Tích Lũy Công Đức

“… một chút công đức thì đáng giá hơn một trái núi nỗ lực.”

Các thành tựu nhất thời của cuộc đời bình thường cũng có thể được tạo ra bởi việc tích lũy công đức. Nếu chẳng có chút công đức nào thì mọi nỗ lực của ta dù to dù lớn đến đâu cũng sẽ thất bại. Ví dụ có những người chưa từng nỗ lực chút nào mà chẳng bao giờ thiếu thực phẩm, tiền bạc hay tài sản trong hiện tại là nhờ kho công đức họ đã tích lũy trong quá khứ. Những người khác tiêu phí cả đời đâm đầu vào mọi chỗ, cố làm giàu bằng thương mại, trồng trọt v.v… nhưng chúng không đem lại ngay cả chút lợi ích nhỏ bé nhất, và cuối cùng phải chết đói. Đây là những điều mà mọi người có thể tự thấy cho chính mình. Thậm chí điều này cũng thích hợp trong việc làm hài lòng các vị thần tài bảo, các Hộ Pháp và v.v… với hy vọng có được một thành tựu siêu nhiên tương ứng.

Như thế không thể ban cho ta điều gì trừ phi ta có thể thu hoạch được hoa trái (quả) đến từ hạnh bố thí (nhân) của chính ta trong quá khứ. Có một lần một ẩn sĩ không có gì để sống, vì thế ông bắt đầu thực hiện thực hành pháp tu Damchen . Ông trở nên lão luyện trong pháp tu đến nỗi có thể trò chuyện với vị Hộ Pháp như thể nói với một người khác, nhưng ông vẫn chưa đạt được thành tựu. Damchen nói với ông: “Ông không có ngay cả chút kết quả ít ỏi nhất đến từ bất kỳ hành động bố thí nào trong quá khứ, vì thế ta không thể đem lại cho ông một thành tựu nào.”

Một hôm nhà ẩn sĩ đứng vào hàng cùng một vài hành khất và được bố thí một tô súp đầy. Khi ông về nhà, Damchen hiện ra và nói với ông: “Hôm nay ta đã ban cho ông một vài thành tựu. Ông có nhận thấy không?”

“Nhưng tất cả các hành khất đều nhận một tô súp, đâu phải chỉ mình tôi,” nhà ẩn sĩ nói. “Tôi không thấy (dấu hiệu) thành tựu đến từ Ngài ra sao.”

Damchen nói “Khi ông nhận súp, một miếng mỡ lớn đã rơi vào tô ông, đúng không? Đó là thành tựu đến từ ta!”
Không thể khắc phục sự nghèo khổ bằng các pháp tu tài bảo và những pháp tu tương tự mà không có một vài tích tụ công đức trong những đời quá khứ. Nếu có những vị như các vị Thần Tài bảo thực sự có khả năng ban cho các thành tựu tài bảo siêu nhiên thì chư Phật và Bồ tát, với khả năng và năng lực có thể thực hiện các điều huyền nhiệm còn lớn hơn hàng trăm, hàng ngàn lần, và là những bậc Giác Ngộ đã hoàn toàn hiến mình để giúp đỡ chúng sinh ngay cả khi không được thỉnh cầu, thì chắc chắn chư Phật và Bồ Tát sẽ trút xuống thế giới này một khối lượng dồi dào của cải khiến tất cả mọi sự cùng khổ đều được giải trừ trong giây lát. Nhưng điều này đã không xảy ra.

Bởi bất kỳ những gì ta có chỉ là kết quả của công đức ta từng tích tụ trong quá khứ, nên một chút công đức thì đáng giá hơn một trái núi nỗ lực. Ngày nay khi những người thấy được chút ít của cải hay quyền lực ít ỏi nhất trong xứ sở man dại này của chúng ta, họ hoàn toàn sửng sốt và tán thán: “Ôi chao, ôi chao! Có thể có được chuyện này sao?” Thật ra có được của cải này cũng chẳng cần phải đòi hỏi gì nhiều trong cách tích tụ công đức. Khi tác ý của người cúng dường và đối tượng được cúng dường đều thanh tịnh, thì kết quả của hành động cúng dường này được minh chứng bởi câu chuyện của Mandhatri . Bằng hành động cúng dường bảy hạt đậu, ông đạt được vương quyền tối cao tận Cõi Trời thứ Ba Mươi Ba. Rồi có trường hợp của Vua Ba Tư Nặc (Prasenajit) mà quyền lực của ngài là kết quả của hành động cúng dường một đĩa thực phẩm nóng sốt không muối.
Khi Ngài Atisa đến Tây Tạng, xứ ấy giàu và lớn hơn ngày nay. Và tuy thế Ngài nói: “Tây Tạng thực sự là một vương quốc gồm các thành phố ngạ quỷ. Ở đây ta không thấy ai đang hưởng quả của việc đã từng cúng dường, thậm chí chỉ một lượng lúa mạch duy nhất cho một đối tượng thanh tịnh!” Nếu người ta thực sự cho rằng của cải hoặc một chút quyền lực tầm thường là cái gì thật kỳ diệu và tuyệt vời, thì trước hết đó là một dấu hiệu cho thấy tâm hồn họ nhỏ bé biết bao; thứ đến, điều này chứng tỏ họ bám chấp vào các hình tướng phàm tục ra sao; và thứ ba, họ không hiểu biết đúng đắn sự đơm hoa kết trái của tất cả mọi hành động, như đã được minh họa trước đây bằng hạt giống của cây asota – hoặc cho ta thấy họ không tin vào kết quả này cho dù họ có hiểu biết về điều đó.

 

“… thực hành mà không quan tâm đến việc con sống hay chết,
thì con sẽ chẳng bao giờ thiếu thực phẩm và quần áo.”

 

Nhưng bất kỳ ai có được sự xả bỏ chân thành và chân thật thì họ sẽ hiểu rằng trong tất cả những sự kiện hoàn hảo hiển nhiên được tìm thấy trong thế gian này – ngay cả việc giàu có như một long vương, có một địa vị cao như bầu trời, mạnh mẽ như sấm sét hoặc tươi đẹp như một ánh cầu vồng – không điều gì trong những thứ này có chút gì thường hằng, bền chắc hoặc có được chút thực chất nào. Những thứ như thế chỉ khơi dậy sự nhờm tởm, giống như một đĩa thức ăn béo ngậy được đem mời một người mắc bệnh vàng da. Việc tích lũy phước đức với hy vọng được giàu có trong đời này thì là điều hoàn toàn tốt lành đối với người thế gian bình thường, nhưng điều này khác xa Phật Pháp chân chính, vì Phật Pháp chân chính được đặt nền tảng trên quyết tâm giải thoát khỏi sinh tử.

Như tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nếu bạn đang tìm kiếm một Chân Pháp đưa tới giải thoát, bạn phải từ bỏ mọi tham luyến với đời sống thế tục như thể có quá nhiều nước bọt trong bụi đất. Bạn phải lìa bỏ quê hương và hướng về những miền đất vô danh, luôn luôn ở những nơi cô tịch. Bạn phải phấn khởi tu tập khi đối diện với bệnh tật và vui vẻ đương đầu với cái chết.
Một lần kia, một đệ tử của đức Dagpo Rinpoche vô song hỏi Ngài: “Trong thời đại suy thoái này thật khó tìm ra thực phẩm, áo quần và những thứ cần thiết khác để thực hành chân Pháp. Vậy con phải làm gì? Con cần nỗ lực để làm hài lòng các Bổn Tôn tài bảo, hay học một phương pháp hữu hiệu để trích ra các tinh chất, hoặc cam chịu một cái chết nào đó?” Bậc Đạo Sư đáp: “Dù con hết sức nỗ lực, nhưng nếu không có bất kỳ hoa trái nào của hành động bố thí trong quá khứ thì việc làm lành với các Bổn Tôn tài bảo sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, việc tìm kiếm giàu sang trong đời này thì mâu thuẫn với việc chân thành thực hành Pháp. Việc thực hành pháp trích xuất tinh chất ra từ các bất động vật thì bây giờ không còn phải như là trong đại kiếp tăng tiến nữa, khi mà tinh chất của đất, đá, nước, thảo mộc, v.v… đã tiêu tán. Bây giờ việc đó chẳng còn hiệu nghiệm nữa. Tự buông mình vào một cái chết nào đó thì cũng chẳng tốt. Sau này, sẽ rất khó khan để có thể có lại được một thân người với đầy đủ tự do và thuận lợi như con hiện có. Tuy nhiên, nếu con có niềm tin chắc chắn tận đáy lòng rằng con có thể thực hành mà không quan tâm đến việc con sống hay chết, thì con sẽ chẳng bao giờ thiếu thực phẩm và quần áo.”

Trước giờ, chưa từng bao giờ có một ví dụ nào về một hành giả chết vì đói. Đức Phật đã từng tuyên bố rằng ngay cả trong thời gian có nạn đói vô cùng thảm khốc, khi mà muốn mua được một lượng bột sẽ phải trả giá bằng một lượng ngọc, thì ngay cả lúc đó, đệ tử của Đức Phật cũng sẽ không bao giờ phải thiếu thực phẩm và quần áo. Tất cả các pháp hành trì mà chư Bồ Tát thực hiện để vun bồi công đức và trí huệ hay để giải trừ các chướng nhiễm chỉ có một mục đích duy nhất: đó là hạnh phúc của tất cả chúng sinh đầy khắp không gian. Bất kỳ ước muốn nào hầu đạt được Phật Quả viên mãn chỉ cho riêng bạn thì chẳng dính dáng gì tới Đại Thừa, huống hồ là thứ thực hành nhắm tới việc thành tựu các mục đích tầm thường của đời này.

Cho dù bạn có thể hành trì bất cứ loại pháp môn nào, dù là thực hành tích lũy phước đức và trí tuệ hay thực hành pháp tịnh hóa các chướng nhiễm, hãy thực hiện các pháp ấy vì sự lợi lạc của toàn thể chúng sinh vô biên, và đừng trộn lẫn pháp hành trì với bất kỳ thứ tâm tham luyến chấp ngã nào. Ngay cả khi bạn không ước muốn những điều này, thì như một tác dụng phụ, tất cả các lợi lạc, tiện nghi và hạnh phúc của riêng bạn trong đời này sẽ được đầy đủ, giống như khói tự xuất hiện khi bạn thổi vào một ngọn lửa, hay chồi lúa mạch tất nhiên sẽ nảy nở khi bạn gieo hạt. Nhưng đối với bất kỳ sự thôi thúc nào khiến bạn hiến mình cho riêng những điều đó (lợi lạc, tiện nghi và hạnh phúc) thì hãy vứt bỏ hết những thôi thúc này như vứt bỏ thuốc độc đi.

Trích “Lời Vàng Của Thầy Tôi”, trang 453 – file PDF
Việt dịch: Thanh Liên.

BBT LHQ trích, biên tập và giới thiệu.

CHIA SẺ