa. Đây là một việc làm rất quan trọng và sẽ có kết quả rất tốt. Bởi vì việc tu đạo đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, tinh tấn và nỗ lực.
Khi chúng ta nói: “Hành trì tu tập” hay “tu hành” thì có nghĩa là gì? Đây là một công việc lớn lao. Chúng ta đang cố gắng tịnh hóa nghiệp chướng, đoạn diệt vô minh. Đoạn diệt vô minh không dễ dàng chút nào. Vì không dễ dàng nên có người nghi ngờ liệu có đoạn diệt được vô minh hay không. Nếu không thì cố gắng làm gì. Tuy nhiên, đoạn diệt vô minh là điều có thể làm được. Phải mất bao nhiêu lâu cho việc này? Đây là câu hỏi lớn. Điều đó phụ thuộc vào căn cơ và hoàn cảnh, điều kiện của từng cá nhân.
Vì vậy, Thầy đặc biệt hết lòng khuyên các bạn nên cố gắng tiếp tục nếp hành trì tu tập này.
Thầy không chắc liệu có thể duy trì suốt cả cuộc đời được hay không. Một ngày nào đó bạn có thể cảm thấy mệt mỏi nhưng chúng ta phải tiếp tục chừng nào chuyện đó chưa xảy ra. Đây là một điều rất tốt đẹp cần phải làm.
“Thầy đặc biệt khuyến tấn các bạn hết sức cố gắng [giữ vững] việc hành trì này.”
Câu hỏi: Thưa Thầy con nghĩ rằng xét từ góc độ cá nhân, một vài người có thể bỏ cuộc, nhưng nếu còn Thầy, còn Tam Bảo thì vẫn còn những người tiếp tục hành trì tu tập, còn tồn tại nhóm tu.
Rinpoche: Đúng. Thầy không nói rằng tất cả bỏ cuộc nhưng một vài người có thể bỏ cuộc. Con người hay sinh tâm lười biếng, nhưng cố gắng tu hành dù chỉ một lúc nào đó thì cũng tốt rồi. Có một số người tu mạnh mẽ hơn những người khác, một số khác thì không được mạnh mẽ như thế. Tuy nhiên, các bạn làm được càng nhiều thì càng tốt, càng có hiệu quả cao. Và các bạn phải biết cách hành trì sao cho tốt. Chúng ta cần có hướng dẫn, chỉ dẫn tốt, cần một người thầy tốt và chúng ta cần có tâm tốt lành, sự đam mê tốt lành. Nếu chúng ta không có đam mê, hứng thú thì ngay cả khi có thiện duyên, có điều kiện tốt chúng ta cũng không làm được điều đó. Khi bạn có thiện tâm mong muốn tu hành, mong muốn nuôi dưỡng tâm bồ đề thì bạn sẽ làm được điều đó, sẽ nỗ lực để thành công.
Vì vậy, Thầy đặc biệt khuyến tấn các bạn hết sức cố gắng [giữ vững] việc hành trì này.
Điều cần thiết là phải giữ cân bằng bởi vì khi một ai đó cố gắng quá nhiều lúc ban đầu thì sau đó dễ sinh lười biếng, lờn tâm, thối chí. Do cố gắng quá nhiều, họ sinh mệt mỏi. Như vậy không thông minh. Ngoài ra, chúng ta cần cố gắng tranh thủ thời gian hành trì bất cứ lúc nào mình có thể. Bởi vì, các bạn có nhiều trách nhiệm khác nhau, nếu tập trung cho tu tập quá nhiều thì các hoạt động khác sẽ bị ảnh hưởng. Và sau đó, các bạn hối tiếc rồi gia đình phàn nàn và bạn sinh thối tâm. Cho nên đừng thúc ép mình quá nhiều mà mặt khác vẫn phải giữ tinh tấn không thối chuyển. Nếu hành trì đúng đắn chắc chắn sẽ có tiến bộ.
Thầy cũng nhận thấy một số thay đổi tốt ở mọi người, một số người có thay đổi tốt. Một số đỡ hung dữ hơn trước đây. Một số bớt vô minh hơn trước đây. Một số bớt mê tín, bớt sân hận so với trước đây. Đây là những thay đổi tốt xảy ra với họ. Vậy nên, Pháp thực sự vẫn còn sức sống. Pháp vẫn còn có tác dụng tốt nếu bạn tu hành đúng cách và tinh cần.
Và để cho việc thực hành Pháp đúng sức sống, chúng ta cần có một dòng truyền thừa không gián đoạn. Chúng ta cần một số hướng dẫn, chỉ dạy. Chúng ta cần có kết nối thanh tịnh. Chúng ta cần có tâm chí tín thành, lòng tin trong sáng và cần đức tính siêng năng, tinh tấn. Nếu hội đủ các điều kiện này thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt kết quả tốt. Kết quả tốt sẽ tới vì có nghiệp và nhân quả. Nếu đủ nhân và duyên thì chắn chắn sẽ trổ quả. Không thể không trổ quả.
“Dòng truyền thừa là một cội nguồn rất quan trọng để đạt được thành tựu.”
Dòng truyền thừa là một cội nguồn rất quan trọng để đạt được thành tựu. Các bạn có thể đọc những câu chuyện về cuộc đời của các hành giả trong đó có kể về các vị đạo sư. Các bạn sẽ thấy các Ngài truyền Pháp bảo từ vị đạo sư này sang vị đạo sư khác như thế nào, các Ngài đã gìn giữ Pháp bảo trong sáng như thế nào, các Ngài đã tu hành tinh tấn như thế nào, các Ngài đã thành tựu ra sao. Cần phải hiểu những chuyện này. Không có dòng truyền thừa thì không có cội nguồn của Pháp bảo. Vì vậy, có một dòng truyền thừa là rất quan trọng. Đặc biệt, đối với Phật giáo Tây Tạng, các dòng truyền thừa đều rất rõ ràng. Trong các truyền thống Phật giáo khác, đôi khi dòng truyền thừa không rõ ràng và điều này làm suy yếu cội nguồn của Pháp bảo, suy yếu sức mạnh của Pháp. Tóm lại, điều rất quan trọng là phải có một dòng truyền thừa.
Mỗi truyền thống Phật giáo Tây Tạng đều có một dòng truyền thừa không gián đoạn từ đức Phật tới vị Thầy gốc của hành giả. Điều rất quan trọng là phải có một dòng truyền thừa, các vị đạo sư dòng truyền thừa bởi vì chỉ khi đó mới có lực gia trì, gia hộ từ cội nguồn, từ những bậc như Kim Cang Trì, Guru Rinpoche.
Có nhiều người thích bịa chuyện và đó là lời nói dối trắng trợn. Khi bạn nói dối về dòng truyền thừa thì có nghĩa là bạn nói dối về tất cả mọi thứ (Rinpoche cười). Bạn là một kẻ đại bịp.
“Dậy sớm [tu hành] là một điều thật hoan hỷ để làm, hoan hỷ để biết bởi vì không nhiều người có khả năng làm được việc này.”
Tóm lại, Thầy khen ngợi các bạn vì các bạn dậy sớm để tu hành hàng ngày. Dậy sớm [tu hành] là một điều thật hoan hỷ để làm, hoan hỷ để biết bởi vì không nhiều người có khả năng làm được việc này. Không nhiều người thực sự bỏ chút công sức của họ vào việc tu hành. Cho dù họ có thể nói họ đang tu nhưng họ chỉ tu miệng mà thôi. Họ chỉ có vẻ vậy mà thôi. Còn nếu bạn thực sự làm như vậy thì đó là điều thực sự tốt. Nghiệp và nhân duyên không bao giờ hư dối. Nếu bạn bỏ công sức vào việc tu tập, hành trì thì bạn sẽ nhận được quả báo tốt. Chắc chắn như vậy, không có gì để nghi ngờ. Như Thầy đã nói, nhân quả không bao giờ hư dối.
Hết trích đoạn ngày 15.10.2019.
2. Buổi thứ hai: Time City, Hà Nội.
“… duy trì tính liên tục, không gián đoạn của hành trì tu tập, của các Phật sự thì vô cùng khó khăn.”
Rinpoche: Giữ tính liên tục là rất khó khăn. Là con người thì đương nhiên đối với chúng ta việc duy trì liên tục những hoạt động thế tục thuộc về thế giới vật chất, thế giới phàm tục dễ dàng hơn rất nhiều. Còn việc duy trì tính liên tục, không gián đoạn của hành trì tu tập, của các Phật sự thì vô cùng khó khăn.
Có một điều quan trọng là khi chúng ta nói về Pháp hay làm một điều gì đó cho Phật Pháp thì kết quả của công việc phụ thuộc rất nhiều vào tính liên tục không gián đoạn.
Nếu bạn thay đổi nhiều pháp tu, thay đổi nhiều Bổn tôn, Dakini thì bạn sẽ không đạt được gì cả. Điều đó gây ra mâu thuẫn [trong tâm bạn khi nghĩ về] các Bổn tôn khác nhau. Và điều đó có nghĩa là không đủ tâm chí tín thành. Do đó, khi bạn thay đổi nhiều pháp tu thì việc này sẽ làm suy yếu lực hành trì, công phu của bạn. Chính kết nối nghiệp, chính lời nguyện của bạn đã đưa bạn tới với bộ pháp mà mình đang tu, vì thế cần phải biết trân quý và tri ân bộ pháp đó. Nếu không thì mọi thứ sẽ là khiếm khuyết, không hoàn hảo, chỉ do bởi bạn không nhận thấy được giá trị của pháp mình đang tu, không thấy phẩm chất tốt đẹp của nó. Tóm lại, đức tính kiên định, sức mạnh của tâm, lòng tin vững vàng là nền tảng căn bản cho công phu hành trì của bạn, cho việc thành công trên đường tu.
“Xin hãy tiếp tục tinh tấn. Nếu không thì các bạn sẽ là kẻ thua cuộc lớn.
Liên tục không gián đoạn là chìa khóa của thắng lợi.”
Nhiều vị đại đạo sư [trong quá khứ] đã đạt được thành tựu lớn lao nhờ các pháp tu này. Điều đó cho ta thấy các pháp tu này có giá trị như thế nào. Nếu bạn nghĩ rằng pháp bạn đang tu không tốt lắm thì đó chỉ là trục trặc trong tâm bạn mà thôi, trong cách hiểu của bạn mà thôi. Không có gì khiếm khuyết trong bộ pháp mà bạn đang tu. Vì thế, bạn cần phải hiểu giá trị của pháp mình đang tu, lợi lạc của bộ pháp đó. Việc duy nhất chúng ta cần phải làm là phải giữ một lòng tin mạnh mẽ, chân thực và trong sáng. Cần phải có một thời gian nào đó chúng mới có thể đạt được những chuyển biến tốt trong tâm, trong cách nhìn của ta về con đường đạo. Lý do là vì chúng ta có rất nhiều bất thiện nghiệp và không thể nào tịnh hóa ngay được trong nháy mắt. Chúng ta cần phải có rất nhiều kiên nhẫn để thực sự tịnh hóa được những bất thiện nghiệp này.
Xin hãy tiếp tục tinh tấn. Nếu không thì các bạn sẽ là kẻ thua cuộc lớn. Liên tục không gián đoạn là chìa khóa của thắng lợi.
Hết trích đoạn ngày 27.10.2019.
Chép lời giảng tiếng Anh từ MP 3: Lotsawa.
Việt dịch: Lotsawa (Hiếu Thiện), tháng 10, 2019.
Link MP 3: https://drive.google.com/drive/folders/147o2VWfkxDUnnUeoZuvgjx3_ypEvHKam?usp=sharing
Chú thích:
i Tựa đề do người dịch đặt để tiện cho người đọc. Rinpoche đã ban pháp thoại cho các đạo hữu trung tâm An Lạc hai buổi gặp: tại tp HCM và Hà Nội năm 2019. Nội dung hai bài Pháp thoại được ghi âm, chép lại lời giảng tiếng Anh của Rinpoche và Việt dịch.
ii Trung tâm An Lạc do Rinpoche bắt đầu xây dựng từ năm 2013. Năm 2014, tại pháp hội ở An Lạc, khi đề cập việc xây dựng trung tâm An Lạc, Rinpoche đã ban bài Pháp thoại ngắn về việc xây dựng đạo tràng, trung tâm Pháp (Dharma centers) cho các đạo hữu tu học Pháp. Từ đó tới nay, Rinpoche đã ban một số bài Pháp thoại về xây dựng trung tâm, đạo tràng khi gặp các đạo hữu trung tâm An Lạc.
Viết bởi…
Dịch bởi…