Thương Yêu và Bình An
Gửi bạn đạo của tôi khắp Đông Tây,
“Phải sống ra sao để hiển lộ trọn vẹn
những phẩm hạnh đặc biệt, cao quý trong cuộc đời của một con người?”
Chúng ta mang thân người sinh vào thế giới này. Khi trải nghiệm sướng khổ kiếp người ta bộc lộ những niềm vui nỗi buồn muôn vẻ. Ta như đứa trẻ lang thang qua hạnh phúc, khổ đau, cười đó rồi lại khóc đó.
Thử hỏi đâu là nguồn gốc của hạnh phúc, khổ đau vốn phù du vô thường như mây trên trời xanh vậy?
Có nhiều cách trả lời câu hỏi này, nhưng theo Đức Phật ta cần nhận ra rằng hạnh phúc, khổ đau là quả của nghiệp: thiện, ác và vô kí. Nếu phân tích và khảo sát câu trả lời này một cách đúng đắn, ta sẽ có được trí hiểu biết thâm diệu về chân tánh của vạn pháp. Vì vậy, đây là điều mà ta cần suy nghĩ, quán chiếu thật nghiêm túc. Điều này rất quan trọng vì con đường của chánh tư duy (tuệ tư) sẽ dẫn tới niềm tin vững chắc.
Như có nói [trong kinh] vũ trụ có sáu cõi. Loài trời và loài người được xem là sinh tồn ở cấp cao hơn là do cách họ suy nghĩ và hành động của họ. Chẳng hạn, ta có thể thấy sự khác biệt trong suy nghĩ và hành động có liên quan tới chữ “sướng vui” giữa con người và súc sinh.
Vậy, phải sống ra sao để hiển lộ trọn vẹn những phẩm hạnh đặc biệt, cao quý trong cuộc đời của một con người?
“Vắng bóng tình yêu và tình thân, hạnh phúc của con người sẽ tiêu tan.”
Nếu trong cuộc đời này ta bó hẹp mục đích hành động của mình quẩn quanh với những việc ăn uống, lo toan gia đình, quan hệ tình dục và sân hận với nhau, thì chúng ta sẽ chẳng tốt đẹp gì hơn con vật. Vì như ta đều biết động vật cũng chăm sóc con cái, chúng duy trì sự sống bằng cách giết hại và ăn thịt lẫn nhau. Bởi vậy, là con người chúng ta cần phải sống đời sống cao quý hơn, nhờ động cơ và hành động thiện lành.
Cõi chúng ta được gọi là “cõi người”. Và vì là “cõi người” nên nó phải được trang nghiêm bởi tình yêu và bình an. Loài người lớn lên nhờ tình yêu thương, đặc biệt là tình yêu của mẹ. Vắng bóng tình yêu và tình thân, hạnh phúc của con người sẽ tiêu tan.
Tình yêu thương giống như hạt giống, như ánh dương, nhờ đó mà bông hoa của hạnh phúc, bình an bừng nở. Vẻ đẹp và sức mạnh bắt nguồn từ nơi đó là cái chính yếu mà ta tìm kiếm trong cuộc đời.
Một đời người có nền tảng là tình yêu thương sẽ bình an, và cuộc đời bảo bọc trong tình thương yêu là cái mà chúng ta có thể nương cậy. Các nghiên cứu khoa học cho thấy trên đời có những kẻ hãm hại người, hủy phá của, và họ làm như vậy bởi chính họ đã không được nuôi dưỡng bằng tình thương và giáo dục thiện lành.
Các tôn giáo lớn mà con người tin tưởng đều dạy rằng có thiên đường, địa ngục và cõi người. Cõi người chẳng mấy dễ chịu nếu so với cõi thiên, nhưng so với địa ngục thì hạnh phúc hơn nhiều. Và chúng ta được dạy rằng cõi người là nơi ta có thể chuẩn bị cho một tái sinh ở thiên đường nhờ thiện hạnh.
Địa ngục khủng khiếp là nơi chúng sinh bị thiêu sống, đun sôi, lột da và băm vụn. Ở đó họ đau khổ khôn tả xiết vì bị lóc thịt, uống máu khi vẫn còn đang sống. Kiểu khổ đau đó không có ở thiên giới hay nhân gian.
Trên thế giới hiện nay ngày càng vắng bóng tình yêu thương yêu và an bình – cả trong ý nghĩ lẫn hành động. Trong khi đó tâm địa, hành vi xấu ác, tham lam thì cứ ngày một gia tăng ở khắp mọi nơi. Chúng ta cũng thấy trong những năm gần đây loài vật phải chịu nhiều đau khổ kinh hoàng. Chim chóc, chó, lợn và gia súc, rắn, ếch, cá tôm, nhện, bọ cạp, lạc đà và ngựa v. v. bị thiêu sống, luộc sống, lột da sống, nhai sống; máu chúng bị uống khi còn nóng ấm và da chúng dùng làm quần áo mặc.
Ở những vùng kém pháp luật và thiếu giáo dục, có những kẻ thiêu sống, chặt đầu người khác hay những việc độc ác tương tự, khiến nạn nhân khiếp sợ, đau đớn kinh hoàng trước khi chết. Đó không phải là hành vi của con người. Là con người thì xu hướng tự nhiên phải là yêu thương và quý trọng nhau.
Nếu con người hành xử thiếu tình thương và lòng bi, họ trở thành những kẻ sát hại con người, loài vật, và cuối cùng sẽ giống như đao phủ địa ngục hay loài cầm thú. Thần chết, kẻ sát nhân, loài cầm thú về bản chất là những kẻ hủy diệt cuộc sống con người và chẳng ăn gì khác ngoài thịt và máu ấm.
Trong Phật giáo, một số nói rằng có thể ăn thịt, và số khác nói rằng không nên. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu cẩn thận, chi tiết một cách trung thực các giáo huấn của Đức Thế Tôn, chúng ta thấy rằng, cả thừa thấp và thừa cao, cả Kinh điển và Mật điển, đều có chung quan điểm. [Phật] dạy rằng chúng ta cần phải y nghĩa chứ không y ngữ; và như vậy chúng ta thấy rằng Đức Phật đã kiên quyết ngăn cấm các đệ tử ăn thịt chúng sinh.
Trong Luật Tạng, có cả giáo lý về việc ăn thịt và không ăn thịt, nhưng trước hết có rất nhiều lời răn cho tăng già rằng các vị không nên ăn thịt. Phật cho phép ăn thịt chỉ khi có nạn đói hay khi ai đó bị bệnh. Và Ngài cũng cho một số người ăn thịt bởi nếu không họ chẳng thể đến với Phật Pháp. Ngoài những trường hợp đó, Phật nhấn mạnh rằng khi khỏe mạnh và điều kiện thuận lợi, tăng già không nên ăn thịt vì ham muốn.
Ở Tây Tạng xưa kia rau vô cùng quý hiếm và vì không có gì khác để ăn người ta thường ăn thịt gia súc và cừu. Trong giáo lý của Đức Phật, không có chỗ cho câu hỏi người ta có thể ăn thịt hay không, ngoại trừ khi việc đó là cần thiết để duy trì mạng sống. Vì thế, bạn có thể băn khoăn tại sao thậm chí ngày nay các lạt ma, tulku, khenpo và tu sĩ Tây Tạng vẫn ăn nhiều thịt như vậy. Đó là do thói quen từ quá khứ và thật khó để thay đổi tâm ham muốn hưởng thụ thịt.
Đại thừa dạy rằng chúng ta cần coi chúng sinh là cha mẹ mình và luôn chăm lo cho họ với tình yêu, lòng bi mẫn và tâm bồ đề. Lại nữa, giác ngộ không thể viên thành nếu thiếu thiền định về tình yêu thương đối với chúng sinh.
Bất bạo động là bản chất của Pháp và bạo động thì đối lập với tinh túy của Pháp. Vì thế, nếu bạn không chú tâm đến vấn đề ăn thịt, khoác da thú hay tương tự, thì đó cũng sẽ là việc gây hại cho chúng sinh.
Mục đích chính yếu của Giáo Pháp là đẩy lùi những ý nghĩ khởi từ năm độc trong tâm. Nếu tham, sân là nguồn gốc của hạnh phúc cho loài người thì sẽ chẳng cần Giáo Pháp. Thế nhưng, mọi bất hạnh đều đến từ phiền não. Bởi thế, chúng ta cần Giáo Pháp, phương thuốc tối thắng giúp giảm dần các vấn đề chúng ta gặp phải. Để đạt được mục đích hay sức mạnh của Pháp, chỉ giảng dạy thì chưa đủ, chúng ta cần đưa chúng vào thực hành.
“… nếu thực hành Đại thừa mà mang tâm đố kỵ
thì sẽ tạo ra ác nghiệp còn nhiều hơn nữa.”
Bản chất của luân hồi là điều cát tường sẽ luôn đi kèm chướng ngại. [Trong ta] luôn nuôi ngọn lửa đố kỵ với những người mà ta biết, ta có kết nối, những người ngang bằng hay cao hơn ta một chút, hoặc dễ nhìn hơn ta, nổi tiếng hơn ta vân vân. Bầu không khí đố kỵ đầy nhiễm ô xuất hiện và những chiếc gai độc của đố kỵ mọc lên ở các vị lãnh đạo, lạt ma, đạo sư, khenpo, đàn ông, đàn bà, người giàu và những tên trộm.
Chúng ta có thể thấy Phật giáo Tây Tạng cùng các truyền thống Phật giáo khác đang phát triển rộng rãi trên khắp thế giới. Cùng lúc đó, chúng ta cũng nhận ra những dấu hiệu cho thấy rằng các truyền thống và dòng phái đang ngày càng lo sợ về việc phạm vi [ảnh hưởng] bị suy yếu và đệ tử giảm dần về số lượng. Và khi do tuổi tác các vị thầy chỉ trích người khác và nói những điều không hay, đó là bởi họ không thể kiểm soát nổi hành vi bất thiện do tâm đã bị ô nhiễm bởi chất độc của đố kỵ.
Đức Bổn Sư Từ Bi thường dạy rằng khi tham, sân và đố kỵ lan tràn, đó là thời đại suy đồi. Đó là lúc mà chúng sinh rơi vào tầm ảnh hưởng của phiền não, vô minh và tà kiến. Vì thế, lúc này càng không thể lơi lỏng việc tu tâm, để ta có thể điều phục được tham và sân. Đức Phật dạy phải rời xa ác hạnh, vốn sinh từ tam độc, phải tu thiện hạnh, vốn có bản chất từ bi, và phải tu luyện tâm, kho chứa của phiền não. Đó là cách thức đúng đắn để thực hành Pháp.
Nếu hai người nữ là pháp lữ đồng tu sinh tâm ganh ghét nhau thì muôn lần tệ hại hơn hai người nữ bình thường khởi tâm đố kỵ. Và nếu thực hành Đại thừa mà mang tâm đố kỵ thì sẽ tạo ra ác nghiệp còn nhiều hơn nữa. Dù đó là một đạo sư, tulku, một nhà lãnh đạo, dù là ai chăng nữa thì tâm họ chắc chắn đang đầy cấu uế do tật đố. Cả Kinh điển Đại thừa và Mật điển đều dạy rằng bất kỳ ai đố kỵ và thiếu kính trọng, nói năng sai trái, xúc phạm hay chỉ trích một vị Bồ Tát, một hành giả đang tu Bồ đề tâm thâm diệu, thì kẻ đó đang tạo ra ác nghiệp to lớn.
“bậc Thầy là cội nguồn của đạo,
là cây trổ quả địa vị, là địa nuôi dưỡng hoa thiện hạnh.”
Liễu ngộ chân lí: bậc Thầy là cội nguồn của đạo, là cây trổ quả vị và địa, là địa nuôi dưỡng hoa thiện hạnh, là nắm được tinh túy lời dạy Đức Thế Tôn cùng luận giảng.
Chúng ta được dạy rằng bậc Thầy là người phát lộ cho học trò con đường thiện lành, hạnh phúc, vì thế cần xem Ngài cao hơn tất cả. Vì vậy, nếu một bậc thầy truyền cho ta Quy y giới, Đại thừa giới, hoặc giáo huấn Bồ đề tâm, thì thiện tri thức đó trở thành Thầy của ta. Và ta cần chăm sóc Ngài như cách ta làm với mắt, tim mình, hết lòng tôn kính Ngài. Nếu ta không kính trọng một bậc Thầy như vậy và nói những điều không xứng với Ngài, thì ta sẽ tạo vô lượng ác nghiệp trong kiếp này và các kiếp vị lai; nó sẽ khiến chúng ta đọa lạc. Đó là quan điểm của mọi Kinh điển và Mật điển, bởi thế đây là điều mà bạn không được phép quên.
Những lời ngắn gọn về Giáo Pháp này đến từ sâu thẳm trái tim tôi, đặc biệt dành cho tất cả những người mà tôi có kết nối Pháp ở cả phương Đông và phương Tây, được viết với động cơ chân thật, thiện lành, tại California xinh đẹp, miền Tây nước Mỹ, vào ngày 19 tháng 5 năm 2016, bởi một người mang tên Rigdzin Hungkar Dorje.
Việt dịch: Hiếu Thiện (Lotsawa), tháng 6, 2016.
BBT LHQ biên tập và giới thiệu.
______________
*Tựa đề là do người dịch dùng để người đọc tiện theo dõi.