Ba phẩm chất một Đạo sư cần có: hiểu biết, giới hạnh, trải nghiệm và chứng ngộ
Sự hiểu biết, kiến thức là phẩm chất quan trọng của một bậc đạo sư để dẫn dắt người tu đi trên con đường đạo. Vì vậy, sự hiểu biết là rất quan trọng. Khi một người nào đó không thông tuệ giáo lý, không biết phải dạy thế nào, phải dẫn dắt đệ tử thế nào thì đó là điều rất tồi tệ.
Tuy nhiên đó không phải là điều kiện duy nhất để trở thành một đạo sư tốt. Như Thầy đã nói trước đây, đạo hạnh tốt là rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn. Đôi khi những người thông minh, hiểu biết giáo lý lại có thể gây nhiều chuyện không tốt. Họ có thể nói dối, lừa phỉnh mọi người bởi vì họ rất khôn ngoan, khéo léo, nhưng đạo hạnh thì không tốt. Đạo hạnh tốt có nghĩa là trung thực và đạo hạnh kém có nghĩa là không trưng thực, dối trá. Vì vậy đạo hạnh tốt, kỷ luật tốt thậm chí còn quan trọng hơn cả kiến thức và hiểu biết tốt.
Lại nữa, trải nghiệm là yếu tố rất quan trọng, bởi vì nếu một người có hiểu biết, kiến thức, có đạo hạnh tốt nhưng không tu trì đầy đủ thì sẽ không có trải nghiệm, chứng ngộ gì cả. Khi không có trải nghiệm, chứng ngộ về đạo lộ, về giáo lý thì tâm vẫn còn rỗng cạn, không có sức mạnh. Khi đó tâm vẫn chưa đạt tới điểm rốt ráo của Pháp. Pháp đối với người đó vẫn còn xa vời, Pháp vẫn chưa thực sự có hiệu lực, sức mạnh đối với tâm [người đó]. Tâm [người đó] vẫn còn rỗng cạn, vẫn còn bình phàm, chưa được điều phục, mặc dù người đó có đạo hạnh tốt, hiểu biết, kiến thức tốt.
Như vậy, ba phẩm chất này rất quan trọng. Thứ nhất là hiểu biết, kiến thức, thứ hai là giới hạnh, và thứ ba là trải nghiệm, chứng ngộ. Ý nghĩa thực sự của phẩm chất chứng nghiệm là công phu thiền định thật nhiều, hết sức nỗ lực công phu thiền định để tự hoàn thiện mình trên đạo lộ. Khi một ai đó, một đạo sư nào đó tu trì nhưng không đạt được các trải nghiệm thì người đó không có chứng ngộ thực sự. Khi chưa chứng ngộ chân tánh thực tại, chưa đạt tới liễu nghĩa của giáo lý, thì cho dù người thầy rất thông minh, người đó cũng không thể dạy đệ tử, không thể làm lợi lạc được nhiều cho đệ tử. Trái lại, khi một bậc thầy dạy chúng ta với trải nghiệm và chứng ngộ riêng của mình thì sự dạy dỗ đó sẽ hiệu quả hơn nhiều, có lực gia trì lớn hơn nhiều, có sức mạnh lớn hơn nhiều. Việc dạy dỗ đó thực sự lợi lạc cho mọi người, giúp người ta hiểu được giáo lý. Tuy nhiên, rắc rối nằm ở chỗ có nhiều vị thầy, bao gồm cả bản thân Thầy, không có đầy đủ hiểu biết, trải nghiệm, chứng ngộ và tri kiến đúng đắn.
Vì vậy, những lời dạy của họ hầu như chỉ là những cuộc nói chuyện rỗng cạn. Nhưng đối với các bạn, cần phải tìm được vị đạo sư có đầy đủ những tánh đức mà Thầy đã nhắc tới: hiểu biết, đạo hạnh, trải nghiệm và chứng ngộ. Điều này rất quan trọng. Khi chúng ta nói trải nghiệm hay chứng ngộ thì “chứng ngộ” có nghĩa là trực chứng chân tánh của vạn pháp, tánh không, vô ngã, vô thường – đây chính là thực tại của vạn pháp. Còn “trải nghiệm” về căn bản có nghĩa là một người đã công phu tu hành rất thâm hậu trên đường đạo để trưởng dưỡng các tánh đức: từ, bi và bồ đề tâm. Khi đó người thầy thực sự có tâm bi mẫn. Không phải từ bi nơi cửa miệng, trong lời nói, mà là từ bi trong con tim, trong tâm. Đây là một phẩm chất rất quan trọng.
Trích “BA TÁNH ĐỨC CẦN CÓ CỦA MỘT BẬC ĐẠO SƯ: Ba Phẩm Chất Một Đệ Tử Cần Có”, Hungkar Dorje Rinpoche
Diệu Âm trích dẫn